Nếu có dịp đến với đất Kinh Bắc, bên cạnh việc thăm thú những di tích lịch sử, văn hóa lừng danh như di tích Yên Thế, chùa Vĩnh Nghiêm…hay các danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp, thì các bạn cũng không nên bỏ qua những đặc sản của vùng đất có văn hóa lâu đời…
Gà đồi Yên Thế
Ở Yên Thế, món gà đồi chính hiệu mới là thứ đáng để nhớ bởi “Yên Thế đệ nhất gà đồi. Thịt thơm lại chắc, ăn rồi thì mê”. Món gà đồi ngon nhất chỉ nên luộc chín tới, thịt gà còn chắc, giòn để chấm với muối trộn lá chanh, nước luộc ngọt lịm dùng để ăn kèm với cơm.
– Gà đồi Yên Thế là 1 trong 4 sản phầm được bình chọn Sản phẩm, thực phẩm tốt nhất Đông Nam Á – ASEAN bestfood. Như vậy, với chứng nhận này, “Gà đồi Yên Thế” đã trở thành sản phẩm nông sản hàng hóa mang thương hiệu mạnh không chỉ trong nước mà còn trên thế giới.Đây là giống gà ta được nông dân nuôi thả trên các đồi cao và các khu đất rộng. Gà đồi được nuôi thả tự nhiên, ngày chạy ở vườn đồi bắt côn trùng, tối nhảy lên cành cây cao hoặc nóc chuồng để ngủ. Do vậy gà rất nhanh nhẹn, mắt sáng long lanh, lông mượt, chân thẳng thon nhỏ, da chân vàng đều và sáng bóng, móng chân cùn do chạy nhảy, đào bới thức ăn… Thức ăn chủ yếu của gà đồi là ngô nên thịt gà thơm ngon, rắn chắc. Chắc chắn bạn sẽ không tìm thấy được từ bất kỳ loại gà nào từ vùng miền nào đạt được chất lượng như gà đồi Yên Thế.
Đừng quên đến với vùng đất huyện Yên Thế của tỉnh Bắc Giang để được thưởng thức loại gà đặc sản này nhé!
Rượu làng Vân
– Những chiếc thùng phi, chum rượu lớn được xếp dọc đường làng. Bước qua cánh cổng cổ kính này là ta đến với một vùng văn hoá lừng danh với nghề nấu rượu – đó là rượu làng Vân.
– Rượu làng Vân là thứ rượu đặc biệt thơm ngon đã làm biết bao người “say” trải qua nhiều thế hệ. Để đến cả những người đã thưởng thức của ngon vật lạ khắp bốn phương như bậc Đế vương Lê Hy Tông cũng chẳng kiệm lời ban sắc phong ngợi ca bằng mỹ từ “Vân hương mỹ tửu”.
– Người làng Vân nói riêng và người Bắc Giang nói chung tự hào với nghề nấu rượu làng Vân bởi qua mấy trăm năm, dưới các triều đại phong kiến, thứ rượu này từng là lễ vật tiến vua và thường xuyên sử dụng thưởng ẩm trong những yến tiệc chốn cung đình: “Vân hương mỹ tửu lừng biển Bắc Chiến công Như Nguyệt rạng trời Nam”
– Rượu làng Vân nổi tiếng thơm ngon nhiều người biết. Đối với những người sành rượu và ưa thích những loại rượu dân tộc thì rượu làng Vân là thức uống đặc sản vùng miền có thể sánh ngang với bất cứ một loại whisky hảo hạng nào trên thế giới bởi vị đậm đà đặc trưng của hương nếp cái hoa vàng, hương thơm nồng của tới 35 vị men thuốc bắc bí truyền, cái êm dịu của thứ rượu được chắt lọc và ủ kỹ để lọai bỏ hết cái sốc của mùi cồn và hàm lượng aldehyde. Còn đối với những người không sành rượu thì chỉ một lần thưởng thức rượu làng Vân cũng đủ để không thể quên được bởi cái cảm giác ngọt ngào như đang nhấm nháp một ly cocktail hoa quả thơm mát lấn át vị cay nồng, càng uống càng mềm môi, uống từ lâng lâng tới lịm dần và khi tỉnh dậy chẳng có cảm giác của người vừa say rượu.
– Giữa một thế giới rượu tây ta đủ loại ngày nay, về đất Kinh Bắc, thưởng thức đặc sản rượu làng Vân cùng những người bạn tại đây bạn sẽ thật sự cảm thấy mình “say”. Say không chỉ bởi những ly rượu mềm môi thơm nồng, say không phải vì những chiếc bình gốm đựng rượu quý không bao giờ cạn, mà “say” cái tình, cái nghĩa từ những cái bắt tay thật chặt, “say” những liền anh, liền chị đất Bắc Giang giàu lòng hiếu khách nức tiếng từ ngàn xưa qua những làn điệu quan họ say đắm gọi mời.
– Có về đất Bắc Giang thưởng thức rượu làng Vân (mảnh đất Vân Hà – huyện Việt Yên) mới hiểu hết ý nghĩa của hảo từ “Mỹ tửu”, mới hiểu hết ý nghĩa của việc thưởng thức rượu bởi rượu không chỉ cần phải thơm, ngon mà cách ứng xử trong văn hóa uống rượu cũng cần phải đẹp, chẳng thế mà mấy trăm năm về trước các bậc vua chúa lại chọn rượu làng Vân làm thứ để thưởng ẩm trong chốn cung đình quyền quý, cao sang.
Bánh đa nem Thổ Hà
– Xuôi về mạn Bắc, ghé thăm những làng nghề thủ công truyền thống, để thấy được những dấu ấn văn hóa nghìn năm trên mảnh đất Bắc Bộ. Những hình ảnh đó đã đi vào thơ ca, nhạc họa, vẽ nên một bức tranh mang đậm dấu ấn thời gian của xứ Kinh Bắc. Trong bức tranh muôn màu ấy người ta đặc biệt ấn tượng với làng cổ Thổ Hà, một địa danh nổi tiếng với nghề làm bánh đa nem cổ truyền.
“Ai về Kinh Bắc quê em,
Mà nghe quan họ, mà xem làng nghề.
Sông Cầu in bóng trăng thề,
Người đi người ở người về với ai.”
– Từ TP Hà Nội chạy xe khoảng 45 phút theo quốc lộ 1A, bạn sẽ tới được Thổ Hà, một làng nghề truyền thống thuộc xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.
– Có dịp về đây, bạn sẽ thật sự ngỡ ngàng khi được chứng kiến một không gian yên bình đến lạ, dường như cuộc sống náo nhiệt ngoài kia trở nên lạc điệu vô cùng. Hình ảnh cây đa, bến nước, con đò trở thành một dấu ấn không thể nào quên, thể hiện rõ nét nhất những đặc trưng lâu đời của quê hương phía Bắc.
– Với những bí quyết riêng, bánh đa của làng Thổ Hà nổi danh khắp chốn. Với hơn 400 hộ gia đình gắn bó với nghề cùng tính chịu thương chịu khó của người dân nông thôn miền Bắc, đặc sản bánh đa của Thổ Hà được ưa chuộng khắp mọi vùng miền.
– Tới thăm làng cổ Thổ Hà, người ta bắt gặp hình ảnh của những phên bánh đa được phơi ở bất cứ nơi đâu quanh làng quê mộc mạc này. Những mẻ bánh đa sau khi tráng xong được trải đều trên những tấm phên, đến khi khô giòn mang cất trong cót thành chồng.
– Đặc thù công việc đòi hỏi khá nhiều công đoạn tỉ mỉ khiến người dân vùng đất này tất bật luôn tay. Họ mong chờ những ngày có nắng để tạo nên những thành phẩm chất lượng nhất, để làm nổi danh hơn làng nghề truyền thống của quê hương.
Xôi trứng kiến
– Không phải là một trong những địa danh du lịch nổi tiếng nhất nhưng mảnh đất Bắc Giang sẽ khiến bản ngạc nhiên với một số đặc sản ẩm thực vô cùng độc đáo, ngon và hiếm trong đó có món “Xôi trứng kiến”.
– Xưa nay, người dân miền núi và trung du tỉnh Bắc Giang vẫn dùng trứng kiến để ăn và được xem như nguồn thực phẩm bổ dưỡng, có thể chữa bệnh. Tuy trong rừng có nhiều loài kiến, nhưng chỉ có một loài mà con người ăn được trứng của nó.
– Trứng kiến sau khi đã làm sạch, để ráo nước. Hành củ phi thơm trong mỡ già rồi cho trứng kiến vào xào, nêm gia vị cho vừa ăn. Đảo đều khi thấy dậy mùi thơm béo của trứng kiến và mùi thơm của hành là được. Khi xôi chín tới, xới ra đánh tơi. Trộn đều với trứng kiến đã sao vàng rồi cho ra đĩa, rắc một chút hành củ phi vàng lên trên, ăn nóng. Món xôi trứng kiến sau khi làm xong có vị béo của mỡ hành, bùi bùi của trứng kiến, dẻo thơm của xôi nếp. Khi ăn nghe tiếng trứng kiến nổ lép bép trong miệng mới thấy hết cái thú vị của món ăn này.
– Bất kỳ ai một lần được thưởng thức xôi trứng kiến cũng sẽ nhớ mãi. Có nhiều món làm từ trứng kiến nhưng thông thường người dân sử dụng trứng kiến để đồ xôi. Món xôi trứng kiến được làm từ gạo nếp nương, có thêm mỡ, hành và hạt tiêu, gia vị. Cách làm món xôi này đơn giản. Lấy gạo nếp vo sạch, đem ngâm trong nước ấm chừng 4-5 tiếng, sau vớt ra để cho gạo ráo nước, rồi cho vào chõ đồ. Khi thấy có mùi thơm của xôi, nếm vào miệng thấy dẻo, hạt gạo mềm, mọng là xôi được.
Món này nhiều địa phương của Bắc Giang đều có nhưng để nếm đúng vị mời bạn về vùng đất núi rừng Lục Ngạn – Bắc Giang nhé!
Vải thiều Lục Ngạn
Trong số các sản vật nổi tiếng của Bắc Giang không thể không nhắc tới vải thiều mà đặc biệt hơn là vải thiều Lục Ngạn. Quả vải thiều Lục Ngạn có đặc điểm khi chín có màu đỏ, vỏ mỏng, hạt nhỏ, cùi dày khi ăn có vị ngọt đậm khiến người ăn chỉ muốn thưởng thức thêm.
– Nằm cách TP Bắc Giang 40 km về phía Đông Lục Ngạn là một huyện miền núi được thiên nhiên ban tặng nhiều thắng cảnh đẹp như hồ Khuôn Thần, Cấm Sơn, đập Làng Thum… Khí hậu của Lục Ngạn khá ôn hoà với nền nhiệt độ trung bình thấp. Đặc biệt Lục Ngạn còn được biết đến là địa phương có nhiều sản vật nổi tiếng nhất là quả vải Thiều.
– Từ TP Bắc Giang thẳng quốc lộ 31 mất khoảng 1 giờ xe chạy chúng ta đến thị trấn Chũ trung tâm huyện Lục Ngạn. Nếu đến Lục Ngạn vào khoảng tháng 3 bạn sẽ được thưởng thức cảnh trí nên thơ của Lục Ngạn khi hoa vải nở trắng bên những vòm đồi lúp xúp và xa xa thấp thoáng những mái nhà của người dân địa phương. Nhưng vào khoảng thời gian từ cuối tháng 5 đến đầu tháng 7 Lục Ngạn trở nên đông đúc, nhộn nhịp lạ thường bởi vải thiều đã vào mùa thu hoạch. Vào khoảng thời gian này đứng ở bất kỳ đâu trên đất Lục Ngạn phóng tầm mắt ra xa bạn cũng bắt gặp hình ảnh những chùm vải chín mọng đỏ lúc liủ trên cây. Đây cũng là mùa người dân Lục Ngạn bận rộn nhất trong năm. Bởi ở Lục Ngạn nhà ít cũng có vài chục cây vải, nhiều thì hàng trăm, hàng nghìn cây. Mọi người ai nấy đều tập trung cho việc thu hoạch vải thiều và trên những gương mặt mướt mát mồ hôi do lao động vẫn ánh lên những niềm vui được mùa sau một năm lao động vất vả.
– Vải thiều được trồng ở Lục Ngạn khoảng vào những năm 90 của thế kỷ trước bởi những người nông dân quê gốc Hải Dương. Với sự cần mẫn hay lam hay làm người dân Lục Ngạn đã biến những vùng đồi khô cằn trước đây thành những đồi vải bạt ngàn mang lại sự no ấm cho những người trồng vải. Cây vải ở Thanh Hà vốn đã thơm ngon nổi tiếng lại được trồng ở vùng đồi đất đỏ pha lẫn sỏi trong vùng khí hậu ôn hoà của Lục Ngạn đã tạo thành một thứ quả ngon ngọt khiến người thưởng thức mê ly. Có thể nói mức độ thơm ngon của vải thiều đã vượt qua vải Thanh Hà và dành được rất nhiều cảm tình của người sành hoa quả trong cũng như ngoài nước. Quả vải thiều Lục Ngạn có đặc điểm khi chín có màu đỏ, vỏ mỏng, hạt nhỏ cùi dày khi ăn vải thiều có vị ngọt đậm khiến người ăn cứ muốn thưởng thức thêm và muốn mua thật nhiều để làm quà cho người thân.
Vải thiều Lục Ngạn nổi tiếng nhất cả nước, được xuất khẩu rộng rãi sang thị trường nước ngoài. Nếu có dịp mời bạn về huyện Lục Ngạn – Bắc Giang tự mình hái quả trên cây, ăn và cảm nhận hương đậm đà rất riêng của trái vải nơi đây nhé!
Mì Chũ
– Đi dọc quốc lộ 31, cách TP Bắc Giang 40km về phía đông, bạn sẽ đến thôn Thủ Dương, xã Nam Dương, huyện Lục Ngạn và được người dân tại đây giới thiệu đến làng nghề mì gạo Nam Dương, còn gọi là mì Chũ ngon nức tiếng gần xa.
– Cảm nhận đầu tiên khi đặt chân đến vùng đất này là màu trắng của những giàn bánh tráng phơi dựa vào các tường xây bao quanh nhà ở, vườn cây của các gia đình. Tìm đến các hộ sản xuất trong làng nghề mì Chũ thôn Thủ Dương, bạn sẽ được tận mắt tìm hiểu công đoạn sản xuất mì Chũ nổi tiếng.Quy trình sản xuất được làm tỉ mỉ và cẩn thận, đòi hỏi kinh nghiệm tích lũy qua nhiều năm của người dân làng nghề.
– Để tạo ra những sợi mì vừa dai, vừa ngọt bùi, người làng Thủ Dương phải qua rất nhiều công đoạn hết sức công phu.Quan trọng nhất là khâu lựa chọn nguyên liệu. Loại gạo được dùng là gạo bao thai Hồng. Giống lúa tạo ra loại gạo này được trồng trên vùng đất đồi Chũ. Đặc trưng của loại gạo này là tạo ra được những sợi mì có độ dẻo dai, độ trắng và hương thơm đặc trưng.
– Những hạt gạo trắng trong, căng mẩy được nhặt sạch, đem ngâm 6 – 8 tiếng, sau đó xay ra thành bột cho thật dẻo và sánh, lọc đi lọc lại nhiều lần rồi ủ qua một đêm.
– Từ tờ mờ sáng, người làm bánh đã phải dậy sớm đem bột ra tráng thành bánh để kịp phơi cho được nắng.
– Bánh tráng chỉ được phơi khi trời nắng, nếu thời tiết không thuận lợi người làm nghề sẽ dừng việc sản xuất, nếu không bánh đưa vào lò sấy không đảm bảo chất lượng.
– Khi bánh khô sẽ đem trần mỡ (mỡ lợn đã rán) rồi ủ, gấp bánh để sáng hôm sau thái bánh thành sợi và lại tiếp tục đem phơi khô, bó thành từng bó mì và đóng gói thành phẩm.
– Một mẻ bánh thường có ít nhất ba người làm, mỗi người thạo một khâu riêng. Người tráng bánh lo cho bánh chín đúng độ, người cắt bánh lo cắt sao cho đều, người đem phơi, đem ủ và thái thành những sợi mì đều đặn…
– Ngay cả việc cuộn và bó sao cho các sợi mì sóng đều, mượt trông đẹp như búi tóc của người thiếu nữ cũng là cả một nghệ thuật mà không phải là người làm mì nào cũng thực hiện được. Thường phụ nữ đảm nhận khâu này để sao cho bó mì chắc, đẹp và đều nhất.
– Tổng cộng từ các nguyên liệu, người thợ phải thực hiện rất nhiều quy trình trong hơn 36 giờ mới cho ra đời những sợi mì đặc sản dẻo, dai và mỏng manh.
– Được sản xuất bằng phương pháp gia truyền nên dù không sử dụng các chất bảo quản thực phẩm, hàng the… nhưng mì Chũ vẫn có độ giòn, dẻo, dai và thơm ngon. Đây là lý do khiến mì gạo Chũ tại Thủ Dương được ưa thích so với các loại mì gạo khác.
– Mì Chũ là món ẩm thực bình dân, có thể chế biến thành nhiều món như lẩu, mì xào hay phở… Ai từng được thưởng thức mì Chũ một lần chắc hẳn sẽ không quên màu trắng sữa, vị ngọt của gạo bao thai, giống lúa chất lượng cao nhất được trồng trên các chân ruộng cao ở vùng đất đồi, chịu được gió bão, sương sa. Đó chính là sự hòa quyện giữa gạo quê và nguồn nước trong lành của vùng núi đồi sông Lục, cùng với đôi bàn tay nghệ nhân làng nghề để làm nên đặc sản của một miền quê.
– Đặc điểm nổi trội nhất của mì Chũ là nếu chưa kịp ăn ngay khi để nguội vẫn không bị nát mà vẫn giữ được hương vị riêng. Bởi vậy, đặc sản mì Chũ ngày càng có chỗ đứng trên thị trường, nức tiếng gần xa và dần khẳng định mình so với các loại mì khác.
Nếu muốn thưởng thức đặc sản mì Chũ chính hiệu, bạn hãy tìm đến xã Nam Dương, huyện Lục Ngạn, Bắc Giang nhé!
Chè kho
– Chè đỗ đãi còn gọi là chè kho, được coi là một trong những món ăn truyền thống vào ngày tuần rằm hay dịp lễ tết. Nguyên liệu chính là đỗ xanh, đường kính trắng thêm chút vừng rang, hương va ni, tất cả hoà quện vào nhau tạo nên một món ăn mà từ lâu đã trở thành niềm tự hào của người dân làng Mỹ Độ – Bắc Giang.
– Để có món chè, việc đầu tiên của các bà nội trợ là lựa chọn nguyên liệu gồm: Đỗ xanh loại đẹp, đường kính trắng loại ngon cùng nguyên liệu phụ là mỡ nước rán từ mỡ khổ, hương va ni và vừng (dùng để rắc lên mặt đĩa chè).
– Dưới bàn tay khéo léo của các bà nội trợ nơi đây, món chè đỗ đãi phải trải qua nhiều công đoạn công phu, tỷ mẩn như: Lựa chọn đỗ, xay vỡ đỗ, ngâm bằng nước ấm hàng giờ đồng hồ rồi đãi sạch vỏ; cho đỗ vào nồi xâm xấp nước cho ngọn lửa vừa phải cho đến khi sôi thì vớt hết lớp bọt phía trên đi, tiếp tục đun tới khi đỗ bắt đầu nhuyễn thì cho đường vào…
– Kỹ thuật nấu cũng hết sức quan trọng, quyết định đến sự thành công của món chè và đây cũng chính là bí quyết của người làng Mỹ Độ, nó làm cho món chè đỗ đãi Mỹ Độ có hương vị đặc biệt thơm ngon khác hẳn so với món chè tương tự làm ở những nơi khác.
– Ngoài ra, để có đĩa chè hấp dẫn, khâu múc chè cũng phải có kỹ thuật, phải múc khi nóng đổ đều tay quay tròn trên đĩa để chè thành khuôn, phẳng tròn. Lúc này rắc vừng đã rang chín vàng, sẩy sạch vỏ lên trên mặt đĩa chè. – – Toàn bộ quy trình chế biến này kéo dài từ 6 – 8 giờ đồng hồ tùy tay nghề của mỗi người.
– Công thức của món chè đỗ đãi là: 1 kg đỗ thì cần 1,3 kg đường, nếu thiếu đường, chè sẽ không sánh, dễ vữa khi đổ khuôn.
– Chè đỗ đãi đạt yêu cầu phải ráo, có độ dai, mềm nhất định.
– Yêu cầu của một món chè đỗ đãi thành công là phải có vị ngọt thanh, tan nhanh nơi đầu lưỡi.
– Việc chế biến đã là một công phu nhưng việc thưởng thức cũng không kém phần cầu kỳ. Sẽ đặc biệt thú vị nếu như ta ăn chè đỗ đãi với xôi vò – loại xôi có thêm đỗ xanh nấu chín, giã nhỏ, nắm thành từng nắm rồi dùng dao thái tơi. Hai thứ đó được ăn lẫn cùng với nhau vừa ngon mát, lại vừa mang tính chất tráng miệng.
– Chính bởi điều này nên trên bất cứ mâm cỗ cưới hoặc ngày Tết nào của người dân tại đây cũng đều có 2 đĩa: chè đỗ đãi và xôi vò.
– Ngoài ra, người Bắc Giang vẫn còn có thói quen thưởng thức chè đỗ đãi với uống trà sen – một thứ đặc sản khác của vùng đất này vào buổi sớm. Ngoài tác dụng lót dạ, cái vị ngòn ngọt, bùi bùi của chè hòa lẫn với hương thơm thoang thoảng của sen còn làm cho đầu óc, tinh thần ta thoải mái hơn. Đó cũng là cái thú, cái nét rất riêng trong việc thưởng thức chè đỗ đãi.
– Vị bùi, thơm đậm đà cộng thêm chút quyện dẻo của đậu xanh, vị ngọt đượm của mật mía, hương bưởi phảng phất, vị nồng thơm của thảo quả, quế chi…tất cả đã đánh thức giác quan người thưởng thức món chè kho độc đáo của người Bắc Giang.
– Ngày nay mặc dù có bao món cao lương mỹ vị nhưng vào mỗi dịp lễ, tết trên mâm cỗ của người làng Mỹ Độ và các vùng lân cận món chè đỗ đãi vẫn được đặt trang trọng như một món tráng miệng khoái khẩu và còn là một món quà quê quyến rũ bao thực khách khi ghé qua quê hương Bắc Giang.
(Chè đỗ đãi – thứ đặc sản nức tiếng xa gần của Làng Mỹ Độ, thuộc Phủ Lạng Thương xưa và TP Bắc Giang ngày nay.)
Có thể bạn thích: