Bến Tre vốn nổi danh là xứ dừa, được bao bọc bởi sông ngòi kênh rạch lắm tôm nhiều cá, những vườn cây ăn trái trĩu nặng xum xuê. Những yếu tố do thiên nhiên ban tặng đó đã mang lại cho vùng đất này những món ăn đặc sản đậm chất dân dã mà căng tràn hơi thở tự nhiên. Nếu có dịp đến đây, hãy ghé qua nếm thử những món ăn này để hiểu thêm về đất và người Bến Tre.
Bánh chuối nếp nướng
Bánh chuối nếp nướng là một món ăn vặt dân dã của người miền Nam, mà theo nhiều người món ăn này xuất phát từ Bến Tre, nơi có nhiều chuối, dừa. Đây là một món ăn có cách làm cực kỳ đơn giản nhưng lại khiến nhiều người khó quên.
Nhân bánh là một quả chuối nguyên, được bọc trong lớp bột nếp. Cứ thế chiếc bánh được quấn một lớp lá chuối và đem nướng trên bếp lửa than. Khi lớp lá bọc ngoài vừa héo thì món bánh cũng đã sẵn sàng. Bánh chuối nếp nướng là một món ăn nguyên vị tự nhiên: vị ngọt thanh của chuối, vị bùi của bột nếp, pha lẫn hương thơm của nếp chín vàng cùng mùi lá bọc. Nếu muốn thưởng thức “kiểu cách” hơn nữa, chiếc bánh chuối sẽ được cắt ra và chan một lớp nước cốt dừa béo mặn đã qua chế biến. Chỉ một món ăn đơn giản nhưng nó gói trọn hương vị quê hương, mộc mạc giản dị như chính con người nơi đây.
Bánh phồng Sơn Đốc
Một món bánh tương tự như bánh tráng và được người dân Bến Tre tự hào không kém chính là bánh phồng Sơn Đốc. Một món bánh dân dã được làm từ bột nếp kết hợp với hương dừa phảng phất.
Bánh phồng khó nướng hơn bánh tráng. Khi nướng phải làm sao giữ cho bánh không bị khét mà vẫn phồng đều. Một chiếc bánh ngon thành phẩm sẽ có màu vàng rượm đẹp mắt, bánh phồng to. Bánh ăn vào thấy giòn xốp, vị ngọt thanh thanh vừa phải, thơm mùi nước cốt dừa beo béo. Món ăn vặt bình dân tuy không còn phổ biến nhưng ắt hẳn từng gắn với tuổi thơ của nhiều người.
Đuông dừa
Nếu bạn ghé thăm Bến Tre, ít nhất một lần bạn sẽ được giới thiệu cho món ăn có phần “kinh dị” này. Đuông được nhắc đến ở đây là một loại sâu sống trong thân dừa, thân tròn, thịt có vị béo, ngọt.
Đuông có thể chế biến theo nhiều kiểu như chiên giòn, hấp, nướng,… Nhưng cách chế biến ngon nhất là… không cần chế biến gì cả, và là cách chế biến được nghe nói đến nhiều nhất. Đuông được làm sạch, vẫn còn sống, được thả vào bát nước mắm trong, cho thêm vài lát ớt. Cách này thường gọi là “đuông tắm mắm”, cho đuông ngấm kỹ nước mắm rồi thưởng thức khi đuông vẫn còn ngoe nguẩy. Nghe thì rợn gáy, nhưng đây là cách mà người dân cho rằng thưởng thức được trọn vị đuông nguyên chất, béo ngọt nhất.
Kẹo dừa
Nếu là khách từ phương xa đến Bến Tre, hẳn khi về ai cũng phải mang trong hành lý một gói kẹo dừa về làm quà. Được làm ra từ loài cây đặc trưng của Bến Tre, không ngoa khi nói không ở đâu có thể làm món kẹo dừa ngon hơn nơi đây.
Kẹo dừa Bến Tre được làm từ nước cốt dừa nguyên chất thơm béo, pha vị ngọt ngào của đường mía. Nếu bạn muốn lạ miệng, kẹo dừa sẽ được pha thêm với sầu riêng, khoai môn, cà phê,… những sự kết hợp lạ lùng mà để lại hương vị đặc trưng đến không ngờ. Khi đi thăm các xưởng làm kẹo, bạn còn được nếm thử món kẹo dừa vừa mới ra lò, hãy còn nóng và chưa cứng lại hẳn, để xuýt xoa thấy vị ngọt lan tỏa trên đầu lưỡi, đem lại cảm giác khó quên.
Bánh xèo ốc gạo
Bánh xèo vốn đã là món ăn đặc sản của miền Nam. Về đến tay người Bến Tre, nó được biến tấu trở thành món ăn mà ai đã thưởng thức rồi đều mong một lần ghé lại.
Bánh xèo ở Bến Tre vốn nổi tiếng với bột bánh nược pha thêm nước cốt dừa béo ngậy, tạo một mùi vị rất riêng hiếm có thể tìm thấy ở đâu. Nhân bánh cũng đặc trưng bởi giá, củ sắn, và “đỉnh cao” là ốc gạo. Ốc dai dai, bùi và ngọt, đem đến dư vị lạ không hề giống các loại nhân mặn khác như tép, hến, thịt,… Gắp một miếng bánh vừa đổ ra đĩa, kẹp chung với rau vườn cay cay tươi mát, chấm cùng nước mắm được pha đặc biệt với nước dừa tươi, đó chính là bánh xèo đặc sản Bến Tre, Đặc biệt, để được thưởng thức bánh xèo ốc gạo, bạn phải canh về thời điểm tháng 4 đến tháng 7 Âm lịch – mùa ốc gạo sinh sôi nảy nở.
Chuối đập
Một món ăn khác làm từ chuối và nổi danh ở Bến Tre là chuối đập. Nghe đến chuối đập, hẳn nhiều người ngạc nhiên vì tên gọi của nó. Nhưng quả là không còn cách gọi nào đúng hơn với cách làm ra món ăn này.
Thành phần chính của món ăn này là một trái chuối, chính xác là loại chuối xiêm đang chín tới. Chuối sẽ được để vào trong bao ni lông và… đập. Sau đó chuối sẽ được đem nướng trên bếp than đến khi chuyển sang màu vàng óng.
Xuýt xoa cùng món chuối nướng nóng hổi là nước cốt dừa được nấu đặc, cho thêm gia vị và hành lá. Tưởng chừng hai mùi vị đối lập nhau nhưng khi nếm thử một miếng chuối cùng nước cốt, bạn sẽ phải bất ngờ vị sự kết hợp độc đáo này. Đây được ví như một món ăn được thiên nhiên ban tặng cho đất Bến Tre.
Cơm dừa
Nếu ở miền Bắc có món cơm lam được nấu trong ống tre rất nổi tiếng, thì miền Nam cũng không hề kém cạnh với món cơm dừa đến từ Bến Tre. Đây là một món ăn cầu kỳ và phức tạp, đòi hỏi nhiều kinh nghiệm. Ngày nay, hầu như món này chỉ được bán trong những nhà hàng đặc sản.
Cơm trước khi đem đi nấu sẽ được vo bằng nước dừa xiêm, sau đó được để vào một trái dừa và đem đi chưng cách thủy. Trái dừa được chọn để nấu cơm thường là dừa xiêm, được gọt tỉa đẹp mắt và khoét một chiếc nắp đủ để cho gạo vào. Bí quyết để làm món này là canh chuẩn xác giữa lượng gạo và nước dừa cho vào, đảm bảo hạt gạo nở vừa đủ, xốp, ngọt, không bị quá nhão hay quá khô. Món cơm thấm đượm vị dừa này dùng để ăn kèm với các món ăn mặn khác, mà đặc sắc nhất là món tép rang dừa béo, mặn, kích thích vị giác, khiến ai nghe tới cũng phải thòm thèm.
Bánh canh bột xắt
Bánh canh bột xắt, hay còn gọi là bánh canh bột gạo, là một món đặc trưng ở miền Tây. Ngày nay, tuy không còn xuất hiện nhiều như trước, nhưng về đến Bến Tre, bạn không thể nào bỏ qua món này.
Sở dĩ gọi là bánh canh bột xắt vì sợi bánh canh được làm từ bột gạo cán mỏng, sau đó xắt ra thành từng sợi vuông, mỏng chứ không đem vào khuôn ép thành sợi tròn. Khi nấu, sợi bánh canh được nấu nhừ cùng với nước, tạo ra nước dùng sền sệt giống như cháo. Thường thì bánh canh bột xắt được nấu với rất nhiều nguyên liệu như tôm, huyết,… nhưng phổ biến nhất vẫn là thịt vịt. Thịt vịt trước khi cho vào nấu cùng với bánh canh sẽ được ướp gia vị rồi xào săn qua, tạo nên vị đậm đà. Người nấu thường cho thêm tôm khô vào bánh canh để tạo vị ngon ngọt tự nhiên.
Một tô bánh canh bột xắt được mang ra với làn khói nghi ngút, thơm vị cay nóng của tiêu, nếm thử thấy gia vị đậm đà và sợi bánh canh dai ngon lạ miệng, khó lòng cưỡng được. Nếu là người sành ăn, khách hàng sẽ gọi thêm một chén huyết nếp bùi bùi mà béo ngậy, chấm cùng với đĩa nước mắm gừng làm vị cho món bánh canh.
Có thể bạn thích: