Hà Giang vốn được biết đến với mùa hoa tam giác mạch hồng rực nơi cao nguyên đá, nhưng phải ai đã đến nơi đây mới biết Hà Giang nơi nào, mùa nào cũng đẹp, vẻ đẹp từ chính cảnh núi non hùng vĩ nơi đây. Nếu có cơ hội đến với Hà Giang các bạn đừng bỏ qua những địa điểm thú vị này nhé!
Con đường hạnh phúc
Con đường hạnh phúc bắt đầu khởi công ngày 10/9/1959 có chiều dài khoảng 200km chạy từ Hà Giang qua cao nguyên đá Đồng Văn và đỉnh Mã Phí Lèng rồi đến Mèo Vạc. Con đường dài khoảng 200 km này được hàng vạn thanh niên xung phong thuộc 16 dân tộc của 8 tỉnh miền Bắc Việt Nam làm trong 6 năm (1959 – 1965) với trên 2 triệu lượt ngày công lao động. Con đường Hạnh phúc là cầu nối mang lại ánh sáng cho rẻo cao, không chỉ nhuốm công sức mà cả máu và mạng sống của bao thanh niên xung phong thuở ấy.
Cột cờ Lũng Cú
Cột cờ Lũng Cú là một cột cờ quốc gia nằm trên đỉnh Lũng Cú hay còn gọi là núi Rồng (Long Sơn) thuộc xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Từ bãi đỗ xe giữa lưng chừng núi, du khách chinh phục 286 bậc đá lên độ cao 1700m, đặt chân lên đỉnh Lũng Cú, đứng dưới lá cờ đỏ sao vàng phần phật tung bay, lá cờ có diện tích 54m2, ẩn dụ của 54 dân tộc anh em trên đất nước Việt Nam. Đây là nơi mà bất kỳ ai là con lạc cháu hồng đều muốn được chinh phục một lần điểm cực Bắc thiêng liêng khi đến với Hà Giang.
Dinh thự họ Vương
Khu dinh thự của vua Mèo hay còn gọi là Dinh thự họ Vương, Nhà Vương tọa lạc trong một thung lũng thuộc địa bàn xã Xà Phìn, huyện Đồng Văn, Hà Giang. Toàn bộ dinh thự vua Mèo có diện tích gần 3.000 m2, được khởi công vào năm 1919 và hoàn thành vào 9 năm sau đó tức 1928. Quá trình xây dựng tốn 15 vạn đồng bạc trắng Đông Dương, tương đương 150 tỷ đồng ngày nay. Dinh thự xinh đẹp hình chữ Vương được bao quanh bởi hàng cây sa mộc, vẫn được bảo tồn một cách nguyên vẹn sau bao thăng trầm lịch sử, mưa gió dập vùi, mang theo nó là một câu chuyện lịch sử vô cùng hấp dẫn thu hút du khách bốn phương.
Thung lũng Sủng Là
Từ hướng Yên Minh lên thị trấn Đồng Văn, đến ngã ba Phó Bảng, nơi con đèo xinh đẹp ôm trọn một thung lũng xanh, đó chính là Thung lũng Sủng Là – “đóa hoa hồng” của cao nguyên đá. Sủng Là nằm giữa những dãy núi đá tai mèo nhấp nhô, thâm sẫm một màu, những ngôi nhà vững chãi với mái đã phai màu thời gian. Người Mông ở Sủng Là trồng tam giác mạch và hoa cải trên đồi đất cao, trồng ngô, lúa ở vùng đất bằng nơi đáy thung lũng. Chen lẫn trong màu xanh non của ngô, lúa, màu tím hoa cà của hoa tam giác mạch và màu vàng của nắng là màu xanh đậm của rừng sa-mu sừng sững giữa đất trời.
Núi đôi Quản Bạ
Núi đôi Quản Bạ nằm bên quốc lộ 4C, cách thị xã Hà Giang 40 km, thuộc địa phận thị trấn Tam Sơn,huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang. Núi Đôi Quản Bạ có hình dáng tròn trịa, đầy quyến rũ, trông giống như bộ ngực căng tròn của nàng tiên đang say giấc nồng. Giữa những núi đá trùng điệp và ruộng bậc thang nổi lên hai trái núi có hình dáng, thế đứng ngồ ngộ khiến du khách không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp kỳ vĩ của tạo hóa.
Làng văn hóa Lũng Cẩm
Làng văn hóa Lũng Cẩm Trên thuộc xã Sủng Là, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Nếu nói Đồng Văn là một cao nguyên đá trùng điệp giữa đại ngàn thì Lũng Cẩm Trên chính là thung lũng bé nhỏ nằm gọn trong lòng cao nguyên đó. Một thung lũng nhỏ bé với chỉ vài chục hộ người Mông sinh sống nhưng đời sống văn hóa trên địa bàn rất đặc sắc và có những tập tục, những nét riêng biệt cùng với cảnh quan và con người đã thu hút nhiều nhà nhiếp ảnh, nhà làm phim và là nơi khởi nguồn sáng tác cho nhiều tác phẩm nghệ thuật. Trong đó, điển hình, Làng Lũng Cẩm đã được chọn làm bối cảnh trong phim nhựa “Chuyện của Pao”, bộ phim này đã đạt giải thưởng Cánh diều vàng của Hội Điện ảnh Việt Nam.
Đèo Mã Pì Lèng
Đèo Mã Pí Lèng (còn có âm đọc là Mã Pì Lèng, Mã Pỉ Lèng, Mả Pì Lèng) thuộc tỉnh Hà Giang là cung đường đèo hiểm trở dài khoảng 20 km vượt đỉnh Mã Pí Lèng, một đỉnh núi có độ cao khoảng 1.200m thuộc Cao nguyên Đồng Văn, nằm trên con đường mang tên Đường Hạnh Phúc nối liền thành phố Hà Giang, Đồng Văn và thị trấn Mèo Vạc. Với cảnh quan hùng vĩ mang tầm đệ nhất hùng quan, những cung đường hiểm trở có một không hai như đèo Mã Pì Lèng nhiều người còn ví von rằng: “Bất đáo Pì Lèng phi phượt thủ” (Chưa đến Pì Lèng chưa phải là phượt thủ bậc thầy). Tuy rằng hiện nay đèo Mã Pì Lèng đã được bê tông hóa, những chỏm đá lởm chởm đã không còn được như xưa nhưng vẫn rất thu hút du khách bởi khung cảnh hùng vĩ của nó.
Cao nguyên đá Đồng Văn
Cao nguyên đá Đồng Văn trải dài trên địa bàn bốn huyện Quản Bạ, Yên Ninh, Mèo Vạc và Đồng Văn nằm cách thành phố Hà Giang 132km theo đường quốc lộ 4. Năm 2010 cao nguyên đá Đồng Văn đã được Hội đồng tư vấn Mạng lưới Công viên Địa chất Toàn cầu (GGN) của UNESCO chính thức công nhận là Công viên địa chất toàn cầu. Đây hiện là danh hiệu duy nhất ở Việt Nam và thứ hai ở Đông Nam Á. Nơi đây không chỉ có giá trị khoa học phong phú mà cong hút hồn du khách bởi khung cảnh hùng vĩ hoang sơ của những dãy núi đá tai mèo sắc nhọn, những khe núi sâu và hẹp, những vách núi dựng đứng cao vút, hệ thống hang động và các vườn đá mang vẻ đẹp hấp dẫn lạ thường.
Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì
Hoàng Su Phì là một huyện nằm ở phía Tây của tỉnh Hà Giang, cách thành phố Hà Giang khoảng 110km dọc theo trục quốc lộ 2 và tỉnh lộ 177. Đã từ lâu, những thửa ruộng bậc thang ở xã Bản Phùng, xã Bản Luốc, Sán Sả Hồ, xã Hồ Thầu, xã Nậm Ty, Thông Nguyên… đã không chỉ là nét văn hóa, còn là nét đẹp, là niềm tự hào của Hoàng Su Phì. Mỗi dịp mùa lúa chín về, nơi đây lại ngả một màu vàng óng, đẹp lung linh thu hút khách du lịch.
Phố cổ Đồng Văn
Phố cổ Đồng Văn nằm ở thị trấn Đồng Văn, Đồng Văn, Hà Giang. Khu vực trung tâm thị trấn Đồng Văn xưa thuộc tổng Đông Quan, châu Nguyên Bình, phủ Tường Vân, tỉnh Tuyên Quang và có lịch sử phát triển về kiến trúc, văn hóa hàng trăm năm. Nằm lọt thỏm giữa thung lũng với bốn bề núi đá bao bọc khu phố cổ có vẻn vẹn 40 nóc nhà, nằm xếp vào nhau dưới núi đá. Buổi sớm, bức tranh phố cổ là sự pha trộn đến tài tình hai tông màu: màu vàng rực của nắng và màu xám của những ngôi nhà cổ tạo nên vẻ đẹp riêng của nét kinh kì giữa lòng cao nguyên đá.
Có thể bạn thích: