Các bạn đã bao giờ nghe đến một thành phố có khí hậu đẹp nhất Đông Nam Á? Các bạn đã bao giờ được trải nghiệm một ngày gần như trọn vẹn 4 mùa, cái lạnh se se của mùa thu trong nắng sớm, cái ấm áp của mùa xuân khi mặt trời nhô cao, cái rực rỡ của mùa hè khi mặt trời tròn bóng và cái lạnh căm căm pha chút sương mù khi đêm về, vâng, đó chính là quê tôi Bảo Lộc, thành phố mù sương, thành phố của các vùng chè xanh ngát và là thành phố của những vẻ đẹp hùng vĩ thiên nhiên ban tặng còn nguyên sơ.
Nhà thờ Bảo Lộc
Nhà thờ Bảo Lộc ở trung tâm thành phố, trên đường Trần Phú, nhà thờ Bảo Lộc nổi trội lên với kiến trúc đẹp, lạ và độc đáo, gồm 2 khối mỹ thuật vuông và tròn, đan xen lẫn nhau, khối tròn tượng trưng cho bầu trời,khối vuông tượng trưng cho mặt đất vuông.
Các bạn sẽ bất ngờ nếu được nghe tôi giới thiệu đôi nét về nhà thờ, nhà thờ Giáo Xứ Bảo Lộc được coi là nhà thờ có sức chứa lớn nhất Việt Nam. Được thiết kế bởi kiến trúc sư Ngô Viết Thụ – người thiết kế kiến trúc Dinh Độc Lập (Dinh Thống Nhất) tại TP Hồ Chí Minh.
Nhà thờ được khởi công năm 1994 và khánh thành vào năm 1999.
Đặc biệt với kiến trúc đẹp và lạ mắt này, đây sẽ là điểm du lịch tín ngưỡng bạn nên ghé thăm.
Thác 7 tầng
Thác 7 tầng nằm trong khu du lịch “Thác 7 tầng” do Đại học Hồng Bàng, TP. HCM đầu tư và khai thác, cách trung tâm Bảo Lộc khoảng 20km. Thác 7 tầng như một cô gái luôn chứa đựng những điều bất ngờ khiến ta say đắm, càng bước vào thế giới của cô gái ấy ta càng không thể rút ra mà chỉ có thể đi đến cùng.
Vì còn khá nguyên sơ nên Thác 7 tầng phù hợp cho các bạn ưa khám phá và pha chút tò mò mạo hiểm. Mình sẽ hướng dẫn đường đi chi tiết cho các bạn nhé: Cùng đường rẻ vào chùa Linh Quy Pháp Ấn, Từ Trung tâm Bảo Lộc lên Hướng Đà Lạt, di chuyển theo đường Trần Phú, đến ngã 3 Đại Binh rẽ phải. Đến đây, bạn sẽ gặp đường vô xã Lộc Thành (Quốc lộ 55), đi ngang qua chợ Lộc Thành, bạn sẽ gặp cầu Đa Trăng, chạy qua cầu, chạy thẳng 1 đoạn gặp ngã 3 Tà Ngào rồi rẽ phải gặp chùa Niết Bàn, chạy thẳng vào khoảng 4km và đừng ngần ngại hỏi thăm những người hướng dẫn viên du lịch địa phương nhé, với bản chất hiếu khách và cởi mở, những thổ địa vùng đất này sẽ giúp bạn trải nghiệm trọn vẹn các cung bậc tìm về với thác 7 tầng.
Tại sao suối được gọi là suối 7 tầng, chắc các bạn sẽ tò mò, vì suối thay đổi theo độ cao, chúng ta đi từ dưới nơi thấp nhất, gọi là tầng 1, và đi lên cao dần đến tầng 7, mỗi tầng sẽ là sự trải nghiệm thú vị, làn nước trong xanh, cây cối nguyên sơ mời gọi.
Lâu đài trắng
Cùng đường đi vào tháp Đam B’ri, trước lúc tới thác các bạn có thể ghé thăm lâu đài trắng, được xây dựng vào năm 2013 và hoàn thiện đưa vào sử dụng từ năm 2015.
Lâu đài đẹp như trong một câu chuyện cổ tích bước ra đời thường, với kiến trúc châu Âu, khoác trên mình một màu trắng tinh khôi, thu hút rất nhiều các góc chụp của giới trẻ và các cặp cô dâu chú rể ghi lại những khoảnh khắc đẹp. Nếu có chủ của lâu đài các bạn nên ghé vào thăm quan hết tòa lâu đài với nhiều kiến trúc đẹp và độc đáo.
Tòa lâu đài còn được bao bọc bởi những đồi thông xanh ngát, bạt ngàn, và những dải hoa đầy màu sắc rực rỡ, sẽ là một điểm dừng chân lý tưởng.
Tòa lâu đài cho tham quan miễn phí.
Chùa Linh Quy Pháp Ấn, cổng mặt trời cao nguyên
Cách thành phố Bảo Lộc khoảng 21km về phía Nam, chùa Linh Quy Pháp Ấn tọa lạc tại Đồi 45, Thôn 4, Lộc Thành, Lâm Đồng – được mệnh danh là “cổng Mặt Trời”, khi lên đến đây ta sẽ có cảm giác như chỉ còn cách bầu trời vài gang tấc, như ta đang phiêu bồng sánh bước cùng mây.
Vì lý do để đến với “Cổng Mặt Trời” của cao nguyên không hề dễ dàng mình sẽ hướng dẫn chi tiết lại đường đi cho các bạn: từ thành phố Bảo Lộc, bạn di chuyển theo đường Trần Phú, đến ngã 3 Đại Binh rẽ phải. Đến đây, bạn sẽ gặp đường vô xã Lộc Thành (Quốc lộ 55), đi ngang qua chợ Lộc Thành, bạn sẽ gặp cầu Đa Trăng, chạy qua cầu, chạy thẳng 1 đoạn gặp ngã 3 Tà Ngào rồi rẽ phải gặp chùa Niết Bàn, chạy thẳng gặp ngã tư rẽ phải. Tiếp tục chạy thẳng, rồi rẽ trái theo hướng thôn văn hóa (Thôn 4 – Xã Lộc Thành), qua thôn văn hóa chạy khoảng 2km (nhìn bên tay trái có một con hẻm nhỏ) rẽ trái men theo hướng lên dốc, rồi rẽ trái theo bảng hướng dẫn (Quán Chiếu Đường) là tới Linh Quy Pháp Ấn. Và lưu ý nhỏ là các bạn sẽ phải đi bộ từ 1 đến 2 cây số vì đường rất nhỏ và dốc, có con đường thành công nào mà trải đầy hoa hồng, để đến với cổng mặt trời. Bạn bỏ chút công sức các bạn sẽ không hề phải thất vọng vì vẻ đẹp tựa như trong những khung cảnh chỉ có trong phim Tây Du Ký nay lại đang có ngay trước mắt mình.
Nếu muốn nhìn rõ mặt trời mọc từ ngay cổng chùa, các bạn phải xuất phát từ 4 giờ sáng, và còn gì tuyệt bằng khi chúng ta ngắm mặt trời mọc ra từ ngay cổng chùa trong không gian núi non bao la, mây giăng trùng trùng như chốn bồng lai tiên cảnh chốn trần gian.
Đồi chè Tâm Châu
Nếu hỏi tôi rằng bạn tự hào gì nhất về Bảo Lộc, tôi chẳng chần chừ mà nói rằng: “Chúng tôi tự hào về những màu xanh bạt ngàn núi đồi của chè quê tôi “, là lẽ sống của bao con người quê tôi, Bảo Lộc là nơi có diện tích trồng chè lớn nhất tại Lâm Đồng, cũng là nơi có diện tích trồng chè lớn nhất tại các tỉnh Tây Nguyên và Nam Bộ.
Chè được trồng ở đây chủ yếu là chè Ô long, thân thấp. Hương vị chè của chúng tôi không thể lẫn với bất cứ hương vị chè nơi đâu, bởi chè ở đây không có vị đắng như chè Bắc, vị chát nhiều hơn, ngọt hậu và rất thơm.
Các bạn có từng ước ao rằng trong một sớm mai mờ sương chính tay các bạn sẽ hái những búp chè xanh non về pha ngay một bình chè tươi? hay pha một bình trà nóng, hít hà trong cái lạnh để vị đắng của trà từ từ chuyển dần sang vị ngọt nồng hậu như chính con người Bảo Lộc?
Hay trải mình hít hà cái mùi thơm của những bông hoa chè trong cái lạnh se se, hòa mình với một màu xanh mát bất tận tưởng chừng là bình thường nhưng lại làm tâm hồn ta cũng xanh mát lắng đọng và nhẹ nhàng hơn nhiều sau bao sự lo toan mệt mỏi của cuộc sống.
Tu viện Bát Nhã
Tu viện cũng nằm cùng đường đi vào Thác Đam B’ri, tu viện cách thác tầm 3km, cách trung tâm thành phố Bảo Lộc chừng 15 km.
Giữa bộn bề lo toan của cuộc sống, ta cần những phút tĩnh tâm, sống chậm lại để yêu thương hơn để trân quý vạn vật tồn tại giữa cõi đời, thì đến với Tu viện Bát Nhã là sự lựa chọn đúng đắn. Ẩn mình sau những hàng thông xanh ngát, sau những bậc thềm đá rêu phong là một không gian yên bình, tĩnh lặng mà thoải mái đến lạ. Chúng ta sẽ thấy cái bon chen mệt mỏi như bị rũ bỏ hết ngoài kia, thay vào đó là những câu kinh bình an, xá tội muôn nơi, là những cái nhìn không toan tính mà chất chứa tình người.
Hồ Nam Phương
Cách trung tâm thành phố Bảo Lộc chưa đầy 2km, đến với Hồ Nam Phương chúng ta sẽ thấy mình như bé lại giữa muôn vàn bao la sóng nước, như được hòa mình vào với cỏ cây, hoa lá. Hay sẽ thấy hình bóng thoát hiện thoát ẩn như có như không trong làn sương sớm mai vương vít trên mặt hồ, hay đơn giản chỉ là bóng tà len lỏi qua khe núi đồi hạ những tia đỏ hoe xuống mặt hồ bao la. Một khung cảnh non nước hữu tình say đắm lòng người, như làm cho ta quên mất mọi buồn phiền mà hòa mình vào với thiên nhiên.
Với diện tích gần 100ha, thực sự hồ Nam Phương là một nơi thỏa niềm đam mê du lịch sinh thái nguyên sơ của các bạn trẻ.
Bên cạnh đó các bạn còn có thể tham gia các trò chơi tham quan hồ như: đạp vịt, chèo thuyền độc mộc, câu cá, và thành phẩm cá câu được sẽ do tự chúng ta chế biến với quán ăn ngay sát hồ. Còn chần chừ gì mà bạn không xách ba lô lên và đi nào.
Suối Đá Bàn
Có nhiều người hỏi tôi rằng, đâu là địa điểm làm tôi ám ảnh nhất, tôi sẽ nói rằng đó là suối Đá Bàn, bởi có lúc dòng suối ấy như một người đàn ông trưởng thành trầm ổn tràn ngập sức hút mời gọi của sự lôi cuốn, nhưng có khi lại như một người đàn ông đang nổi cơn thịnh nộ đến tột cùng.
Đã có nhiều người khuyên rằng không nên đến với dòng suối ấy bởi sự khôn lường và thay đổi thất thường của nó, nhưng cái gì bí hiểm thì sức hút mời gọi càng cao, tôi tò mò rằng, vẻ đẹp ấy, sự bí hiểm ấy là gì? Mà làm cho biết bao người ghé thăm để rồi để hồn lại nơi này mà không bao giờ trở về nữa?
Đúng thế, vẻ đẹp ấy quá bí hiểm quá mời gọi, và nó sẵn sàng nuốt chửng ta nếu ta sảy chân, nên tôi khuyên rằng nếu các bạn cũng có máu thám hiểm như tôi, thì nên xem đây như một anh bạn để tìm hiểu, đừng thách thức, vì anh bạn này không hề hiền lành.
Chùa Phước Huệ
Chùa Phước Huệ, Bảo Lộc được dựng vào năm 1936 ở làng Kon hin B’lao, lúc đầu chỉ là một thảo am bằng tranh tre do một số Phật tử tại địa phương tạo dựng.
Chùa Phước Huệ như một biểu tượng linh thiêng của các tín đồ Phật Giáo tại Bảo Lộc, chùa được đầu tư xây dựng chăm chút hết sức kỹ lưỡng từng tiểu tiết. Khiến ta nghiêng mình trước của chùa trang nghiêm mà không kém phần thu hút bởi sự hoành tráng và cầu kỳ bắt mắt. Chùa Phước Huệ cũng là nơi quy tụ các tăng ni phật tử đông nhất Thành phố Bảo Lộc, chính vì thế, vào chủ nhật hàng tuần, sẽ có những buổi thuyết giảng về lẽ đời về lẽ sống và về cách làm cho con người ta hiểu ra chân lý của cuộc đời, giúp con người chúng ta sống thiện hơn có ích hơn.
Hy vọng các bạn sẽ có 1 lần được nghe các buổi thuyết giảng ấy, vì biết đâu nó sẽ làm cho ta an yên hơn giữa bộn bề cuộc sống.
Thác Đam B’ri vẻ đẹp hùng vĩ của núi rừng
Cách trung tâm thành phố Bảo Lộc 18km, cao gần 57m, rộng 30m, Đam B’ri là thác nước cao và hùng vĩ nhất Lâm Đồng.
Tên của thác Đam B’ri cũng khiến nhiều người ấn tượng. Tương truyền, ngày xưa có một đôi trai gái người K’Ho yêu nhau, thường hay chọn thác nước làm chốn hẹn hò. Tuy nhiên, vào một ngày chàng trai bỗng dưng mất tích không rõ lí do. Cô gái ngồi bên thác nước chờ đợi, khóc ròng trong nhớ nhung, sầu muộn. Cuối cùng, nước mắt của cô đọng thành dòng thác lớn. Từ đó, người dân nơi đây bắt đầu gọi thác là Đam B’ri – nghĩa là “Đợi Chờ”.
Dòng nước đổ từ cao xuống ào ào ngày đêm giữa đại ngàn, như tiếng nói cao ngạo của những con người Tây Nguyên nhưng không kém phần khỏe khoắn hoang sơ nhưng lại vồn vã và hiếu khách. Từ trên cao, nước đổ xuống tung bọt trắng xóa, tạo thành một lớp sương mờ ảo, làm cho ta như lạc giữa chốn bồng lai tiên cảnh, một bên núi rừng hùng vĩ muôn thú reo vui, một bên thác nước mờ ảo tung bọt, ta như hòa mình vào bản giao hưởng của Thác Đam B’ri nói riêng và thành phố Bảo Lộc nói chung, chính vì thế nếu ta đi vào những ngày nắng, cầu vồng sẽ xuất hiện ngay trong tầm với của chúng ta, hay nếu không có cầu vồng của những ngày mát trời thì bạn đừng vội buồn lòng, thay vào đó sẽ là cơn mưa bụi li ti bên những bông hoa sắc tím thơ mộng? Bạn có bị kích thích không? Hãy đến và cảm nhận 1 lần.
Bên cạnh đó còn có các trò chơi từ cảm giác mạnh đến lãng mạn dành cho các bạn trải nghiệm như: trò trượt máng cảm giác mạnh, có đường trượt dài nhất Đông Nam Á, hay các trò khác như đạp xe đạp đôi quanh hồ, đạp vịt, trượt Patin… còn có đảo Khỉ, làng dân tộc Châu Mạ, chùa Di Đà trong buôn văn hóa Đạ Tồn. Giá vé tham quan trọn gói ở khu du lịch là 150.000 đồng một người.
Có thể bạn thích: