Huế vốn là thành phố được mệnh danh là thành phố phật giáo của Việt Nam. Mảnh đất này thu hút du khách không chỉ ở bề dày lịch sử, các điểm du lịch độc đáo mà còn ở vẻ cổ kính, linh thiêng và giá trị tâm linh của rất nhiều chùa chiền ở đây. Chùa ở Huế có thể không lớn về diện tích nhưng bề dày lịch sử, văn hóa tâm linh lại in đậm vào từng nét riêng của các công trình nơi đây. Cùng TopChuan.com khám phá vẻ đẹp một số ngôi chùa ở đất cố đô xưa nhé.
Chùa Tây Thiên
Không nằm trong danh thắng những ngôi danh lam cổ kính được kiến tạo từ đời xưa như chùa Thiên Mụ, Báo Quốc, Hàm Long, Diệu Đế…mà chùa Tây Thiên mới được kiến tạo trên dưới 100 năm nhưng kiến trúc và giá trị văn hóa tâm linh của ngôi chùa này cũng độc đáo và rực rỡ không kém.
Chùa Tây Thiên nằm ở thôn Thượng Một, xã Thụy Xuân, thành phố Huế. Lúc đầu công trình này chỉ là một am nhỏ có tên là Thiếu Lâm trượng thất, sau đó được xây dựng dần to đẹp như ngày nay. Ngôi chùa này có quang cảnh trang nghiêm, thanh tịnh và đặc biệt nơi đây hội tụ được 9 vị cao tăng đắc đạo với phật pháp uyên thâm được viết là “nơi xuất hiện chín bậc cao tăng kì vĩ”.
Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã
Nằm cách thành phố Huế khoảng 30 km thuộc địa phận huyện Phú Lộc tỉnh Thừa Thiên Huế. Thiền viện này nằm dựa lưng vào núi, soi mặt xuống hồ Truồi trong xanh thơ mộng. Muốn đi đến thiền viện bạn cần đi thuyền qua hồ Truồi và ngắm cảnh sơn thủy hữu tình không khác gì chốn bồng lai. Muốn lên được chính điện bạn phải vượt qua 172 bậc cầu thang. Khuôn viên ở đây gồm 3 khu vực là Thiền Viện, Tăng Viện và ni viện với hơn 20 hạng mục công trình. Đến nơi đây bạn được đắm mình trong linh thiêng đất phật, sống giao hòa giữa thiên nhiên, tận hưởng không khí mát mẻ giao hòa như Đà Lạt ở giữa xứ Huế. Thiền viện vừa là nơi để bạn tâm linh, để bạn thưởng ngoạn và tận hưởng cảnh đẹp thanh tịnh hiếm có.
Chùa Từ Hiếu
Từ Hiếu là ngôi chùa đặc biệt ở đất cố đô và được xây dựng dựa trên lòng hiếu hạnh của một vị tổ sư đối với mẹ mình và cái tên Từ Hiếu cũng ra đời từ đó. Ngôi chùa này nằm cách thành phố Huế khoảng 5km về phía Tây Nam ở địa bàn thôn Dương Xuân Thượng 3 phường Thủy Xuân, thành phố Huế giữa cánh đồng thông rộng lớn. Khuôn viên chùa rộng hơn 8 mẫu và trong chùa có hồ bán nguyệt và nhiều ao hồ để trồng sen nuôi cá. Ngôi chùa này giữa thờ Đức Thánh Quan, bên trái thờ Hương Linh phật tử tại gia và bên phải thờ các vị thái giám. Điểm đặc biệt ở đây là trong chùa có tới 24 ngôi mộ của thái giám triều Nguyễn nên bước vào đây sẽ cảm nhận được vẻ u tịch trầm buồn và gợi màu thời gian.
Đến chùa ngồi giữa không gian linh thiêng nghe tiếng chuông chùa, ngửi mùi hương sen và nhìn đàn cá tung tăng bơi lượn thì ta sẽ thanh tịnh tâm hồn và gột rửa được lòng phàm tục của con người.
Chùa Trúc Lâm
Cách thành phố Huế khoảng 5km chùa Trúc Lâm nằm ở địa phận đồi Dương Xuân Thượng làng Thuận Hòa, xã Thủy Xuân, huyện Hương Thủy. Đường đến chùa khó đi nhưng cảnh sắc rất đẹp:
“Đường Trúc Lâm đá vàng cát trắng,
Cảnh Trúc Lâm, cảnh vắng người thanh
Dòng khe lượn khúc như tranh
Rừng cây rợp bóng tươi xanh bốn mùa”
Đến đây sẽ thấy kiến trúc độc đáo, phía trước tiền đường, giữa chánh điện còn sau là hậu tổ. Chánh điện đại diện cho kiến trúc Á Đông là mái ngói đỏ cong, phía trên gắn long, li, quy, phượng. Trong chùa có bảo pháp quý là bình bát bằng kim sa của vị sư chủ trì đầu tiên chùa Thiên Mụ.
Chùa Huyền Không Sơn Thượng
Huyền Không Sơn Thượng không chỉ là một ngôi chùa nổi tiếng mà còn là một cảnh quan hiếm có ở đất cố đô. Ngôi chùa này cách thành phố Huế chừng 10 km đi về hướng Tây thuộc thôn Đồng Chầm, xã Hương Hồ, huyện Hương Trà. Ngôi chùa này được khai sơn vào 1989 do thượng tọa Giới Đức chủ trì.
Ngôi chùa được nằm giữa lưng chừng núi, địa hình đồi tiếp đồi nên đường vào khá quanh co uốn lượn. Ngôi chùa mang vẻ đẹp huyền ảo, tựa lưng vào núi, trước mặt là hồ với hàng ngàn bông súng đua sắc tỏa hương. Khuôn viên chùa cực kì hữu tình với cây cối xanh mát mắt, những loài cây hoa quý hàng trăm năm tuổi. Đến đây bạn sẽ thăm Chánh Điện, am Mây Tía, Tăng Xá, Chúng Hòa Đường,… và độc đáo ở chùa này là cửa Tam Quan giản dị như cổng một ngôi nhà nông thôn bình thường.
Đến đây du khách vừa viếng phật, vừa hòa mình vào thiên nhiên đất trời và gạt bỏ hết mọi ưu tư muộn phiền trong cuộc sống.
Chùa Từ Đàm
Chùa Từ Đàm là ngôi chùa cổ danh tiếng ở Huế. Ngôi chùa này tọa lạc tại đường Sư Liễu Quán, phường Trường An cách thành phố Huế khoảng 2 km. Ngôi chùa là sự hài hòa kiến trúc giữa cũ và mới, giữa cao rộng và cổ kính trang nghiêm. Ngôi chùa này cổ mà không cổ, cổ là ở lịch sử lâu đời của nó, ngôi chùa được khai sơn vào giữa thế kỉ 17. Còn không cổ là ở kiến trúc mang tầm vóc hiện đại nơi đây, ngôi chùa mang kiến trúc ba gian hai chái và hai bên có lầu chuông, lầu trống. Bên phải ngôi chùa là nhà khách và phòng tăng, phía trước là vườn hoa. Đến đây bạn sẽ cảm nhận được phong phạm u tịnh của chốn đất phật linh thiêng này.
Chùa Báo Quốc
Báo Quốc là ngôi chùa cổ tọa lạc trên đồi Hàm Long đường Báo Quốc, phường Phường Đúc, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Ngôi chùa này được dựng vào cuối thế kỉ 17 do thiền sư Giác Phong xây dựng và đặt tên là Hàm Long Sơn Thiên Thọ Tự và dần dần trải qua nhiều đời vua chúa sau này thì đều được trùng tu và xây dựng. Tên Báo Quốc là tên do vua Minh Mạng thăm chùa đặt cho vào năm 1824. Vào những năm đầu thế kỉ 20 ngôi chùa này được xem là nơi đào tạo tài năng cho phật giáo nước ta.
Hiện nay ngôi chùa vẫn được đánh giá cao về mặt kiến trúc, vừa mang nét cổ kính vừa mang nét trang nghiêm độc đáo. Ngôi chùa này cũng nổi tiếng bởi cảnh đẹp, được xây dựng thấp nằm hòa lẫn trong những hàng cây hàng trăm năm tuổi. Đến chùa bạn không chỉ được viếng phật, ngoạn cảnh mà còn khám phá được nhiều loại cây, hoa quý. Cảnh ở đây đã được một nhà thơ viết rằng “Chùa này nghe có vết xe tiên – Cảnh sắc như xưa tợ ảo huyền” để ca ngợi vẻ đẹp ảo diệu của nó.
Chùa Quốc Ân
Chùa Quốc Ân là một trong những ngôi cổ tự danh tiếng lâu đời ở đất cố đô. Ngôi cổ tự này được khai sơn vào 1689 tọa lạc trên một ngọn đồi thuộc địa phận phường Trường An. Lúc đầu chùa có tên là Vĩnh Ân sau đó được chúa Nguyễn Phúc Trăn ban “Sắc tứ Quốc Ân tự”, từ đó chùa có tên Quốc Ân. Đây là ngôi tổ đình lâu đời bảo lâu nhiều dấu ấn văn hóa độc đáo. Mặc dù trải qua bể dâu lịch sử qua nhiều lần trùng tu nhưng điểm đặc biệt là ngôi chùa luôn giữ được dấu ấn kiến trúc văn hóa nhiều đời. Ngôi chùa có kiến trúc 4 phần khép kín là chánh điện, nhà tổ và hai bên là hai trai đường. Đến thăm nơi đây sẽ thấy được nhiều tượng khí, pháp khí độc đáo và dấu ấn phật pháp xưa rất giá trị.
Chùa Thiền Tôn
Thiền Tôn là ngôi chùa nằm bên núi Thiên Thai thuộc địa phận thôn Ngũ Tây, xã Thủy An, tp Huế. Ngôi chùa này được xây dựng vào đầu thế kỉ 18 do nhà sư Liễu Quán khai sáng. Ngôi chùa này khi mới xây dựng mang nhiều ý nghĩa như khai sáng nền phật giáo Việt Nam khi phật học đang ở trong đường tăm tối, thể hiện sự xả thân vì đạo và đặc biệt đây là nơi định hướng đường lối tu học cho các thế hệ đương thời. Trải qua bể dâu lịch sử ngôi chùa bị hư hại đi nhiều và đến năm 2000 mới được trùng tu xây dựng lại to đẹp như bây giờ. Nơi đây được xem là thờ tổ của Thiền Tôn Liễu Quán.
Ngôi chùa này được bao bọc bởi nhiều dãy núi trập trùng phía sau, đường vào đây quanh co uốn lượn với những triền núi và khe suối nên ngôi chùa này mang vẻ u tịch. Trong chùa có tháp tổ Liễu Quán khá độc đáo và hài hòa với kiến trúc của ngôi chùa. Trong chùa còn nhiều văn bia, trụ biểu, điện phật, đài quan âm, tháp chuông… mang giá trị lịch sử và kiến trúc có giá trị.
Chùa Thiên Mụ
Thiên Mụ là ngôi chùa đẹp và linh thiêng thường được nhắc đến nhiều nhất khi bạn đến Huế. Ngôi chùa này được xem là “đệ nhất cổ tự” ở đất cố đô xưa. Buổi đầu sơ khai ngôi chùa này do chúa Nguyễn Hoàng cho xây dựng vào 1961 đặt tên là “Thiên Mụ Tự” và trải qua các giai đoạn lịch sử lâu đời đều được trùng tu và xây dựng cho đến ngày nay. Ngôi chùa này tọa lạc tại đồi Hà Khê nằm bên dòng sông Hương thơ mộng, ngôi chùa này cách thành phố Huế chỉ 5 km và du khách có thể ghé thăm nơi đây bằng thuyền trên dòng Hương hoặc đi xe đường bộ ở địa phận xã Hưng Long. Ngôi chùa cổ này đã được Dương Văn An ví von là chốn “non bồng nước nhược”. Đến đây bạn sẽ cảm nhận được vẻ đẹp nên thơ, cổ kính, trầm mặc và hòa lẫn trong cảnh sắc thiên nhiên trời núi. Vẻ đẹp của nó không chỉ ở giá trị lịch sử, tâm linh mà còn là giá trị văn hóa nghệ thuật độc đáo.
Ngôi chùa này có những hiện vật và công trình kiến trúc đặc trưng và độc đáo như là Tháp Phước Duyên, nền đình Hương Nguyện, Đại Hồng Chung, bia đá của các vị vua như Khải Định, Thành Thái, Thiệu Trị, cửa Tam Quan,… Đây là 1 trong 16 công trình được xếp hạng di sản văn hóa văn hóa thế giới quần thể di tích Huế.
Có thể bạn thích: