“Khi mô anh về thăm xứ Huế/ Nhặt nón bài thơ ghép chữ tình.” Trong mắt mọi người Huế được xem là vùng đất cố đô cổ kính, mang trong mình những nét văn hóa, lịch sử độc đáo. Người dân xứ Huế nồng nhiệt, thân thiện, mến khách nên một ai đã đến Huế sẽ nhớ mãi không thôi những nét đẹp của vùng đất địa linh này. Đến với Huế là đến với miền đất nơi có những địa danh lịch sử lâu đời, cổ kính, linh thiêng. Ai đến Huế mà không ghé những địa danh sau thì sẽ không cảm nhận được hết những nét diệu kì của xứ mộng mơ này.
Chùa Từ Đàm
Chùa Từ Đàm do Hòa thượng Minh Hoằng – Tử Dung (quê ở Trung Quốc, thuộc dòng Thiền, phái Lâm Tế thứ 34) tạo dựng vào khoảng năm 1695. Chùa ban đầu có tên là Ấn Tôn với ý nghĩa là lấy sự truyền tâm làm tông chỉ của chùa. Năm 1703, Thiền sư Minh Hoằng – Tử Dung cho trùng tu và sửa chữa lại chùa. Cũng vào thời điểm này, chúa Nguyễn Phúc Chu – vị chúa Nguyễn thứ 6 của chính quyền Đàng trong đã sắc phong cho chùa là “Sắc Tứ Ấn Tôn Tự”. Giống các ngôi chùa khác ở Việt Nam, chùa Từ Đàm có kiến trúc phối hợp giữa đường nét nghệ thuật kiến trúc truyền thống và hiện đại. Ngôi chùa tọa lạc trong không gian rộng rãi, thoáng mát với nhiều cây cảnh bao quanh. Kiến trúc chùa gồm ba phần là cổng tam quan, chùa chính và nhà Hội.
Cổng tam quan (loại cổng có ba lối đi thường thấy ở chùa truyền thống Việt Nam) chùa cao, rộng, có mái ngói thanh nhã. Phía sau cổng có cây bồ đề quanh năm tỏa bóng mát. Được biết, đây là cây bồ đề được chiết ra từ cây bồ đề nơi Phật đắc đạo do bà Karpeies – hội trưởng hội Phật học Pháp thỉnh từ Ấn Độ qua Việt Nam tặng và được trồng vào năm 1936. Sân chùa rộng, được lát đá bằng phẳng, thoáng mát, đủ chỗ để tập trung hàng nghìn người.
Chùa chính gồm tiền đường, chính điện và nhà Tổ. Tiền đường được xây trên nền móng bằng đá hoa cương, cao 1,5m; mái xây kiểu cổ lầu tạo cho ngôi chùa có hình dáng cao hơn bình thường. Ở các bờ mái và trên nóc chùa là những cặp rồng uốn cong, mềm mại đối xứng nổi lên trên những dãy ngói âm dương trông rất cân đối, hài hòa và đẹp mắt. Dưới mái cổ lầu là những bức tượng đắp nổi về sự tích đức Phật, bố cục gọn gàng trên các khung đúc. Dọc theo các cột trụ tiền đường là các bức câu đối dài nét chữ chạm khắc sắc sảo. Hai bên trái và phải sát với tiền đường có hai lầu chuông trống. Điện Phật được bài trí tôn nghiêm, chính giữa là pho tượng đức Thế tôn Thích ca mâu ni ngồi uy nghi trên tòa sen, hai bên có phù điêu hai vị Bồ tát Văn Thù và Phố Hiền. Chùa Từ Đàm thờ độc tôn nên cách bài trí và thờ tự trong điện có phần đơn giản so với các ngôi chùa khác ở xứ Huế. Phía bên phải chánh điện là nhà khách và phòng Tăng. Trước nhà khách có một vườn hoa nhỏ, ở giữa vườn có tượng bán thân của cư sĩ Tâm Minh, là người có nhiều công lao với chùa và trong phong trào phục hưng và phát triển Phật giáo Việt Nam.
Chùa Từ Đàm thường xuyên đón tiếp các vị Tôn đức lãnh đạo Phật giáo ở các nước, chư vị học giả, trí thức và nhiều đoàn du khách, Phật tử trong nước và ngoài nước đến tham quan, lễ Phật. Đến đây, ngoài tìm hiểu lịch sử ngôi chùa bạn còn được chiêm ngưỡng kiến trúc, cảnh quan tuyệt đẹp trong chùa.
Đại nội Huế
Đại Nội Huế là nơi sinh hoạt và là trung tâm hành chính của triều đình phong kiến cuối cùng của Việt Nam. Bắt đầu từ vua Gia Long, 13 vị vua của hoàng gia nhà Nguyễn đã sinh sống liên tục cho đến khi triều đại kết thúc sau tuyên bố thoái vị của vua Bảo Đại vào tháng 8 năm 1945. Đại Nội Huế có 4 cửa được bố trí ở 4 mặt với cửa chính nằm ở phía Nam là Ngọ Môn, phía Bắc là cửa Hòa Bình, phía Tây là cửa Chương Đức và phía đông là cửa Hiển Nhơn. Trước mặt Ngọ Môn là Kỳ đài Huế và quảng trường, nơi diễn ra các hoạt động văn hóa văn nghệ vào dịp lễ tết. Hoàng thành và toàn bộ hệ thống cung điện bên trong đều tuân thủ theo nguyên tắc “tả nam hữu nữ”, “tả văn hữu võ”.
- Khu vực Tử Cấm Thành: Chốn cung cấm dành riêng cho vua và gia đình ăn ở, làm việc và hưởng thụ được bao bọc xung quanh bởi nhiều cung điện như: Duyệt Thị Đường, Cần Chánh, Càn Thành, Kiến Trung, Khôn Thái.
- Khu vực cử hành đại lễ: Bao gồm từ Ngọ Môn đến điện Thái Hòa, nơi diễn ra các cuộc lễ Đăng quang, tiếp sứ các bộ ngoại giao quan trọng, mừng sinh nhật vua, lễ Quốc Khánh, lễ Duyệt binh, lễ Truyền lô, lễ vạn Thọ.
- Khu vực miếu thờ: Được bố trí ở phía trước dọc theo hai bên trục Hoàng thành, nơi thờ phục các vua chúa nhà Nguyễn gồm Thế Miếu, Hưng Miếu, Thái Miếu và Tổ Miếu.
- Cung Diên Thọ, Cung Trường Sanh: Là khu vực dành cho bà nội và mẹ vua, gồm hệ thống cung Trường Sanh dành cho Thái Hoàng Thái Hậu và cung Diên Thọ dành cho Hoàng Thái Hậu, ngoài ra có điện Phụng Tiên dành cho phái nữ đến lễ vì không được phép vào Thế Miếu.
- Khu vực vườn Cơ hạ, điện Khâm văn: Là nơi học tập, vui chơi và nghe các đại thần uyên bác giảng giải kinh sách cho các hoàng tử thời các vua Thiệu Trị, Tự Đức.
Khu vực Hoàng thành Đại Nội rất rộng, vì vậy, để du lịch hết các khu vực các bạn cần đến nửa ngày hoặc một ngày để khám phá các công trình các cung điện, hoàng cung Đại Nội.
Bãi biển Lăng Cô
Lăng Cô cách trung tâm TP Huế 60km nhưng chỉ cách sân bay quốc tế Phú Bài 40km. Bãi Biển Lăng Cô dài khoảng 10km, thuộc thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế, nằm cạnh quốc lộ 1A, dưới chân đèo Hải Vân. Vịnh Biển Lăng Cô là thành viên thứ 30 của Câu lạc bộ “Các vịnh biển đẹp nhất thế giới” vào tháng 6/2009. Lăng Cô là nơi thích hợp cho những ai yêu thích biển. Nằm trên dải đất duyên hải miền Trung, Lăng Cô có bờ biển thoai thoải, cát trắng, nước biển trong xanh, và nhiệt độ trung bình khoảng 25oC vào mùa hè, rất mát mẻ.
Vịnh Biển Lăng Cô có cảnh quan rất đẹp và rất thích hợp với du lịch nghỉ dưỡng. Trong quá khứ, vua Khải Định (triều Nguyễn) đã cho xây dựng một hành cung với tên gọi là “Hành Cung Tịnh Viêm” (làm dịu sự nóng nực) để nhà vua và các hoàng thái hậu nghỉ mát vào mùa hè. Người Pháp cũng lưu lại dấu vết của mình ở đây, liên quan đến tên gọi của miền đất này. Lăng Cô, có thể bắt nguồn từ “Làng Cò” hoặc L ‘An Cư do người Pháp phát âm chệch mà thành.
Với phong cảnh thiên nhiên quyến rũ, trải dài trên bờ cong đẹp nhất của đất nước, Lăng Cô chứa đựng gần như tất cả những gì mà thiên nhiên có thể ban tặng: màu xanh của núi rừng nhiệt đới, những dải cát trắng mịn, ánh nắng tràn đầy và biển xanh mát mẻ, trong suốt như pha lê. Đây là vịnh biển thứ 3 của Việt Nam, sau Hạ Long và Nha Trang có tên trong danh sách 30 vịnh biển đẹp nhất thế giới.
Lăng Cô hấp dẫn rất nhiều nhà đầu tư du lịch lớn trong và ngoài nước, nhiều khu nghỉ dưỡng đã được xây dựng và nhiều dịch vụ du lịch khác đang dần phát triển hoặc được nâng cấp. Lăng Cô đang là điểm đến hấp dẫn của bạn gần xa.
Đến đây dường như không ai có thể cưỡng lại được trước vẻ đẹp thiên nhiên thanh bình hấp dẫn của thị trấn Lăng Cô. Thị trấn nhỏ và yên bình này mang lại cho bạn thời gian thư giãn tuyệt vời và nhiều trò chơi bãi biển. Ngoài ra, bạn có thể tận hưởng những món ăn hải sản quý và đến thăm một số thắng cảnh như: Chân Mây, làng chài Lăng Cô gần bãi biển.
Chợ Đông Ba
Chợ Đông Ba là điểm đến có sức hút đặc biệt, mà dường như đã quá quen thuộc với bạn dù vào ngày nắng hay mưa, dù hành trình thăm Huế dài hay ngắn. Đây còn là công trình kiến trúc nhiều tuổi khi đã trải qua hơn 110 năm kể từ ngày hình thành, gắn với bao thăng trầm cùng miền đất cố đô.
Với diện tích lớn, kéo dài từ cầu Gia Hội đến cầu Trường Tiền, chợ Đông Ba gồm ba lầu và hàng ngàn gian hàng buôn bán sầm uất. Nơi đây còn trở thành trung tâm cung cấp những sơn hào hải vị cho các nhà hàng, khách sạn phục vụ bạn từ khắp nơi đến du lịch di sản thế giới tại Huế.
Đặc biệt, chợ Đông Ba luôn hướng đến giá trị văn minh thương mại, điển hình là thái độ hòa nhã, mua bán đúng giá niêm yết. Ở chợ Đông Ba những tinh túy văn hóa vật chất của Huế còn lưu giữ cho đến nay đều có thể tìm thấy khi đến đây như nón lá Phú Cam, dao kéo Hiền Lương, đồ kim hoàn Kế Môn, hàng mã hoa giấy làng Sình, dầu Truồi, chè Tuần, quít Hương Cần, thanh trà Lại Bằng, sen khô hồ Tịnh, mè xửng Thiên Hương, trà cung đình, tôm chua Huế trứ danh… phù hợp mua về làm quà sau chuyến khám phá Huế. Chợ Đông Ba còn có đủ loại gia vị phong phú, mắm, mứt Huế, đồ lưu niệm cùng các mặt hàng nhu yếu phẩm phục vụ cuộc sống thường nhật… Chợ Đông Ba là nơi lý tưởng để bạn tận hưởng thú vui ăn vặt với rất nhiều món ăn dân dã xứ Huế như cơm hến, bún bò, bún mắm nêm, chả tôm, bánh canh, bánh lá, bánh khoái, chè đậu ván… vừa ngon vừa rẻ.
Du khách đến du lịch chợ Đông Ba ở Huế như lọt thỏm trong không gian đầy ắp sắc màu sản vật, cũng là dịp cảm nhận “hồn xưa dấu cũ” để thấy trong cái ồn ào náo nhiệt ở từng góc chợ, trong cái lo toan tấp nập của người mua kẻ bán, như vẫn tồn tại một nét đẹp bình dị theo thời gian, từ trong lịch sử cho đến cuộc sống đời thường.
Chùa Thiên Mụ
Chùa Thiên Mụ là một trong những thắng cảnh đẹp được nhắc đến nhiều nhất tại Huế. Không chỉ đi vào những bài thơ lãng mạn của xứ Huế mà còn trong cả câu ca, Thiên Mụ cũng được coi là một ngôi chùa linh thiêng và những cảnh không thể bỏ qua của bất cứ bạn nào khi đặt chân đến thủ đô cổ xưa này. Chùa Thiên Mụ (còn gọi là chùa Linh Mụ) nằm ở đồi Hà Khê, trên bờ bắc sông Hương, phường Kim Long. Cách trung tâm TP Huế khoảng 5 km về phía tây. Được xây dựng vào năm 1601 bởi chúa Tiên Nguyễn Hoàng – vị chúa Nguyễn đầu tiên ở Đàng Trong, chùa Thiên Mụ có thể được coi là ngôi chùa cổ nhất ở Huế.
Nhờ sự gia tăng và thời kỳ hoàng kim của Phật giáo Đàng Trong, chùa đã được xây dựng lại trong một quy mô đáng kể dưới thời Chúa Quốc – Nguyễn Phúc Chu (1691-1725). Năm 1710, chúa Quốc cho đúc chiếc chuông Đại Hồng Chung nặng tới trên hai tấn và có khắc một bài minh trên đó. Chúa sau đó mở rộng một loạt các dự án xây dựng. Điển hình năm 1714 là giai đoạn mở rộng lớn nhất trong lịch sử của chùa, cụ thể là điện Thiên Vương, điện Đại Hùng, nhà Thuyết Pháp, lầu Tàng Kinh, phòng Tăng, nhà Thiền… Nhiều công trình kiến trúc trong đó không còn tồn tại đến ngày nay. Chúa Quốc còn đích thân viết và khắc vào bia lớn (cao 2,6m và 1,2 m rộng) nói về việc xây dựng các công trình kiến trúc ở đây. Bia được đặt trên lưng một con rùa đá rất lớn, trang trí đơn giản nhưng đẹp.
Với vẻ đẹp tự nhiên của nó và quy mô mở rộng kể từ thời điểm đó, chùa Thiên Mụ đã trở thành ngôi chùa đẹp nhất ở Đàng Trong. Thông qua các sự kiện lịch sử, chùa Thiên Mụ đã được tái phục hồi nhiều lần trong suốt triều đại của các vua nhà Nguyễn. Vua Thiệu Trị, người kế vị Minh Mạng, đã dựng lên Từ Nhân Tháp vào năm 1844, mà bây giờ được gọi là tháp Phước Duyên. Tháp cao 21m với hình dạng bát giác và có bảy tầng, mỗi tầng trong đó là dành cho một vị Phật khác nhau. Đứng trên tòa tháp bạn có thể nhìn dòng sông Hương phẳng lặng và ngắm những Du thuyền nhẹ trôi trên sông.
Chùa Thiên Mụ được xếp là một trong 20 điểm đẹp nhất ở Huế. Trải qua nhiều sự mở rộng và đổi mới, bên cạnh các công trình kiến trúc như tháp Phước Duyên, điện Đại Hùng, điện Địa Tạng, điện Quan Âm… cùng bia đá, chuông đồng, chùa Thiên Mụ ngày nay là nơi có nhiều cổ vật quý trong cả lịch sử và nghệ thuật. Tượng Hộ Pháp, tượng Thập Vương, Phật Di Lặc … hoặc câu đối ở đây đã đánh dấu lịch sử một thời đại vàng son của chùa Thiên Mụ.
Đến với Huế, quả là thiếu sót nếu bạn không ghé qua chùa Thiên Mụ. Vì qua hàng trăm năm, mỗi công trình kiến trúc nơi đây đều chứa đựng sự trang trọng và là sự kết hợp hài hòa giữa tài hoa con người với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp. Tham gia vào du lịch Huế nói chung, và Chùa Thiên Mụ nói riêng, bạn sẽ được thoải mái chìm đắm tâm trí trôi nhẹ theo sông Hương từ thượng đến hạ nguồn để cảm nhận cuộc sống khác trong Huế yên bình.
Có thể bạn thích: