Ngày đầu tiên đi học với biết bao cảm xúc, ngạc nhiên có bỡ ngỡ có, mọi thứ trở nên quá mới mẻ. Lần đầu tiên biết thế nào là trường, là thầy cô giáo, biết được nhiều bạn bè mới, có quá nhiều kỷ niệm của tuổi học sinh ở dưới mái trường. Làm sao ta quên được những ngày đầu bước vào một môi trường mới, sau này mỗi khi nhắc về mắt ta lại cay xè với bao nỗi nhớ ùa về. Dưới đây mình xin nhắc lại kỷ niệm qua những bài thơ vỡ lòng ta từng được học để nhìn lại “tuổi thơ dữ dội” của chính mình.
Bàn Tay Cô Giáo
Người tình mẫu tử thiêng liêng thì chúng ta lại có thêm một tình cảm khác đó là tình thầy trò. Từ ngày đầu đến lớp đã được các thầy cô chăm sóc nâng niu ân cần, như một người cha người mẹ thứ 2. Từ những hành động nho nhỏ của cô giáo trong bài thơ qua góc nhìn của tác giả nó trở nên thật tự nhiên, cao cả. Hãy nhớ về người thầy người cô đầu tiên cầm tay ta viết nên những nét chữ đầu tiên, dạy cho ta biết điều gì sai đúng. Một tình cảm bao la của những người lái đò dành cho biết bao thế hệ.
Bài thơ:
Bàn tay cô giáo
Tết tóc cho em
Về nhà mẹ khen
Tay cô đến khéo!
Bàn tay cô giáo
Vá áo cho em
Như tay chị cả
Như tay mẹ hiền
Cô cầm tay em
Nắn từng nét chữ
Em viết đẹp thêm
Thẳng đều trang vở.
Định Hải
Hạt Gạo Làng Ta
Nhà thơ Trần Đăng Khoa đã làm bài thơ này lúc mới học cấp 1, nhưng với tài quan sát và thấu hiểu về nông thôn ở thời kỳ kháng chiến tác giả đã viết nên bài thơ rất gần gũi này. Hạt gạo là một loại lương thực rất cần cho đời sống của mọi người và đặc biệt còn quý giá hơn khi người nông dân, các chú bộ đội trong thời chiến. Dù trên bom dưới đạn thiên nhiên có khắc nghiệt tới đâu thì người nông dân vẫn tạo nên những hạt gạo thơm lừng, để phục vụ đất nước trong thời kỳ khó khăn này. Đặc biệt bài thơ này còn được phổ nhạc nên chắc hẳn ai cũng nhớ và dễ dàng ngân nga bài ca mang hồn quê này.
Bài thơ:
Hạt gạo làng ta
Có vị phù sa
Của sông Kinh Thầy
Có hương sen thơm
Trong hồ nước đầy
Có lời mẹ hát
Ngọt bùi đắng cay…
Hạt gạo làng ta
Có bão tháng bảy
Có mưa tháng ba
Giọt mồ hôi sa
Những trưa tháng sáu
Nước như ai nấu
Chết cả cá cờ
Cua ngoi lên bờ
Mẹ em xuống cấy…
Hạt gạo làng ta
Những năm bom Mỹ
Trút trên mái nhà
Những năm cây súng
Theo người đi xa
Những năm băng đạn
Vàng như lúa đồng
Bát cơm mùa gặt
Thơm hào giao thông…
Hạt gạo làng ta
Có công các bạn
Sớm nào chống hạn
Vục mẻ miệng gàu
Trưa nào bắt sâu
Lúa cao rát mặt
Chiều nào gánh phân
Quang trành quết đất
Hạt gạo làng ta
Gửi ra tiền tuyến
Gửi về phương xa
Em vui em hát
Hạt vàng làng ta…
Trần Đăng Khoa
Đàn Gà Con
Ơi chú gà ơi!
Ta yêu chú lắm.
Có ai nhớ bài này không nhỉ? Một bài thơ tả về những chú gà con nho nhỏ xinh xinh, lúc nào hồi nhỏ đi học cũng đọc đi đọc lại để thuộc lòng cho hôm sau thầy cô giáo dò bài cho đạt điểm 10.
Bài thơ:
Mười quả trứng tròn
Mẹ gà ấp ủ
Mười chú gà con
Hôm nay ra đủ
Lòng trắng, lòng đỏ
Thành mỏ, thành chân.
Cái mỏ tí hon,
Cái chân bé xíu
Lông vàng mát dịu
Mắt đen sáng ngời
Ơi chú gà ơi !
Ta yêu chú lắm.
Phạm Hổ
Cái trống trường em
Tùng tùng tùng tùng Một âm thanh quá quen thuộc theo ta từng năm tháng học trò, tiếng trống báo hiệu ngày khai trường đã tới, nhắc nhở các em đã tới giờ vào lớp hay báo đã kết thúc một buổi học. Bác trống đứng đó đã nhìn thấy từng lứa học trò lớn lên trưởng thành, biết bao nhiêu năm tháng. Mỗi khi nhìn lại bài thơ này mình lại nhìn thấy vị trí nơi bác trống đứng, bóng dáng thầy đánh tiếng trống vang lên ấm áp. Bác trống hiền lành vẫn đứng đây chỉ có điều già đi trông thấy duy chỉ có giọng nói vẫn vang xa như xưa. Mỗi khi đi đâu mà nghe tiếng trống trường vang lên thì một cảm xúc khó tả làm ta xao xuyến.
Bài thơ:
Cái trống trường em
Mùa hè cũng nghỉ
Suốt ba tháng liền
Trống nằm ngẫm nghĩ
Buồn không hả trống
Trong những ngày hè
Bọn mình đi vắng
Chỉ còn tiếng ve?
Cái trống lặng im
Nghiêng đầu trên giá
Chắc thấy chúng em
Nó mừng vui quá!
Kìa trống đang gọi
Tùng! Tùng! Tùng! Tùng…
Vào năm học mới
Rộn vang tưng bừng.
Thanh Hào
Làm Anh
Bài thơ này hầu như lứa học trò nào cũng thuộc, ngay cả thế hệ 8x, 9x bây giờ chắc hẳn vẫn còn nhớ ít nhất vài đoạn trong bài thơ này. Từ lúc nhỏ đã được bài thơ mang âm vị đơn giản, trong sáng này giáo dục phải biết yêu thương và trân trọng với những người trong gia đình của chính mình. Sau này các tóp học trò xưa lớn lên làm ba làm mẹ, chúng ta lại tiếp tục dạy dỗ cho con mình bài thơ làm người giản dị này.
Bài thơ:
Làm anh khó đấy
Phải đâu chuyện đùa
Với em gái bé Phải “người lớn” cơ.
Khi em bé khóc
Anh phải dỗ dành
Nếu em bé ngã
Anh nâng dịu dàng
Mẹ cho quà bánh
Chia em phần hơn
Có đồ chơi đẹp
Cũng nhường em luôn
Làm anh thật khó
Nhưng mà thật vui
Ai yêu em bé
Thì làm được thôi .
Phan Thị Thanh Nhàn
2019-02-19 12:11:09
Mình vẫn thuộc cho đến bây giờ ?
Mèo Con Đi Học
Bài thơ thể hiện tâm trạng thật đúng của tuổi đi học, ai đi học cũng không muốn đi muốn viện cớ này cớ nọ. Nào là đau bụng, đau tay,… thật là xấu như chú mèo này. Nhớ khi xưa ba mẹ phải gọi dậy sớm đi học thì cũng phải nằm lâu sau mới dậy nổi. Ngồi trong lớp đâu có được chạy lung tung hay nằm ngủ gì đâu nên chẳng muốn đi học đâu. Thật là xấu, xấu lắm ý !!!
Bài thơ:
Mèo ta buồn bực
Mai phải đến trường
Liền kiếm cớ luôn
“Cái đuôi tôi ốm”
Cừu mới be toáng
“Tôi sẽ chữa lành
Nhưng muốn cho nhanh
Cắt đuôi khỏi hết…”
“Cắt đuôi…, ấy chết
Tôi xin đi học thôi!
Cắt đuôi…, ấy chết
Tôi xin đi học ngay thôi.
P. Vô-Rôn-Cô
Thi Nghé
Nghé là một con trâu con, loài đại diện cho nông nghiệp Việt Nam. Con trâu đi trước cái cày theo sau, đi qua những cánh đồng làm nên lúa thóc. Nhà thơ đã dùng phép ẩn dụ để nói về sự tinh nghịch, đầy vẻ ngộ nghĩnh, trong sáng, đầy vẻ tươi mới của các em thiếu nhi. Và cả sự ngoan ngoãn của các em đã giúp bố mẹ chăm sóc tốt cho nghé và trâu mẹ thì nghé con mới béo tốt như thế. Tác giả dùng lời thơ của mình lấy nghé tả người, lấy người tả nghé, thật đặc biệt.
Bài thơ:
Nghé hôm nay đi thi
Cũng dậy từ gà gáy
Người dắt trâu mẹ đi
Nghé vừa đi vừa nhảy
Thi nghé gầy nghé béo
Toàn hợp tác xã nhà
Nghé xem chừng cũng hiểu
Chạy tung tăng tung ta
Vui sao đàn nghé con
Miệng chúng cười mủm mỉm
Mắt chúng ngơ ngác tròn
Nhìn tay người giơ đếm
Cả một đàn nghé béo
Con nào hơn con nào
Chờ lâu nghé khó chịu
Chạy vù lên đồi cao.
Huy Cận
Chuyện Ở Lớp
Trong một lớp học có biết bao nhiêu chuyện, bạn này thì nghịch, bạn này thì ngoan, bạn này phá phách,… Tuổi nhỏ hồn nhiên chưa biết gì cứ thích gì là làm đó, mỗi cá thể trong lớp có những cá tính khác nhau nên học chung một lớp phải biết chan hòa với nhau nha. Mẹ của bạn trong bài thơ dạy thật đúng, con đừng kể những tật không đẹp của bạn nữa mà hãy kể về mình, mình có những tật gì nghịch ngợm không, học ngoan thế nào. Chắc hẳn bạn nào cũng từng đi kể kể với mẹ những điều mình không thích thế này rồi đúng không nhở @@@ Mình cùng nhau đọclại bài nha.
Bài thơ:
Mẹ có biết ở lớp
Bạn Hoa không thuộc bài
Sáng nay cô giáo gọi
Đứng dậy đỏ bừng tai…
– Mẹ có biết ở lớp
Bạn Hùng cứ trêu con
Bạn Mai tay đầy mực
Còn bôi bẩn ra bàn…
Vuốt tóc con mẹ bảo:
– Mẹ chẳng nhớ nổi đâu
Nói mẹ nghe ở lớp
Con đã ngoan thế nào.
Tô Hà
Gửi lời chào lớp một
Lớp 1 là lớp khởi đầu cho thời học trò, được vui đùa, học tập cùng với nhiều bạn mới. Những ngày đầu còn bé tý teo được bố mẹ chở đi học, đến trường phải đứng từ cửa sổ lớp nhìn vào con mới chịu ngồi yên học, nếu không là không chịu ngồi yên đâu. Mới đó mà 1 năm học đã trôi qua mọi thứ dần trở nên quen thuộc, khi xa lớp 1 cảm thấy mình đã lớn hẳn lên, chẳng muốn xa lớp 1 xíu nào. Bài thơ “Gửi lời chào lớp một” mang một tâm hồn giản dị, đi thẳng tỏa cảm xúc vào trong tim của học trò và của cả bạn đọc.
Bài thơ:
Lớp Một ơi! Lớp Một!
Đón em vào năm trước
Nay giờ phút chia tay
Gửi lời chào tiến bước!
Chào bảng đen cửa sổ
Chào chỗ ngồi thân quen
Tất cả! Chào ở lại
Đón các bạn nhỏ lên
Chào cô giáo kính mến
Cô sẽ xa chúng em…
Làm theo lời cô dạy
Cô sẽ luôn ở bên.
Lớp Một ơi! Lớp Một!
Đón em vào năm trước
Nay giờ phút chia tay
Gửi lời chào tiến bước!
Hữu Tưởng
Thương Ông
Tác giả thể hiện sâu sắc tình cảm ông cháu rất nhẹ nhàng. Chắc hẳn ai cũng thuộc bài này nằm lòng rồi. Nhưng khi sách được cải biên đã thay đổi cắt ghép 1 vài đoạn trong bài thơ, nhưng nó vẫn giữ được nội dung sâu sắc tình cảm ông cháu. Bây giờ mình cùng nhau đọc lại bài thơ trong sách cũ đầy đủ nhé.
Bài thơ:
Ông bị đau chân
Nó sưng nó tấy
Đi phải chống gậy
Khập khiễng khập khà
Bước lên thềm nhà
Nhấc chân khó quá
Thấy ông nhăn nhó
Việt chơi ngoài sân
Lon ton lại gần
Âu yếm nhanh nhảu
Ông vịn vai cháu
Cháu đỡ ông lên
Ông bước lên thềm
Trong lòng vui sướng
Quẳng gậy cúi xuống
Quên cả đớn đau
Ôm cháu xoa đầu
Hoan hô thằng bé
Bé thế mà khỏe
Vì nó thương ông.
Tú Mỡ
Có thể bạn thích: