Đến miền Tây ngoài việc thưởng ngoạn cảnh đẹp, dạo chơi khắp nơi hay thưởng thức những món đặc sản ngon, hấp dẫn thì việc đến tham quan, tìm hiểu những làng nghề truyền thống ở Vùng đất Chín Rồng cũng là một điều vô cùng thú vị và đầy ý nghĩa. Ngay cả du khách trong nước, hay nước ngoài khi đến Miền Tây đều bị cuốn hút bởi nét đặc sắc, khi tận mắt chiêm ngưỡng sự ra đời của những sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo, những công đoạn làm ra bánh, mứt thơm ngon nổi tiếng khắp nơi,… Dưới đây là những làng nghề làm bánh mứt và các món đặc sản của vùng sông nước Đồng Bằng Sông Cửu Long, mà TopChuan sưu tầm được mọi người cùng tham khảo nhé.
Bánh phồng Sơn Đốc
Làng nghề bánh phồng Sơn Đốc cũng lấy từ tên một địa danh của chợ Sơn Đốc thuộc xã Hưng Nhượng, huyện Giồng Trôm, nơi từ lâu đã nổi danh với loại bánh phồng nếp. Bánh phồng Sơn Đốc nổi tiếng bởi hương vị thơm ngon rất lạ, vị ngọt của bánh, mùi thơm của mè rang, vị béo ngậy của nước cốt dừa, khi nướng lên giòn tan ngay tận đầu lưỡi, tạo cảm giác vô cùng thích thú.
Thưởng thức bánh phồng, du khách mới cảm nhận cái giá trị tinh thần chứa đựng trong từng chiếc bánh mộc mạc của nhữngngười làm bánh nơi đây. Cũng như bánh tráng, bánh phồng không hẳn là đặc sản riêng của Bến Tre mà 1 số ít tỉnh khác cũng có làm bánh phồng như: Cần Thơ, An Giang, Vĩnh Long,… Nhưng bánh phồng Sơn Đốc ngon không chỉ có bí quyết riêng, có hương vị dừa độc đáo mà Bánh phồng Sơn Đốc thơm ngon bởi tinh túy từ bí quyết làm nước cốt dừa của người dân địa phương, vị bánh xốp dẻo và béo, rất khó lẫn với thứ quà quê nào khác. Bên cạnh việc sản xuất bánh theo kiểu truyền thống, người dân địa phương trong vùng còn chế biến nhiều loại bánh phồng khác như bánh phồng hột gà, bánh phồng mít, bánh phồng sầu riêng, bánh phồng mặn (tôm),… để đáp ứng nhu cầu của du khách gần xa.
Trải qua thời gian, bánh phồng sơn Đốc ngon còn bởi cái tình, cái nghĩa con người cũng thể hiện trong từng chiếc bánh, và chỉ có quê hương Sơn Đốc – Giồng Trôm mới làm chiếc bánh thêm phần trọn vẹn hương vị như thế.
Địa chỉ: xã Hưng Nhượng, huyện Giồng Trôm
Làng nghề làm bánh tráng Thạnh Hưng- Kiên Giang
Khi đặt chân đến xã Thạnh Hưng, huyện Giồng Riềng các bạn sẽ bắt gặp rất nhiều giàn phơi bánh tráng. Những chiếc bánh nóng hổi, vừa ra lò nằm đón nắng, chờ hong khô để kịp đóng gói cho thương lái. Đây cũng là tín hiệu báo cho du khách phương xa biết là đã đến với xứ bánh tráng Thạnh Hưng của tỉnh Kiên Giang. Hiện nay tại xã Thạnh Hưng chỉ có vài chục hộ dân theo nghề thế nhưng không phải vì thế mà không khí làng nghề kém sôi động và nhộn nhịp.
Kết tinh từ hương vị thơm thảo của hạt gạo quê hương, bánh tráng Thạnh Hưng vang danh khắp vùng, được nhiều người dân trong và ngoài tỉnh Kiên Giang ưa chuộng. Ngoài bánh tráng để cuốn thịt luộc thông thường, tại làng nghề còn có những loại bánh tráng ngọt như bánh tráng phủ đường, phủ đậu xanh rất thơm ngon. Đặc biệt, bánh tráng ngọt còn có thể mua về làm quà cho người thân và bạn bè.
Địa chỉ: Ấp Thạnh Trung, Xã Thạnh Hưng, Huyện Giồng Riềng.
Làng nghề chuối khô Cà Mau
Làng nghề chuối khô Cà Mau là nghề truyền thống có từ lâu đời, là nghề cha truyền con nối qua bao đời. Để có miếng chuối khô, ngon, dẻo và dai ngon phải chọn cho được loại chuối xiêm thật già, chín đều. Các công đoạn làm chuối khô tuy dễ, nhưng không phải ai muốn làm cũng được. Đầu tiên, chuối được lột hết vỏ mang phơi sau đó được cho vào khuôn ép mỏng ra, xong mang đi xếp đều lên các vỉ được làm bằng tre hoặc sậy để phơi đến khi có màu vàng sậm, thơm, dẻo.
Khác với chuối khô miền Bắc, chuối ở đây được ép bằng khuôn. Khuôn ép được thiết kế hình tròn với bán kính nhân 2 từ 20 đến 30 cm, mỗi lần ép từ 3 đến 5 trái chuối tùy theo loại lớn hoặc nhỏ tạo ra những miếng chuối ép mỏng tròn. Chuối khô thành phẩm được phân phối cho các lò bánh kẹo từ các tỉnh An Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp,… để chế biến kẹo chuối, chuối khô khèo, chuối gừng, nước cốt chuối, rượu chuối… cung cấp nhu cầu cho người tiêu dùng.
Đến với làng nghề chuối khô Cà Mau, các bạn sẽ được hòa mình vào không khí nhộn nhịp nơi đây, được giới thiệu và tham gia vào các công đoạn từ lột vỏ chuối, ép chuối, phơi chuối, được thưởng thức những miếng chuối khô thơm ngon, dẻo ngọt. Và thưởng ngoạn khung cảnh phơi chuối tuyệt đẹp trên mọi nẻo đường mà không nơi nào có được.
Địa chỉ: xã Trần Hợi huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau
Làng nghề làm bánh mứt từ khóm
Không giống như những ngành nghề làm bánh tráng hay bánh phồng, nghề làm bánh mứt khóm ở huyện Châu Thành chỉ thật sự khởi động và nhộn nhịp hơn hẳn khi Xuân về.
Sản phẩm ngon nhất tại làng nghề là món khóm phơi khô. Khóm sau khi phơi có vị ngọt bùi đặc trưng, sẽ ngon hơn khi vừa ăn miếng mứt khóm thơm ngọt vừa nhâm nhi ly trà ấm nóng. Hiện nay có hai hình thức làm món khóm khô là phơi nắng tự nhiên và sấy. Hầu hết những bà con người Hoa tại xã Bình An, huyện Châu Thành làm khóm khô bằng phương pháp thủ công, truyền thống.
Ngoài khóm khô, khách phương xa đến làng nghề còn được thỏa mãn vị giác với bánh hoa mai nhân khóm, kẹo khóm hoặc nước ép khóm tươi thơm ngon trứ danh.
Địa chỉ: Xã Bình An, Huyện Châu Thành, Tỉnh Bến Tre.
Làng nghề Bánh phồng Phú Mỹ An Giang
Vùng đất An Giang từ lâu nổi tiếng với các đặc sản như mắm Châu Đốc, đường Thốt Nốt, lụa và thổ cẩm… Ngoài ra khi đến An Giang các bạn còn được tham quan làng nghề bánh phồng Phú Mỹ. Là làng nghề hình thành, “lưu trú” và phát triển gần 70 năm nay, với hơn 50 cơ sở sản xuất. sản phẩm bánh phồng nơi đây là đặc sản của địa phương, từ lâu đã được nhiều du khách biết đến và thương hiệu “Bánh phồng Phú Mỹ” đang lan tỏa dần ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.
Bánh phồng Phú Mỹ được làm từ loại nếp đặc sản Phú Tân. Nhờ nguồn nguyên liệu nếp đặc sản riêng biệt nên bánh phồng Phú Mỹ có hương vị riêng, độ thơm, béo, ngọt rất khác biệt so với bánh phồng những nơi khác. Chính yếu tố đó giúp làng nghề “lưu trú” và phát triển cho đến ngày nay. Bánh phồng Phú Mỹ có nhiều loại, trong đó hai loại ngon nhất là bánh phồng sữa và bánh phồng mè trắng luôn thu hút nhiều khách hàng đặt mua.
Đến tham quan làng nghề, du khách sẽ được giới thiệu các công đoạn làm bánh rất công phu. Từ khâu chọn nếp, đãi nếp, xôi lên rồi bỏ vào cối quết đến khi nhuyễn, đem ra cán thành bánh, phơi nắng rồi đem vào nhúng nước đường và phơi lại lần nữa cho khô mới đóng gói. Các phụ gia như đậu, mè, sữa… được đưa lần lượt vào bánh theo từng công đoạn với tỷ lệ thích hợp.
Bánh phồng Phú Mỹ nhỏ bằng cái dĩa nhưng sau khi nướng chín thì phồng to hơn cái quạt nan. Bánh vừa xốp, vừa mềm, cắn vào nghe “phao” miệng bởi vị béo của nếp, vị ngọt của đường, mùi thơm của sữa, mè, đậu nành, đậu phộng… tạo nên hương vị đặc trưng và không thể thiếu trong bữa ăn ngày Tết hay các dịp đám tiệc, cưới hỏi. Đến thăm làng nghề vào những ngày giáp tết Nguyên Đán, du khách sẽ cảm nhận hết không khí nhộn nhịp của một làng nghề truyền thống.
Địa chỉ: thị trấn Phú Mỹ, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang.
Làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng
Khi nhắc đến Huyện Giồng Trôm tỉnh Bến Tre, người ta lại truyền tay nhau câu nói “Bánh tráng Mỹ Lồng, bánh Phồng Sơn Đốc”. Bánh tráng Mỹ Lồng có nguồn gốc từ Huyện Giồng Trôm, đây là đặc sản, là niềm tự hào của người dân xứ dừa.
Vừa đến làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng, du khách sẽ bắt gặp hình ảnh dọc 2 bên đường là những phên bánh tráng trải dài thẳng tắp, được phơi dưới ánh nắng mặt trời, tạo nên một dãy màu trắng lạ mắt nối liền nhau từ nhà này sang nhà khác. Sát mặt đường là những quầy hàng được bày bán với nhiều mặt hàng đặc sản khác nhau của Bến Tre để du khách lựa chọn, nhưng nhiều nhất vẫn là những chiếc bánh tráng Mỹ Lồng nổi tiếng, có cả bánh còn sống và cả bánh đã được nướng chín vừa để làm quà, vừa để du khách thưởng thức bánh ngay.
Các loại bánh tráng dừa ở Mỹ Lồng nổi tiếng vừa béo vừa xốp, đặt lên bếp than thì tỏa hương thơm lừng. Có ba loại bánh tráng dừa, đó là: bánh đặc biệt có sữa, trứng gà, dừa; bánh có dừa không sữa; bánh có sữa không dừa…
Bánh tráng Mỹ Lồng qua bàn tay lao động của người dân nơi đây đã trở thành một thương hiệu bánh tráng nức tiếng gần xa.
Địa chỉ: ở xã Mỹ Thạnh, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre.
Làng nghề làm bánh phồng Vĩnh Phước B
Nghề làm bánh phồng tại xã Vĩnh Phước B sản xuất quanh năm nhưng nhộn nhịp nhất vào dịp Tết Âm lịch. Nguyên liệu chính để làm bánh phồng là gạo và bột mì ngang. Điều đặc trưng làm nên hương vị tinh tế cho bánh phồng là gạo và khoai mì đều là giống địa phương. Thế nên bánh phồng Vĩnh Phước B vừa ngon lại rất an toàn cho sức khỏe người sử dụng.
Làm bánh phồng thú vị nhất là ở công đoạn quết bánh. Công việc này thường làm vào lúc nửa đêm về sáng để bột có thời gian nở. Quết bột bánh rất vui vì bắt buộc phải có hai người làm, một người dùng chày giã bột, một người “vùa đảo bột” (ngôn ngữ địa phương) – nghĩa là lấy nước cốt dừa pha đường thêm vào trong phần bột sao cho thật đều và quyện vào nhau. Sau đó bánh được cán tròn, mang trải ra chiếu lát và phơi dưới nắng 2 tiếng đồng hồ là khô. Nếu có dịp ghé qua đây, đừng quên thử một lần tham gia giã bánh cùng người dân nơi đây bạn nhé!
Địa chỉ: Xã Vĩnh Phước B, Huyện Gò Quao, Tỉnh Kiên Giang
Làng bánh pía Vũng Thơm
Bánh Pía Sóc Trăng xuất hiện ở vùng đất Nam Bộ từ thế kỷ 17, khi những người Hán đầu tiên di cư đến phương Nam, lúc đầu chiếc bánh là lương thực bí mật giúp họ thoát khỏi những ngày khó khăn cơ cực, sau đó một vài người mở tiệm kinh doanh, món bánh được chế biến phù hợp hơn với khẩu vị của người Việt, bằng cách tận dụng nguồn nguyên liệu dồi dào, thơm thảo của vùng đất phương Nam và lớn dần trở thành làng nghề như ngày nay.
Không chỉ thơm ngon và đa dạng, bánh Pía ngày càng được chăm chút hơn về bao bì, và quy trình đóng gói để bánh được lưu giữ lâu hơn. Bánh Pía Vũng Thơm Sóc Trăng không quá ngọt và không quá béo, khiến người ăn có thể nếm lai rai không biết ngán. Lớp vỏ bánh mềm dẻo, mịn màng ôm lấy nhân bánh thơm ngọt phía trong. Ăn bánh Pía mà thưởng thức cùng tách trà nóng thì còn gì bằng. Vị đăng đắng, thanh tao của trà vừa giúp khơi dậy hương vị thơm ngon cho bánh vừa làm bánh đỡ ngấy.
Điểm đặc biệt nhất của bánh pía Vũng thơm Sóc Trăng là hoàn toàn không sử dụng hương liệu. Mùi thơm của bánh được tạo ra từ những múi sầu riêng được tuyển chọn từ khắp miệt vườn miền Tây. Từ chiếc bánh Pía nguyên thủy, ngày nay bánh Pía đã được biến thể rất nhiều; không chỉ có nhân phổ biến như: đậu xanh, khoai môn, sầu riêng, trứng muối, bánh còn có nhân hạt sen, xá xíu, củ cải, thơm (dứa), bơ,… Trước khi đem vào lò nướng bánh Pía được trang trí bằng màu thực phẩm và quết một lớp lòng đỏ trứng cho thêm hấp dẫn. Người phương xa đi ngang Sóc Trăng bao giờ cũng mua vài phong bánh bía về làm quà cho người thân, như mang theo hương vị ngọt ngào, chân chất của vùng quê Nam Bộ.
Địa chỉ: xã Mỹ Tâm, huyện Mỹ Tú, Sóc Trăng
Bánh phồng tôm Sa Giang
Bánh phồng tôm Sa Giang là những chiếc bánh tròn vành vạnh, khi chiên lên ngả màu vàng đục tựa như vầng trăng rằm ở làng quê Việt Nam, bánh có hương thơm nồng, vị cay cay đậm đà, đã góp phần làm phong phú thêm nét văn hóa ẩm thực ăn uống của dân tộc Việt Nam.
Du khách khi đến với Sa Đéc thường tìm mua bánh phồng tôm Sa Giang về làm quà vì bánh phồng tôm nơi đây khi chiên có độ giòn, xốp. Bánh có vị ngọt ngọt, beo béo, một chút vị cay của tiêu và vị thơm đặc trưng của tôm. Những hương vị ấy cứ hòa quyện vào nhau, giòn tan nơi đầu lưỡi làm thực khách ăn rồi lại muốn ăn thêm cái nữa .
Bánh phồng tôm được dùng như một món ăn khai vị, ăn cùng với món gỏi trong các bữa tiệc. Hoặc đối kháng giản chỉ là thưởng thức chiếc bánh phồng tôm chiên rồi nhấp thêm ngụm trà nóng, cảm giác thật là thú vị. Các bạn hãy thử pha tách trà nóng và chiên vài cái bánh phồng tôm để cảm nhận hết sự thơm ngon của bánh phồng Sa Giang bạn nhé.
Địa chỉ: Thành phố Sa Đéc, Tỉnh Đồng Tháp
Làng nghề làm tôm khô Tô Châu – Hà Tiên
Vùng đất Hà Tiên vốn là được nhiều ưu đãi của thiên nhiên, nên sản vật, mà nhất là nguồn cá tôm rất phong phú, dồi dào. Những năm của thập niên 60-70, sản lượng tôm khai thác của ngư dân rất lớn nhưng gặp nhiều khó khăn trong khâu vận chuyển, bảo quản. Do đó, để có thị trường tiêu thụ ngoài tỉnh, người dân chỉ có 1 cách duy nhất là làm tôm khô. Lâu dần nhiều cơ sở hình thành rồi trở thành làng nghề truyền thống phát triển đến tận bây giờ.
Nhờ nguồn nguyên liệu dồi dào nên tôm khô được làm quanh năm. Tuy nhiên, thời điểm tháng 10 – 12 Âm lịch mới được xem là chính vụ, khi bà con ở làng nghề chuẩn bị cung ứng đặc sản quê hương phục vụ Tết. Tôm khô Tô Châu không mặn, không lạt, mùi thơm đặc trưng bởi được chế biến công phu tỉ mỉ từ khâu luộc tôm canh độ lửa đến việc nêm muối vừa tay, quan trọng nhất là chọn đúng thời điểm vớt tôm đi sấy. Nhờ vậy tôm khô Tô Châu có màu đỏ tự nhiên rất bắt mắt, thịt tôm khô ngon, vị vừa ăn. Hứa hẹn sẽ là món quà quê rất hấp dẫn cho bạn bè và người thân sau mỗi chuyến đi xa về.
Địa chỉ: Phường Tô Châu, Thị xã Hà Tiên, Tỉnh Kiên Giang
Có thể bạn thích: