Nếu bạn thực sự chưa nghe tới cụm từ “kháng kháng sinh”, có lẽ bạn đang bỏ lỡ rất nhiều thông tin quan trọng xung quanh bạn. Ở thời điểm hiện tại, đã có rất nhiều tranh luận và cảnh báo về vấn đề “kháng kháng sinh”, khi mà các loại thuốc đang dần mất hiệu lực trong điều trị bệnh nhiễm khuẩn, thậm chí là những siêu vi khuẩn kháng mọi loại thuốc đã được phát hiện tại Mỹ, Châu Âu và Trung Quốc. Nếu bạn cho rằng, chẳng có gì đáng lo, tôi vẫn có thể khỏi chứng viêm họng bằng kháng sinh, thì bạn đang gián tiếp trở thành một “vật chủ” tạo điều kiện cho các siêu vi khuẩn kháng kháng sinh có cơ hội phát triển các gen kháng thuốc. Nếu bạn vẫn chưa tin, hãy đọc ngay 10 lý do khiến “kháng kháng sinh” thật sự đáng sợ với thế giới hiện đại.
Đôi khi chúng ta cần kháng sinh ngay lập tức
Có những trường hợp mà người bệnh cần phải được xử lý với kháng sinh ngay lập tức, và nếu kháng sinh không kịp thời có tác dụng với họ, sẽ không cần phải bàn cãi gì về hậu quả nữa.
Cụ thể, đối với các bệnh nhân nhiễm trùng máu, một dạng nhiễm trùng phổ biến uy hiếp tính mạng của người bệnh. Nếu người nhiễm trùng máu không được kịp thời điều trị với các loại kháng sinh có tác dụng, họ cầm chắc cái chết. Và thực tế, tại Anh mỗi năm đã có tới 37.000 người chết/100.000 người nhiễm trùng máu dù đã có kháng sinh.
Hàng nghìn tỷ USD đang mất đi bởi kháng kháng sinh
Các loại vi khuẩn kháng thuốc đang khiến chúng ta tiêu hao rất nhiều tiền. Chi phí cho chăm sóc sức khỏe và trợ cấp mất khả năng lao động của các bệnh nhân kháng kháng sinh đã khiến Liên minh Châu Âu tiêu tốn tới 1,7 tỷ USD.
Và ước tính, với tốc độ hiện tại, cho đến năm 2050, chúng ta sẽ tiêu tốn 100.000 tỷ USD bởi những con siêu vi khuẩn nhỏ bé kháng thuốc này.
Chúng ta đang thua trong cuộc chiến với các loài siêu vi kháng kháng sinh
Penicillin đã trở thành thần dược mang lại hy vọng cho con người. Nhưng hy vọng đó không tồn tại lâu. Chỉ hai năm sau khi Penicillin được đưa vào sử dụng đại trà (năm 1943), vi khuẩn kháng Penicillin xuất hiện (năm 1945). Và phải mất tới 27 năm sau, tức là năm 1972, con người mới điều chế được loại kháng sinh mới có tên Vancomycin.
Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang, vi khuẩn kháng Vancomycin xuất hiện vào năm 1988 – tức là chỉ 16 năm sau đó.Cuộc đua vẫn chưa dừng lại, khi kháng sinh Imipenem ra đời năm 1985, thì kháng Imipenem xuất hiện vào năm 1998. Và gần đây, một trong những loại kháng sinh mới nhất, Daptomycin vừa ra đời năm 2003 thì chỉ mất một năm sau để một loại vi khuẩn kháng Daptomycin được phát hiện.
Bạn đã nhận ra chưa? Khi mà chúng ta không thể theo kịp các loài vi khuẩn – cứ mỗi 20 phút lại xuất hiện một chủng vi khuẩn mới. Còn các công ty dược phẩm phải mất cả thập kỷ nghiên cứu tốn kém nhân lực và tài sản.
Và chưa dừng lại ở đó, bạn có biết rằng, các công ty dược phẩm chịu trách nhiệm chạy đua cho nhân loại cũng đã không còn mặn mà gì với cuộc chiến này nữa? Khi mà để có một loại kháng sinh mới sẽ phải tiêu tốn trung bình 2,5 tỷ USD, trong khi các đơn giá thuốc kháng sinh chỉ khoảng 20-200 USD.
Họ đang chạy theo lợi nhuận sinh ra từ thị trường thuốc ung thư và bệnh mãn tính, với những đơn thuốc lên đến 20.000 USD và thường phải sử dụng thời gian dài, thậm chí là suốt đời.
Thiếu kháng sinh, các ca cấy ghép cũng sẽ không thể thực hiện
Cũng tương tự như quá trình phẫu thuật, cấy ghép các bộ phận cơ thể cho người bệnh cũng kéo theo nguy cơ gây nhiễm trùng cho người bệnh. Bên cạnh đó, để cơ thể chấp nhận bộ phận mới, các bệnh nhân cấy ghép cần sử dụng thuốc chống đào thải – loại thuốc làm suy yếu hệ miễn dịch. Vì thế, nếu thiếu kháng sinh họ không thể điều trị những nhiễm khuẩn thông thường.
Chúng ta đã và đang ở trong cơn ác mộng kháng kháng sinh đó rồi
Nhân loại hiện tại đã có khoảng 100 loại kháng sinh. Và năm 2000, một bệnh nhân người Mỹ đã được xác nhận là kháng gần như tất cả các loại kháng sinh, trừ hai loại.
Và năm 2008, chỉ còn một loại kháng sinh có tác dụng trên một bệnh nhân người Ấn Độ.
Bạn cho rằng đó chỉ là những trường hợp nhỏ lẻ? Riêng ở Mỹ và Châu Âu mỗi năm đã có tới 50.000 người chết vì nhiễm trùng, ước tính trên toàn thế giới là 70.000 người. Cơn ác mộng thực sự đã trở lại.
Nếu những con số chưa đủ để chứng minh, bạn cũng có thể nhận ra cơn ác mộng này xung quanh mình, khi mà thời gian trước đây, các triệu chứng tiểu buốt do nhiễm trùng đường tiết niệu được chữa khỏi triệt thông qua một đơn kháng sinh ngắn ngày. Còn hiện tại, triệu chứng này cần đến vài ba loại thuốc.
Bạn cũng có trách nhiệm với cơn ác mộng kháng kháng sinh này
Siêu vi khuẩn kháng kháng sinh là một “vấn đề toàn cầu”. Vì thế, các cơ quan, tổ chức liên quan phải có trách nhiệm và bạn hoàn toàn chỉ cần đứng ngoài cuộc? Bạn đang sai lầm!
Trên hết, kháng kháng sinh không chừa một ai. Hãy nhớ lại, bản thân bạn đã sử dụng kháng sinh như thế nào? Tự ý dùng kháng sinh khi không cần thiết, dùng không đúng, không đủ liều, thời gian điều trị,… Bạn đang tạo điều kiện cho các chủng siêu vi khuẩn kháng kháng sinh hình thành trong chính cơ thể bạn. Và rồi, đến một thời điểm nào đó, khi mọi loại thuốc kháng sinh đều không có hiệu quả, bạn sẽ biết thế nào là “bác sĩ cũng phải bó tay”.
Thiếu kháng sinh, ngành Y học sẽ trở lại thời điểm những năm 1930
Bạn có biết rằng ở thời kỳ những năm 1930, một vết thương bị nhiễm trùng hết sức bình thường cũng có thể gây tử vong. Thời điểm mà chỉ với một vết đứt tay, bạn cũng phải nơm nớp lo sợ về mạng sống của mình. Và căn bệnh viêm phổi không chỉ còn là một nỗi lo mà thực sự là ác mộng có thể tước đoạt mạng sống của những người trưởng thành khỏe mạnh một cách dễ dàng.
Ở thời điểm này, các ca bệnh nhiễm trùng chiếm đa số các trường hợp tử vong. Hơn nửa số ca bệnh tử vong ở Mỹ liên quan đến vi khuẩn. Bất cứ một tổn thương nhỏ nào cũng có thể giết người. Trong bối cảnh đó, liệu bạn có dám đi xe đạp, xe máy, làm vườn, xây dựng,… hay cho con bạn chơi patin, chơi đùa dưới sàn nhà,…? Cho đến khi Penicillin – loại kháng sinh đầu tiên mở ra tia hy vọng cho nhân loại chống lại các loại vi khuẩn, số người tử vong vì nhiễm trùng đã giảm từ 50% xuống chỉ còn một vài phần trăm.
Tuy nhiên, có lẽ chúng ta đã không chú ý đến cảnh báo của Alexander Fleming – cha đẻ của Penicillin: “Những người lạm dụng Penicillin ngày hôm nay, họ phải chịu trách nhiệm cho cái chết của những bệnh nhân nhiễm vi khuẩn kháng Penicillin sau này”.
Siêu vi kháng kháng sinh đang tồn tại trong thức ăn hàng ngày
Một báo cáo gần đây của tạp chí Lancet Infectious Diseases đã chỉ ra rằng 21% thịt lợn tại Trung Quốc có chứa vi khuẩn E.coli kháng Colistin (Thuốc kháng sinh điều trị nhiễm khuẩn nặng). Đồng thời, họ cũng phát hiện chủng kháng thuốc này trên 15% thịt bày bán tại các nhà bán lẻ.
Nguyên nhân là do việc lạm dụng kháng sinh Colistin – loại kháng sinh hiếm hoi còn tác dụng chống lại khuẩn E.coli ở động vật. Với giá thành rẻ, nó được trộn vào thức ăn gia súc ở một số nước như Trung Quốc.
Những cuộc phẫu thuật sẽ đưa bệnh nhân đến “bờ vực địa ngục”
Như bạn đã biết, mọi ca phẫu thuật đều phải được đặt trong những căn phòng vô trùng tuyệt đối (mặc dù chẳng có gì là tuyệt đối). Sở dĩ phải như vậy bởi mọi tiến trình phẫu thuật đều đưa bệnh nhân vào tình thế có nguy cơ nhiễm trùng cao.
Và, điều gì sẽ xảy ra, nếu như các loại kháng sinh đều không có tác dụng với bệnh nhân cần phẫu thuật? Liệu bạn có dám chấp nhận một cuộc phẫu thuật khớp để có được sự thuận tiện trong vận động khi mà điều đó có thể đánh đổi bằng mạng sống của bạn?
Thiếu kháng sinh, các bệnh nhân ung thư sẽ không thể điều trị hóa trị
Mặc dù hóa trị hiện tại là một phương pháp hiệu quả chống lại ung thư, nhưng quá trình điều trị này sẽ phá hủy các tế bào bạch cầu của người bệnh. Và một cơ thể không có bạch cầu đồng nghĩa với việc nó mất đi vũ khí hữu hiệu nhất của hệ miễn dịch chống lại nhiễm trùng.
Và vì thế, một bệnh nhân ung thư điều trị bằng hóa trị thiếu đi các loại kháng sinh có tác dụng đồng nghĩa với tự sát.
Có thể bạn thích: