Bài viết nói về những đô thị có dân cư sinh sống liên tục được thành lập sớm nhất trên thế giới.
Aleppo (Syria)
Trong nhiều năm liền, nơi đây chưa từng được coi là một cái nôi của văn minh nhân loại cho tới khi các cuộc khảo cổ tại Tellas-Sawda và Tellal-Ansari, phía Nam thành phố được tiến hành. Theo nghiên cứu của các nhà khảo cổ học, thành phố Aleppo đã được thành lập vào khoảng 15.000 năm trước. Trong nhiều thế kỷ, Aleppo đã là thành phố lớn nhất Đại Syria và là thành phố lớn thứ ba đế chế Ottoman, sau Constantinopolis và Cairo. Ngày nay Aleppo là thành phố lớn nhất ở Syria với hơn 2 triệu dân sinh sống, là thủ phủ của tỉnh Aleppo – tỉnh đông dân nhất Syria. Đến với đô thị cổ này, các bạn có thể chiêm ngưỡng các công trình nổi bật của Aleppo như Thành Aleppo; Nhà thờ Hồi giáo Al-Saffahiyah; Tòa Thị chính Trung tâm Aleppo và Công viên Aleppo cổ.
Athens (Hy Lạp)
Là thủ đô và cũng là thành phố lớn nhất Hy Lạp, Athens là một trong những thành phố cổ nhất trên thế giới với lịch sử được ghi chép ít nhất là 3000 năm. Athens Cổ đại là một thành bang hùng mạnh. Là một trung tâm nghệ thuật, học thuật và triết học, là địa điểm có Hàn lâm Học viện và nhiều nhà triết học, nhà văn, nhà chính trị nổi tiếng của thế giới cổ đại. Athens được xem như là cái nôi của nền Văn minh Phương Tây và là nơi sinh của khái niệm dân chủ. Đến với Athens bạn sẽ được chiêm ngưỡng các Đền thờ của các vị thần trong Thần thoại Hy Lạp như Đền thờ thần Zeus, thần Athena Nike, Đền Erechtheion,… . Ngày nay, Athens là thành phố lớn thứ 8 châu Âu, là trung tâm của cuộc sống chính trị, văn hóa, công nghiệp, tài chính, kinh tế của Hy Lạp, với diện tích 411,717 km2 và dân số gần 4 triệu người.
Varanasi (Ấn Độ)
Nằm bên bờ sông Hằng, lịch sử thành phố cổ xưa này được ghi chép từ thế kỷ 12 TCN, nơi đây còn là một trong Tứ Thánh địa của Phật giáo. Đối với những người theo đạo Hindu, họ tin rằng thành phố Varanasi do thần Shiva sáng lập ra. Nền văn hóa của Varanasi liên hệ sâu sắc với sông Hằng và tầm quan trọng về tôn giáo của sông Hằng. Thành phố này đã là một trung tâm tôn giáo và văn hóa ở Bắc Ấn Độ trong hàng ngàn năm. Varanasi có phong cách nhạc Hindustani riêng, và là nơi đã sản sinh ra nhiều nhà triết lý, nhà thơ, nhà văn và các nhà soạn nhạc nổi tiếng trong lịch sử Ấn Độ. Ngày nay, Varanasi được mệnh danh là Thủ đô Văn hóa của Ấn Độ. Hiện thành phố này là Quận thủ phủ của Bang Uttar Pradesh rộng 1550km2 với dân số hơn 5 triệu người.
Cholula (Mexico)
Phát triển từ nhiều làng rải rác, thành phố Cholula được thành lập vào khoảng hơn 2500 năm trước và đó là nơi tập hợp của nhiều nền văn hóa Mỹ Latinh như Olmecs, Toltecs, và Aztecs. Hiện nay, Cholula là một thuộc địa nhỏ với 60.000 người, thế nhưng ở đây lại có một công trình đồ sộ vào hàng bậc nhất thế giới. Nhưng có lẽ những bạn đọc Việt Nam vẫn còn rất ít thông tin về công trình này. Đó chính là Đại Kim tự tháp Cholula được giấu kín dưới lớp đất, có đỉnh nằm trên ngọn núi lớn. Đại Kim tự tháp Cholula rộng 450 m và cao 66 m, kim tự tháp có kích thước tương đương 9 bể bơi Olympic. Người dân địa phương gọi công trình khổng lồ này là Tlachihualtepetl, có nghĩa “ngọn núi nhân tạo”. Hiện Chính quyền Cholula đang thực hiện việc khai thác du lịch một đường hầm dài 800m trong lòng Đại Kim tự tháp này. Cholula năm gần thành phố Puebla – thành phố lớn thứ 4 ở Mexico.
Byblos (Li-băng)
Byblos (Bây-bi-lon) là một thành phố bên bờ Địa Trung Hải nằm ở tỉnh Núi Liban, Li-băng. Theo thần thoại Sanchuniathon của người Phoenician thì thành phố được xây dựng bởi Cronus như là thành phố đầu tiên của người Phoenician và nó trở thành một khu định cư kể từ năm 5.000 TCN. Đây là một địa điểm hấp dẫn đối với các nhà khảo cổ vì các mảnh ghép kế tiếp trong nhiều thế kỷ trước về cuộc sống con người. Nhắc đến Byblos, chúng ta không thể không nhắc tới Vườn treo Byblos. Chúng được cho là do vua Nebuchadnezzar II xây dựng nên từ khoảng năm 600 TCN để giúp cho Hoàng hậu của ông là Amyitis – con gái nhà vua Uvaxshtra của Đế quốc Mada để quên đi nỗi nhớ quê hương ở Vùng đất Lưỡng Hà. Ngày nay, Byblos vẫn giữ được nét xinh đẹp, cổ kính và duyên dáng của nó với diện tích 17 km2 và 100.000 dân nằm bên cạnh bờ biển Địa Trung Hải của Li-băng.
Damascus (Syria)
Là thủ đô của Syria, Damascus cũng là thành phố lớn nhất của đất nước này, với diện tích 573 km2 và dân số trên 4,5 triệu người. Với biệt danh là Thành phố Nhài, Damascus được thành lập vào khoảng những năm 10.000 – 8.000 TCN. Mặc dù lịch sử chính xác của thành phố vẫn đang được bàn cãi, nhưng Damascus đã được công nhận là một trong những thành phố liên tục có người sống lâu đời nhất trên thế giới. Từ thời xa xưa, Damascus là một trung tâm văn hóa, thương mại và hành chính, là điểm đến của các thương nhân và thợ thủ công bản địa và ở nước ngoài. Thành phố này được đánh dấu bởi nhiều nền văn minh: Hy Lạp, La Mã, Byzantine và Hồi giáo. Vì vậy các kiến trúc lâu đời ở thành phố này luôn là điểm thu hút của khách du lịch đến từ khắp nơi trên thế giới. Tuy nhiên, thời gian gần đây, một số cư dân tại Damascus đang lo sợ điều tồi tệ nhất khi Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS chống lại quân đội ở miền bắc Syria có thể tiến vào Thủ đô. Mặc dù có sự bảo đảm của chính phủ, nhưng mọi người rất lo lắng khi những kẻ được gọi là những chiến binh thánh chiến thâm nhập vào thành phố này!
Jerusalem (Israel)
Theo thần thoại và truyền thuyết Do Thái, vua David của Israel đã xây dựng thủ đô của Vương quốc Israel thống nhất và vua Solomon xây Đền Thờ Đầu tiên. Còn theo Tân Ước, chính tại Jerusalem, Chúa Jesus đã bị đóng đinh trên thập tự giá và trong truyền thống Hồi giáo dòng Sunni đây là thành phố quan trọng thứ ba (sau Mecca và Medina) bởi theo Qur’an đây là điểm dừng chân trong Hành trình Đêm kỳ bí của ông. Nói đến đây chúng ta có thể nhận thấy rằng tính lịch sử và sự quan trọng của Jerusalem. Theo sử sách ghi lại thì thành phố này được thành lập từ khoảng thiên niên kỷ thứ 4 trước Công nguyên và trở thành một thánh địa chung của cả ba tôn giáo Do Thái giáo, Cơ Đốc giáo và Hồi giáo, lưu giữ nhiều di tích tôn giáo và là điểm hành hương hàng năm. Vì vậy khi đến thăm thành phố này, các bạn có thể chiêm ngưỡng sự đa dạng của các công trình kiến trúc tôn giáo tại đây. Với dân số hơn 1 triệu người, Jerusalem là thành phố tiêu biểu về sự đa dạng của cộng đồng cácdân tộc sinh sống tại đây, các dòng tôn giáo và những nhóm kinh tế xã hội.
Plovdiv (Bun-ga-ri)
Plovdiv có lịch sử kéo dài khoảng 6.000 năm, với dấu vết của một khu định cư thời kỳ đồ đá có niên đại khoảng 4000 TCN. Trong thời kỳ Hy Lạp cổ đại, thành phố có tên Hy Lạp là Philippopolis, ban đầu nó là một khu định cư Thracia trước khi trở thành một thành phố lớn. Trong thời Trung cổ, nó giữ vị trí chiến lược trong khu vực, trở thành khu vực tranh chấp giữa các đế chế Byzantine và Bungaria. Vào thế kỷ XIV, Plovdiv thuộc cai trị của đế chế Ottoman. Năm 1878, Plovdiv đã được chọn làm thủ phủ của khu vực tự trị của Ottoman, miền Đông Rumelia. Vào năm 1885, nó trở thành một phần của Bulgaria với sự thống nhất của khu vực đó và Công quốc Bulgaria. Ngày nay, Plovdiv là thành phố lớn thứ hai ở Bulgaria sau thủ đô Sofia với diện tích 101,98 km2 và dân số gần 400.000 người . Khi đến đây, bạn sẽ được chiêm ngưỡng những ngôi nhà cổ kính mang kiến trúc La Mã cổ đại và tận hưởng một bầu không khí thanh bình nơi đây!
Jericho (Palestine)
Theo Kinh Cựu ước, Jericho được ví là “thành phố của những cây cọ” với nhiều suối nước dồi dào ở trong và xung quanh nên Jericho đã trở thành nơi cư trú tuyệt vời, hấp dẫn cho con người cổ đại cư trú từ hàng ngàn năm trước, đặc biệt khi Trái Đất ở trong thời kỳ Younger Dryas (tình trạng lạnh và hạn hán). Khoảng năm 9.600, thời kỳ Younger Dryas đã kết thúc, nhóm người Natuf đã bắt đầu lưu trú lâu dài tại đây, dẫn đến việc hình thành Thành phố Jericho. Theo Thỏa hiệp Oslo 1994, Israel và chính quyền Palestine ký một thỏa hiệp chung đặt nền tảng cho những quan hệ kinh tế giữa Israel, Jericho và các thành phố khác dưới chế độ tự trị của Palestine. Nhưng đến năm 2006, Israel đã chiếm lại thành phố hơn 20.000 dân này. Dù thường xảy ra tranh chấp về địa chính trị, nhưng Jericho vẫn hấp dẫn được rất nhiều du khách bởi vẻ đẹp cổ đại mà nên thơ!
Lạc Dương (Trung Quốc)
Tọa lạc trên đồng bằng trung tâm của Trung Quốc, một trong những cái nôi văn minh Trung Hoa, Lạc Dương là một trong bốn cố đô vĩ đại của Trung Hoa. Đô thị cổ nhất Trung Hoa này được manh nha ra đời vào thế kỷ XI TCN, theo lệnh của Chu Công truyền cho Triệu Công Thích xây dựng Thành Chu, và nơi đây là kinh đô của Nhà Chu kể từ năm 770 TCN. Lạc Dương tiếp tục trở thành kinh đô của Nhà Đông Hán cho đến thời Tam Quốc Diễn Nghĩa. Sau một thời gian bị phá hủy do chiến tranh, Lạc Dương lại một lần nữa trở thành kinh đô của triều đại nhà Bắc Ngụy, tiếp đó là các triều đại nhà Hậu Lương, Hậu Đường, Hậu Tấn với các cái tên như Đông Đô, Tây Kinh. Ngày nay, Lạc Dương là một thành phố trực thuộc tỉnh Hà Nam, nằm ở phía tây tỉnh Hà Nam có diện tích 15.208 km2 với dân số gần 8 triệu người. Đặt chân đến Lạc Dương, du khách như được lạc vào xứ sở của những câu chuyện cổ đại với hàng loạt những công trình kiến trúc mang tính chất biểu tượng cho nền văn hóa Trung Hoa cổ đại như Long Môn thạch quật, Bạch Mã tự, hệ thống các đền miếu Quan Lân,…
Có thể bạn thích: