Thị trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt, việc các thương hiệu bị thâu tóm là điều vô cùng dễ hiểu. Rất nhiều thương hiệu đã có từ lâu đời, một số đã đi vào tiềm thức của nhiều người Việt Nam nên việc các thương hiệu này bị các đại gia ngoại thâu tóm là vô cùng đáng tiếc.
Bảo hiểm AAA
Bảo hiểm AAA chính thức trở thành một thành viên của tập đoàn IAG (Australia) sau khi tập đoàn này thâu tóm hơn 60% số cổ phần. IAG thâm nhập vào AAA từ tháng 6/2012 sau khi bắt đầu mua 30% cổ phần phát hành thêm của công ty với mức giá công bố vào thời điểm đó là 20 triệu USD. Lập tức, IAG đã cử 4 đại diện tham gia vào HĐQT của AAA. Tại đại hội đồng cổ đông thường niên của AAA diễn ra vào ngày 26/7/2013, bà Đỗ Thị Kim Liên chính thức từ chức Chủ tịch HĐQT, qua đó mở đường cho ông Justin Paul Breheny (đại diện của tập đoàn IAG) làm Chủ tịch mới của công ty này. Trong cơ cấu lãnh đạo mới của AAA dĩ nhiên phần lớn đều là người nước ngoài. Trong cơ cấu cổ đông của bảo hiểm AAA hầu hết là các doanh nghiệp nước ngoài. Cụ thể, ngoài IAG chiếm phần lớn cổ phần còn có tập đoàn Bankinvest (Đan Mạch), tập đoàn Tái Bảo hiểm Aon Benfied, tập đoàn Assist- Card International (Thụy Sĩ), International Medical Group (IMG)…
Như vậy, sau hơn 9 năm thành lập, phần lớn công ty Bảo hiểm AAA đã rơi vào tay các “đại gia ngoại”.
Diana
Tháng 8/2011, công ty cổ phần Diana đã hoàn tất việc bán lại 95% số cổ phần cho Unicharm của Nhật. Được biết, 128 triệu USD là mức giá được giới truyền thông trong nước truyền đi, nhưng con số thực sự được The Asset – tạp chí tài chính hãng nghiên cứu từ khóa đầu châu Á – nhắc đến khi trao giải thưởng cho các thương vụ tốt nhất châu Á năm 2011, trong đó có Diana của Việt Nam với mức giá khác là 184 triệu USD.
Tiền thân của Diana Việt Nam chính là công ty đầu tư và phát triển kỹ thuật Việt Ý, thành lập từ năm 1997, sau đó đổi tên thành công ty cổ phần Diana Việt Nam, đặt tại khu công nghiệp Vĩnh Tuy, Hà Nội. Các sản phẩm chính mà công ty chuyên sản xuất và phân phối gồm các mặt hàng từ giấy và bột giấy như băng vệ sinh, tã giấy trẻ em, khăn giấy ăn với các thương hiệu nổi tiếng Diana, Bobby, Caryn.
Bibica
Bibica – thương hiệu nổi tiếng và có thị phần khá lớn ở Việt Nam – đã bị tập đoàn Lotte tiến hành thâu tóm trong khoảng thời gian khá dài, cụ thể, Lotte đã mua 4,6 triệu cổ phiếu (tương đương 30,15%) trên sàn từ năm 2007, sau đó một năm tức là năm 2008 lại mua thêm 5,5% cổ phần nữa, chiếm tỷ lệ sở hữu lên đến 35,65%.
Tại thời điểm đó có những ý kiến cho rằng với các quy định về nhà đầu tư nước ngoài không được sở hữu quá 49% cổ phiếu của bất cứ công ty cổ phần nào, Lotte không thể nào hoàn toàn chiếm lĩnh được Bibica. Tuy nhiên 51% cổ phần vẫn còn thuộc về Bibica lại nằm rải rác ở rất nhiều cổ đông khác nhau, trong khi toàn bộ công nghệ, kỹ thuật, chiến lược và cả những chức vụ quan trọng nhất như chủ tịch HĐQT đều do Lotte nắm giữ, thì thực sự Lotte đã vận hành Bibica theo guồng máy của riêng họ.
Và sự thật chính là vào thời điểm tháng 3/2012, không cần sở hữu đến 49%, Lotte đã nắm giữ vị trí chủ chốt và quyền điều hành quan trọng nhất trong công ty Bibica thông qua hai chức danh vô cùng quan trọng là chủ tịch HĐQT và giám đốc tài chính.
Tribeco
Tribeco trước khi bị Uni-President Việt Nam – công ty con của Uni-President Đài Loan thâu tóm, đã có lịch sử tận 20 năm hoạt động và luôn được người tiêu dùng bình chọn là hàng Việt Nam chất lượng cao trong suốt 11 năm liên tục. Lên sàn vào cuối năm 2001 và chính thức liên doanh vào năm 2008, cuối cùng đã tuyên bố giải thể vào tháng 8/2012.
Vào năm 2001, Tribeco là doanh nghiệp thứ 9 lên sàn chứng khoán TP.HCM với mã cổ phiếu là TRI và liên tục nhiều năm liền được đánh giá cổ phiếu tốt, bởi có hoạt động kinh doanh hiệu quả. Đặc biệt hơn, TP.HCM còn chọn 2 sản phẩm chính của công ty là sữa đậu nành và nước ngọt có ga làm sản phẩm công nghiệp chủ lực của thành phố. Về mặt thương hiệu, Tribeco đã tạo được hiệu ứng hình ảnh rất tốt khi tham gia tài trợ cho cuộc đua xe đạp Cúp truyền hình TP.HCM. Đây được xem là chương trình marketing được đánh giá rất cao vào thời điểm đó.
Tribeco chỉ yên lành cho đến ngày họ quyết định bắt tay với “đại gia lớn”. Năm 2005, công ty cổ phần bánh kẹo Kinh Đô lúc này đang là thương hiệu bánh kẹo mạnh của thị trường nội địa với tham vọng mở rộng thị trường sang nước giải khát đã chọn TRI để đầu tư. 35% số cổ phần của TRI đã được Kinh Đô mua lại và vị tổng giám đốc Kinh Đô lúc bấy giờ không giấu giếm tham vọng của mình khi cho biết “Việc thâu tóm Tribeco nằm trong định hướng của công ty”. Trong hai năm liên tục 2006 và 2007, sau khi có một cổ đông lớn là Kinh Đô, Tribeco tiếp tục cho xây 2 nhà máy lớn là Tribeco Bình Dương và Tribeco Miền Bắc (Hưng Yên) với tỷ lệ vốn góp là Tribeco 80% và Kinh Đô 20%. Đầu năm 2007, Tribeco lại bán thêm 15% cổ phần cho đối tác đến từ Đài Loan là Uni-President. Đây được xem là những quyết định đầu tư vô cùng vội vã và đánh giá sai nhu cầu của thị trường. Cũng chính việc thua lỗ triền miên, vào năm 2010, TRI đã bán hết toàn bộ cổ phần Tribeco Miền Bắc, cuối năm 2011 tiếp tục bán hết Tribeco Bình Dương. Chấm dứt hoàn toàn giấc mộng mở rộng sản xuất và thị phần ngắn ngủi.
Ngày 24/8/2012, Tribeco phải tổ chức đại hội đồng cổ đông bất thường để xin ý kiến thông qua việc giải thể công ty. Cho tới đầu tháng 9, mọi hoạt động của Tribeco Sài Gòn chính thức do Tribeco Bình Dương hoàn toàn tiếp nhận. Như vậy, tập đoàn Đài Loan đã và đang kiểm soát toàn bộ thương hiệu nước giải khát đã từng thuần Việt.
Huda Huế
Được xem là thương vụ đình đám nhất trong việc thâu tóm thị trường bia của Việt chính có lẽ chính là việc “đổi quốc tịch” cho bia Huế. Công ty Bia Huế (Huda) được thành lập từ năm 1990 với tên gọi là nhà máy Bia Huế. Vào giữa những năm 90, các công ty bia địa phương đều rơi vào tình trạng khó khăn. Họ buộc phải tìm lối thoát cho mình bằng cách chuyển hướng sang tập trung sản xuất bia hơi, hoặc là sáp nhập vào các công ty bia lớn hơn, có tên tuổi để có thể gia công sản phẩm cho họ. Bia Huế luôn muốn khẳng định hình ảnh thương hiệu của mình nên đã cố gắng tìm cách đi khác. Tuy nhiên, cho tới năm 1994, Huda Huế đã hợp tác với tập đoàn Carlsberg (Đan Mạch) dưới hình thức liên doanh, mỗi bên góp vốn 50%. Từ lúc đó trở đi, công ty TNHH bia Huế (Huda) chính thức ra đời. Nhanh chóng bia Huda trở thành thương hiệu lớn ở miền Trung và công ty bia Huế được đánh giá là 1 trong số 4 đại gia của làng bia Việt Nam (3 cái tên còn lại là Sabeco, Habeco và Bia Việt Nam). Sau gần 2 thập kỷ hoạt động dưới dạng liên doanh và liên kết, tới cuối năm 2011, Carlsberg đã lộ rõ ý đồ thâu tóm khi mua lại phần lớn vốn của đối tác Việt Nam là ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên – Huế để Huda Huế từ một đơn vị liên doanh trở thành một công ty 100% vốn nước ngoài.
Dạ Lan
Dạ Lan là một trong 2 ông lớn đình đám của thị trường kem đánh răng Việt. Vào những năm 1993-1994, Dạ Lan đã từng chiếm đến gần 70% thị phần kem đánh răng trên cả nước. Riêng từ Đà Nẵng trở vào, thị phần của hãng chiếm đến 90%, góp phần đánh bật kem đánh răng của Trung Quốc ra khỏi thị trường Việt Nam.
Trước làn sóng mở cửa vào năm 1995, ông Trịnh Thành Nhơn, ông chủ của Dạ Lan đã ra quyết định liên doanh với công ty Colgate – Palmolive, khi ấy công ty được định giá là 3,2 triệu USD (chiếm 30% vốn), đây là một con số không hề nhỏ vào thời điểm đó. Tuy nhiên, công ty liên doanh Colgate – Sơn Hải này đã đưa nhãn hiệu Colgate vào thế chỗ của Dạ Lan khiến cho Dạ Lan gần như biến mất khỏi thị trường. Sau khi “thủ tiêu” được Dạ Lan, công ty liên doanh cũng nhanh chóng giải thể vài năm sau đó để trở thành công ty liên doanh Colgate – Palmolive Việt Nam còn ông Nhơn thì mang theo Dạ Lan rời khỏi liên doanh.
Từ 2009 ông Nhơn bắt đầu phục hồi lại nhãn hiệu kem đánh răng nổi tiếng một thời Dạ Lan sau nhiều năm vắng bóng tại thị trường Việt Nam thông qua công ty hóa mỹ phẩm quốc tế (ICC), nhưng mà giờ đây, thương hiệu này đã không thể quay về “ngôi vương” như thuở ban đầu được nữa.
Kinh Đô
Sau khi bán lại 80% cổ phần mảng bánh kẹo cho tập đoàn Mondelēz International với với giá khoảng 370 triệu USD, công ty cổ phần Kinh Đô (KDC) đồng thời đổi tên thành công ty cổ phần tập đoàn KIDO (KIDO Corporation). Đại hội cổ đông thường niên năm 2015 của CTCP Kinh Đô ngày 26/6 đã chính thức thông qua việc sửa đổi tên công ty thành công ty cổ phần tập đoàn KIDO (KIDO Corporation) với tên mã chứng khoán vẫn giữ nguyên là KDC như cũ.
Như vậy, thương hiệu Kinh Đô vô cùng quen thuộc sẽ không còn thuộc doanh nghiệp trong nước quản lý nữa và mảng bánh kẹo của thương hiệu này đã về tay “đại gia ngoại” là Mondelēz International. Phi vụ chuyển nhượng này nhanh chóng gây ra sự chấn động vì bánh kẹo Kinh Đô trong 21 năm qua luôn là một thương hiệu cực kỳ quen thuộc với người Việt.
Phở 24
Dù chưa thực sự là một “ông lớn” trong giới kinh doanh nhưng việc thương hiệu Phở 24 bị Highlands Coffee, rồi sau đó là Jollibee (Philippines) thâu tóm là một trong những sự kiện nhận được sự quan tâm đông đảo từ dư luận. Trong giới đầu tư tài chính, những lời đồn đại cho biết, giá cho cuộc giao dịch nói trên là hơn 20 triệu USD và đây là một trong những bước trong lộ trình thâu tóm toàn bộ Highlands lẫn cả Phở 24 của Jollibee – một tập đoàn bán lẻ Philippines.
Phở 24 được xem là một thương hiệu rất nổi tiếng của Việt Nam trong thời kỳ đầu. Dù được xây dựng và phát triển mới từ năm 2003 nhưng Phở 24 đã nhanh chóng được biết một cách rộng rãi với chất lượng dịch vụ, sản phẩm tốt và có những bản sắc rất riêng biệt, không đụng hàng.
Trong khoảng thời gian hai ba năm gần đây, thương hiệu Phở 24 bắt đầu có dấu hiệu dịch vụ sa sút và chất lượng không còn được đảm bảo tốt đồng nhất trong hệ thống giống như trước đó. Sự đi xuống về hình ảnh của Phở 24 có thể cảm nhận được một cách rõ nét. Không còn nhiều người tiêu dùng nhắc tới thương hiệu này như là một sự lựa chọn hàng đầu như trước đây nữa.
Với một vị thế như vậy, quyết định bán lại là điều khá dễ hiểu và nếu giá thực sự như lời đồn là 20 triệu USD thì có thể nói là khá hậu hĩnh. Tuy nhiên, khi xét ở khía cạnh người đi mua, có lẽ họ cũng đã cân nhắc rất kỹ và dường như vụ thu mua Phở 24 thông qua Highlands Coffee của Jollibee là để khai thác thương hiệu này cho toàn bộ chuỗi bán lẻ trên toàn thế giới của tập đoàn này ở Philippines.
Việc đồn đoán Jollibee mới thực sự là người đi thâu tóm Phở 24 lan rộng sau khi Highlands Coffee bất ngờ mua 100% cổ phần của Phở 24, sau đó chính Highlands Coffee lại bán 50% của mình cho Jollibee. Trên thực tế, với việc nắm giữ quyền chi phối gián tiếp như vậy, việc Jollibee chính là ông chủ mới của thương hiệu Việt Phở 24 là vấn đề không còn gì nhiều để bàn cãi.
Kem đánh răng P/S
Thương hiệu kem đánh răng P/S do công ty hóa phẩm P/S (thuộc Sở Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh) phát triển từ năm 1975. Đây được xem là một thương hiệu lâu đời của Việt Nam. Trong một khoảng thời gian rất dài, không dưới 20 năm P/S đã dần dần xác lập được vị thế dẫn đầu về sản phẩm chăm sóc răng miệng của mình trên thị trường Việt Nam và gần như chiếm được lòng tin yêu của đông đảo người tiêu dùng Việt Nam. Chính vì vậy, với thế hệ người Việt Nam thời đó, P/S là một niềm tự hào vô cùng lớn của hàng tiêu dùng Việt, là một dấu ấn không thể nào phai mờ được.
Vào năm 1995, tập đoàn đa quốc gia Unilever đã đàm phán để được nhượng quyền sở hữu thương hiệu kem đánh răng P/S với mức giá nhượng quyền vô cùng hấp dẫn vào thời điểm đó là 5 triệu USD.
Có một điều đáng buồn là sau khi nhượng quyền đến nay, P/S dường như dần dần đánh mất vị thế của mình trên thị trường cả về chất lượng, giá cả cũng như mẫu mã. Cuối cùng từ thương vụ nhượng quyền, P/S đã chính thức bị thâu tóm và trở thành một doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài.
Bột giặt Viso
Viso là một nhãn hiệu bột giặt lâu đời và cũng là một trong những niềm tự hào của Việt Nam. Thuở mới khai sinh, Viso là tài sản của riêng ông Trương Văn Khôi, người được mệnh danh là “vua bột giặt Viso”.
Viso là một sản phẩm hướng tới người tiêu dùng ở phân khúc bình dân với mức giá cả phù hợp với túi tiền của đại đa số bộ phận công chúng. Chất lượng của Viso cũng là một trong những yếu tố được người tiêu dùng Việt Nam đánh giá cao. Viso luôn chiếm được thị phần đáng kể trong phân khúc bột giặt. Mặc dù được đánh giá khá cao cả về giá cả lẫn chất lượng, tuy nhiên, Viso không thể giữ được thương hiệu bột giặt thuần Việt.
Khi mới bước đầu đặt chân vào thị trường Việt Nam, Unilever cũng như rất nhiều tập đoàn đa quốc gia khác chọn hình thức liên doanh để từng bước tiếp cận thị trường. Unilever khi đó đã hợp tác với nhiều công ty bột giặt đang có thị phần lớn ở trong nước để thành lập liên doanh. Và các liên doanh như Lever-Viso, Lever-Haso lần lượt được ra đời. Không dừng lại ở đó, các tập đoàn đa quốc gia còn tìm đủ mọi cách để có thể biến những liên doanh như vậy thành công ty 100% có vốn nước ngoài. Và trường hợp của Lever-Viso cũng không là ngoại lệ. Từ một doanh nghiệp thuần Việt, Viso đã trở thành liên doanh và cuối cùng thương hiệu Viso đã hoàn toàn không còn là của người Việt nữa.
Có thể bạn thích: