Chậm phát triển trí tuệ ở trẻ luôn là nỗi phiền muộn của bậc làm bố mẹ. Những cuốn sách dưới đây sẽ giúp các bậc phụ huynh từng bước can thiệp sớm cho trẻ chậm phát triển trí tuệ, giúp các bé có cơ hội phát huy tối đa khả năng của mình. Đó là những cuốn sách nào thì hãy cùng TopChuan tham khảo ngay bài viết dưới đây.
Đi cùng ánh sáng
“Đi cùng ánh sáng” được biết đến như một bộ sách tranh cảm động về gia đình Hikaru – một cậu bé tự kỉ. Những gì diễn ra trong cuộc sống của gia đình Hikaru phản ánh một cách sống động, sâu sắc và nhân văn tình cảm gia đình trong những mối những mẫu thuẫn, rắc rối mà mỗi thành viên trong gia đình đều phải đối mặt. Gia đình Hikaru có bốn người, bố mẹ đều là những công chức phải nỗ lực bươn trải trong cuộc sống để có thể lo lắng đầy đủ cho các con. Hikaru mắc chứng tự kỉ, đó là khó khăn đầu tiên và lớn nhất mà bố mẹ cậu gặp phải. Bố Hikaru bỏ đi, gia đình bên nội của Hikaru quay lưng với con dâu và cháu trai, với những định kiến ác cảm dành cho người mẹ: Nào là Hikaru mắc tự kỉ do mẹ không biết nuôi con, bỏ mặc con, cho con ăn thức ăn chế biến sẵn… Mẹ Hikaru không dám đối diện với cú sốc này, cô giấu mình và giấu đứa con của mình trong bóng tối của sự vô tri, cô độc và khổ đau.
Nhưng rồi tình yêu và trách nhiệm đã lên tiếng, trên con đường tìm hiểu và chiến đấu chống lại chứng tự kỉ, mẹ Hikaru đã có lại sự chung lưng đấu cật của chồng. Từng bước một từ dò dẫm đến lên kế hoạch, gia đình Hikaru trở thành tổ ấm đúng nghĩa – nơi mọi nỗi đau, bất hạnh đều có được sự thấu hiểu và chia sẻ giữa các thành viên. Hikaru càng lớn, những mối quan hệ xã hội càng mở rộng, những rắc rối càng tăng lên, gia đình trở thành nơi trú ngụ cho mỗi người trong vòng tay yêu thương và chia sẻ của các thành viên.
Với cách tiếp cận chân thực về hiện thực đời sống, tác giả Keiko Tobe đã cho người đọc một hình dung cụ thể về một gia đình Nhật Bản đương đại và soi mình vào mỗi trang sách, mỗi khung thoại. Những kiến thức về tự kỉ được lồng ghép nhuần nhị trong mỗi bước đường của Hikaru sẽ là những gợi ý cho các gia đình có con em mắc chứng tự kỉ.
Nhưng trên hết “Đi cùng ánh sáng” là một bộ sách cần thiết cho mỗi gia đình và cho mọi lứa tuổi bởi nội dung gần gũi và gợi mở.
Nét vẽ mộc mạc mà biểu cảm, các khung thoại đối chọi giản nhưng đầy sức nặng, và đặc biệt lối kể chuyện từ tốn mà đầy truyền cảm, như gieo từng giọt, từng giọt yêu thương vào lòng bạn đọc. Có lẽ vì thế mà câu chuyện mới gần gũi và chân thật, không giáo điều, khô cứng. Còn điều gì quý giá hơn những câu chuyện đối chọi giản vô ngần như thế?. “Đi cùng ánh sáng” mang về cho Keiko Tobe Giải Xuất sắc tại Liên hoan Mĩ thuật Truyền thông Nhật Bản, được sự giúp đỡ của Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam và Mạng lưới Người tự kỉ Việt Nam, bộ truyện tranh “Đi cùng ánh sáng” đã chính thức được Nhà xuất bản Kim Đồng giới thiệu đến bạn đọc Việt Nam trong dịp kỉ niệm 28/6.
Đưa con trở lại thiên đường
Cuốn sách “Đưa con trở lại thiên đường” kể về hành trình của một người mẹ cùng con mình vượt qua chặng đường dài u tối, đầy khó khăn và không hiếm những thử thách nghiệt ngã của bệnh tự kỷ, để tìm lại những gì đã mất.
Những chặng đường gian khổ theo dõi, chăm sóc, điều trị, và dạy dỗ con được tác giả kể lại khá tỉ mỉ, vừa là sự chia sẻ với bạn đọc về chiều dài thăm thẳm của hành trình “Đưa con trở lại thiên đường”.
Đó là những kinh nghiệm của một người mẹ trước bao sóng gió hãi hùng (không chỉ đến từ chứng bệnh mà còn đến từ dư luận xã hội khi nhìn về chứng bệnh này) để những bà mẹ cùng cảnh ngộ tham khảo và có thêm sức mạnh tinh thần dắt con đi đến đích cuối cùng.
Cuốn sách của tác giả Phương Nga kết thúc có hậu. Con trai của chị đang trở lại thiên đường tuổi thơ. Và, tác giả viết cho các bà mẹ: Bầu trời cũng rất bao la, to lớn, nhưng người ta vẫn nhất định so sánh tình yêu của mẹ với biển cả, bởi vì biển còn có thêm phẩm chất vô cùng quý báu là sự dung nạp, khoan hòa. Là mẹ của một bé chậm phát triển, bạn cũng thế, bạn luôn có sẵn trong tim sự dung nạp, khoan hòa đủ để biến đổi nghịch cảnh thành hạnh phúc, giúp con bạn vượt qua tất cả.
Có thể quyển sách này sẽ không làm hài lòng 1 số người nào đó, nhưng trên hết, đây là một tự truyện cảm động của người mẹ vốn đã trải qua quá nhiều đau khổ và bức xúc trước việc cứu chữa cho con mình. Quyển tự truyện này chắc chắn sẽ nằm trong tủ sách của nhiều gia đình vì nhiều người mẹ cần đến nó. Hơn thế nữa, nó cũng sẽ được xem là 1 món quà tinh thần quý giá, vì không phải người mẹ nào cũng có thể sắp xếp thì giờ để tìm gặp chị Phương Nga mong nghe được những lời tư vấn về cách chăm sóc con.
“Ba ơi mình đi đâu?”
Jean-Louis Fournier sinh năm 1938 tại Arras trong một gia đình có bố là bác sĩ, mẹ là biên tập viên. Ông là nhà văn trào lộng kiêm đạo diễn phim truyền hình, đã thành danh với các tác phẩm: Grammaire française et impertinente (1992), Il a jamais tué personne mon papa (1999), Les mots des riches, les mots des pauvres (2004), Mon dernier cheveu noir (2006)… Chừng ấy cuốn sách ra đời và gặt hái thành công đủ để chứng tỏ tài năng của cây bút trào phúng đen này. Ở tuổi 70, với “Ba ơi mình đi đâu?”, lần đầu tiên Jean-Louis Fournier viết về hai cậu con trai tật nguyền của mình, cũng là để dành tặng chúng. Sức mạnh lan tỏa của câu chuyện có thật vô cùng cảm động này đã giúp tác giả giành giải Fémina 2008 và đứng vững trên bảng xếp hạng best-seller suốt nhiều tuần qua.
Ba ơi, mình đi đâu? là một câu chuyện buồn và hơn cả nỗi buồn nhưng lại không thấm đẫm nước mắt. Cuốn sách khiến người đọc cảm thấy đau nhói mọi nơi song không vùi sâu trong ủy mị. Bởi đó là cách lựa chọn của Jean-Louis Fournier trong suốt cuộc đời làm cha của mình. Uất hận, than trách cuộc đời, nổi điên lên hay buồn bã… cũng không thể làm khác đi sự hiện diện của hai cậu bé luôn uống thuốc an thần mỗi ngày để yên lặng. Những đứa trẻ mắt nhìn không rõ, tai điếc, chân khoèo, lưng gù, xương yếu. Một đứa chỉ biết nhắc đi nhắc lại một câu hỏi “Ba ơi, mình đi đâu?”. Một đứa suốt ngày nghĩ mình là một động cơ nên cứ kêu “brừm, brừm”… Sống trong thế giới ấy, người cha cần phải làm thế nào?
Ông, Jean-Louis Fournier không giấu giếm những phút quẫn trí mình đã từng nốc rượu rồi phóng xe như điên để mong một tai nạn sẽ ập đến, từng có ý định vứt những đứa con ra ngoài cửa sổ. Ông chưa bao giờ nhận mình là một thiên thần để chịu đựng từng ấy nỗi niềm tan nát. Song người cha ấy không gục ngã. Hay nói đúng hơn hai đứa trẻ tật nguyền thúc giục ông cần phải vượt qua. Đó là cách người cha nhìn vào những thử thách khắc nghiệt bằng một cặp mắt khác. Đó là sự hài hước trong những điều cay đắng. Ông thấy các con mình không phải đi học, không phải nghe giảng, không phải làm bài kiểm tra, không phải chịu phạt. Ông nhìn thấy mình nhờ con được phóng những chiếc xe lớn, tránh được việc nộp phạt, có tiền từ trợ cấp tật nguyền của con, không phải lo lắng về định hướng nghề nghiệp tương lai…
Con không ngốc, con chỉ thông minh theo một cách khác
Con không ngốc, con chỉ thông minh theo một cách khác là một cuốn hồi ký thuật lại hành trình trưởng thành của Lư Tô Vỹ, một hành trình kỳ diệu nhất mà cũng chân thực nhất. Cuộc đời của Lư Tô Vỹ được thuật lại qua những dòng hồi ức của chính ông, với những câu chuyện hoàn toàn có thực, hoàn toàn gần gũi và đời thường như cuộc đời bao người khác, không lãng mạn hóa, không hoàn hảo hóa.
Từ một cậu bé không may mắc phải căn bệnh viêm não Nhật Bản dẫn đến bị bại não và chỉ số IQ chỉ còn 70 vươn lên trở thành một thiên tài sở hữu 500 phát minh, tác giả của hơn 50 đầu sách nổi tiếng về giáo dục, một chuyên gia nổi tiếng trong lĩnh vực khai thác và phát triển năng lực tiềm ẩn, cuộc đời của Lư Tô Vỹ quả thực là 1 cuộc đời kỳ diệu!
Trong suốt những năm ấu thơ bị mọi người cho là thiểu năng, là kẻ ngốc, Lư Tô Vỹ vẫn luôn tin rằng mình là một người thông minh. Niềm tin đó chính là “báu vật” được truyền lại từ cha ông, người cha mà dù cho ông chỉ đạt 0 điểm cũng lạc quan cho rằng có điểm là tốt rồi và khi ông được 1 điều thì ngay lập tức reo mừng xúc động. “Con không ngốc, con chỉ thông minh theo một cách khác”, câu nói này của cha đã giúp Lư Tô Vỹ luôn tin vào bản thân và không ngừng nỗ lực.
Cuốn sách Con không ngốc, con chỉ thông minh theo một cách khác đã tái bản 60 lần và bán được 100.000 bản tại Đài Loan. Đây thực sự là một cuốn sách truyền cảm hứng về nghị lực sống mà bất cứ ai cũng không nên bỏ qua. Bởi lẽ, nó khiên người đọc tin rằng điều kỳ diệu hoàn toàn tồn tại, rằng cuộc đời mỗi người hoàn toàn cũng có thể trở thành 1 cuộc đời kỳ diệu nếu họ có đủ quyết tâm để thực hiện nó.
“Con không ngốc, con chỉ thông minh theo một cách khác thường mà thôi!” Sự động viên, khích lệ bền bỉ của cha và mẹ đã nuôi lớn tâm hồn và tri thức của Lư Tô Vỹ. Tôi ước sao nhiều bậc cha mẹ sẽ đọc được cuốn sách này, để khơi dậy thiên tài trong con cái họ, như cha mẹ Lư Tô Vỹ đã làm!
Có thể bạn thích: