Một kỳ thi THPT Quốc Gia nữa lại chuẩn bị sắp diễn ra. Các sĩ tử của chúng ta đã trang bị đầy đủ hành trang để sẵn sàng bước vào cuộc chiến chưa nào? Trong một khoảng thời gian ngắn mà lại phải tiếp nhận, ghi nhớ rất nhiều thông tin kiến thức là một việc vô cùng khó khăn đối với mỗi học sinh, áp lực học tập đã khiến cho tâm lý của các bạn luôn trong tình trạng căng thẳng, mệt mỏi, lo lắng. Đối với các bạn học sinh theo khối C thì lượng kiến thức mà các bạn phải ghi nhớ cũng không hề nhỏ một chút nào đặc biệt là môn Lịch Sử. Sử được coi là môn “khó nhai” nhất trong ba môn khối C bởi Lịch Sử có rất nhiều những sự kiện, mốc thời gian… mà bắt buộc các học sinh phải học thuộc, phải ghi nhớ một cách chính xác nhất. Tuy nhiên, công việc đó thì lại chưa bao giờ là dễ dàng. Vì vậy ngày hôm nay TopChuan.com sẽ giới thiệu cho bạn 1 số cách học Lịch Sử hiệu quả, bạn đọc cùng tham khảo và áp dụng nha.
Viết ra giấy
Thay vì ngồi cầm sách và đọc vanh vách như một con vẹt thì tại sao bạn lại không ngồi viết các kiến thức ra giấy nhỉ? Việc viết ra giấy sẽ giúp bạn nhớ được bài lâu hơn là việc ngồi đọc từng từ, từng chữ. Tuy nhiên, nhiều bạn rất ngại ngồi viết vì nó sẽ mỏi tay và tốn nhiều thời gian nên bạn chọn cách là ngồi đọc nhưng học theo cách ngồi đọc thuộc thì sẽ nhanh nhớ và cũng nhanh quên, khi bị ảnh hưởng tâm lý như run, lo lắng, hồi hộp thì thường hay xảy ra tình trạng quên chữ đầu tiên của một câu là quên luôn các chữ, các dòng tiếp theo; hoặc bạn sẽ bị nhầm lẫn các mốc thời gian với nhau. Ngược lại nếu bạn chăm chỉ, kiên trì hơn một chút ngồi học theo cách gạch đầu dòng các ý ra giấy thì bạn sẽ nắm chắc được các kiến thức hơn mà không lo bị quên hay bị nhầm.
Sơ đồ tư duy
Sơ đồ tư duy hay bản đồ tư duy (Mind Map) là hình thức ghi chép sử dụng màu sắc, hình ảnh nhằm tìm tòi đào sâu, mở rộng một ý tưởng, tóm tắt những ý chính của một nội dung, hệ thống hóa một chủ đề. Việc xây dựng được một “hình ảnh” thể hiện mối liên hệ giữa các kiến thức sẽ mang lại những lợi ích đáng vồ cập về các mặt: ghi nhớ, phát triển nhận thức, tư duy, óc tưởng tượng và khả năng sáng tạo. Một trong những công cụ hết sức hữu hiệu để tạo nên các ” hình ảnh liên kết” là sơ đồ tư duy.
Để vẽ được một sơ đồ tư duy khoa học, sáng tạo trong môn Lịch Sử thì trước tiên bạn cần nắm chắc được các kiến thức cốt lõi trong môn học đó vì sơ đồ tư duy yêu cầu học sinh phải viết phải vẽ ra những ý ngắn gọn nhất nhưng phải đủ và chính xác các kiến thức, chứ không phải là việc bạn viết rất dài, rất lan man nhiều câu mà vẫn không có ý chính, điều đó sẽ khiến sơ đồ tư duy của bạn trở nên rối mắt, khó đọc và khó học.
Khi vẽ thì ý chính mà bạn muốn khai triển trong bài, trong một giai đoạn nào đó bạn nên đặt ở giữa (ví dụ ngay như tên bài học chẳng hạn), tiếp đó là các ý nhỏ hơn sẽ tách ra thành các nhánh nằm xung quanh ý chính (ví dụ như: tên các mục 1,2,3 trong bài học)… Bạn có thể vẽ sơ đồ tư duy ngay trên giấy hoặc cũng có thể vẽ trên máy tính.
Việc học bằng sơ đồ tư duy sẽ giúp cho các học sinh biết cách móc nối các sự kiện lại với nhau từ đó giúp các bạn dễ dàng học hơn và có thể giúp nắm chắc được kiến thức mà không lo bị nhầm lẫn hoặc bị quên như kiểu học vẹt truyền thống. Ngoài ra nó sẽ giúp bạn phát triển óc tư duy và sáng tạo của mình.
Chuyển Sử thành thơ
Nếu bạn là một người hâm mộ và có tài văn thơ thì bạn hãy thử tập chuyển các phần kiến thức Sử khô khan thành các câu thơ mượt mà có vần, có nhịp. Biết đâu rằng nhờ vậy mà bạn lại có hứng và học bài nhanh hơn thì sao.
Ngoài ra bạn cũng có thể phổ thành những bài hát.
Trao đổi, hỏi đáp kiến thức với các bạn học sinh khác
Việc học theo cách trao đổi, hỏi đáp kiến thức với nhau cực kì là có hiệu quả. Sau khi nắm được kiến thức bài học các bạn tiến hành củng cố bài học bằng cách lập thành một nhóm khoảng 2 người hoặc 3, 4 người với nhau để bắt đầu hỏi đáp về những phần đã học. Ví dụ hôm nay các bạn thống nhất với nhau về nhà sẽ học bài 1 Lịch Sử Thế Giới lớp 12, hôm sau tới lớp các bạn sẽ cùng nhau trao đổi và hỏi đáp với nhau về các sự kiện xoay quanh bài 1, bạn A sẽ hỏi: Hội nghị Ianta được diễn ra khi nào? thì sau đó các bạn trong nhóm sẽ cùng nhau trả lời.
Cách học này sẽ giúp các bạn học sinh có thể bổ sung các phần kiến thức còn thiếu cho nhau, trong quá trình hỏi đáp nếu mà bạn có bị trả lời sai 1 phần kiến thức bất kì và sau đó được các bạn khác sửa lại thì từ đó bạn sẽ nhớ kiến thức ấy sâu và lâu hơn.
Đặt ảnh làm hình nền điện thoại hoặc sử dụng tới các tờ giấy nhớ
Điện thoại là vật bất ly thân với bạn, không lúc nào rời khỏi tay vậy bạn hãy thử áp dụng cách học này nhé. Bạn hãy dùng điện thoại chụp lại phần kiến thức mà bạn muốn học sau đó bạn dùng hình ảnh đó đặt làm hình nền điện thoại, như vậy mỗi lần mở điện thoại ra là một lần bạn đọc lại kiến thức rồi đó.
Ngoài ra bạn cũng có thể viết kiến thức lên giấy nhớ rồi dán ở những nơi dễ dàng nhìn thấy như trên cánh tủ lạnh, xung quanh chiếc gương, trên tay vịn của cầu thang…
Có thể bạn thích: