Hiếu thảo là tình cảm yêu thương, kính trọng của con cái đối với ông bà, cha mẹ, những người thân trong gia đình; đối xử tốt với các thành viên và có hành động đền ơn đáp nghĩa… Lòng hiếu tháo là 1 trong các những đức tính cần có của mỗi người, và cũng là nội dung lớn trong truyện cổ tích. Và trong bài viết này TopChuan.com xin giới thiệu đến bạn các câu chuyện cổ tích hay nhất về lòng hiếu thảo.
Người tiều phu hóa nai
Ngày xưa, ở đất Cao Bằng, có một người tiều phu mộc mạc hiền lành và hiếu thảo. Anh có một bà mẹ già hay đau ốm. Thầy thuốc bảo là cần có sữa nai tẩm bổ, mới mong chữa lành bệnh cho mẹ. Anh không quản ngại khó khăn, mỗi ngày vào rừng quyết tâm đi tìm kiếm sữa nai về cho mẹ, nhưng rất khó vì vừa thấy bóng người, nai đã bỏ chạy mất rồi.
Không lấy được sữa nai, người tiều phu buồn bực, không dám về nhà. Anh ngồi giữa rừng ôm mặt khóc. Bỗng nhiên, thấy có một ông lão chống gậy đến bảo rằng: “Nếu con muốn có sữa nai thì phải mang lốt nai, mới đến gần loài nai được”. Rồi ông lão trao cho anh tiều phu một bộ da nai khoác vào người.
Anh làm theo và quả nhiên, sau đó, anh lại gần được các con nai cái, vắt được nhiều sữa đem về nhà chữa bệnh cho mẹ già. Một hôm, ông lão lại hiện ra, ngỏ lời khen lòng hiếu thảo của anh, rồi truyền cho anh các phép đạo thần tiên. Anh học thuộc lòng, không nói cho ai hay biết. Sau khi mẹ già qua đời, anh liền bỏ đi lên núi biền biệt, không trở về nhà nữa.
Sau đó khá lâu, một hôm, có một người con của ông tiều phu vào núi lấy củi. Anh bỗng gặp một con nai nói được tiếng người. Nai bảo: “Cha đây. Cha đã hoá thành nai rồi, không thể trở lại lốt người được nữa. Cha cho con cái gạc (sừng) đây, con hãy buộc dây mà kéo về. Đến chỗ nào mà gạc vướng, không đi được nữa, thì con hãy lấy chỗ đất ấy mà khai khẩn làm ăn, về sau sẽ khá”.
Nói xong, con nai húc đầu vào thân cây cho rụng gạc ra. Rồi nai biến mất vào rừng sâu. Người con trai vâng lời, làm theo nai dặn. Quả nhiên, về sau được sung túc. Người đời khi biết chuyện, đã gọi người tiều phu hoá nai là Lộc Giác Chân Nhân, cho rằng ông đã tu luyện được thành tiên.
Ý nghĩa nhân văn: Con cái hiếu thảo với cha mẹ, nhất là khi cha mẹ về già.
Tích Chu
Ngày xưa, có một bạn tên là Tích Chu. Bố mẹ Tích Chu mất sớm, Tích Chu ở với bà. Hàng ngày bà phải làm việc quần quật kiếm tiền nuôi Tích Chu, có thức gì ngon bà cũng dành cho Tích Chu. Ban đêm, khi Tích Chu ngủ thì bà thức quạt. Thấy bà thương Tích Chu, có người bảo:
– Bà ơi! Lòng bà thương Tích Chu cao hơn trời, rộng hơn biển. Lớn lên, Tích Chu sẽ không khi nào quên ơn bà.
Thế nhưng lớn lên, Tích Chu lại chẳng thương bà. Bà thì suốt ngày làm việc vất vả, còn Tích Chu suốt ngày rong chơi. Vì làm việc vất vả, ăn uống lại kham khổ nên bà bị ốm. Bà lên cơn sốt nhưng chẳng ai trông nom. Tích Chu mãi rong chơi với bạn bè, chẳng nghĩ gì đến bà đang ốm. Một buổi trưa, trời nóng nực, cơn sốt lên cao, bà khát nước quá liền gọi:
– Tích Chu ơi, cho bà ngụm nước. Bà khát khô cổ rồi!
Bà gọi một lần, hai lần…rồi ba lần nhưng vẫn không thấy Tích Chu đáp lại. Mãi sau Tích Chu thấy đói mới chạy về nhà kiếm cái ăn. Tích Chu ngạc nhiên hết sức thấy bà biến thành chim và vỗ cánh bay lên trời. Tích Chu hoảng quá kêu lên:
– Bà ơi! Bà đi đâu? Bà ở lại với cháu. Cháu sẽ mang nước cho bà, bà ơi!
– Cúc cu … cu! Cúc … cu cu! Chậm mất rồi cháu ạ, bà khát quá không thể chịu nổi phải hóa thành chim để bay đi kiếm nước. Bà đi đây, bà không về nữa đâu!Nói rồi chim vỗ cánh bay đi. Tích Chu hoảng quá chạy theo bà, cứ nhằm theo hướng chim bay mà chạy. Cuối cùng Tích Chu gặp chim đang uống nước ở một dòng suối mát. Tích Chu gọi:
– Bà ơi! Bà trở về với cháu đi. Cháu sẽ đi lấy nước cho bà, cháu sẽ giúp đỡ bà, cháu sẽ không làm bà buồn nữa!
– Cúc …cu…cu, muộn quá rồi cháu ơi! Bà không trở lại được nữa đâu!Nghe chim nói, Tích Chu òa khóc, Tích Chu thương bà và hối hận. Giữa lúc đó, có một bà tiên hiện ra, bà bảo Tích Chu:
– Nếu cháu muốn bà trở lại thành người thì cháu phải đi lấy nước suối Tiên cho bà cháu uống. Đường lên suối Tiên xa lắm, cháu có đi được không?
Nghe bà Tiên nói, Tích Chu mừng rỡ vô cùng, vội vàng hỏi đường đến suối Tiên, rồi chẳng một phút chần chừ, Tích Chu hăng hái đi ngay.
Trải qua nhiều ngày đêm lặn lội trên đường, vượt qua rất nhiều nguy hiểm, cuối cùng Tích Chu đã lấy được nước suối mang về cho bà uống. Được uống nước suối Tiên, bà Tích Chu trở lại thành người và về ở với Tích Chu. Từ đấy, Tích Chu hết lòng yêu thương chăm sóc bà.
Ý nghĩa nhân văn: Con cháu phải hết lòng hiếu thảo với ông bà.
Sự tích cây vú sữa
Ngày xưa, có một cậu bé được mẹ cưng chiều nên rất nghịch và ham chơi. Một lần, bị mẹ mắng, cậu vùng vằng bỏ đi. Cậu la cà khắp nơi, mẹ cậu ở nhà không biết cậu ở đâu nên buồn lắm. Ngày ngày, mẹ ngồi trên bậc cửa ngóng cậu về. Một thời gian trôi qua mà cậu vẫn không về. Vì quá đau buồn và kiệt sức, mẹ cậu gục xuống… Không biết cậu đã đi bao lâu. Một hôm, vừa đói vừa rét, lại bị trẻ lớn hơn đánh, cậu mới nhớ đến mẹ:
“Phải rồi, khi mình đói, mẹ vẫn cho mình ăn, khi mình bị đứa khác bắt nạt, mẹ vẫn bênh mình, về với mẹ thôi”. Cậu liền tìm đường về nhà… Ở nhà, cảnh vật vẫn như xưa, nhưng không thấy mẹ đâu. Cậu khản tiếng gọi mẹ:“Mẹ ơi, mẹ đi – đâu rồi, con đói quá !”
Cậu bé gục xuống, rồi ôm một cây xanh trong vườn mà khóc. Kỳ lạ thay, cây xanh bỗng run rẩy. Từ các cành lá, những đài hoa bé tí trổ ra, nở trắng như mây. Hoa tàn, quả xuất hiện, lớn nhanh, da căng mịn, xanh óng ánh. Cây nghiêng cành, một quả to rơi vào tay cậu bé. Cậu bé cắn một miếng thật to. Chát quá Quả thứ hai rơi xuống. Cậu lột vỏ, cắn vào hạt quả. Cứng quá. Quả thứ ba rơi xuống. Cậu khẽ bóp quanh quanh quả, lớp vỏ mềm dần rồi khẽ nứt ra một kẽ nhỏ. Một dòng sữa trắng sóng sánh trào ra, ngọt thơm như sữa mẹ… Cậu bé ghé môi hứng lấy dòng sữa ngọt ngào, thơm ngon như sữa mẹ. Cây rung rinh cành lá, thì thào:
“Ăn trái ba lần mới biết trái ngon
Con có lớn khôn mới hay lòng mẹ”
Cậu oà lên khóc. Nhận ra mẹ đã không còn nữa. Cậu nhìn lên tán lá, lá một mặt xanh bóng, mặt kia đỏ hoe như mắt mẹ khóc chờ con. Cậu ôm lấy thân cây mà khóc, thân cây xù xì, thô ráp như đôi bàn tay làm lụng của mẹ. Nước mắt cậu rơi xuống gốc cây. Cây xòa cành ôm cậu, rung rinh cành lá như tay mẹ âu yếm vỗ về. Cậu kể cho mọi người nghe chuyện về người mẹ và nỗi ân hận của mình… Trái cây thơm ngon ở vườn nhà cậu, ai cũng thích. Họ đem về gieo trồng khắp nơi và đặt tên là Cây Vú Sữa.
Ý nghĩa nhân văn: Con cái phải hiếu thảo với cha mẹ. Tình mẹ là bao la, vĩnh cửu nhất.
Sự tích hoa đại
Từ thuở xa xưa, có hai mẹ con sống rất nghèo, hằng ngày phải đi làm mướn để kiếm bữa ăn tạm qua ngày. Cậu bé chỉ mới lên mười, dù rất thương mẹ nhưng em đành phải xa mẹ đi ở cho một lão nhà giàu chuyên nghề mổ lợn. Ngày ngày, lão đồ tể bắt em lên rừng hái củi để đun nước giết lợn, cạo lông. Những ngày đầu lên rừng, em còn phải đi theo các bác đốt than để khỏi phải lạc đường, rồi sau đó em tự đi một mình. Cứ vài ngày một lần, em đi đường vòng xa hơn để ghé qua nhà thăm mẹ cho đỡ nhớ. Nhân tiện, em để cho mẹ một mớ củi và một ít sim rừng, ổi rừng.
Một hôm, em đang chặt củi ở bên sườn núi thì bỗng thấy một con hươu con bị sa xuống hố. Chú hươu con lo lắng và kêu lên một cách tuyệt vọng. Chú cứ mở to đôi mắt, ngẩng đầu lên nhìn quanh như đợi mẹ mình đến cứu. Chú bé cũng nhìn quanh tìm kiếm xem có hươu mẹ ở đâu đây không, nhưng chỉ thấy cây rừng và tiếng gió thổi xào xạt. Em liền lần xuống hố ẵm chú hươu con lên. Thấy có người, lúc đầu chú hươu con sợ sệt né tránh, nhưng chỉ một lúc, chú để yên cho cậu bé vuốt ve. Cậu bứt một ít cỏ non cho hươu con ăn, rồi lại bẻ một miếng cơm từ nắm cơm – bữa trưa ít ỏi của mình chấm muối bón thử cho hươu ăn. Hươu con chưa quen ăn cơm, nhưng hình như rất thích vị mằn mặn của muối. Cậu bé rất muốn đem hươu con về nhà mẹ nuôi nhưng sợ lão chủ biết. Còn nếu đem về nhà lão đồ tể, chắc chắn lão sẽ thịt hươu con mất, bởi lão vẫn thường nói với mọi người rằng lão rất thèm thịt hươu. Cậu có ý trông đợi hươu mẹ trở lại để giao hươu con vì không ai là không muốn sống với mẹ. Cậu nhủ thầm với con hươu mà như là nói với chính mình vậy.
Trời đã xế chiều nhưng vẫn không thấy hươu mẹ đâu cả, cậu bé đành tìm một cái hang nhỏ, cho hươu con vào đó và lấy đá chặn kín lại.
– Ngày mai ta sẽ lên với hươu con! Hươu con đừng lo, cứ ngủ cho ngon nhé! – Cậu bé nói.
Hôm sau, cậu bé lại lên rừng. Em thở phào mừng rỡ khi thấy hươu con vẫn còn đó. Gặp lại em, hươu con tỏ vẻ mừng rỡ, cứ lấy mũi ngửi ngửi vào tay em.
– À! Mày muốn ăn cơm với muối chứ gì? – Cậu bé bẻ một miếng cơm chấm vào muối rồi bón cho hươu con, sau đó đi hái cỏ non cho nó. Trong lúc chặt củi, em cho hươu con đứng bên cạnh. Có hươu con, em chặt củi không biết mệt chút nào cả. Từ đó, cậu bé và hươu con trở thành đôi bạn thân, ngày nào cũng gặp nhau, chỉ có đêm là cả hai đành phải tạm xa nhau. Thương hươu con không có mẹ nên quấn quít với mình, nhiều đêm em nằm mơ gặp hươu con và đùa giỡn với nó. Một đêm nọ, lão đồ tể thức dậy ra sân xem trời gần sáng chưa để giết lợn. Bỗng hắn nghe ở dưới bếp tiếng cậu bé đang nằm nói mê rất rõ như đang thức:
– Hươu à, hươu ăn chóng lớn, hươu mọc đôi sừng thật cao, thật đẹp nhé!
Lần ấy lão không để ý mấy, nhưng sau đó lão nghe bọn người làm mách là cậu bé cứ thường nói mê như thế. Lão đồ tể cau mày nghĩ bụng:
– Biết đâu thằng bé gặp hươu thật!
Thế là lão sai người nhà lén theo cậu lên rừng. Hắn chứng kiến cảnh em cùng chú hươu con gặp nhau và quấn quýt bên nhau suốt ngày nên liền về mách với lão chủ. Lão chủ liền nói:
– Đúng vậy thì ngày mai tao sẽ đi xem, chúng mày theo tao bắt cho kỳ được con hươu đem về.
Hôm sau, cậu bé lại lên rừng và mong gặp hươu con biết bao. Chỉ trong 1 thời gian ngắn, hươu con đã to lớn trông thấy và ngày càng tỏ ra khôn ngoan hơn. Hình như cậu bé nói gì, nghĩ gì, hươu con đều hiểu được cả và ngoan ngoãn làm theo. Nhưng hôm đó, khi em vừa đón hươu con từ trong hang ra, chưa kịp cho ăn, thì lão đồ tể cùng hai tên người làm ập tới chỗ hươu đứng. Cậu bé đành quát to:
– Chạy đi hươu ơi! Chạy đi!
Thấy hươu còn chần chừ, cậu bé bèn phát vào cổ nó một cái thật mạnh và quát:
– Chạy nhanh đi!
Hươu con hiểu ý phóng như bay vào rừng. Lão đồ tể và hai tên người làm đuổi theo nhưng không kịp. Hươu con đã phóng mất dạng khiến bọn họ không biết đâu mà tìm. Lão đồ tể giận lắm, quay lại đánh cậu bé một trận. Trong cơn điên tiết, lão lấy một hòn đá nện vào lưng cậu. Không may hòn đá đánh trúng vào đầu khiến cậu bé ngã lăn ra nằm không động đậy. Lão đồ tể bỏ mặc em giữa rừng, cùng hai tên người làm trở về nhà. Hươu con chạy rất xa, lên đỉnh đồi nhìn xuống. Thấy lão đồ tể tàn ác cùng hai tên người làm đã về thật rồi, hươu con chạy xuống với người bạn thân thiết của mình. Hươu con hà hơi ấm vào lưng và ngực của cậu bé. Một lúc sau, cậu bé tỉnh dậy. Thấy hươu con, cậu mừng quá, ôm lấy cổ hươu mà khóc.
– Không có hươu thì ta chết mất rồi!
Thế là người và hươu kéo nhau đi sang khu rừng khác, tránh ngày mai lão đồ tể có thể đưa người và chó lên lùng sục. Phải đi nhanh thật xa nơi này. Nghĩ vậy, dù trời đã tối và đau đớn khắp người, nhưng cậu bé và hươu con vẫn nương vào nhau mà đi nhanh. Vết thương trên đầu đau nhức nhưng muốn cứu hươu và cứu mình, cậu bé cố bước đi. Đến những lúc mệt quá, cậu lại ngồi bệt xuống cỏ nghỉ ngơi. Lúc đó, hươu con lại quấn quýt bên cạnh như vỗ về, an ủi và lại hà hơi ấm vào lưng và ngực cho cậu. Hôm sau, lão đồ tể đưa người và chó lên thật. Nhưng lùng sục mãi, lão vẫn không tìm thấy hươu và cậu bé đâu cả nên đành hậm hực trở về. Cậu bé ở với hươu mấy ngày liền trong khu rừng sâu và tự tìm lá để chữa vết thương. Cả người và hươu cố kiếm quả rừng, cỏ rừng để ăn tạm. Nhưng được mấy ngày nhớ mẹ quá, cậu bé nói với hươu con rằng:
– Hươu ơi, ta nhớ mẹ quá. Ta muốn về thăm nhà một bữa rồi sẽ trở lên ngay với hươu.
Hươu con như hiểu ý của cậu bé. Nó mở to đôi mắt nhìn người chủ nhỏ và rơm rớm nước như đang khóc, rồi gật đầu liền mấy cái. Hươu con đưa người chủ nhỏ ra tận bìa rừng, sau đó đứng trên một hòn đá to nhìn theo cho đến khi dáng nhỏ nhắn của cậu bé khuất hẳn.
Cậu bé về gặp mẹ và biết được cách đây vài hôm, lão đồ tể có sai người đến dò hỏi cậu có trốn về không. Mẹ cậu không hề hay biết cậu đã bị lão đánh suýt chết. Cậu bé về lần này đúng vào dịp người chú chèo thuyền thuê cũng ghé về thăm nhà. Nghe cậu kể chuyện, người chú liền nói:
– Đã vậy thì cháu nên đi theo chú. Chú sẽ giúp cháu ăn học nên người.
Nhưng cậu bé lo lắng nói:
– Nhưng còn hươu con thì sao?
– Hươu con ở trong rừng thì cháu cần lo gì?
– Cháu đã hẹn với hươu con là sẽ trở lại với nó mà!
– Hươu làm sao hiểu được lời người nói?
– Chú ơi, nó hiểu được đấy! Nó tiễn cháu đi và còn khóc nữa kia mà!
– Thì cháu cứ theo chú ăn học. Ngày sau khôn lớn trở về, lúc đó cháu gặp lại hươu con vẫn không muộn mà.
– Liệu hươu con có chờ cháu không?
– Có chứ! Nó khôn vậy thì nó sẽ biết chờ.
– Cháu chỉ thương nó sống một mình như thế thì sẽ buồn lắm!
– Cháu đừng lo! Rồi nó sẽ tìm bầy đàn của nó để sống mà.
– Nhưng như thế nó có quên cháu không?
– Nó thương cháu nhiều như thế thì chắc sẽ không quên cháu đâu.
Không biết làm gì hơn, cậu bé đành nghe theo lời dỗ dành của chú và mẹ. Ngay tối hôm đó, người chú ra đi cho kịp ngày hẹn với chủ thuyền. Và cũng đêm đó, cậu bé ngồi ở đầu mũi thuyền nhìn về hướng núi cao và nói vọng lên “Hươu con ơi! Hươu chờ ta nhé! Ta sẽ về, và sẽ đưa hươu xuống dưới này sống với mẹ con ta”.
Lòng cậu bé muốn vậy, nhưng cuộc đời đâu phải muốn gì được nấy. Cậu bé đi với chú mình, và được ông gửi cho đi học ở một ông đồ nghèo nhưng rất thương người. Và trong một chuyến đi xa, thuyền của chú cậu bé bị đắm và ông mãi mãi không trở về nữa. Cậu bé được ông đồ nuôi dạy, nhưng từ đó phải ở luôn với ông. Đường về quê mẹ xa quá, cậu càng nhớ thương mẹ gấp bội. Sau đó vài năm, cậu nghe tin mẹ mình đã mất. Hết thương mẹ, cậu lại nhớ đến hươu. Chú hươu con ngày nào không biết bây giờ đã lớn và đã nhập đàn sống với đồng loại chưa? Chú hươu con còn nhớ mình hay đã quên rồi?
Nhưng con hươu không quên. Nó vẫn nhớ người bạn, người chủ nhỏ của mình. Hằng ngày nó vẫn đến nơi chia tay với cậu bé để ngóng trông người bạn đã từng hứa sẽ trở lại với mình, nhưng chẳng thấy bóng dáng đâu cả. Nhiều năm trôi qua, hươu lớn lên, sừng bắt đầu mọc. Đôi sừng ngày càng to lớn, nhưng chú hươu vẫn hiền lành như xưa. Hươu vẫn luôn mong chờ người bạn cũ của mình. Nhưng đời hươu không dài bằng đời người được.
Bây giờ hươu đã trở thành con hươu đầu đàn. Một hôm, hươu bỗng gặp một đoàn người đốt than. Hươu muốn đến gần nhưng rất ngại họ. Chờ cho đến khi mọi người về hết, hươu mới rời đàn, một mình đến gần chỗ họ đã ngồi trước đó. Trông thấy một ít muối rơi vãi dưới đất, hươu nếm vị mằn mặn của muối mà bỗng nhớ người bạn của mình khôn tả xiết. Thế là, nó để bầy đàn lại cho một con hươu khác dẫn đầu, rồi một mình tìm đến chốn cũ, nơi có cái hang năm xưa hươu đã sống ở đó hằng ngày và chờ cậu bé. Cái hang vẫn như xưa và nó sống quanh quẩn ở đó. Bấy giờ cỏ mọc quanh miệng hang um tùm và hươu mỗi ngày một già đi. Đến 1 ngày nọ, mặt trời sắp lặn, hươu già nằm xuống, giấu mình trong bụi rậm ở ngay bên cạnh hang và chết. Lúc này, người bạn của hươu đang ở một nơi rất xa và đã có vợ con. Một hôm, thấy người đi bán sừng hươu, anh bỗng nhớ lại chuyện cũ và kể cho vợ con nghe. Anh nhắc lại câu nói năm xưa mỗi khi cho hươu ăn:
– Hươu à, hươu ăn chóng lớn, hươu mọc đôi sừng thật cao, thật đẹp nhé!
Đứa con lập tức đòi bố đưa về thăm quê, viếng mộ bà và lên rừng tìm xem chú hươu còn không? Thương con, nhớ mẹ và nhớ hươu, anh liền thu xếp đưa vợ con về quê. Về đến làng xưa, hỏi ra mới biết lão đồ tể tàn ác một hôm dẫn chó lên rừng đi săn đã bị rắn độc cắn chết. Sau khi thăm mộ mẹ xong, anh liền đưa con lên rừng. Thỉnh thoảng cơn gió rừng thổi thoang thoảng đem lại mùi hương vừa gần gũi, vừa xa xôi như chào đón như dẫn đường anh. Theo mùi hương, hai bố con đến ngay cái hang ngày xưa mà anh đã giấu chú hươu con. Cả hai bố con chợt sửng sốt và đứng im lặng mãi với cảnh tượng trước mắt. Bên cạnh miệng hang mọc lên một loài cây lạ và đang nở đầy hoa. Mùi hương của nó thật đậm đà. Nhìn kỹ thì cành cây rất giống sừng hươu. Lúc đó, có mấy người đốt than đi ngang. Họ kể rằng, trước đây ngay tại chỗ cây hoa đang nở, có một con hươu già từ đâu không biết, đến ở đó rồi nằm chết luôn. Sau đó, ở gần miệng hang bỗng mọc lên loài cây này, lá to giống tai hươu và cành giống sừng hươu. Người bố nghe nói, liền đoán ngay đấy là chú hươu con ngày xưa. Thì ra chú vẫn nhớ tới người bạn nhỏ của mình và vẫn chờ đợi mình. Lòng đầy ân hận, anh liền nói:
– Hươu ơi, ta muốn về với hươu nhưng nào có được. Dù sao bây giờ ta cũng đã gặp lại nhau.
Hai bố con cùng khấn xin hươu cho mình mang giống cây lạ về quê trồng, và để luôn nhớ tới hươu. Ngày nay, loài cây trổ hoa có cành giống như sừng hươu ấy được gọi là cây hoa Đại. Có người bảo, chữ Đại là từ chữ Đợi, chờ đợi mà có.
Ý nghĩa nhân văn: Con cái phải hiếu thảo với cha mẹ, phải có tình yêu thương với muôn loài.
Sự tích hoa cúc trắng.
Ngày xưa có một cô bé sống cùng mẹ trong một túp lều tranh dột nát nhưng đó là một bé gái vô cùng hiếu thảo. Thật không may mẹ của cô bé lại bị bệnh rất nặng nhưng vì nhà nghèo nên ko có tiền mua thuốc chữa, và cô bé vô cùng buồn bã.Một lần đang ngồi khóc bên đường bỗng có một ông lão đi qua thấy lạ bèn đừng lại hỏi khi biết sự tình ông già nói với cô bé:
– Cháu hãy vào rừng và đến bên gốc cây cổ thụ to nhất trong rừng hái lây một bông hoa duy nhất trên đó. Bông hoa ấy có bao nhiêu cánh thì tức là mẹ cháu sống được bằng đấy ngày.
Cô bé liền vào rừng và rất lâu sau mới tìm thấy bông hoa trắng đó. Phải khó khăn lắm cô mới trèo lên được để lấy bông hoa, nhưng khi đếm chỉ có một cánh hai cánh ba cánh bốn cánh. Chỉ có bốn cánh hoa là sao chứ? Chẳng nhẽ mẹ cô chỉ sống được bàng đấy ngày thôi sao? Không đành lòng cô liền dùng tay xé nhẹ dần từng cánh hoa lớn thành những cánh hoa nhỏ và bông hoa cũng theo đó mà nhiều cánh dần lên nhiều đến mức không còn đếm được nữa. Từ đó người đời gọi bông hoa ấy là bông hoa cúc trắng để nói về lòng hiếu thảo của cô bé đó dành cho mẹ mình.
Ý nghĩa nhân văn: Con cháu phải hiếu thảo, kính trọng với ông bà.
Có thể bạn thích: