Trên đất nước Việt Nam trải dài hình chữ S có 54 dân tộc anh em cùng sinh sống trong đó có những tộc người có dân số rất đông như dân tộc Kinh, Thái, Mường… nhưng cũng có những tộc người có dân số cực ít trong số đó phải kể đến 5 tộc người có dân số ít nhất là người Ơ Đu, người Brâu, người Rơ Măm, người Pu Péo và người Si La.
Dân tộc Rơ Măm
Tên tự gọi: Rơ Măm
Tên gọi khác: Rơ-măm Ale
Dân số: 436 người (Tổng cục Thống kê năm 2009).
Ngôn ngữ và chữ viết: Tiếng nói của người Rơ-măm thuộc nhóm ngôn ngữ Môn – Khơ me, ngữ hệ Nam Á.
Địa bàn cư trú: Người Rơ-măm hiện cư trú chủ yếu tại huyện Sa Thày, tỉnh Kon Tum.
Nguồn gốc lịch sử: Là cư dân sống lâu đời ở vùng đất này.
Tổ chức cộng đồng: Đơn vị cư trú của người Rơ Măm là đê (làng), đứng đầu là một ông già trưởng làng do dân tín nhiệm. Làng Le của người Rơ Măm nay chỉ còn khoảng 10 ngôi nhà ở, có cả nhà rông. Mỗi nhà có từ 10 đến 20 người gồm các thế hệ, có quan hệ thân thuộc với nhau. Các cặp vợ chồng dù vẫn sống chung dưới một mái nhà, nhưng đã độc lập với nhau về kinh tế.
Đặc điểm kinh tế: Người Rơ-măm sống dựa vào làm rẫy, trồng lúa nếp là chính bằng cách phát, đốt rừng, chọc lỗ, trỉa hạt. Săn bắn và hái lượm vẫn giữ vai trò quan trọng. Đồng bào chăn nuôi gia súc, đan lát và dệt vải.
Phong tục tập quán:
Ăn: Đồng bào vẫn còn thói quen ăn bốc, thích ăn cơm lam với canh rau và muối ớt. Trong lễ hội thường uống rượu cần.
Ở: Xưa kia, người Rơ-măm ở trong những ngôi nhà sàn dài, xếp quanh ngôi nhà chung. Mỗi nhà có nhiều bếp. Hiện nay, mỗi gia đình ở trong một ngôi nhà lợp ngói do nhà nước xây dựng.
Phương tiện vận chuyển: Gùi là phương tiện vận chuyển của đồng bào Rơ-măm.
Hôn nhân: Lễ cưới của người Rơ-măm khá đơn giản. Có bữa cơm chung đầu tiên của cô dâu chú rể.
Tang ma: Người Rơ-măm thường dùng trống để báo tin có người chết. Việc chôn cất sẽ được tiến hành vài ngày sau khi mất. Mộ được sắp xếp sao cho mặt người chết không nhìn vào làng. Trong lễ bỏ mả, có hai người (một nam, một nữ) đeo mặt nạ, đánh chiêng, nhảy múa.
Tín ngưỡng: Người Rơ-măm vẫn còn duy trì những cúng lễ liên quan đến sản xuất nương rẫy để cầu mong sự phù trợ của các vị thần.
Trang phục: Đàn ông đóng khố dài, vạt trườc buông tới đầu gối, vạt sau dài tới ống chân. Đàn bà quấn váy. Mọi người thường ở trần, đôi khi nữ mặc áo cộc tay, khố và váy là tấm vải mộc.
Đời sống văn hóa: Người Rơ-măm có ca dao, tục ngữ, một số điệu dân ca và truyện cổ. Nhạc cụ của người Rơ-măm gồm chiêng, trống và đàn, sáo…
Dân tộc Ơ Đu
Tên tự gọi: Ơ Ðu Tên gọi khác: Tày Hạt (người đói rách).
Dân số: 376 người (Tổng cục Thống kê năm 2009).
Ngôn ngữ và chữ viết: Thuộc nhóm ngôn ngữ Môn – Khơ Me (ngữ hệ Nam Á). Hầu hết người Ơ Ðu dùng các tiếng Khơ Mú, Thái làm công cụ giao tiếp hàng ngày. Chưa có chữ viết riêng.
Nguồn gốc lịch sử: Người Ơ Đu là cư dân sống lâu đời ở miền núi thuộc tỉnh Nghệ An (vùng thượng lưu sông Cả).
Địa bàn cư trú: Cư trú chủ yếu tại huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An.
Tổ chức cộng đồng: Đứng đầu các bản làng già làng có vai trò quan trọng trong việc quyết định các công việc của bản làng, trong bản làng bao gồm các dòng họ khác nhau người có quyền quyết định mọi việc trong dòng họ chính là trưởng họ, xã hội của người Ơ Đu là xã hội phụ quyền. Ngoài ra, trong cộng đồng người Ơ Đu không thể không nói đến vai trò vô cùng quan trọng của các thầy mo.
Đặc điểm kinh tế: Người Ơ Ðu sinh sống chủ yếu bằng nương rẫy và một phần ruộng nước. Chăn nuôi trâu bò, lợn gà, dê khá phát triển. Trâu, bò dùng làm sức kéo, kéo cày, lợn gà sử dụng trong các dịp cưới, nghi lễ tín ngưỡng, cúng ma… Ðan lát đồ gia dụng bằng giang, mây, một phần tiêu dùng, phần để trao đổi.
Phong tục tập quán:
Ăn: Người Ơ Ðu trước đây họ ăn xôi đồ, nay có cả cơm gạo tẻ, khi mất mùa ăn củ nâu, củ mài, hoặc sắn, ngô thay cơm. Họ thích uống rượu, hút thuốc lào.
Ở: Trước đây, ngôi nhà truyền thống, nhà sàn, phải dựng quay đầu vào núi (dựng chiều dọc), thường lợp gianh, vách ván hoặc vách nứa đan. Nay kiểu nhà này không còn nữa. Họ ở sàn nhà giống như nhà sàn người Thái. Phương tiện vận chuyển: Gùi là phương tiện vận chuyển phổ biến nhất.
Hôn nhân: Người Ơ Đu sống trong gia đình nhỏ, trong hôn nhân có tục ở rể. Lễ vật cưới hỏi phải có thịt chuột sấy khô, cá ướp muối. Sau một thời gian chàng rể mới đưa vợ, con về nhà mình. Tang ma: Xưa , người chết chỉ bó chiếu đem chôn .
Tín ngưỡng: Người Ơ Đu thờ tổ tiên, cúng bản, cúng mường.
Trang phục: Hiện nay, nam và nữ đều ăn mặc theo kiểu người Thái, Việt trong vùng. Những bộ trang phục cổ truyền còn rất ít.
Văn hóa: Người Ơ Ðu sử dụng thành thạo các loại nhạc cụ của người Khơ Mú, Thái như: sáo, khèn, chiêng, trống; thuộc các làn điệu dân ca Khơ Mú, Thái, kể chuyện dã sử.
Dân tộc Pu Péo
Tên tự gọi: Pu Péo.
Tên gọi khác: Ka Beo, La Quả, Pen ti Lô Lô.
Dân số: 687 người (Tổng cục Thống kê năm 2009).
Ngôn ngữ và chữ viết: Tếng Pu Péo thuộc nhóm ngôn ngữ Ka Đai. Người Pu Péo nói giỏi tiếng Hmông.
Địa bàn cư trú: Người Pu Péo sống rải rác ở các huyện Đồng Văn, Yên Minh, Mèo Vạc thuộc tỉnh Hà Giang. Nguồn gốc lịch sử: Người Pu Péo sống lâu đối ở vùng cực bắc lãnh thổ Việt Nam.
Tổ chức cộng đồng: Xã hội Pu Péo trước kia đã phân hóa giai cấp, người giàu thường là những người làm các chức dịch như Lý Trưởng (Tổng Giáp), Phó Lý của xã (Phố Cao), binh phiều, mãi phài trông coi từng chòm xóm. Hiện này, xã hội người Pu Péo tồn tại song song 2 loại dòng họ: Trên giấy tờ hành chính người Pu Péo thường dùng các họ gọi theo tên bằng chữ Hán nhưng lại đọc theo phiên âm của tiếng địa phương, trong mối quan hệ làng xã thì người Pu Péo vẫn sử dụng những họ thể hiện mối dây liên lạc máu mủ giữa các thành viên của dòng họ, mỗi dòng họ như thế thường gồm một cặp như Kacung – Kacăm, Karảm – Kachâm, Karu – Karựa, Ka bu – Ka bởng, điều này cho ta thấy những tàn dư trong những thị tộc (lưỡng hợp) trong bào tộc xưa còn sót lại.
Đặc điểm kinh tế: Canh tác nương rẫy trồng ngô là chính. Một số nơi, làm ruộng bậc thang. Công cụ sản xuất có cày, bừa, cuốc, nạo cỏ. Chăn thả bò, dê, lợn, gà. Thủ công có nghề làm ngói máng, nghề mộc.
Phong tục tập quán:
Ăn: Bột ngô đồ, canh là hai món ăn chính của người Pu Péo.
Ở: Trước đây người Pu Péo ở nhà sàn, nay ở nhà đất trình tường, lợp ngói máng hay lợp cỏ gianh.
Phương tiện vận chuyển: Gùi được sử dụng phổ biến làm phương tiện vận chuyển.
Hôn nhân: Cưới xin có nhiều bước. Hôm đón dâu, phù dâu phải cõng cô dâu ra khỏi cổng để theo đoàn nhà trai về. Trong bữa cơm cúng tổ tiên, thức ăn để trên nong, cả nhà cùng dâu rể phải ăn bốc.
Tang ma: Người Pu Péo có lễ làm ma và lễ làm chay. Trong những ngày có tang người ta cắm ta leo trước cửa để trừ tà ma làm hại. Lễ mãn tang vừa uống rượu vừa đánh trống.
Tín ngưỡng: Người Pu Péo lập bàn thờ ở trong nhà, cúng tổ tiên 3 đời. Trên bàn thờ có 3 hũ sành nhỏ, mỗi hũ tượng trưng cho mỗi đời.
Trang phục: Nữ giới mặc váy dài, áo ngắn, cài khuy bên nách phải, đôi khi phủ khăn vuông trên đầu. Mép tay áo mép váy được ghép, viền vải màu tạo hoa văn sặc sỡ. Nam giới mặc quần, áo ngắn.
Đời sống văn hóa: Người Pu Péo có truyện cổ dân gian, có trống đồng (trống cái, trống đực) sử dụng trong lễ nghi, cúng bái. Nghệ thuật trang trí rõ nét trên y phục: chắp ghép vải màu, tạo các hình, các họa tiết tượng trưng cho sự biến chuyển của vũ trụ…Hát đám cưới xin dâu giữa nhà trai và nhà gái suốt 3-4 giờ trở thành một sinh hoạt văn nghệ rất độc đáo.
Dân tộc Brâu
Tên tự gọi: Brâu Tên gọi khác: Brao.
Số dân: 397 người (Tổng cục Thống kê 2009)
Ngôn ngữ: Tiếng nói thuộc nhóm ngôn ngữ Môn-Khơ Me (ngữ hệ Nam Á).
Nguồn gốc và lịch sử: Người Brâu chuyển cư vào Việt Nam cách đây khoảng 100 năm.
Địa bàn cư trú: Người Brâu ở Đắc Mế, xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum.
Đặc điểm kinh tế: Người Brâu trồng lúa, ngô, sắn trên rẫy là chủ yếu. Săn bắt, hái lượm còn chiếm vị trí quan trọng trong đời sống. Trong làng có lò rèn để tu sửa nông cụ.
Phong tục tập quán Ăn uống:
Ăn: Người Brâu ăn cơm tẻ và cơm lam, thích uống rượu cần, hút thuốc lá sợi bằng tẩu.
Ở: Người Brâu ở nhà sàn nhỏ. Các nhà xếp theo dáng hình tròn và hướng vào một nhà chung ở giữa. Nhà này là nơi sinh hoạt chung của bản.
Phương tiện vận chuyển: Vận chuyển chủ yếu bằng gùi.
Hôn nhân: Lễ cưới được tổ chức ở nhà gái, do nhà trai chi phí. Sau hôn nhân, tục ở rể kéo dài 4 – 5 năm, sau đó là thời gian luân cư của hai vợ chồng . Tang ma: Theo tập quán thổ táng, quan tài chôn nửa chìm, nửa nổi rồi dựng nhà mồ để tùy táng. Xung quanh nhà mồ được trang trí những mặt nạ bằng gỗ.
Lễ hội: Lễ ăn mừng cơm mới là lễ hội lớn nhất. Ngoài ra còn có lễ hội mừng nhà Rông mới.
Tín ngưỡng: Thờ đa thần, gắn liền với hoạt động sản xuất nông nghiệp.
Trang phục: Nam vận khố, nữ quấn váy tấm, đeo nhiều vòng (cổ, tay, chân). Mùa hè đều ở trần, mùa lạnh khoác thêm một tấm vải.
Đời sống văn hóa: Văn chương truyền miệng có nhiều thể loại, phổ biến là huyền thoại về thần sáng tạo. Dân ca có những bài ca về đám cưới, hát ru, hát đối đáp. Nhạc cụ cổ truyền có đàn klôngpút gọi là táp đinh bổ, nhưng loại được sử dụng thường xuyên, chủ yếu vẫn là bộ chiêng đồng với ba thang âm là coong, mam và tha.
Dân tộc Si La
Tên tự gọi: Si La
Tên gọi khác: Cú Dé Xử, Khả Pẻ
Dân số: 840 người (Tổng cục Thống kê năm 2009).
Ngôn ngữ và chữ viết: Tếng nói của người Si La thuộc nhóm ngôn ngữ Tạng – Miến, ngữ hệ Hán – Tạng. Người Si La chưa có chữ viết riêng. Địa bàn cư trú: Người Si La sống tập trung ở huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu.
Nguồn gốc lịch sử: Người Si La có nguồn gốc xa xưa ở Tây Tạng (Trung Quốc), qua Lào đến lập nghiệp ở Việt Nam khoảng 150 năm nay.
Tổ chức cộng đồng: Người Si La có nhiều dòng họ. Các dòng họ đều kiêng ăn thịt mèo. Quan hệ trong họ khăng khít, chặt chẽ. Trưởng họ là người đàn ông cao tuổi nhất, có vai trò quan trọng đối với các thành viên và có trách nhiệm tổ chức sinh hoạt chung của họ mình, đặc biệt là việc thờ cúng. Trong xã hội, ngoài trưởng họ, người Si La rất coi trọng các thầy mo.
Đặc điểm kinh tế: Trườc kia người Si La quen du cư, du canh, gần đây đã biết kết hợp vừa làm nương, vừa làm ruộng nước. Đồng bào trồng lúa, ngô, săn bắt, hái lượm và chăn nuôi.
Phong tục tập quán:
Ăn: Xưa kia người Si La quen dùng cơm nếp, gần đây ăn cơm tẻ nhiều hơn. Thực phẩm chủ yếu được cung cấp từ săn bắt, hái lượm.
Ở: Người Si La sống quây quần thành bản nhỏ, kín đáo, ở nhà đất hay nhà vách nứa, thường không có vườn. Bếp đặt ở giữa nhà.
Phương tiện vận chuyển: Chủ yếu dùng gùi đeo qua trán khi đi nương rẫy, dùng mảng để đi lại trên sông.
Hôn nhân: Trai gái yêu nhau được quan hệ với nhau, người con trai được ngủ qua đêm tại nhà người yêu của mình và phong tục cưới hỏi của người Si La cũng rất đặc sắc họ làm lễ cưới hai lần. Lần đầu đón cô dâu về nhà chồng, lần thứ hai sau một năm. Nhà trai phải có khoản tiền cưới trao cho nhà gái mới được đón dâu về nhà mình. Tang ma: Quan tài làm bằng một khúc gỗ bổ đôi khoét rỗng. Mộ táng bao giờ cũng đặt phía dưới bản. Không có tục cải táng hay tảo mộ.
Tín ngưỡng: Người Si La thờ cúng theo các dòng họ. Mỗi gia đình lập bàn thờ cúng tổ tiên.
Trang phục: Phụ nữ mặc váy chàm, áo ngắn cài cúc bên nách phải, trên áo phía trước đưục thêu đính nhiều xu bạc, vấn khăn có tết sợi chỉ màu sắc. Cách vấn khăn thường biểu thị tình trạng hôn nhân. Nam giới mặc quần chân què lá tọa và áo khuy vải có hai túi lớn ở hai vạt trước và cũng quấn khăn trên đầu.
Đời sống văn hóa: Người Si La hát giao duyên giữa nam nữ thanh niên, hát sử ca. Ngày tết năm mới vào đầu tháng 12 âm lịch. Ngoài ra họ còn ăn tết cơm mới. Các em nhỏ Si La thường chơi các đồ chơi tự chế từ tre gỗ hay đất sét. Đồng thời, chúng cũng có các trò chơi tập thể rất vui nhộn.
Có thể bạn thích: