Hội An nằm ở hạ lưu sông Thu Bồn, tỉnh Quảng Nam, là thành phố du lịch nổi tiếng với tên thường gọi “Phố cổ Hội An”. Đến với Hội An là đắm mình vào không gian văn hóa truyền thống với các làng nghề xưa như làng mộc Kim Bồng, làng gốm Thanh Hà, làng đúc đồng Phước Kiều… Khu phố cổ Hội An phô trương phong cách kiến trúc truyền thống và các di tích như Hội Quán Phúc Kiến, Chùa Cầu, miếu Quan Công hay Chùa Ông và nhà thờ tộc Trần. Đây là nơi được công nhận là di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận. Dưới đây là những địa điểm cực đẹp mà khi đến Hội An mà không đi là uổng phí chuyến đi lắm nhé. Hãy cùng TopChuan khám phá ngay nào.
Biển An Bàng
Biển An Bàng là địa điểm du lịch Hội An thuộc phường Cẩm An của thành phố cổ Hội An, xưa vốn chỉ bãi biển để người dân trong vùng đến tắm vào mỗi buổi sáng sớm, bởi vậy, nơi đây vẫn còn giữ nguyên vẻ đẹp hoang sơ đến thuần khiết, chưa có sự gọt giữa nhân tạo. Bãi biển An Bàng an bình, chất chứa vẻ trầm ngâm, tĩnh lặng, trái ngược hoàn toàn với biển Cửa Đại sôi động, náo nhiệt của cuộc sống trẻ trung, hiện đại.
Chỉ cách thành phố Hội An vài cây số, du khách đến đây, đặt chân lên bờ cát trắng mịn, ngắm nhìn những dải hoa muống biển màu tím nhạt mọc trên mặt cát thoai thoải, bước xuống làn nước trong xanh, tươi mát khiến cho tâm hồn thoải mái, nhẹ nhàng hòa nhịp cùng thiên nhiên, trút bỏ bao muộn phiền của cuộc sống hối hả.
Du khách sẽ ngỡ ngàng trước cảnh đẹp rất riêng biệt của bãi biển An Bàng, bãi biển rộng với màu sắc xanh của nước biển, của bầu trời làm chủ đạo xen kẽ là màu trắng ngà của bờ cát bát ngát như 1 tấm lụa mỏng vắt ngang. Nổi bật trên đó là hình ảnh những chiếc thuyền thúng đối chọi sơ, giản dị của những người dân chài. Không khí trong lành thoáng đãng, yên bình. Đến nơi đây, giang 2 tay đón hít thở thật sâu để cảm nhận được không khí trong lành tươi mát, vị mặn mòi của hơi gió biển sẽ làm cho bạn cảm thấy thư thái dễ chịu giống như đang lạc vào một thế giới thần tiên. Đến Biển An Bàng chỉ có nghỉ ngơi và thư giãn. Bạn sẽ như trút bỏ được hết mệt nhọc, muộn phiền, lo toan tấp nập của cuộc sống.
Nhiều du khách không thích sự ồn ào, chật chội thường tìm đến bãi biển An Bàng để thưởng thức cái tĩnh lặng, vẻ đẹp trầm lắng của nơi đây, để được tắm biển thoải mái, nằm dài trên ghế đọc sách, phơi mình trong nắng biển, lặng nhìn đảo Cù Lao Chàm phía xa và khi ánh mặt trời lên cao thì trú trong những mái lá dừa tránh nắng. Sóng của biển An Bàng lớn và mạnh mẽ rất phù hợp cho những du khách nào đam mê trò ném bóng dưới nước, nhảy sóng, lướt ván.
Chùa Cầu
Chùa Cầu hiện tọa lạc trên đoạn tiếp giáp giữa đường Nguyễn Thị Minh Khai và đường Trần Phú, thuộc phố cổ Hội An, Quảng Nam. Tổng chiều dài cây cầu dài khoảng 18 mét có mái che mưa, che nắng bắc ngang qua một nhánh nhỏ của dòng sông Thu Bồn êm đềm. Tương truyền, vào năm 1719, chúa Nguyễn Phúc Lai đã đến thăm chùa và ban tặng cho chùa ba chữ “Lai Vãn Kiều”, có nghĩa là “Bạn từ phương xa đến”, như một sự trầm trồ, ngợi khen, đồng thời thể hiện tấm lòng yêu quý khung cảnh nơi đây và cũng như 1 cách ghi dấu bước chân Chúa đã từng ghé qua miền đất này.
Khéo léo được đặt trên một cây cầu, dưới là dòng nước mát trong, trên là nóc nhà bình yên che chở, Chùa Cầu là đại diện tiêu biểu cho lối kiến trúc truyền thống của các nước phương Đông. Chùa Cầu là một trong những địa điểm du lịch Hội An đầy ý nghĩa, sẽ là điểm dừng chân hoàn hảo cho chuyến đi của bạn bởi nét kiến trúc độc đáo của những cây cột bằng gỗ, được sơn son, chạm trổ kỳ công, tỉ mỉ.
Đã từ rất lâu chùa Cầu Hội An không chỉ là biểu tượng du lịch của khu phố cổ mà nơi đây như kết tinh cả linh hồn của đất và người Hội An. Chùa Cầu như một mảnh ghép nối liền giữa quá khứ với hiện tại và tương lai, cây cầu vắt qua 400 năm lịch sử đã đi vào tiềm thức của mỗi người con được sinh ra, lớn lên trên mảnh đất Hội An ngàn năm hoài cổ ấy. Ngày nay, chùa vẫn ở đó, uy nghi mà trầm mặc như nhân chứng cho lịch sử 1 thời vang bóng nhưng vẫn sáng mãi nơi phố Hội.
Có ai đó đã từng ví, Chùa Cầu là điểm sáng của du lịch Hội An, là tình yêu của kẻ ở, người đi đầy lưu luyến thì quả thực không sai. Chùa Cầu Hội An nằm vắt mình qua một nhánh nhỏ của dòng Thu Bồn quanh năm ôm ấp thành phố, xung quanh được bao bọc bởi khu phố cổ nghìn năm lịch sử, phảng phất đâu đó nơi góc phố hàng cây chút buồn miên man nhưng vẫn chan chứa niềm tin và hi vọng về tương lai tươi sáng rực rỡ của người dân nơi đây, những con người không ngừng ước mơ và lạc quan về cuộc sống.
Chùa Cầu cổ kính trầm mặc, nằm yên bình giữa phồn hoa của phố Hội hiện đại. Nơi ấy biết bao lần đã chứng kiến sự đổi thay của lịch sử theo bao thăng trầm thời gian và hơn hết cả là ghi dấu sự giao thoa của những nền văn hóa độc đáo, tất cả đã khoác lên phố Hội nét đẹp hiếm có của ngày hôm nay.
Cù Lao Chàm
Cù Lao Chàm là một cụm đảo, về mặt hành chính trực thuộc xã đảo Tân Hiệp, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, nằm cách bờ biển Cửa Đại 15 km và đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Cù Lao Chàm bao gồm 8 đảo: Hòn Lao, Hòn Dài, Hòn Mồ, Hòn Khô mẹ, Hòn Khô con, Hòn Lá, Hòn Tai, Hòn Ông. Dân số trên các hòn đảo này gồm khoảng 3.000 người. Đây còn là một địa điểm du lịch có khí hậu quanh năm mát mẻ, hệ động thực vật phong phú, đặc biệt là nguồn hải sản và nguồn tài nguyên yến sào. Các rặng san hô ở khu vực biển Cù Lao Chàm cũng được các nhà khoa học đánh giá cao và đưa vào danh sách bảo vệ.
Nhiều năm trước đây khi du lịch chưa phát triển, Cù Lao Chàm vẫn là một hòn đảo hoang sơ với 3000 dân sinh sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt cá. Và phương tiện duy nhất chỉ có tàu gổ ( Tàu chợ ) di chuyển từ đất liền ra đảo và ngược lại, mỗi ngày 1 chuyến. Mang tất các nhu yếu phẩm và vận chuyển người ra đảo.
Du lịch Cù Lao Chàm gần đây tuy khá phát triển nhưng đổi lại việc bảo tồn lại bị ảnh hưởng khá nhiều, số lượng khách du lịch quá đông đang khiến cho hệ sinh thái trên đảo Cù Lao Chàm bị đe dọa.
10 năm trở lại đây, khi Cù Lao Chàm được công nhận là Khu sinh quyển thế giới. Nên du khách đến với Du Lịch Cù Lao Chàm – Hội An di chuyển bởi đội ngũ Ca Nô cao tốc đời mới, để phục vụ các nhu cầu: Tham quan, đi lại, lặn ngắm san hô, tham gia tour câu cá, tour câu mực tại đảo Cù Lao Chàm.
Nhà cổ Tấn Ký
Được mệnh danh là ngôi nhà cổ đẹp nhất Hội An, sở hữu kiến trúc độc đáo và còn lưu giữ rất nhiều cổ vật quý giá, nhà cổ Tấn Ký đã và đang là điểm đến hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước tới tham quan, thưởng lãm.
Nhà cổ Tấn Ký ở Hội An được chủ hiệu buôn Tấn Ký người gốc Hoa xây dựng từ cuối thế kỷ XVIII và trở thành một trong các công trình kiến trúc đẹp nhất Hội An. Đến nay đã hơn 200 năm tuổi, được bảo tồn nguyên vẹn qua 7 thế hệ gia đình họ Lê và được công nhận là Di tích cấp quốc gia vào năm 1985, nhà cổ Tấn Ký sở hữu vô vàn những điểm độc đáo, hấp dẫn du khách đến với Hội An.
Là kiểu nhà đặc trưng hai tầng hai nếp, hai mặt thông ra đường, nhà cổ Tấn Ký với mặt tiền là đường Nguyễn Thái Học để mở hiệu buôn, mặt hậu thông ra đường Bạch Đằng giáp với bến sông để thuận tiện trong việc xuất nhập hàng hóa.
Ngôi nhà còn mang kiến trúc hình ống đặc trưng của đô thị cổ, khắp nơi đều không có cửa sổ, nơi đón ánh sáng duy nhất của ngôi nhà là một khoảng sân gọi là giếng trời. Gỗ là nguyên liệu chính được chủ nhà sử dụng để xây ngôi nhà, bên cạnh gỗ còn có loại đá và gạch lát. Đá đem về từ Thanh Hóa, chính loại đá ấy mới giúp cho những cột gỗ không bị mục sau từng ấy thời gian. Gạch lát nền là loại gạch Bát Tràng, mùa hè mát, mùa đông ấm.
Hiện nay, nhà cổ Tấn Ký còn lưu giữ nhiều cổ vật quý giá, có giá trị văn hóa khảo cổ cao. Trong đó, phải kể đến chén Khổng Tử. Chén Khổng Tử là một trong các vật gia bảo của nhà Tấn Ký và chỉ có một chiếc duy nhất ở Việt Nam. Một cổ vật quý giá, độc nhất vô nhị khác nữa là bộ liễn đối Bách Điểu, viết bằng 100 nét, mỗi nét là một con chim đang bay.
Ngoài ra, trong nhà cổ Tấn Ký còn trưng bày rất nhiều đồ cổ từ thế kỷ 18 như bình Tỳ Bà, điếu, bát, ấm trà độc ẩm, hay gốm Chu Đậu có từ thế kỷ 15,…Nhà Tấn Ký đã được Bộ Văn hóa – Thể thao & Du lịch xếp hạng di tích đặc biệt, đã được đưa vào phim ảnh, truyền hình và trở thành ngôi nhà được biết đến và thăm viếng nhiều nhất tại Hội An từ năm 1983.
Rừng dừa bảy mẫu Cẩm Thanh
Rừng dừa Bảy Mẫu Cẩm Thanh Hội An khi được đưa vào khai thác du lịch đã trở thành điểm đến hấp dẫn du khách tham quan. Sở dĩ có cái tên này vì ngày xưa, khu rừng này có khoảng 7 mẫu dừa tự do sinh sôi nảy nở. Tới nay, rừng đã phát triển lên hơn 100 ha nhưng người ta vẫn giữ cái tên rừng dừa Bảy Mẫu vì nó đã quá quen thuộc và thân thương với người dân và khách du lịch Hội An. Vì nằm ngay trong vùng nước lợ nên rất thích hợp cho dừa nước phát triển.
Rừng dừa Bảy Mẫu ở Hội An là căn cứ đã đi vào lịch sử quê hương như một khu tử địa, làm mồ chôn thây giặc vì đã có quá nhiều quân địch chết tại nơi đây. Mặc dù nhiều công trình phòng thủ chiến đấu của quân ta ngày trước không còn nhưng những cây dừa vẫn hiện hữu với sức sống mãnh liệt, quật cường, phát triển xanh tốt quanh năm như ghi dấu những chiến tích oai hùng, vẻ vang của quân và dân Hội An trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Tới đây, du khách sẽ được tham quan khu rừng hoàn toàn trên thuyền theo phong cách miền Tây Nam Bộ. Tuy nhiên, điểm đặc trưng để phân biệt rừng dừa này với sông nước miền tây, đó là ở đây người dân không dùng phương tiện di chuyển là những chiếc thuyền thông dụng mà sử dụng thuyền thúng. Theo sự điều khiển bằng tay chèo dẻo dai, chiếc thuyền từ từ di chuyển đi vào sâu bên trong Rừng dừa Bảy Mẫu. Những rặng dừa cao cao xanh rì ngả bóng in xuống dòng nước. Trên chuyến đi, người chèo thuyền sẽ hái lá dừa làm thành những món trang sức thiên nhiên ngộ nghĩnh như mũ, nhẫn, mắt kiếng…vô cùng đáng yêu tặng cho du khách.
Được ví như “miền Tây trong lòng Hội An”, bạn thực sẽ có một trải nghiệm hết sức thú vị cho chuyến đi Rừng dừa Bảy Mẫu này với những gì thiên nhiên mang lại, với con người thân thiện, bạn sẽ thương yêu khi xem người dân trổ tài trên thuyền thúng, những món quà lưu niệm tuy nhỏ nhưng ấm lòng, hiểu thêm về quê hương, đất nước, con người Hội An nói riêng và Việt Nam ta nói chung. Cùng lên lịch cho chuyến hành trình khám phá xứ Quảng ngay và luôn, bạn nhé!
Có thể bạn thích: