Người Việt Nam hiếu học và luôn tự hào về truyền thống hiếu học của mình. Tuy nhiên, tính hiếu học không phải là đức tính cố hữu vốn có của người Việt. Từ xưa, ông cha ta không phải vì hiếu học mà học mà vì muốn thoát khỏi cái thân phận tủi cực nghèo hèn để vươn lên bằng con đường công danh để nếu không là Trạng Nguyên để được “Vinh quy bái tổ” thì cũng là ông Nghè, ông Tú làm rạng danh cho dòng họ. Ngày nay cũng vậy, cha mẹ vẫn dạy con cần học rộng hiểu sâu, học thành tài để sau này không có công trạng thì cũng là người không phải sống bằng nghề “ lao động chân tay”. Chính từ đó, tính hiếu học dần ăn sâu vào tiềm thức mỗi người Việt. “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”, sức mạnh của dân tộc là sức mạnh toàn dân làm nên lịch sử. Nhân tài luôn giữ vai trò quan trọng hàng đầu làm nên lịch sử ấy. Và đại diện xuất chúng cho những con người tài giỏi của đất nước là 5 vị kỳ tài trong lịch sử Việt Nam.
Trạng nguyên trẻ nhất trong lịch sử khoa bảng Việt Nam – Nguyễn Hiền
Năm Đinh Mùi (1247), chính thức thấy sách Đại Việt sử ký toàn thư có chép: “ Ban cho Nguyễn Hiền ( 12 tuổi) đỗ Trạng Nguyên, Lê Văn Hưu ( 17 tuổi) đỗ Bảng nhãn, Đặng Ma La (14 tuổi) đỗ Thám hoa” và Trạng nguyên của kỳ thi Tam khôi đầu tiên này là Nguyễn Hiền. Nhưng cũng vì trước đó 1 năm đã có Nguyễn Quán Quang đỗ khoa thi “ Tiến sĩ” nên được coi là vị Trạng nguyên đầu tiên trong lịch sử. Do đó, Nguyễn Hiền là vị Trạng nguyên trẻ nhất trong lịch sử khoa bảng Việt Nam – năm đó ông mới 12 tuổi. Nguyễn Hiền sinh ra từ một vùng quê nghèo tại làng Dương Miện, huyện Thượng Hiền nay là xã Nam Thắng, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Mồ côi cha từ nhỏ nhưng đã sớm được tiếp xúc với sách vở, chữ nghĩa từ các nhà sư nên được coi là thần đồng với trí nhớ tuyệt vời, thông minh, học một biết mười, học thức uyên bác, năng khiếu kì lạ. Nhắc đến Nguyễn Hiền, người dân Việt không ai không biết đến tài ứng biến trong mọi tình huống đối đáp ứng xử của ông. Tương truyền rằng, từ nhỏ, Nguyễn Hiền rất nghịch, hồi lên 7 tuổi, ông thường hay chỉ đạo bọn trẻ con trong làng cùng chơi trò nặn đất. Khi nặn con voi đất, ông lấy bốn con cua làm chân voi, lấy đỉa làm vòi và lấy bướm làm tai nên thành thử con voi đất này cũng cử động được, khiến bọn trẻ con vui thích lắm mà reo hò ầm ĩ. Nhờ tài trí và sự láu lỉnh của mình, Nguyễn Hiền làm cho bao người nể phục mà ca ngợi là “ Thần đồng xuất chúng” với 2 câu ca ngợi tài năng: “ Thập nhị tuế khôi khai lưỡng quốc / Vạn niên thiên tuế lập tam tài” ( Mười hai tuổi khai khoa hai nước / Nghìn năm ghi mãi chữ tam tài”. Sau này vào triều, Nguyễn Hiền phò vua giúp nước, tiến nhiều kế sách dẹp giặc và giúp dân chúng mở đất khai hoang, đắp đê sông Hồng, tạo mùa màng thắng lợi, nhân dân ấm no. Năm 21 tuổi, Nguyễn Hiền lâm bệnh nặng mà qua đời. Nhà vua thương tiếc một tài năng mà yểu mệnh đã truy phong ông là “ Đại vương Thành hoàng” và tôn làm thần ở 32 nơi khác nhau trong đó có đình Lại Đà ở xã Đông Hội, Đông Anh, Hà Nội. Việc tế lễ của ông cũng được thực hiện theo nghi thức quốc gia: “ Đông A nhất giáp sinh tri Trạng / Nam Việt thiên thu quốc tế thần”.
Nữ Trạng nguyên duy nhất trong lịch sử khoa bảng phong kiến Việt Nam – Nguyễn Thị Duệ
Giả nam đi thi và đỗ Trạng nguyên – Nguyễn Thị Duệ đã là người phụ nữ duy nhất trong lịch sử khoa bảng thời kì phong kiến Việt Nam.
Nguyễn Thị Duệ tên thật là Nguyễn Thị Ngọc Toàn sinh năm 1574 trong một gia đình nhà nho nghèo ở huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Từ nhỏ, bà đã nổi tiếng xinh đẹp, tài hoa, giỏi văn chương, ca hát, nhiều người mến mộ tài sắc. Nhưng giáo dục Việt Nam thời phong kiến luôn “ trọng nam khinh nữ” nên cho dù hiếu học và muốn theo nghiệp văn chương, bà không thể ở “ phận nữ nhi” được nên đành giả trai để đi thi và đỗ Trạng nguyên đời nhà Mạc. Vua Mạc Kính Cung cũng bất ngờ khi biết tân khoa Trạng nguyên lại là nữ. Dù rất mến người tài, không trách tội nhưng bà cũng không được mang danh Trạng nguyên để theo đúng phép tắc thời bấy giờ. Nhưng bà lại được vua cho phép ở lại trong triều phụ trách việc dạy học cho các phi tần. Sau,vua Mạc Kính Cung lập bà làm phi, ban hiệu Tinh Phi hay Bà chúa Sao.
Cuộc đời bà cũng lắm thăng trầm. Vì mến mộ tài năng và khí tiết hiếm có của bà mà Chúa Trịnh đã không giết, lại rất coi trọng bà và giao cho nhiều trọng trách như trông coi việc học trong phủ Chúa, bồi dưỡng nhân tài. Khi cao tuổi, bà cáo quan về quê tiếp tục đọc sách, dạy học và được nhân dân mến mộ ngợi khen: “ Lễ sư thông tuệ, nhất kính chiếu tam vương”.
Lưỡng quốc Trạng nguyên – Mạc Đĩnh Chi
Tại sao Mạc Đĩnh Chi lại được gọi là “ lưỡng quốc Trạng Nguyên”? Chúng ta cùng ngược dòng lịch sử về thời kì vua Trần Anh Tông ( 1304) để tìm hiểu những giai thoại nổi tiếng về ông.
Ông người làng Lũng Động, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương ngày nay. Nhà nghèo, cha mất sớm, ông sống bằng nghề kiếm củi nuôi thân. Sống trong cảnh nghèo khổ mồ côi, tướng mạo lại xấu xí nên ông thường bị người đời khinh rẻ. Vốn là người có tư chất thông minh, linh lợi, ông sớm nhận ra rằng chỉ có con đường học tập thành tài mới thoát khỏi cảnh nghèo khó đó. Chính vì thế mà ông ra sức học tập. Đến năm Giáp Thìn 1304, ông đỗ Trạng Nguyên. Nhưng chỉ vì tướng mạo xấu xí mà vua không muốn cho ông đỗ đầu. Ông đã làm bài phú bằng chữ Hán để nói rõ nỗi niềm của người có chí khí “ Ngọc tỉnh liên phú” ( Sen trong giếng ngọc). Vua mến phục người tài cho vào bệ kiến giúp vua làm rạng ranh đất nước. Ông giữ chức từ Hàn lâm học sĩ đến chức Thượng thư và sau làm Tể tướng. Tể tướng Mạc Đĩnh Chi luôn dùng tài năng và phẩm chất cao đẹp để trị quốc và khiến người nước ngoài phải khâm phục. Kể về Mạc Đĩnh Chi, sách sử đã ghi lại rất chi tiết những giai thoại của ông trong các chuyến đi sứ nhà Nguyên như “Tại cửa ải”, “ Buổi tiếp kiến đầu tiên”, “ Bức tranh chim sẻ ở phủ Tể tướng”, “ Bài minh cái quạt” hay như “ Văn tế công chúa”. Nhưng giai thoại nổi tiếng nhất chính là nhờ “ quay bài” nên Mạc Đĩnh Chi được vưa Nguyên phong là “ Lưỡng quốc trạng Nguyên” ( Trạng nguyên hai nước). Truyện kể lại khi vua Nguyên mời sứ thần Mạc Đĩnh Chi làm thơ vịnh đề lên quạt. Bị bất ngờ nên ông cũng “bí”. Bất giác nhìn thấy nét bút của sức thần Cao Ly, ông cũng đoán được ý viết và viết được bài vịnh cùng nội dung nhưng ý tứ hay và sâu sắc hơn nhiều. Và chính vì cảm mến tài văn của ông mà vua Nguyên đã đề lên quạt 4 chữ “ Lưỡng quốc Trạng nguyên”. Cũng giống như bao đại công thần khác, về già, ông lại về với quê hương vui cùng chòm xóm, ngày ngày uống nước vối trò chuyện với những người dân quê.
Trạng Lường – Lương Thế Vinh
Vì mến tài “đo đạc” của ông mà nhân dân đã gọi ông là Trạng Lường sau khi ông đỗ Trạng Nguyên.
Lương Thế Vinh có tên tự là Cảnh Nghị, tên hiệu là Thụy Hiên, sinh ra trong một gia đình nông dân có học ở làng Cao Hương, huyện Thiên Bản, nay là huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Từ nhỏ, ông đã nổi tiếng là thần đồng, vốn đã thông minh lại lắm tài. Lớn lên, ông càng học giỏi trong khi vẫn thả diều, đá bóng, câu cá, bẫy chim. Còn các bạn thì ngày đêm dùi mài kinh sử quên ăn quên ngủ. Bởi lẽ, ông có phương pháp học và học đến đâu nhớ được ngay đến đó. Chưa đầy hai mươi tuổi, tài học của ông đã nổi tiếng khắp vùng Sơn Nam. Năm 23 tuổi, ông đỗ Trạng Nguyên khoa Quý Mùi (1463) , đời vua Lê Thánh Tông. Kể về Lương Thế Vinh cũng thật nhiều giai thoại. Ông là người đa tài, không chỉ giỏi về toán học mà còn về Phật học, âm nhạc, văn thơ…cũng không kém phần. Nổi tiếng với tài toán học, ông đã làm cho sứ thần nhà Minh phải ngửa mặt lên trời mà than rằng: “ Nước Nam có lắm người tài”. Truyện kể rằng, vì có tài ngoại giao nên ông được vua Lê tin yêu, giao trọng trách soạn văn từ bang giao và đi đón tiếp các sứ thần nước ngoài. Sứ thần dù biết tiếng Trạng nguyên nhưng vẫn tìm cách làm khó thách đố quan Trạng cân một con voi và đo độ dày của một tờ giấy. Ông thản nhiên nhận lời rồi cho người dắt voi xuống thuyền, đánh dấu mức chìm trong nước của thuyền rồi cho đá lên thuyền cũng bằng chừng đó. Sau đó, ông chia nhỏ số đá ra mà cân rồi cộng lại thì ra được cân nặng của voi. Còn về độ dày của tờ giấy, ông mượn sứ thần quyển sách mà đo độ dày rồi chia cho số tờ là ra kết quả. Sứ thần thán phục và cũng cảm thấy hổ thẹn khi ông giải thích cách cân voi là của Tào Xung ( con Tào Tháo) vì chính sứ thần cũng chưa thuộc lịch sử nước mình. Tài năng toán học của Lương Thế Vinh đã được ghi lại bằng những bằng chứng hữu ích khi ông để lại nhiều lưu sách có giá trị như: “ Đại thành Toán pháp” , “ Khải minh Toán học” và đã được đưa vào chương trình thi cử suốt 450 năm trong lịch sử giáo dục Việt Nam. Chính cái tên “Trạng Lường” cũng ra đời từ đó.
Bên cạnh toán học, Lương Thế Vinh am hiểu sâu sắc về âm nhạc và hát chèo. Vì thế, sau khi ông mất, bạn ông là Tiến sĩ Quách Hữu Nghiêm ( người Thái Bình) đã đề tựa và đưa tác phẩm “ Cuốn Hý phường phả lục” của ông in thành sách – đây được coi là tác phẩm lý luận đầu tiên về nghệ thuật kịch hát cổ truyền.
Yêu nước thương dân, ông luôn muốn cho đất nước thanh bình, ấm nó, triều đình và nhân dân cùng lo chung việc nước. Cuối đời, Trạng nguyên Lương Thế Vinh cũng về tại quê nhà dạy học trò nghèo, sống tĩnh tại ở quê hương.
Trạng nguyên đầu tiên – Nguyễn Quán Quang
Có rất nhiều những ghi chép khác nhau về vị Trạng Nguyên đầu tiên của nước Việt: ví như Lê Văn Thịnh được gọi là Khai khoa Đại Việt khi nhà Lý – Năm Ất Mão – 1075 niên hiệu Thí Ninh thứ 4 đời Vua Lý Nhân Tông – mở khoa thi nho học Tam trường đầu tiên trong lịch sử của nền học vấn Đại Việt. Tuy nhiên, kì thi đó chưa lấy đậu Trạng Nguyên mà chỉ gọi là Nhất giáp. Vì thế, trong danh sách 47 vị Trạng Nguyên treo ở Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội) đã ghi danh Nguyễn Quán Quang là vị Trạng Nguyên đầu tiên vì ông đỗ đầu khoa thi “Tiến sĩ” năm 1246.
Nguyễn Quán Quang là người xã Tam Sơn, huyện Đông Ngàn, Kinh Bắc, nay là xã Tam Sơn, Thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Sinh ra trong một gia đình nghèo không có tiền theo học nên lúc bé thường lân la ngoài cửa lớp nghe thầy dạy bọn học trò trong làng học sách Tam tự kinh rồi dùng gạch non viết lên nền gạch. Vì thế mà dân gian gọi ông là “Thần đồng” học lỏm. Sân nhà thầy giáo có những nét chữ như rồng hay phượng múa và thầy giáo đã nhận ông vào học vì mến tài chữ, tài học của ông. Quán Quang nổi tiếng thông minh, học giỏi và thông thạo mọi điều từ việc lầu thông kinh sử cho đến ứng khẩu thành thơ, đàm đạo việc đời uyên bác. Ông liên tiếp đỗ đạt trong các kì thi Hương ( đậu Giải Nguyên), thi Hội ( đậu Hội Nguyên) cho đến kì thi Đại Tỷ thủ sĩ ông cũng đậu Trạng nguyên. Vì thế người đời gọi ông là Tam nguyên. Ngày nay, nhắc đến những vị Trạng nguyên, người đời thường nhắc đến Nguyễn Hiền – trạng nguyên trẻ nhất – chứ ít người biết đến Quán Quang và những câu chuyện thuộc về ông.
Truyện kể rằng sau khi vinh quy bái tổ, ông được vua tin tưởng ra chiếu cử sang thương nghị với giặc. Tên tướng giặc nổi tiếng kiêu hùng và thâm hiểm. Nhân đi qua ao bèo, hắn vớt một nắm bèo lên và bóp nát để tỏ ý coi thường nước Việt như một nắm bèo non yếu ớt, dễ bị nóp nát, đè bẹp. Hiểu thâm ý của tướng giặc, Quán Quang đã nhặt một hòn đá rồi ném xuống ao bèo. Bèo dạt ra một khoảng rồi lại tụm lại kín mặt ao với thâm ý rằng: Người Việt luôn đoàn kết để bảo vệ đất nước, giang sơn, không một sức mạnh nào có thể trấn át, đè bẹp hay khuất phục được. Tướng giặc tím mặt giận lắm mà đành hoãn binh không dám tiến quân xâm lược nước ta ngay. Ông cũng nổi tiếng là người thanh liêm, cương trực, hết lòng vì dân vì nước và có nhiều công lao, có nhiều cống hiến cho đất nước. Đến khi tuổi già, ông về quê mở trường dạy học, sống một đời thanh đạm. Sau này ông mất, nhân dân lập đền thờ ông trên núi Viềng và gọi là đền Thành hoàng. Và để tưởng nhớ tới ông, hàng năm đến ngày 22 tháng Chạp âm lịch, dân làng lại tổ chức “ Tế phong mã” để nhớ tới vị Trạng nguyên đầy tài năng và ân đức cũng là để nhắc cho thế hệ sau này tiếp nối truyền thống hiếu học của tổ tiên.
Có thể bạn thích: