Chắc hẳn trong mỗi gia đình chúng ta đều có ít nhất một đồ vật làm từ gỗ. Đã bao giờ bạn thắc mắc xuất sứ những đồ này ở đâu? Do ai làm hay không? Hãy cùng TopChuan giải đáp những thắc mắc đó qua bài tìm hiểu về các làng nghề mộc truyền thống ở Hà Nội nhé!
Làng nghề Chàng Sơn – huyện Thạch Thất
Nằm cách trung tâm Hà Nội chừng 30km về phía Tây, thôn Chàng Sơn, xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất vốn nổi tiếng với nghề mộc thủ công mỹ nghệ. Tên làng nghề ngày xưa là Nủa Chàng, chữ “chàng” ở đây chỉ là mang tên một dụng cụ để làm nghề mộc. Đến năm 1956, làng Nủa Chàng được gọi là Chàng Sơn.
Thợ Chàng Sơn không chỉ làm nhà, chạm khắc kiến trúc, mà còn giỏi tạo tác đồ gỗ cao cấp (bàn ghế, sập, tủ, đôn, án thư…) và tạc tượng gỗ các loại. Những sản phẩm của Chàng Sơn không chỉ nổi tiếng trong vùng Thạch Thất mà còn vươn xa ra khắp các tỉnh Việt Nam và xuất khẩu sang nước ngoài cũng không ít. Nói về tay nghề của thợ Chàng Sơn thì nổi tiếng nhất chính là “18 vị La Hán” và “bộ tượng Phật” ở di tích quốc gia chùa Tây Phương, từng nét chạm khắc đều tỉ mỉ, tinh xảo. Có lẽ đến ngày nay đây vẫn là tác phẩm đẹp và kinh điển nhất mà nghệ nhân Chàng Sơn tạo ra.
Một sản phẩm rất độc đáo nữa của làng mộc Chàng Sơn được du khách trong và ngoài nước ngưỡng mộ là các tấm bài vị. Đây là sản phẩm đòi hỏi sự kỳ công và tỉ mỉ. Không phải thợ nào học cũng làm được và không phải thợ nào làm được cũng đẹp. Đó chính là tinh hoa đã được truyền từ đời này sang đời khác mà không hề bị mai một của làng nghề Chàng Sơn.
Có câu nói “Chàng Sơn thợ rất giỏi, từ ngày xưa đã phải công nhận. Người ta cứ nghe nói đến thợ Chàng Sơn là họ yên tâm. Thợ khéo đến mức độ sản phẩm của mình làm lại mà không làm được nữa vì nó quá mức tưởng tượng của mình, cầu kỳ, tinh xảo quá” đã đủ hiểu về giá trị nghê thuật trong sản phẩm của các nghệ nhân nơi đây.
Chàng Sơn đã được Hội làng nghề Việt Nam công nhận là “Làng nghề truyền thống tiêu biểu Việt Nam”. Chàng Sơn hiện nay có hàng trăm cơ sở, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh nghề mộc. Chàng Sơn cũng đã quy hoạch một khu làng nghề truyền thống, trong đó có những nhà hàng siêu thị đồ gỗ cao cấp. Đến với làng nghề Chàng Sơn, người ta có thể thấy rõ không khí lao động sản xuất hăng say, nhộn nhịp của một trong những làng nghề mộc nổi tiếng Việt Nam.
Làng nghề Canh Nậu – huyện Thạch Thất
Cách trung tâm Hà Nội khoảng 40 km, thôn 3, xã Canh Nậu (Thạch Thất, Hà Nội) được biết đến là nơi làm đồ thờ bằng gỗ. Dân chơi đồ gỗ thường rỉ tai nhau về những cơ sở đồ gồ tại Canh Nậu. Đến Canh Nậu bạn sẽ hiểu vì sao nơi đây được nhiều người biết đến như vậy.
Những sản phẩm được nhiều khách hàng đặt mua và ngưỡng mộ như bộ ghế hoặc bàn ăn gỗ Hương, giường gỗ Gụ, cửa gỗ Lim Nam Phi hay sản phẩm bàn thờ, tủ bếp. Nhìn những sản phẩm này ra thị trường khó ai có thể tin rằng đó chính là nhờ những bàn tay khéo léo của những người thợ xuất thân từ vùng quê Cạnh Nậu, Thạch Thất.
Các sản phẩm ở đây hầu hết được làm từ gỗ tự nhiên và do các cá nhân đến đặt trực tiếp với chủ xưởng nên mỗi sản phẩm lại có nét đẹp, nét đặc trưng riêng. Có từng đặt chân lên mảnh đất Canh Nậu bạn mới thấy được sự tài hoa của nghệ nhân nơi đây, nào thì bộ tranh tứ quý bằng gỗ “Tùng, Cúc, Trúc, Mai” vô cùng sống động và tinh xảo, nào thì bàn thờ giả cổ rất bắt mắt và mang một vẻ đẹp vừa mộc mạc vừa sang trọng,… Sản phẩm đặc trưng của làng nghề là:
- Đồ gỗ nội thất gia đình
- Đồ gỗ thủ công mỹ nghệ
- Sập gụ tủ chè
- Đồ gỗ giả cổ,…
Những loại gỗ chủ yếu được sử dụng ở đây là Gụ, Hương, Sồi, Lim… Đó cũng chính là nguyên liệu để các cơ sở ở làng nghề phát triển mặt hàng đồ gỗ nội thất cao cấp và sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ xuất khẩu.
Làng nghề mộc Thượng Mạo – Phú Lương – quận Hà Đông
Xốm là tên nôm của tổng Xốm, nay là các làng Quảng Lãm, Thượng Mạo, Nhân Trạch, Văn Nội, Động Lãm… thuộc phường Phú Lương và Phú Lãm. Làng làm áo tơi thì gọi là Xốm Áo Tơi; Làng làm nón thì gọi là Xốm Nón… Nhân dân trong vùng có câu “Thợ Xốm, cốm Vòng” là do tổng Xốm có nhiều người giỏi thợ mộc, thợ nề, đặc biệt khéo léo trong việc xây dựng nhà cửa dân gian truyền thống.
Làng Thượng Mạo là làng Việt cổ gắn với sự nghèo nàn, lạc hậu, đời sống khó khăn. Nhưng kể từ khi có nghề mộc thì đời sống người dân nơi đây đã vươn lên thoát nghèo. Với sự nỗ lực học tập để lấy nghề cùng với quyết tâm nâng cao thành thạo về mực thước, nối tiếp về chạm khắc mà Thượng Mạo trở thành làng nghề mộc nổi tiếng khắp cả nước.
Với bàn tay khéo léo của mình từng tốp thợ được tham gia xây dựng nhiều đình, chùa, miếu, nhà thờ theo kiến trúc cổ xưa. Một số công trình vẫn được bảo tồn cho đến ngày nay như Đình Làng Đơ, Đình Khương Thượng, Đình Bình Đà, Đình La Tinh, Đình Đông Lao, Đình Văn Phú, Đình Khê Tang, Đình làng Thượng Mạo và nhiều công trình khác. Trải dài theo dòng lịch sử, đời trước truyền nghề cho đời sau, cha truyền con nối, cứ thế thông liền nghề mộc cho đến tận ngày nay.
Dần dần, để đáp ứng nhu cầu của thị trường, nghệ nhân không chỉ bó hẹp trong việc xây dựng đình, chùa, nhà cổ mà còn mở rộng sản xuất với đầy đủ các mặt hàng: đồ mỹ nghệ, trạm khắc, trang trí nội thất, gường, tủ, bàn ghế, cầu thang, khuôn cửa… Các sản phẩm của làng nghề Thượng Mạo luôn đảm bảo được uy tín, chất lượng, kỹ thuật sản phẩm, luôn được thị trường đánh giá cao và xứng danh Thợ Xốm.
Làng nghề mộc Chanh Thôn – xã Văn Nhân – huyện Phú Xuyên
Bước chân vào tới đầu làng Chanh Thôn đã thấy nhịp sống hối hả, rộn ràng qua tiếng máy cưa, máy đục, cả làng ngan ngát mùi hương đặc trưng của gỗ. Người dân Chanh Thôn chăm chỉ, chuyên cần làm đẹp cho bao ngôi nhà, trang hoàng cho bao tổ ấm khi mùa cưới đến.
Có thể nói các sản phẩm đến từ Chanh Thôn mang một nét gì đó rất riêng, vừa mang nét cổ xưa, mộc mạc lại vừa pha nét hiện đại, phá cách. Những ngôi nhà gỗ được thiết kế và chạm khắc vô cùng tinh xảo khiến bất cứ ai ngắm nhìn đều phải trầm trồ, thán phục. Chẳng thế mà sản phẩm đến từ nơi đây làm hài lòng đông đảo khách hàng kể cả những khách hàng khó tính nhất. Nổi tiếng khắp vùng không chỉ về tài khéo léo, nghệ nhân nơi đây còn rất chịu khó học hỏi cái mới, họ có thể làm ra bất cứ sản phẩm nào theo yêu cầu của khách hàng. Vì thế độ nổi tiếng của sản phẩm Chanh Thôn vang xa khắp các tỉnh thành, các sản phẩm có mặt mọi nơi và cả xuất khẩu sang nước ngoài.
Đến thăm Chanh Thôn mới thấy hết bàn tay tài ba, khéo léo của dân làng nghề. Những thớ gỗ cứng rắn như vậy mà được uốn lượn uyển chuyển theo từng mẫu hoa văn. Thật đúng là những bức tranh được làm từ gỗ.
Về Chanh Thôn hôm nay, du khách không chỉ được thưởng thức mùi thơm của gỗ mà còn được nghe nhịp phách luyến láy xen lẫn tiếng may cưa, máy đục, trạm của làng nghề truyền thống. Đây quả là bức tranh đồng quê tuyệt đẹp trong thời kỳ nông thôn đổi mới.
Làng nghề Sơn Đồng – huyện Hoài Đức
Làng nghề Sơn Đồng cách trung tâm thành phố khoảng hơn 20km về phía Tây Bắc, là 1 làng cổ của mảnh đất trăm nghề Hà Tây (nay là Hà Nội) với truyền thống hình thành tới nay đã ngót 800 năm. Người làng Sơn Đồng không chỉ tài tình trong nghề sơn, tạc, tạo ra được những mẫu tượng Ông Hoàng Bảy, Ông Hoàng Mười, Đức Thánh Trần, Văn Thù Bồ Tát, Tam Thế Phật, Phật Thích Ca, Phật A di đà, Phật bà nghìn tay nghìn mắt, tượng ông Thiện, ông Ác, tượng La Hán, Kiệu bát cống, ô sa, cửa võng….cùng vô số loại đồ thờ thủ công mỹ nghệ nổi tiếng trong cả nước.
Với tài năng của mình, những nghệ nhân nơi đây đã tạo nên những tác phẩm như tượng Phật có hồn và sống động vô cùng. Có thể nói các sản phẩm đó làm cho bất cứ ai nhìn vào đều không thể rời mắt vì vô cùng tinh xảo. Một tài năng đặc biệt ở những nghệ nhân và thợ lành nghề nơi đây được thể hiện qua việc du khách hay khách hàng muốn làm bất cứ pho tượng thờ nào, thì những người thợ nơi đây đều làm được ngay mà không cần mẫu có sẵn.
Các sản phẩm tinh hoa của Sơn Đồng không chỉ được khách hàng trên khắp cả nước tin cậy mà cả những khách hàng nước ngoài sẵn sàng về tận làng nghề để đặt hàng. Vì thế mà sản phẩm của Làng nghề mỹ nghệ Sơn Đồng chiếm khoảng trên 50% trên toàn thị trường toàn quốc về tượng, đồ thờ cúng sơn son thếp vàng, thếp bạc phủ màu hoàng kim, phục vụ đời sống văn hoá tâm linh, tín ngưỡng của người dân.
Từ thành cổ Sơn Tây, chùa Đỏ Hải Phòng, Văn Miếu Quốc Tử Giám… đến cố đô Huế, người thợ Sơn Đồng đem tài hoa làng nghề làm công việc khôi phục, gìn giữ những nét xưa lịch sử.
Có thể bạn thích: