Lễ hội ở Việt Nam được tổ chức nhiều nhất vào dịp cuối mùa đông đầu mùa xuân. Đây là thời điểm đẹp nhất trong năm, mọi người đều được nghỉ ngơi và tận hưởng giây phút vui vẻ bên gia đình. Nhiều gia đình, nhóm bạn trẻ lựa chọn đi du lịch đến các lễ hội lớn. Cùng điểm qua những lễ hội đặc sắc này nhé.
Hội Cổ Loa
Lễ hội Cổ Loa được tổ chức hàng nănm bắt đầu từ ngày mồng 6 đến 16 tháng giêng. Hội được tổ chức nhân ngày kỷ niệm Thục Phán nhập cung. Làng Cổ Loa gồm 12 xóm nhưng hội tổ chức chung cho 8 làng gồm: Ðài Bi, Sàn Dã, Cầu Cả, Mạch Tràng, Văn Thượng, Thư Cưu, Cổ Loa, Xép. Cả 8 làng này đều thờ Thục Phán nên đều tham gia tổ chức hội.
Sáng ngày mồng 6 làng tổ chức lễ rước văn tế từ nhà vị tiên chỉ ra đền để tế thần. Theo thông lệ từ xưa, văn tế soạn thảo được đặt lên giá, khi 12 ông trưởng xóm đến đông đủ cả thì bắt đầu sửa lễ. Trong đoàn rước lễ mở đầu là năm lá cờ ngũ hành, tiếp đó đến phường bát âm giá văn tế đặt trong kiệu long đình có lọng che. Nối tiếp là quan viên trong làng và các vị kỳ mục đi theo sau.
Bên trong đền giữa sân là cột cờ lớn, phía trên treo lá cờ đại. Hai bên cửa đại là đôi ngựa hồng, ngựa bạch đầy đủ yên cương sặc sỡ.Tiếp ra phía ngoài là đồ lễ bộ và bát bưu. Chính giữa sân là kiệu của 12 xóm. Trước cửa đền,hương án lớn bày bộ ngũ sự bằng đồng và các lễ vật cùng hộp kính đựng đôi hia màu vàng. Bên cạnh còn có một hương án nhỏ, phía trên bày một chiếc đỉnh và đôi hạc đồng cùng chiếc nỏ, bó tên và một thanh kiếm. Nỏ này được sơn son thếp vàng là biểu trưng của nỏ thần xưa.
Khi một hồi tù và vang lên là đám rước văn long đã đến. Lúc này phường bát âm nổi nhạc, rộn rã tiếng chiêng, tiếng tù và. Trong lúc quan viên làm lễ trước bàn thờ, dân chúng sẽ quỳ làm lễ ở nội tự. Phần hội sẽ kéo dài tới rằm tháng giêng với nhiều trò chơi, tối ở đình làng sẽ có đốt pháo hoa, hát ca trù, hát tuồng. Ban ngày, các cụ ông chơi bài, đánh cờ. Các cụ bà đi lễ đình lễ chùa. Thanh thiếu niên nam nữ có trò chơi: đánh đu, đấu vật, kéo co, leo dây, bắn cung nỏ, cờ người…
Hội rước pháo làng Đông Kỵ
Hội rước pháo làng Đồng Kỵ được tổ chức tại xã Đồng Quang, Từ Sơn, Bắc Ninh. Lễ hội tổ chức với mục đích tưởng nhớ vị thành hoàng làng – ngày Thánh Thiên Cương. Đây là nghi thức truyền thống được nhiều người dân mong đợi nhất trong suốt 3 ngày hội từ mùng 4 đến 6 tháng Giêng Âm lịch hàng năm. Tuy lễ hội diễn ra với quy mô nhỏ nhưng nổi tiếng khắp đất nước bởi ý nghĩa và sự đặc sắc của nó.
Công tác chuẩn bị diễn ra từ rất sớm, từ ngày 20 tháng chạp. Theo đó làng phải huy động đến khoảng 400 người phục vụ trong đó có tới khoảng 300 trai tịnh dưới 50 tuổi phù giá để có được lễ rước hoành tráng và đầy đủ nghi thức.
Sáng sớm ngày mùng 3 tháng Giêng, lễ rước thỉnh Đức Thánh Thiên Cương từ Ninh Từ lên Đền Trung được thực hiện trang trọng. Hôm sau, mọi công việc cho Lễ rước pháo được chuẩn bị từ sớm ngày mùng 4 nhưng phải đến đúng 9h sáng hai quả pháo lớn mới được các thanh niên trai tráng trong làng rước từ nhà ông đám trưởng (Trưởng Ban Khánh tiết) ra đình cùng với đoàn tế hàng trăm người trong sự chứng kiến và háo hức của hàng nghìn khách thập phương. Pháo rước gò bằng tôn, bên ngoài dán giấy nhiều màu sắc. Hai quả pháo có kích thước khác nhau thể hiện tượng trưng cho pháo Nhất và pháo Nhì.
Lễ rước pháo là nét đặc sắc nhất hội làng Đồng Kỵ, lại được tổ chức ngay ngày đầu năm mới khi mọi người chưa phải đi làm nên càng đông đúc. Có thể dễ dàng thấy rằng hội làng Đồng Kỵ thu hút 1 lượng đông đảo nhiều thợ chụp ảnh đến tác nghiệp.
Hội Lim – Bắc Ninh
Hội Lim là một lễ hội lớn đầu xuân vùng Kinh Bắc được tổ chức từ ngày 12 đến 14 tháng Giêng hàng năm, trên địa bàn huyện Tiên Du tỉnh Bắc Ninh. Hội Lim được tổ chức gồm hai phần:
Phần Lễ: Ngày 13/1 Âm lịch, ngày hội chính,. Vào 8h sáng, Hội Lim được mở đầu bằng lễ rước. Đoàn rước với đông đảo người dân tham gia trong những bộ lễ phục ngày xưa, sặc sỡ sắc màu và cũng vô cùng cầu kì, đẹp mắt kéo dài tới cả gần km. Trong ngày lễ, có nhiều nghi lễ và tục trò dân gian nổi tiếng, trong đó có tục hát thờ hậu. Buổi sáng ngày 13 tháng giêng toàn thể quan viên, hương lão, nam đinh của các làng xã thuộc tổng Nội Duệ phải tề tựu đầy đủ tại lăng Hồng Vân để tế lễ hậu thần. Trong khi tế có nghi thức hát quan họ thờ thần. Để hát thờ, các bọn quan họ nam và nữ của tổng Nội Duệ đứng thành hàng trước cửa lăng hát vọng vào. Trong khi hát, họ chỉ được hát những giọng lề lối để ca ngợi công lao của thần.
Phần hội:
Có nhiều trò chơi dân gian như đấu võ, đấu vật, đấu cờ, đu tiên, thi dệt cửi, nấu cơm. Đặc sắc hơn cả là phần hát hội. Là phần căn bản và đặc trưng nhất của hội Lim. Từ hát mời trầu, hát gọi đò đến con sáo sang sông, con nhện giăng mùng. Hội thi hát diễn ra khoảng gần trưa, được tổ chức theo hình thức du thuyền hát quan họ. Tại một hồ nước nhỏ sát bên cánh đồng làng Lim, chiếc thuyền hình rồng được sơn son thiếp vàng rời bến trong những câu hát đậm đà nghĩa tình. Một bên thuyền là các liền chị, đối diện là những em nhỏ súng sính trong những tà áo tứ thân. Các liền anh thì đứng hoặc ngồi sát hai phía đầu và cuối thuyền. Tối ngày 12 sẽ là đêm hội hát thi quan họ giữa các làng quan họ. Mỗi làng quan họ có được dựng một trại tại phần sân rộng của đồi Lim. Đây là phần hội hay nhất của cả lễ hội Hội Lim.Hội Lim lễ hội lớn của vùng Kinh Bắc ,với những hoạt động phong phú của lễ và hội đã có nội dung và tầm cỡ lễ hội văn hóa dân gian Kinh Bắc, gần như hội đủ những hoạt động văn hóa văn nghệ và tín ngưỡng tâm linh của các lễ hội trên vùng quê Bắc Ninh – mảnh đất được coi là vương quốc của lễ hội dân gian Việt Nam.
Lễ hội Chùa Hương
Lễ hội chùa Hương hay Trẩy hội chùa Hương là một lễ hội của Việt Nam. Ngày mồng 6 tháng giêng là ngày khai hội. Lễ hội thường kéo dài đến hạ tuần tháng 3 âm lịch. Vào dịp lễ hàng triệu phật tử cùng du khách khắp bốn phương lại nô nức trẩy hội chùa Hương.
Đỉnh cao của lễ hội là từ rằm tháng riêng đến 18 tháng hai âm lịch. Ngày này vốn là ngày lễ khai sơn (hay còn gọi là lễ mở cửa rừng) của địa phương. Đến nay nghi lễ “mở cửa rừng” hàm chứa ý nghĩa mới – mở cửa chùa.
Lễ hội chùa Hương bắt đầu bằng rất solo giản, tất cả các đền, chùa, đình, miếu đều khói hương nghi ngút, không khí lễ hội bao trùm cả xã Hương Sơn trước một ngày mở hội.
Ở trong chùa có lễ dâng hương, gồm hương, hoa, đèn, nến, hoa quả và ăn uống chay. Lúc cúng có hai tăng ni mặc áo cà sa mang đồ lễ chay đàn rồi mới tiến dùng đồ lễ lên bàn thờ. Trong lúc chạy đàn, hai vị tăng ni sẽ múa rất dẻo và đẹp mắt qua những động tác mà bạn có thể chưa nhìn thấy bao giờ. Từ ngày mở hội cho đến hết hội, chỉ thỉnh thoảng mới có sư ở các chùa trên đến gõ mõ tụng kinh chừng nửa giờ tại các chùa, miếu, đền. Còn hương khói thì không bao giờ dứt. Về phần lễ đa phần là về “thiền”. Nhưng ở chùa ngoài lại thờ các vị sơn thần thượng đẳng với đủ màu sắc của đạo giáo. Đền Cửa Vòng là “chân long linh từ” thờ bà chúa Thượng Ngổn, là người cai quản cả vùng rừng núi xung quanh với cái tên là “tì nữ tuý Hồng” của sơn thần tối cao. Chùa Bắc Đài, chùa Tuyết Sơn, chùa Cả và đình Quân thờ ngũ hổ và tín ngưỡng cá thần.
Vào những ngày tổ chức lễ hội, thuyền bè đi lại tấp nập. Nét độc đáo của hội chùa Hương là thú vui ngồi thuyền vãng cảnh lạc vào non tiên cõi Phật. Chính vì vậy, nói đến chùa Hương là nghĩ đến con đò – một dạng của văn hóa thuyền của cư dân Việt ngay từ thuở xa xưa. Và đến nay, ngày hội bơi thuyền ở chùa Hương luôn tạo cảm hứng mãnh liệt cho người đi hội. Trẩy hội chùa Hương là hành động giải tỏa hòa hợp giữa thực và mơ, tiên và tục – thực là nền tảng, mơ là uất vọng – trên cái nền mùa xuân tươi sáng mà con người Việt Nam chất phác, nhân ái thuở xưa cảm nhận hành động và trao truyền.
Lễ hội Núi Bà Đen
Núi Bà – thường được gọi là Núi Bà Ðen do truyền thuyết, có một người con gái tên là Ðênh (sau gọi chệch sang là Ðen) sùng phật đạo, con một viên quan trấn thủ người Miên. Do từ chối ép duyên với con quan trấn vùng Trảng Bàng, nàng Ðênh bỏ nhà trốn lên núi xuất gia cầu đạo và chết ở đó. Sau này triều đình nhà Nguyễn đã cho đúc tượng đồng đen và sắc phong cho bà là “Linh Sơn Thánh Mẫu”. Hàng năm vào dịp xuân về, từ chiều 30 tết nguyên Ðán đến suốt tháng Giêng, tháng Hai âm lịch – nhất là ngày rằm tháng Giêng, du khách trong tỉnh, thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh khác ở Nam Bộ đổ về hành hương, lễ bái và tham quan du lịch rất đông đúc.
Từ chân núi, khách trẩy Hội phải đi bộ và leo núi. Ðến lưng chừng núi khách vào lễ đền Linh Sơn Thánh Mẫu rồi nghỉ ngơi. Ai khoẻ chân lại tiếp tục đường mòn leo núi để lễ chùa. Nơi đây, nhà chùa có cơm chay đãi khách, khách cứ việc dùng rồi cúng tiền vào chùa, có hoặc không, nhiều hoặc ít tuỳ tâm. Thậm chí nếu khách muốn lưu lại chùa một, hai ngày vẫn được nhà chùa thết đãi nồng hậu – vì rằng ở chốn tu hành, đồng tiền không có nghĩa và người mộ đạo người nào cũng như ai. Lên cao chút nữa, gần đỉnh núi là Miếu Sơn Thần. Dừng tại đây, du khách có cảm giác nhiều đám mây còn bay dưới chân mình và từ đấy có thể ngắm toàn ảnh hồ nước Dầu Tiếng – Một công trình thuỷ lợi đẹp và lớn ở nước ta hiện nay. Những năm gần đây mỗi mùa Xuân tới, dân chúng Nam Bộ kéo tới lễ Ðiện Bà đông như nước chảy. Mọi người tin rằng lễ Ðiện Bà để cầu phù hộ, giải toả nhu cầu tâm linh, cũng nhân dịp du lịch ngắm phong cảnh hùng vĩ của Núi Bà.
Có thể bạn thích: