Mùa xuân đến, mang cho chúng ta sức sống mới, với thật nhiều ước vọng về cuộc sống gia đình hạnh phúc. Sau một năm lo toan những bộn bề thường nhật, chúng ta thường tìm đến cửa Phật để suy ngẫm và tịnh tâm, tìm lại chính mình. Chính vì vậy, hành hương lễ chùa vào dịp đầu năm, từ lâu đã trở thành một phần không thể thiếu trong chương trình du xuân của người Việt. Hành hương không chỉ là nét đẹp trong đời sống tâm linh của người Việt Nam mà còn là sự trải nghiệm đời sống tâm linh, tìm về sự thanh tịnh trong tâm hồn để khởi đầu một năm mới đầy niềm vui và sự an lạc. Do đó, đầu năm đi chùa lễ Phật là một truyền thống tốt đẹp của tất cả những người con Phật. Chúng ta sẽ cùng nhau hành hương đến 5 điểm chùa linh thiêng nhất miền Bắc vào dịp đầu xuân này .
Chùa Hương – Mỹ Đức – Hà Nội.
Chùa Hương thuộc xã Hương Sơn – Mỹ Đức – Hà Nội. Đây được coi là một danh thắng nổi tiếng không chỉ có cảnh đẹp mà còn có nhiều nét đặc sắc về văn hóa, tín ngưỡng đạo Phật của người dân Việt Nam. Đến với Hương Sơn chúng ta càng cảm nhận cái đẹp thanh tao và hương sắc đậm đà của non sông đất Việt. Dãy Hương Sơn đã bị xâm thực lâu đời của thiên nhiên, nước đã khoét núi đá thành nhiều hang động trong đó có động Hương Tích, sản phẩm đặc sắc của thiên nhiên. Theo Phật thoại thì đây là nơi lưu dấu Đức Quán Thế Âm Bồ Tát tu hành đắc đạo. Bồ tát đã ứng thân thành công chúa Diệu Thiện con vua Diệu Trang Vương ở nước Hưng Lâm, tu hành 9 năm trong động Hương Tích, khi đắc đạo rồi Ngài trở về chữa bệnh cho vua cha, trừ nghịch cho nước và phổ độ quần sinh.
Khi câu chuyện Phật thoại này được truyền bá ra, các thuyền sư cổ đức đã chống gậy tích tới đây nhàn du mây nước. Hương Tích là dấu vết thơm tho, ý nói nơi đây đã là trụ xứ tu hành của Bồ Tát Quán Thế Âm.
Tương truyền, năm 1770 chúa Trịnh Sâm khi tới chùa Hương đã khắc lên động Hương Tích 5 chữ: “Nam thiên đệ nhất động” – Động đẹp nhất trời Nam để tỏ ý yêu dấu vẻ đẹp kỳ thú này. Do đó nói đi trẩy hội chùa Hương tức là đi chiêm bái cả khu vực Hương Thiên ở vùng núi Hương Sơn. Vì những ý nghĩa trên cho nên chùa Hương có sức thu hút mạnh mẽ đối với du khách trong nước và ngoài nước. Mỗi năm có hàng triệu người hành hương đến nơi đây chiêm bái Thánh tích, nếu bạn đã trẩy hội chùa Hương thì bạn có thể tự hào rằng mình đã đến đất Phật và biết thế nào là cảnh đại kỳ quan của đất nước rồi;
Ngày nay, chùa Hương là cụm di tích bao gồm nhiều hệ thống chùa chiền. Trong đó, chùa Hương Tích là chùa trung tâm và nhiều chùa khác nằm rải rác khắp khu vực.
Chùa Keo – Vũ Thư – Thái Bình.
Chùa Keo hay còn có tên là chùa Thần Quang Tự, nằm tại xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình, Việt Nam. Ngôi chùa này tính đến nay đã được hơn 400 năm tuổi. Mỗi năm, vào những dịp đầu năm mới, chùa Keo thu hút hàng ngàn khách du lịch viếng thăm chùa. Chùa Keo là một trong các những ngôi chùa cổ ở Việt Nam được bảo tồn hầu như nguyên vẹn. Với quy mô rộng lớn gồm nhiều công trình bề thế, chùa được đánh giá là một kiệt tác nghệ thuật bằng gỗ, minh chứng cho sự tài hoa của những nghệ nhân thời nhà Lê.
Chùa Keo thờ Phật như bao ngôi chùa khác ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ, nhưng do lịch sử hình thành và phát triển làng xã cũng như việc xây dựng có những đặc điểm riêng, nên Chùa ngoài thờ Phật còn có thờ Thánh, và phối thờ 1 số ít người có công trong việc xây dựng chùa. Vị thánh được thờ là thánh tổ Dương Không Lộ, một nhà sư thời Lý có hiểu biết sâu sắc về Phật học. Ông được thờ như một vị tổ sư, và một vị Thành hoàng của làng xưa.
Ngoài quy mô rộng lớn bậc nhất trong các chùa cổ ở Việt Nam, Chùa còn có nhiều công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo riêng. Đặc biệt ở đây có tượng Thích Ca nhập Niết bàn, tượng Bồ Tát Quan Âm Chuẩn Đề đặt giữa tượng Văn Thù Bồ Tát và Phổ Hiền Bồ Tát. Toàn bộ khu thờ Phật của Chùa Keo có gần 100 pho tượng. Không những chỉ thờ Phật, chùa Keo còn thờ thêm Không Lộ – Lý Quốc Sư. Toàn bộ kiến trúc chùa được làm bằng gỗ lim và được các nghệ nhân thời nhà Hậu Lê chạm khắc rất tinh tế.
Hội chùa keo thường được tổ chức làm 2 đợt: mùng 4 tháng giêng Âm lịch và 13, 14, 15 tháng 9 âm lịch. Hội đầu năm mới là dịp để nhân dân địa phương cùng nhân dân khắp các tỉnh thành cả nước về dâng hương khấn Phật. Còn hội tháng 9 là hội mùa thu. Đây là hội chính, kỷ niệm 1000 năm ngày Thiền sư Không Lộ (1016-1094), người sáng lập ngôi chùa, qua đời (ngày 3 tháng 6 Âm lịch). Tương truyền có câu thơ về hội chùa Keo, nhân dân thập phương vẫn truyền miệng:
” Dù cho cha đánh mẹ treo,
Em không bỏ hội chùa Keo hôm rằm.
Lễ hội Xuân Chùa Keo ngày mùng 4 Tết âm lịch “
Du lịch chùa Keo trong dịp lễ hội hàng năm là điểm đến hấp dẫn nhất. Đường đến chùa Keo rất thuận tiện chính vì vậy du khách di chuyển bằng đường bộ là phương án tốt nhất. Hãy dành chút thời gian cho bản thân để một lần về thăm quê lúa, thăm chùa và trải nghiệm một không gian hoàn toàn khác lạ.
Chùa Tây Thiên – Tam Đảo – Vĩnh Phúc.
Chùa Tây Thiên nằm trong khu danh thắng Tây Thiên cách Hà Nội khoảng 85 km về phía tây và nằm tại xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh phúc. Nơi đây là điểm đến của nhiều du khách mỗi mùa xuân về. Chùa Tây Thiên hấp dẫn không phải chỉ là nơi linh thiêng của phật mà còn có phong cảnh sơn thủy hữu tình vấn ghi dấu vào lòng du khách thập phương. Cảnh núi rừng nguyên sơ với những ngôi Cổ tự, những Thảo am Tịnh thất cheo leo trên độ cao ngút ngàn nước suối trong vắt chảy róc rách… Ngoài thiên nhiên non nước hữu tình, ở đây còn mang ý nghĩa nhân văn với bề dày lịch sử tôn giáo, tín ngưỡng được thế hệ cha ông truyền lại.
Chùa có đền thờ Quốc mẫu Tây Thiên Lăng Thị Tiêu – người kết hôn cùng Hùng Chiêu Vương sau khi giúp nhà vua đánh giặc giữ nước cùng với các ngôi chùa thờ Phật, thu hút hàng trăm người đến đây mỗi năm.
Theo điểm du lịch đẹp nhất Hà Nội thì chùa Tây Thiên là nơi du khách nên đi vào các dịp lễ tết, cầu bình an và may mắn cho gia đình, hít thở bầu không khí trong lành của “hòn ngọc Đông Dương” Tam Đảo.
Quả không ngoa khi nói rằng đây là cái nôi của Phật giáo. Danh thắng Tây Thiên không chỉ nổi tiếng với thờ quốc mẫu Tây Thiên mà còn có rất nhiều ngôi chùa thờ Phật như chùa Thiên Ân, Đồng Cổ, Phù nghi… Bởi lẽ đó mà khi đến đây dân gian hay nói rằng: đến chùa Tây Thiên là “đến với Phật, về với Mẫu”.
Chùa Bái Đính – Gia Viễn – Ninh Bình.
Tên gọi chùa Bái Đính mang ý nghĩa là hướng về núi Đính, nơi diễn ra các sự kiện oai hùng trong lịch sử Việt Nam. Núi chùa Bái Đính chính là nơi Đinh Tiên Hoàng Đế lập đàn tế trời cầu mưa thuận gió hòa, sau này tiếp tục được vua Quang Trung chọn để làm lễ tế cờ động viên quân sĩ trước khi ra Thăng Long đại phá quân Thanh.
Chùa Bái Đính là một quần thể chùa lớn với nhiều kỷ lục châu Á và Việt Nam được xác lập như chùa có tượng Phật bằng đồng dát vàng lớn nhất châu Á, chùa có hành lang La Hán dài nhất châu Á, chùa có tượng Di lặc bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á… Đây là ngôi chùa lớn nhất và sở hữu nhiều kỷ lục nhất ở Việt Nam. Chùa nằm ở cửa ngõ phía tây khu di tích cố đô Hoa Lư, bên quốc lộ 38B, thuộc xã Gia Sinh – Gia Viễn – Ninh Bình, cách thành phố Ninh Bình 15 km, cách Hà Nội 95 km. Chùa Bái Đính nằm ở phía bắc của quần thể di sản thế giới Tràng An. Nơi đây nằm ở vùng đất hội tụ đầy đủ yếu tố nhân kiệt theo quan niệm dân gian Việt Nam, đó là đất sinh Vua, sinh Thánh, sinh Thần. Năm 1997 chùa được công nhận là di tích lịch sử – văn hóa – cách mạng cấp quốc gia. Mặc dù khu chùa có lịch sử hình thành từ thời Đinh với đền thờ Cao Sơn trấn tây Hoa Lư tứ trấn nhưng chùa Bái Đính cổ có nhiều chi tiết kiến trúc và cổ vật mang dấu ấn đậm nét của thời Lý.
Lên thăm hang động ở núi Bái Đính phải bước trên 300 bậc đá, qua cổng tam quan ở lưng chừng núi. Lên hết dốc là tới ngã ba: bên phải là hang sáng thờ Phật và Thần, bên trái là động tối thờ Mẫu và Tiên. Phía trên cửa hang sáng có 4 chữ đại tự “Minh Đỉnh Danh Lam” khắc trên đá do Lê Thánh Tông ban tặng có nghĩa là: “Lưu danh thơm cảnh đẹp”. Khi lên vãn cảnh chùa trên đỉnh Bái Đính, vua Lê Thánh Tông đã tạc một bài thơ tứ tuỵêt chữ Hán được dịch như sau:
Đính Sơn danh tiếng thực cao xa
Che chở kinh thành tự thuở xưa
Nhân kiệt, địa linh nên vượng khí
Núi thiêng cảnh đẹp vững sơn hà.
Lễ hội chùa Bái Đính là một lễ hội xuân, diễn ra từ chiều ngày mùng 1 tết, khai mạc ngày mùng 6 tết và kéo dài đến hết tháng 3, khởi đầu cho những lễ hội hành hương về vùng đất cố đô Hoa Lư tỉnh Ninh Bình..
Chùa Đồng – Yên Tử – Quảng Ninh.
Chùa Đồng còn có tên Thiên Trúc tự (chùa Cõi Phật), chùa được tọa lạc ở đỉnh cao nhất dãy Yên Tử (1.068m) hùng vĩ với cảnh sắc mây trời mê đắm. Chùa Đồng – Yên Tử – Quảng Ninh đã được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam công nhận là ngôi chùa đồng lớn nhất và nằm ở độ cao nhất cả nước ta. Hơn nữa ngôi chùa linh thiêng này lại được được ví như một “kỳ quan mới” tại khu danh thắng đỉnh Yên Tử. Theo dân gian ta lưu truyền thì chùa Đồng linh thiêng chính là một nơi có thể cầu được “sinh lực của vũ trụ” cho mọi mặt của đời sống. Và ngôi chùa cũng chính là nơi mà các tín đồ, phật tử có một niềm tin vào sự linh ứng khó lý giải này. Dân gian có câu:
“Trăm năm tích đức tu hành
Chưa đi Yên Tử chưa thành quả tu”
Sự linh thiêng, vẻ thẩm mỹ về kiến trúc đã giúp cho ngôi chùa thu hút được quảng đại quần chúng hành hương đến đây. Bởi vậy, hành hương Yên Tử đã trở thành tâm nguyện của nhiều du khách hành hương hướng về cõi Phật mỗi độ xuân về. Nằm trong hành trình hành hương Yên Tử, du khách sẽ có dịp viếng thăm chùa Giải Oan, chùa Phù Vân cổ kính, thấp thoáng trong làn mây và đến chùa Đồng nằm chót vót trên đỉnh núi. Lễ hội Yên Tử mở hội vào mồng 9 tháng Giêng hàng năm. Trong phần lễ, các vị hòa thượng làm lễ cầu an, cầu mong quốc thái dân an, khai ấn và đóng ấn cầu may cho người xin lễ. Phần hội lại diễn ra rất náo nhiệt với màn múa lân sư rồng, trống hội tưng bừng, văn nghệ ca hát đối đáp rất hấp dẫn.
Có thể bạn thích: