Việt Nam đã trải qua hơn bốn ngàn nǎm lịch sử dựng nước và giữ nước. Và để có được thành quả ngày hôm nay, chúng ta không thể không kể đến công lao của các vị tướng tài ba.
Lý Thường Kiệt (1019 – 1105)
Lý Thường Kiệt là vị tướng tài đầu tiên mà bài viết muốn nhắc đến. Ông tên thật là Ngô Tuấn, người làng Bắc Biên, xã Phúc Xá (nay thuộc xã Ngọc Thụy, huyện Gia Lâm, Hà Nội), sau này ông dời nhà về định cư phường Thái Hòa (nay thuộc nội thành Hà Nội). Ngô Tuấn tự là Thường Kiệt, có tài năng về đối nội đối ngoại, vì công lớn trong việc đánh bại quân nhà Tống vào năm 1075 – 1077, ông được triều đình ban thưởng rất trọng hậu, lại còn cho lấy theo họ của Hoàng Đế nhà Lý đương thời liền nhân đó ghép họ được ban với tên tự thành Lý Thường Kiệt, mãi rồi thành quen, khiến cho không ít hậu sinh quên mất cả họ lẫn tên thật của ông. Ông sinh năm Kỷ Mùi (1019), mất năm Ất Dậu (1105), hưởng thọ 86 tuổi.
Nhà sử học Nguyễn Khắc Thuần đã viết: Trong quân sự, Lý Thường Kiệt là bậc đại danh tướng, là linh hồn của những chiến công lớn nhất lịch sử nước nhà trong thế kỷ thứ XI; Trong chính trị, Lý Thường Kiệt là đấng đại danh thần, là chỗ dựa tin cậy và vững chắc của nhà Lý, nhất là dưới thời trị vì của Hoàng Đế Lý Nhân Tông (1072-1127); Trong lịch sử văn học, Lý Thường Kiệt là cây đại bút, tác giả của bài thơ Nam Quốc Sơn Hà – áng hùng thi có giá trị thiêng liêng như bản tuyên ngôn độc lập lần thứ nhất của nước nhà.
“Nam quốc sơn hà Nam đế cư.
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư,
Như hà nghịch lộ lai xâm phạm,
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư. “
Quang Trung (1753 – 1792)
Quang Trung tên thật là Nguyễn Huệ, ông được biết đến với cái tên Quang Trung Hoàng Đế hay Bắc Bình Dương và là vị Hoàng Đế thứ hai của nhà Tây Sơn. Ông sinh năm 1753, mất năm 1792, sau Trần Hưng Đạo 525 năm.
Từ cuộc khởi nghĩa Tây Sơn, Nguyễn Huệ trở thành lãnh tụ kiệt xuất của phong trào nông dân thế kỷ XVIII và cũng trở thành người anh hùng dân tộc vĩ đại.
Ở Ngọc Hồi, ở Đống Đa, quân Tây Sơn giành thắng lợi lớn. Thây giặc Thanh chất cao như núi. Tướng giặc là Sầm Nghi Đống phải treo cổ tự tử kéo theo nhiều bộ hạ thân tín tự sát theo.
Theo Việt Nam sử lược, Nguyễn Huệ đang ấp ủ đòi lại vùng đất đã mất vào tay phương Bắc từ thời trước, nhưng chưa kịp thực hiện hoài bão thì bị bệnh mất. Cuộc đời tuy ngắn ngủi nhưng sự nghiệp của Nguyễn Huệ thực sự chói lọi với những chiến công hiển hách và khí thế thần tốc, đẩy lùi những đại quân xâm lược.
Võ Nguyên Giáp (1911 – 2013)
Võ Nguyên Giáp sinh ngày 25/08/1911, mất 4 tháng 10 năm 2013, (sau vua Quang Trung – Nguyễn Huệ 158 năm). Ông sinh ra trong một gia đình nhà Nho, con của ông Võ Quang Nghiêm (Võ Nguyên Thân) – một nhà nho đức độ và mẹ là bà Nguyễn Thị Kiên ở làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã hoàn thành xuất sắc trọng trách của mình không chỉ bằng một vài trận đánh, chiến dịch mà là cả hai cuộc kháng chiến chống 2 siêu cường sừng sỏ bậc nhất của thời đại là Thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ.
Lịch sử đã chứng minh tài cầm quân, thao lược của vị Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam Võ Nguyên Giáp mà điển hình là Chiến dịch Điện Biên Phủ trên không (năm 1954) và Chiến dịch Hồ Chí Minh kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (năm 1975).
Sử sách thế giới đã đánh giá tên tuổi và sự nghiệp của vị Tổng thư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một trong những vị tướng lừng danh nhất của lịch sử nhân loại.
Nghệ thuật chiến tranh nhân dân, kết hợp giữa chiến tranh du kích và chính quy đã được Đại tướng Võ Nguyên Giáp phát triển thành đỉnh cao của nhân loại, được xem là kiểu mẫu của nhiều cuộc chiến tranh hiện đại khác.
Lê Trọng Tấn (1914 – 1986)
Lê Trọng Tấn tên thật là Lê Trọng Tố, người làng Nghĩa Lộ, thôn An Định (cũ), xã Yên Nghĩa, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây (nay thuộc Hà Nội), là một Đại tướng Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Ông là một trong những vị tướng đánh trận giỏi nhất Việt Nam. Chỉ huy quân đánh phía Nam vào Mường Thanh, bắt sống tướng De Castries trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1975. Ngoài ra, Tư lệnh trưởng Lê Trọng Tấn còn chỉ huy các binh đoàn đánh phía Nam vào Dinh độc lập, bắt sống tướng Dương Văn Minh.
Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Đại tướng Lê Trọng Tấn gắn liền với những chiến công và các bước trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam. Nhiều trận đánh, chiến dịch mang tầm chiến lược trong hai cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ xâm lược như: Biên giới (1950), Hòa Bình (1951), Tây Bắc (1952), Thượng Lào (1953), Điện Biên Phủ (1954), Đường 9 – Nam Lào (1971), Trị Thiên (1972), Đà Nẵng (1975), Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975… đều in đậm dấu ấn của tướng Lê Trọng Tấn. Đúng như Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhận xét: “Tướng Lê Trọng Tấn là một trong những tư lệnh chiến dịch, chỉ huy tác chiến hiệp đồng binh chủng giỏi nhất của Quân đội ta”.
Trần Hưng Đạo
Trần Hưng Đạo tên thật là Trần Quốc Tuấn, còn đươc gọi là Hưng Đạo Vương hay Nhân Vũ Hưng Đạo Đại Vương, là một trong những nhà quân sư kiệt xuất nhất lịch sử. Ông là con trai của An Sinh Vương Trần Liễu, cháu vua Trần Thái Tông, quê làng Tức Mặc, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Hà Nam Ninh (nay thuộc tỉnh Nam Định). Năm sinh của ông không rõ ràng, có tài liệu cho là năm 1228, có tài liệu thì cho là năm 1230 hay 1232.
Ông là vị tướng tài ba xuất hiện sau Lý Thường Kiệt 210 năm. Ông mất ngày 20 tháng 8 năm Canh Tý (tức ngày 5 tháng 9 năm 1300), thọ hơn 70 tuổi. Nhân dân đương thời lập đền thờ ông mang tên Đền Kiếp Bạc tại Chí Linh, Hải Dương. Ba lần đánh thắng quân xâm lược Nguyên Mông (1257 – 1288), công lao của Trần Hưng Đạo là vô cùng to lớn với nhà Trần. Đại Việt sử ký toàn thư viết rằng: “tiếng vang đến phương Bắc, khiến chúng thường gọi ông là An Nam Hưng Đạo Vương mà không dám gọi thẳng tên”. Sử gia Nguyễn Huệ Chi viết rằng ông là “thiên tài quân sự có tầm chiến lược, và là một anh hùng dân tộc bậc nhất của nhà Trần”. Ông luôn là người theo tư tưởng lấy sức dân làm nền tảng xây dựng sức mạnh của chế độ.
Có thể bạn thích: