Trong rất nhiều các ngày kỉ niệm của đất nước ta, ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 là một trong các những ngày kỉ niệm tưng bừng và ý nghĩa nhất, thu hút sự quan tâm của toàn xã hội. Bởi bất kỳ ai sinh ra và trưởng thành, ngoài công sinh thành dưỡng dục của cha mẹ còn có công lao dạy dỗ, dìu dắt của thầy cô. Nào, chúng ta hãy cùng hướng về ngày 20-11 sắp tới để tri ân các thầy giáo, cô giáo bằng những việc làm và tình cảm chân thành nhất. Đồng thời hãy đọc TopChuan để hiểu thêm những ý nghĩa về ngày kỉ niệm này bạn nhé.
Là dịp để các thầy cô giáo tự hào và nỗ lực về nghề dạy học của mình
Năm nào cũng vậy, cứ đến 20-11, cả nước lại tưng bừng tổ chức ngày Nhà giáo Việt nam. Đây là ngày hội của các thầy giáo, cô giáo, và những người công tác trong ngành giáo dục. Trong ngày kỉ niệm này có rất nhiều hoạt động chào mừng sôi nổi và ý nghĩa diễn ra. Các thầy cô có dịp để được hòa mình vào không khí ngày hội, tận hưởng không khí vui tươi náo nức trong ngày của mình. Với nhiều thầy cô giáo, 20-11 là 1 ngày rất đặc biệt, ngoài việc được học trò và các cấp lãnh đạo, phụ huynh học sinh tri ân, thăm hỏi, tặng quà thì đây là dịp để họ – những người đồng nghiệp được ngồi lại bên nhau với cả những học trò cũ và mới để cùng nhau ôn lại những kỉ niệm, chia sẻ những niềm vui nỗi buồn trong cuộc sống. Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý nhưng cũng lắm vất vả, gian nan và có cả những hi sinh thầm lặng mà ít ai biết đến, những gánh nặng của cơm áo gạo tiền,… Nhưng trên hết, những nhà giáo của chúng ta vẫn kiên cường vượt qua mọi khó khăn để cống hiến. Với họ, nghề dạy học vẫn là một nghề rất đáng tự hào, và họ sẽ tiếp tực đi theo con đường mà mình đã chọn.
Ý nghĩa ngày thành lập
Tháng 1 – 1946, một tổ chức quốc tế các nhà giáo tiến bộ được thành lập tại Paris (thủ đô nước Pháp) lấy tên là FISE có nghĩa là: Liên hiệp quốc tế các công đoàn giáo dục. 3 năm sau tại Hội nghị quốc tế Vacsava (thủ đô của Ba Lan), tổ chức này đã xây dựng một bản “Hiến chương các nhà giáo” gồm 15 chương. Nội dung chủ yếu của bản hiến chương là đấu tranh chống nền giáo dục tư sản, phong kiến; xây dựng nền giáo dục tiến bộ; bảo vệ những quyền lợi vật chất và tinh thần đáng quý của nghề dạy học và nhà giáo.
Trong những năm kháng chiến chống Pháp, công đoàn giáo dục Việt Nam đã liên hệ với FISE, mục đích là tranh thủ các diễn đàn quốc tế, tố cáo âm mưu tội ác độc của bọn đế quốc xâm lược đối với nhân dân ta cũng như đối với giáo viên và học sinh. Đồng thời giới thiệu những thành tích của nền giáo dục cách mạng, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của toàn thể giáo viên trên thế giới đối với cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân ta. Mùa xuân năm 1953, đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục Nguyễn Khánh Toàn làm trưởng đoàn hội nghị quan trọng kết nạp Công đoàn giáo dục của 1 số ít nước vào tổ chức FISE tại Viên (thủ đô nước Áo), trong đó có Công đoàn giáo dục Việt Nam. Chỉ một thời gian ngắn sau khi thành lập (22-7-1951), Công đoàn giáo dục Việt nam đã chính thức được kết nạp là một thành viên của FISE. Từ ngày 26 đến ngày 30-8-1957, tại thủ đô Vacsava, Công đoàn giáo dục Việt Nam tham gia hội nghị FISE cùng 57 nước tham dự. Hội nghị quyết định lấy ngày 20 tháng 11 làm ngày Quốc tế Hiến chương các nhà giáo. Ngày 20-11-1958, miền Bắc nước ta đã tổ chức ngày Quốc tế hiến chương các nhà giáo lần thứ nhất. Những năm sau đó, ngày lễ còn được tổ chức ở những vùng giải phóng của miền Nam.
Theo đề nghị của ngành Giáo dục, ngày 28-9-1982, Hội đồng Bộ trưởng (nay là chính phủ) đã ban hành quyết định số 167- HĐBT về ngày Nhà giáo Việt Nam, quy định lấy ngày 20-11 là ngày Nhà giáo Việt Nam. Ngày 20-11-1982 cũng chính là ngày Nhà giáo Việt Nam đầu tiên được tiến hành trọng thể trên cả nước. Từ đó đến nay, đây là ngày truyền thống của ngành giáo dục để tôn vinh những người làm công tác trồng người.
Thể hiện tinh thần tôn sư trọng đạo – truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta
Từ xa xưa, nhân dân ta đã có câu: “Muốn sang thì bắc cầu kiều, muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy.” Hoặc: “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” (một chữ cũng là thầy mà nửa chữ cũng là thầy). Bởi thầy chính là người dạy chữ, dạy kiến thức cho ta, chắp cho chúng ta đôi cánh để bay vào đời, thầy dạy cho ta lẽ sống làm người,… Thầy là người đào tạo hiền tài cho đất nước, mà hiền tài lại chính là nguyên khí của quốc gia. Vì thế, vai trò của người thầy là vô cùng quan trọng, được cả xã hội thừa nhận và tri ân. Tôn vinh người thầy, coi trọng nền giáo dục chính là sức mạnh tinh thần, là nguồn cổ vũ lớn lao đối với những người làm nghề dạy học. Hàng năm cứ đến ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, trên khắp mọi miền của Tổ quốc, lớp lớp thế hệ học trò nói riêng, phụ huynh học sinh và nhân dân nói chung đều thể hiện tình cảm biết ơn sâu sắc với những người thầy đã có công lao dạy dỗ, đưa những con đò cập bến ước mơ. Truyền thống tốt đẹp ấy cần được tiếp tục nối tiếp cho các thế hệ con cháu mai sau.
Thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước với sự nghiệp giáo dục nước nhà
Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng giáo dục, xem giáo dục là quốc sách hàng đầu, nhất là trong thời kì đất nước đổi mới, hội nhập quốc tế như hiện nay. Bởi giáo dục và đào tạo là điều kiện tiên quyết phát triển kinh tế, góp phần ổn định chính trị xã hội và trên hết, giáo dục đào tạo góp phần nâng cao chỉ số phát triển con người. Giáo dục đào tạo đóng vai trò quan trọng, là nhân tố chìa khóa, là động lực thúc đẩy đất nước phát triển,… Trong nhiều thập kỉ qua, việc thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, chăm sóc, bồi dưỡng, đào tạo và phát triển nguồn lực con người luôn được quan tâm hàng đầu và đó là nhiệm vụ trung tâm của toàn Đảng, toàn dân với đội ngũ tri thức là nòng cốt. Chính vì vậy, Đảng và Nhà nước ta luôn có những chính sách ưu tiên để nâng cao phát triển nền giáo dục nước nhà, đặc biệt quan tâm tới đội ngũ những người làm trong ngành giáo dục. Cứ mỗi dịp 20-11 về, các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước từ trung ương đến địa phương luôn dành cho các thầy giáo cô giáo những tình cảm nồng nhiệt nhất bằng nhiều hình thức khác nhau như: gửi thư chúc mừng, tổ chức lễ kỉ niệm, thăm hỏi động viên,… Đó là những món quà có ý nghĩa to lớn, cổ vũ những người làm nghề dạy học yên tâm công tác và cống hiến nhiều hơn nữa.
Là dịp để xã hội ghi nhận những cống hiến các thầy cô giáo
Cùng với những thành tựu về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại,… giáo dục Việt Nam trong nhiều thập kỉ qua luôn ngày một đổi mới và thu được nhiều kết quả khả quan. Mặc dù những năm gần đây, những đổi mới ấy còn gặp nhiều bất cập. Nhưng những cống hiến của các thầy cô cho ngành giáo dục là điều không thể phủ nhận. Các thầy cô giáo trên cả nước đang từng ngày, từng giờ thực hiện sứ mệnh nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Cụ thể như: Từ năm 2004 đến năm 2016, Việt Nam đã đăng cai và tổ chức thành công nhiều kì thi quốc tế: Olympic Vật lý châu Á (2004), Olympic Toán quốc tế (2007), Olympic Vật lý quốc tế (2008), Olympic Hóa quốc tế (2014), Olympic Sinh học quốc tế (2016). Với sự bồi dưỡng của các thầy cô, chúng ta đã gặt hái được kết quả đáng khích lệ: với tất cả 6 huy chương vàng, đứng đầu cuộc thi Olympic Toán học châu Á – Thái Bình Dương (APMOPS 2016). Việt Nam là nước Đông Nam Á có nhiều giải thưởng nhất Hội thi Khoa học Kĩ thuật quốc tế năm 2016 với 4 dự án đạt giải ba lĩnh vực Hóa học, Kỹ thuật môi trường, Kỹ thuật cơ khí, Sinh học tế bào và phân tử. Chúng ta đã giành một huy chương vàng, 4 huy chương bạc, 1 huy chương đồng trong cuộc thi Olimpic Toán quốc tế 2016,…
Đây mới là một ví dụ 1-1 cử, ngoài ra còn rất nhiều những cống hiến khác của các thầy cô trên mọi miền đất nước, đặc biệt là những thầy cô giáo ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người mặc dù rất khó khăn và thiếu thốn nhưng vẫn ngày ngày mang con chữ đến với học sinh thân yêu không sao kể hết được. Ngày 20-11 hằng năm là dịp để chúng ta ghi nhận những cống hiến thầm lặng của các thầy cô cho sự nghiệp giáo dục nước nhà và sự phát triển chung của đất nước.
Có thể bạn thích: