Chùa Bái Đính là một danh thắng tâm linh nằm trong quần thể khu du lịch sinh thái Bái Đính – Tráng An với bề dầy lịch sử hơn 1000 năm tuổi, gắn với nhiều triều đại phong kiến, từ nhà Đinh, nhà Tiền Lê đến nhà Lý. Nơi đây thu hút nhiều du khách đến hành hương vào những ngày Lễ, Tết bởi những câu chuyện truyền tụng linh thiêng và kiến trúc cầu kỳ, hoành tráng. Quần thể chùa Bái Đính hiện có diện tích 1700 ha bao gồm 27 ha khu chùa Bái Đính cổ, 80 ha khu chùa Bái Đính mới, các khu vực như: công viên văn hoá và học viện Phật giáo, khu đón tiếp và công viên cảnh quan, đường giao thông và bãi đỗ xe, khu hồ Đàm Thị, hồ phóng sinh…vẫn đang được tiếp tục xây dựng và mở rộng. Nếu ai đang có ý định du lịch chùa Bái Đính trong thời gian tới đừng quên tham khảo những kinh nghiệm sau đây nhé.
Giá vé thăm quan Bái Đính Tràng An
Với các gia đình có người người già và trẻ nhỏ đi theo, thay vì đi bộ, các bạn nên chọn xe điện để đi lại vì khuôn viên Bái Đính rất rộng rãi. Vé xe điện chùa Bái Đính là 30.000đồng/chiều. Phí tham quan: Bảo tháp: 50.000đ/người/lượt.
Còn đối với các du khách muốn khám phá cảnh non nước Tràng An, các bạn sẽ mất khoảng 3 tiếng đồng hồ đi đò với mức giá vé 150.000 đồng/người (4-5 người/đò). Khi đi đò, các bạn nên nhớ mặc áo phao cẩn thận và đề phòng đồ đạc.
Các điểm tham quan ở Bái Đính
Các địa điểm tham quan trong chùa Bái Đính
Khu chùa Bái Đính mới
- Tam quan ngoại: Chùa Bái Đính có 3 tam quan ngoại được xây dựng cao rộng, biểu tượng cho 3 cửa để vào chùa. Mỗi tam quan ngoại có 3 cửa, được dựng bằng bê tông cốt thép và ốp đá bên ngoài, có bốn mái cong nhỏ lợp đá ở phía trên.
- Tam quan nội: Tam quan nội được xây dựng hoàn toàn bằng gỗ Tứ Thiết, cao 16,5m, dài 32m, rộng 13,5m. Tam quan nội có 4 cột cái, mỗi cột cao 13,85m, 2 lần bán kính 0,87m và nặng khoảng 10 tấn. Tam quan nội có 3 tầng mái uống cong ở bốn phía, lợp bằng ngói men ống Bát Tràng màu nâu sẫm. Trong tam quan đặt 2 tượng hộ pháp bằng đồng, mỗi tượng cao 5,5m và nặng 12 tấn.
- Hành lang La Hán: Hành lang La Hán được thiết kế hoàn toàn bằng gỗ, các vì kèo mái được kết cấu kiểu giá chiêng chồng giường con nhị, gồm 2 dãy, dài 3.400m với 250 gian, mỗi gian có kích thước 4,5m x 4,5m. Dọc hai hành lang tả, hữu đặt 500 bức tượng La Hán tạc bằng đá nguyên khối, do các nghệ nhân làng nghề đá Ninh Vân (Hoa Lư – Ninh Bình) chế tác.
- Tháp chuông: Tháp chuông được xây dựng bằng bê tông cốt thép giả gỗ, kiến trúc kiểu tháp chuông cổ, hình bát giác, có 3 tầng mái cong, lợp bằng ngói men ống Bát Tràng màu nâu sẫm. Tháp chuông cao 22m, 2 lần bán kính 17m, mang dáng dấp của bông sen. Bên trong tháp chuông treo quả chuông đồng nặng 36 tấn, do các nghệ nhân ở Huế đúc. Quả chuông đã được Trung tâm Sách Kỷ lục Việt cấp bằng Xác nhận kỷ lục: “Đại hồng chuông lớn nhất Việt Nam”. Phía dưới chuông đồng có đặt chiếc trống đồng đúc theo mẫu trống đồng Đông Sơn, trọng lượng 13 tấn, 2 lần bán kính hơn 6m, chiều cao gần 7m.
- Điện Phật Bà: Điện Quan Thế Âm Bồ Tát được xây dựng hoàn toàn bằng gỗ tứ thiết, gồm 7 gian, cao 14,8m, dài 40,4m, rộng 16,8m. Gian giữa của điện đặt tượng Chuẩn Đề Quan Âm nghìn mắt nghìn tay đúc bằng đồng dát vàng, nặng 80 tấn, cao 9,57m. Pho tượng đã được Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam cấp bằng xác nhận là: “Tượng Quan Thế Âm Bồ Tát bằng đồng lớn nhất Việt Nam”.
- Hồ phóng sinh:: Hồ Phóng Sinh có chiều ngang 63m, chiều dài 77m, diện tích gần 5000m2. Trong Hồ trồng Sen. Hoa Sen là biểu tượng cho Đức Phật và cõi Niết Bàn. Hồ ở dưới thấp là âm, chùa trên cao là dương. Do đó, Hồ Phóng Sinh tạo ra âm dương điều hòa, cảnh “tiền thủy hậu sơn” tuyệt đẹp.
- Điện pháp chủ: Điện pháp chủ chùa Bái Đính thờ Phật Tổ xây dựng toàn bằng bê tông cốt thép giả gỗ rất đồ sộ, hoành tráng, cao đến nóc gần 30m, dài 44,7m, rộng 43,3m, có diện tích 1.945m , gồm 2 tầng mái cong, có 8 mái ở bốn phía và một hàng cổ lâu để nâng độ cao, lấy ánh sáng và thông khí, bờ đao cao tới l,3m, mái đao cao 2,6m, riêng mặt nguyệt ở đỉnh mái cao đến 4,4m, đầu kìm cao 3,3m.
- Điện tam thế: Toà Tam Thế cũng xây dựng bằng bê tông cốt thép giả gỗ, có 3 tầng mái uốn cong, gồm 12 mái ở bốn phía. Tất cả các mái được uốn cong, lợp bằng ngói men ống Bát Tràng màu nâu sẫm. Các góc của mái đều có mái đao cong lên như hình đuôi chim phượng làm cho mái uốn lượn, uyển chuyển, hài hoà như sóng nước thuỷ triều, như con thuyền trôi trên nước, như hai cánh chim đang dang rộng để bay lên.
- Tượng Phật Di Lặc
- Bảo tháp Chùa Bái Đính
Chùa Bái Đính cổ
Chùa Bái Đính cổ (Bái Đính cổ tự) nằm cách điện Tam Thế của khu chùa mới khoảng 800 m về phía nam. Khu chùa này quay hướng chính tây, nằm gần trên đỉnh của một vùng rừng núi khá yên tĩnh, gồm có một nhà tiền đường ở giữa, rẽ sang bên phải là hang sáng thờ Phật, rồi đến đền thờ thần Cao Sơn ở sát cuối cửa sau của hang sáng; rẽ sang bên trái là đền thờ thánh Nguyễn rồi đến động tối thờ mẫu và tiên. Nơi đây nằm ở vùng đất hội tụ đầy đủ yếu tố nhân kiệt theo quan niệm dân gian Việt Nam, đó là đất sinh Vua, sinh Thánh, sinh Thần. Mặc dù khu chùa có lịch sử hình thành từ thời Đinh với đền thờ Cao Sơn trấn tây Hoa Lư tứ trấn nhưng chùa Bái Đính cổ có nhiều chi tiết kiến trúc và cổ vật mang dấu ấn đậm nét của thời Lý.
- Hang Sáng – Động Tối
- Đền thờ thánh Nguyễn
- Đền thờ thần Cao Sơn
- Giếng ngọc
Ăn uống tại Bái Đính Tràng An
Ninh Bình có rất nhiều món ăn ngon thu hút thực khách. Một số món tiêu biểu bạn nên thử khi đến đây bao gồm:
- Thịt dê núi Ninh Bình có đặc trưng săn chắc, ít mỡ và có vị thơm. Người ta cho rằng sở dĩ như vậy vì ở Ninh Bình có nhiều núi đá, dê chạy nhảy nhiều nên cơ thịt săn chắc, ít mỡ hơn hẳn dê chăn thả trên đồi. Mặt khác, với địa hình đặc trưng của núi đá vôi ngập nước có rất nhiều các loại rau, cỏ, thảo dược thích hợp là thức ăn cho dê như giò gai, giò vàng, bách bộ, ô zô, lim xẹt, móng bò, dướng, bầu trích, mộc sông, mõm chuột, xoan dù, cà gai leo, tạo nên chất lượng và vị ngon của thịt dê.
- Cơm cháy Ninh Bình: Món cơm cháy không phải là món ăn cổ truyền của người Ninh Bình, nhưng do một người con cố đô sáng tạo ra và được lưu giữ, phát triển cho tới nay. Một món ăn mộc mạc, thể hiện sự khéo léo của bàn tay con người, đã được lưu truyền cả trăm năm nay, trở thành đặc sản của vùng đất cố đô,một trong những món ngon nổi tiếng của Ninh Bình.
- Gỏi cá nhệch Kim Sơn: Cứ vào cữ mưa ngâu độ 2 tháng là mùa đi bắt cá nhệch. Cá nhệch cùng họ với lươn nhưng nhệch sống ở nơi nước hơi mặn (nhệch củ) và sống ở nước lợ (nhệch khét). Nhệch củ to ngang, nhệch khét dài. Cá nhệch giống lươn về độ dài, nhưng bề ngang lại giống cá chình. Cá nhệch có con dài hàng mét, con nhỏ 3 – 4 lạng, con to nặng tới cả kilôgam. Cá nhệch trơn và ác nghiệt tợn, nên đánh bắt không dễ dàng. Gỏi nhệch ở đây được ăn kèm nhiều loại rau, gia vị như lá sung, lá ổi, lá đinh lăng, lá lộc vừng, lá mơ, khế chua, lá vọng cách. Người ta quấn các loại lá ấy thành một chiếc phễu, cho thịt nhệch vào, quết nước chẻo lên, thêm vài hạt muối trắng, vài lát hành khô và có thể thêm lát ớt tươi rồi gói lại.
- Ốc núi Ninh Bình: Loài ốc núi Ninh Bình này cực hiếm vì chúng chỉ sống trong các hang đá, phải đến mùa mưa từ tháng 4 đến tháng 8 ốc núi mới bò ra tìm kiếm thức ăn và sinh sản. Ốc núi có ở hầu hết các nơi tỉnh Ninh Bình nhưng tập trung nhiều là ở các dãy núi đá vôi Tam Điệp, Yên Mô và Nho Quan, Hoa Lư. Ốc núi rất khó phát hiện, người ta thường phải dậy từ sáng sớm khi ốc bò ra khỏi hang kiếm ăn mới tìm mà bắt được. Thịt ốc núi dai, giòn, ngọt, thơm mùi thuốc bắc. Ốc núi có thể chế biến thành nhiều món như nướng, xào me, hấp gừng, luộc xả hết, trộn gỏi hành tây…đều rất hấp dẫn.
- Gà ri Cúc Phương: Gà ri Cúc Phương từ lâu đã trở thành loài vật nuôi đặc sản của huyện Nho Quan (Ninh Bình), loài gà này được nuôi ở vùng rừng núi Cúc Phương, với khí hậu và điều kiện tự nhiên phù hợp nên thịt thơm và ngon, rất được ưa thích.
- Cá rô Tổng Trường
- Dứa Đồng Giao
- Bún mọc Tố Như
- Xôi trứng kiến Nho Quan
- Cá chuối nướng Vân Long.
Đặc sản Ninh Bình mua về làm quà: Ngoài những món ăn ngon ở Ninh Bình mà các bạn có thể thưởng thức trong suốt hành trình khám phá mảnh đất cố đô, Ninh Bình còn có rất nhiều đặc sản mà các bạn có thể mua về làm quà cho gia đình và bạn bè.
- Nem chua Yên Mạc
- Mắm tép Gia Viễn
- Rượu cần Nho Quan
- Rượu nếp Kim Sơn
- Khoai Hoàng Long
Nghỉ ngơi tại Bái Đính
Nếu chỉ đi Bái Đính trong ngày, chắc các bạn cũng không cần vồ cập tới các khách sạn hay nhà nghỉ tại Bái Đính làm gì. Tuy nhiên, với những bạn muốn đi thăm thú nhiều nơi ở Ninh Bình mà Bái Đính chỉ là một trong các những điểm đến thì có thể sẽ vồ cập tới việc lưu trú ở đây. Nhà nghỉ hay khách sạn vẫn là sự lựa chọn ưu tiên hàng đầu của các du khách khi qua đêm tại Bái Đính. Hiện nay, tại Bái Đính có một số ít nhà nghỉ,khách sạn với mức giá vừa phải, phù hợp với nhiều du khách như:
- Nhà Nghỉ Đại Dương. Địa chỉ: ĐT477, Gia Lập, Gia Viễn, Ninh Bình. Điện thoại: 097 682 97 20
- Tam Family Homestay. Địa chỉ: Xóm 5 Chùa Bái Đính, Gia Sinh, Gia Viễn, Ninh Bình. Điện thoại: 096 556 60 08
- Vân Long Garden. Địa chỉ: Vó, Đồi Ngô, Gia Hòa, Gia Viễn, Ninh Bình. Điện thoại: 091 356 25 85
- Khách sạn Hoàng Hải. Địa chỉ: Xóm 4, Gia Sinh, Gia Viễn, Ninh Bình. Điện thoại: 098 666 01 81
- Nhà Nghỉ Thiên Phú. Địa chỉ: Gia Sinh, Gia Viễn, Ninh Bình. Điện thoại: 096 995 42 68
- Ninh Bình Bamboo Farmstay. Địa chỉ: Gia Sinh, Gia Viễn, Ninh Bình. Điện thoại: 0165 967 4921
- Nhà Nghỉ Đức Hùng. Địa chỉ: Gia Sinh, Gia Viễn, Ninh Bình. Điện thoại: 096 668 89 59
- Khách sạn Hương Trà. Địa chỉ: Ngã 3 Gián Khẩu, Gia Trấn, Gia Viễn, Ninh Bình. Điện thoại: 0229 3833 558
- Garden Homestay. Địa chỉ: Gia Sinh, Gia Viễn, Ninh Bình.
- Cảnh Tiệp Homestay. Địa chỉ: Xóm 5, Gia Sinh, Gia Viễn, Ninh Bình. Điện thoại: 098 602 21 72
Tuy có số lượng phòng khá lớn nhưng trong thời điểm mùa du lịch, các bạn sẽ rất khó có phòng nếu không đặt trước. Vì vậy, trước khi đến với Bái Đính, các bạn nên chủ động gọi đến nhà nghỉ, khách sạn để đặt phòng.
Ngay trong chùa Bái Đính hiện tại có một khách sạn của Công ty Tràng An, có thể coi như một khu resort nhỏ trong khuôn viên chùa. Khách sạn có các loại phòng từ bình thường cho đến phòng cao cấp với giá cả tương đối cao. Nếu muốn một giải pháp tiết kiệm hơn, các bạn có thể nghỉ ở một số ít khách sạn hay homestay của người dân ngay phía bên ngoài chùa.
Lựa chọn thời gian thích hợp nhất để tham quan Bái Đính
Là một khu du lịch tâm linh vô cùng nổi tiếng, các bạn có thể du lịch Bái Đính vào bất kỳ thời gian nào trong năm, miễn là phù hợp với kế hoạch cá nhân của bạn. Tuy nhiên, nếu muốn khám phá Bái Đính vào những khoảng thời gian hợp lý là khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 3 Âm lịch được xem là thời điểm đẹp nhất để du lịch Tràng An. Lúc này thời tiết vào xuân không quá lạnh hay quá nóng, bạn có thể kết hợp du lịch và du xuân vãn cảnh, lễ chùa cầu may.
Kinh nghiệm du lịch Tràng An các bạn lưu ý, đây cũng là mùa cao điểm du lịch Ninh Bình có rất đông du khách đổ về đây tham quan, lễ bái nên thường xảy ra tình trạng quá tải, chen lấn tại các điểm bán vé, bến thuyền…vv Do vậy bạn nên đề phòng cảnh giác với tình trạng trộm cắp, móc túi.
Phương tiện đi chùa Bái Đính
Ninh Bình là một điểm nút giao thông quan trọng, có 9 quốc lộ (trong đó có 6 quốc lộ khởi đầu và 3 quốc lộ đi qua) dàn đều trên tất cả các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh nên phương tiện thuận lợi nhất để đến với Ninh Bình chính là thông qua hệ thống giao thông đường bộ.
- Nếu bạn xuất phát từ Hà Nội, các bạn có thể đi lại bằng xe khách cho tiết kiệm chi phí. Hiện nay, mật độ xe khách trong ngày chạy tuyến Hà Nội – Ninh Bình khá dày đặc, vì vậy, các bạn có thể yên tâm để gọi một chiếc xe khách phục vụ cho hoạt động đi lại. Vé xe khách Hà Nội – Ninh Bình dao động từ 60.000 – 90.000 đồng/người. Từ bến xe Ninh Bình, các bạn có thể bắt taxi hoặc xe bus để di chuyển tới chùa Bái Đính.
- Bạn cũng có thể sử dụng phương tiện xe máy để khởi hành đến Ninh Bình khám phá danh thắng Tràng An – chùa Bái Đính (từ Hà Nội xuống Ninh Bình cách 80km theo quốc lộ 1A). Loại phương tiện này phù hợp cho các bạn trẻ đam mê đi phượt. Hiện nay đường xá đi lại rất dễ dàng vì vậy bạn có thể chỉ mất 2 – 3 tiếng là có thể về tới Ninh Bình. Tuy nhiên để đảm bảo an toàn cho hành trình bạn cần chú ý những đoạn dường rẽ quẹo rất trơn trượt và dễ bị ngã khi trời mưa, đồng thời nên mang đầy đủ giấy tờ tùy thân khi tham gia giao thông.
- Ninh Bình có trục đô thị Tam Điệp – Ninh Bình nằm trên tuyến đường sắt Bắc-Nam. Trên địa bàn tỉnh có các ga Ninh Bình, ga Cầu Yên, ga Ghềnh và ga Đồng Giao. Chính vì vậy, các bạn dù ở trong Nam hay ngoài Bắc đều có thể dễ dàng đến với Ninh Bình bằng các chuyến tàu Thống Nhất. Từ Hà Nội có các chuyến tàu SE1 (19h30) đến Ninh Bình lúc 21h46, tàu SE3 (22h00) đến Ninh Bình lúc 0h10, tàu SE5 (9h00) đến Ninh Bình lúc 11h21, tàu SE7 (6h00) đến Ninh Bình lúc 8h22. Nếu xuất phát từ Sài Gòn, các chuyến tàu đều đến Ninh Bình hầu hết vào giờ khá muộn, chuyến tàu duy nhất phù hợp mà các bạn nên đi là SE8 xuất phát từ ga Sài Gòn lúc 6h00 và đến Ninh Bình lúc 13h15 ngày hôm sau.
Nếu bạn lựa chọn phương án đi tự túc, bạn nên chủ động xuất phát sớm khoảng 05-06 giờ sáng, đến Ninh Binh khoảng tầm 07h00 – 08h00 sáng để có thời gian thăm quan và nghỉ ngơi thoải mái nhất. Ngoài ra bạn có thể lựa chọn đi theo tour trọn gói du lịch Bái Đính – Tràng An để tiết kiệm chi phí.
Có thể bạn thích: