Nhà thơ Hữu Loan (1916-2010) tên thật Nguyễn Hữu Loan, sinh tại làng Vân Hoàn, xã Nga Lĩnh, huyện Nga Sơn, Thanh Hoá. Sau khi đỗ tú tài, ông sinh sống bằng nghề dạy học. Từ những năm 1940, nhà thơ tham gia cách mạng và từng làm Phó chủ tịch Uỷ ban khởi nghĩa huyện Nga Sơn. Hoà bình lập lại, ông về Hà Nội làm biên tập viên báo Văn Nghệ, tham gia nhóm Nhân văn Giai phẩm… Đến năm 1958, ông về quê, sống bằng nhiều nghề như: làm ruộng, đánh cá, thồ đá… cho đến lúc qua đời. Hữu Loan làm thơ không nhiều nhưng ông có những bài được nhiều người thuộc, ghi lại tâm tư của con người trong thời kháng chiến như Màu tím hoa sim, Đèo Cả, Những làng đi qua,…TopChuan.com xin giới thiệu những bài thơ hay của ông.
Bài thơ: Đêm
Đêm
Những đêm Hà Nội ngày xưa
Trằn trọc
Không yên
Những cửa
Từ đầu hôm
Như những mắt nhắm nghiền
Bóng nhà bóng cây
Ôm nhau
Run sợ
Đêm Hà Nội ngày xưa
Như con bệnh hạ xoài
Nung mủ
Như một nhà thương điên
Lên cơn hôn mê
Thiết giáp
Xe tăng
Lính tẩy
Phòng Nhì.
Tiếng rú của người
Tiếng rít của xe
Những chiếc jeep điên
Đuổi gái
Nghiến người
Quắc mắt đèn pha
Đỏ tia đòng đọc
Đêm Hà Nội ngày xưa
Đầu người
Và tình yêu
Treo
Trên đầu sợi tóc
Và sau từng đêm
Mệt nhọc
Hốc hác
Hồ Gươm
Như mắt thâm quầng
Hốt hoảng gọi nhau
Không kịp vớ áo quần
Những đêm Hà Nội ngày xưa
Loã lồ
Mình đầy ung độc
Đã xuống tàu đêm
Vào Sài Gòn
Tất cả
Những đêm Sài Gòn
Ngày mai
Đêm giang mai
Tẩu mã
Đang mâng
Cấp cứu gấp vạn lần
Những đêm xưa Hà Nội
“10$ 1 cốc cà phê
100$ con gái…”
Quảng cáo đóng đầy
Ngực đêm
Như áo ngủ Sài Gòn
Đêm Hà Nội
Ngày nay
Như em nhỏ nằm tròn
Ru trong nôi chế độ
Những đèn dài đại lộ
Như những tràng hoa đêm
Nở long lanh
Trong giấc ngủ
Bình yên
Ngã Tư Sở, Cống Vọng, Khâm Thiên
Nằm ngủ
Những đêm
Giữa tình cảm lớn
Gió đêm về
Thơm hoa rừng, lúa ruộng
Đặt bàn tay
Lên những cửa ô nghèo
Khi chúng ta về
Ánh sáng
Đã về theo
Và từng cặp người yêu
Đem về trong giấc mơ
Hình ảnh hồ Gươm
Đẹp như hồ thần thoại
In bóng người yêu
Chung thuỷ
Đợi chờ
(6-1956)
Nguồn: Giai phẩm mùa thu – tập 1, NXB Minh Đức, Hà Nội, 29/8/1956
Bài thơ: Hoa lúa
Hoa lúa
Em là con gái đồng xanh
Tóc dài vương hoa lúa
Đôi mắt em mang chân trời quê cũ
Giếng ngọt, cây đa
Anh khát tình quê ta trong mắt em thăm thẳm
Nhạc quê hương say đắm
Trong lời em từng lời
Tiếng quê hương muôn đời và tiếng em là một
Em ca giữa đồng xanh bát ngát
Anh nghe quê ta sống lại hội mùa
Có vật trụi, đánh đu, kéo hẹ, đánh cờ
Có dân ca quan họ
Trai thôn Thượng, gái thôn Đoài hai bên gặp gỡ
Cầm tay trao một miếng trầu
Yêu nhau cởi áo cho nhau
Về nhà dối mẹ qua cầu gió bay
Quê hương ta núi ngất, sông đầy
Bát ngát làng tre, ruộng lúa
Em gái quê hương mang hình ảnh quê hương
Xa em năm nhớ, gần em mười thương
Còn bàn tay em còn quê hương mãi
Em mang nguồn ân ái
Căng ngực trẻ hai mươi và trong mắt biếc nhìn anh
Em gái quê si tình
Chưa bao giờ được yêu đương trọn vẹn…
Anh yêu em muôn vàn như quê ta bất diệt
Quê hương ta ơi từ nay càng đẹp
Tình yêu ta ơi từ nay càng sâu
Ta đi đầu sát bên đầu
Mắt em thăm thẳm đựng màu quê hương.
(1955)
Bài thơ: Thánh Mẫu Hài Đồng
Thánh Mẫu Hài Đồng
Tác giả: Hữu Loan
(Tục bút thơ Màu Tím Hoa Sim)
Nàng ngả cánh tay
còn rất nhiều ngấn sữa
cho ta gối đầu
ngay đêm đầu tân hôn
chuyện ngược đời:
– Sao không phải tay ta
đỡ trước vai nàng
ngả cánh tay to rắn
của mình cho đầu
nàng gối
ta to gấp bốn gấp năm, và gấp đôi nàng tuổi
Ta lo lắng sợ tay nàng không chịu nổi
tay nàng như một nhánh huệ trong bình
Anh nương nhẹ đầu anh
cho khỏi đau nhánh huệ
Nhưng kỳ lạ thay
nàng chẳng hề gì chi,
có ta thấy mình
bỗng nhiên trở nên
vô
cùng
nhỏ
bé
Nằm gọn trong vòm ngực
măng tơ
và rúc tìm
tham lam
cuống quít
ngẩn ngơ
ta chỉ là một hài nhi
khát
mẹ !
Nàng càng riết chặt thêm
ta càng thêm bé
trong vòng tay thành đai
tôi nghe nàng
thổn thức bên tai :
– Anh của riêng em
Anh rất lớn của em
(Anh lớn thật, nhưng hiện đang rất bé)
Và hai tay ghì cổ nàng
Tôi kêu:
Mẹ ơi!
Mẹ, mẹ!
bằng một giọng hài nhi
mới học kêu bập bẹ
trong hơi thở bừng bừng
như bốc men
– Lời vô thức?
hay là tôi đối thoại?
Sau đêm ấy là nàng đi
đi mãi!
*
**
Em đi tím đất chiều hoang
ta như mất mẹ khóc tang hai lần
*
**
Xin được kính cẩn hôn chân
những cô gái
ngay từ tấm bé
đã mang chất Mẹ
Loài
Người
Em trong Mẹ
Mẹ trong Em
– Em
ngôi
thánh
mẫu
Hài
Đồng!
Hữu Loan
Bài thơ: Đèo Cả
Đèo Cả
Đèo cả!
Đèo cả!
núi cao ngất
mây trời Ai Lao
sầu đại dương
dặm về heo hút
Đá bia mù sương
*
Bên quán Hồng Quân
người
ngựa
mỏi
nhìn dốc
ngồi than
thương
ai
lên
đường!
*
Chầy ngày
lạc giữa núi
sau chân
lối vào
xanh tuôn.
Dưới cây bên suối độc
cheo leo chòi canh
như biên cương
tóc râu trùm
vai rộng
Không nhận ra người làng
rau khe
cơm vắt
áo phai màu chiến trường
ngày thâu
vượn hú
đêm canh gặp hùm
lang thang
*
Gian nguy
lòng không nhụt
căm thù 100 năm xa
máu thiêng sôi
dào dạt
từ nguồn thiêng
ông cha
“cần xây chiến luỹ ngất
đây hình hài niên hoa
xâm lăng! xâm lăng
súng thèm
gươm khát…”
– Ai ngân
lung
lay
đêm quê nhà
*
Lặn lội bao rừng suối
ăn với nhau
bữa heo rừng
công thui
chấm muối
và trên sạp cây rừng
tâm tình suốt tối
biệt nhau
rừng hoang canh gà
Râu ngược
chào nhau
bên vách núi
*
Giặc từ vũng Rô bắn tới
giặc từ trong đánh ra
Đèo cả
vẫn
giữ
vững
Chân Đèo Nam
máu giặc
mấy
lần
nắng
khô
*
Suối
mang
bóng
người
Soi
những
về
đâu?
(1946)
Nguồn: Hành trình cuối đông, Tiêu Dao Bảo Cự, NXB Văn nghệ, 1998
Bài thơ: Chuyện tôi về
Chuyện tôi về
Hữu Loan là thực
hay Hữu Loan chỉ là mơ
Anh còn sống
hay anh mới hiện về
từ xa lắm ngày xưa
từ mới khai sinh chế độ?
– Kính chào anh Hữu Loan
anh Từ Thức Nga Sơn
ba mươi năm về động Hoa Vàng!
Đấy là câu chào tôi
ở trụ sở Hội Nhà văn Bình Trị Thiên
của Hoàng Phủ Ngọc Tường
– Anh ơi! Khi đình chùa,
hay thắng cảnh danh lam đều phá sạch
thì làm gì còn
những động Hoa Vàng
ba mươi năm tôi trốn đời
giữa chợ!
Ba mươi năm là theo ý riêng mình
ở một chính thể không ai được
có thái độ thứ ba
ba mươi năm khắp nước
bạn bè run sợ
tò mò vô vàn
nhưng đến thăm
đến thăm
thì đều nơm nớp
sợ liên quan
chỉ biết rằng
cái tên Hữu Loan
đã đi vào truyền thuyết
vậy thì
những chuyện xung quanh
Hữu Loan
là có thật
hay là thêu dệt
Ba Tư có chuyện một nghìn lẻ một đêm
vận mệnh một bà phi một mất một còn
vô cùng căng thẳng trước một tên bạo chúa
Chuyện Hữu Loan là chuyện
một vạn chín trăm năm mươi ngày đêm gấp hơn
mười lần chuyện Ba Tư
vô cùng căng thẳng
giữa hai bên
một bên là chính quyền có
đủ thứ nhân dân
quân đội nhân dân
toà án nhân dân
nhà tù nhân dân
và nhất là
cuồng tín nhân dân
thứ bản năng ăn sống
nuốt tươi
ăn lông ở lỗ nguyên thuỷ
được huy động đến
tột cùng
sẵn sàng huỷ
cũng như tự huỷ…
một bên nữa là
một người tay không
với nguyện vọng
vô cùng thiết tha
được làm người lương thiện
nói thẳng
nói thật
bọn ác
bọn bịp
thì chỉ tên vạch mặt
người nhân thì
xin thờ
như Thuấn Nghiêu
Ba mươi năm không phải chuyện
một sớm một chiều
một ngày tù đã dài
như thế kỷ
đấy là tù trong ngục tối
không nghe thấy gì
không nhìn thấy gì
khác vô cùng với tù
ngoài đời, tù giữa chợ
lúc nào cũng phải chứng kiến
phải thấy
phải nghe
một thứ tội hình
tâm lý chiến
lăng trì
hoặc không cho vợ đi chợ
hoặc không cho mình đi thồ
hoặc tháng mấy lần
phải lên Huyện Công An
bắt làm lại làm đi
nhai lại nhai đi
thứ tự thuật mớ đời
một trong những kiểu vân vân
người làm tội sống người
Dưới đây là đối thoại
bất đắc dĩ
cố tránh mãi
nhưng không sao tránh nổi
đến phải liều
phải nổ tung
để khỏi phát điên:
– Anh oán Đảng?
– Mấy lần bỏ về
mấy lần mời ra
cho đi nước ngoài mấy lần
không đi
bỏ Đảng
mấy lần mời lại
không lại
Đảng không dìm
ưu đãi vô cùng
làm sao lại oán?
– Không oán sao lại bỏ về?
– Vì sợ không đủ tư cách làm
Đảng viên
ăn cắp, khinh dân
nay hứa mai hứa suông
mà không biết nhục
dốt mà cứ bám địa vị
không chịu về
là hại dân hại nước
dốt như tôi mà chịu về
có hại chỉ hại vợ hại con
– Sao anh không làm nhà?
– Vì tôi mắc làm người
Tôi đẩy xe đi
đá nặng dốc dài
Dốc chang chang
trên nắng dưới người
Nắng chảy ròng ròng
từ lưng trần
từ râu không cạo
Họ lại ngứa mồm:
– Đá anh thồ có nặng không?
– Lịch sử một đêm đã hỏi
Rùa bia Vĩnh Lăng:
– Bia đá dầy cao Rùa thồ có nặng?
– Văn bia nặng hơn đá vạn vạn lần cộng với sức nặng
thời gian mốc meo từ đầu kỷ mười lăm.
Trong quá trình xây dựng
quốc gia này
Ta luôn luôn có mặt
đã cho An Dương Vương
móng thần
để giữ Loa Thành
lại về hồ Ngọc Sơn
chờ Lê Lợi
để dâng gươm báu
trước khi về đội bia Vĩnh Lăng
nếu không vì đức lớn
của Ư’c Trai
thì đâu ta đã chịu nằm
mấy vạn năm rồi
ta xa sông Lạc
nguồn gốc huyền vi
của vũ trụ huyền vi
nguyên lý Dịch Kinh
vua thánh Phục Hy
đã đọc ở lưng ta
sách gọi Lạc thư
Cuộc đối thoại
đã mang lại gì
cho đương sự?
Ngày hôm sau
Phòng thuế công an ráp vây
bắt chợ
đem bánh bún vợ tôi hắt xuống
rãnh giao thông
và đi dép lào lên trốc
Hôm ấy mất gạo con
vợ tôi về
vừa đi vừa khóc
cháo lá lang già
đổ xuống gầm mâm
tôi phải vẹt lên ăn
ăn cả đất
nhắc lại bây giờ
vẫn còn nghe ghê kến
trong răng
Ngày hôm sau
tôi đang thồ
công an không cho tôi đi
bắt quăng đá xuống
khắp người tôi lạnh
nổi da gà
tôi run bắn
nhưng kịp thời trấn tĩnh
– Như thế là các người không
cho tôi làm ăn lương thiện
chỉ có bọn làm ăn bất lương là tha hồ tự do?
Cấm làm ăn lương thiện
chưa có nước đế quốc
thực dân nào
dám to gan vi phạm?
tôi chỉ còn mỗi cách
làm ăn lương thiện
là mai tôi đi ăn mày
và đừng nói là tôi
bôi vàng
bôi đen
ai cả!
– Tại sao lại không đi làm
cán bộ?
– Đi làm cán bộ và đi ăn cắp là tôi không đi
Người công an vội vã lên xe và như ném lại đằng sau:
– Thôi anh cứ việc thồ
Thế là tôi lại xếp đá lên xe
và lại khom lưng đủn
như Jesu cõng cây
thập tự
vừa đủn xe
tôi vừa hát lên í ử:
– Xe thồ ơi!
có phải ta cộng nhà ngươi
là phiên thân hiện đại của
Rùa
trong thế giới quan lượng tử?
Tai hoạ lớn nhất của các quốc gia là liên tiếp dắt dây
những sai lầm lịch sử
những sai lầm được
đội vương miện
mặc long bào
được vừa tung, vừa thổi
rất cao
lên tầm siêu vũ trụ
Người chịu kiếp kiếp đời đời
trâu ngựa
vẫn là người dân đen
nhất là người phụ nữ
vốn dĩ hiền lành và nông nổi
dễ tin
Hỡi những sử gia
của các dân tộc khắp miền
phải đánh giá lại
thế nào là cứu tinh nhân loại
thế nào là cứu nước cứu dân
và phải đặt những tiêu chuẩn nào
để được tôn thờ là
anh hùng dân tộc.
Thế là tôi đã làm được
cho họ chán tôi
làm họ chán họ mới là
cái khó
nhưng việc này hình như
không phải việc người
mà là việc của quỷ thần
Họ chán tôi nên
tôi được đi thồ quanh quẩn
huyện nhà
Họ giữ đăng ký xe
cho tôi khỏi đi xa
vì họ sợ tôi còn thích làm
chính trị
Không bị quấy rầy
tôi thồ liền
không ngày nào nghỉ
nên đã mua được xe cải tiến
trung quốc cho mấy thằng
con trai cùng đi làm trâu
thồ như bố
và đứa con gái bé đi học
đã có xe phượng hoàng nữ
Họ chán tôi nên
tôi được tí teo dễ thở
Nhưng họ chưa chán họ
Cái ác càng ngày vẫn còn
Thấy mình là muôn
trượng đỉnh cao
bắt đứng lại
thời gian
và quát tháo trăng sao
dưới chân đang
Đất sụt
Tháng 6-88
Nguồn: Hành trình cuối đông, Tiêu Dao Bảo Cự, NXB Văn nghệ, Hoa Kỳ, 1997
Bài thơ: Ôm Tết vào lòng
Ôm Tết vào lòng
Quê hương ta
Như gái đẹp làng Lim
Ôm đầy ngực
đầy tay
Những mùa xuân và những tết cổ truyền
Bao nhiêu năm rồi
Chúng nó đã về cướp hết
Còn đâu những mùa xuân
Còn đâu những Tết
Của quê hương xưa
Và của những lứa đôi
Trên khắp nẻo đường quê
Trên mỗi nẻo cuộc đời
Sừng sững dựng
những pháo đài
lô cốt
Như bóng quỷ âm ty hiện về đất Bụt
Nhe miệng móm
Vào nêu
Vào pháo giao thừa
Vào hoa đào
Vào những đám đánh đu
Vào tranh gà tranh lợn
Thịt mỡ kho đông không còn trong chạn
Vại không còn muối dưa hành
Cột không còn câu đối đỏ
Nồi không còn bánh chưng
Bàn thờ không còn hương lửa
Người sống đã đành
Vong linh người thác nữa!
Những Tết những mùa xuân
Như tháng tám
tháng ba
*
Cả dân tộc chúng ta
Đã đi giữ mùa xuân
Giữ Tết
Có những làng đã chết
Có người đi không về
Ngày Tết đã thành
Ngày giỗ những làng
Ngày giỗ những người đi!
*
Ta đã cướp lại mùa xuân
Cướp lại Tết về
Ghì chặt trong tay
Tết và mùa xuân đẫm máu
Thịt da chằng chịt vết thương
Những cặp vợ chồng
Những người mẹ, người con,
Gặp lại nhau ngày Tết
Trống trải bao nhiêu
Chỗ những người đã chết
Bên người đi trở về
Một năm nào
Giữa Tết ra đi
Trai gái tiễn nhau
Còn xanh đôi mái tóc
Tay cầm cổ tay
Tròn như măng mọc
Môi ngon như mận chín trong vườn
Vai đứng kề vai nghiêng xuống giếng làng
Đôi lứa gặp nhau
Khác
xa xôi
ngày xưa tiễn biệt
Và mùa xuân trở về cùng đi với Tết
Lội ngập chân
trong thương tích luống cầy:
Những bàn tay
đã chặt phải
những bàn tay
Dù không vì hữu ý!
*
Tết và mùa xuân
Như mắt người ứa lệ
Những người đầu tang còn
Rối tóc rối khăn
Ôm Tết vào lòng
Băng bó lại mùa xuân
Cùng nói lên
nói lớn
một lần:
Không được giẫm lên mùa xuân
Không được giẫm lên Tết nữa
Không được
giẫm chân lên
lòng người
Một việc có lâu rồi:
Ở những công viên cắm những thẻ đề:
Xin đừng đi lên cỏ
Trong tâm hồn năm cũ
Chập chờn bóng ma lô cốt pháo đài.
12-1956
Nguồn: Giai phẩm, NXB Văn nghệ, Hà Nội, xuân 1957
Bài thơ: Tâm sự thủ đô
Tâm sự thủ đô
Trên những chuyến xe bò
Đi về Kim Liên
Đi về Chèm, Vẽ…
Những người Thủ đô tản cư
Đoàn xe đi
Chở nặng tâm tư
Một góc nhà
Một hè phố
Mắt em biếc một chiều xưa
Quán Thánh, Cổ Ngư, Bạch Mai
Bóng liễu, tháp rùa
Một thằng bạn một thằng con ở lại
Khấp khểnh xe đi
Vấp vào đêm tối
Thủ đô
Ngày mùa thu
Cờ bốc lửa phố dài
Cờ bốc lửa công trường Nhà hát Lớn
Thủ đô
Ngày Thủ đô chào đón
Đoàn giải phóng quân về
Qua cầu Long Biên
Sông bóng người đi
Vai cao rộng
Mang núi rừng Việt Bắc
Ai nhìn Thủ đô
Lau thầm nước mắt
– Quốc ca mình
Người lính Việt đầu tiên
Rừng xanh thượng du
Lúa vàng bình nguyên
Giữa phố Thủ đô chào nhau
– Đồng chí!
Có người làng đi
Trong đoàn lính trẻ…
Thủ đô
Quân lệnh đêm
Chuyền qua tường nhà
Lựu đạn đen ngòm trong nắm tay
Rình sau mái ngói
Nắng loá tường vôi
Chữ cào xương nhức nhối
“Thanh niên sống chết với Thủ đô”
Đoàn xe đi
Về đường Kim Liên
Về đường Chèm, Vẽ
Việt Bắc âm u
Đường dài Thanh Nghệ
Đoàn xe đi
Sắt rít đường khuya
Giặc khởi hấn rồi!
Trong Hà Nội
Một thằng bạn
Một thằng con ở lại
Và bắt đầu
Những ngày đêm thủ đô ghê rợn
Khu Đồng Xuân
Lính trung đoàn Thủ đô
Giết giặc, đuổi quanh bàn thịt bò
Giết giặc
Đạn là từ nóc chợ
Hai thằng với súng bom
Uất hận đương đầu…
Bỗng một đêm Thủ đô
Có đoàn quân quyết tử
Cắt máu tay ăn thề
Ngõ vắng Thủ đô
Những đơn vị rút đi
Góc phố Thủ đô
Bóng những người đứng lại.
Lửa cháy Thủ đô
Chân trời hấp hối
Xác thằng bạn
Xác thằng con
Trên hè phố Thủ đô
Đường tản cư khuya
Lửa toé sắt bánh xe bò
Xa cửa ô rồi
Trông về Kim Liên
Trông về Chèm, Vẽ…
Bóng hoàng hôn lên
Liệm tròn huyết thệ
Người quyết tử quân cuối cùng
Những người dân Thủ đô
Phải về với giặc ở chung
Phải đốt cờ đỏ sao vàng
Thức đêm may cờ ba sắc
Và những sáng mai
Tay xót xa
Treo cờ giặc trước nhà
Ai về nội thành
Thấy Hà Nội xa hoa
Nhưng Hà Nội
Giặc xây thêm ngục tù
Xe phòng Nhì
Chở từ ngoại ô
Từng đoàn người xiềng tay
Về qua phố tối
Ngồi thức đêm Hà Nội
Nhìn ra miền tự do
– Có thằng con
Theo chính phủ Cụ Hồ!
Ai về nội thành
Thấy Hà Nội xa hoa
Hà Nội hơn Hà Nội trước
Nhưng Hà Nội
Thủ đô truỵ lạc
Hà Nội cũ lầm than
Ngã Tư Sở
Khâm Thiên
Đèn khuya chảy vàng
Những tiệm hút
Những hộp đêm
Mọc theo tiếng gõ giày đinh
Của đoàn Tây mũ đỏ
Tiếng xe tăng viễn chinh
Chiều đi bụi phố
Và lần theo
Bóng đèn dâm ô
Lũ lượt kéo nhau về Thủ đô
Từng đoàn thiêu thân
Sợ
Ánh sáng và gió lành
Tôi thành thép
Cánh tay người kháng chiến
Đêm Thủ đô rét đến
Trong chăn bông
Nghe lạnh chiến khu về
Cơm gia đình đũa bát nhớ người đi
Nhưng sáng mai Thủ đô
Từng đoàn phi cơ giặc
Chở tang tóc đầy trong thân sắt
Ra những miền quê xanh
Tiếng bom dội về
Chuyển Hà Nội mông mênh
Tim người Thủ đô
Rung lên như đất chuyển
Những người thủ đô tản cư
Những đồng bào kháng chiến
Từ những vùng tự do
Có người vào Thủ đô
Nhìn chừng thư trôi trên dòng sông
Chào thằng bạn chiến khu
Mà phục tấm lòng
Những đêm Thủ đô
Mắt em biếc não nùng
Những giấc ngủ tơ nhung
Chập chờn về ác mộng
– Ai hát thì thào
Đêm Thủ đô cửa đóng
Bài ca của Thủ đô mùa thu
Bài trường ca của những người
Chiến thắng sông Lô?
Người lính gác viễn chinh
Đêm nghe căm thù
Về năm đầu cửa ô
Quát thành tiếng súng
Và giữa Hà Nội trưa yên lành
Hồi còi rú thất thanh
Kêu như người tắc họng
Một xác Việt gian ngã tư nắng đọng
Những em mùa thu
Đi trong đoàn thiếu nhi
Lớn thành thanh niên
Bỏ nhà ra đi
Hỏi thăm đường chiến khu Việt Bắc
Đời nội thành xa hoa nặng nề từng thời khắc
Những người ngày xưa
Chưa thù Việt Minh
Đã bắt đầu đợi chờ
– Đến bao giờ
Biết đến bao giờ
Cho đêm sáng xa hoa
Vỡ
Rơi
Thành bóng tối
Xuống xác người máu me ngổn ngang gạch ngói?
– Đến bao giờ
Việt Minh mới đánh vào Hà Nội?
Những người
Bắt sống Lơ-pa và Sác-tông
Những chiến sĩ
Cao Bằng
Đông Khê
Những binh đoàn biên giới chuyển về trung du
Như đi từng dãy núi
Kẹp vòng quanh ngoại vi
Thủ đô
Em gái Hà Nội tản cư đẹp trong màu áo vải
Rồi sẽ còn những ai
Trong số người ở lại?
Ngày Thủ đô chiến thắng tưng bừng
Em về Thủ đô chân – phố cũ – ngập ngừng
1949-50
Nguồn: Trăm hoa số 8 (ngày 16-12-1956), Hà Nội
Có thể bạn thích: