Những cung đèo hiểm trở luôn là những thử thách được các “phượt thủ” yêu thích. Nếu bạn là người theo xu hướng “xê dịch” nên khám phá những cung đèo có vẻ đẹp hoang sơ, kỳ vĩ dưới đây.
Đèo Ô Quy Hồ
Đường đèo này còn có tên gọi khác là đèo Hoàng Liên Sơn, đây là điểm du lịch lý tưởng không nên bỏ qua khi tới Sapa. Có một câu chuyện ái tình mãnh liệt gắn liền với cái tên Ô Quy Hồ, một loài chim với tiếng kêu da diết nghe rất thảm như khóc thương cho tình yêu không thành của một đôi nam nữ. Đây là một đường đèo dài nằm trên quốc lộ 4D thông tỏ hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu. Đây có lẽ là một con đèo giữ kỷ lục về độ dài tại vùng núi Tây Bắc Việt Nam, độ cao, sự hiểm trở và chiều dài của Ô Quy Hồ khiến bất cứ dân phượt nào cũng muốn chinh phục. Ở nơi đây mùa đông thường có băng tuyết phủ trắng xóa, mùa hè bồng bềnh hư ảo cùng mây khói nhìn xuống phía dưới là những thửa ruộng bậc thang trông như những miếng salad dưa leo xếp xen kẽ rất đẹp mắt.
. Đèo Bắc Sum, Hà Giang
Hà Giang không chỉ nổi tiếng với những mùa hoa, hoa tam giác mạch, hoa cúc đá mà còn được dân phượt hâm mộ bởi những con đèo khiến người ta “toát mồ hôi”. Dốc Bắc Sum từ xã Minh Tân(Vi Xuyên) lên xã Quyết Tiến( Quản Bạ) cũng đặc biệt không kém với toàn cảnh hùng vĩ và con đường ngoằn ngoèo uốn lượn quanh những triền núi khiến cho người cầm lái luôn phải vững vàng mới có thể đi hết đoạn đường. Đến nơi đây ta như đến với một vùng đất mới, đầy khác biệt với không khí se lạnh, sự mượt mà của cảnh sắc, màu vàng của những vựa lúa chín khiến khung cảnh trở nên thật rực rỡ, say đắm lòng người.
Đèo Tam Điệp
Đèo Tam Điệp hay còn có tên gọi là Đèo Ba Dội, nghĩa là ba đợt, ba lớp, là địa phận ngăn cách giữa 2 tỉnh Ninh Bình và Thanh Hóa. Đèo gồm ba dãy núi đá vôi chạy từ Hoà Bình xuống rồi ăn sâu ra biển theo hướng Đông Bắc – Tây Nam và hạ thấp dần. Đây cũng là một tuyến phòng ngự rất lợi hại, mang vị trí chiến lược quan trọng trong quân sự từ thời lịch sử xa xưa của nước ta. Đèo Tam Điệp có 3 dãy núi đá vôi, với địa hình đường cua quanh co, hình thù phức tạp, kỳ dị. Nhờ lợi thế về địa hình là những dãy núi đá vôi nơi đây đang phát triển với ngành công nghiệp sản xuất xi măng Bỉm Sơn. Hơn thế nữa đến nơi đây bạn có thể đến những di tích lịch sử, đền đài, miếu mạo xa xưa để tưởng nhớ công lao của các anh hùng dựng nước và giữ nước thuở xa xưa.
Đèo Thung Khe
Đèo Thung Khe nằm trên quốc lộ 6 của tỉnh Hòa Bình, đoạn đèo này khá đẹp nhưng cũng rất nguy hiểm do tình trạng đất đá nở bất ngờ, dưới chân đèo là vực sâu và những khúc cua vòng trở thành nỗi “ám ảnh” của những người sợ độ cao. Khi đã chinh phục được đỉnh đèo này ta cũng nhận được kết quả đáng tự hào, không khí khá là mát mẻ, ánh nắng nhẹ nhàng, biển mây bồng bềnh với màu xanh của núi rừng trông khá là “mát mắt”, khung cảnh hiện lên thật là bình dị, đầy mê hoặc lòng người. Khi đi phượt trên con đèo nguy hiểm này nếu bạn thấy mỏi hãy dừng lại bên những lán nghỉ chân, uống bát nước chè tươi, ăn cái bắp ngô nướng nóng hổi và thưởng thức khung cảnh yên bình mới thấy lòng mình nhẹ bẫng, thư thái, tự do.
ĐÈO PHA ĐIN – ĐIỆN BIÊN
Đèo Pha Đin nằm trên quốc lộ số 6, có độ dài 32 km là cầu nối giữa 2 tỉnh Sơn La và Điện Biên. Địa thế đèo rất hiểm trở, chênh vênh, 1 bên là vách núi và 1 bên là vực sâu hun hút, đây là địa điểm lý tưởng để dân phượt chinh phục thử thách đầy gam go, mới lạ. Đường đèo khá nguy hiểm với 8 cung đường cua, nhiều khúc cua tay áo đường đất đỏ nên rất trơn vào mùa mưa. Nhưng đổi lại khi đứng trên đỉnh đèo ta có thể quan sát được bao quát toàn cảnh, dưới chân đèo lác đác những bản làng, giữa màu xanh ngút ngàn của núi non hòa quyện cùng màu xanh của mây trời bao la, tự do. Ngoài ra lên tới đỉnh đèo Pha Đin hiện còn tấm bia ghi lại dấu ấn lịch hào hùng của dân tộc, trong chiến dịch Điện Biên Phủ (1954) của quân và dân ta.
Đèo Mã Phục
Đèo Mã Phục nằm trên quốc lộ số 3 từ Phủ Lỗ đến cửa khẩu Tà Nùng. Phía Nam con đèo đường vòng vèo lên dốc tới 4 tầng, với những nét hoang sơ trữ tình đẹp đến nao lòng người. Cái tên gợi nhớ đến thời xa xưa gợi nhớ đến cái cảnh ngày xa xưa, thời ngựa thồ hàng hóa lên biên giới, đến con đèo này, ngựa khỏe cũng phải chồn chân, gục ngã vì độ cao của đèo. Vào những buổi sáng đứng giữa lưng chừng đèo, ngắm núi đá mơ màng trong sương sớm mang nét chấm phá thủy mạc, những buổi chiều tà ngắm mặt trời đỏ xuống chân núi như thuở hồng hoang …Ruộng bậc thang chảy tràn từ trên sườn núi xuống, lúc mờ lúc ảo, chỗ xanh xanh màu cỏ chỗ thâm thâm màu đất, xa xa nương ngô xanh ngát và bản làng thấp thoáng những mái ngói sẫm màu. Thỉnh thoảng một gốc cây cổ thụ cô độc mọc lên giữa đồng cảm giác vắng lặng, yên bình, đừng đi 1 mình nếu không bạn sẽ thấy mình thật cô đơn như chúng vậy.
Đèo Khau Phạ
Đèo Khau Phạ nằm trên tuyến quốc lộ 32 với địa hình khá hiểm trở, khu vực giáp giới giữa huyện Văn Chấn và huyện Mù Cang Chải của tỉnh Yên Bái. Những cung đường đèo quanh co, uốn lượn như một dải lụa trữ tình, giữa những cánh rừng già còn mang đậm nét nguyên sơ và những triền ruộng bậc thang của các dân tộc Mông, Thái. Cung đèo này có đặc điểm là thường bao phủ mịt mù sương khói và đỉnh đèo núi như nhô lên trên biển mây nên được người Thái đặt tên là Khau Phạ nghĩa là Sừng Trời. Đường lên Tây Bắc nhiều quanh co, khúc khuỷu thậm chí là hiểm nguy nhưng lại mang đến cho con người ta không khí trong lành, sự thư thái trong tâm hồn, thời điểm thích hợp nhất để đi “phượt” là vào tháng 9, 10 khi những thửa ruộng bậc thang đã chín vàng ươm hòa mình cùng màu vàng của nắng thu tràn ngập một màu nóng no, bình yên. Hòa mình với thiên nhiên, đất trời trong không gian núi rừng bao la, rộng lớn, ta cảm thấy mình thật bé nhỏ giữa thiên nhiên hùng vĩ.
Có thể bạn thích: