Ma Văn Kháng là cây bút lớn, là nhà văn tiêu biểu của nền văn học hiện đại Việt Nam. Lịch sử văn học cổ kim Đông Tây thường thấy xuất hiện những tài năng văn học lớn chỉ sở trường về một thể loại nào đó. Ma Văn Kháng thuộc trong số những nhà văn hiếm hoi khẳng định tài năng của mình ở nhiều thể loại. Với nhiều tác phẩm có giá trị văn học cao, cả về nội dung, tư tưởng và nghệ thuật, sách của Ma Văn Kháng đón nhận hàng chục giải thưởng cao quý, có quyển còn được lựa chọn biên soạn trong sách giáo khoa lớp 3, lớp 5 và lớp 12. Có thể nói tên tuổi và tác phẩm của ông đã sống mãi trong lòng bạn đọc ở trong và ngoài nước. Bạn yêu thích các tác phẩm của nhà văn Ma Văn Kháng, vậy bạn đã biết quyến sách nào của nhà văn được đánh giá là hay nhất chưa? Nếu chưa, hãy cùng TopChuan điểm qua một số ít cuốn sách hay nhất làm nên tên tuổi của nhà văn Ma Văn Kháng nhé.
Người Thợ Mộc Và Tấm Ván Thiên
Tuy viết về nghề mộc nhưng toàn bộ câu chuyện là về cuộc đời thầy giáo Quang Tình – người phải gánh chịu biết bao những thăng trầm từ thời cuộc, có lúc tưởng chừng chạm đến đáy vực sâu. Nhưng dẫu đời có xoay vần, thử thách mình thế nào thì người thầy giáo, người thợ mộc ấy vẫn luôn giữ cho mình sự thiện lương bởi luôn tâm niệm “Em ơi, tất cả sẽ qua đi. Tất, tất cả sẽ chẳng còn lại dấu vết gì trên thế gian này. Cả những cái gọi là âm mưu đớn hèn, cả tội ác, cả lừa lọc và ngu xuẩn. Chỉ còn lại một thứ duy nhất là tình yêu thương con người với con người em à”.
Nói là nói vậy nhưng trước những biến cố của cuộc đời, nhất là những biến cố thử thách liên quan đến lòng tự trọng, những nguyên tắc sống của một người thầy, từ chuyện bị o ép trong công việc đến việc phải bỏ nghề giáo chuyển sang làm thợ mộc để mưu sinh, người thầy ấy đôi lúc tưởng như đã ngã lòng, bỏ cuộc.
Nhưng rồi, chọn nghề mộc với tất cả sự quyết tâm và kiên nhẫn “cũng là vì miếng cơm manh áo của vợ con thầy, của thầy. Điều đó cũng có nghĩa là do ý chí quyết không chịu thua hoàn cảnh và vì tình yêu lớn lao với cuộc đời của thầy”.
Tiểu thuyết không chỉ dừng lại ở việc miêu tả cuộc sống với những mảng màu sắc thái khác nhau, sinh động và hấp dẫn, mà còn phát ngôn một thái độ, một triết học nhân sinh, một quan niệm thẩm mỹ về cuộc đời, con người. Sự trải nghiệm sâu sắc về cuộc đời cũng như khả năng quan sát thấu đáo của Ma Văn Kháng đã làm nên những trang văn tỉ mỉ, tinh tế, công phu.
Bóng đêm
Viết về đề tài công an đã khó nhưng để viết hay, tạo được sức hấp dẫn đối với bạn đọc lại càng khó hơn và không phải nhà văn nào cũng làm được điều đó. Nếu như nhiều tác giả bấy lâu nay thường viết về người chiến sĩ công an trên mặt trận bảo vệ sự bình yên cho Tổ quốc bằng cái nhìn đơn chiều, chỉ miêu tả nhân vật từ khía cạnh chiến công và thắng lợi, phần đời sống khuất lấp, những dằn vặt, đau đớn, mất mát và sự hi sinh… chỉ được nhắc tới thoáng qua, khiến cho nhân vật mang dáng dấp của con người “sử thi” mà thiếu đi phần cuộc sống đời thường thì đối với nhà văn Ma Văn Kháng lại hoàn toàn khác.
“Bóng đêm” tái hiện lại bức tranh về cuộc đời sinh động được kết hợp rất linh hoạt giữa bút pháp hiện thực với suy tưởng lãng mạn, đôi chỗ có đan cài những chi tiết “sex”, những chi tiết đẹp về tình yêu cũng là cách lựa chọn độc đáo của tác giả để tạo sức hấp dẫn cho tác phẩm. Nếu ai đó có tham vọng đi tìm sự thật trong “Bóng đêm” so với vụ việc đã xảy ra ngoài đời như thế nào để đánh giá mức độ chân thực của tiểu thuyết thì quả là vô ích. Bởi hiện thực ở đây chỉ là đường viền, là cái khung cho bức tranh tưởng tượng, sáng tạo của tiểu thuyết. Sau tất cả những gì đã xảy ra trong cuộc đời các chiến sĩ, một hệ luận kiêu hãnh và cũng thật xót xa có thể chín muồi, xuất hiện trong tác phẩm: Những con người mang sứ mệnh đối diện với bóng đêm, chống lại tội ác, có mặt trên đời này không phải để ra lộc ra hoa mà còn để mang thương tích. Trước khi cài hoa trên ngực thì cũng có không ít những Trừng, Nhâm đã đối diện với cái chết, sự mất mát, phải đau đớn dằn vặt về thể xác… Hàng ngày, hàng giờ đã và đang có rất nhiều sự hi sinh thầm lặng, có thể cuộc đời không thể ghi nhớ hết tên của các anh, nhưng lớn lao hơn là máu của những con người ấy đã thấm vào đất để cho cuộc đời này nở hoa, đất Mẹ đã ôm các anh vào lòng bằng một tình yêu và sự tri ân sâu sắc! Vì lẽ đó mà nhân vật của “Bóng đêm” rất gần với cuộc đời thực và giá trị nhân văn của tác phẩm từ đó càng được khẳng định.
Không đi theo lối mòn sẵn có, bằng sáng tạo độc đáo cùng với bút pháp tiểu thuyết chuyên nghiệp, Ma Văn Kháng đã có cách diễn đạt mới lạ, tạo ra gương mặt mới cho tiểu thuyết an ninh đương đại bằng cái nhìn đa chiều, đa diện – cái nhìn thế sự, đời tư. Bên cạnh những chiến công vinh quang, người chiến sĩ công an cũng gặp không ít hệ lụy, nguy hiểm và rủi ro luôn rình rập, thậm chí cái chết cũng là một tất yếu không ngoại trừ. Cuộc sống vốn là một chuỗi những bất ngờ, là bao điều không thể lường trước…
Mùa Lá Rụng Trong Vườn
Mùa lá rụng trong vườn kể về gia đình ông Bằng, một nhân viên bưu điện đã nghỉ hưu tại Hà Nội. Ông Bằng có năm người con trai. Anh cả Tường đã hi sinh ngoài mặt trận, vợ anh là Hoài đã tái giá nhưng vẫn thường xuyên viết thư thăm hỏi gia đình. Đông là anh hai, trung tá đã xuất ngũ, sống cuộc sống đơn giản và thậm chí là hơi lười biếng với Lý, cô con dâu đảm đang, nhanh nhẹn. Con trai thứ ba của ông là Luận, một nhà báo có nhiều trăn trở, suy tư về cuộc sống. Vợ anh là Phượng, một người tốt bụng, luôn sẵn lòng giúp đỡ mọi người. Trái ngược với các anh em, người con thứ tư – Cừ, lại hư hỏng, không nghe lời cha mẹ, đã từng bị đuổi khỏi quân đội. Cuối cùng, em út Cần đang đi học ở Liên Xô, sắp về nước.
Ông Bằng cùng với gia đình Đông và Luận sống trong căn nhà đầu phố tĩnh mịch, cách khá xa sự ồn ào, hỗn loạn của chốn thị thành. Tuy nhiên, trong ngôi nhà yên tĩnh ấy, bi kịch ập tới khi Cừ bỏ việc ở xí nghiệp, trốn ra nước ngoài, bỏ lại vợ và hai con nhỏ. Đối với ông Bằng, người cha vốn rất nghiêm khắc trong việc giáo dục con cái, vốn đề cao những giá trị tinh thần truyền thống, đề cao đạo đức thì đây là một cú sốc quá lớn. Sau khi trốn sang Canada, Cừ mới nhận ra lỗi lầm của mình thì đã muộn. Anh liền gửi bức thư cuối cùng về nhà trước khi uống thuốc tự tử. Nhận được thư, bệnh cao huyết áp của ông Bằng tái phát, khiến ông phải nhập viện, rồi qua đời. Đồng thời, vợ và hai con trai của Cừ vô cớ bị sa thải khỏi nông trường, phải đến ở nhờ nhà ông Bằng, rồi nhà chị Hoài. Trước tình cảnh khó khăn, Luận, Phượng và Hoài đã tỏ rõ mình là những người có tinh thần trách nhiệm cao đẹp, thương người như thể thương thân.
Chuyện của Cừ chưa nguôi ngoai thì bi kịch khác lại đến. Lý cảm thấy quá mệt mỏi và chán chường khi sống cạnh Đông, người chồng lôi thôi, tối ngày chỉ biết đánh tổ tôm, không quan tâm tới vợ. Chị bị ông trưởng phòng vật tư ở cơ quan dụ dỗ. Vốn là con người ít học, nhiễm lối sống thị thành xô bồ từ nhỏ, Lý dần dần bị cám dỗ. Chị đã có lần đi công tác Sài Gòn gần tháng trời với ông ta, sống cuộc sống ăn chơi, hưởng lạc, bỏ bê gia đình. Rồi cuối cùng chị bỏ chồng, theo ông ta vào Sài Gòn hẳn. Chỉ tới lúc đã đi khỏi nhà chị mới nhận ra lỗi sai của mình, viết thư tỏ ý muốn quay trở về. Câu chuyện kết thúc vào một đêm giáp Tết, khi mọi người nhận được thư của Lý.
Đồng Bạc Trắng Hoa Xòe
Đồng Bạc Trắng Hoa Xòe được xem là cuốn tiểu thuyết đầu tay của nhà văn Ma Văn Kháng, viết về lịch sử Lào Cai từ năm 1945 đến cuối năm 1947, khi giặc Pháp trở lại xâm chiếm vùng đất này.
Cuốn sách xoay quanh câu chuyện về một số ít cán bộ cách mạng thực hiện cuộc viễn hành quả cảm và lãng mạn đến các thổ ty miền Đông của tỉnh, đem tiếng nói của cách mạng đến với bà con các dân tộc đang trong vòng tù ngục của chế độ thổ ty cha truyền con nối. Mục đích của những người cách mạng là đập tan bè lũ phản động Việt gian Quốc dân Đảng, thiết lập chính quyền cách mạng, gấp rút chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài. Cuốn sách được viết năm 1970, sau rất nhiều năm tháng tác giả làm việc, sống và gắn bó với thiên nhiên và con người Tây Bắc.
Với ĐỒNG BẠC TRẮNG HOA XÒE, Ma Văn Kháng đã dựng lên một loạt nhân vật, lối đa tuyến bình đồ, không ai là chính cả, hay nói một cách khác, nhân vật nào cũng có đường dây riêng, phát triển tâm lý và tính cách như là một nhân vật chính. Không gian chuyển dịch luôn luôn, tạo một cảnh tượng rộng lớn cho bức tranh văn học, có điều kiện để các nhân vật thỏa sức vẫy vùng. Nhịp độ nhanh, nhiều sự việc, nhiều hành động. Lối dựng này đáp ứng được dung lượng rộng lớn của những cơn lốc cách mạng, một loạt người lột xác hoặc thoái hóa, sự đổ vỡ của những giá trị cố hữu, những ngã ba đường, sự đụng độ giữa chân thiện mỹ với những thế lực hắc ám đã tàn tạ. Lối dựng này rất ít thấy trong tiểu thuyết nước ta.
Với ĐỒNG BẠC TRẮNG HOA XÒE, Ma Văn Kháng đã khẳng định là đứng được trong loại hình tiểu thuyết. Nó có thể coi như một cái mốc trên bước đường văn học của ông tính từ XA PHỦ. Một phần năm thế kỷ sống ở miền núi, và quan sát, và viết. Một phần năm thế kỷ ấy thật đáng giá với Ma Văn Kháng.
Một chiều dông gió
“Một chiều dông gió” của tác giả Ma Văn Kháng phản ánh đời sống cực khổ của một đội cung đường, đội trưởng là anh Tua, các anh là những chàng trai đồng quê vào công nhân đường sắt, đời sống nơi làm việc của các anh tách biệt với cuộc sống xung quanh “Karaoke là gì không biết. Đĩa CD là cái chi không hay. Bãi biển ngày hè quán nhậu là thế giới ngoài ta. Ngày hè lễ tết không. Cả năm không một tấm ảnh chụp, báo chí không. Liên hệ với cộng đồng chỉ một cái đài bán dẫn chạy pin”. Cuộc sống lao động vất vả, sinh hoạt giản đơn không cần ý tứ rất bộn bề tùy tiện…
Một cô gái như hoa xuất hiện làm cho mọi sinh hoạt của các anh thay đổi từ việc ăn mặc đến tóc tai quần áo… từ cẩu thả tùy tiện chuyển qua nề nếp. Đặc biệt là cách nghĩ cách làm cũng khác “Con người luôn có khả năng biến thành kẻ khác với chính nó”.Rồi cô gái xinh đẹp biến mất làm xáo trộn đời sống ngay trong ý nghĩ, sinh hoạt thường ngày của các anh “Tua mới nhận ra nỗi thống khổ đối với sự mất mát một hy vọng, sự thuyết vắng niềm vui giao tiếp với cái đẹp còn muôn lần dai dẳng đớn đau hơn nếu so với cơn đói khác của dạ dày cơn mệt nhọc của cơ bắp”. Mất hy vọng, tình yêu con người trở nên thô lỗ cộc cằn… nếp sống tuỳ tiện bừa bãi lập lại như cũ, xung đột xảy ra giữa anh Tua và anh Hợi họ tranh luận dằn co rồi đấm đá quyết liệt…
Anh Hợi đánh giá con người vội vàng không xác thực “Nói trắng ra hạng ấy giỏi lắm cũng chỉ là cave hoặc gái bia ôm”. Ngược lại anh Tua tin tưởng vào cô gái, vào cái đẹp trong đời đang “lưu trú” mà mọi người ở đây không nhận ra “Các người có mắt mà không có con ngươi! Các người mù loà cả rồi”. Qua câu chuyện nhà văn đã phản ánh một hiện thực cuộc sống đang diễn ra rất cụ thể là đội cung đường, các nhân vật ở đây là những chàng trai đồng quê vào công nhân tâm lý tính cách … thể hiện qua nếp sống xa nhà cô lập với cộng đồng xã hội. Các anh làm việc nặng nhọc nhưng đời sống vật chât “Ở trên mức khổ cực” nhưng cái khổ hơn nữa là nỗi cô đơn, và cái khổ hơn nữa là đời sống không có hy vọng, ước mơ để hướng tới “Không có tình yêu không có gia đÌnh”. Đây là nỗi đau lớn nhất của con người nhưng các anh phải cam chịu để hoàn thành nhiệm vụ của mình “vậy thì hãy nghiến răng lại mà sống mà làm việc hỡi anh em”. Từ việc mô tả chi tiết của ngoại cảnh là gió giông sấm chớp biểu hiện sự biến động thay đổi dữ dội của đời sống mà con người ở đây phải đủ bình tĩnh và nghị lực mới trụ vững. Bên cạnh sự biến động khốc liệt đó xuất hiện một con bướm dịu dàng thơ mộng.
Truyện ngắn “Một chiều dông gió” của Ma Văn Kháng đã “Nâng đỡ” con người trong mỗi chúng ta tin yêu cuộc sống với bao điều tốt đẹp đang hiện hữu, đang xuất hiện mà ta chưa nhận ra, hoặc chưa nhìn nhận chính xác.
Bài Ca Trăng Sáng
Bạn đọc văn học Việt Nam hẳn không còn xa lạ với nhà văn Ma Văn Kháng, một nhà văn người Hà Nội nhưng cả cuộc đời cầm bút, ông đã dành trọn tình yêu cho mảnh đất thiêng Tây Bắc mà ông vẫn gọi đó là máu thịt của mình.
Bài ca trăng sáng là tên tập truyện mới nhất của nhà văn Ma Văn Kháng gồm bốn truyện: Con Clếch của tôi, Bài ca trăng sáng, Vợ chồng Mìn và những đứa con, Thím Hoóng. Bốn truyện ngắn là bốn bức tranh sinh động phản ánh chân thực về cuộc sống của những con người nơi núi rừng Tây Bắc, mảnh đất mà nhà văn đã có một thời gian dài gắn bó.
Cả cuộc đời cầm bút, nhà văn dành trọn tình yêu cho mảnh đất thiêng Tây Bắc mà ông vẫn gọi đó là máu thịt của mình. Chính ông đã có lần chia sẻ: “Linh giác đây là vùng đất, vùng thẩm mỹ đầy bí ẩn đã mê hoặc tôi ngay từ khi tôi vừa đặt chân lên mảnh đất Lào Cai, vùng địa đầu của Tổ quốc”. Có lẽ chính bởi vậy mà những trang viết về mảnh đất Tây Bắc của nhà văn cứ thổn thức một thứ tình cảm thiêng liêng, máu thịt đưa người đọc đến gần hơn với giá trị nhân văn, nhân đạo sâu sắc.
Với giọng kể và bút lực của một bậc thầy trong văn đàn Việt Nam, nhà văn Ma Văn Kháng đã tạo ra những “thước phim” vô cùng quý báu về mảnh đất và con người Tây Bắc. Để đọc và thêm yêu một góc ruột thịt của đất nước mình.
Xa Xôi Thôn Ngựa Già
Tập truyện vừa Xa xôi thôn Ngựa Già của nhà văn Ma Văn Kháng một lần nữa cho người đọc thấy cái nhìn đa chiều về những mặt tích cực cũng như tiêu cực của đời sống xã hội.
Nhà văn không ngại đào sâu đến những khía cạnh gai góc của hiện thực như con đường tiếp nhận tôn giáo hãy còn nhiều chông gai, thử thách của người dân tộc thiểu số; những mâu thuẫn giữa sự cống hiến hết mình cho cách mạng, cho đất nước với hạnh phúc riêng của mỗi con người; hay những ảo tưởng về vai trò cá nhân đến nỗi trở thành “hoang tưởng như một chàng hiệp sĩ đã lạc thời”…
Câu chuyện về một cha xứ đi mở mang nước Chúa ở vùng đồng bào dân tộc Mông (Cố Vinh, người xứ lạ). Ông đã cống hiến bằng cả trái tim và tâm hồn, bằng “cái đam mê của kẻ tạo vĩ nghiệp ở bước khởi đầu” nhưng lại có một kết cục buồn thảm vì đã sống thành thật với chính mình… Câu chuyện khiến người đọc băn khoăn day dứt về số phận bi đát của hệ thống tín ngưỡng xa lạ và nhiều khi chưa thực sự bám sát đời sống con người…
Người phụ nữ xinh đẹp Seo Ly được miêu tả như một trang tuyệt sắc xứ Mèo “mắt nàng biếc xanh màu núi lung liêng, môi nàng hé mở đầy vẻ mời mọc gợi tình…” (Seo Ly, kẻ khuấy động tình trường). Nàng gây nên những bi hài kịch và những vụ “thăng giáng” của các vị chức sắc nhất nhì trong huyện lỵ, để từ đó những âm mưu, toan tính có cơ hội được hé lộ, phơi bày…Những hiểu biết tinh tường về đời sống văn hóa người dân vùng núi được thể hiện qua lời văn mộc mạc, giản dị của một tác giả đã “nhập cuộc, dấn thân và sống hết mình với đời sống hiện sinh”. Sau những tủi nhục, mất mát, xót xa… là niềm cảm thông, tin yêu, trân trọng con người và những vấn đề nhân văn cao đẹp.
Ma Văn Kháng bằng cái tâm trong sáng, đôn hậu đã “khuấy động” lòng người mối bận tâm về cảnh đời thế tục và thế thái nhân tình…
Có thể bạn thích: