Khác hẳn với những thú vui ồn ào, nhiều bạn trẻ đang tìm đọc các sách nói về Phật giáo để có cái nhìn bao dung hơn về cuộc sống. Nhiều người cho rằng, chỉ có các bà, các cô hay những 18+ tuổi mới tiếp cận và đọc các sách viết về Phật pháp và luật nhân quả. Bởi họ là những người đã có những trải nghiệm trong cuộc đời, họ đọc sách để răn dạy con cháu điều hay, lẽ phải. Nhưng hiện nay, nhiều người trẻ đã biết tìm về với những giá trị “thiền” để hiểu và làm điều thiện…Bạn cũng ưa thích những cuốn sách về Phật Giáo và muốn tìm đọc nhưng chưa biết cuốn sách nào hay và thật sự bổ ích. Vậy nên hôm nay TopChuan.com muốn giới thiệu đến bạn đọc top các cuốn sách hay về phật giáo, bạn nên đọc để cuộc sống yên vui và hạnh phúc hơn.
Giao Tiếp Bằng Trái Tim
Nằm trong bộ ba cuốn sách của Pháp sư Thánh Nghiêm, Giao tiếp bằng trái tim đúc kết lại nội dung của các buổi thuyết giảng có tên “Đại Pháp Cổ” trong chương trình truyền hình định kì của Pháp sư Thánh Nghiêm tại Đài Loan. Giao tiếp bằng trái tim sẽ giúp độc giả luôn biết cách dùng thiện ý ấm áp tình người để quan tâm, đối thoại với người khác nhằm cùng xây dựng một mối quan hệ hài hòa, vui vẻ.
Tác phẩm “Giao tiếp bằng trái tim” hướng đến bàn thảo về các vấn đề, khúc mắc trong quan hệ nhân sinh thường nhật, chủ yếu nằm trong phạm vi giao tiếp và cách đối nhân xử thế để tìm được an yên, sách được chia thành 4 phần: 1. Học cách lắng nghe và tập cho mình thái độ chân thành trong giao tiếp; 2. Học cách khen ngợi phát hiện ra ưu điểm; 3. Mở rộng lòng từ bị và bao dung; 4. Học cách quan tâm giúp đỡ và tinh thần hi sinh, phụng hiến.
Bằng lối hành văn nhẹ nhàng nhưng sâu sắc, câu từ dễ hiểu, vị hòa thượng đã đề cập đến sai lầm trong mục đích giao tiếp thường gặp khi chúng ta cho rằng người khác phải lắng nghe, chấp nhận mình mà quên mất rằng chính mình cũng cần tìm hiểu các nhu cầu thực sự của đối phương. Đó cũng chính là sai lầm, là điểm mù quáng, dễ sa ngã nhất của mỗi con người trong giao tiếp: “luôn lấy bản thân làm trung tâm”. Thế nên, khi nói hoặc làm điều gì mà chúng ta chỉ căn cứ và xuất phát từ góc độ cá nhân, hằng mong người khác chấp nhận mình mà thiếu mất sự tương tác, tương quan tương hỗ là phải đặt mình vào vị trí người khác để lắng nghe và tiếp nhận, thì cuộc giao tiếp ắt sẽ bất thành. Biết đặt mình vào vị trí người đối diện, cảm nhận ý nguyện và suy nghĩ theo góc độ của họ chính là chìa khóa dẫn lối đến giao tiếp trọn vẹn, mở cửa thành công và hạnh phúc.
Sử dụng ngôn từ mộc mạc và bình dị đi kèm những ví dụ sinh động từ thực tế, hòa thượng Thích Thánh Nghiêm đã đưa ra cho chúng ta những lời khuyên hữu ích khi tiếp xúc và ứng đối trong xã hội, đó là dù giao tiếp với ai đi nữa thì cũng nên xuất phát đi từ lòng thành, từ chính trái tim với thái độ bao dung, hòa nhã, chân thiện.
Mỗi ngày trọn một niềm vui
Cuốn sách “Mỗi ngày trọn một niềm vui” chứa đựng 90 nguyên tắc của một nhà sư trụ trì người Nhật Bản nhằm giúp độc giả có suy nghĩ tích cực, từ đó cuộc sống trở nên hạnh phúc hơn. Các nguyên tắc đều rất ngắn gọn, giản dị, dễ hiểu và dễ áp dụng. Độc giả có thể lật bất cứ trang nào và bắt đầu đọc từ đó. Cứ qua mỗi một trang, cuộc sống lại trở nên dễ chịu hơn một chút và khi đọc xong, có lẽ chúng ta sẽ nhẹ nhõm hơn rất nhiều.
“Là một người con của Phật giáo, từ Tứ nhiếp pháp, Lục ba la mật và những điều mà Đức Phật gửi gắm tới nhân sinh, tôi sẽ chia sẻ với bạn đọc ý nghĩa Mười Đức theo cách hiểu cũng như quy tắc của chính tôi:
- ‘Hành’ – Không ai làm cả. Nên mình phải làm
- ‘Bố thí’ – Hãy cho đi trước khi nhận lại
- ‘Ái ngữ’ – Sử dụng từ ngữ tích cực, khuyến khích, hướng về tương lai
- ‘Lợi hành’ – Vì mọi người, vì cuộc sống, vì thế giới
- ‘Đồng sự’ – Biết cảm thông, đồng cảm, cảm kích
- ‘Trì giới’ – Sống tuân theo quy tắc
- ‘Nhẫn nhục’ – Cho dù có bị chèn ép, bị cản trở cũng không được chùn bước, bỏ cuộc
- ‘Tinh tiến’ – Mỗi ngày lại trưởng thành hơn một chút so với ngày hôm qua
- ‘Thiền định’ – Tạo ra một khoảng thời gian yên tĩnh để tĩnh tâm
- ‘Trí huệ’ – Trưởng thành tới khi chết đi, ủng hộ tới khi chết đi
Nhìn những gì phía trên, sẽ có người cho rằng, “Cái gì thế? Đây toàn là những gì mà bình thường chúng ta vẫn làm mà”. Tôi không nói những lời này với tư cách là trụ trì của một ngôi chùa. Tôi cố gắng làm việc vì người khác, tôi luôn trăn trở làm sao để giải thích nội dung cho bạn đọc dễ hiểu nhất, để những gì trong cuốn sách đều là những gì mà bạn đọc vẫn thường nghe thấy, thường nhìn thấy trong cuộc sống, cùng tìm hiểu xem rốt cuộc nó được thực hiện như thế nào. Điều đó có nghĩa là, cho dù bạn là ai, học vấn của bạn ra sao, bạn vẫn có thể lý giải và áp dụng lời răn của Đức Phật vào cuộc sống. Chỉ cần nhận ra được điều này, trái tim của bạn cũng sẽ mạnh mẽ hơn. Với cách nghĩ như vậy, hi vọng bạn có thể sử dụng mười chuẩn mực đạo đức giống như trên.
Chúng ta, những người được ban tặng sự sống trong thế giới này, nhất định phải có một vai trò nào đó. Và sống có nghĩa là làm sống lại sinh mệnh đã được ban tặng ấy. Hãy sống 1 cuộc sống vui vẻ hơn, hạnh phúc hơn, sống hết mình với sinh mệnh của bản thân.”
Buông Xả Phiền Não
Sống trong thế giới hiện đại bận rộn, con người dường như trở nên bất an. Buông Xả Phiền Não là cuốn sách của Hòa thượng Thánh Nghiêm đề cập đến những loại phiền não thường gặp phải trong cuộc sống, đó là tham lam, sân hận, ngu si, tâm mạn và tâm nghi ngờ. Những biểu hiện này của tâm mang đến khổ đau và phiền não, và tác giả đã phân tích kỹ những biểu hiện tâm lý này dưới quan điểm Phật giáo đồng thời trình bày những biện pháp khắc phục thiết thực xuất phát từ trí tuệ và từ bi. Buông xả để có được an lạc và hạnh phúc là thông điệp rốt ráo từ cuốn sách này.
Hạnh phúc là gì và vì sao có những người đạt được mọi thứ mình muốn mà vẫn không được hạnh phúc? Thật ra, hạnh phúc là tự mình phải xả bỏ tự ngã và tiêu diệt phiền não, chứ không phải đạt được những thứ nào bên ngoài. Hòa thượng Thánh Nghiêm cho rằng hạnh phúc chân thật thì không cần dựa vào bất kỳ cá nhân, sự vật nào bên ngoài, cũng không phải xuất phát từ tình cảm và cảm giác huyễn hóa vô thường mà là trạng thái tâm vui vẻ, an lạc. Vì thế, chúng ta cần thấy rõ phiền não, mạnh dạn vận dụng phương pháp hóa giải, đối trị phiền não, cuối cùng là buông xả hoàn toàn phiền não, thì hạnh phúc sẽ ở trong tầm tay.
Cuốn sách gồm: phần thứ nhất, Hòa thượng bàn về nguồn gốc của phiền não; từ phần thứ hai đến phần thứ sáu, Ngài thảo luận kỹ năm loại phiền não: tham, sân, si, mạn, nghi – chính là năm độc mà Đức Phật đã nói – đồng thời Ngài cung cấp cách giải quyết những phiền não này để có được an lạc, từ tâm.
Chỉ bằng vài lời ngắn gọn, súc tích, Ngài đã cho thấy con người chúng ta vì quá tham lam, ích kỷ chỉ nghĩ tới bản thân mình nên mãi không chịu xả bỏ để có được an lạc, hiện tiền.
Con Đường Đến Tĩnh Lặng
Con Đường Đến Tĩnh Lặng – Tuệ Giác Hằng Ngày là một tuyển tập gồm 365 câu và đoạn trích của đức Dalai Lama. Vì là một tuyển tập từ nhiều nguồn sách báo khác nhau, nội dung của tác phẩm đa dạng và phong phú, được phân bổ theo một cấu trúc nhằm đa dạng và phong phú, được phân bổ theo một cấu trúc nhằm giúp độc giả cảm nhận các minh triết Phật giáo trong đời sống thường nhật.
Cuộc đời là một dòng chảy với nhiều biến có: Khi thuận, khi nghịch; khi tốt, khi xấu; khi hạnh phúc, lúc khổ đau; khi hài lòng, lúc bất mãn; khi được thăng hoa, lúc thì tuyệt vọng… Người thiếu kinh nghiệm làm chủ tâm sẽ bị cuốn hút theo thủy triều của cảm xúc. Những khổ đau, sầu não, buồn chán và tuyệt vọng làm cho cuộc sống trở nên ảm đạm hơn. Thưởng thức các tư tưởng minh triết trong quyển sách này như một sự thay thế tích cực, vốn có khả năng giúp người đọc thoát khỏi bế tắc, chuyển tâm đến các giải phát khôn ngoan.
Đọc và thưởng thức Tuệ Giác Hằng Ngày của đức Dalai Lama sẽ giúp người đọc ngộ ta được nhiều điều thú vị và những chân lý bình dị trong đời sống. Các viên ngọc trí tuệ này là người bạn đồng hành của ta trong mọi quyết đoán, định hướng nghề nghiệp, tương giao xã hội, điều chỉnh nhận thức, thay đổi hành vi và chuyển hóa nỗi đau.
Vô Thường
Cuốn sách này là tổng hợp từng mẩu chuyện nhỏ được tác giả (là bác sĩ) góp nhặt từ nghề nghiệp của mình, rồi thổi thêm tâm tư của mình vào đấy. Đa phần những câu chuyện này rất buồn, đọc xong thấy lòng mình chùng lại. Sau những giây phút lắng đọng ấy là sự thức tỉnh, khi nhận ra đời người vô thường, sự sống thật quá mong manh, tình người lắm lúc quá hững hờ, và tất cả đều là duyên là phận. Nổi bật ở quyển sách này là cái cách tác giả lồng những lời nhạc Trịnh Công Sơn vào bài viết của mình, cũng như cách anh đưa triết lý Phật giáo vào trong câu chữ. Tất cả các mẩu chuyện trong sách đều hay và đáng đọc.
Cuốn sách như 1 tấm gương, để khi soi vào đó người ta bất giác phải giật mình vì suốt thời gian qua mình đã “sống nông” như thế nào, vô tâm vô tình ra làm sao với người thân, bạn bè và ngay cả với chính bản thân mình. Sách mỏng và chuyện cũng ngắn, nhưng sự rung động mạnh mẽ cuốn sách mang lại cho người đọc chắc chắn sẽ không dễ dàng tan biến đi khi trang sách cuối cùng khép lại…
“Hy sinh vì người khác luôn cho hương thơm bay ngược chiều gió. Gánh nặng vì tình yêu luôn song hành cùng sức mạnh vô song. Bất cứ gỗ đá nào chạm phải tình yêu đều trở nên bao dung mềm mại. Tôi thấy lòng mình bỗng chật. Những gì trước đây tôi cho là đúng, bây giờ tôi đâm nghi ngờ. Những gì trước đây tôi luôn theo đuổi, giành giật để có, bây giờ thấy chẳng còn quan trọng nữa. Những tay thét ra lửa, những tay sừng sỏ mà tôi từng kính nể, bỗng dưng tôi thấy họ bình thường. Họ cố gắng dùng đôi bàntay chứng tỏ mình, khuếch trương mình, những cái họ có được chỉ là thứ trơ trẽn. Họ không bình yên trên vật chất họ có được. Họ khoác những chiếc áo sang trọng, tay đeo đầy những kim cương, xịt toàn nước hoa hảo hạng, nhưng không bao giờ có mùi hương thanh tao, dịu ngọt, toả lan khắp bầu trời. Tôi bị ám ảnh, vì trong tôi hoài thai một lối sống. Tôi muốn thoát khỏi bàn tay của chính mình. Tôi là người tìm kiếm bàn tay đẹp.Bàn tay biết dang ra, biết sẻ chia là bàn tay đẹp. Bàn tay biết nắm lấy tay người bất hạnh hơn mình để cùng bước là bàn tay đẹp. Bàn tay biết nâng niu, gìn giữ cái đẹp, cái chân, cái thiện, là bàn tay đẹp. Và hàng ngàn định nghĩa về bàn tay đẹp khác.Có bàn tay cầm nắm rất nhiều, có thể điều khiển người khác. Có bàn tay xoè ra ăn xin từng đồng lẻ bố thí. Có bàn tay khéo léo làm nên những tuyệt tác nghệ thuật. Có bàn tay vụng về chỉ làm đổ vỡ mọi thứ khi chạm vào. Có bàn tay cho đi. Có bàn tay giữ lại. Nhưng khi về với đất, bàn tay nào cũng rỗng. Rỗng tuyệt đối.Vậy sao không ướp hương cho đôi tay mình, tôi tự hỏi lòng như thế. Có hàng ngàn cách ướp hương, ướp hương thánh thiện, âm thầm, khiêm cung, bé nhỏ, mà hương thơm lại bay vượt mọi không gian. Khi sinh ra, tay tôi nắm chặt. Khi chết đi tay tôi buông thõng. Từ nắm chặt đến buông thõng, một hành trình dài đầy nụ cười hạnh phúc và nước mắt đau thương.”
Tìm lại chính mình
Con người hiện đại đang sống trong một hệ thống giá trị đa nguyên và hỗn loạn, ai cũng muốn tìm tự do cho riêng mình. Do muốn tìm tự do bên ngoài nên họ không biết gốc rễ của tất cả các vấn đề nảy sinh bên trong chính họ, đương nhiên họ càng không biết thực chất tất cả các đáp án đó lại nằm trong nội tâm mình. Vì vậy, muốn giải quyết triệt để các vấn đề đó, đầu tiên bạn hãy nhìn lại chính bản thân mình, trở lại với bản thân mình.
Tìm lại chính mình là 1 trong các những tác phẩm hay của Hòa thượng Thánh Nghiêm, liên quan mật thiết đến đời sống tâm linh của con người hiện đại. Toàn bộ cuốn sách chia thành bốn phần lớn gồm: 1. “La bàn định hướng cuộc đời”; 2. “Giải thoát cho mình”; 3. “Tìm về âm thanh nội tại”; 4. “Khẳng định bản thân, trưởng thành và thể nhập vô ngã”.
Là bậc thầy hướng dẫn đời sống tâm linh của xã hội đương đại, Hòa thượng Thánh Nghiêm không giống với những tác giả bình thường chỉ bàn luận đến thành công và trưởng thành của mỗi cá nhân. Xuất phát từ tầm nhìn vĩ mô, ngài cho rằng khi con người xác định được phương hướng đúng đắn, hòa mình vào mục tiêu chung của nhân loại, tự nhiên sẽ định vị được bản thân, không đi lệch hướng. Hơn nữa, trưởng thành của mỗi cá nhân chính là sự trưởng thành của cả nhân loại, thành công của cá nhân chính là thành công của toàn xã hội, cá nhân và tập thể không mẫu thuẫn đối lập mà tác động qua lại, bổ trợ cho nhau. Nếu không có trí tuệ uyên thâm, thiếu hiểu biết cuộc đời thì làm sao có được tầm nhìn rộng lớn và sâu sắc như thế được!
Tìm lại chính mình là kết tinh của tâm từ mẫn, trí xuất trần giúp chúng ta tìm lại nẻo về bản lai diện mục, đối diện với chính mình.
Tu Trong Công Việc
Trong cuốn sách này, Hòa thượng Thánh Nghiêm chia sẻ về việc ứng dụng trí tuệ của giáo lí Phật giáo vào đời sống, nói rõ cho chúng ta biết về ý nghĩa của công việc, nghệ thuật làm việc, phương pháp ứng xử trong giao tiếp cũng như 1 số nguyên tắc hợp tác đoàn thể, đề xuất quan điểm tìm việc theo tinh thần “tuỳ thuận nhân duyên” để giảm bớt áp lực trong quá trình tìm kiếm việc làm, lấy “cạnh tranh lành mạnh” thay thế cho cạnh tranh một mất một còn mang đậm “động vật tính”; lấy “nghệ thuật chỉnh dây đàn” theo tinh thần trung đạo không rơi vào cực đoan để giữ thăng bằng tâm lí trong cuộc sống. Cuối cùng, hòa thượng còn đưa ra sáu nguyên tắc chung sống hoà thuận, sáu nguyên tắc đó cũng là sáu nguyên tắc đã giúp đức Phật “thống lí đại chúng (thống lĩnh và quản lí đại chúng) thích hợp.”
Đây là cuốn sách tìm hiểu công việc theo tinh thần tu tập Phật pháp. Trong khi đọc, chúng ta cần gạt bỏ quan niệm cứng nhắc về một “việc làm tốt” như lương bổng cao thấp, các chế độ đãi ngộ phúc lợi, quy mô lớn nhỏ của công ty. Theo sự hướng dẫn của hòa thượng, chúng ta học cái nhìn cao rộng hơn với tiền đề lớn là tu tập lợi mình, lợi người, cùng nhau phát triển, trưởng thành; ngài sẽ chia sẻ với chúng ta cái nhìn xuyên suốt của ngài về công việc. Những phép ứng xử công sở mà hòa thượng Thánh Nghiêm nêu ra trong cuốn sách là những định nghĩa mới mẻ về các chủ đề mà mọi người hiện nay đều quan tâm như ý nghĩa công việc, lương bổng, chế độ ưu đãi, chỉ số cảm xúc (EQ)….
Làm thế nào để khắc phục những phiền muộn do áp lực công việc mang lại? Ở đây thầy đã lấy tinh thần của Thiền để hoá giải, tức là ngài khuyên chúng ta cần quan tâm đến những gì “đang là”, những công việc hiện có trước mắt nhằm giúp tâm mình phát huy hết công suất và vượt qua giới hạn nhỏ bé của mình, nhìn và hành xử với người, với việc bằng một góc độ khác.
Thời gian làm việc chiếm đến 1 phần ba đời sống chúng ta, vậy cớ sao chúng ta lại không mượn môi trường, con người trong công việc để rèn luyện nhằm nâng cao cảnh giới tâm linh của mình và thực hiện công hạnh tự lợi lợi tha? Sau khi thấm nhuần tư tưởng “tu trong công việc” rồi, nếu bạn thấy có người sắp bỏ việc để bế quan tu tập hay sắp nhập thất tu hành thì bạn chớ vội yêu mến họ, bạn cũng đừng vì mình không có thời gian tu tập mà phiền muộn! Nếu bạn hiểu sâu và vận dụng ngay những lời giáo huấn bổ ích của hòa thượng Thánh Nghiêm, bạn sẽ phát hiện niềm vui bất ngờ rằng: hoàn thành tốt công việc chính là sự tu tập, tu tập có mặt trong công việc, tu và làm việc là hai mặt của một vấn đề không còn có sự phân biệt nữa!.
Có thể bạn thích: