Ở Việt Nam bất kỳ làng quê nào cũng đều có những lễ hội riêng cho địa phương mình. Thái Bình cũng vậy! Ở Thái Bình cũng có rất nhiều những lễ hội lớn. Bài viết sau sẽ giúp các bạn hiểu thêm được một số lễ hội truyền thống lớn ở Thái Bình
Hội Đồng Xâm
Hội làng Đồng Xâm theo định lệ hàng năm được tổ chức vào những ngày cuối tháng 3 âm lịch và khai hội vào ngày 1-4 âm lịch tại xã Hồng Thái huyện Kiến Xương tỉnh Thái Bình. Lễ hội Đồng Xâm thờ Triệu Đà tức Triệu Vũ Đế, Trình Thị Hoàng hậu (vợ vua Triệu Vũ Đế), Nguyễn Kim Lâu. Lễ hội bao gồm lễ hạ trải đua, rước thánh sư, đua thuyền, ca trù, hát chèo. Đặc biệt, sôi nổi nhất là cuộc thi đua thuyền của thanh niên trên sông Vông.
Hội Quang Lang
Hội làng Quang Lang là lễ hội có quy mô, diện tích rộng, được tổ chức tại làng Quang Lang xã Thụy Hải huyện Thái Thủy tỉnh Thái Bình. Lễ hội diễn ra vào ngày 14/4 và 14/6 âm lịch, hội chính ngày 14/4 âm lịch hàng năm. Đền thờ ông Đùng – bà Đà, Bà Chúa Muối đệ tam hoàng hậu vua Trần Anh Tông. Lễ hội bao gồm các trò chơi dân gian như trọi gà, đi cầu kiều, bắt lươn, bắt vịt,….
Hội Chùa Keo
Lễ hội chùa Keo được tổ chức hằng năm vào 2 mùa xuân và mùa thu. Hội xuân tổ chức vào ngày 4/1 âm lịch hàng năm và hội thu tổ chức trong ba ngày từ ngày 13 đến 15 tháng 9 âm lịch tại xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Dân làng suy tôn Đức Thiền Sư Không Lộ là người rất giỏi phật pháp, giỏi cả pháp thuật. Trong lễ hội có nhiều trò vui, hình thức biểu diễn văn nghệ dân gian đã phản ánh được lối sống của vùng dân cư ven sông, mang màu sắc văn hóa nông nghiệp của đồng bằng Bắc Bộ.
Hội La Vân
Hội La Vân diễn ra vào ngày 20-26 tháng 3 âm lịch hàng năm tại xã Quỳnh Hồng huyện Quỳnh Phụ tỉnh Thái Bình. Ngày 20 có lễ rước nước, rước Thành Hoàng từ miếu, rước Thánh từ đền ra để khai hội. Lễ hội được tổ chức nhằm suy tôn Bà chúa bèo dâu, Quốc sư Nguyễn Minh Không và thành hoàng làng. Trong lễ hội đặc biệt có trò chơi cấy bèo dâu, đấu vật, múa lân,…
Hội đền Tiên La
Hội Tiên La là 1 trong những 2 lễ hội lớn của huyện Hưng Hà tỉnh Thái Bình được tọa lạc tại thôn Tiên La, xã Đoan Hùng trên một diện tích khoảng 4000 m^2. Đền Tiên La thờ bà Bát Nàn Tướng Quân Vũ Thị Thục – một tướng của Hai Bà Trưng. Lễ hội được tổ chức vào các ngày 15 đến 17 tháng 3 âm lịch. Ngày 17 là ngày hội chính. Phần hội có trò chơi múa vật, đấu rồng, múa sư tử, đặc biệt là phần rước kiệu và một số trò chơi dân gian khác như đánh đáo, trọi gà, thổi sáo trúc.
Hội Đền Trần
Vương triều nhà Trần là một vương triều có rất nhiều vị vua, vị tướng lĩnh tài giỏi như Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Hưng Đạo, Trần Thủ Độ,…Vùng đất Tam Đường, xã Tiến Đức huyện Hưng Hà tỉnh Thái Bình là nơi phát tích của vương triều Trần. Khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần đều đã được chính phủ Việt Nam xếp hạng di tích quốc gia quan trọng. Lễ hội đền Trần Thái Bình diễn ra vào ngày 13 đến 18 tháng Giêng âm lịch hàng năm tại thôn Tam Đường. Có các trò chơi như: Thi cỗ cá, thi gói bánh chưng, thi thả diều, thi pháo đất, thi vật cầu, thi kéo co.
Hội An Cổ
Hội An Cổ là lễ hội thuộc xã Thụy An huyện Thái Thụy tỉnh Thái Bình. Được diễn ra vào ngày 15 tháng 11 hằng năm với quy mô lớn, tổ chức nhiều trò chơi như lễ rước thành hoàng, tế lễ (24 người chầu tế, đội mũ dạ, đi hia, mặc áo giáp với những nghi lễ riêng), đánh cờ, đấu vật và hát chèo ở sân đình. Lễ hội được người dân tổ chức để thờ Thành hoàng làng Nam Hải đại vương Phạm Hải, có công khuyến khích dân sản xuất, bảo vệ mùa màng, trừ thiên tai dịch bệnh.
Có thể bạn thích: