Bạn có biết rằng những Truyện ngắn dân gian hay không chỉ thu hút mà còn giúp nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ? Nếu đang tìm truyện thiếu nhi để kể cho bé nghe, bạn đừng bỏ lỡ bài viết Top các Truyện ngắn dân gian hay và ý nghĩa nhất của TopChuan.com .
Khỉ và châu chấu
Từ ngày mới có mặt đất và muôn loài, các loài vật cùng nói một thứ tiếng như loài người. Chúng sinh sống với nhau rất hòa thuận, không loài nào bắt nạt, chèn ép loài nào. Duy có khỉ là hay ngỗ ngược, chúng cậy mình vừa chạy được ở dưới mặt đất vừa nhảy được ở trên ngọn cây nên hay bắt nạt các loài nhỏ hơn. Lần ấy khỉ đến một nơi nọ thấy một đàn châu chấu đang bay đi nhảy lại trên bãi cỏ xanh rờn. Nhìn đàn châu chấu bay nhảy vui vẻ, khỉ nổi lòng ghen và bỗng nảy ra một ý tinh nghịch.
Một hôm chẳng biết từ nẻo rừng nào, đàn khỉ kéo nhau đến bãi cỏ. Chúng lăn qua lăn lại quần nát bãi cỏ rồi phóng uế bừa bãi ra đấy. Lũ châu chấu non đang tập bay, chưa cứng cánh bị khỉ đè chết vô kể. Khoàng Tý châu chấu bèn đến gặp Khoàng Tý khỉ để kiện. Khoàng Tý khỉ không những không thèm nghe mà còn dọa dẫm:
– Bọn mày chưa bằng cái lông bọn tao mà dám láo xược à? Chúng mày muốn yên thân thì cút khỏi đây ngay. Rừng này là của tao, bãi cỏ này cũng là của chúng tao.
Khoàng Tý châu chấu nghe mà tức đến tận đuôi cánh, nhưng vẫn phân trần:
– Đầu các bác nhớ sai, miệng các bác nói không đúng rồi! Đây chính là đất đai của chúng tôi đấy! Từ lúc sinh ra chúng tôi đã ở đây. Bố mẹ cụ kỵ chúng tôi cũng ở đây, chết ở đây. Các bác ở trên rừng kia chứ!
Đàn khỉ chừng mắt quát:
– Lấy gì làm chứng mà bọn bay dám láo!
Khoàng Tý châu chấu chỉ vào một mô đất cao giữa bãi cỏ nói:
– Kia! Các bác xem, mô đất là mồ mả tổ tiên chúng tôi. Chúng tôi ở đây để giữ phần mộ thiêng đó.
Đàn khỉ re lên cười. Chúng hè nhau nhảy lên mô đất cào bới. Lòng Khoàng Tý châu chấu đau như lá han xát. Khoàng Tý châu chấu không chịu nổi, mắng lũ khỉ:
– Bớ khỉ! Chúng mày quá lắm! Đưng cậy to xác mà bắt nạt, hà hiếp chúng tao. Chúng tao bé người thật đấy nhưng không sợ chúng mày đâu! Muốn đánh nhay thì đánh!
Khỉ vẫn nhe răng cười khục khục:
– Dám thách đánh nhau với bọn tao à? Mỗi đứa chúng mày liệu có chịu được một cái phẩy tay của chúng tao không?
Khoàng Tý châu chấu cứng cỏi đáp lại:
– Trưa mai chúng tao sẽ gặp chúng mày ở chỗ này.
Đàn khỉ lại nhe răng cười ròi lăn mình ra bãi cỏ ngủ khì.
Khoàng Tý châu chấu trở về liền gọi ngay tất cả bầu đàn thê tử châu chấu lại để bàn việc đánh nhau vởi khỉ rửa nhục. Khi nghe Khoàng Tý của mình nói tơi chuyện đi đánh nhau với khỉ, lúc đầu có nhiều con run sợ. Có con bàn lui:
– Khoàng Tý à! Ta lớn không bằng một ngón chân của khỉ, đánh chúng không nổi đâu. Ta chạy đi nơi khác nhường chúng đồng cỏ này thôi!
Nhưng tiếng nói đó chưa kịp dứt thì cả đàn đã nhao nhao phản đối:
– Không được! Đồng cỏ xanh tốt này là của tổ tiên ta, là của chúng ta, không thể để cho bọn khỉ muốn làm gì thì làm. Cái lý nó không thế. Đất đai của ai người ấy ở chứ. Ta đi mãi được à! Kẻ khác muốn cướp, ta phải đánh nhau thôi!
Một con châu chấu già bị lũ khỉ giẫm què một chân, cũng tham gia:
– Tuổi tôi đã gần hết nhưng thù này chưa trả thì chưa thể nhắm mắt được. Ta nhỏ người sức yếu phải biết cùng một bụng, họp cái sức lại cho lớn mới thắng được. Bụng già nghĩ kỹ rồi, chúng nó lớn xác nhưng ngu. Khi chúng đến, chúng ta chia nhay bay đến đậu lên trán, lên đầy chúng nó. Khi chúng thượng cẳng chân hạ cẳng tay nhằm đánh ta, ta nhanh chân nhảy đi, thế là chúng nó sẽ tự đánh nhau đến vỡ đầu. Chúng ta sẽ thắng cuộc dễ dàng mà!
Đàn hò reo thích thú. Khoàng Tý châu chấu liền chọn những con khỏe nhất để đi đánh trước. Mọi việc đã sắp đặt xong, tất cả cùng một bụng nghĩ. Ngay đêm ấy, bác châu chấu già bay đến lũ khỉ:
– Này các loài khỉ ơi! Tôi đã già, sức lại yếu, Khoàng Tý châu chấu đã đuổi tôi đi, không cho tôi nhập đoàn. Tôi nghe nói các bác sắp khởi quân đánh nhau với lũ chúng nó. Tôi xin hiến kế để các bác giết hết chúng đi cho hả giận. Các bác là người tốt bụng nên tôi xin mách điều này: cùng loài tôi biết, họ hàng nhà tôi có cánh, bay đến chỗ nào cũng được, nhưng đánh nhau lại rất sợ gậy gộc. Các bác muốn thắng nhanh mà lại không tốn sức thì cứ kiếm mỗi bác một đoạn gậy cứng. Khi chúng nó đến, các bác cứ mang gậy ra khua, bay mỏi cánh, hễ chúng đậu đâu, cứ đập một nhát là nát tan như đập một giọt nước. Chỉ loáng mắt là chết hết mà!
Châu chấu già nói xong rồi chỉ vào cái chân què nói tiếp:
– Đây các bác coi, một chân tôi què vì bị đàn cáo dùng gậy quật đấy! May mà tôi chưa mỏi cánh còn bay thoát.
Đàn khỉ ngốc nghếch nnghe châu chấu già nói vậy liền tin ngay. Sáng hôm sau từ lúc ông mặt trời chưa dậy, đàn khỉ đã chí chéo kéo đến bãi cỏ. Con nào cũng mang theo một đoạn gậy. Chờ mãi vẫn không thấy con châu chấu nào, Khoàng Tý khỉ sai quân đến gặp Khoàng Tý châu chấu.
Lần thứ nhất, Khoàng Tý châu chấu bảo:
– Chúng tao còn đang bận ngủ!
Lần thứ hai, Khoàng Tý châu chấu lại bảo:
– Chúng tao còn đang bận ăn! Muốn chết chúng mày sẽ được chết! Giục gì!
Châu chấu cứ nấn ná cho đến khi ông mặt trời đính giữa đỉnh đầu, khi cánh châu chấu đã cứng và cũng là lúc bụng khỉ đói meo. Bất chợt đàn châu chấu mới rào rào bay tới. Lũ khỉ bị đánh úp bất ngờ đâm hốt hoảng. Châu chấu thi nhau nhảy lên đầu lũ khỉ, vừa đá vừa phóng uế bừa.
Đàn khỉ tức khí cứ thất châu chấu ở đâu là nhè đánh tới tấp. Lũ khỉ đánh lộn nhau, kêu chí chóe. châu chấu càng bay lung tung, đậu lung tung như trêu tức lũ khỉ. Bọn khỉ càng phang lẫn nhau khỏe hơn. Chỉ loáng mắt, xác khỉ đã la liệt trên bãi cỏ, con nào cũng lòi mắt, nhe răng trắng nhởn!
Thế là hết đời bọn ác, cậy thế hà hiếp bắt nạt kẻ yế. Từ đó đần châu chấu lại ngày ngày tụ tập ở bãi cỏ vui chơi, nhảy nhót như xưa.
Mẹo trảy kinh
Mùa đông năm ấy, Quỳnh có việc đi gặp người bà con đang sinh sống ở Thăng Long. Đường về kinh thì xa, cuốc bộ phải mất cả tuần, mà Quỳnh vẻn vẹn có một quan tiền giắt lưng. Mới ngày thứ ba túi đã hết nhẵn tiền, chiều xuống, trời âm u, lại điểm mưa lâm thâm, gió bấc. Đến đầu làng kia, bụng đói cồn cào, vừa may gặp một đứa bé mục đồng dắt trâu về xóm, Quỳnh mừng rỡ hỏi thăm lối vào nhà ấp trưởng.
Ấp trưởng làng này vừa giàu sụ, vừa nổi tiếng quỷ quyệt. Qua vài lời chuyện trò với người lỡ độ đường, hắn đoán thầm khách không phải là hạng tầm thường, bèn vồn vã mời nghỉ lại và sai gia nhân làm mâm cơm thịnh soạn để thết đãi. Nhưng mấy ngày liền, khách cứ đi đi lại lại, rồi đến bữa nằm dài đợi cơm rượu hỏi đến chức danh công vụ thì cứ ậm ậm ờ ờ. Chủ nhà sốt ruột, sinh nghi. Như thường lệ, tối hôm ấy ăn xong một lúc, Quỳnh cáo lui về phòng riêng giáp với phòng ngủ của chủ nhân. Được một chập, Quỳnh tắt đèn lên giường nằm. Biết ở phòng bên có người vẫn thức rình mò mọi hành vi của mình, lát sau Quỳnh vờ thức dậy rón rén thắp đèn, sau đó cẩn thận lần dưới vạt áo, lấy ra một bọc nho nhỏ bên trong có ba gói vuông, bản bằng nhau. Khách cầm bút long chấm chấm, mút mút đầu ngòi, hí hoái viết vào từng gói như để đánh dấu cho khỏi nhầm lẫn (thực ra chẳng viết gì cả), miệng lẩm nhẩm đọc, cố ý cho kẻ đang rình bên kia khe vách vừa đủ lắng nghe: Độc dược của nhà chúa… Độc dược của bà chính cung… Độc dược của thái tử. Làm như vậy, đoạn Quỳnh đem gói chung thành một bọc như cũ, giắt vào lưng áo. Xong rồi tắt đèn, lên giường nằm trở lại. Khi phòng bên này bắt đầu tiếng ngáy đều đều, thì phòng bên vọng sang tiếng động khe khẽ. Tên ấp trưởng bí mật mở chốt cửa ra ngoài, lẻn đến chuồng ngựa… Hộc tốc lao đi trong đêm.
Sáng hôm sau, mới hửng sáng, quan quân từ đâu ập tới nhà ấp trưởng đông nghịt, gươm giáo tua tủa vây kín mọi phía. Quỳnh mở mắt, chưa kịp búi tóc đã bị trói nghiền lại, quẵng lên một chiếc xe có bốn ngựa kéo, trẩy về kinh.
Trước phủ chúa, Quỳnh bị điệu ra xét xử với nhân chứng và vật chứng rành rành. Chúa đích thân tự tay mở tang vật. Té ra chẳng có gì ghê gớm! Chiếc bọc được gói kỹ lưỡng trong mấy lần mo cau, phủ ngoài bằng một vuông vải điều là chiếc bọc chứa ở bên trong mấy gói cơm khô nhỏ, Chúa lấy mũi hài đá té nắm cơm về phía Quỳnh, hất hàm tỏ vẻ khinh miệt:
– Ta tưởng thế nào… Tài giỏi như Trạng mà cũng ăn cả cái vứt đi này à?
– Khải chúa.
Quỳnh đáp lại không chút ngần ngừ, nhà chúa thừa thãi mới gọi đó là của vứt đi. Còn thần dân bên dưới đâu dám phung phí một hạt, họ gọi cơm gạo là ngọc thực.
Nói rồi, Quỳnh trân trọng nhặt lấy mấy hạt cơm khô bỏ vào mồm nhai rào rạo. Chúa biết mình lỡ lời, đỏ bừng mặt, lại thêm một phen mắc lỡm, tức lộn ruột. Không có cớ gì buộc tội Quỳnh, chúa truyền nọc tên ấp trưởng ra, bắt lính đánh ba chục trượng vì tội nói láo và báo sai.
Trước cảnh tượng ấy, Trạng chỉ biết mỉm cười. Mặc dầu đã được tha bổng, trước khi bái biệt bề trên, Quỳnh vẫn không quên giễu chúa bằng những câu khéo:
– Xin chúa rộng lượng tha thứ cho ấp trưởng. Và cho thần được cảm ơn hắn cùng quan quân triều đình.
Đầu to bằng cái bồ
Chuyện kể rằng lúc Quỳnh còn nhỏ, mới bảy tám tuổi, Quỳnh đã tỏ ra thông minh đỉnh ngộ nhưng cũng là một đứa trẻ chúa nghịch. Hồi ấy bọn trẻ thường chơi trò xước xách, lấy tàu chuối làm cờ, lá sen làm lọng. Trong trò chơi, Quỳnh bao giờ cũng lấn lướt.
Một đêm mùa thu, trăng tháng tám sáng vằng vặc, đang chơi với đám trẻ ở sân nhà, Quỳnh bảo:
– Chúng bay làm kiệu cho tao ngồi, rồi tao đưa đi xem một người mà cái đầu to bằng cái bồ!
Lũ trẻ tưởng thật, liền tranh nhau làm kiệu rước Quỳnh đi vòng vòng quanh sân, mệt thở muốn đứt hơi. Xong, chúng nhất định bắt Quỳnh phải giữ lời hứa. Lúc ấy trăng đã mờ, Quỳnh bảo:
– Tụi bây đứng đợi cả ở đây, tôi đi đốt lửa soi cho mà xem!
Bọn trẻ nhỏ hơi sợ, không dám ở lại, chỉ những đứa lớn hơn, bạo dạn đứng chờ. Quỳnh lấy lửa thắp đèn xong đâu đấy, rồi thò đầu che ngọn đèn, bảo:
– Kìa, trông trên vách kìa. Ông to đầu đã ra đấy!
Anh nào cũng nhìn nhớn nhơ nhớn nhác, thấy bóng đầu Quỳnh ở vách to bằng cái bồ thật. Lũ trẻ biết Quỳnh xỏ, quay ra bắt Quỳnh làm kiệu đền, Quỳnh chạy vào buồng đóng cửa lại, kêu ầm lên. Ông bố tưởng là trẻ đánh, cầm roi chạy ra, lũ trẻ chạy tán loạn.
Tiêu diệt mãng xà
Ngày xưa, trong một hang núi nọ có một con mãng xà. Đầu nó to bằng cái chum, trên đầu có mào đỏ, hai mắt như hai quả quýt, thân dài hơn trượng. Nó đi đến đâu là cuốn thành bão đến đấy, cây cối đổ rào rào, bụi bốc mù mịt. Nó đã ăn thịt không biết bao nhiêu là súc vật và người. Người ta dùng nhiều cách để diệt trừ, nhưng mãng xà đã không chết mà còn phá hoại dữ dội hơn. Cuối cùng nhà vua phải sai dựng cho nó một cái đền và hứa mỗi năm khấn một mạng người để nó đỡ phá phách. Nhà vua ra lệnh bắt các làng mỗi năm phải nộp một người con gái để dâng cúng mãng xà, nhưng cũng cho rao trong nước, ai tiêu diệt được con quái vật ấy thì sẽ phong quận công và cho lấy công chúa làm vợ.
Bấy giờ có một chàng trẻ tuổi từ lâu được một nhà sư đưa lên nuôi trên một ngôi chùa ở núi cao. Hàng ngày nhà sư truyền cho anh nghề múa gươm và các môn võ nghệ. Thành tài, anh được thầy tặng một thanh gươm quý và cho phép “hạ sơn”. Hôm ấy anh trở về làng. Sau khi kéo bộ suốt cả một ngày mệt nhọc, anh thấy một tòa đền có ánh sáng le lói, không biết là đền mãng xà, bèn ghé vào nghỉ chân. Vừa bước vào cổng đền bỗng nghe có tiếng khóc thút thít ở phía trong, anh lấy làm ngạc nhiên vội lần vào thượng điện. Dưới ánh đèn dầu, anh thấy một cô gái trạc mười tám, hai mươi tuổi, bị trói vào cột ở một góc điện. Anh lập tức bước đến cởi trói cho nàng và nói:
– Làm sao cô lại bị trói ngồi ở đây?
Cô gái gạt nước mắt nói:
– Chàng là ai, ở xứ nào mà không biết đây là đền thờ mãng xà ư?
Đoạn cô kể lại những hành động của mãng xà, mỗi năm phải nộp một mạng người ra sao, cuối cùng cô nức nở:
– Nhà thiếp có một mẹ một con, nghĩ mình chết đi cũng không tiếc, chỉ thương mẹ già không có ai nuôi. Nhưng thôi chàng hãy đi mau khỏi chốn này, nếu không mãng xà nó đền thì chẳng còn tính mạng.
– Thế bao giờ thì nó đến đây?
– Chỉ nội trong đêm nay!
Chàng trẻ tuổi ân cần:
– Tôi muốn thay nàng nộp mạng cho mãng xà để nàng được về với mẹ.
Cô gái đáp:
– Thiếp không muốn vì mình mà người khác phải chết. Cứ để mặc thiếp chịu số kiếp thê thảm, tiền oan nghiệp chướng này. Chỉ mong chàng nếu có đi qua làng, hãy làm ơn ghé vào an ủi mẹ già giúp thiếp.
– Không. Nàng hãy kịp tránh khỏi nơi đây để mặc tôi với con quái vật.
Rồi rút gươm ra khỏi bao, chàng nói tiếp:
– Nó không thể làm hại được tôi đâu. Tôi sẽ bắt cái này ra đối mặt một phen với nó. Nàng hãy chạy về làng mau đi!
Nói đoạn, anh dẫn cô gái ra khỏi cánh rừng, rồi trở lại đền nai nịt gọn ghẽ, quyết thức đợi mãng xà.
Vào khoảng nửa đêm, bỗng phía ngoài có tiếng rào rào, cành cây gẫy răng rắc. Một mùi tanh tưởi xông vào mũi đến lộn mửa. Chàng trẻ tuổi đứng dậy rút gươm nấp vào bên thượng điện. Mãng xà quen như mọi khi, từ từ vắt mình qua tường tiến vào. Nhưng nó vừa thò cái đầu vào đền thì chàng trẻ tuổi đã khởi thế công ngay. Lưỡi gươm của anh lóe lên trong đêm tối như chớp giật. Con quái vật bị thương, lao tới toan nuốt sống kẻ thù. Nhưng đường gươm lợi hại của anh đã lại bồi cho nó một nhát thứ hai. Mãng xà đau quá, rống lên, hà hơi phun gió rồi quật đuôi tới tấp làm anh lăn đi mấy vòng. Sắp bị lọt vào miệng quái vật thì may sao, anh đã kịp đứng bật dậy, thủ thế đâm cho nó một mũi thứ ba, nhưng vì đâm mạnh quá nên mũi gươm bị gãy. Anh bèn bồi tiếp mấy nhát, mãng xà bị thương nặng. Cả khúc thân của nó quằn quại mạnh đến nỗi tường và mái đền đổ sụp, gạch ngói lăn xuống rào rào. Anh giơ lưỡi gươm chặt lấy cái đầu con ác thú.
Giết được mãng xà, chàng trẻ tuổi khát nước quá chạy khắp rừng đi tìm suối giải khát, rồi vì mệt quá, anh lần ra bên bờ suối ngủ thiếp một ngày một đêm.
Trưa hôm sau, một viên quản có phận sự gác ở khu vực này tiến vào đền để dò động tĩnh. Hắn vô cùng kinh ngạc khi thấy mãng xà nằm trên vũng máu, mà cô gái thì không biết đã biến đi đường nào. Nhưng nghĩ đến lời hứa của vua, hắn lập tức xách lấy đầu mãng xà phóng ngựa về kinh lĩnh thưởng. Trông thấy đầu con quái vật, nhà vua rất vui mừng. Vua hỏi:
– “Ai đã giết được mãng xà?” Viên quan đáp: – “Tâu bệ hạ chính là kẻ hạ thần này”. Vua khen ngợi hồi lâu, rồi ban sắc chỉ phong cho làm quận công, lại truyền gả công chúa như lời đã hứa.
Đám cưới tổ chức rất linh đình. Nhưng giữa hôm cưới, trong khi vua quan tề tựu đông đủ, thì bỗng có một người khách lạ xin vào yết kiến. Vua truyền cho vào. Người khách lạ chính là chàng trẻ tuổi đã giết mãng xà. Vua hỏi:
– Nhà ngươi đến đây có việc gì?
Chàng trẻ tuổi đáp:
– Tâu bệ hạ, chỉ xin phép bệ hạ cho tôi được lấy lại một mảnh gươm gãy còn giắt trong đầu mãng xà mà thôi!
Vua hết sức ngạc nhiên:
– A, vậy ra không phải là phò mã của ta đã hạ thủ mãng xà ư?
Vua nhìn sang phò mã. Phò mã mặt đã tái đi, nhưng vẫn cố cãi:
– Nó là thằng bá vơ nào dám vào đây nhận xằng!
Vua liền sai hoãn ngay lễ cưới lại rồi bảo vệ sĩ bổ đầu mãng xà để tìm mảnh gươm. Một lát sau vệ sĩ đã đưa mảnh thép về dâng nộp, khi ráp vào với gươm của chàng trẻ tuổi thì vừa như in. Vua thét:
– Thì ra phò mã đã lừa dối trẫm và mọi người.
Lập tức vua sai lột thẻ vàng quận công của hắn rồi đeo vào cho chàng trẻ tuổi. Sau đó vua dắt anh ngồi vào chỗ ngồi của phò mã, và ra lệnh cho lễ cưới lại tiếp tục như cũ.Trong khi đó thì viên quản bị giải ra pháp trường.
Nàng tiên cóc
Ngày xưa, có hai vợ chồng nông dân hiếm hoi, cầu Trời khấn Phật mãi người vợ mới có thai, nhưng đến khi sinh ra, không phải là người mà lại là một con cóc.
Con cóc lớn lên, biết nói tiếng người, song hình thù sần sùi, xấu xí, khiến cha mẹ nó lấy làm buồn phiền, thường than thở với nhau: “Vợ chồng mình già cả, hiếm hoi, tưởng sinh được mụn con nối dòng, trông nom đỡ đần mình, ngờ đâu oan gia nghiệp báo lại sinh ra cóc, còn trông mong gì nữa”!
Cóc nghe thấy thế, khuyên cha mẹ đừng lo. Rồi ngay hôm sau cóc nhảy đi coi ruộng cho cha mẹ, và từ khi nó trông nom đồng áng thì chẳng có ai lấy trộm lúa ruộng nhà nó như trước nữa.
Một hôm, có mấy thư sinh đi qua ruộng nó, dẫm lên lúa, bỗng nghe có tiếng lanh lảnh như giọng con gái bảo rằng: “Xin các cậu đi cho có ý tứ kẻo làm nát lúa nhà em”. Lũ thư sinh nhìn vào ruộng lúa, chẳng thấy ai, chỉ thấy một con cóc đang ngồi đó. Tiếng nói dịu ngọt làm cho một anh trong bọn đâm ra có cảm tình. Chàng thư sinh này bấy lâu đọc sách đạo thần tiên, tin tưởng có sự mầu nhiệm ở đời, nên về nhà nói với cha mẹ xin hỏi cóc làm vợ.
Ban đầu cha mẹ thư sinh tưởng con mình hóa dại, song anh ta cứ một mực đòi lấy cóc làm vợ cho kỳ được, nếu không thì thề quyết chẳng lấy ai. Người cha bèn kiếm cớ từ khước, bảo chỉ có một mình anh ta là con trai, cưới cóc về có sinh ra được con cái để nối dòng không? Thư sinh tin là sẽ có sự nhiệm màu xảy đến trong ngày cưới cóc về, Tiên Phật sẽ giúp cho cóc thành người có đức hạnh, nhan sắc hơn đời. Thấy con đã nhất quyết như vậy, cha mẹ anh ta cũng đành phải chiều theo, đem trầu cau đi hỏi cóc.
Đến ngày cưới, bên nhà trai mang đủ lễ vật, đồ nữ trang, quần áo cho cô dâu như người thường, chàng rể hy vọng Tiên Phật hóa phép cho cóc thành một cô gái xinh tươi như chàng vẫn mộng tưởng. Cả hai họ cũng trông mong như vậy, nhưng đến khi rước dâu, mọi người phải tức cười và xấu hổ vì đưa đón một con cóc nhảy về nhà chồng.
Cha mẹ chồng vừa rầu, phiền cho con trai, vừa chua xót vì con dâu cóc, liền cấp ruộng cho đôi lứa đi ở riêng. Thư sinh cũng buồn lòng, cặm cụi học hành, nghiên cứu các khoa học thần bí, hy vọng gỡ rối cho gia đình, nhất là đối với cha mẹ già đang khát khao có cháu bế. Cóc thì siêng năng công việc ở nhà, thức khuya dậy sớm khuyên chồng chăm chỉ bút nghiên.
Ngày ngày anh ta đi học về thì đã thấy cơm nước sẵn sàng, nhà cửa sạch sẽ ngăn nắp, mới nghĩ bụng rằng trong lúc vắng mình, chắc vợ trút lốt cóc thành người, chứ một con cóc thì làm sao lo việc nội trợ khéo léo được thế kia? Mấy bận anh ta thử rình, ra đi rồi thình lình trở về bất ngờ, hy vọng bắt gặp vợ là một cô gái xinh đẹp, song chỉ thấy một con cóc sần sùi ở nhà. Anh van nài cóc hóa thành người đẹp cho mình được sung sướng, nhưng cóc vẫn thản nhiên không tỏ vẻ gì cả.
Một tối, anh cho cóc hay tin mình được bổ đi dạy ở trường tỉnh, ngỏ thật rằng mình không thể đưa vợ đi theo nếu vợ vẫn giữ lốt cóc. Từ ngày cưới về anh ta đã chịu biết bao lời chế diễu của hàng xóm, bè bạn. Hơn nữa, cha mẹ vẫn thúc dục anh lấy thêm vợ khác để có con nối nghiệp tông đường. Cóc lặng yên nghe chồng than thở, khuyên chồng chớ nên quá buồn phiền, và xin phép hôm sau về nhà thăm cha mẹ.
Sáng ngày, cóc đi theo chồng, được một quãng thì nhảy vào một cái bụi bên đường. Thư sinh dừng bước lại thì thấy ở bụi cây đi ra một cô gái xinh đẹp lạ lùng, quá sức ước mong của anh bấy lâu. Anh sung sướng ngẩn ngơ nhìn người vợ đẹp lại gần, say đắm ngắm nghía vợ từ đầu đến chân rồi thiết tha xin vợ từ đây cứ giữ hình người. Biết là vợ đã trút lốt cóc ra trong bụi, anh ta kiếm cớ đi lùi lại sau rồi chạy lẻn đến bụi tìm lốt cóc mà dấu vào mình.
Đến nhà, cha mẹ thư sinh mừng rỡ thấy con dâu cóc đã hóa ra người xinh đẹp, dịu dàng. Anh chồng hân hoan thừa lúc mọi người không để ý đến, đem lốt da cóc bỏ vào bếp lửa cho tiêu tan. Hai vợ chồng ở lại nhà cha mẹ cả đôi bên luôn mấy ngày, vui vẻ tiệc tùng liên tiếp rồi mới trở về nhà.
Trên đường về vợ kiếm cớ vào bụi cây để tìm lại lốt cũ, không thấy, chồng mới cho hay là mình đã lấy đốt đi rồi. Vợ đành phải giữ nguyên hình người để về với chồng.
Hai vợ chồng ăn ở với nhau đằm thắm vui vẻ, vợ sinh được nhiều con cái, chồng học thi đỗ cao làm nên chức lớn, sống một đời sung sướng.
Con vợ khôn lấy thằng chồng dại như bông hoa nhài cắm bãi cứt trâu
Xưa, có một người đàn bà làm nghề dệt vải. Nàng bản tính thông minh tháo vát, nhưng lấy phải người chồng đần độn không làm được nghề gì nên thân. Một hôm, vợ đưa cho chồng mấy tấm vải bảo mang ra chợ bán. Vợ dặn: – “Nếu không được bốn quan mỗi tấm thì đừng có bán, nghe!”
Chồng mang vải ra chợ đi khắp nơi, rao khản cả cổ mà chả có ai mua cả. Mãi về sau có một ông cụ già mua cho hai tấm. Nhưng ông ta lại không mang tiền theo. Ông cụ bảo hắn:
– Chốc nữa anh đến nhà tôi lấy tiền nhé! Nhà tôi cũng ở trong xã này thôi.
Hắn hỏi:
– Nhà ông ở đâu?
– Tôi ở chỗ: “chợ đông không ai bán, chỗ kèn thổi tò le, chỗ cây tre một mắt”. Đến đó tôi sẽ trả tiền ngay.
Đến chiều hắn đi tìm người mua hàng chịu của hắn. Gặp ai hắn cũng hỏi thăm “chỗ chợ đông không ai bán, chỗ kèn thổi tò le, chỗ cây tre một mắt” là ở đâu, nhưng chẳng một ai biết thế nào mà trả lời. Người ta chỉ nói với hắn:
– Thôi rồi, anh mắc phải tay bịp bợm nào đấy thôi!
Hắn đi loanh quanh mãi đến tối mịt không tìm được nhà, đành phải trở về ôm mặt hu hu khóc.
Vợ hắn hỏi tại sao thì hắn kể cho vợ nghe tất cả câu chuyện. Người vợ bảo:
– Cũng dễ tìm thôi! “Chỗ chợ đông không ai bán” là cái nhà trường, “chỗ kèn thổi tò le” là bụi lau vì khi gió thổi nghe như tiếng kèn sáo, “chỗ cây tre một mắt” là bụi hành hay tỏi gì đó. Vậy anh phải kiếm người đó ở một cái trường học, gần đó có bụi lau, trước cửa có vườn trồng hành tỏi.
Qua ngày sau, anh chồng lại cất bước đi tìm. Quả đúng như lời người vợ nói, hắn gặp ông lão hôm qua. Đó là một thầy đồ dạy học trò. Thấy hắn đến, ông đồ liền hỏi xem nhờ ai mách cho mà biết được chỗ ở của mình. Hắn đáp: – “Tôi tìm ông suốt cả một buổi chiều hôm qua. May nhờ có vợ tôi mách cho đấy”. Ông thầy nghĩ: -“Người đàn bà này hẳn là một cô gái thông minh tài trí, ít người sánh kịp”. Hôm đó nhân nhà có giỗ, ông đồ mời hắn ngồi lại ăn cỗ. Hắn ta cắm đầu chén một bữa no nê lại được ông đồ gửi phần về biếu vợ. Nhưng khi trả tiền, ông đồ còn gửi hắn một gói khác bảo đưa cho vợ. Trong đó chỉ có một cục phân trâu ở giữa có cắm một cánh hoa nhài. Hắn ta chẳng hiểu gì cả cứ việc cầm lấy về nhà.
Người vợ trông thấy, hiểu ý ông thầy muốn mỉa mai mình:
Con vợ khôn lấy thằng chồng dại
Như bông hoa lài cắm bãi cứt trâu
Càng ngẫm nghĩ về “gói quà”, nàng càng buồn bực, trách chồng dốt nát để mang về cho mình một lời trêu chọc chua cay, rồi nghĩ tới duyên phận hẩm hiu, nước mắt nàng lã chã. Nàng vứt cái thoi, bụng bảo dạ: – “Thân thế ta thật chả ra gì. Trên đời có bao nhiêu người khôn ngoan tài giỏi, còn ta thì lấy nhầm phải một thằng chồng u mê đần độn!”. Trong một cơn phiền muộn, nàng chạy ra bờ sông, toan nhảy xuống dòng nước trẫm mình cho rồi một đời.
Lại nói chuyện ông thầy dạy học, sau khi tiễn chân anh chàng bán vải ra khỏi cửa, nghĩ đi nghĩ lại thấy sự trêu chọc ác nghiệt của mình thật là không phải. Ông đâm ra lo câu chuyện đưa tới một kết quả không hay: – “Không biết chừng người đàn bà ấy phẫn chí liều thân hoại thể thì ta sẽ có tội rất lớn với danh giáo”. Nghĩ thế, ông đồ bèn đi mượn một cái giỏ đựng cá thủng trôn, rồi mang ra bờ sông cùng với chiếc cần câu làm bộ câu cá. Ông cứ men theo dọc bờ sông gần làng, đi lại trông chừng. Khi thấy một người đàn bà ngồi trên bờ vắng đang ôm mặt khóc thút thít, ông biết ý vội tiến đến gần, có ý chìa giỏ cho nàng thấy và nói:
– Chị này ngồi tránh đi chỗ khác cho tôi câu cá nào.
Người đàn bà đó đúng là vợ anh chàng bán vải. Nàng ngước mắt trông lên thấy có một người đàn ông đầu đã hai thứ tóc mà lại mang chiếc giỏ rách đi câu. Nàng tự nghĩ: – “Người nào đây ngu quá là ngu. Chồng mình tuy khờ dại nhưng cũng chưa đến nỗi này”. Rồi nàng kết luận: – “Vậy ra chồng mình vẫn còn có những chỗ hơn người”. Nghĩ vậy, nàng bỏ ý định tự tử mà trở về nhà.
Phơi sách, phơi bụng
Làng Quỳnh có một lão trọc phú. Lão này đã dốt lại thích học làm sang, thỉnh thoảng mò đến nhà Trạng, đòi mượn sách. Tất nhiên lão có mượn được sách về thì cũng biết gì đâu đọc. Quỳnh bực lắm, một bận, thấy lão lấp ló đầu cổng, Quỳnh vội vác ngay chiếc chõng tre ra sân, cởi áo nằm phơi bụng. Lão trọc phú bước vào, thấy lạ, hỏi:
– Thầy làm gì thế?
Quỳnh đáp:
– À! Có gì đâu! Hôm nay được cái nắng tôi đem phơi sách cho khỏi khô mốc
– Sách ở đâu?
Quỳnh chỉ vào bụng:
– Sách chứa đầy trong này!
Biết mình bị đuổi khéo, trọc phú lủi thủi ra về.
Bận khác, lão cho người mời Quỳnh đến nhà. Để rửa mối nhục cũ, lão bắt chước, đánh trần, nằm giữa sân đợi khách…
Quỳnh vừa bước vào, lão cất giọng con vẹt, bắt chước…
– Hôm nay được cái nắng tôi nằm phơi sách cho khỏi mốc
Bất ngờ Quỳnh cười toáng, lấy tay vỗ bình bịch vào cái bụng phệ mà nói;
– Ruột nhà ông toàn chứa những của ngon chưa tiêu hết phải đem phơi, chứ làm cóc gì có sách mà phơi!
Lão trố mắt kinh ngạc:
– Sao thầy biết?
Quỳnh lại cười toáng lên, lấy tay lắc lắc cái bụng béo ụ ị của lão:
– Ông nghe rõ chứ? Bụng ông nó đang kêu “Ong óc” đây này! Tiếng cơm, tiếng gà, tiếng cá, lợn… Chứ có phải tiếng chữ, tiếng sách đâu. Thôi ngồi dậy, mặc áo vào nhà đi.
Lão trọc phú lủi thủi làm theo lời Quỳnh, và ngồi tiếp khách một cách miễn cưỡng.
Có thể bạn thích: