Dù được coi là những cung đường hiểm trở, là nỗi ám ảnh của các tài xế đường dài, nhưng những con đèo dưới đây luôn hấp dẫn du khách bởi vẻ đẹp hoang sơ và kỳ vĩ của chúng.
Đèo Đá Đẽo (Quảng Bình)
Từ Đồng Hới đi theo đường Hồ Chí Minh lên đèo đá đẽo khoảng 100km được trải nhựa phẳng lì. Đèo dài 17km, thuộc địa phận xã Thượng Hoá, huyện Minh Hoá, tỉnh Quảng Bình với những khúc cua tay áo và cánh rừng già nguyên sinh.
Đèo Đá Đẽo chính là cung đường hiểm yếu nhất trên suốt đoạn Đông Trường Sơn của đường Hồ Chí Minh. Cũng chính vì đường dốc quanh co, qua nhiều khe suối dựng đứng, nền đất yếu tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn giao thông. Nền đường những đoạn này đều qua vùng địa chất phức tạp, thường xuyên có nước ngầm, sụt lở. Chỉ trong vòng 1 năm, tại Km 919+200 – Km 919+900 trên đường Hồ Chí Minh qua đoạn đèo Đá Đẽo (Minh Hoá – Quảng Bình) đã xảy ra 4 vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Theo công an huyện Minh Hoá, nguyên nhân gây ra các vụ TNGT ở cua dốc nơi đỉnh đèo Đá Đẽo đều xuất phát từ việc lái xe đổ đèo tốc độ cao, khi gặp khúc cong cua bất ngờ đã không làm chủ được tốc độ dẫn đến tai nạn.
Để đảm bảo ATGT cho người và phương tiện khi đi qua đây, Tổng cục đường bộ Việt Nam đã đầu tư kinh phí xử lý những điểm đen này. Phương án được cơ quan chức năng đưa ra là làm gờ giảm tốc trên mặt đường để cảnh báo phương tiện giảm tốc độ trước lúc đổ đèo và tiến hành bạt mái taluy dương và xây dựng đường lánh nạn cho các phương tiện đi vào khi bị mất phanh bất ngờ
Đèo Thung Khe (Hoà Bình)
Đèo Thung Khe thuộc quốc lộ 6 tỉnh Hoà Bình, nằm giữa Tân Lạc và Mai Châu. Đến giữa đèo Thung Khe ở độ cao 1000m so với mực nước biển. Tại đây có vài dãy quán lợp lá, vốn là những chiếc bàn được ghép lại từ những cây gỗ xù xì bên đường bày bán mía, cơm lam, rêu đá, rau rừng. Bạn có thể dừng lại để thưởng thức món ngô luộc, mía luộc, ăn cơm lam chấm vừng dân giã, hấp dẫn.
Đèo không hùng vĩ như Ô Quy Hồ đất Lào Cai, không cheo leo như Mã Pí Lèng của đất Hà Giang nhưng lại chứa đựng vô vàn những hiểm nguy bất ngờ đối với bất kì tay lái nào.
Đèo Thung Khe không có những khúc cua tay áo như những con đường đèo ở Hà Giang hay Lai Châu, Điện Biên nhưng lại hiểm nguy bởi những làn sương mù dày đặc mỗi khi chiều về dù đó là bất kể mùa đông hay hè. Nhất là vượt qua đèo Thung Khe vào buổi tối mùa đông, trải nghiệm khó quên cho bất kì tay lái nào, với màn sương đặc quánh cùng cái lạnh buốt đến tê người, tầm nhìn mờ đục, chỉ ánh đèn xe lấp loáng như vẽ lên những vệt khói mờ…
Đèo Khau Phạ (Yên Bái)
Đèo Khau Phạ nằm trên quốc lộ 32, có điểm khởi đầu là đoạn cắt quốc lộ 32 với quốc lộ 279 với chiều dài trên 30km. Thuộc khu vực giáp danh giới giữa huyện Văn Chấn, Mù Căng Chải, tỉnh Yên Bái và đi qua nhiều địa danh nổi tiếng khác như: La Pán Tẩn, Tú Lệ, Chế Nha, Nậm Có… từ thành phố Yên Bái ngược theo quốc lộ 32 chừng 5h đồnh hồ qua xã Tú Lệ, đèo Khau Phạ, huyện Mù Căng Chải sẽ hiện ra giữa một vùng cao nguyên được bao quanh bởi những dãy núi điệp trùng.
Do nằm ở độ cao hơn 1200m so với mực nước biển, nền nhiệt khá thấp nên trên đỉnh đèo Khau Phạ thường xuyên có mây mù. Đường đèo lại hiểm trở, quanh có uốn lượn, vắt qua núi non chập trùng.
Đèo Khau Phạ là một trong những cung đường đèo quanh co và dốc đứng thuộc hàng bậc nhất Việt Nam, vượt qua đỉnh núi Khau Phạ, ngọn núi cao nhất vùng Mù Căng Chải.
Trong suốt chiều dài đường đèo có đến vài chục đoạn đường cua khúc tay áo. Vào những ngày mây mù, đèo Khau Phạ trở nên cực kì nguy hiểm cho cánh lái xe vì tầm nhìn bị hạn chế. Thêm vào đó là sự nguy hiểm rình dập đến từ những tảng đá từ trên núi cao có thể rơi xuống trong điều kiện thời tiết xấu.
Đèo Bắc Sum (Hà Giang)
Đèo Bắc Sum nằm giữa Vị Sum và Quản Bạ, uốn lượn và ngoành ngoèo đưa du khách đến với hành trình khám phá cao nguyên đá Đồng Văn.
Từ đây nhìn xuống phía dưới, bạn sẽ thấy con đường nhỏ uốn lượn và những ngôi nhà chênh vênh trên những ngọn núi cao.
Thuộc địa phận của tỉnh Hà Giang, đèo Bắc Sum được dân phượt nhắc tới như đèo Pha Đin thứ 2 của miền Bắc. Con đèo nổi bật với những khúc đường nhỏ, uốn lượn, ngoằn ngoèo sẽ mang lại cho những bạn ưa mạo hiểm cảm giác rất thú vị.
Đèo Pha Đin (Sơn La – Điện Biên)
Đèo Pha Đin còn gọi là dốc Pha Đin, nối liền giữa hai tỉnh Sơn La – Điện Biên, lừng danh từ trong chiến dịch Điện Biên Phủ bởi phải hứng chịu hàng nghìn tấn bom đạn mà vẫn trường tồn. Tên gọi đèo Pha Đin xuất phát từ tiếng dân tộc Thái là “Phạ Đin”, trong đó Phạ nghĩa là trời, Đin là đất hàm ý ở đây là chỗ tiếp giáp giữa trời và đất.
Từ đỉnh đèo nhìn xuống, Pha Đin hiện ra một địa thế rất hiểm trở, chênh vênh, con đường mỏng manh vắt vẻo giữa một bên là vách núi, một bên là vực sâu hun hút. Độ dốc của đèo khoảng 10%, có chỗ 12% đến 15% thậm chí có những đoạn cua ngược dốc cục bộ 19%. Lúc lên dốc và xuống dốc, con đường dài ngoằn ngoèo với 8 cung đường đua hết sức nguy hiểm, bán kính đường cong dưới 15m và bên cạnh đó là vô số các khúc cua tay áo, cua chữ A, chữ Z trong đó có rất nhiều đoạn chỉ đủ cho một ô tô đi qua. Một yếu tố nguy hiểm của Pha Đin là nằm trên khu vực núi đất đỏ. Không phải núi đá vôi như những con đường lừng danh khác, nên nền đất tương đối yếu, dễ xảy ra sụt nở đất vào mùa mưa.
Năm 2005, chính phủ quyết định đầu tư nâng cấp tuyến quốc lộ 6 trên Tây Bắc. Trong đó, đoạn Sơn La – Tuần Giáo được thi công từ năm 2006 đến 2009 thì hoàn tất, chia đèo Pha Đin thành 2 tuyến cũ và mới trên ngã 3 đỉnh đèo. Đèo Pha Đin cũ dài 32km (từ km 360 đến km 392 nằm trên quốc lộ 6 cũ), có điểm cao nhất là 1648m so với mực nước biển và khoảng 125 khúc cua nổi tiếng hiểm trở, đường hẹp, nhiều đoạn chỉ đủ cho một ô tô đi qua. Đèo Pha Đin mới được xây bám theo sườn núi phía trái quốc lộ 6 cũ. Chiều dài giảm còn 26km với khoảng 60 khúc cua, có cua rộng tới 60m, độ dốc hạ xuống còn 8% đặc biệt mặt đường rộng gấp 2 lần so với trước.
Từ khi tuyến đèo Pha Đin mới được đưa vào sử dụng đã giúp xe cộ lưu thông an toàn hơn, còn tuyến đèo Pha Đin cũ chỉ còn phù hợp cho người dân bản địa hoặc những du khách ưa mạo hiểm đến chinh phục và khám phá.
Đèo Mã Pí Lèng (Hà Giang)
Đèo Mã Pí Lèng là con đường đèo dài khoảng 20km, nằm trên con đường Hạnh Phúc nối từ thành phố Hà Giang đi Đồng Văn, Mèo Vạc. Cao hơn 1200m so với mực nước biển Mã Pí Lèng như dải lụa quanh uốn khúc, lượn theo sườn núi với những vực sâu thẳm là một thử thách lớn cho những ai yêu thích du lịch mạo hiểm. Trông từ xa con đèo như xẻ đôi, một bên là đỉnh Mã Pí Lèng, một bên là Săm Pun (Sam Pun) – nơi có cột mốc biên giới và của khẩu thông sang Điền Bông, Trung Quốc.
Mã Pí Lèng gọi theo tiếng Quán Hỏa chỉ “sống mũi con ngựa” theo nghĩa đen, nói rộng ra miêu tả sự hiểm trở của đỉnh núi, nơi dốc cao đến mức con ngựa đi qua cũng phải tắt thở, hoặc đỉnh núi dựng đứng như sống mũi con ngựa. Đèo Mã Pí Lèng tuy không dài nhưng là cung đường hiểm trở nhất ở vùng núi phía Bắc, được ví như “vua” của các con đèo Việt Nam.
Trái với vẻ đẹp hùng vĩ là sự nguy hiểm luôn rình rập cánh tài xế mỗi lần đánh lái vào cua. Sự nguy hiểm đến từ sương mù, đường ngoằn ngoèo trật hẹp cộng thêm những đoạn cua tay áo khiên các xe đi ngược chiều rất khó khăn khi tránh nhau.
Để làm con đường này đã có hàng chục nghìn nhân công từ khắp các tỉnh miền Bắc ngày đêm miệt mài đục đá, riêng đoạn qua Mã Pí Lèng được các thanh niên cảm tử treo mình trên vách núi lấn từng centimet để làm đường trong 11 tháng. Cung đường đèo ban đầu được mở chỉ rộng chỗ cho người đi bộ và xe thồ, về sau được mở rộng hơn cho xe thô nhưng vẫn rất nguy hiểm vì những đoạn cua tay áo. Sau khi hoàn thành, đèo Mã Pí Lèng với 9 khúc quanh uốn bên vách đá dựng đứng, dưới là vực thẳm hun hút.
Với địa thế hiểm trở và cảnh quan hoang sơ kì vĩ, đèo Mã Pí Lèng trên cao nguyên Hà Giang là một trong tứ đại đỉnh đèo của vùng núi Tây Bắc.
Đèo Mã Phục (Cao Bằng)
Du khách đến Cao Bằng, nếu muốn đi thăm thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao (huyện Trùng Khánh) hay đi thăm cửa khẩu quốc tế Tà Lùng (huyện Phục Hoà), thăm thị trấn Quảng Uyên (huyện Quảng Uyên) trù phú… đều phải đi qua đèo Mã Phục.
Đèo cách thành phố Cao Bằng khoảng 20km về phía đông, thuộc địa phận xã Quốc Toản, huyện Trà Lĩnh. Mặc dù đèo khá hiểm trở song lại có rất nhiều cảnh đẹp.
Đèo Mã Phục dài khoảng 3,5km; cao khoảng 700m so với mực nước biển. Nó quanh co uốn lượn theo triền núi đá vôi.
Từ chân đèo lên đến đỉnh đèo tính ra có đến 7 tầng dốc gấp khúc. Một bên đèo là vách núi cao chót vót, một bên là vực sâu với những khe núi hẹp. Đèo Mã Phục là con đường độc đáo, là cửa ngõ đi các huyện phía đông của tỉnh Cao Bằng.
Đèo Mã Phục tuy không quá nguy hiểm như Ô Quy Hồ hay Mã Pí Lèng nhưng cũng khiến cho những người không đi quen trên đường này cũng phải lo sợ trong lần đầu tiên đi qua.
Đèo Ô Quy Hồ (Lai Châu)
Đèo Ô Quy Hồ có cung đường dài ngoằn nghoèo trên quốc lộ 4B. Trong đó, 2/3 quãng đường thuộc địa phận huyện Tam Đường, Lai Châu, 1/3 còn lại nằm ở phía Sa Pa, Lào Cai. Đây có lẽ là một con đèo giữ kỷ lục về độ dài tại vùng núi Tây Bắc – Việt Nam với chiều dài lên tới gần 50km. Đỉnh đèo Ô Quy Hồ giữa mây núi ngút ngàn còn được gọi với cái tên Cổng Trời.
Khi mùa đông đến, đỉnh đèo Ô Quy Hồ có thể phủ kín băng tuyết. Đèo Ô Quy Hồ còn được gọi là đèo Hoàng Liên Sơn hay đèo Mây cắt ngang dãy Hoàng Liên Sơn.
Tuyến đường đèo này hiện được nâng cấp tốt, trở thành một cung đường xe cộ đi lại thường xuyên hơn. Mặc dù vậy, với một bên là vực sâu hun hút và phía còn lại là vách đá dựng đứng đường đèo lại uốn lượn quanh co, lên xuống liên tục theo độ chập trùng của dãy núi, con đèo danh bất hư truyền này sẽ khiến người chinh phục có những pha đổ đèo, cắt cua “tái mặt”. Chỉ cần một giây bất cẩn là cả người và xe sẽ lao xuống vực sâu bên dưới. Nguy hiểm nhất là các đoạn “cua tay áo” men vực thẳm rất khó đi.
Để đảm bảo an toàn, tốt nhất bạn nên đi bằng xe máy hoặc ô tô vào ban ngày, không đi vào buổi tối khi tầm nhìn bị hạn chế và luôn giữ tốc độ vừa phải để xử lý được mọi tình huống bất trắc có thể xảy ra.
Có thể bạn thích: