“Ai qua Nam Định chớ quên. Bánh gai đôi cặp hương quê làm quà. Sông bồi đất nở phù sa. Trái thơm quả ngọt bãi hoa tươi màu. Thủ công mĩ nghệ thiếu đâu. Biển cho muối mặn dân giàu cần lao. Bồi hồi tức cảnh ước ao. Câu thơ để ngỏ, đi nào,về thôi. Thiên Trường-sân bóng sáng ngời. Đậu lại bến cuối cái tôi Tự Hào” Đây là bài thơ ngẫu hứng của cô Lê Băng Tâm viết về mảnh đất Nam Định thân yêu. Cũng như tinh thần của bài thơ, mình luôn thấy tự hào về quê hương mình – Nam Định và cũng rất tự hào khi đã được làm học trò của cô Tâm. Nhưng gác lại cảm xúc này, mình muốn giới thiệu với mọi người những làng nghề nổi tiếng trên mảnh đất Thành Nam yêu dấu.
Làng nghề sơn mài Cát Đằng
Làng thuộc xã Yên Tiến, huyện Ý Yên. Sử sách ghi lại rằng, hai ông tên là Đinh Ba và Ngô Dũng (là quan triều nhà Đinh) đến làng ở và dạy nghề cho người làng vào thế kỉ XI. Trải qua bao thăng trầm, làng nghề sơn mài này vẫn đang được gìn giữ và phát triển. Những cây nứa bánh tẻ không quá non, cũng không quá già đem ngâm nước ít nhất 6 tháng để tránh mối mọt và tăng độ dẻo dai. Sau đó, người ta vớt tre lên mang đi vót và đánh bóng nan tre, đem đặt vào khuôn rồi quết một lớp keo lên mài miết đến khi sản phẩm nhẵn bóng, đủ mỏng mới thôi. Trước kia, người thợ mài thủ công phải mất 3 tháng mới xong 1 sản phẩm, giờ đã có máy móc nên chỉ mất vài ba ngày. Nhưng đây mới là sản phẩm thô, các nghệ nhân sẽ trang trí thêm các hoa văn, pha màu và phun sơn để hoàn thiện sản phẩm. Bí quyết phun sơn và pha màu chỉ có người làng mới biết, không truyền dạy ra bên ngoài. Các đồ trang trí trong cung đình Huế, Hà Nội xủa hầu hết là do bàn tay tài hoa của các nghệ nhân làng Cát Đằng làm ra.
Làng nằm giữa hai tuyến đường sắt và đường bộ xuyên Việt nên bạn đi dọc tuyến đường này về đến đoạn Nam Định hỏi thăm làng sơn mài Cát Đằng là tới.
Làng nghề làm phở
Không chỉ ở Nam Định, ngay tại Hà Nội cũng có thể dễ dàng tìm thấy quán phở đề biển “Phở gia truyền Nam Định”. Tại sao phở Nam Định lại có sức hút đến thế, cùng tìm hiểu nào.
Tại xã Đồng Sơn, huyện Nam Trực có đến tận 3 làng nghề làm phở, đó là: làng Vân Cù, làng Tây Lạc và làng Giao Cù. Đến đây bạn hỏi họ Cồ, họ Vũ làm phở người nào cũng biết. Ở đây làm phở là lâu đời nhất, nhiều nhất và món phở bò cũng là độc nhất vô nhị. Người ta chọn loại gạo đã hết nhựa từ mùa trước sau đó đem nghiền được thứ bột vừa trắng vừa dai, đem tráng mỏng trên nồi hơi nước đun bằng than củi để được bánh phở. Thịt bò phải lấy từ con bò đã trưởng thành, to khỏe, trọng lượng trong khoảng 3 đến 4 tạ một con thì nước dùng mới ngọt. Độ ngon của phở phụ thuộc lớn vào độ ngọt của nước dùng. Muối được dùng rất ít vì nó khiến phở có vị mặn chát, người ta thay thế muối bằng nước mắm. Nước mắm được lựa chọn kỹ vì nếu nước mắm không ngon thì nước phở sẽ vẩn đục cũng như bớt ngon đi một chút. Nồi xương hầm nhừ để lấy nước dùng phải thêm một ít gừng và hành khô. Thịt bò tươi sống được rửa thật sạch rồi đem đi luộc. Nếu nước luộc nổi bọt thì vớt ngay bọt đi. Sau khi thịt chín thì để thịt trong nồi một giờ đồng hồ mới vớt ra cho ráo nước. Thịt được thái và ướp gia vị dùng chung với bánh phở và nước dùng,…
Phở Cồ tức phở của dòng họ Cồ là nổi tiếng nhất nhưng ở Đồng Sơn các họ khác nấu phở cũng rất khéo, góp phần xây dựng và gìn giữ thương hiệu phở gia truyền Nam Định.
Làng nghề nước mắm Sa Châu
Làng Gòi tức làng Sa Châu thuộc xã Giao Châu, huyện Giao Thủy. Mắm làng Gòi đã nổi tiếng từ thời vua Minh Mạng. Quanh làng lúc nào cũng dậy mùi nước mắm. Nhà nào cũng hàng hàng lối lối chum vại phơi quanh nhà. Với hơn một trăm hộ làm nghề, sản lượng nước mắm của làng hàng năm lên đến cả 500.000 lít. Thị trường tiêu thụ chủ yếu của nước mắm Sa Châu là trong địa bàn tỉnh và 1 số tỉnh kế bên như Hà Nam, Thái Bình, Ninh Bình.
Cá nhỏ và tép moi tươi ngon được lựa chọn kĩ để làm nguyên liệu. Mùa xuân sẽ dùng cá cá nục, mùa đông thì cá cơm vì trong khoảng thời gian này chúng béo nhất, mắm sẽ không bị đắng. Muối dùng để ướp cá là muối cũ để muối đã hết vị chát, mười tám cân muối đủ để ướp cho một tấn cá. Để cá chín ngấu tự nhiên, sau sáu tháng sẽ đưa ra lọc bằng vải xô đặt trên rổ tre để lọc ra nước mắm nguyên chất. Mắm được “nấu sương, nắng, gió” chứ không nấu lửa. Mắm sau khi lọc ra để phơi ngoài trời nắng cũng như sương đêm sáu tháng nữa những nhất quyết phải tránh mưa cho mắm. Sau sáu tháng này, mắm được rót vào chum đen, chôn ủ trong lòng đất ít nhất một năm mới đem ra dùng.
Mắm làng Gòi sánh như mật ong, trong tựa hổ phách, hương thơm, vị mặn ngọt dù ăn với cơm trắng cũng thấy ấm lòng.
Làng nghề làm miến, bánh đa thôn Phượng
Thôn Phượng thuộc xã Nam Dương, huyện Nam Trực. Ở đây từ lâu đã nổi tiếng với nghề làm miến, bánh đa, đến năm 2013, làng đã được nhận giấy chứng nhận làng nghề truyền thống.
Ở đây làm 2 loại miến: miến gạo và miến dong. Làm ra 1 tấn miến gạo cần 1,2 đến 1,3 tấn gạo, làm ra 1 tấn miến dong cần 1,6 đến 1,8 tấn bột dong. Bột sau khi sơ chế, tráng thành bánh, đem hấp chín rồi phơi ra ánh nắng mặt trời sau đó đem về dùng máy cán thành sợi. Sau khi cán sợi miến được phơi một nắng nữa để khi ăn sợi miến vừa mềm lại có độ giòn tự nhiên, sợi đẹp, mùi thơm.
Ngoài nghề làm miến, thôn Phượng nổi tiếng với nghề làm bánh đa. Đây là bánh đa theo chiếc chứ không phải miến bánh đa để nấu. Người làng chọn loại gạo tẻ ngon đem ngâm từ 12 đến 13 tiếng sau đó đem xay 2 lần bằng máy xay bột để được một thứ bột nhuyễn mịn, lọc hết bụi bẩn, sờ vào mát da tay. Sau đó cho bột nở vào với lượng phù hợp, luyện cho nhuyễn rồi đem đi tráng bánh. Khâu tráng bánh thường dành cho những người khéo tay vì tráng bánh phải nhẹ tay, đều phụ gia (vừng), bánh phẳng, có bán kính nhân 2 tầm 40 cm. Bánh sau đó được đem phơi hai nắng cho khô kiệt. Khâu cuối cùng là đem quạt trên than hoa để tạo hình dáng cho bánh. Những chiếc bánh ra lò đều đặn, không méo mó lại rất giòn, vị béo bùi của vừng rang lại thơm phức, hấp dẫn.
Thị trường tiêu thụ miến, bánh đa của làng đã lan rộng từ Hà Nội, Thái Bình, Hải Phòng, Sơn La,… cho tới 1 số tỉnh phía Nam. Bạn đi dọc tỉnh lộ từ phía thành phố Nam Định khoảng gần 20 km hỏi về thôn Phượng, xã Nam Dương, người dân sẽ chỉ đường cho bạn.
Làng nghề làm đèn ông sao Báo Đáp
Làng Báo Đáp thuộc xã Hồng Quang, huyện Nam Trực. Đây là làng nghề duy nhất và lâu đời nhất làm đèn ông sao ở Việt Nam. Từ những năm 50 của thế kỉ 20, các loại đèn ông sao, hoa giấy, hoa nilon đã có mặt ở các phiên chợ thuộc các tỉnh miền Bắc. Và nghề làm đèn ông sao đã trở thành nghề phụ của cả làng Báo Đáp trong mỗi dịp Tết Trung thu sắp về. Các vật liệu để làm đèn gồm: tre nứa, giấy bóng kính, xương đay để làm cán. Người ta đem tre nứa đã vót cột lại với nhau bằng dây kẽm để tạo khung sau đó dán giấy bóng kính lên và cuối cùng là vẽ. Nghe có vẻ đơn giản nhưng mỗi công đoạn đều cần sự tỉ mỉ, kiên trì của người thợ. Để đèn căng tròn, không bị gãy thì tre phải được ngâm lâu để nan đủ dẻo. Có ba loại đèn chính theo kích cỡ đường kính: 30 cm, 40 cm và 50 cm nên nan tre cũng được vót và phân loại theo kích thước này. Giấy bóng kính trắng được mua về rồi ngâm nhuộm thành màu đỏ, vàng tùy ý. Nhuộm xong, đem cắt thành hình ngôi sao 5 cánh đều tăm tắp. Hồ dán được quệt lên khung rồi dán giấy bóng kính lên, vòng tre tròn quanh ngôi sao cũng được quấn tua rua cẩn thận. Sau khi hoàn thành, đèn được đem phơi cho khô hồ dán rồi chia lô thành 100 chiếc một lô đem đi bán. Thị trường tiêu thụ đèn hầu như trên khắp cả nước và chủ yếu ở thành phố Nam Định, Hải Phòng, Hà Nội.
Dù nghề chỉ làm trong vỏn vẹn hai tháng trong năm nhưng sự rực rỡ lung linh của những chiếc đèn là minh chứng cho sức sống của làng nghề truyến thống này. Nếu bạn muốn ghé thăm làng hãy đi dọc đường tỉnh lộ khoảng 10 km từ thành phố Nam Định, hỏi thăm là sẽ đến.
Làng nghề cây cảnh Vị Khê
Làng Vị Khê thuộc xã Điền Xá, huyện Nam Trực. Ngôi làng này có tuổi nghề hơn 700 năm. Theo các cụ lớn tuổi kể rằng ông tổ nghề trồng hoa Tô Trung Tự đi đến Nguyễn Gia Trang (nay là làng Vị Khê) thì nhận thấy nơi đây đẹp, ruộng đồng màu mỡ, người dân chất phác, ông đã cho xây nhà để thỉnh thoảng ghé thăm. Không những thế, ông khuyến khích người dân ở đây mở rộng nghề nông, dạy họ trồng hoa, cây cảnh để làm sinh kế. Đến khi nhà Trần cho xây dựng cung Tức Mặc ở Nam Định thì làng hoa Vị Khê có điều kiện phát triển để cung cấp hoa cho cung đình. Từ đó về sau nghề hoa ở đây liên tục phát triển.
Ở Vị Khê, quất rất nhiều, thế cây lại đẹp, cứ mỗi độ xuân về quất ở đây được đưa đi đến mọi miền đất nước. Ngoài ra làng còn có nhiều loại hoa như phong lan, hồng trà, hải đường, đỗ quyên, thược dược, lay ơn,… Các loại cây cảnh nổi tiếng ở đây là : Vạn Tuế, Sanh , Si, Tùng La Hán, cau Vua,… Cây được uốn thành nhiều dạng, các tác phẩm tiêu biểu như tháp Effel, tháp Phổ Minh, chim Phượng Hoàng, chim Công,… luôn làm các du khách thích thú, ngỡ ngàng trước những sáng tạo, sự tài hoa của các nghệ nhân.
Làng nghề nấu rượu Kiên Lao
Từ xa xưa thời chống Pháp, rượu ở Tổng Kiên Lao đã nức tiếng Thành Nam. Tổng Kiên Lao nay là hai xã Xuân Tiến và Xuân Kiên, huyện Xuân Trường. Để nấu một mẻ rượu ngon, người Kiên Lao phải tỉ mỉ trong khâu chọn gạo, lấy men. Gạo nấu rượu là gạo nếp cái hoa vàng nổi tiếng ở huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Một mẻ rượu thường cho ra 6 đến 7 lít rượu từ 10 kg gạo. Đầu tiên, gạo được xóc kĩ để khỏi chua. Đun nồi nước sôi rồi mới cho gạo vào sao cho mực nước cao hơn bề mặt gạo khoảng 1 phân. Khi cơm sôi lại thì phải đảo thật đều tay, đợi khoảng 5 phút rồi vùi cơm cho chín. Khoảng bốn tiếng sau, lấy cơm ra, đánh tơi và rắc men rượu lên. Sau đó cho cơm vào thùng nhựa, bịt kín lại để 1 tuần sau cơm lên men mới cho vào chum. Khi gạo rượu đã lên men thì tiến hành chưng cất để lấy rượu thành phẩm. Rượu này có vị thơm, cay ngọt, trong như nước suối rất hấp dẫn người thưởng thức. Ngày nay làng chỉ còn 1 số gia đình nấu rượu để tự phục vụ địa phương. Làng nghề rượu nhưng chẳng mấy người nghiên thức uống này, người dân Kiên Lao rất chăm chỉ và sáng tạo, họ đã sản xuất ra những sản phẩm cơ khí xuất khẩu đi nhiều nước châu Âu. Và rượu truyền thống giờ chỉ dùng để nhâm nhi và bàn công chuyện chứ không để nhậu nhẹt say sưa. Nếu bạn muốn tìm đường từ thành phố Nam Định về làng Kiên Lao thì hãy đi dọc theo tỉnh lộ 490 đi qua cầu Lạc Quần tầm 1 km sẽ đến xã Xuân Kiên, người dân sẽ chỉ cho bạn những gia đình vẫn còn giữ nghề nấu rượu.
Làng nghề mây tre đan Thạch Cầu
Làng thuộc xã Nam Tiến, huyện Nam Trực. Ở nơi đây, từ các cụ già đã ngoài bảy mươi đến những đứa trẻ mới lên mười đều có thể thoăn thoắt đan tre, thế nên nghề đã phát triển hàng trăm năm nay. Tre và mây nguyên liệu phải già, tre có dóng dài, càng thẳng càng tốt. Tre nứa được chặt về, ngâm dưới ao ít nhất một tháng để chống mối mọt mới được mang lên chẻ vót. Những gióng thẳng được làm nan chính, ngọn và gốc để làm cạp và nan dát. Công đoạn chẻ nan phải làm liên tục và nhanh vì để lâu tre sẽ bị khô. Những sợi mây già được chẻ mỏng, phơi cho săn rồi lại ngâm nước cho mềm, lột một lần nữa cho mỏng. Người thợ dùng dao cán dài, sống dao dày, lưỡi sắc tách tre ra thành từng nan mỏng từ 1 đến 2 mm. Nan được đan thành phên, chêm cho chặt, xong đem ra lò hun khói để lên màu cánh gián là đạt yêu cầu. Thường những người đàn ông sẽ đảm nhiệm việc chẻ nan, uốn cạp, nứt mây và hun còn người già, trẻ em và phụ nữ sẽ đan phên và đem ra chợ bán. Ở đây thường có câu truyền miệng “Thúng Thạch Cầu đứng đầu thiên hạ” cũng là có lí do.
Đến thăm làng hoặc mua sản phẩm bạn đi dọc theo tỉnh lộ 490 khoảng 10 km từ thành phố Nam Định rồi hỏi thăm đến Thạch Cầu.
Có thể bạn thích: