Từ xưa đến nay, trong lịch sử văn học Việt Nam vẫn tồn tại những kho tàng thơ phong phú không chỉ ở nam mà nữ giới cũng phát triển mạnh mẽ qua từng giai đoạn. Nó đánh dấu một bước phát triển của xã hội, đánh bay tư tưởng phong kiến một thời là “trọng nam khinh nữ” thay vào đó là “nam nữ bình quyền”. Những nữ nhà thơ đã để lại cho đất nước những tác phẩm bất hủ cho đến bây giờ khi đọc lại, chúng ta vẫn cảm thấy thú vị và ý nghĩa. Bây giờ, chúng ta hãy cùng nhau điểm lại những nhà thơ nữ của Việt Nam cùng với nét nổi bật trong cuộc đời lẫn sự nghiệp của họ.
Đoàn Thị Lam Luyến (sinh năm 1953)
Nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến sinh năm 1953, quê quán tại xã Anh Dũng, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên.
Đến với thơ của bà, độc giả sẽ dễ dàng nhận thấy xuyên suốt các tập thơ là tình cảm yêu thương đằm thắm của người phụ nữ đa đoan đầy truân chuyên và bất hạnh trên con đường đi tìm hai chữ “hạnh phúc”. Thơ của bà không ủ rũ sầu muộn mà ánh lên niềm lạc quan trong tâm hồn. Chủ đề trong thơ chỉ là những vấn đề rất đời thường như tình cảm vợ chồng, tình yêu, tình mẹ con nhưng lại nhẹ nhàng cuốn lấy người đọc bởi sự trải nghiệm, thấu hiểu đến tâm can của những con người đồng cảnh ngộ. Do đó, nó toát lên sự đồng cảm sâu sắc.
Một số tác phẩm thơ tiêu biểu của bà như: Khát vọng; Đà Nẵng; Đàn bà; Đêm cành đa; Đến hang; Bồ Nâu học đánh cờ; Đợi; Đừng hứa sẽ cho nhau;…
Hồ Xuân Hương (1771-1822)
Nhắc đến Hồ Xuân Hương, người ta sẽ nhớ ngay đến bốn chữ “Bà chúa thơ Nôm”, là một trong số những nhà thơ nữ tiêu biểu cho nền văn học Việt Nam. Bà là người thông minh, thích kết giao bạn bè nhưng đường tình lại ngang trái, hai đời chồng đều phải chịu số phận làm vợ lẽ và cảnh góa phụ.
Thơ ca Hồ Xuân Hương thể hiện sâu sắc tiếng nói bản thân và được sáng tác theo một niêm luật chặt chẽ.
Thơ bà luôn được trình bày theo hai phong cách thất ngôn bát cú hoặc thất ngôn tứ tuyệt với bút pháp điêu luyện. Tập thơ nổi tiếng được đánh giá cao là phải nói đến “Lưu hương ký” gồm 24 bài thơ chữ Hán và 28 bài thơ Nôm. Qua tác phẩm, nhà thơ đã thể hiện rõ nét tâm sự của một người phụ nữ với người bạn trai bằng một bút pháp nghệ thuật sắc nét.
Bên cạnh đó, Hồ Xuân Hương còn có một số bài thơ tiêu biểu khác như: Bánh trôi nước, Mời trầu, Cái quạt, Đánh đu, Chơi hoa,…
Phan Thị Thanh Nhàn (sinh năm 1943)
Phan Thị Thanh Nhàn sinh năm 1943 tại phường Tứ Liên, quận Tây Hồ, Hà Nội, là một nhà thơ nữ nổi tiếng của Việt Nam.
Phan Thị Thanh Nhàn viết đa phần là thơ tình. Theo thời gian, ta có thể thấy sự biến chuyển trong lời thơ của bà. Ban đầu là những bài thơ tình nhẹ nhàng, tươi tắn sau đó chuyển sang giàu trải nghiệm, trăn trở nhưng cũng độ lượng hơn. Thế nhưng, tất cả chúng đều có một điểm chung là sự chân thành và gần gũi.
Năm 1999, bài thơ Hương thầm của bà đoạt giải nhì cuộc thi thơ của báo Văn Nghệ. Ngoài công việc làm thơ, bà còn viết báo, truyện ngắn và truyện cho thiếu nhi.
Tác phẩm tiêu biểu như: Tháng giêng hai (thơ, 1969), Hương thầm (thơ, 1973), Chân dung người chiến thắng (thơ, 1977), Bông hoa không tặng (thơ, 1987),…
Anh Thơ (1921 – 2005)
Nữ sĩ Anh Thơ (1921 – 2005) tại thị trấn Ninh Giang, tỉnh Hải Dương, xuất thân trong một gia đình có truyền thống Nho học. Tên thật là Vương Kiều Ân. Ngoài bút danh Anh Thơ được nhiều người biết đến, bà còn nhiều bút danh khác như: Hồng Anh, Tuyết Anh, Hồng Minh. Nét đặc sắc trong thơ của bà là nét đa tình lại đa đoan, cách dùng ngôn từ cũng rất riêng và giản dị, tìm đến cái mộc mạc đời thường.
Dường như những người con gái “tài hoa” đều “bạc mệnh” như hai câu thơ của đại thi hào Nguyễn Du: “Đau đớn thay phận đàn bà/ Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung” . Tình duyên của nữ sĩ cũng lắm trắc trở để rồi chặng cuối cuộc đời là những chuỗi ngày buồn vô tận. Bà trải qua tất cả sáu mối tình đến cuộc tình cuối cùng kết hôn với bác sĩ Bùi Viên Dinh nhưng cuộc đời lại lắm trớ trêu, trong ngôi nhà của hai vợ chồng lại thiếu mất nụ cười trẻ thơ. Cuộc sống cô quạnh đến tuổi xế chiều.
Tác phẩm tiêu biểu của bà như: Bức tranh quê (thơ, 1939), Xưa (thơ, in chung, 1942), Hương xuân(thơ, tin chung, 1944), Theo cánh chim câu (thơ, 1960),…
Ngân Giang (1916 – 2002)
Nữ thi sĩ Ngân Giang (1916 – 2002), tên thật là Đỗ Thị Quế, xuất thân trong một gia đình Nho học tại phố Hàng Trống, Hà Nội. Ngoài ra, bà còn có các bút danh khác: Hạnh Liên, Đỗ Quế Anh, Nguyệt Quyên.
Nữ sĩ Ngân Giang nổi tiếng là một nhà thơ nữ thời tiền chiến và góp cho đời nhiều áng thơ hay lại bị các nhà phê bình văn học lãng quên. Điều ấy có phải ứng với bốn chữ mà ta vẫn thường hay nói “tài hoa bạc mệnh”.
Trong sự nghiệp sáng tác, bà vẫn gắn bó với thể thơ Đường luật hoặc các thể thơ dân tộc trong khi nhiều nhà thơ lãng mạn cùng thời chịu ảnh hưởng của văn chương phương Tây. Nguồn mạch chủ yếu trong thơ bà là nỗi buồn man mác của những mối tình dang dở, bất hạnh.
Tác phẩm tiêu biểu như: Giọt lệ xuân (nhật ký và thơ dưới bút danh Hạnh Liên), Nhà xuất bản Tân Dân 1932; Tiếng vọng sông Ngân, Nhà xuất bản Lê Cường 1944; Ba tập Thơ Ngân Giang, Nhà xuất bản Phụ Nữ 1989 – Nhà xuất bản Trẻ 1991 – Nhà xuất bản Phụ Nữ 1994….
Sương Nguyệt Anh (1864-1921)
Vừa là nhà thơ và là nữ chủ bút đầu tiên của Việt Nam chỉ có thể là Sương Nguyệt Anh (1864-1921). Tờ báo nữ giới đầu tiên được xuất bản tại Sài Gòn mang tên “Nữ Giới Chung” do bà phụ trách. Tên thật của bà là Nguyễn Thị Khuê, sinh tại xã An Đức, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre và là con gái thứ tư của nhà thơ nổi tiếng Nguyễn Đình Chiểu
Có thể nói việc làm thơ của Sương Nguyệt Anh giống như một thói quen, thơ của bà nhắc nhở mọi người đừng bao giờ quên cảnh mất nước nhà tan. Qua đó, mọi người phải có ý thức sống sao không hổ với một đất nước có truyền thống đánh giặc giữ nước hào hùng của dân tộc.
Sáng tác của bà tuy nhiều nhưng không gom thành tập. Nay chỉ còn lưu lại một số bài thơ như: Đoan Ngọ nhật điếu Khuất Nguyên, Tức sự, Chinh Phụ thi, Thưởng bạch Mai, Vịnh ni cô,…
Bà Huyện Thanh Quan (1805-1848)
Trong số nhà thơ nổi tiếng thời cận đại phải kể đến Bà Huyện Thanh Quan (1805-1848), tên thật là Nguyễn Thị Hinh, người phường Nghi Tàm, huyện Vĩnh Thuận, Hà Nội. Bà là vợ ông Lưu Nghị (1804-1847), người làng Nguyệt Áng, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông (nay thuộc Hà Nội). Ông đỗ cử nhân năm 1821 (Minh Mệnh thứ 2), từng làm tri huyện Thanh Quan nên người ta thường gọi bà là Bà Huyện Thanh Quan.
Một số tác phẩm để đời của bà được lưu truyền cho đến ngày nay như: Qua đèo Ngang, Chùa Trấn Bắc, Thăng Long hoài cổ, Cảnh chiều hôm, Chiều hôm nhớ nhà, Cảnh thu (2). Chúng đều là những bài thơ tả cảnh thiên nhiên xinh đẹp, thơ mộng như một bức tranh thủy mặc, mượn cảnh tả cái tình ẩn trong lòng độc đáo.
Lâm Thị Mỹ Dạ (sinh năm 1949)
Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ sinh năm 1949, tại huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng BÌnh. Bà được Chủ tịch nước tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật vào năm 2007.
Mỗi nhà thơ, nhà văn đều có một nét riêng của họ. Ở nhà thơ Mỹ Dạ, ta có thể thấy âm hưởng chính trong thơ xuất phát từ những giai điệu trầm, nhẹ, đằm thắm, không ồn ào nhưng lại khỏe mạnh không giống ở những nhà thơ nữ khác. khi triển khai ý thơ, bà thường lấy nội dung làm trọng tâm, làm chủ được ngòi bút, không để ngôn từ trói buộc suy nghĩ.
Tác phẩm tiêu biểu của bà như: Trái tim sinh nở (thơ, 1974), Bài thơ không năm tháng (thơ, 1983), Hái tuổi em đầy tay (thơ, 1989), Mẹ và con (thơ, 1994),…
Có thể bạn thích: