Những năm tháng chống Mỹ hào hùng của dân tộc đã để lại biết bao hồi ức và những dấu ấn khó phai mờ. Hình ảnh những cô gái thanh niên xung phong, anh bộ đội cụ Hồ là 1 trong những những hình ảnh đẹp nhất, lãng mạn và anh hùng nhất trong kháng chiến. “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” sáng tác năm 1969 của Phạm Tiến Duật – 1 trong những những nhà thơ tiêu biểu của thế hệ nhà thơ trẻ những năm chống Mỹ, chính là 1 trong những những minh chứng tiêu biểu cho nét tinh nghịch cũng như tinh thần bất khuất, hiên ngang, hào hùng của người chiến sĩ. Mời các bạn tham khảo một số bài văn phân tích hình tượng người lính lái xe trong tác phẩm “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” đã được TopChuan.com tổng hợp trong bài viết sau đây.
Bài văn phân tích hình tượng người lính lái xe số 2
Nói đến thơ ca thời kỳ chống Mỹ, cứu nước, không thể không nhắc đến một người, đó là nhà thơ Phạm Tiến Duật. Ông như thể được sinh ra để làm thơ về cuộc chiến tranh chống quân xâm lược Mỹ và bè lũ tay sai của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta và để trở thành đỉnh cao của thơ ca thời kỳ này. Là 1 trong những những gương mặt tiêu biểu của thế hệ các nhà thơ trẻ thời chống Mĩ cứu nước, Phạm Tiến Duật đem đến cho người đọc sự vui tươi, hồn nhiên, tinh nghịch trong thơ ông. Bài thơ về tiểu đội xe không kính có giọng điệu sôi nổi, trẻ trung, dí dỏm làm nổi bật hình ảnh những anh chiến sĩ lái xe Trường Sơn ngang tàng, ung dung và lạc quan yêu đời.
Không giống các nhà thơ khác, Phạm Tiến Duật đã thể hiện tính cách khác người của mình ngay ở hai câu thơ mở đầu. Không mĩ lệ hóa, không dùng hình ảnh thiên nhiên đẹp đẽ để so sánh, không trau chuốt, không bóng bẩy, hình ảnh chiếc xe trong thơ Phạm Tiến Duật rất trần trụi, bình dị, bị bom đạn không còn nguyên vẹn: Không có kính không phải vì xe không có kính. Đơn giản là vì Bom giật bom rung kính vỡ đi rồi nên xe không còn nguyên vẹn nữa. Thế nhưng, chiếc xe không kính ấy vẫn băng băng ra chiến trường làm nhiệm vụ.
Chiếc xe đầy tự tin, không hề lo sợ trước bom đạn khủng khiếp của giặc Mĩ. Khác với những gì trần trụi bên ngoài, đây là một chiếc xe dũng cảm, hiên ngang băng băng chạy. Xe vẫn băng ra tiền tuyến trên những đoạn đường đầy hiểm nguy. Có khác chăng đó là hình tượng những anh chiến sĩ lái xe Trường Sơn. Vì xe không có kính nên các anh được tiếp xúc trực tiếp với thế giới bên ngoài. Gió, sao trời, cánh chim, và cả bầu trời rộng cũng ùa vào buồng lái, hòa cùng nhịp thở nhộn nhịp của các anh chiến sĩ:
Nhìn thấy gió vào xoa mắt đắng
Nhìn thấy con đường chạy thẳng vào tim
Thấy sao trời và đột ngột cánh chim
Như sa như ùa vào buồng lái.
Không có một sự ràng buộc hay rào cản nào ngăn cách các anh tiếp xúc với đất trời. Mà cả thiên nhiên cũng muốn hòa mình với khí thế ấy. Chính vì thế mà các anh có thể nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng một cách vô cùng thoải mái, tự nhiên. Không có kính thì điều kiện chiến đấu cũng thiếu thốn nhưng các anh vẫn yêu đời, vẫn tự tin vào chiến thắng. Các anh xem mọi trở ngại chỉ là cơ hội để thử thách bản thân:
Không có kính, ừ thì có bụi,
Bụi phun tóc trắng như người già.
Chưa cần rửa, phì phèo châm điếu thuốc
Nhìn nhau, mặt lấm, cười ha ha.
Không có kính, ừ thì ướt áo
Mưa tuôn mưa xối như ngoài trời
Chưa cần thay, lái trăm cây số nữa
Mưa ngừng, gió lùa khô mau thôi.
Điệp cấu trúc không có kính … ừ thì …chưa cần thể hiện tính cách ngàng tàng, bất chấp tất cả khó khăn, gian khổ của hình tượng người lính trong bài thơ này. Không có kính chắn bụi thì đương nhiên phải có bụi bám lên tóc, nhưng các anh vẫn không lo, cứ để vậy mà nhìn nhau, mặt lấm, cười ha ha. Không có kính che mưa thì dĩ nhiên phải ướt áo, dù áo ướt nhưng các anh cũng mặc kệ, cứ để vậy mà lái tiếp bởi mưa ngừng, gió lùa khô mau thôi. Các anh vẫn giữ cái tư thế ấy, hiên ngang mà sao yêu đời quá đi thôi! Dù có thiếu thốn, cực khổ đến đâu, các anh vẫn yêu thương, chia sẻ cho nhau tình yêu thương cao cả:
Gặp bạn bè suốt dọc đường đi tới
Bắt tay qua cửa kính vỡ rồi.
Dường như trong chiến đấu gian khổ giúp chiến sĩ tôi rèn ý chí và giúp cho tình đồng đội của các anh thêm gắn kết, keo sơn. Dù vào sinh ra tử nhưng người lính vẫn hồn nhiên, vô tư và lạc quan tin tưởng. Chỉ một cái bắt tay qua khung kính vỡ rồi những cũng đủ gieo vào nhau những tình cảm tốt đẹp, các anh động viên nhau tiến bước quân hành. Tình cảm ấy đã làm các anh cảm thấy đầm ấm khi cùng chung một tiểu đội:
Bếp Hoàng Cầm ta dựng giữa trời
Chung bát đũa nghĩa là gia đình đấy
Võng mắc chông chênh đường xe chạy
Lại đi, lại đi trời xanh thêm.
Tiểu đội của các anh như một gia đình vui vẻ, hạnh phúc. Ở đó có vẻ đẹp của sự sum họp, chan hòa. Các anh có chung 1 điều tựa, tâm hồn nên gia đình ở chiến trường của các anh đều cùng chung một nhiệm vụ thiêng liêng. Các anh luôn tin tưởng vào tương lai đang chờ đợi họ phía trước. Câu thơ lại đi, lại đi trời xanh thêm với năm thanh bằng và điệp ngữ lại đi đã tạo nên một âm điệu thanh thản, nhẹ nhàng. Điều làm nên chiến thắng của các anh chính là lòng yêu nước, là ý chí chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước:
Không có kính, rồi xe không có đèn
Không có mui xe, thùng xe có xước,
Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước:
Chỉ cần trong xe có một trái tim.
Ở các anh có sự tương phản rõ rệt giữa vật chất và tinh thần, giữa bên ngoài và bên trong, giữa cái không có và cái có. Bom đạn kẻ thù đã làm cho xe không có kính rất nhiều. Không kính, không đèn, không mui nên chiếc xe đã trở nên trần trụi đến kì lạ, xe không còn nguyên vẹn… Nhưng một thứ rất cần mà các anh đã có, đó là trái tim yêu nước. Trái tim đầy nhiệt thành cách mạng, sẽ chiến thắng những thiếu thốn về vật chất. Trái tim yêu nước đã điều khiển chiếc xe không nguyên vẹn ấy băng về phía trước, vì miền Nam ruột thịt. Sức mạnh để xe băng mình ra trận chính là sức mạnh của trái tim người lính.
Với chất liệu hiện thực độc đáo, bài thơ thể hiện hình ảnh hào hùng của chiếc xe không kính, qua đó khắc họa nổi bật hình ảnh cao quý của người lính lái xe ở Trường Sơn trong thời kì kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Qua bài thơ, ta càng thấy rõ phẩm chất của người lính Trường Sơn: mộc mạc, giản dị và vĩ đại. Chúng ta càng biết ơn các anh chiến sĩ dũng cảm. Thế hệ trẻ Việt Nam nguyện tiếp bước các anh gìn giữ Tổ quốc Việt Nam mãi mãi trường tồn.
Bài văn phân tích hình tượng người lính lái xe số 7
Những năm tháng chiến tranh diễn ra ác liệt vẻ đẹp của những cô gái thanh niên xung phong, của những người lính trên tuyến đường Trường Sơn trở thành một đề tài hết sức hấp dẫn, luôn nhận được sự quan tâm, sáng tác của nhiều tác giả. Và trong những tác phẩm ấy, ta không thể không nhắc đến những người lính trên chiếc xe không kính trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật. Chân dung họ hiện lên với những khám phá mới mẻ mà vẫn vô cùng thống nhất.
Nếu như, trong bài thơ Đồng chí của Chính Hữu hình ảnh người lính nông dân hiện lên trong sự đồng cam cộng khổ, thấu hiểu những nỗi niềm của nhau, nhớ cây đa, bến nước, cùng nhau vượt qua thiếu thốn : Áo anh rách vai/ Quần tôi có vài mảnh vá/ Miệng cười buốt giá/ Chân không giày/ Thương nhau tay nắm lấy bàn tay . Thì người lính trong tác phẩm này lại hiện lên với một chân dung mới lạ, khác hẳn. Họ là những con người trẻ trung mang trong mình vẻ ung dung, hiên ngang trước những thử thách trên tuyến đường Trường Sơn:
Ung dung buồng lái ta ngồi
Nhìn đất nhìn trời, nhìn thẳng
Trong cuộc chiến tranh vô cùng khốc liệt, nhưng người lính vẫn giữ được phong thái ung dung, với cái nhìn thẳng đầy tự tin, tràn đầy nhiệt huyết. Nhịp thơ 2/2/2 kết hợp với từ láy ung dung được đảo lên đầu câu nhấn mạnh vào tư thế hiên ngang, làm chủ chiến trường của những người lính. Cái nhìn thẳng của họ không chỉ là nhìn vào con đường phía trước với sự tập trung cao độ mà đó còn là cái nhìn thẳng vào hiện thực chiến tranh khốc liệt, tinh thần sẵn sàng tiến lên phía trước. Sau cái nhìn đó là cảm nhận của người chiến sĩ trên tuyến đường Trường Sơn: Nhìn thấy gió vào xoa mắt đắng/ Thấy con đường chạy thẳng vào tim/ Thấy sao trời và đột ngột cánh chim/ Như sa như ùa vào buồng lái.
Bốn câu thơ vừa khắc họa khung cảnh hiện thực nhưng đồng thời cũng hết sức nên thơ, lãng mạn. Những chiếc xe không kính di chuyển trên đường nên tất yếu các cơn gió sẽ ùa vào khoang lái, gió bụi ùa vào khiến họ cảm thấy bỏng rát, nhất là vào những trưa hè. Nhưng dưới con mắt lãng mạn của người chiến sĩ thì những ngọn gió đó vào xoa dịu những vất vả của họ. Hình ảnh con đường chạy thẳng vào tim là một trường liên tưởng vô cùng thú vị. Diễn tả được tốc độ di chuyển nhanh của những chiếc xe không kính, lao mình trong mưa bom bão đạn, không sợ hiểm nguy.
Không chỉ vậy, dưới con mắt đầy thi sĩ của người chiến sĩ, họ còn thấy những chú chim và sao trời sa, ùa vào buồng lái, làm bạn với họ trên quãng đường đầy gian khổ, ác liệt. Với nghệ thuật nhân hóa, sử dụng động từ mạnh sa, ùa tác giả đã cho thấy cái nhìn lạc quan của những người lính: thiên nhiên không phải trở ngại, cản bước họ tiến lên mà trở thành người bạn thân thiết, chia sẻ với họ những gian lao trên con đường tiến vào miền Nam.
Không chỉ là những con người ung dung, hiên ngang, trong tâm hồn những người lính trẻ ấy còn mang trong mình nhiệt huyết cách mạng, dũng cảm, coi thường nguy hiểm, gian khổ và một tinh thần trẻ trung, sôi nổi, lạc quan. Khổ thơ thứ ba và thứ tư đã cho thấy những khó khăn người lính phải đối mặt: không có kính khiến bụi, mưa tuôn mưa xối như ở ngoài trời. Đây là những câu thơ miêu tả hết sức chân thực những khó khăn mà người lính phải trải qua trên con đường Trường Sơn vô cùng nguy hiểm. Các động từ tuôn, xối, phun càng nhấn mạnh hơn nữa sự khắc nghiệt mà thiên nhiên đang thử thách các anh. Nhưng trái lại, những người lính đáp lại bằng câu nói nhẹ nhàng, dường như đó chẳng phải là vấn đề đáng bận tâm: ừ thì có bụi, ừ thì ướt áo. Các anh sẵn sàng đối mặt với tất cả thử thách bằng tinh thần hiên ngang, cứng cỏi, bằng giọng điệu vui đùa, trẻ trung.
Không chỉ vậy họ còn hết sức tinh nghịch, trẻ trung. Dù bụi lùa vào khoang lái họ vẫn có những tiếng cười thật rộn rã: nhìn nhau mặt lấm cười ha ha, tiếng cười khoan khoái đã giúp họ xóa tan bao cực nhọc, tiếp thêm sức mạnh để họ vững bước lên đường. Tinh thần lạc quan yêu đời chính là biểu hiện rõ nét nhất của lòng dũng cảm, của sức mạnh tinh thần ở người chiến sĩ. Khổ thơ đã tạc lên chân dung đẹp đẽ, những phẩm chất thật quý báu của người lính.
Trong những năm tháng kháng chiến, phải sống xa gia đình, thì tình cảm đồng chí đồng đội gắn bó thật đáng quý và đáng trân trọng. Nguồn sức mạnh tinh thần ấy sẽ giúp họ vượt qua mọi khó khăn, trở ngại. Những người lính lái xe cũng vậy, qua những ô cửa kính vỡ chỉ cần cái bắt tay vội vã mà nồng ấm tình thương cũng khiến những con người xa lạ trở nên gần gũi với nhau hơn. Và còn điều gì tuyệt vời hơn, khi tranh thủ cùng ăn bát cơm trắng đạm bạc với nhau giữa rừng. Những lúc đó họ không chỉ còn là những người bạn đường nữa mà đã trở thành gia đình của nhau: Bếp Hoàng Cầm ta dựng giữa trời/ Chung bát đĩa nghĩa là gia đình đấy. Chính những bữa cơm ấy giúp họ xích lại gần nhau hơn, gắn bó với nhau như những người trong gia đình. Tình cảm đồng chí, đồng đội, tình cảm gia đình gắn bó chính là nguồn động lực tiếp sức họ lên đường: Võng mắc chông chênh đường xe chạy/ Lại đi lại đi trời xanh thêm. Với tinh thần, ý chí chiến đấu kiên cường họ vẫn kiên gan, bền bỉ lại đi, lại đi vì màu xanh hi vọng, độc lập ở phía trước.
Đối lập với những khó khăn, thiếu thốn vật chất bên ngoài là sức mạnh tinh thần bền bỉ, mãnh mẽ của người lính với trái tim nhiệt thành, cháy bỏng: Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước/ Chỉ cần trong xe có một trái tim. Những chiếc xe không chỉ chạy bằng nhiên liệu mà còn chạy bằng ý chí, nghị lực phi thường của những người lính. Chỉ cần có trái tim lạc quan, mang trong mình niềm tin chiến thắng thì người lính có thể đưa đoàn xe đến mọi nẻo đường.
Với ngôn ngữ và giọng điệu độc đáo tác giả đã khắc họa lên tượng đài người lính lái xe vừa hiên ngang, dũng cảm vừa hóm hỉnh, lạc quan yêu đời. Họ là những hình ảnh tiêu biểu cho thế hệ thanh niên Việt Nam Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai. Đó là thế hệ anh hùng, hiêng ngang, dũng cảm, quyết đem cả tính mạng, tuổi trẻ của mình để cứu nước.
Bài văn phân tích hình tượng người lính lái xe số 4
Trong những năm tháng kháng chiến chống Mĩ cứu nước, hình ảnh những chiến sĩ lái xe vận tải đã “để thương để nhớ” cho tâm tưởng nhà thơ tài hoa Phạm Tiến Duật. Bởi vậy nên dẫu chẳng một ngày làm lính lái xe nhưng những trang thơ Phạm Tiến Duật luôn ầm ì tiếng động cơ chạy máy và giòn tan tiếng cười nói của những chàng lính lái xe “trẻ măng tơ” Người đọc khó có thể quên những chàng trai ngang tàng, tinh nghịch nhưng đầy lí tưởng ấy trong bài thơ “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”.
Bài thơ ra đời năm 1969, khi mà cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước đang bước vào những năm tháng khốc liệt nhất. Con đường Trường Sơn đã được khai phá để từng dòng người, dòng xe ngày đêm chi viện cho miền Nam ruột thịt. Trên những dặm đường loang lổ hố bom, trên những đèo cao trập trùng, hiểm trở,… dù ở đâu trên con đường huyền thoại ấy cũng hiện lên hình ảnh những anh lính lái xe vững vàng tay lái. Họ đến với chiến trường từ những giảng đường đại học, từ những mái trường phổ thông còn vương những cánh phượng rơi. Tâm hồn họ phơi phới tuổi xuân và những lí tưởng đẹp đẽ của tuổi trẻ. Trở thành những anh lính lái xe, họ đã làm vui, làm đẹp, làm vững chắc hơn cho con đường huyết mạch của cuộc kháng chiến. Các anh tự giới thiệu về những người bạn đường thủy chung gắn bó của mình:
“Không có kính không phải vì xe không có kính
Bom giật, bom rung kính vỡ đi rồi”…
Câu thơ làm hiện lên trước mắt người đọc một hình ảnh lạ lùng: Những chiếc xe không kính. Mặt khác, lời giải thích của tác giả về những chiếc xe đặc biệt ấy cũng rất đỗi chân thực đến gần như là lột trần ra một chiếc xe đã bị phá huỷ bởi “bom giật, bom rung” – những động từ mạnh làm nổi bật hình ảnh và ý thơ. Hai câu thơ thật tự nhiên, không có hình ảnh hoa mĩ, tráng lệ, không có hình ảnh tượng trưng, giọng thơ có chút gì đó ngang tàng tạo nên điểm khởi đầu đầy ấn tượng cho bài thơ. Càng lạ lùng hơn nữa là hình ảnh chủ nhân những chiếc xe kì lạ ấy:
“Ung dung buồng lái ta ngồi
Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng”…
Với các anh, sự lạ đối với mọi người lại trở thành sự thường trong đời sống. “Bom giật, bom rung” để lại thương tích loang lổ trên xe nhưng lại chẳng mảy may nhìn thấy dấu hiệu của tàn phá trên dáng hình người chiến sĩ. Họ “ung dung” ngồi, “nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng”. Sự khốc liệt của chiến tranh không khiến con người bị đui chột về tâm hồn và ý chí. Là những con người như lời đề trên bức tường kỉ niệm chiến thắng phát xít Đức của Hồng quân Liên Xô: “Nơi đây mọi sắt thép đều tan chảy chỉ con người là vững vàng đi qua”. Câu thơ ngắn, nhanh, điệp từ “nhìn” lặp lại tạo nên tiết tấu hết sức sinh động. Rồi trên con đường thần thánh ấy, các anh còn “nhìn thấy” bao điều khác nữa:
“Nhìn thấy gió xoa vào mắt đắng
Thấy con đường chạy thẳng vào tim
Thấy sao trời và đột ngột cánh chim
Như sa, như ùa vào buồng lái”…
Bởi xe “không có kính” nên có quá nhiều bất tiện: “gió xoa vào mắt đắng” nhưng cũng bởi không có kính nên nhiều khi ngồi trong ca bin người lính được đón nhận những cảm giác thật lạ lùng: “Thấy con đường chạy thẳng vào tim /Thấy sao trời và đột ngột cánh chim / Như sa, như ùa vào buồng lái”. Hình ảnh thơ rất táo bạo và khỏe khoắn thể hiện tâm hồn trẻ trung, mạnh mẽ nhưng không kém phần mơ mộng của những chàng lính lái xe. Khi chiếc xe đã bị phá huỷ, nát tan đến như vậy thì biết bao khó khăn đã nảy sinh cũng chỉ vì “không có kính”
Không có kính, ừ thì có bụi
Bụi phun tóc trắng như người già
Và:
Không có kính, ừ thì ướt áo
Mưa tuôn, mưa xối như ngoài trời.
Thế nhưng, “không có kính” thì tác giả lại “có bụi” rồi có “mưa tuôn, mưa xối”. Cấu trúc thơ lặp đi lặp lại – “ừ thì” – đã làm toát lên thái độ bất chấp, không hề run sợ, coi thường mọi khó khăn. Câu thơ như vang lên tiếng cười vui vẻ, các anh cười để lạc quan yêu đời, để phớt lờ mọi khó khăn, cười để động viên mình, và động viên đồng đội. Và niềm lạc quan ấy còn được thể hiện bằng hành động.
Chưa cần rửa, phì phèo châm điếu thuốc
Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha.
Và :
Chưa cần thay, lái trăm cây số nữa
Mưa ngừng, gió lùa khô mau thôi.
Giọng thơ âm vang rộn rã, tràn đầy sức sống sôi nổi của tuổi mười tám, đôi mươi. Những người lính trẻ ấy thật kiên cường và trẻ trung, hóm hỉnh. Không chỉ vậy, họ còn là những người đồng chí gắn bó keo sơn, khăng khít:
Những chiếc xe từ trong bom rơi
Đã về đây họp thành tiểu đội
Bạn bè gặp nhau suốt đường đi tới
Bắt tay qua cửa kính vỡ rồi
Những con người ấy vốn dĩ không hề quen biết! Vậy mà giờ đây, trong gian khổ, họ thân thiết gắn bó, chào nhau như những người bạn đã quen. Và rồi, kỉ niệm như ùa về trong tâm trí nhà thơ. Có lẽ vì ông cũng là một người lính nên ông thấu hiểu, đồng cảm tình đồng đội, đồng chí:
Bếp Hoàng Cầm ta dựng giữa trời
Chung bát đũa nghĩa là gia đình đấy
“Gia đình” – hai tiếng thân thương gợi hình ảnh những con người cùng huyết thống. Họ, những người lính Trường Sơn ấy, cũng mang trong mình dòng máu nóng – dòng máu sôi sục khát vọng giải phóng miền Nam, giải phóng đất nước.
Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước
Chỉ cần trong xe có một trái tim
Tuy chiếc xe có bị phá huỷ, nát tan đến mức nào, dù gian khổ khó khăn bao nhiêu, nhưng “chỉ cần trong xe có một trái tim” – Đúng vậy! Chính tình yêu Tổ quốc đã cầm lái, đã là động lực thúc đẩy, giúp những người lính có thêm sức mạnh trước mỗi khó khăn. Lời thơ nhẹ nhàng như một lời khẳng định chắc nịch, gọn ghẽ. Câu thơ kết của bài thơ có lẽ là câu thơ hay nhất, vừa kết lại sức mạnh của con người chính là ở tình yêu, tình yêu Tổ quốc, tình thương đồng bào và tình yêu hoá thành ý chí – kiên cường và vững bền. Nhưng đồng thời, nó cũng mở ra, gợi ra cánh cửa ánh sáng: Miền Nam, nơi mà đồng bào đang trông ngóng cách mạng trong từng khoảnh khắc.
Bài thơ có giọng điệu phóng khoáng, ngang tàng như tâm hồn chàng trai tuổi đôi mươi. Phạm Tiến Duật đã không phải dụng công gọt giũa ngôn từ, nhiều câu thơ trong bài thơ như lời nói hàng ngày nhưng chính sự giản dị, chân thành của cảm xúc đã làm nên những câu thơ lôi cuốn người đọc. Ngoài ra còn phải kể đến nhiều hình ảnh thơ táo bạo, giàu sức gợi tả cùng các điệp từ, điệp ngữ.
“Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật đã khắc họa thành công hình ảnh những người lính trong kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Hình ảnh ấy tiêu biểu cho thế hệ trẻ Việt Nam trong kháng chiến chống Mĩ. Chiến trường ác liệt, hiểm nguy mà tâm hồn các anh, các chị vẫn ngời ngời sự lạc quan, trẻ trung, yêu đời. Nhưng trên hết vẫn là tấm lòng yêu mến, thiết tha với đồng đội, với đất nước, vẻ đẹp tâm hồn cao quý gieo vào lòng người đọc niềm tin yêu, sự trân trọng, cảm phục và lời nguyện cầu tiếp bước. Khi xưa các anh các chị “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” thì hôm nay thế hệ trẻ sẽ “chuẩn bị hành trang” đầy đủ để đưa đất nước tiến “vào thế kỉ mới” phát triển, sôi động và đầy thách thức.
Bài văn phân tích hình tượng người lính lái xe số 10
Hình ảnh những người lính chiến đấu từ lâu đã đi vào văn thơ kháng chiến và là nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho các thi sĩ . Ta không thể nào quên được hình ảnh người lính đầy bi tráng trong Tây Tiến của Quang Dũng. Tình đồng chí thắm thiết, bền chặt, cùng sẻ chia khó khăn gian khổ trong Đồng Chí của Chính Hữu hay hình ảnh những cô gái thanh niên xung phong đầy nhiệt thành nhưng cũng không kém phần mơ mộng của tuổi trẻ trong Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê. Tất cả đã khắc họa nên vẻ đẹp trong bức tranh chân dung của những người lính ra đi vì độc lập của Tổ quốc thật đẹp đẽ biết bao. Bài thơ về tiểu đội xe không kính cũng là một mảng màu trong bức tranh ấy, bài thơ đã khắc họa chân dung những người lính lái xe đầy hiên ngang và lạc quan trên con đường hành quân gian khổ.
Bài thơ được Phạm Tiến Duật viết vào năm 1969, đó những năm tháng kháng chiến chống Mĩ oanh liệt. Khi mà đạn bom địch xối xả trút xuống bao con đường, bao cánh rừng mà chiến sĩ đi qua:
“Không có kính không phải vì xe không có kính
Bom giật, bom rung kính vỡ đi rồi
Ung dung buồng lái ta ngồi,
Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng”.
Bao nhiêu bom đạn địch nhả xuống khiến ta thiệt hại nặng nề, những chiếc xe hành quân vốn lành lặn đã bị chúng phá hủy – những chiếc xe không kính. Thật khó khăn biết bao, tưởng chừng như bom đạn gần kề trước mắt, vậy mà người lính vẫn ung dung tay lái, tập trung vào công việc chẳng quản hiểm nguy. Giữa trời đất bao la, đôi mắt ấy vẫn dõi theo, hướng tới Tổ quốc, hướng về nhiệm vụ.
“Nhìn thấy gió vào xoa mắt đắng
Nhìn thấy con đường chạy thẳng vào tim
Thấy sao trời và đột ngột cánh chim
Như sa, như ùa vào buồng lái”
Giữa khoảng không mênh mông của chiến trận, mưa bom và gió đạn, người lính vẫn giữ trong tâm hồn sự tự tin và đầy kiêu hãnh. Cảm nhận thấy những khó khăn và thách thức, những đợt gió bụi lùa đắng mắt, những con đường đầy hiểm nguy trước mắt . Nhưng con đường không chỉ là huyết mạch giao thông mà là con đường của niềm tin của nghị lưc phi thường. Những vì sao đêm trên bầu trời, những cánh chim đột ngột ùa xuống buồng lái đều là những hình ảnh rất chân thực. Chiến trường đâu chỉ có hiểm nguy bởi súng đạn giặc thôi đâu mà còn có cả những khắc nghiệt khó khăn của thời tiết.
“Không có kính, ừ thì có bụi,
Bụi phun tóc trắng như người già
Chưa cần rửa, phì phèo châm điếu thuốc
Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha.”
Bụi đường không làm mất đi lòng lạc quan, tin yêu nơi người lính. “Chưa cần rửa phì phèo châm điếu thuốc, nhìn nhau mặt lấm cười ha ha”. “Mưa ngừng, gió lùa màu khô thôi”….. Một tinh thần vượt lên tất thảy những thách thức, bao hiểm nguy bủa vậy vẫn giữ trong mình tiếng cười sôi nổi, tiếng cười của tự do, của niềm tin. Nếu tình đồng chí trong Đồng Chí của Chính Hứu là những người lính chân chất, mộc mạc ra đi từ những vùng đất nghèo với lí tưởng cách mạng cao cả. Thì trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính cũng chứa chan tình đồng đội, tình anh em nơi chiến trường gian khó. Họ là những người lính trẻ ra đi nhận nhiệm vụ với mục đích chung, họ rất đỗi lạc quan,tình anh em thân thiết gắn bó keo sơn được thể hiện qua những hình ảnh rất mực giản dị mà thân thương.
“Những chiếc xe từ trong bom rơi
Ðã về đây họp thành tiểu đội
Gặp bè bạn suốt dọc đường đi tới
Bắt tay qua cửa kính vỡ rồi”.
Đó là những sự yêu thương, sẽ chia đắng cay, ngọt bùi cùng nhau, một tinh thần dũng cảm, hiên ngang, một tình đồng chí đầy trẻ trung, sôi nổi. Đó là những cái bắt tay vội vàng, là những bữa cơm chung giữa bầu trời bom đạn. là tình thân gắn kết cùng nhau trên chặng đường gian khó, vẫn hướng về bầu trời xanh, nơi đó có hoà bình, có tự do cho Tổ quốc thân yêu.
“Bếp Hoàng Cầm ta dựng giữa trời
Chung bát đũa nghĩa là gia đình đấy
Võng mắc chông chênh đường xe chạy
Lại đi, lại đi trời xanh thêm”
“Chỉ cần trong xe có một trái tim” là hình ảnh đẹp, đó là trái tim hướng về miền Nam ruột thịt, là trái tim hướng về ngày đất nước thống nhất khi mà miền Nam được giải phóng. Là một trái tim của hàng triệu trái tim chung nhịp đập, là trái tim chứa đựng một tinh thần thép, một niềm lạc quan và niềm tin vào ngày mai. Là trái tim của tình đồng đội gắn kết và sẻ chia. Là trái tim của ý chí, quyết tâm phi thường.
Những câu thơ đậm chất hiện thực, vạch rõ tội ác của kẻ thù và giàu sắc thái trữ tình đã tạo nên nét đặc sắc, nổi bật, giọng điệu thơ tinh nghịch, trẻ trung như một bài ca thúc giục, động viên, ca ngợi những người lính trẻ Trường Sơn. Qua đó, em thêm biết ơn và tự hào về những người chiến sĩ đã ngã xuống vì lòng yêu Tổ quốc. Học được bài học về tinh thần lạc quan trước những khó khăn của cuộc sống, giữa vững niềm tin và hy vọng tương lai, thêm yêu quê hương, đất nước.
Bài văn phân tích hình tượng người lính lái xe số 9
“Tôi gắn bó máu thịt với Trường Sơn và có thể nói Trường Sơn đã “đẻ” ra nhà thơ Phạm Tiến Duật. Trước đây, bây giờ và sau này nếu tôi viết được chút gì neo lại trong lòng bạn đọc chính là nhờ những năm tháng ở Trường Sơn”. Đó là những lời tâm sự chân thành của nhà thơ Phạm Tiến Duật khi ông đang trên giường bệnh chiến đấu với căn bệnh ung thư quái ác. Những năm tháng chiến tranh đã để lại dấu ấn sâu đậm trong trái tim người lính ấy, để rồi ngân thành những cung bậc cảm xúc, những giai điệu hào hùng, trẻ tráng và hồn nhiên. Bài thơ về tiểu đội xe không kính là 1 trong những những khúc ca hay nhất, mang đậm âm hưởng của những ngày tháng gian khó mà tràn đầy hùng tâm tráng trí của những người lính trên tuyến dường Trường Sơn những năm chống Mĩ.
Bài thơ về tiểu đội xe không kính đã “ghi lại những nét ngang tàng, dũng cảm và lạc quan của người chiến sĩ lái xe trong binh đoàn vận tải quân sự, qua đó ca ngợi chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam thời chống Mĩ”. Ấn tượng đầu tiên của người đọc về những người lính lái xe Trường Sơn ấy là tư thế ung dung, hiên ngang:
Ung dung buồng lái ta ngồi,
Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng.
Ta tưởng như đó là dáng ngồi khoan thai, thong thả của những con người nhàn nhã trong cuộc sống đời thường chứ đâu phải là của người lính trên tuyến đường Trường Sơn mưa bom bão đạn ! Tính từ “ung dung” được đảo lên đầu câu thơ, cũng là từ đầu tiên Phạm Tiến Duật dùng để nói về người lính, như một sự khắc sâu vào tâm trí người đọc tâm thế của những con người anh dũng ấy. Nhưng ấn tượng mạnh mẽ nhất về họ không phải là tư thế ngồi “ung dung” mà chính là cái nhìn – cái nhìn khoáng đạt, dũng mãnh, chứa đựng cả tinh thần sẩn sàng hi sinh và lòng quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ. Nó cho ta thấy một tư thế hùng dũng, hiên ngang.
Họ dám nhìn thẳng vào gian khổ, vào hi sinh mất mát, cũng chính là nhìn thẳng vào bản thân ; không hề run sợ, né tránh. Đó là thái độ của những trái tim dũng cảm, những con người chân chính. Hai chữ “ta ngồi” kết hợp với điệp từ “nhìn” được láy lại ba lần cùng giọng thơ đĩnh đạc đã giúp Phạm Tiến Duật dựng nên thành công tư thế của những người lính lái xe : hiên ngang, kiên định, bất khuất. Nhịp thơ 2/2/2 gợi cho người đọc hình ảnh chiếc xe đang lăn bánh, nhẹ nhàng, thanh thản trước tay lái tự tin của người lính. Chính tâm thế ấy giúp họ bình tĩnh đối diện với những khó khăn, gian khổ của chiến trường:
Nhìn thấy gió vào xoa mắt đắng
Nhìn thấy con đường chạy thắng vào tim
Thấy sao trời và đột ngột cánh chim
Như sa như lìa vào buồng lủi.
Đoạn thơ mang đến cho ta cảm giác như một thước phim quay chậm theo ánh nhìn của người chiến sĩ. “Gió”, được nhân hoá qua biện pháp chuyển đổi cảm giác đầy ấn tượng : “xoa mắt đắng”. Hiện thực khó khăn khốc liệt của chiến tranh không làm mất đi nét trẻ trung, lãng mạn trong tâm hồn của người lính. Hình ảnh “Con đường chạy thẳng vào tim” phải chăng là một lời nhắn nhủ của các chiến sĩ : con đường chiến đấu, con đường đến với miền Nam ruột thịt là con đường của trái tim, được sự chỉ dẫn của trái tim. Những từ “nhìn”, “thấy”, “sa”, “ùa” có tác dụng đặc tả tốc độ phi thường của những chiếc xe đang lướt nhanh, băng mình qua mưa bom bão đạn.
Trên con đường ấy, đồng hành với gió là bụi:
Không có kính, ừ thì có bụi
Bụi phun tóc trắng như người già
Không cần rửa, phì phèo châm điếu thuốc
Nhìn nhau mặt lâm cười ha ha.
Gió bụi tượng trưng cho những gian khổ, thử thách mà các chiến sĩ trên tuyến đường Trường Sơn phải trải qua. Tiếng “ừ” vang lên như là sự chấp nhận, nhưng là sự chấp nhận một cách chủ động của người chiến sĩ. Độc đáo và dí dỏm biết bao là hình ảnh so sánh : “Bụi phun tóc trắng như người già”. Hiện thực khó khăn, gian khổ đã được những tâm hồn trẻ trung, lạc quan của người lính nhìn nhận một cách hóm hỉnh, bình thản. Đó là cái bình thản của những người coi thường khó khăn, gian khổ. Với họ, những trở ngại trên con đường chiến đấu là không đáng kể.
Vì thế mà: “Chưa cần rửa, phì phèo châm điếu thuốc – Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha”. Phạm Tiến Duật đã đưa vào câu thơ chất hiện thực ngồn ngộn, tựa như một câu chuyện của đời sống, tự nó đã mang trong mình chất thơ và người nghệ sĩ chỉ làm công việc của người chấp bút. Chính nhà thơ Phạm Tiến Duật đã từng tâm sự : “lúc đó, việc sáng tác thơ không còn theo vần điệu, cú pháp cổ điển nữa mà lấy vần nhịp của cuộc sống thay cho vần nhịp chữ nghĩa”. Nhịp chiến đấu sôi động của những người lính đã phổ nhạc vào câu chữ, làm nên khúc ca hào hùng về chính cuộc sống của họ. Đó là một cuộc đời bi tráng, đậm chất lính. Không chỉ có gió bụi chiến trường, những người lính còn phải trải qua những cơn mưa rừng dữ dội:
Không có kính ừ thì ướt áo
Mưa tuôn mưa xối như ngoài trời
Chưa cần thay, lái trăm cây số nữa
Mưa ngừng, gió lùa khô mau thôi.
Ta nhận ra ở đây sự lặp lại cấu trúc của câu thơ đầu khổ thơ thứ hai. Đó là sự lặp lại có tính chất liệt kê những gian khổ, qua đó thể hiện tinh thần không nao núng trước những khó khăn của người lính. Họ thản nhiên coi việc mưa giội vào xe là điều tất yếu. Tác giả lại sử dụng một loạt những động từ mạnh để chỉ sự dữ dội của mưa “tuôn”, “xối”, càng nhấn mạnh thêm những gian khổ mà người lính phải trải qua. Nhưng họ chấp nhận một cách ngang tàng, lạc quan:
Không cần thay, lái trăm cây số nữa
Mưa ngừng, gió lùa khô mau thôi.
Đó là thái độ của những người lính mang trong mình tâm thế bất khuất, coi thường gian khổ, hi sinh, luôn sẵn sàng tiến về phía trước để chi viện cho chiến trường miền Nam. Tinh thần ấy được tính bằng con số cụ thể : “trăm cây số“. Cụ thể nhưng lại mang ý nghĩa biểu tượng. Đó là biểu tượng cho quãng đường mưa bom bão đạn, hi sinh, mất mát. Đọc những câu thơ này ta càng thêm thấm thìa rằng con đường Trường Sơn huyền thoại đã thấm bao mồ hôi, xương máu của chiến sĩ ta.
Thơ Phạm Tiến Duật được dệt nên từ chất liệu của cuộc đời chiến đấu vừa khốc liệt, vừa lãng mạn mà chính ông đã từng trải nghiệm. Vì thế, nó gần gũi lắm, thân thiết lắm. Nó khiến ta có thể cảm nhận được hơi thở của chiến trường, nhịp sống của những người lính. Những con người tràn đẩy tinh thần lạc quan ấy đã biến khó khăn thành cơ hội để thể hiện tình đồng đội sâu sắc:
Gặp bạn bè suốt dọc đường đi tới
Bắt tay nhau qua cửa kính vỡ rồi
Đây là cái bắt tay thân tình của những con người cùng chung chí hướng, cái bắt tay truyền lửa – ngọn lửa soi sáng những chặng đường khốc liệt được thắp lên từ triệu trái tim chiến sĩ tràn đầy nhiệt tình cách mạng. Những con người vốn “xa lạ”, gặp nhau nơi chiến trường, đồng điệu nhau ở tình yêu Tổ quốc và trở thành đồng đội, “đồng chí‘. Họ kề vai, sát cánh bên nhau không chỉ trong những giờ phút khốc liệt băng qua mưa bom bão đạn, đối mặt với kẻ thù, cận kề cái chết mà cả trong những phút giây ấm áp, thân tình:
Bếp Hoàng Cầm ta dựng giữa trời
Chung bát đũa nghĩa là gia đình đấy.
Một định nghĩa về gia đình thật mới mẻ, giản dị và thiết thân biết bao. Những lần nghỉ ngơi vội vã, những bữa cơm đạm bạc chan chứa tình thân đã mang lại không khí gia đình đầm ấm, giúp người lính vơi đi nỗi nhớ quê hương, người thân. Nó như một nguồn sức mạnh nâng bước các chiến sĩ:
Võng mắc chông chênh đường xe chạy
Lại đi, lại đi trời xanh thêm.
Lắng nghe những vần thơ này ta mới càng thấm thìa hơn nhận định : Phạm Tiến Duật là nhà thơ của Trường Sơn. Hình ảnh “bếp Hoàng Cầm”, “võng mắc chông chênh” là hiện thực của cuộc sống chiến trường được đưa vào thơ tự nhiên như hơi thở núi rừng. Hồn thơ cứ tự nó được khởi nguồn từ chính những hiện thực bình dị ấy. Nhưng nhịp điệu thơ lại được tạo nên bởi nhịp võng đưa, bởi nhịp bánh xe quay đểu. Từ láy “chông chênh” không chỉ mang lại vần điệu cho câu thơ mà còn có ý nghĩa gợi hình sâu sắc.
Đó là hình ảnh thực của con đường xe chạy hay là những khó khăn trở ngại, những hiểm nguy mà người lính phải đối mặt trong chiến tranh? Nhưng khí phách, ý chí chiến đấu của những người lính ấy vẫn luôn vững vàng, kiên định. Ngọn lửa trái tim và tình đồng chí – tình cảm của những con người trong cùng “gia đình” đã nâng những bước chân lạc quan, phơi phới, ngân lên thành câu hát, băng qua “bom giật bom rung” để “Lại đi, lại đi trời xanh thêm”. Điệp từ “lại đi” lặp lại hai lần vừa thể hiện nhịp sống, chiến đấu của tiểu đội xe không kính vừa khẳng định tinh thần, ý chí cách mạng kiên định vững vàng không sức mạnh bạo tàn nào có thể ngăn nổi của những người lính. Dường như chính những bước chân ấy đã nhuộm lên màu xanh của bầu trời – màu xanh chứa chan hi vọng gợi lên tâm hồn lạc quan, sức trẻ, khát vọng và niềm tin chiến thắng của người lính Trường Sơn.
Trong khổ thơ cuối cùng, một lần nữa tác giả lại nhấn mạnh sự khốc liệt của chiến trường đồng thời khẳng định ý chí chiến đấu bất khuất của những người lính. Phạm Tiến Duật tâm sự rằng ông đã “gắn bó với những nẻo đường bom đạn bằng máu”. Những trải nghiệm ấy giúp ông hiểu hơn ai hết sự hi sinh của những người lính, và cũng hơn bất cứ người nào, nhà thơ biết rõ sức mạnh của họ bắt nguồn từ chính nhiệt huyết cách mạng tràn đầy. Nhiệt tâm ấy là ánh sáng dẫn lối chỉ đường cho những chiến sĩ thẳng bước trên đường Trường Sơn trập trùng, gian khó:
Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước:
Chỉ cần trong xe có một trái tim.
Một từ “vẫn” giản dị mà có sức nặng khẳng định mạnh mẽ. Nó như lời hứa đinh ninh của những chiến sĩ lái xe sẵn sàng vượt lên trên mọi gian lao, thử thách, tiến về miền Nam. Họ đạp bằng tất cả, “Chỉ cần trong xe có một trái tim”. Từ “chỉ cần” đảo lên đầu câu vừa nhấn mạnh thái độ hiên ngang, vừa khẳng định sức mạnh của “trái tim”. “Trái tim” là hình ảnh hoán dụ chỉ những người chiến sĩ trẻ, tràn đầy lòng yêu nước và ý chí kiên cường. Đó là trái tim sục sôi tình yêu Tổ quốc và lòng căm thù quân xâm lược.
Tác giả mở đầu bài thơ bằng dấu ấn về những cái “không có” : “Không có kính không phải vì xe không có kính”. Nhưng khép lại bài thơ lại là : “Chỉ cần trong xe có một trái tim”. Cái không có là những cơ sở vật chất. Cái có là trái tim, là nhiệt huyết của tuổi thanh xuân dâng hiến cho Tổ quốc. Cái không có đó làm nổi bật cho cái có.
Nhà thơ Vũ Quần Phương từng nhận xét : “Chỗ đặc sắc của thơ Phạm Tiến Duật là lấy cuộc sống để nói tình cảm. Cái sâu sắc của tình cảm trong thơ anh phải tìm trong cuộc sống, không tìm trong chữ nghĩa”. Quả thật, chất thơ trong thơ Phạm Tiến Duật nói chung, trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính nói riêng toát lên từ thực tế cuộc chiến đấu, từ niềm vui sống của thời đại, từ sức trẻ, từ tâm hồn phơi phới của thế hệ chiến sĩ Việt Nam mà nhà thơ đã trải nghiệm. Những vần thơ ấy 1 thời đã là nguồn sống tiếp sức cho những người lính trên khắp các mặt trận. Cho đến nay, nó vẫn chứng tỏ sức sống của mình.
Trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước anh dũng của dân tộc, biết bao chiến sĩ đã hoà thân thể cùng núi rừng xanh thẳm. Phạm Tiến Duật sáng tác thơ như một sự hối thúc của con tim, như một nén tâm nhang gửi tới những đồng đội thân yêu. Khi thơ là tiếng nói và điệu hồn dân tộc thì nó sẽ tìm được bến neo đậu vĩnh hằng trong lòng độc giả. Thơ Phạm Tiến Duật chính là những vần thơ như thế. Tiếng nói của một thế hệ thanh niên thời chống Mĩ đã được nhà thơ tài hoa phổ thành thơ, trở thành khúc tráng ca về những con người giản dị mà kiêu hùng, bất khuất. Hình ảnh những người lính của “tiểu đội xe không kính” ấy sẽ còn sáng mãi trong tâm trí nhiều thế hệ bạn đọc.
Bài văn phân tích hình tượng người lính lái xe số 1
Phạm Tiến Duật là 1 trong những những gương mặt tiêu biểu cho thế hệ các nhà thơ trẻ thời kháng chiến chống Mỹ, đã từng trải nghiệm cuộc sống trên tuyến đường Trường Sơn nên thơ của Phạm Tiến Duật hầu như chỉ viết về những người lính trẻ và những cô thanh niên xung phong. Thơ ông chinh phục trái tim bạn đọc bằng những giọng điệu sôi nổi trẻ trung, ngang tàng và mang đậm chất lính.
“Bài thơ tiểu đội xe không kính” đã in đậm dấu ấn phong cách nghệ thuật độc đáo ấy. Phạm Tiến Duật sáng tác bài thơ này vào năm 1969 trong thời điểm gay go, ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Thi phẩm nằm trong chùm thơ được đưa vào tập thơ “Vầng trăng quầng lửa” của tác giả. Trong thi phẩm, Phạm Tiến Duật đã thể hiện thành công vẻ đẹp của người lính lái xe Trường Sơn – hình ảnh cho tuổi trẻ Việt Nam thời chống Mỹ.
Chân dung người lái xe Trường Sơn được tác giả khắc họa qua hình ảnh những chiếc xe không kính và một giọng thơ ngang tàng, trẻ trung, gần gũi. Cảm hứng về những chiếc xe không kính đã làm nền để nhà thơ ghi lại những khám phá của mình về vẻ đẹp của những chiến sỹ lái xe trên tuyến đường Trường Sơn thời chống Mỹ. Đó là tư thế hiên ngang, tinh thần dũng cảm, đó còn là lòng lạc quan, yêu đời, tình đồng chí đồng đội thắm thiết và lòng yêu nước nồng nàn, lý tưởng chiến đấu cao đẹp. Cái nhìn lạc quan của người lính về sự ác liệt của chiến tranh được thể hiện rất rõ qua cách lý giải về những chiếc xe không kính:
Không có kính không phải vì xe không có kính
Bom giật bom rung kính vỡ đi rồi
Điệp từ “không” khiến câu thơ giãn ra, tạo nhịp điệu khoan thai, đặc biệt từ “rồi” khép lại câu thơ thứ hai đã làm nên một giọng điệu rất nhẹ. Người lính nói về những chiếc xe không kính chính là nói về cuộc chiến khốc liệt mà họ phải trải qua. Vậy mà người lính lái xe lại kể về tất cả những điều ấy bằng một giọng thản nhiên đến lạ lùng. Điều này cho thấy rất rõ cái nhìn bình thản của người lính về những mất mát của bom đạn mà kẻ thù đã gây ra. Đó là cái nhìn lạc quan của bản lĩnh anh hùng. Phẩm chất anh hùng của một người lái xe Trường Sơn ngời sáng qua tư thế ung dung:
Ung dung buồng lái ta ngồi
Nhìn trời, nhìn đất, nhìn thẳng
“Ung dung” là tư thế thoải mái, là tâm trạng bình thản và thái độ bình tĩnh, tự tin. Đặt vào hoàn cảnh chiến tranh ác liệt lại lái những chiếc xe không kính thì sự ung dung này chính là biểu hiện cho lòng dũng cảm của người lính lái xe. Điệp từ “nhìn” kết hợp với nghệ thuật đảo ngữ đã họa lên tư thế hiên ngang của người lính. Tư thế ấy là một sự thách thức với bom đạn của kẻ thù. Phải chăng nhờ những chiếc xe không kính mà người lính mới có điều kiện bộc lộ phẩm chất anh hùng và nguồn sức mạnh tinh thần lớn lao của mình. Miêu tả cảm giác của người lính khi lái những chiếc xe không kính, nhà thơ Phạm Tiến Duật đã mở ra một thế giới tâm hồn phong phú, đẹp đẽ của họ:
Nhìn thấy gió vào xoa mắt đắng
Nhìn thấy con đường chạy thẳng vào tim
Thấy sao trời và đột ngột cánh chim
Như sa như ùa vào buồng lái
Không còn kính chắn gió, người lái xe lại có cái thú vị là được tiếp xúc trực tiếp với thế giới bên ngoài. Qua khung cửa không còn kính, không chỉ mặt đất mà cả bầu trời với “sao trời” và “cánh chim” cũng như “ùa vào buồng lái”. Nhà thơ Phạm Tiến Duật đã miêu tả rất chính xác cái cảm giác mạnh và đột ngột khi ngồi trên chiếc xe không kính lao nhanh về phía trước. Nhịp thơ dồn dập, khỏe khoắn, vừa gợi cảm giác về tốc độ của tiểu đội xe không kính, vừa mở ra tâm trạng hồ hởi, háo hức của người lính trên đường ra trận. Với người chiến sỹ Trường Sơn “Đường ra trận mùa này đẹp lắm”. Bởi niềm hạnh phúc lớn nhất là được có mặt trên trận tuyến đánh quân thù. Với những câu thơ này, Phạm Tiến Duật đã làm dậy khí thế của tuổi trẻ Việt Nam thời chống Mỹ.
Cái nhìn của người lính lái xe vào thiên nhiên vũ trụ là cái nhìn đậm chất lãng mạn chỉ có ở những người can đảm, biết vượt lên những thử thách khốc liệt. Lái xe không kính không phải là không gặp những khó khăn nào là “Gió vào xoa mắt đắng”, rồi những thứ bên ngoài như quăng như quật vào người lái xe nhưng chủ yếu vẫn là cảm giác thú vị về thiên nhiên vũ trụ bỗng trở nên thật gần gũi. Hóa thân vào những người chiến sỹ lái xe, tác giả đã nhìn hiện thực chiến tranh bằng con mắt của người lính. Đó là cái nhìn lãng mạn, trẻ trung, yêu đời. Trước những thách thức khốc liệt do những chiếc xe không kính mang lại, người lính đã tỏ thái độ bất chấp, coi thường hiểm nguy.
Không có kính ừ thì có bụi
Bụi phun tóc trắng như người già
Chưa cần rửa phì phèo châm điếu thuốc
Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha
Không có kính ừ thì ướt áo
Mưa tuôn mưa xối như ngoài trời
Chưa cần thay thái trăm cây số nữa
Mưa ngừng gió lùa khô mau thôi
Hai khổ thơ đầy ắp những chi tiết hiện thực, đó là một kiểu hút thuốc “phì phèo” rất lính, rồi tiếng cười “ha ha” vô tư, sảng khoái, đó là “bụi phun”, “mưa tuôn”, “mưa xối”. Những chi tiết rất thực rất sống động ấy mà đưa ta đến cuộc sống gian khổ nhưng đầy ắp niềm vui và tiếng cười của những người lính trẻ. Hiện thực đời lính đã được Phạm Tiến Duật tái hiện bằng những câu thơ đậm chất văn xuôi và một giọng thơ ngang tàng, hồn nhiên rất lính.
Thực tế những bánh xe lăn là những gian khổ, những hiểm nguy. Đó là những thách thức rất thực mà những người lính lái xe không kính đã trải qua trên đường và chiến trường. Nhưng với họ, gian khổ chả có ý nghĩa gì. Điệp từ “ừ thì” và “chưa cần” đã làm bật lên thái độ thách thức, bất chấp hiểm nguy của người lái xe. Đây là thái độ của con người đứng cao hơn hoàn cảnh, coi thử thách là cơ hội để thể hiện mình. Không phải là người lính gồng mình lên để vượt qua gian khổ, mà các anh đã chiến thắng thử thách khốc liệt một cách hết sức nhẹ nhàng bằng tiếng cười “ha ha” đầy sảng khoái. Đó là tiếng cười của niềm lạc quan yêu đời, chất chứa trong đó biết bao hồn nhiên, trong sáng tuổi trẻ. Bằng ống kính điện ảnh, nhà thơ đã ghi lại được những khoảng khắc xúc động của tình đồng chí, đồng đội giữa những người lính Trường Sơn.
Những chiếc xe từ trong bom rơi
Đã về đây họp thành tiểu đội
Gặp bạn bè suốt dọc đường đi tới
Bắt tay qua cửa kính vỡ rồi
Phạm Tiến Duật đã khéo léo đưa những chiếc xe không kính vào thơ để làm cơ sở nảy nở tình cảm giữa những người lính lái xe. Mới đầu chỉ là những chiếc xe không kính, nhưng về sau đã hợp thành cả một tiểu đội xe không kính. Từ “tiểu đội” cho ta hiểu rằng tình cảm giữa những người chiến sĩ lái xe trước hết là tình đồng đội giữa những con người cùng chung nhiệm vụ chiến đấu, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Qua hình ảnh tiểu đội xe không kính, nhà thơ vừa gợi được sự ác liệt của chiến tranh, vừa tạo ra được tình huống để người lính lái xe bộc lộ tình đồng chí đồng đội.
Nhờ xe không có kính mà người lính dễ dàng giao lưu với nhau hơn. Không kính tưởng như thô sơ, hỏng hóc nhưng đến đây đã làm bật lên vẻ đẹp riêng của nó. Gặp nhau trên con đường Trường Sơn huyết mạch, người lính bắt tay nhau qua cửa kính vỡ như một cách bộc lộ tình cảm. Cái bắt tay nồng ấm tình đồng chí này không nhẹ nhàng như cái nắm tay giữa những người nông dân trong bài thơ “Đồng chí” của Chính Hữu mà có một cái gì đó thật mạnh mẽ và ngang tàng. Đây cái bắt tay này còn có cả những tiếng cười hồn nhiên trong sáng và cái sôi nổi của tuổi trẻ mang theo vào chiến trường. Đầu tiên giữa những người lính lái xe chỉ là tình đồng đội giữa những người cùng một tiểu đội, về sau đã phát triển thành bạn bè và hơn thế nữa thành tình cảm gia đình.
Bếp Hoàng Cầm ta dựng giữa trời
Chung bát đũa nghĩa là gia đình đấy.
Bếp Hoàng Cầm là bếp dã chiến do anh nuôi tên là Hoàng Cầm chế tạo ra. Đây là loại bếp được đặt sâu trong lòng đất để hạn chế sự tỏa khói, tránh bị địch phát hiện. Nhưng đi vào trang thơ Phạm Tiến Duật, cái bếp của người lính đã được “dựng giữa trời”, thật sừng sững, thật ngang tàng như thách thức kẻ thù. Trong thơ Phạm Tiến Duật, bếp hoàng cầm đã trở thành tín hiệu của sự sum họp, đoàn tụ. Ở nơi nào có bếp Hoàng Cầm là nơi đó có một gia đình lính, bởi theo họ “chung bát đũa nghĩa là gia đình đấy”. Câu thơ có giọng điệu rất dí dỏm và thoáng nụ cười hồn nhiên rất chất lính. Ở đây tác giả đã có một cách định nghĩa rất độc đáo về gia đình.
Đối với những người lính lái xe, không nhất thiết phải chung huyết thống mà chỉ cần chung bát, chung đũa thì đã là gia đình rồi. Bát đũa bình thường giản dị mà đã trở thành vật thiêng liêng gắn kết tình cảm giữa những người lính xa nhà chỉ cần được quay quần xung quanh bếp Hoàng Cầm, cùng chia sẻ bữa cơm đạm bạc là họ đã được tận hưởng cảm giác ấm cùng của gia đình. Dường như với những người lính Trường Sơn, tình đồng chí đồng đội cũng đẹp đẽ, thiêng liêng chẳng khác nào tình cảm gia đình. Lý tưởng chiến đấu cao đẹp và niềm tin vào chiến thắng của dân tộc ở người lính lái xe được thể hiện thật chân thành và xúc động trong những vần thơ giản dị.
“Võng mắc chông chênh đường xe chạy
Lại đi lại đi trời xanh thêm”.
Tác giả đã miêu tả hết sức chân thực giấc ngủ của người lính lái xe. Giấc ngủ “chông chênh” vì đường xe chạy gập ghềnh, từ láy “chông chênh” đã góp phần tô đậm cuộc sống gian khổ của người lính Trường Sơn. Câu thơ cuối ngắt nhịp 2/2/3 đã làm nên âm hưởng phơi phới. Đặc biệt điệp ngữ “lại đi” khiến câu thơ như một tiếng reo vui, chất chứa trong đó là bao nhiêu hồ hởi, háo hức của người lính lúc lên đường ra trận. Người lính hiểu mỗi chuyến xe vào chiến trường là để cho “trời xanh thêm”. Hình ảnh “trời xanh” là ẩn dụ cho hòa bình, cho độc lập, tự do của Tổ quốc, cho ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Đến đây lí tưởng chiến đấu của người lính Trường Sơn đã sáng ngời. Người chiến sĩ thấy “trời xanh thêm” là đã tin tưởng vào ngày chiến thắng đang đến gần, niềm tin ấy đã làm nên nguồn sức mạnh tinh thần lớn lao cho cả tiểu đội xe không kính. Vẻ đẹp của người lính lái xe Trường Sơn kết đọng ở lòng yêu nước cháy bỏng và ý chí chiến đấu vì sự nghiệp giải phóng miền Nam:
Không có kính, rồi xe không có đèn
Không có mui xe, thùng xe có xước
Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước:
Chỉ cần trong xe có một trái tim.
Điệp ngữ “không có” đã làm nên âm điệu nhanh, mạnh, khỏe khoắn, dồn dập cho cả đoạn thơ. Ta cảm nhận thấy trong nhịp điệu ấy khí thế khẩn trương, hối hả của những đoàn xe ra trận và cả sự ác liệt trong cuộc chiến. Tác giả đã sử dụng thành công nghệ thuật liệt kê “không có kính”, đồng nghĩa với sự chồng chất những mất mát, hi sinh của người lính. Đến đây hình tượng những chiếc xe không kính đã phát triển ở mức cao hơn. Xe không chỉ “không có kính”, mà còn “không có đèn”, “không có mui xe”, chiếc xe đã trở lên hỏng hóc, méo mó và biến dạng như một thứ đồ phế thải.
Tưởng chừng xe không thể chạy được, nhưng thật kì diệu “Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước”. Đây là một điều bất ngờ, hơn thế nữa là những phi thường, là một sự bất chấp đầy thách thức. Tại sao lại có điều kì diệu ấy? Nhà thơ Phạm Tiến Duật đã phát hiện rằng: “Chỉ cần trong xe có một trái tim” thì dù thế nào xe vẫn cứ chạy. Không có cách lí giải nào cụ thể và thuyết phục hơn thể “Chỉ cần” có nghĩa là yếu tố duy nhất để xe vẫn cứ chạy chính là trái tim người lính. Chỉ có trái tim quả cảm, giàu lòng yêu nước của người chiến sĩ lái xe thì có mọi khó khăn đã lùi lại phía sau. Đặc biệt nhà thơ đã phát hiện ra cả tiểu đội xe không kính vẫn chạy vì “miền Nam phía trước”, vì một nửa đất nước đang rên siết dưới gót giày xâm lược của đế quốc Mỹ. Ý chí chiến đấu vì sự nghiệp giải phóng miền Nam thống nhất đất nước của người lính Trường Sơn đến đây đã ngời sáng.
Đẹp nhất trong bài thơ là “trái tim” người lính. Hình ảnh này được đặt trong thể đối lập với ba cái “không”: “không kính”, “không đèn”, “không mui”. Đây chính là sự đối lập giữa cái ác liệt của cuộc chiến với tinh thần, khí phách, tầm lòng của người lính lái xe. Hình ảnh “trái tim” chính là hoán dụ cho người chiến sĩ Trường Sơn yêu nước dũng cảm. Với hình ảnh giàu ý nghĩa này, nhà thơ Phạm Tiến Duật đã mở ra một góc nhìn mới cho hình tượng người lính lai xe không kính. Phải chăng “trái tim” là cội nguồn sức mạnh của cả tiểu đội xe không kính, gốc rễ phầm chất anh hùng của người lính Trường Sơn. Từ hình ảnh “trái tim” cầm lái, nhà thơ đã khẳng định một chân lí của thời đại chống Mĩ, đó là sức mạnh quyết định chiến thắng không phải là phương tiện, vũ khí mà là con người với trái tim yêu nước nồng nàn và ý chí kiên cường dũng cảm. Có thể nói hình ảnh “trái tim” đã làm bật lên chủ đề của bài thơ và làm ngời sáng vẻ đẹp của người chiến sĩ lái xe Trường Sơn thời chống Mĩ.
Hình ảnh người lính lái xe không kính đã được nhà thơ Phạm Tiến Duật khắc họa bằng chất liệu hiện thực sống động của cuộc sống chiến trường. Ngôn ngữ và giọng điệu thơ tự nhiên, khỏe khoắn, mang cái ngang tàng của những người trẻ. Chọn hình ảnh những chiếc xe không kính, Phạm Tiến Duật đã xây dựng thành một hình tượng điển hình nhằm phản ánh hiện thực chiến tranh là biểu dương tinh thần, ý chí của người lính Trường Sơn. Đặc biệt tác giả đã khắc họa thành công chân dung người lính lái xe với nhiều phẩm chất cao quý. Đó là tư thế hiên ngang, dũng cảm, là thái độ bất chấp, coi thường nguy hiểm. Đó còn là vẻ đẹp của tình đồng chí, đồng đội và lòng yêu nước nồng nàn, cháy bỏng, ý chí chiến đấu vì sự nghiệp giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Với những phẩm chất cao đẹp ấy, người lính lãi xe trong bài thơ đã trở thành biểu tượng đẹp cho tuổi trẻ Việt Nam thời chống Mĩ.
“Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật đã góp một tiếng nói mới mẻ về người lính, về tuổi trẻ Việt Nam trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Thi phẩm đã đem đến cho nhiều thế hệ bạn đọc những hiểu biết về những đóng góp hi sinh của thế hệ cha anh, đồng thời giáo dục thế hệ trẻ ý thức trách nhiệm đối với Tổ quốc.
Bài văn phân tích hình tượng người lính lái xe số 6
Phạm Tiến Duật là nhà thơ trẻ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Ông là người lính trực tiếp cầm súng ra mặt trận và là người chiến sĩ lái xe vận tải chở vũ khí, lương thực ào ào trên tuyến lửa Trường Sơn đầy bom rơi, đạn lạc. Vì thế, hiện thực khốc liệt của chiến tranh đã trở thành chất xúc tác, khơi nguồn mạch chảy cảm xúc văn chương cho Phạm Tiến Duật, để rồi hình tượng người lính và các cô gái thanh niên xung phong cứ lặng lẽ, tự nhiên, chân thật đi vào trong thơ ông mà tạo nên biết bao thi phẩm tuyệt tác, độc đáo.
Và 1 trong những các bài thơ đó có “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” là một tác phẩm hay, rất tiêu biểu cho hồn thơ khỏe khắn, tươi vui, tràn đầy sức sống, đậm đà chất lính của nhà thơ. Tác phẩm nằm trong chùm thơ đạt giải nhất cuộc thi thơ trên báo Văn nghệ năm 1969, sau được đưa vào tập thơ “Vầng trăng quầng lửa”. Qua bài thơ, người đọc thấy được hiện thực khốc liệt của chiến tranh và tinh thần lạc quan, dũng cảm, tư thế hiên ngang, bất khuất, ý chiến đấu ngoan cường, mạnh mẽ của những người lính lái xe trong công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Có thể nói, bài thơ là mẫu tượng đài tráng lệ, thiêng liêng về người lính lái xe anh hùng trên tuyến đường Trường Sơn thời chống Mĩ cứu nước.
Trước hết, hình tượng người lính hiện lên là những chàng trai dũng cảm, hiên ngang, ung dung, bất khuất trong tư thế lái những chiếc không kính. Mặc dù những chiếc xe bị bom đạn hủy hoại, tàn phá nhưng các anh vẫn rất hiên ngang, ngạo nghễ vững tay lái cho xe lăn bánh bon bon ra chiến trường:
Ung dung buồng lái ta ngồi
Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng
Nhìn thấy gió vào xoa mắt đắng
Nhìn thấy con đường chạy thẳng vào tim
Thấy sao trời và đột ngột cánh chim
Như sa, như ùa vào buồng lái.
Các câu thơ được viết lên bằng sự trải nghiệm của người trong cuộc nên vô cùng khách quan, chân thực. Không có kính nên các anh chiến sĩ phải đối diện với biết bao nhiêu là sự nguy hiểm, khó khăn: nào là “gió”, nào là “cánh chim”, nào là “sao trời”… tất cả “như sa, như ùa” vào mặt, vào người, vào trong buồng lái; các động từ mạnh như “chạy thẳng, đột ngột, như sa, như ùa” đã cho thấy những cảm giác đầy căng thẳng, thách thức và hiểm nguy mà người lính lái xe phải đối diện. Tuy nhiên, đứng trước hoàn cảnh ấy, người lính không hề run sợ, hoảng hốt, né tránh mà trái lại rất đàng hoàng, hiên ngang, thoải mái:
Ung dung buồng lái ta ngồi
Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng
Nghệ thuật đảo ngữ đẩy động từ “ung dung” lên trước đã cho thấy tư thế rất tự tin, bình thản và có phần ngang tàng của người lính. Điệp từ “nhìn”, “thấy” được lặp đi lặp lại cho thấy tất cả khung cảnh thiên nhiên như bỗng chốc bé lại, thu vào đôi mắt của người lính. Điều đó không chỉ cho thấy sự tập trung cao độ của một tinh thần trách nhiệm lớn lao mà còn cho thấy được tâm hồn lãng mạn, hiên ngang, mở lòng đón nhận vẻ đẹp thiên nhiên của người lính qua ô cửa kính vỡ. Chưa dùng lại ở đó, trên dọc đường lái xe ra tiền tuyến, người lính còn chịu rất nhiều những khó khăn từ ngoại cảnh như gió, mưa và bụi:
“Không có kính, ừ thì có bụi
Bụi phun tóc trắng như người già”
“Không có kính, ừ thì ướt áo
Mưa tuôn xối như ngoài trời”
Nhưng với tinh thần quả cảm, mạnh mẽ, bất chấp, khó khăn, gian khổ người lính đã vượt qua tất cả:
“Chưa cần rửa, phì phèo châm điếu thuốc
Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha”
“Chưa cần thay, lái trăm cây số nữa
Mưa ngừng, gió lùa khô mau thôi”
Điệp ngữ “Không có kính, ừ thì…”; “chưa cần…” là lối nói mang đậm tính khẩu khí ngang tàng. Với cách nói nôm na, thông thường mà cứng cỏi, mạnh mẽ họ đã biến những khó khăn thành những điều thú vị. Người đọc như nghe thấy tiếng cười rũ sạch mọi gian khổ của người lính. Những chi tiết hình ảnh: “phì phèo châm điếu thuốc”, “cười ha ha” hay “lái trăm cây nữa… khô mau thôi” đã cho thấy tinh thần vượt mọi khó khăn gian khổ của họ. Cảm giác như những khó khăn ấy cũng không thể nào dập tắt đi chất trẻ trung, tinh thần lạc quan và dũng cảm của người lính.
Người lính lái xe không chỉ hiện lên là những chàng dũng sĩ, hiên ngang, bất khuất, sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn, nguy hiểm mà họ còn là những người chiến sĩ trẻ tuổi, trẻ lòng chan chứa tình đồng chí, đồng đội. Có thể nói, khó khăn, thử thách không chỉ tôi luyện cho người lính thêm bản lĩnh, thêm ý chí, nghị lực kiên cường mà còn giúp cho tình bạn, tình đồng chí, đồng đội của họ thêm gắn bó, keo sơn:
Những chiếc xe từ trong bom rời
Đã về đây họp thành tiểu đội
Gặp bạn bè giữa dọc đường đi tới
Bắt tay qua cửa kính vỡ đi rồi.
Trên dọc đường từ hậu phương ra tiền tuyến có biết bao nhiêu những chiếc xe không kính ào ào ra trận. Họ gặp gỡ nhau và chào hỏi nhau bằng cái bắt tay qua ô cửa kính vỡ. Cái cầm tay, nắm tay là một hành động đẹp, chứa chan tình cảm đồng chí đồng đội. Họ truyền cho nhau hơi ấm của tình thương, động viên và cảm thông với nhau lúc hiểm nguy khó khăn, vất vả. Họ coi nhau như anh em ruột già máu mủ trong gia đình:
Bếp Hoàng Cầm ta dựng giữa trời
Chung bát đũa nghĩa là gia đình đấy
Võng mắc chông chênh đường xe chạy
Lại đi, lại đi trời xanh thêm
Ta bắt gặp cách định nghĩa rất riêng của PTD về gia đình – về mối quan hệ thiết thân của những người lính trong chiến tranh, đó là: chung bát đũa, chung bếp lửa, chung hoàn cảnh khó khăn, chung con đường chiến đấu… Tất cả những điều ấy đã khiến những con người vốn xa lạ nhưng lại hóa quen nhau, thân thiết gắn bó keo sơn, đoàn kết cùng nhau vì lí tưởng cách mạng cao đẹp. Chính tình cảm đồng chí, đồng đội đã tiếp sức cho những người lính tiến lên phía trước: “Lại đi, lại đi trời xanh thêm”. Điệp từ “lại đi” có ý nghĩa nhấn mạnh đến những đoàn xe không kính không ngừng tiến lên phía trước.
Hình ảnh “trời xanh thêm” là hình ảnh ẩn dụ cho tâm hồn lạc quan, yêu đời, chan chứa niềm hi vọng của người lính vào tương lai phía trước của cuộc sống, của cách mạng. Những câu thơ được viết ra mang đậm khẩu khí ngang tàn sôi nổi của những người lính kháng Mĩ. Họ hăm hở nhập ngũ lên đường với một mục tiêu cao cả tiêu diệt giặc, bảo vệ quê hương. Mọi khó khăn, gian nan, mọi hiểm nguy, trông gai, những người lính đã chia sẻ, động viên giúp đỡ lẫn nhau cùng vượt qua thử thách. Người đọc như cảm nhận thấy mọi khó khăn ấy đều trở nên nhẹ tựa lông hồng trước tiếng cười lạc quan của anh bộ đội cụ Hồ.
Cuối cùng, động lực mạnh mẽ và sâu xa tạo nên sức mạnh tinh thần lớn lao, bất chấp mọi nguy nan, mọi sự hủy diệt, tàn phá của kẻ thù ở người chiến sĩ đó chính là ý chí chiến đấu vì giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước
Chỉ cần trong xe có một trái tim.
Bom, đạn có thể làm chiếc xe trở nên trần trụi, tàn tạ nhưng không thể nào đè bẹp được ý chí chiến đấu của những người lính lái xe. Hình ảnh “trái tim” vừa là hình ảnh hoán dụ, vừa là hình ảnh ẩn dụ cho sức mạnh, lòng dùng cảm, niềm lạc quan và tình thần yêu nước mạnh mẽ của người lính. Chính “trái tim” của họ là một động cơ hoàn hảo, có thể thay thế cho toàn bộ những cái “không có” bên trên của những chiếc xe hư hỏng, trần trụi. Tất cả vì một mục tiêu cao cả mà người lính lái xe đã xác định cho mình “vì miền Nam” ruột thịt. Hình ảnh người lính lái xe trong bài thơ là một mẫu tượng đài rực rỡ và chói sáng, một biểu tượng cao đẹp cho một thế hệ thanh niên Việt Nam trong thời kì kháng Mĩ cứu nước với tinh thần:
Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước
Mà lòng phơi phới dạy tương lai.
Điều đó cho thấy tinh thần yêu nước sâu sắc và sự ý thức trách nhiệm công dân cao độ của những người lính khi tổ quốc lâm nguy.
Tóm lại, với một giọng thơ trẻ trung, tinh nghịch, ngạo nghễ, ngang tàng; kết hợp với ngôn ngữ thơ giản dị, sống động, giàu hình ảnh, giàu tính nhạc điệu…Phạm Tiến Duật đã khắc họa thành công những chiếc xe không kính và làm nổi bật hình ảnh người lính lái xe ở Trường Sơn trong thời chống Mĩ: dũng cảm hiên ngang, lạc quan yêu đời và giàu ý chí chiến đấu, tinh thần yêu nước mạnh mẽ, sắt son. Dù chiến tranh đã lùi về quá khứ, lịch sử dân tộc đã bước sang trang mới: tự do – độc lập nhưng hình ảnh những chiếc xe bị bom đạn tàn phá cùng những anh chiến sĩ lái xe Trường Sơn chống Mĩ vẫn mãi sống với thời gian năm tháng và trong lòng mối người Việt.
Bài văn phân tích hình tượng người lính lái xe số 8
Nhắc đến Phạm Tiến Duật là nhắc đến 1 trong những những nhà thơ tiêu biểu của những năm tháng kháng chiến chống Mỹ vĩ đại. Là một người từng trải, lại trực tiếp nắm tay lái trên tuyến đường Trường Sơn nhà thơ đã tạo nên những vần thơ vô cùng mới mẻ. Vừa có nét gì đó tinh nghịch, hóm hỉnh lại không kém phần suy tư. Với bài thơ “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”, Phạm Tiến Duật đã làm sống dậy cả những năm tháng hào hùng của dân tộc.
“Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước
Mà lòng phơi phới dậy tương lai”
Bài thơ có nhan đề vô cùng độc đáo nó góp phần thể hiện tâm hồn vô cùng lạc quan yêu đời của những chiến sĩ lái xe tiếp viện cho tiền tuyến. Những con người đầy ngang tàng, nhưng cũng không kém phần giản dị chuẩn mực. Hình ảnh của những người chiến sĩ lái xe gắn liền với những chiếc xe không kính, một hình ảnh miêu tả vô cùng chân thực. Bom đạn của giặc đã khiến cho những chiếc xe trở nên thiếu hụt đủ thứ: không đèn, không kính , không mui thậm chí còn xước xác….
“Không có kính không phải vì xe không có kính
Bom giật bom rung kính vỡ đi rồi”
Thế nhưng chính vì không có kính nên hình ảnh những người chiến sĩ lái xe mới hiện lên một cách chân thực và tài tình đến vậy. Những con người bất chấp sự thiếu thốn, khó khăn vẫn băng băng lao về phía trước một lòng vì tiền tuyến:
Ung dung buồng lái ta ngồi
Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng
Nhìn thấy gió vào xoa mắt đắng.
Nhìn thấy con đường chạy thẳng vào tim
Thấy sao trời và đột ngột cánh chim
Như sa, như ùa vào buồng lái.
Đến đây ta thấy nhịp thơ trở nên dồn dập và nhanh đến lạ nó như là những nhịp xe chạy trên đường vậy. Chính vì xe không có kính nên các anh mới có thể cảm nhận rõ nhất những thứ đang ở ngoài đến vậy: thấy gió, thấy con đường, cánh chim, sao trời…. Chỉ có những con người đã trải qua thực tế mới có thể có những cảm nghĩ chân thực đến vậy. Gió ùa vào làm xoa dịu đi mắt đắng. Mắt đắng ở đây không phải do bụi mà là do thiếu ngủ, chính cơn gió ùa vào nơi cửa đã giúp các anh trở nên tỉnh táo và minh mẫn hơn khi cầm lái. Tất cả những cảnh vật bên ngoài “như sa, như ùa” vào bên trong để các anh có thể nhìn thấy cả con đường chạy thẳng vào tim. Thế nhưng dù thiếu thốn đến vậy khó khăn đến vậy tâm hồn người lính vẫn hết sức lạc quan và ngang tàng:
Không có kính, ừ thì có bụi
Bụi phun tóc trắng như người già.
Chưa cần rửa, phì phèo châm điếu thuốc.
Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha.
Không có kính, ừ thì ướt áo.
Mưa tuôn mưa xối như ngoài trời
Chưa cần thay, lái trăm cây số nữa .
Mưa ngừng, gió lùa khô mau thôi!
Có lần bình luận về khổ thơ này nhà thơ Xuân Diệu tỏ ra không hài lòng với cụm từ cười “ha ha”. Thế nhưng biết làm sao được. Có thế mới tạo nên khí phách của các anh có thế mới cảm nhận hết sự sảng khoái hồn nhiên của một tinh thần đầy lạc quan trong những năm tháng kháng chiến gian khổ.
Bếp Hoàng Cầm ta dựng giữa trời
Chung bát đũa nghĩa là gia đình đấy
Võng mắc chông chênh đường xe chạy
Lại đi, lại đi, trời xanh thêm.
Dẫu cho phải trải qua ngàn khó khăn ngàn gian khổ thì chỉ cần con người còn có niềm tin còn có say mê thì xe vẫn chạy thẳng về phía trước. Bầu trời kia như xanh thêm khi có các anh có nụ cười của các anh.
Không có kính rồi xe không có đèn
Không có mui xe, thùng xe có xước
Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước
Chỉ cần trong xe có một trái tim.
Khổ thơ cuối cùng mang đến cho người đọc nhiều suy ngẫm đặc biệt. Trong khói lửa hoang tàn của chiến tranh mọi thứ đều bị phá hủy. Chiếc xe thảm hại vì không có kính, chẳng có đèn, không có mui mà lại còn xước thế nhưng bom đạn của kẻ thù dường như chẳng thể thắng nổi ý chí con người. Chỉ cần trong buồng lái vẫn còn một trái tim còn đập còn một tinh thần bất diệt thì xe vẫn còn chạy. Đó chính là điều mà nhà thơ muốn gửi gắm, tinh thần yêu nước sẽ trở thành một ngọn lửa bất diệt chiến thắng mọi kẻ thù, nó vượt lên trên hết cả những mũi tên hòn đạn, đạp lên mọi kẻ thù tàn bạo.
Hình ảnh người chiến sĩ lái xe là hình ảnh đại diện cho vô số lớp người chiến sĩ trong khói lửa chiến tranh. Tinh thần của các anh cũng chính là thứ tình yêu nước thiết tha mà cả dân tộc thời bấy giờ đang hừng hực. Chiến tranh tuy đã lùi xa hơn ba mươi năm thế nhưng hình tượng người chiến sĩ ấy vẫn sống mãi trong lòng độc giả. Nó trở thành những mẫu tượng đài bất diệt về tinh thần yêu nước và sự quả cảm trong những năm tháng đau thương mà anh hùng của dân tộc.
Có thể bạn thích: