Việt Nam là một đất nước đặc biệt, tuy chỉ nhỏ thôi nhưng yếu tố vùng miền lại hiện rõ trong nét văn hóa. Không biết các bạn có nhận ra điều này không? Đơn giản như rượu. Số lượng rượu đặc sản của các vùng miền ở Việt Nam không hề ít. Hãy điểm sơ qua một số thương hiệu rượu đặc sản nổi tiếng xem có đúng như vậy không nhé!
Rượu ngô men lá Na Hang (Tuyên Quang)
Rượu ngô là món quà quý giá của huyện vùng cao Na Hang, một huyện thuộc tỉnh Tuyên Quang. Để có được những giọt rượu mang hương vị thơm ngon, đòi hỏi phải trải qua rất nhiều công đoạn chế biến cũng như thời gian với sự tỉ mỉ và kiên nhẫn.
Ngô (hay còn gọi là bắp) dùng để nấu phải chọn những hạt đều, tròn, sau đó đem bung ra rồi ủ với men lá. Đây là một loại men được làm từ hơn 20 loại cây thuốc như cán cuông, khúc khắc, ớt rừng, tẳng tó, lép nặm, nhân trần, khau thương, đứa poóng, cam thảo, lá quế,… Trong đó, cây đứa poóng chính là thành phần tạo nên hương thơm đặc trưng cho rượu ngô Na Hang.
Mỗi loại cây thuốc kể trên đều là những vị thuốc có thể chữa bệnh hoặc bổ dưỡng, cường tráng gân cốt, rất tốt cho sức khỏe của con người. Có cây dùng lá, có cây dùng rễ, vỏ, có cái thì dùng cả cây và lá. Những cây thuốc này được nhặt và hái vào lúc thời tiết khô ráo, sau đó được băm, giã nhỏ, trộn đều; một phần được đem đun lấy nước, vắt lọc bã đem nhào với bột rồi nặn thành quả men (to bằng quả trứng gà ta), sau đó ủ trong thời gian 24 giờ (tùy thuộc vào nhiệt độ, độ ẩm, không khí lúc đó). Khi quả men bắt đầu chuyển sang màu trắng phau, thơm lừng thì đem phơi khô cho đến khi còn khoảng 1/3 trọng lượng so với lúc chưa được ủ. Sau khoảng thời gian ủ men là đến quy trình chưng cất để cho ra loại rượu ngô đặc sản của núi rừng Na Hang.
Rượu ngô men lá Ha Nang mang hương vị đậm đà, thơm nồng đặc trưng của mùi ngô. Uống say mà vẫn có cảm giác êm du, không hề đau đầu hay khát nước.
Rượu Kim Sơn (Ninh Bình)
Rượu Kim Sơn là loại rượu được chưng cất từ gạo nếp, men thuốc bắc. Nguồn nước phải là nước giếng khơi tự nhiên, sản xuất theo bí quyết của người dân các làng nghề tại Kim Sơn. Rượu thường có nồng độ khá cao, trong suốt, bọt tăm rượu càng to thì độ rượu càng cao. Rượu Kim Sơn khi uống vào thường cảm thấy rất thơm và êm dịu. Một đặc trưng của loại rượu này là càng để lâu thì càng ngon. Đặc biệt, rượu Kim Sơn còn có tác dụng rất tốt cho sức khỏe khi được ngâm với các loài như: rắn, tắc kè, sao biển, bìm bịp,…
Men rượu được đặc chế từ 36 vị thuốc Bắc cộng với bí quyết gia truyền được truyền lại qua hàng trăm năm nay đã tạo ra loại rượu không những nổi tiếng trong vùng mà ngày càng được biết rộng rãi trên cả nước như theo bước chân của những người con Ninh Bình rời quê hương đi lập nghiệp phương xa vậy. Hương vị ngọt ngọt, cay cay của rượu khiến cho người uống cảm nhận được sự ngọt ngào, ấm nồng tình cảm của con người vùng đất Cố đô lịch sử.
Rượu Phú Lễ (Bến Tre)
Phú Lễ là một xã thuần nông của huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Phú Lễ còn được biết đến qua một sản vật địa phương nổi tiếng từ rất lâu. Đó chính là rượu Phú Lễ, một thứ rượu nồng đậm, thơm ngon, tuy nặng ”đô” nhưng lại không hề gây nhức đầu.
Quy trình làm rượu ở Phú Lễ cũng tương tự như các nơi khác. Trước tiên là nấu cơm nếp lứt, không chà cho trắng, loại càng dẻo càng tốt. Cứ một giạ nếp thì nấu với khoảng 20 lít nước giếng ngọt, chờ đến khi nước sôi mới được trút nếp vô, sau đó lấy đũa bếp xới lên vài dạo, vừa cạn thì đậy nắp vung, lất bớt than, canh chừng khoảng một giờ thì sẽ chín, gọi là cơm rượu. Đổ cơm ra một tấm chiếu cói, banh thật mỏng cho mau nguội. Kế đó cho hồ men vào rồi trộn đều.
Nếp sau khi nấu chín, rắc trộn với men, rồi cho vào tĩnh ủ kín trong bảy ngày bảy đêm rồi mới tiếp tục đưa vào diêm kháp. Lửa đun phải dùng chính vỏ trấu của nếp mùa, ngọn lửa phải đằm vừa phải, không lớn cũng không nhỏ thì rượu mới không bị đắng, không bị “thét”. Rượu ra lò chưa được dùng ngay mà phải cho hạ thổ (chôn xuống đất) một trăm ngày, hấp thụ đủ âm dương của trời đất cho rượu thật “nhuần”.
Rượu Phú Lễ ngon nhờ 4 yếu tố: một là men, hai là nước giếng của vùng, ba là nếp trồng trên chính vùng đất này và bốn là do những cái tỉn ủ cơm có từ hàng trăm năm.
Rượu vang Đà Lạt (Lâm Đồng)
Vang được biết đến là một loại rượu nhẹ được chiết xuất từ trái cây tươi mà phổ biến nhất là nho, mận, dâu tằm,… Đặc biệt, dâu tằm làm rượu vang không giống với dâu mà người ta thường trồng để nuôi tằm. Thay vì nhiều lá ít quả, loại dâu này cho rất nhiều trái, những trái dâu đen thẫm, cuộn xoắn lại từng chùm nhỏ xíu. Dâu làm rượu vang chỉ thích hợp trồng ở vùng có khí hậu lạnh. Đây là loại dâu tằm rất lạ được mang về từ Pháp để làm rượu vang.Người Đà Lạt rất thích uống rượu vang, có lẽ vì để giữ ấm cho cơ thể khi sống trong một vùng đất quanh năm sương lạnh. Dần dần theo thời gian, rượu vang được xem là một trong những đặc sản truyền thống không thể thiếu trong các gia đình Đà Lạt, đặc biệt là mỗi dịp Tết đến xuân sang.
Rượu làng Vân (Bắc Giang)
Người ta gọi rượu làng Vân là cái thứ nước trong văn vắt và đẹp như nắng hạ được đóng vào chai, chỉ cần lắc nhẹ thôi là thấy sủi tăm. Hàng ngàn tăm rượu xoay vòng tròn như một cột sáng. Được biết, với những người sành rượu thì chỉ cần nhìn vào tăm rượu là đã biết rượu đạt bao nhiêu độ, uống vào có êm hay không. Vào năm Chính Hòa thứ 24 (khoảng năm 1703), vua Lê Hy Tông đã sắc phong cho sản vật lừng danh này 4 mỹ tự: Vân – Hương – Mỹ – Tửu.
Rượu làng Vân được nấu bằng gạo nếp cái hoa vàng thơm ngon, trồng trên cánh đồng của làng Vân Xá, xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang cộng thêm với men gia truyền bằng các vị thuốc bắc quý hiếm sau hơn 72 giờ ngâm ủ kết hợp với nghệ thuật nấu rượu tài tình của người làng Vân mới có thể cho ra rượu Làng Vân như một thứ tinh túy nhất của trời đất ban tặng cho con người được. Cha truyền con nối, rượu làng Vân là thương hiệu “ông tiên” quen thuộc, nổi tiếng khắp mọi miền đất nước và cả ở nước ngoài. Đã từ rất lâu rồi, hương vị đặc biệt của rượu làng Vân luôn được du khách ưu tiên chọn mua về làm quà khi qua có dịp đi qua vùng Kinh Bắc.
Rượu Mẫu Sơn (Lạng Sơn)
Rượu Mẫu Sơn do chính tay của những người dân tộc Dao sống trên đỉnh núi Mẫu Sơn (Lộc Bình, Lạng Sơn) chưng cất ở độ cao 800 – 1000m so với mực biển bằng phương thức truyền thống được lưu truyền từ đời này qua đời khác. Để có thể chưng cất được loại rượu này, ngoài nguyên liệu chính là gạo và nước suối (nước suối phải được lấy từ những con suối chảy ra trong núi có độ cao hơn 1.000m thì rượu mới ngon), còn có chất gây men không thể thiếu đó là lá rừng. Men lá được pha chế từ hơn 30 loại thảo dược quý hiếm khác nhau như: cây 30 rễ, dây nước, trầu rừng, dây ngọt,… có tác dụng giúp chữa lành vết thương, chữa bệnh phong thấp, thấp khớp, đau lưng,… Sau khi các loại thảo dược này đã được rửa sạch, băm nhỏ và phơi khô thì sẽ mang ra trộn đều chúng lại với nhau, giã nhỏ rồi đem đun. Đợt nước đầu tiên dùng để nhào bột, nước hai dùng để ngâm gạo (phải là gạo tẻ, không ẩm mốc).
Rượu Mẫu Sơn thơm ngon và trong vắt như nước suối, uống rất dịu nhẹ, vị đậm đà, lại không quá cay nồng mà cũng không quá nhạt, mang một hương vị đặc trưng, thơm dịu của lá và rễ cây thuốc miền núi Xứ Lạng.
Rượu Mẫu Sơn không chỉ mang tấm lòng, công sức của người dân nơi đây, mà còn mang cả độ cao hùng vĩ của núi non Mẫu Sơn, cả sự tinh khiết của suối, sự ngạt ngào của hương rừng Mẫu Sơn hùng vĩ.
Rượu Gò Đen (Long An)
Rượu Gò Đen là tên của một loại rượu trắng nổi tiếng được nấu theo phương pháp cổ truyền, sản xuất ở Gò Đen, Bến Lức, Long An. Đây là một loại rượu được nấu đặc biệt bằng chính những loại nếp được trồng tại địa phương (nếp mỡ, nếp mù u, nếp hương, nếp thổ địa, nếp than đen tuyền cả hạt…).
Loại rượu này có nồng độ cồn rất cao, có khi lên đến tận 50 độ cồn. Nếp nấu rượu phải là loại nếp có hạt tròn, mẩy, trắng đục đều, có hương thơm nên nếp được chọn là nếp hương, nếp ngỗng. Nếp nấu vừa nở, không quá nhão, khét thì càng lại là điều cấm kỵ. Đặc Biệt, Gò Đen không tự sản xuất men rượu mà lại lấy men Cần Giuộc, men Mỹ Tho,…hoặc là men Xiêm để ủ nếp. Men rượu này đa số do người Hoa sản xuất theo công thức bí truyền.
Các vị thuốc được gia giảm tùy theo điều kiện thời tiết “tứ thời bát tiết”. Nếp sau đó được trải ra cho nguội, men giã nhỏ được rắc đều lên nếp, cho vô khạp sành để ủ. Quá trình ủ thường kéo dài trong 3 ngày. Vào ngày thứ tư, người ra dùng nước mưa hoặc nước ao (tùy từng mùa) lắng sạch cho vô khạp, nước vô đến đâu thì nếp phải lên men nổi hẳn lên đến đó. Đáy khạp không còn một hạt nếp nào là được. Ủ thêm ba ngày nữa, đến ngày thứ bảy thì tiến hành cất rượu. Dụng cụ cất rượu đơn giản là hai cái thau nhôm úp lại tạo thành một cái “ơ” có đèo bằng ống tre. Cuối đèo đặt chai để hứng rượu cất. Có một điều rất đặc trưng là chất đốt dùng để nấu rượu thường là trấu.
Rượu cần Ê Đê Ban Mê (Đắk Lắk)
Uống rượu cần là một thói quen có từ rất lâu đời của đồng bào các dân tộc vùng Tây Nguyên. Rượu cần là một thức uống không thể nào thiếu được trong các lễ hội cũng như được dùng để tiếp đãi các vị khách quý. Khá nhiều đồng bào dân tộc Tây Nguyên làm rượu bằng cách dùng nếp cẩm hoặc nếp trắng nấu thành xôi rồi phơi bằng nong cho nguội rồi mới trộn men vào ủ kín. Men rượu thường được làm bằng củ riềng, rễ cây cam thảo và củ cây chít,… phơi khô, sau đó đem giã nhuyễn thành bột, rồi đem trộn với gạo. Sau đó cho một ít nước vào rồi lại nắm thành một nắm lớn bằng cái chén, ủ cho đến khi xuất hiện mốc trắng là thành công. Khi đã lên men, trộn thêm trấu để sau này dùng cần hút dễ dàng hơn.
Tất cả sau đó được cho vào ché đựng rượu theo nguyên tắc xếp lớp, cứ một lớp nguyên liệu lại tới một lớp trấu. Sau cùng người ta bịt miệng ché lại bằng lá chuối khô. Rượu ủ sau ba ngày là có thể dùng được, tuy nhiên, ủ càng lâu vị của rượu sẽ càng đậm đà. Việc trộn trấu cũng đòi hỏi cần có tay nghề cao vì trấu có tác dụng là khi cắm cần vào ché rượu, cần rượu vẫn không bị tắc.
Rượu ngon là loại rượu có màu vàng đục như mật ong, khi rót ra dòng chảy không hề bị đứt đoạn, sờ vào thấy hơi dinh dính, có mùi thơm ngây ngất, cay nồng xen lẫn với vị ngọt đặc trưng.
Có thể bạn thích: