Những người nông dân từ cuộc sống nghèo khó với quyết tâm, giám nghĩ, giám làm, dám đương đầu với thử thách khó khăn nay đã gặt hái được nhiều thành công và trở thành những tấm gương sáng cho những người nông dân khác cũng như mọi người noi theo.
Bà Trịnh Thị Nguyệt
Bà Trịnh Thị Nguyệt, nông dân ở ấp Phú Khởi, xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp, là người thành công với mô hình, sau này là trang trại nuôi ba ba và cua đinh. Hàng năm, trang trại của bà cho thu nhập hàng trăm triệu đồng.Mô hình này được bà Nguyệt “khởi xướng” từ năm 1999. Ban đầu, bà chỉ nuôi thử vài chục con ba ba, thấy có lời nên bà tăng đàn, vài năm sau, số lượng ba ba tăng lên hàng ngàn con. Đến năm 2004, bà mạnh dạn đầu tư nuôi cua đinh, bởi loài này có giá trị kinh tế cao và khâu chăm sóc cũng không khác nhiều so với ba ba.
Hiện nay, mỗi năm cơ sở của bà cung cấp cho thị trường hàng tấn ba ba thịt, vài trăm kg cua đinh và hàng trăm ngàn ba ba, cua đinh giống, lợi nhuận khoảng trên 600 triệu đồng. Nhờ vậy, gia đình bà Nguyệt nhanh chóng vươn lên khá giả. Hơn nữa nhờ mô hình trang trại này mà bà đã tạo cho những người ở đây công ăn việc làm.
Nguyễn Văn Thắng
Nguyễn Văn Thắng sinh năm 1990 ở Lý Nhân, Hà Nam. Tốt nghiệp cấp 3 năm 2009, anh đến giúp việc cho trại nuôi chim của người chú. Một năm sau, anh về nhà cùng gia đình xây dựng trại nuôi chim trĩ đỏ với diện tích khoảng 30m2, vốn đầu tư khoảng 30-40 triệu đồng.
Ban đầu, anh nuôi chim nhân giống, rồi mới phát triển dần lên nuôi thịt, cung cấp giống và chim non. Hiện anh có trại nuôi rộng khoảng 2.000m2, lúc cao điểm nuôi trên 1.000 con.
Anh cho biết, mỗi con chim thịt nuôi từ nhỏ đến khi xuất chuồng, người nuôi mất chi phí khoảng 110.000 đồng. Với giá bán mặt hàng này khoảng 200.000 đến 220.000 đồng một kg, mỗi tháng riêng loại để thịt, anh Thắng có thể thu lãi từ 15 đến 20 triệu đồng.
Trần Hoàng Anh
Hoàng Anh sinh ra trong một gia đình thuần nông. Ở tuổi 30, nhiều người gọi anh là lão nông thực thụ. Ngoài việc canh tác 1,3 ha đất ruộng, anh còn đầu tư 1 máy cày, 5 máy gặt đập liên hợp, giải quyết việc làm cho 30 thanh niên địa phương. Cả ngày đầu tắt mặt tối trên đồng ruộng, máy gặt của Hoàng Anh không chỉ phục vụ nông dân ở Đồng Tháp mà còn sang cả An Giang.
Không dừng lại ở đó, Hoàng Anh còn tham gia các khóa tập huấn dạy chăn nuôi về mở trang trại lợn. Hiện đàn lợn của anh có 30 con heo thịt và 4 con heo nái. Tổng doanh thu hàng năm từ các hoạt động sản xuất, chăn nuôi, dịch vụ nông nghiệp đạt khoảng 1,6 tỷ đồng.
Hằng tháng, anh tổ chức sinh hoạt với nội dung chủ yếu chia sẻ kiến thức làm ăn, khởi nghiệp, nông nghiệp cho thanh niên trong ấp. Ngoài ra, Hoàng Anh còn tổ chức cho thanh niên tham gia các hoạt động phòng chống lụt bão, tình nguyện hè, xây dựng nông thôn mới…
Bà Bùi Thị Ba
Tại Long An, trong số những người giàu lên từ nông nghiệp, bà Bùi Thị Ba ở xã Lương Hòa, huyện Bến Lức được xem là thành công cả về sản xuất và kinh doanh.
Luôn cố gắng tham gia tất cả các cuộc chuyển giao khoa học kỹ thuật, chủ động tìm gặp nhà khoa học để tìm lời giải đáp cho những thắc mắc, bà Bùi Thị Ba trở thành một nông dân sản xuất giỏi, có thể truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm cho những nông dân khác. Luôn đòi hỏi bản thân phải tìm thêm đối tác mới, thị trường mới, bà Bùi Thị Ba trở thành một doanh nhân tiêu thụ nông sản cho chính gia đình mình cùng hàng trăm gia đình khác.
Bằng sự tiên phong, năng động của bà Bùi Thị Ba, diện tích chanh không hạt ở xã Lương Hòa từ con số 0 đã phát triển lên gần 400 ha và sẽ tăng thêm 300 – 500 ha trong thời gian tới. Cây chanh không hạt đã trở thành một trong những số những cây trồng chủ lực của xã, đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập, làm thay đổi bộ mặt nông thôn.
Từ việc trồng đến xuất khẩu chanh không hạt, bà Bùi Thị Ba đã thành công từ khả năng thông suốt chính mảnh đất của mình, mạnh dạn tìm và trồng loại cây phù hợp, có hiệu quả kinh tế. Đây cũng chính là sự kết hợp có hiệu quả của “ba nhà” với sự định hướng của nhà quản lý nông nghiệp, vai trò tư vấn của nhà khoa học và sự dám nghĩ dám làm của nhà nông.
Lê Trường An
Từng là một kỹ sư cơ khí có công việc ổn định ở Hà Nội nhưng mỗi lần về quê (Giao Thủy, Nam Định), Lê Trường An, sinh năm 1990, luôn trăn trở bởi thực trạng phế thải nông nghiệp như vỏ trấu, rơm rạ, mùn cưa bị người dân mang đi đốt tràn lan, gây ô nhiễm môi trường.
Trong một lần đi công tác miền Tây, Trường An được tiếp cận với nhà máy sản xuất củi trấu (loại chất đốt làm từ vỏ trấu) phục vụ sản xuất công nghiệp. Trường An nảy ra sáng kiến về quê hương Nam Định xây dựng nhà máy tương tự. Nghĩ là làm, chàng kỹ sư trẻ quyết định nghỉ việc ở Hà Nội, xách ba lô về quê xây dựng dự án sản xuất củi đốt công nghiệp từ phế phẩm nông nghiệp.
Tuy nhiên, khi trình bày ý tưởng An gặp phải sự phản đối của gia đình, bạn bè. Bởi mô hình này quá mới mẻ, ở Nam Định chưa có ai làm. Để thuyết phục bố, An dẫn bố đi tham quan thực tế một số ít nhà máy sản xuất ở Bắc Ninh, Hải Phòng. Dần dần, An được bố và một người chị họ ủng hộ cho vay vốn 200 triệu đồng.
Bùi Ngọc Lê
Anh Lê sinh ra nơi vùng quê thuộc xã Bình Hòa, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, cha mẹ Bùi Ngọc Lê đều mất sớm. Ba anh em côi cút rau cháo nuôi nhau trong cảnh thiếu đói, rách rưới.
khi lấy vợ là Trần Thị Thái Hòa, Lê được ông anh vợ tặng cho ba sào đất rẫy để trồng trọt, sinh sống. Cuộc sống của gia đình anh cũng thay đổi từ đó.Để đi đến thành công như ngày hôm nay anh đã trải qua nhiều cay đắng, vất vả.
Mùa khô năm 1994, vụ cháy rừng ở khu vực này làm cho toàn bộ khu rẫy 200 trụ thanh long 2 năm tuổi, đã chuẩn bị ra trái của gia đình anh bị thiêu rụi. Bao nhiêu năm vợ chồng đổ không biết cơ man nào là mồ hôi, nước mắt, những trụ thanh long với anh Lê lúc ấy là bát cơm, là niềm hy vọng, là tất cả đối với gia đình anh, nhưng chỉ trong thoáng chốc họ đã trở về tay trắng.
Chính sự chịu cực chịu khổ, sẵn sàng chia sẻ của vợ đã giúp anh Lê vững vàng vượt lên.Năm 1996 là cái mốc của sự phát triển với gia đình Lê, vì đó là lần đầu tiên anh mang sổ đỏ đi vay từ Agribank số tiền 20 triệu đồng để đúc trụ bê tông xuống giống cho ba sào thanh long, thay cho số trụ gỗ đã cháy sạch năm nào.
Ngày nay, rẫy thanh long của anh Lê đã lên đến 10.000 trụ. Năm 2007, anh là người thứ 7 trong toàn tỉnh chấn chỉnh toàn bộ khu vườn, sản xuất theo tiêu chuẩn Global Gap nên thu nhập của anh khá ổn định. Trừ đi 60% chi phí đầu tư các loại, hiện hàng năm anh đã có dư trên 1,5 tỷ đồng.
Đoàn Văn Liêm
Đoàn Văn Liêm ở ấp Khánh Hòa, xã Tân Khánh Hòa, huyện Giang Thành – Kiên Giang chính là anh nông dân được nhiều người nhắc đến khi bạn đến vùng tứ giác này.
Tâm sự về chuyện ấm cúng với trâu, anh cho biết, gia đình có năm anh em, ba trai hai gái thì bốn người theo nghiệp cha đi giữ trâu mướn từ nhỏ. Tới tuổi lập gia thất, rồi ra riêng, vợ chồng anh cũng bắt tay vào nhận giữ trâu mướn cho ai đó ngẫu nhiên dù ở xa hay gần. Đến mùa lúa, anh Út lại nhận điều khiển trâu đi kéo cộ, kéo cày lấy tiền công.
Năm 1988, anh Út dành dụm được ít vốn và được một anh bạn giới thiệu có người bán một cặp trâu rất tốt. Không bỏ qua cơ hội, anh vét hết số tiền vợ chồng cực nhọc dành dụm được đi mua. Giá trị cặp trâu thời điểm đó đúng một cây vàng nhưng trong túi anh mới có 7 chỉ.
Từ một cặp trâu chuyên đi cày mướn, lần lượt anh Út tậu thêm được hai cặp trâu nữa để tăng cường phục vụ cho việc cày, bừa cho nông dân. Có số vốn trong tay, cứ mỗi năm anh lại tậu thêm một đến hai cặp trâu. Đến nay, anh Út đã có trong tay trên 50 con trâu, 15 con nghé và 50 con bò, trong đó có 10 cặp trâu xịn chuyên đi cày, kéo thuê.
Trung bình, 1 năm anh Út xuất chuồng bán trâu một lần, trừ hết chi phí phần lãi còn trên 550 triệu đồng. “Nuôi con gì cũng tốn tiền mua thức ăn, chỉ nuôi trâu là ít tốn nhất”, anh Út nói.
Đặng Thị Triệu
Chị Đặng Thị Triệu (xã An Phú, Mỹ Đức, Hà Nội) được người ta biết đến như người phụ nữ đặc biệt với cách làm giàu chẳng giống ai này. Đã có thời gian chị bị người đời rỉa rói là kẻ tâm thần “nhặt lá”. Họ khinh chị, dè bỉu chị bao nhiêu thì khi chị đạt được thành công họ lại thán phục chị bấy nhiêu.
Nói về ý tưởng kinh doanh lá bương, chị Triệu cho biết: “Tôi bắt đầu việc buôn bán lá bương từ năm 1992. Khi ấy, hai vợ chồng với 4 đứa con, một đứa lại tàn tật chỉ trông vào mấy sào ruộng nên cuộc sống rất khó khăn. Thấy người ta vào thung hái lá bương về bán nên tôi nghĩ đến việc làm đầu mối thu mua, bán lại cho các chủ hàng ở Ngọc Hồi, Hà Nội”.
Nhận thấy việc buôn bán qua tay chủ Việt Nam lãi suất không cao nên từ 4 năm nay chị Triệu đã là đầu mối trực tiếp thu mua và xuất khẩu lá bương cho chủ Đài Loan. “Khi sản phẩm của mình đạt chất lượng cao, làm việc có uy tín thì chủ nước ngoài tự tìm đến, đặt hàng và đầu tư cho mình”, chị Triệu khẳng định.
Hiện cơ sở thu mua lá bương, sấy khô, đóng gói và xuất của chị Triệu ngày càng hiệu quả với doanh thu từ 125 triệu đồng năm 2007 đã lên đến hơn 2 tỷ năm 2010.Chị Triệu dự định sẽ đầu tư thêm trang thiết bị và mở rộng địa bàn thu mua tới 6 huyện là Kim Bôi, Lạc Thuỷ, Lương Sơn, Đà Bắc (tỉnh Hoà Bình) và Mai Sơn, Phù Yên (tỉnh Sơn La).
Có thể bạn thích: