Hai thế kỷ đã trôi qua, những câu chuyện kể trong Truyện cổ Grim đã làm lay động hàng triệu trái tim của những độc giả nhỏ tuổi trên khắp thế giới. Hôm nay TopChuan.com xin tập hợp lại những câu chuyện điển hình, đi sâu vào tiềm thức người đọc bao thế hệ, mỗi câu chuyện sẽ kể cho trẻ bao điều thú vị về thế giới cổ tích diệu kỳ, đồng thời cung cấp cho trẻ những bài học cuộc sống ý nghĩa. Cùng TopChuan.com khám phá ngay nhé.
Cô bé lọ lem
Ngày xưa có một người đàn ông giàu có, vợ ông ta ốm nặng. Khi bà cảm thấy mình sắp gần đất xa trời, bà gọi người con gái duy nhất của mình lại bên giường và dặn dò:
– Con yêu dấu của mẹ, con phải chăm chỉ nết na nhé, mẹ sẽ luôn luôn ở bên con, phù hộ cho con.
Nói xong bà nhắm mắt qua đời. Ngày ngày cô bé đến bên mộ mẹ ngồi khóc. Cô chăm chỉ, nết na ai cũng yêu mến. Mùa đông tới, tuyết phủ đầy trên mộ người mẹ nom như một tấm khăn trắng. Và khi ánh nắng trời xuân cuốn đi chiếc khăn tuyết ấy, người bố lấy vợ hai.
Người dì ghẻ mang theo hai người con gái riêng của mình. Hai đứa này mặt mày tuy sáng sủa, kháu khỉnh nhưng bụng dạ lại xấu xa đen tối. Từ đó trở đi, cô bé mồ côi sống 1 cuộc đời khốn khổ.
Dì ghẻ cùng hai con riêng hùa nhau nói:
– Không thể để con ngan ngu ngốc kia ngồi lỳ trong nhà mãi thế được! Muốn ăn bánh phải kiếm lấy mà ăn. Ra ngay, con làm bếp!
Chúng lột sạch quần áo đẹp của cô, mặc vào cho cô bé một chiếc áo choàng cũ kỹ màu xám và đưa cho cô một đôi guốc mộc.
– Hãy nhìn cô công chúa đài các thay hình đổi dạng kìa!
Cả ba mẹ con reo lên nhạo báng và dẫn cô xuống bếp. Cô phải làm lụng vất vả từ sáng đến tối, tờ mờ sáng đã phải dậy, nào là đi lấy nước, nhóm bếp, thổi cơm, giặt giũ. Thế chưa đủ, hai đứa con dì ghẻ còn nghĩ mọi cách để hành hạ cô, hành hạ chán chúng chế giễu rồi đổ đậu Hà Lan lẫn với đậu biển xuống tro bắt cô ngồi nhặt riêng ra. Đến tối, sau một ngày làm lụng vất vả đã mệt lử, cô cũng không được nằm giường, mà phải nằm ngủ ngay trên đống tro cạnh bếp. Và vì lúc nào cô cũng ở bên tro bụi nên nom lem luốc, hai đứa con dì ghẻ gọi cô là “Lọ Lem”.
Có lần đi chợ phiên, người cha hỏi hai con dì ghẻ muốn mua quà gì. Đứa thứ nhất nói:
– Quần áo đẹp.
Đứa thứ hai nói:
– Ngọc và đá quý.
Cha lại hỏi:
– Còn con, Lọ Lem, con muốn cái gì nào?
– Thưa cha, trên đường về, cành cây nào va vào mũ cha thì cha bẻ cho con.
Người cha mua về cho hai con dì ghẻ quần áo đẹp, ngọc trai và đá quý. Trên đường về, khi ông cưỡi ngựa đi qua một bụi cây xanh, có cành cây dẻ va vào người ông và làm lật mũ rơi xuống đất. Ông bẻ cành ấy mang về. Về tới nhà, ông chia quà cho hai con dì ghẻ những thứ chúng xin và đưa cho Lọ Lem cành hạt dẻ. Lọ Lem cám ơn cha, đến bên mộ mẹ, trồng cành dẻ bên mộ và ngồi khóc thảm thiết, nước mắt chảy xuống tưới ướt cành cây mới trồng. Cành nảy rễ, đâm chồi và chẳng bao lâu sau đã thành một cây cao to. Ngày nào Lọ Lem cũng ra viếng mộ mẹ ba lần, ngồi khóc khấn mẹ, và lần nào cũng có một con chim trắng bay tới đậu trên cành cây. Hễ Lọ Lem ngỏ ý mong ước xin gì thì chim liền thả những thứ ấy xuống cho cô.
Một hôm nhà vua mở hội ba ngày liền, và cho mời tất cả các hoa khôi trong nước tới dự để hoàng tử kén vợ.
Hai đứa con dì ghẻ nghe nói là mình cũng được mời tới dự thì mừng mừng rỡ rỡ, gọi Lọ Lem đến bảo:
– Mau chải đầu, đánh giày cho chúng tao, buộc dây giày cho chặt để chúng tao đi dự hội ở cung vua.
Lọ Lem làm xong những việc đó rồi ngồi khóc, vì cô cũng muốn đi nhảy. Cô xin dì ghẻ cho đi. Dì ghẻ nói:
– Đồ Lọ Lem, người toàn bụi với bẩn mà cũng đòi đi dự hội! Giày, quần áo không có mà cũng đòi đi nhảy.
Lọ Lem khẩn khoản xin thì dì ghẻ nói:
– Tao mới đổ một đấu đậu biển lẫn với tro, nếu mày nhặt trong hai tiếng đồng hồ mà xong thì cho mày đi.
Cô bé đi qua cửa sau, ra vườn gọi:
– Hỡi chim câu hiền lành, hỡi chim gáy, hỡi tất cả các chim trên trời, hãy bay lại đây nhặt giúp em:
Đậu ngon thì bỏ vào niêu,
Đậu xấu thì bỏ vào diều chim ơi.
Lập tức có đôi chim bồ câu trắng bay qua cửa sổ bếp sà xuống, tiếp theo là chim gáy, rồi tất cả chim trên trời đều sà xuống quanh đống tro. Chim câu gù gù rồi bắt đầu mổ lia lịa píc, píc, píc, nhặt những hạt tốt bỏ vào nồi. Chưa đầy một tiếng đồng hồ chim đã nhặt xong. Làm xong chim lại cất cánh bay đi. Cô gái mang đậu cho dì ghẻ, bụng mừng thầm tin rằng thế nào mình cũng được phép đi dự dạ hội.
Nhưng dì ghẻ bảo:
– Không được đi đâu cả. Lọ Lem! Mày làm gì có quần áo nhảy mà đi nhảy, người ta sẽ nhạo báng mày cho coi.
Khi thấy cô gái khóc, dì ghẻ bảo:
– Nếu mày nhặt hai đấu đậu biển khỏi tro trong một tiếng đồng hồ thì cho phép mày đi cùng.Khi đó dì ghẻ nghĩ:
– Chắc chắn chẳng bao giờ nó nhặt xong.Sau khi dì ghẻ đổ đậu lẫn trong đống tro, cô gái đi qua cửa sau ra vườn và lại gọi:
– Hỡi chim câu hiền lành, hỡi chim gáy, hỡi tất cả các chim trên trời, hãy bay lại đây nhặt giúp em:
Đậu ngon thì bỏ vào niêu,
Đậu xấu thì bỏ vào diều chim đi.
Lập tức có chim bồ câu trắng bay qua cửa sổ bếp sà xuống, tiếp theo là chim gáy, rồi tất cả chim trên trời đều sà xuống quanh đống tro. Chim câu gù gù rồi bắt đầu mổ lia lịa píc, píc, píc; rồi những chim khác cũng thay nhau mổ píc, píc, píc nhặt những hạt tốt bỏ vào nồi. Chưa đầy trong vòng 30 phút đồng hồ chim đã nhặt xong và cất cánh bay đi. Rồi cô gái mang đậu cho dì ghẻ xem, bụng mừng thầm tin rằng lần này thế nào mình cũng được phép đi dự dạ hội. Nhưng dì ghẻ bảo:
– Tốn công vô ích con ạ! Mày không đi cùng được đâu, vì mày làm gì có quần áo nhảy mà đi nhảy. Chả nhẽ bắt chúng tao bẽ mặt vì mày hay sao?
Nói rồi mụ quay lưng, cùng hai đứa con kiêu ngạo vội vã ra đi.
Khi không còn một ai ở nhà, Lọ Lem ra mộ mẹ, đứng dưới gốc cây dẻ gọi:
Cây ơi, cây hãy rung đi,
Thả xuống áo bạc áo vàng cho em.
Chim thả xuống cho cô một bộ quần áo thêu vàng, thêu bạc và một đôi hài lụa thêu chỉ bạc. Cô vội mặc quần áo vào đi dự hội. Dì ghẻ và hai con gái không nhận được ra cô, cứ tưởng đó là nàng công chúa ở một nước xa lạ nào tới, vì cô mặc áo vàng trông đẹp quá. Mấy mẹ con không ngờ đó lại là Lọ Lem, đinh ninh là cô đang ở nhà và giờ này đang lúi húi nhặt đậu khỏi tro. Hoàng tử đi lại phía cô, cầm tay cô nhảy. Hoàng tử không muốn nhảy với ai nữa nên không chịu rời tay cô ra. Nếu có ai đến mời cô nhảy thì chàng nói:
– Đây là vũ nữ của tôi!
Đến tối cô muốn về nhà thì hoàng tử nói:
– Để tôi đi cùng, tôi muốn đưa cô về.
Chàng rất muốn biết cô thiếu nữ xinh đẹp này là con cái nhà ai. Gần đến nhà, cô gỡ tay hoàng tử ra và nhảy lên chuồng chim bồ câu. Hoàng tử chờ đợi mãi, khi người cha đến chàng kể với ông về việc cô gái lạ mặt đã nhảy vào chuồng bồ câu. Ông cụ nghĩ:
– Phải chăng đó là Lọ Lem?
Rồi cụ lấy rìu và câu liêm chẻ đôi chuồng bồ câu ra. Nhưng chẳng có ai ở trong đó cả. Khi họ về tới thì thấy Lọ Lem mặc quần áo nhem nhuốc đang nằm trên đống tro, bên ống khói lò sưởi có một ngọn đèn dầu cháy tù mù. Thì ra Lọ Lem đã nhảy nhanh như cắt từ chuồng bồ câu xuống, chạy lại phía cây dẻ cởi quần áo đẹp đẽ ra để trên mộ. Chim sà xuống tha những thứ đó đi. Rồi cô lại mặc chiếc áo choàng màu xám vào, nằm trên đống tro trong bếp như cũ.
Hôm sau, hội lại mở. Khi cha mẹ và hai em đi rồi. Lọ Lem lại đến gốc cây dẻ gọi:
Cây ơi, cây hãy rung đi,
Thả xuống áo bạc, áo vàng cho em.
Chim lại thả xuống cho em một bộ quần áo lộng lẫy hơn hôm trước. Cô mặc bộ quần áo ấy đi. Khi cô xuất hiện trong buổi dạ hội, cô đẹp rực rỡ làm mọi người ngẩn người ra ngắm. Hoàng tử đã đợi cô từ lâu liền cầm tay cô và chỉ nhảy với 1 mình cô thôi. Các người khác đến mời cô nhảy thì hoàng tử nói:
– Đây là vũ nữ của tôi!
Đến tối, cô xin về, hoàng tử đi theo xem nhà cô ở đâu. Đến nơi, cô vội lên hoàng tử chạy ra vườn sau nhà. Ở đó có một cây lê quả sai chi chít nom thật ngon lành. Cô trèo nhanh như sóc lẩn giữa các cành. Hoàng tử không biết cô trốn ở đâu, chàng đợi khi người cha đến thì nói:
– Cô gái lạ mặt đã chạy trốn. Ta đoán, có lẽ cô ấy nhảy lên cây lê rồi.
Người cha nghĩ:
– Phải chăng đó là Lọ Lem?
Ông cho mang rìu đến, đẵn cây xuống, nhưng chẳng thấy có ai trên cây. Khi cả nhà vào bếp thì thấy Lọ Lem nằm trên đống tro như mọi ngày. Thì ra cô đã nhảy từ phía bên kia cây xuống, đem trả quần áo đẹp cho chim trên cây dẻ và mặc chiếc áo choàng màu xám vào.
Đến ngày thứ ba, cha mẹ và các em vừa đi khỏi, Lọ Lem lại ra mộ mẹ và nói với cây:
Cây ơi, cây hãy rung đi,
Thả xuống áo bạc, áo vàng cho em.
Chim liền thả xuống một bộ quần áo đẹp chưa từng có và một đôi hài toàn bằng vàng. Với bộ quần áo ấy cô đến dạ hội, mọi người hết sức ngạc nhiên há hốc mồm ra nhìn. Hoàng tử chỉ nhảy với cô, có ai mời cô nhảy thì chàng nói:
– Đây là vũ nữ của tôi!
Khi trời tối, Lọ Lem muốn về. Hoàng tử định đưa về nhưng cô lẩn nhanh như chạch làm hoàng tử không theo kịp. Hoàng tử nghĩ ra một kế, chàng cho đổ nhựa thông lên thang, vì thế khi cô nhảy lên thang, chiếc giày bên trái bị dính lại. Hoàng tử cầm lên ngắm thì thấy chiếc hài nhỏ nhắn, xinh đẹp toàn bằng vàng.
Hôm sau hoàng tử mang hài đến tìm người cha và bảo:
– Ta chỉ lấy người đó làm vợ, người chân đi vừa chiếc hài này.
Hai cô con gái dì ghẻ mừng lắm, vì hai cô đều có đôi bàn chân đẹp. Cô cả mang giày vào buồng thử trước mặt mẹ. Nhưng cô không đút ngón chân cái vào được vì hài nhỏ quá.
Bà mẹ liền đưa cho cô một con dao và bảo:
– Cứ chặt phăng ngón cái đi. Khi con đã là hoàng hậu rồi thì cần gì phải đi bộ nữa.
Cô ta liền chặt đứt ngón chân cái, cố nhét chân vào hài rồi cắn răng chịu đau đến ra mắt hoàng tử. Hoàng tử nhận cô làm cô dâu và bế cô lên ngựa cùng về. Dọc đường, hai người phải đi qua mộ, có đôi chim câu đậu trên cây dẻ hót lên:
Rúc-di-cúc, rúc-di-cúc.
Máu thấm trên hài,
Do chân dài quá,
Chính cô dâu thật,
Vẫn ở trong nhà.
Hoàng tử liếc nhìn xuống chân cô thấy máu vẫn còn đang chảy ra, chàng liền quay ngựa lại, đưa cô dâu giả về nhà trả lại cho cha mẹ cô và nói:
– Đây không phải là cô dâu thật.
Rồi chàng đưa hài cho cô em thử. Cô em vào buồng thử hài thì may sao các ngón đều lọt cả, nhưng phải cái gót lại to quá. Bà mẹ đưa cô một con dao và bảo:
– Cứ chặt phăng đi một miếng gót chân. Khi con đã là hoàng hậu thì chẳng bao giờ phải đi chân đất nữa.
Cô ta chặt một miếng gót chân, cô đút chân vào hài, cắn răng chịu đau, ra gặp hoàng tử.
Hoàng tử nhận cô làm cô dâu và bế cô lên ngựa cùng về. Dọc đường, hai người phải đi qua mộ, có đôi chim câu đậu trên cây dẻ hót lên:
Rúc-di-cúc, rúc-di-cúc.
Máu thấm trên hài,
Do chân dài quá,
Chính cô dâu thật,
Vẫn ở trong nhà.
Hoàng tử nhìn xuống chân cô thấy máu vẫn còn đang chảy ra, chàng liền quay ngựa lại, đưa cô dâu giả về nhà trả lại cho cha mẹ cô và nói:
– Đây cũng không phải là cô dâu thật. Gia đình còn có con gái nào khác không?
Người cha đáp:
– Thưa hoàng tử không ạ. Người vợ cả của tôi khi qua đời có để lại một đứa con gái người xanh xao, nhem nhuốc. Thứ nó thì chả làm cô dâu được.
Hoàng tử bảo ông cứ gọi cô gái ấy ra. Dì ghẻ nói chen vào:
– Thưa hoàng tử, không thể thế được. Nó dơ bẩn lắm không thể cho nó ra mắt hoàng tử được.Hoàng tử khăng khăng nhất định đòi gọi Lọ Lem lên kỳ được. Cô rửa mặt mũi tay chân, đến cúi chào hoàng tử. Hoàng tử đưa cho cô chiếc hài vàng. Cô ngồi lên ghế đẩu, rút bàn chân ra khỏi chiếc guốc nặng chình chịch, cho chân vào chiếc hài thì vừa như in. Khi cô đứng dậy, hoàng tử nhìn thấy mặt nhận ngay ra cô gái xinh đẹp đã nhảy với mình bèn reo lên:
– Cô dâu thật đây rồi!
Dì ghẻ và hai cô con gái mặt tái đi vì hoảng sợ và tức giận. Hoàng tử bế Lọ Lem lên ngựa đi. Khi hai người cưỡi ngựa qua cây dẻ, đôi chim câu hót:
Rúc-di-cúc,
rúc-di-cúc
Hài không có máu,
Chân vừa như in,
Đúng cô dâu thật,
Hoàng tử dẫn về.
Hót xong, đôi chim câu bay tới đậu trên hai vai Lọ Lem, con đậu bên trái, con đậu bên phải.Khi đám cưới của hoàng tử được tổ chức thì hai cô chị cũng đến phỉnh nịnh để mong hưởng phú quý. Lúc đoàn đón dâu đến thì cô chị cả đi bên phải, cô em đi bên trái. Chim câu mổ mỗi cô mất một mắt. Sau đó khi họ trở về thì cô chị đi bên trái, cô em đi bên phải, chim câu lại mổ mỗi cô mất một mắt nữa. Cả hai chị em suốt đời mù lòa, vì bị trừng phạt do tội ác và giả dối.
Sự tích hạt đậu
Có một bà lão nghèo khổ ở làng kia kiếm được một mớ đậu mang nấu. Bà vào bếp nhóm lửa. Để đun cho nhanh, bà đút một mớ rơm vào bếp. Lúc bà đổ đậu vào nồi, có một hạt rơi xuống đất mà bà không hề hay biết. Hạt đậu rơi ngay cạnh một sợi rơm. Liền sau đó có một cục than hồng bắn từ trong bếp rơi xuống chỗ đậu và rơm. Sợi rơm liền hỏi:
– Các bạn thân mến, các bạn ở đâu tới đây thế?
Than trả lời:
– May quá là may, tôi nhảy từ ngọn lửa kia ra. Nếu tôi không lấy sức để nhảy ra thì chắc hẳn là toi mạng? Giờ có lẽ tôi đã bị đốt thành tro rồi.
Đậu nói:
– May là tôi không bị xây xát gì cả. Nếu như bà lão không đánh rớt tôi ra ngoài, có lẽ giờ này tôi đã bị nấu nhừ thành cháo như các bạn tôi.
Rơm nói:
– Kể ra thân phận tôi cũng chẳng hơn gì! Bà lão cho tất cả anh em tôi làm mồi cho khói lửa, bà nắm một lúc sáu chục sợi và đốt sạch. Cũng may tôi luồn được qua kẽ ngón tay bà cụ.
Than hỏi:
– Thế chúng ta làm gì bây giờ?
Đậu nói:
– Tôi nghĩ, cũng may là chúng ta cùng thoát chết, vậy thì chúng ta hãy kết nghĩa anh em với nhau. Để tránh điều bất hạnh khác có thể xảy ra với chúng ta, chúng ta hãy cùng nhau đi chu du thiên hạ.
Nghe lời đề nghị ấy, cả than và rơm đều thấy vui lòng. Thế rồi cả ba cùng nhau lên đường.
Chẳng bao lâu cả ba tới bên một bờ con suối nhỏ. Chẳng có cầu mà cũng chẳng có ván bắc qua suối, cả ba loay hoay, chưa biết tính làm sao qua được suối. Chợt rơm nghĩ ra một kế và nói:
– Để tôi nằm vắt ngang suối, các bạn đi lên tôi như đi qua cầu vậy.
Rơm nằm vắt từ bờ này sang bờ kia. Than vốn tính nóng nảy, bước lon ton trên chiếc cầu vừa mới bắc xong. Ra tới giữa cầu, nghe tiếng nước chảy rào rào, than hoảng sợ. Than đứng lại giữa cầu, không còn can đảm bước tiếp. Rơm bắt đầu cháy, bị đứt thành hai đoạn và rơi xuống suối. Than cũng rơi theo. Chạm mặt nước, than xèo xèo được một lát rồi tắt thở. Đậu vốn tính cẩn thận hơn, hãy còn đứng bên bờ suối. Thấy sự việc xảy ra thật tức cười, đậu cười hoài rồi cười phá lên và vỡ ra từng mảnh. Thế là suýt nữa đậu cũng hết đời. Nhưng may thay lúc đó lại có một bác thợ may đi du ngoạn đang ngồi nghỉ bên bờ suối. Vốn có lòng thương người, bác lấy kim chỉ khâu liền các mảnh đậu. Đậu vô cùng biết ơn bác thợ may. Nhưng vì bác thợ may dùng chỉ đen để khâu nên từ đó hạt đậu nào cũng có đường chỉ đen.
Vua ếch
Từ thời xa xưa lắm rồi, khi chuyện ước nguyện còn có hiệu nghiệm, một ông vua có mấy cô con gái, cô nào cũng xinh đẹp cả. Nhưng cô út xinh đẹp lộng lẫy đến nỗi mặt trời tuy đã trông thấy nhiều cảnh đẹp mà vẫn phải ngạc nhiên mỗi khi chiếu vào mặt nàng.
Sát bên cung điện nhà vua là khu rừng lớn rậm rạp âm u. Bên gốc cây thùy dương cổ thụ của khu rừng có một cái giếng. Vào những hôm trời oi bức, công chúa thường vào rừng, ngồi chơi bên bờ giếng nước trong mát. Để cho đỡ buồn tẻ, công chúa thường lấy một quả cầu vàng tung lên để bắt chơi. Đó là đồ chơi mà nàng quý nhất.
Một hôm, quả cầu vàng tung lên lại không rơi vào tay nàng mà rơi trượt xuống đất rồi lăn thẳng xuống giếng nước. Công chúa nhìn theo, nhưng quả cầu đã biến mất. Giếng sâu đến nỗi không ai nhìn thấy đáy. Lúc ấy công chúa liền òa lên khóc. Nàng khóc mỗi lúc một to, khóc mãi không nguôi. Trong khi nàng đang than khóc như vậy, bỗng có người nào đó nói:
– Công chúa ơi, có chuyện chi mà nàng kêu khóc đến nỗi đá nghe cũng phải động lòng thương?
Nàng nhìn quanh xem tiếng nói vang từ đâu tới, chợt thấy một con Ếch nhô chiếc đầu to tướng và xấu xí lên khỏi mặt nước. Nàng bảo:
– Chà, tưởng ai! Hóa ra là cái giống vẫn bì bõm dưới nước lâu nay! Tôi khóc nhớ quả cầu vàng của tôi, nó rơi xuống giếng mất rồi.
Ếch an ủi:
– Công chúa cứ yên tâm, đừng khóc nữa. Chắc chắn tôi sẽ có cách giúp công chúa. Nhưng nếu tôi lấy được quả cầu ấy lên cho công chúa thì công chúa mất gì cho tôi nào.
Nàng nói:
– Chú Ếch thân mến, tùy chú, chú muốn lấy gì của tôi thì lấy: quần áo, châu báu, cả đến mũ miện bằng vàng tôi đang đội đấy cũng được.
Ếch đáp:
-Quần áo, châu báu của công chúa, cả chiếc mũ miện bằng vàng công chúa đội tôi cũng chẳng thích. Nhưng nếu công chúa thương yêu tôi, cho tôi làm bạn tri âm, bạn lúc vui chơi, được ngồi cạnh công chúa bên chiếc bàn xinh xinh của nàng, cùng ăn chung với công chúa ở chiếc dĩa xinh xinh bằng vàng của nàng, cùng uống chung với công chúa ở trong chiếc cốc xinh xinh của nàng, được ngủ trong chiếc giường xinh xinh của công chúa. Nếu công chúa hứa với tôi như vậy thì tôi sẽ lặn xuống tìm bằng được quả cầu vàng lên cho công chúa.
Công chúa nói:
– Ừ, được, ta hứa với Ếch, ta sẽ làm tất cả những điều Ếch muốn, miễn Ếch lấy lại được cho ta quả cầu vàng.Hứa như vậy nhưng trong thâm tâm nàng nghĩ là con Ếch ngớ ngẩn kia ăn nói thật vớ vẩn. Hạng ếch ngồi đáy giếng thi nhau với đồng loại kêu ồm ộp suốt ngày thì làm bạn tri âm với người thế nào được.
Ếch thấy nàng bằng lòng bèn ngụp đầu lặn xuống dưới đáy giếng. Chỉ một lát sau nó đã ngoi lên, mõm ngoạm quả cầu ném lên cỏ. Thấy lại đồ chơi đẹp đẽ của mình, công chúa rất mừng. Nàng cúi xuống nhặt lên, rồi chạy ngay đi. Ếch gọi với theo:
– Đợi tôi với, đợi tôi với! Nàng hãy đem tôi đi cùng, tôi làm sao mà chạy nhanh như nàng được?
Ếch cố lấy hết sức để gân cổ lên kêu ồm ộp gọi với theo cũng vô ích! Công chúa vội vã chạy về nhà nên chẳng nghe thấy gì cả. Chỉ một lát sau là nàng quên hẳn con Ếch tội nghiệp kia. Ếch ta đành nhảy xuống giếng của mình.
Hôm sau vua, công chúa cùng quần thần đang ngồi bên bàn ăn, công chúa đang ăn trên chiếc đĩa xinh xinh của mình thì nghe thấy có tiếng nhảy lạch bạch, lạch bạch ở những bậc thang bằng cẩm thạch.
Lên tới nơi, Ếch gõ cửa gọi:
– Công chúa, công chúa trẻ đẹp nhất ơi, mở cửa cho tôi vào!Nàng chạy nhanh ra, định xem ai gọi cửa. Mở cửa ra, nàng thấy Ếch đang ngồi. Nàng vội đóng sầm sửa, trở lại ngồi bên bàn ăn, lòng đầy hồi hộp lo sợ.Thoáng nhìn, vua biết ngay trống ngực công chúa đang đánh liên hồi.
Vua hỏi:
– Con cưng của ta, có điều gì làm con sợ hãi thế? Phải chăng có một người khổng lồ đứng ngay trước cửa định bắt con đi?
Nàng đáp:
– Thưa cha không ạ. Đó không phải là người khổng lồ mà là một con Ếch ghê tởm!
– Ếch muốn gì ở con?
– Trời, cha yêu dấu! Hôm qua, khi con ngồi chơi bên bờ giếng thì quả cầu vàng của con rơi xuống giếng nước. Vì con khóc lóc mãi nên Ếch lặn xuống mò quả cầu lên cho con. Nhưng cũng vì Ếch đòi con phải hứa hẹn với nó, con có hứa với nó rằng nó sẽ là bạn tri âm của con, nhưng lúc ấy con nghĩ chắc nó chẳng bao giờ nhảy nổi lên cạn được. Hiện giờ nó đã ở ngoài cửa và muốn vào với con.
Đúng lúc ấy có tiếng gõ cửa lần hai và có tiếng gọi:
Công chúa trẻ nhất ơi,
Mở cửa cho tôi vào!
Nàng chẳng nhớ hay sao,
Bao điều nàng hứa hẹn,
Bên bờ giếng mát trong?
Công chúa trẻ nhất ơi,
Mở cửa cho tôi vào!
Lúc đó, vua nói:
– Con đã hứa thì phải giữ lời hứa chứ. Con cứ ra mở cửa mời Ếch vào.
Công chúa ra mở cửa, Ếch liền nhảy theo nàng sát gót tới bên ghế nàng ngồi. Ếch nói với nàng:
– Nàng hãy nhấc tôi lên chỗ nàng ngồi!Công chúa choáng váng, lưỡng lự mãi, sau vua phải ra lệnh cho nàng làm. Nhưng vừa mới lên ghế, Ếch lại đòi lên bàn.
Ngồi trên bàn rồi, Ếch nói:
– Nào, nàng đẩy chiếc đĩa vàng xinh xinh của nàng lại gần tôi để chúng ta cùng ăn.
Công chúa đành phải làm theo, nhưng ai cũng thấy rõ ràng là miễn cưỡng. Ếch ăn ngon lành, nhưng công chúa ăn miếng nào vào cũng như muốn tắc lại ở cổ.
– Tôi ăn no nê rồi, giờ thấy người đâm ra mệt mỏi. Khênh tôi vào buồng nhỏ xinh của nàng, rũ giường trải lụa cho ngay ngắn để chúng ta cùng lên giường ngủ.
Công chúa òa lên khóc, sợ con Ếch da lạnh nhớp nháp mà nàng không dám sờ đến. Thế mà nó lại sẽ ngủ trên chiếc giường xinh đẹp, sạch sẽ của nàng. Công chúa làm vua nổi nóng.
Người nói:
– Ai đã giúp con trong cơn hoạn nạn thì sau đó con không được phép khinh thường họ.Lúc đó, công chúa lấy hai ngón tay nhấc Ếch lên, đặt vào một xó nhà.
Khi nàng lên giường nằm, Ếch nhảy tới bảo:
– Tôi mỏi mệt. Tôi muốn được ngủ trên giường êm như nàng. Nàng hãy đưa tôi lên, nếu không tôi mách vua cha.
Công chúa tức lắm, nhấc Ếch lên rồi lấy hết sức ném Ếch vào giường, lòng nghĩ thầm:
– Giờ thì mày yên thân nhé, đồ Ếch ghê tởm!
Nhưng khi nó rơi xuống thì không phải Ếch nữa mà hóa thành một vị hoàng tử có đôi mắt xinh đẹp và dễ thương. Theo ý muốn của vua cha, chàng thành người bạn tri âm và người chồng yêu dấu của nàng. Lúc đó, chàng kể lại cho nàng nghe, chàng bị một mụ phù thủy ác khẩu phù phép, không có ai ngoài nàng có thể giải thoát được chàng khỏi giếng. Hai người định hôm sau sẽ về nước của hoàng tử. Họ ngủ một mạch cho đến sáng, khi mặt trời đánh thức họ dậy thì có một cỗ xe đến, xe thắng tám ngựa trắng, buộc xích vàng, đứng sau là người thị vệ của ông vua trẻ – bác Heinrich trung thành. Trước kia, khi thấy chủ mình bị biến thành Ếch, bác Heinrich trung thành rất buồn, buồn đến nỗi bác đã đánh ba vòng đai sắt quanh tim để tim khỏi bị đau buồn mà vỡ ra. Cỗ xe rước ông vua trẻ về nước. Bác Heinrich trung thành đỡ chàng và nàng công chúa lên xe, rồi đứng ở phía sau xe. Bác vui mừng khôn xiết vì thấy phép yêu đã được xóa bỏ.
Khi họ đã đi được một đoạn đường dài thì hoàng tử nghe thấy ở đằng sau có tiếng kêu răng rắc như có gì gãy. Chàng liền quay lại hỏi:
– Bác Heinrich hình như xe gãy?
– Thưa chàng, không phải xe đâu.
Đó là tiếng rạn của vòng đai tim.
Khi chàng hóa Ếch giếng chìm,
Tim tôi đau đớn, buồn phiền xót xa.
Dọc đường lại có tiếng kêu răng rắc hai lần nữa. Hoàng tử cứ ngỡ là xe gãy, nhưng thực ra đó chỉ là tiếng nứt tung của những vòng đai sắt quanh tim bác Heinrich trung thành, nó nứt tung ra vì hoàng tử đã được giải thoát và hạnh phúc.
Con đức bà Maria
Xưa có vợ chồng người tiều phu sống trong một khu rừng lớn, họ chỉ có mỗi một người con gái lên ba tuổi. Họ nghèo lắm, nghèo đến nỗi bánh ăn hàng ngày cũng không có, không biết lấy gì để nuôi con.Một buổi sáng kia, người tiều phu vào rừng đốn củi, đương đốn cây, bác bỗng thấy một người đàn bà béo đẹp đứng trước mặt mình, người đàn bà ấy đầu đội vương miện có những ngôi sao lấp lánh, bà nói:
– Ta là Đức bà Maria, mẹ Đức Chúa Giêsu. Ngươi nghèo khó, túng thiếu. Hãy đưa đứa con của ngươi để ta nuôi nó, ta sẽ chăm sóc nó như mẹ với con.
Người tiều phu vâng theo, đưa con cho Đức bà Maria mang theo lên trời. Đứa bé ở trên đó sung sướng lắm, được ăn bánh bích qui, uống sữa, quần áo thêu bằng sợi vàng ròng óng ánh, được vui chơi cùng với các thiên thần.
Lúc đứa trẻ vừa tròn mười bốn tuổi, Đức bà Maria cho gọi đến và nói:
– Con yêu dấu, mẹ phải đi xa. Giờ mẹ giao cho con chìa khóa của mười ba cửa ở trên thượng giới này. Con chỉ được phép mở mười hai cửa để ngắm nghía những vật kỳ diệu. Nhưng cửa thứ mười ba – đây chính chiếc chìa khóa nhỏ này – cấm con không được mở. Con chớ có mở mà nguy khốn.
Cô bé hứa vâng theo lời dặn. Sai khi Đức bà Maria đi, cứ mỗi ngày cô bé lại mở một cửa buồng để vào xem, ngồi trong phòng là một vị giáo đồ hào quang chói tỏa ra xung quanh, cô cũng như các thiên thần cùng đi xem đều hết sức vui mừng khi được thấy mười hai căn phòng trang hoàng lộng lẫy, tráng lệ. Lòng hiếu kỳ thôi thúc cô bé. Cô nói:
– Tôi không định mở chiếc cửa thứ mười ba để bước vào trong ngắm nghía, nhưng tôi muốn hé mở để chúng ta ngó xem thôi.
Các thiên thần can:
– Ấy chớ có hé mở. Thế là có tội với Đức bà Maria đấy, đừng có làm mà khốn.
Cô bé nín lặng, nhưng tính tò mò làm cho cô lòng bứt rứt không yên, lúc các thiên thần đi khuất, cô nảy ra ý nghĩ:
– Giờ còn mình ta, ta có ngó nhòm vào thì đâu có ai hay biết.
Cô lục tìm và lấy chìa khóa tra vào ổ và quay, cửa bật mở toang, cô thấy Đức Chúa Trời ngồi giữa hào quang rực lửa, cô đứng ngẩn người ra ngắm nghía, tò mò cô đưa ngón tay với ra vào chỗ vòng hào quang, ngón tay cô lập tức vàng óng như mạ. Hoảng sợ, cô dập ngay cửa lại và co cẳng chạy mất. Cơn hoảng hốt ấy làm cho tim cô cứ đập thình thịch. Đã thế, lau rửa kỳ cọ bao nhiêu màu vàng ở ngón tay vẫn không hết.
Ít lâu sau Đức bà Maria về, cho gọi cô tới nộp chùm chìa khóa, bà nhìn thẳng mặt cô bé dò hỏi:
– Con có mở chiếc cửa thứ mười ba không đấy?
– Không ạ.
Đức bà Maria đưa tay lên ngực cô bé, thấy tim cô đập dồn dập, bà biết ngay cô đã không nghe lời, đã tự ý mở cửa đó ra.
Đức bà Maria lại hỏi:
– Có chắc chắn là con không mở cửa không?
Lại một lần nữa cô bé thưa:
– Thưa không ạ.
Nhìn ngón tay vàng óng của cô bé, Đức bà Maria biết ngay là cô đã đưa tay ra sờ phải hào quang. Người biết ngay là cô bé phạm lỗi, nhưng người vẫn hỏi lại lần thứ ba:
– Con có mở cửa đó không?
Lần thứ ba này, cô bé vẫn đáp:
– Thưa không ạ.
Lúc đó Đức bà Maria nói:
– Con không nghe lời ta, đã thế con còn nói dối, con không xứng đáng được ở thượng giới nữa.
Bỗng cô gái thiếp đi, khi tỉnh dậy, cô thấy mình đang nằm trong rừng sâu. Cô muốn mở mồm kêu la nhưng không sao nói lên lời. Cô chồm dậy tính chạy khỏi nơi đây, nhưng chạy hướng nào cũng bị mắc lại bởi những bụi gai, cô không sao ra khỏi nơi ấy.
Ở giữa nơi hoang vắng này lại có một cây cổ thụ, đúng rồi gốc cây rỗng có thể là chỗ trí ẩn tốt, cô nghĩ vậy và cố bò tới gốc cây khi bóng đêm buông xuống. Cô ngủ ngon lành trong hốc cây mà chẳng sợ gió bão, mưa rơi. Nhưng cuộc sống nơi đây gian khổ quá, nhìn ngắm bầu trời, nơi các thiên thần đang vui chơi, bỗng cô òa lên khóc. Thức ăn của cô chỉ toàn rễ, củ và dâu rừng. Mùa thu tới, cô gắng thu gom hạt dẻ và lá cây, rồi đem về hang của mình trong gốc cây. Thức ăn của cô trong mùa đông là số hạt dẻ thu gom được. Những lúc tuyết rơi, trời lạnh giá, cô rúc vào trong đống lá cho đỡ lạnh như những thú rừng khốn khó khác. Rồi quần áo cô rách tả tơi từng mảnh. Khi ánh nắng mùa hè chói chang chiếu xuống, cô ra ngồi sưởi nắng, tóc xõa che người như chiếc áo khoác lên thân cô.
Cô sống trong cảnh hoang vu, khốn khổ thiếu thốn hết năm này sang năm khác.
Lần ấy, khi mùa xuân tới, cây đâm chồi xanh khắp khu rừng, vua đi săn nai, con nai chạy ngay vào trong bụi cây, vừa xuống ngựa và dùng gươm chém phạt bụi gai để mở đường. Khi vào tới nơi, nhà vua nhìn thấy một cô gái đẹp tuyệt trần đang ngồi dưới gốc cây, tóc vàng xõa phủ khắp người tới chân. Nhà vua ngạc nhiên trước cảnh tượng ấy, đứng ngắm nhìn, rồi vua cất tiếng hỏi:
– Cô là ai? Mà tại sao lại ngồi ở nơi hoang vắng như thế?
Cô không sao động đậy được môi để trả lời. Nhà vua lại hỏi:
– Cô có cùng đi với tôi về hoàng cung không?
Cô khẽ gật đầu đồng ý. Nhà vua bế cô đặt lên ngựa, đưa cô về. Về tới hoàng cung, nhà vua đưa cho cô nhiều quần áo đẹp và đủ mọi thứ trang sức.
Tuy cô câm lặng, nhưng cô đẹp và dễ thương đến mức nhà vua yêu thương cô vô cùng và sau đó hôn lễ được tổ chức. Năm sau, hoàng hậu sinh được một hoàng tử. Ngay trong đêm ấy, khi hoàng hậu đang nằm 1 mình trên giường thì Đức bà Maria xuất hiện và nói:
– Nếu con nói ra sự thật và thú nhận, chính con là người mở cánh cửa cấm thì ta sẽ mở mồm cho con và trả lại con giọng nói khi xưa. Nếu con cứ ngoan cố trong tội lỗi thì ta sẽ mang theo đứa bé mới đẻ này.
Hoàng hậu chỉ ú ớ nói:
– Con không mở cửa cấm.
Đức bà Maria ẳm đứa trẻ đi mất.
Sáng hôm sau, không ai thấy đứa trẻ mới sinh, mọi người thì thầm, hoàng hậu ăn thịt người và hình như ăn chính con mình.
Hoàng hậu nghe rõ những lời đồn đại của thiên hạ nhưng không sao mở mồm ra được để thanh minh cho mình. Nhà vua rất yêu thương hoàng hậu, nên cũng không tin những lời đồn đại kia.
Năm sau, hoàng hậu lại sinh ra một cậu con trai. Ngay trong đêm ấy, Đức bà Maria lại xuất hiện và nói:
– Nếu con thú nhận rằng chính con đã mở cửa cấm thì ta trả lại con và giải thoát cho cái lưỡi của con. Nếu con cứ ngoan cố trong tội lỗi thì ta sẽ mang theo đi đứa trẻ mới đẻ này.
Hoàng hậu lại ú ớ nói:
– Không, con không mở cửa cấm.
Đức bà Maria ẵm đứa trẻ lên và mang theo lên trời.
Sáng sớm hôm sau, khi đứa trẻ đã biến mất, mọi người đồn ầm lên, rằng hoàng hậu đã nuốt tươi con mình. Cả triều đình quyết nghị đòi phải hành quyết ngay hoàng hậu. Nhà vua yêu quí hoàng hậu nên ra lệnh, trong triều không ai được nhắc tới chuyện ấy nữa.
Năm sau, hoàng hậu sinh ra một con gái, lần thứ ba Đức bà Maria lại xuất hiện trong đêm khuya và nói:
– Hãy đi theo ta!
Bà nắm tay hoàng hậu và dẫn lên thiên đường, và chỉ nơi hai đứa con trai của hoàng hậu đang vui chơi bên quả cầu. Hoàng hậu rất lấy làm vui mừng, lúc đó Đức bà Maria nói:
– Giờ lòng con đã thanh thản chưa? Nếu con thú nhận mình đã mở cửa cấm, ta sẽ trao lại hai đứa con trai khi xưa.
Lần thứ ba hoàng hậu lại nói:
– Không, con không mở cửa cấm.
Đức bà để hoàng hậu ở lại trần gian 1 mình và giữ đứa con gái mới đẻ lại.
Sáng sớm hôm sau, khi mọi người hay tin, họ đồng thanh nói lớn:
– Hoàng hậu ăn thịt người nên phải được đưa ra xét xử!
Nhà vua không biết ăn nói thế nào nữa. Phiên tòa xét xử hoàng hậu mở, vì không mở mồm thanh minh cho mình được nên hoàng hậu bị tuyên án chết hỏa thiêu.
Lửa bắt đầu cháy, hoàng hậu bị trói chặt vào cột, khi lửa bén dần sang chung quanh, hoàng hậu lúc ấy mới hối hận và nghĩ, chỉ có trước khi chết mình mới thú nhận rằng mình đã mở cửa cấm. Bỗng hoàng hậu nói lớn:
– Thưa Đức bà Maria, chính con đã mở cửa cấm.
Trời bỗng nhiên đổ mưa rào như trút nước và dập tắt lửa, rồi Đức bà Maria cùng với hai bé trai – tay bà ẵm bé gái – xuất hiện ngay trên đầu hoàng hậu. Đức bà vui vẻ nói:
– Ai biết hối hận về lỗi của mình và thú nhận, người đó sẽ được tha thứ.
Đức bà trao cho hoàng hậu ba đứa con, trả lại cho cả giọng nói và ban phước lành cho hoàng hậu.
Mười hai hoàng tử
Ngày xửa ngày xưa, ở vương quốc kia vua và hoàng hậu sống rất hòa thuận và có mười hai người con trai rất khôi ngô tuấn tú.
Có lần, vua nói với hoàng hậu:
– Nếu đứa con thứ mười ba lại là con gái thì mười hai đứa con trai kia phải chết để cho con gái ta thừa hưởng 1 mình gia tài và trị vì vương quốc này.
Rồi nhà vua sai làm mười hai cái quan tài, trong chứa phoi bào và để sẵn một cái gối. Tất cả mười hai quan tài được cất giấu ở một nơi. Nhà vua trao chìa khóa cho hoàng hậu và dặn không được nói cho ai biết. Hoàng hậu suốt ngày rầu rĩ. Đứa con trai út lúc nào cũng ở bên hoàng hậu. Đó cũng là đứa con hoàng hậu đặt tên theo kinh thánh là Benjamin. Thấy hoàng hậu lúc nào cũng có vẻ buồn buồn, hoàng tử hỏi:
– Mẹ ơi, sao mẹ lúc nào cũng buồn vậy?
Hoàng hậu bảo:
– Con yêu quý của mẹ, mẹ không được phép nói ra điều đó.
Hoàng tử hỏi luôn mồm về chuyện đó làm cho hoàng hậu phải mở cửa buồng và chỉ cho biết mười hai quan tài. Rồi hoàng hậu giải thích:
– Benjamin, con yêu của mẹ. Nhà vua đã sai làm quan tài cho con và mười một anh trai của con. Nếu người con thứ mười ba ra đời lại là con gái thì tất cả mười hai anh trai sẽ bị giết, đặt vào trong quan tài đó đem chôn.
Hoàng hậu vừa nói vừa khóc nức nở, cậu con út an ủi mẹ:
– Mẹ ơi, mẹ đừng khóc nữa, chúng con sẽ tìm cách đi khỏi nơi này.
Hoàng hậu bảo:
– Con hãy cùng mười một anh con lẻn vào trong rừng. Các con thay phiên nhau trèo lên cây cao để canh chừng xem cờ cắm ở tháp canh hoàng cung. Nếu mẹ sinh con trai thì sẽ có cờ trắng ở tháp canh, các con có thể trở về hoàng cung. Nếu mẹ sinh con gái, sẽ có cờ đỏ ở tháp canh, lúc đó các con hãy nhanh nhanh tiếp tục lên đường. Chúa kính yêu sẽ che chở các con! Đêm khuya nào mẹ cũng cầu khẩn cho các con, để mùa đông được quây quần bên lửa sưởi ấm, mùa hè quây quần dưới bóng mát của cây cổ thụ.
Rồi người mẹ làm dấu cầu nguyện cho đàn con. Ngay sau đó mười hai anh em trai trốn vào rừng. Anh em thay nhau trèo lên cây cao quan sát tháp canh hoàng cung. Đã mười một ngày trôi qua không có cờ, ngày thứ mười hai đến lượt Benjamin thì thấy có cờ cắm ở tháp canh, nhưng không phải là cờ trắng mà là cờ đỏ, lá cờ báo tất cả mười hai anh em phải chết.
Khi biết tin, tất cả mười hai anh em đều tức giận nói:
– Tại sao chúng ta lại phải chết chỉ vì một người con gái. Chúng ta thề sẽ trả thù, người con gái đầu tiên chúng ta gặp sẽ phải đầu rơi máu chảy.Ngay sau đó, mười hai anh em lên đường, đi vào tận sâu giữa rừng. Ở đây bóng cây che hết ánh sáng mặt trời, nên lúc nào cũng âm u. Đứng ở giữa rừng là một căn nhà nhỏ mà mụ phù thủy đã bỏ bùa. Nhìn thấy căn nhà, họ đồng thanh nói:
– Chúng ta sẽ ở đây. Benjamin là em út và là người yếu nhất thì ở nhà lo bếp núc. Còn mười một chúng ta đi săn kiếm đồ ăn.Mười một anh trai kéo nhau đi săn chim, hoẵng đem về để Benjamin chế biến thành món ăn, ăn cho qua ngày.Thấm thoát, họ đã sống như vậy ở trong căn nhà đã được mười năm.
Người con gái hoàng hậu sinh ra giờ đây đã trưởng thành, cô rất thương người và cũng rất xinh đẹp, trán cô có ngôi sao vàng.Có lần, nhìn trong đống đồ đem phơi cô thấy có mười hai chiếc áo nhỏ, cô hỏi hoàng hậu:- Mẹ ơi, mười hai chiếc áo nhỏ này của ai? Nhỏ thế thì không phải là của vua cha rồi.
Hoàng hậu buồn rầu đáp:
– Con yêu của mẹ. Đó là áo của mười hai anh trai của con.
Cô gái hỏi tiếp:
– Thế mười hai anh trai của con đâu? Con chưa nghe thấy ai nói về điều này.
Hoàng hậu bảo:
– Chỉ có Chúa Trời mới biết được nơi ở của các anh con. Các anh con đang lưu lạc khắp mọi nơi.
Rồi hoàng hậu dẫn con gái tới một căn buồng, rồi lấy khóa mở cửa và chỉ vào phòng:
– Đấy là những quan tài làm sẵn dành cho mười hai anh trai của con. Nhưng các anh đã trốn khỏi hoàng cung trước khi con chào đời.
Rồi hoàng hậu kể cho nghe hết đầu đuôi câu chuyện. Nghe xong, công chúa nói:
– Mẹ ơi, mẹ đừng khóc nữa, con sẽ đi tìm các anh con.
Công chúa lên đường và mang theo mười hai chiếc áo. Cô vào tận sâu trong rừng. Cô đi suốt ngày, khi trời tối thì cũng là lúc cô tới căn nhà nhỏ trong rừng sâu. Cô bước vào trong nhà thì gặp một chàng trai, người này hỏi:
– Cô ở đâu tới đây? Cô định đi đâu?
Chàng ngạc nhiên vì vẻ đẹp lộng lẫy của nàng, người đã xinh đẹp lại có ngôi sao vàng ở trán. Cô gái đáp:
– Tôi là công chúa. Tôi sẽ đi cùng trời cuối đất để tìm cho bằng được mười hai anh trai của tôi.
Rồi cô giơ mười hai chiếc áo cho chàng trai xem. Benjamin hiểu ngay người đứng trước mình chính là em gái của mình. Chàng nói:
– Tôi là Benjamin, em út trong mười hai người anh của em.Hai anh em hết sức vui mừng, vui tới mức ôm hôn nhau vừa khóc.
Chàng nói:
– Còn một việc nữa. Các anh có thề nguyền, người con gái đầu tiên mình gặp sẽ phải chết, chỉ vì chuyện sinh con gái mà tất cả mười hai người phải đi trốn tránh.
Cô gái nói:
– Em sẵn sàng chết để giải thoát cho mười hai anh.
Chàng trai nói:
– Không, em không phải chết. Em hãy ẩn trong cái thùng này. Khi nào cả mười một người về, anh sẽ bàn thống nhất việc này.
Đến đêm, mười một người đi săn về. Bàn ăn đã dọn sẵn, họ ngồi quanh bàn và ăn. Họ hỏi:
– Hôm nay có chuyện gì không?
Benjamin đáp:
– Có, có chuyện mà chưa ai biết.
– Thế chuyện gì nào?
– Trong lúc các anh đi săn, em ở nhà và có chuyện.
– Thì kể tiếp đi
!- Nhưng các anh phải hứa, sẽ không giết chết người con gái đầu tiên mà mình gặp.
– Thì cũng có thể tha được. Cứ kể tiếp đi!
Lúc bấy giờ chàng nói:
– Em gái của chúng ta đang ở đây.
Rồi chàng nhấc chiếc thùng. Mọi người nhìn thấy một cô gái có vẻ đẹp lộng lẫy, ở trán lại điểm ngôi sao vàng. Mọi người hết sức vui mừng, chạy lại ôm hôn thắm thiết.
Giờ nàng ở nhà cùng với Benjamin lo công việc bếp núc. Mười một người anh trai hàng ngày đi săn thú như chim, thỏ, hoẵng đem về để chế biến thành món ăn. Cô em gái đi hái rau, nhóm bếp và nấu thức ăn, để đến khi mười một anh trai đi săn về là có ngay. Nàng còn quét dọn nhà cửa, xếp chăn giường ngay ngắn. Mười ba anh em sống rất hòa thuận.
Có lần, hai anh em nấu món thật ngon để tất cả mười ba anh em cùng ăn uống vui vẻ. Phía bên nhà là một vườn hoa nhỏ có mười hai bông huệ trắng – mà người ta vẫn thường gọi là Hoa Sinh Viên. Cô em út ra vườn hái mười hai bông huệ trắng tính để tặng mười hai anh trai. Nhưng cô vừa hái hoa xong thì cả mười hai anh đã biến thành mười hai con quạ bay vào trong rừng. Căn nhà và vườn hoa cũng biến mất. Giờ đây chỉ còn 1 mình cô gái đáng thương ở trong rừng. Trong lúc cô đang còn ngơ ngác thì có một bà già xuất hiện đứng ngay bên cạnh. Bà nói:
– Nào, con của ta đã làm gì đấy? Tại sao con lại hái mười hai bông huệ trắng để cho các anh con biến thành quạ?
Cô gái òa lên khóc.
– Thưa bà, thế không có cách nào giải thoát cho các anh ấy à?
– Không có cách nào khác ngoài cách con phải bảy năm câm lặng, không nói, không cười. Khi thời hạn bảy năm chưa hết, dù chỉ trước đó một giờ mà con lại mở mồm ra nói thì tất cả chỉ là uổng công. Chính lời nói đó giết các anh con.
Cô gái tự nhủ:
– Chắc chắn mình có thể giải thoát cho các anh trai.
Cô đi, đi mãi, tới chỗ một cây cổ thụ, cô trèo lên ngồi ở trên cây. Cô ngồi đan, chẳng nói mà cũng chẳng cười.
Có lần nhà vua đi săn trong rừng, con chó săn to chạy lại gốc cây cổ thụ, nó vừa chạy quanh thân cây vừa sủa. Nhà vua thúc ngựa chạy tới thì nhìn thấy trên cây có người, nhà vua hết sức ngạc nhiên về vẻ đẹp của cô gái có ngôi sao vàng ở trán. Nhà vua hỏi cô có ưng làm hoàng hậu không. Cô không nói, nhưng gật đầu.
Nhà vua thân chinh trèo lên cây, bồng cô xuống, đặt cô lên ngựa và đi về hoàng cung.
Đám cưới được tổ chức rất linh đình và tưng bừng, nhưng cô dâu chẳng nói mà cũng chẳng cười.
Nhà vua và hoàng hậu vui sống bên nhau được mấy năm thì hoàng thái hậu dè bỉu chê:
– Nó chỉ là đứa ăn mày hạ đẳng mà con đưa về nhà. Ai mà biết được nó sẽ làm những trò quỷ quái gì. Nếu nó câm thì không nói được, nhưng ít ra nó cũng nhoẻn được miệng cười. Những loại người không cười là loại thâm độc.
Lúc đầu nhà vua không muốn tin lời mẹ, nhưng nghe hoàng thái hậu nói mãi, nói hoài, rồi lại thêm thắt những chuyện tội lỗi này nọ làm cho nhà vua nản lòng chiều theo ý mẹ để cho hành hình hoàng hậu.
Giàn hỏa thiêu được đặt ở trong sân hoàng cung, nhà vua đứng bên cửa sổ, vừa nhìn vừa rơm rớm nước mắt, nhà vua trong lòng vẫn thương yêu hoàng hậu.
Hoàng hậu bị cột chặt vào cột giàn hỏa thiêu, lửa cháy ngùn ngụt, ngọn lửa bắt đầu liếm tới quần áo nàng thì đúng là lúc hạn bảy năm cũng vừa hết. Trên bầu trời có tiếng chim vỗ cánh, mười hai con quạ bay tới, sà xuống đất và hiện thành mười hai chàng trai. Họ dập ngay lửa giàn hỏa thiêu, cứu cô em gái ra khỏi nơi ấy. Rồi anh em ôm hôn nhau thắm thiết.
Giờ đây hoàng hậu có thể cười nói. Hoàng hậu liền kể cho vua nghe tại sao bấy lâu nay không nói mà cũng chẳng cười. Nhà vua rất mừng, vì hoàng hậu là người vô tội. Nhà vua và hoàng hậu sống hòa thuận tới khi khuất núi. Thái hoàng hậu thâm hiểm ác khẩu bị đưa ra xét xử, bị ném vào vạc dầu sôi bơi cùng lũ rắn độc và chết đáng kiếp mụ.
Chú bé tí hon
Xưa có một bác nông dân nghèo, tối tối bác thường ngồi bên lò sưởi, gẩy than cho lửa cháy, và bác gái ngồi xe chỉ. Một hôm bác nói với vợ:
– Vợ chồng mình hiếm hoi, không có con nên thật là buồn. Nhà mình lạnh ngắt, còn các nhà láng giềng thì thật là vui vẻ, nhộn nhịp.
Bác gái thở dài đáp:
– Ờ, giá chỉ có một đứa duy nhất, dù nó có thật bé nhỏ như ngón tay cái đi chăng nữa tôi cũng thỏa lòng. Chắc vợ chồng mình sẽ yêu quí nó lắm nhỉ.
Được ít lâu, người vợ ốm nghén, và bảy tháng sau sinh một đứa con trai đầy đủ mặt mũi, chân tay nhưng chỉ bằng ngón tay cái. Hai vợ chồng bảo nhau:
– Thật đúng như lời ước nguyện! Nó chắc chắn sẽ là đứa con cưng của vợ chồng mình.
Vì nó bé chỉ bằng ngón tay nên họ đặt tên nó là Tí Hon. Tuy hai bác cho nó ăn đầy đủ, nhưng đứa bé vẫn chẳng lớn lên được tí nào, cứ nhỏ xíu như lúc mới sinh. Được cái mắt nó sáng, đầy vẻ thông minh. Chẳng bao lâu nó trở thành một đứa trẻ khôn ngoan, khéo léo, gì cũng bắt chước làm được.
Một hôm, bác nông dân chuẩn bị vào rừng đốn củi, bác lẩm bẩm một mình:
– Giá lát nữa có người đánh xe hộ ta thì thích quá!
Tí Hon bèn thưa rằng:
– Cha ơi, con có thể đánh xe vào rừng, cha cứ tin ở con, đúng giờ hẹn là xe đã có ở trong rừng.
Cha cười và nói:
– Làm sao mà làm được! Con bé tí xíu, làm sao mà cầm nổi cương ngựa?
– Không sao, cha ạ. Mẹ sẽ thắng ngựa vào xe cho con. Con sẽ ngồi trong tai ngựa; nghe tiếng con thúc, ngựa sẽ chạy.
Cha nói:
– Được, ta cứ thử một lần xem sao!
Đến giờ mẹ thắng ngựa vào xe và đặt Tí Hon vào tai ngựa. Tí Hon thét: “Tắc tắc! Hây hây!” cho ngựa chạy. Thế là ngựa chạy băng băng như có người đánh xe cầm cương. Xe cứ đúng hướng chạy vào rừng. Khi xe rẽ ở một chỗ ngoặt và Tí Hon đang thét: “Hây, hây” thì cũng vừa lúc đó có hai người đi tới.
Một người nói:
– Lạ chưa kìa! Chỉ nghe thấy tiếng, không thấy người đánh xe mà xe cứ đi. Thật là quái lạ.
Người kia nói:
– Ừ, mà cũng lạ đời thật, ta thử đi xem xe đỗ ở chỗ nào.Xe chạy thẳng một mạch vào rừng, rồi dừng lại đúng chỗ có củi đã để sẵn.Thoáng nhìn thấy cha, Tí Hon đã gọi:
– Cha ơi, cha thấy chưa, con đã đưa xe đến đây, giờ cha bế con xuống đi.
Cha chạy đến, tay trái nắm cương ngựa, tay phải nhấc con trai Tí Hon ra khỏi tai ngựa. Tí Hon vui vẻ ngồi lên một cọng rơm.
Trông thấy Tí Hon, hai người lạ mặt sửng sốt không nói được nên lời. Một người níu tay bạn ra một chỗ rồi nói:
– Này anh bạn, nếu ta đem thằng nhóc con tí xíu kia đi làm trò ở tỉnh lớn chắc sẽ phát tài lắm. Hay ta mua nó đi!
Hai người liền đến chỗ bác nông dân và nói:
– Ông bán cho chúng tôi thằng bé tí xíu này, chúng tôi sẽ chăm sóc nó cẩn thận.
Người cha đáp:
– Tôi không bán nó. Nó là đứa con cưng của tôi. Bạc vàng trên cả thế gian này đối với tôi cũng không bằng nó.
Nghe thấy hai người hỏi mua, Tí Hon níu quần cha, leo lên vai, nói thầm vào tai:
– Cha ơi, cha cứ bán con đi, thế nào rồi con cũng về nhà được.
Nghe lời con, người cha bán con cho hai người kia lấy một món tiền lớn.
Hai người kia hỏi Tí Hon:
– Mày muốn ngồi ở đâu?
– Có gì đâu, cứ đặt cháu lên vành mũ của các bác. Ở trên ấy cháu có thể đi dạo chơi, ngắm phong cảnh, cháu không ngã đâu mà sợ.
Đúng như nguyện vọng của Tí Hon, một người đặt nó lên vành mũ. Sau khi Tí Hon đã chào tạm biệt cha, hai người mang nó đi theo. Họ đi mãi, đến khi trời xâm xẩm tối thì Tí Hon nói:
– Nhấc cháu xuống đất một lát với, cháu có việc cần lắm.
Người mang nó trên mũ nói:
– Cứ việc ở trên ấy, bác sẽ chẳng nói gì về chuyện ấy đâu. Thỉnh thoảng chim vẫn “bĩnh” ở trên ấy đấy mà.
Tí Hon nói:
– Không mà, cháu cũng biết cư xử thế nào cho phải, bác cho cháu xuống mau mau đi!
Người ấy nhấc mũ, đặt Tí Hon xuống ruộng gần vệ đường. Xuống tới đất, Tí Hon chạy lẩn ngay vào giữa những tảng đất. Bỗng nhiên nó nhìn thấy một cái hang chuột, nó chui luôn vào đó. Rồi còn vẫy gọi, cười chế nhạo hai người kia:
– Thôi, xin chào hai ông, hai ông về với nhau nhé!
Hai người lấy gậy chọc vào hang chuột để bắt nó, nhưng đúng là mất công vô ích vì Tí Hon cứ bò sâu mãi trong lòng đất. Trời cứ mỗi lúc một tối hơn, hai người bực mình, đành phải bỏ về tay không.
Khi hai người đã đi xa, lúc đó Tí Hon mới chui ở hang từ trong lòng đất ra. Nó nghĩ bụng:
– Đi trong đêm tối ở giữa cánh đồng thì thật là nguy hiểm, vỡ đầu, gãy cẳng như chơi.
May sao Tí Hon lại vấp phải một cái vỏ sên rỗng. Tí Hon nói:
– Lạy chúa! Đêm nay con có chỗ ngủ yên rồi.
Vừa mới chợp mắt được một lúc thì nó nghe thấy có tiếng hai người đi qua. Một người nói:
– Chúng mình phải làm thế nào để cậy được cửa mà ăn trộm vàng bạc của lão cha xứ giàu sụ ấy nhỉ?
Tí Hon chen vào:
– Để tôi bày mưu cho!
Một tên trộm hốt hoảng nói:
– Cái gì thế nhỉ? Tao vừa nghe thấy có tiếng người nói.
Chúng dừng lại, lắng tai nghe. Tí Hon lại nói:
– Các bác đem tôi đi theo thì tôi sẽ giúp cho.
– Nhưng mày ở chỗ nào?
Tí Hon đáp:
– Các bác cứ tìm ở dưới đất và lưu ý chỗ nào có tiếng nói vọng ra.
Bọn kẻ trộm tìm mãi mới thấy chỗ Tí Hon. Chúng nhấc nó lên hỏi:
– Này, thằng nhãi con, mày giúp chúng ta được việc gì?
Tí Hon đáp:
– Rồi các bác coi, cháu sẽ luồn qua chấn song cửa sổ để vào buồng cha xứ. Các bác muốn lấy thứ gì, cháu chuyển cho thứ đó.
– Được, chúng tao muốn coi xem tài mày ra sao.Khi kẻ trộm tới nhà cha xứ, Tí Hon luồn chui ngay vào buồng, rồi ráng hết sức hỏi thật to:
– Các bác muốn gì nào? Các bác có muốn khoắng sạch buồng này không?
Hai tên trộm sợ hãi bảo nó:
– Này, nói khe khẽ thôi, không thì chủ nhà thức dậy bây giờ!
Nhưng Tí Hon tảng lờ làm như chẳng hiểu gì cả, lại lớn tiếng hỏi:
– Các bác muốn gì nào? Các bác có muốn khoắng sạch buồng này không?
Cô đầu bếp ngủ ở buồng bên cạnh nghe thấy liền ngồi nhổm dậy, lắng tai nghe. Bọn kẻ trộm hốt hoảng nên vội lảng ra xa, nhưng rồi chúng trấn tĩnh lại, cho là Tí Hon giỡn bọn chúng. Chúng lại quay vào, khẽ gọi Tí Hon:
– Này, đừng có giỡn nữa! Chuyển ra cho bọn tao chút ít đi!
Tí Hon lấy hết sức hét:
– Cháu chuyển cho các bác tất cả nhé! Giơ cả đôi tay ra mà đón.Cô hầu nghe thấy rõ mồn một là có tiếng người la, cô bước ra khỏi giường, lò mò đi ra cửa. Bọn ăn trộm bỏ chạy, chúng chạy bán sống bán chết như có ma đuổi sát ở đằng sau. Cô hầu nghe ngóng lại không thấy gì cả, đi vào nhà thắp nến. Khi cô cầm nến vào buồng thì Tí Hon đã lẻn trốn được ra ngoài đồng cỏ. Cô lục soát khắp các xó xỉnh nhưng cũng chẳng thấy gì, cô tưởng mình mê ngủ nên lại vào giường ngủ tiếp.
Tí Hon leo quanh đống cỏ khô, cuối cùng tìm được một chỗ ấm cúng để ngủ, nó tính ngủ đến sáng mai thì về nhà với cha mẹ. Tí Hon định thế này nhưng chuyện xảy ra lại không như thế. Chà, chuyện đời thật lắm nỗi gian truân!
Trời mới tang tảng sáng, cô hầu đã ra khỏi giường, đi lấy cỏ khô cho súc vật ăn. Cô lấy một ôm cỏ, lại lấy ngay đúng chỗ Tí Hon ngủ. Tí Hon ngủ say quá nên không hề hay biết, mãi đến khi bò đã ngoạm vào mồm, Tí Hon mới thức giấc. Nó kêu lên:
– Trời ơi, sao tôi lại ở trong cái cối nghiền nắm thế này!
Nhưng ngay sau đó, Tí Hon biết được mình đang ở đâu. Nó cố tránh cho khỏi bị răng bò nghiền thì lại bị nuốt trôi vào dạ dày.
Nó nghĩ bụng:
– Gian nhà này người ta quên không làm cửa sổ, ánh nắng mặt trời không rọi chiếu vào được, đã thế lại chẳng có đèn đóm gì cả.
Ở đây Tí Hon thấy khó chịu, bực nhất là cỏ cứ tuôn vào mãi, chỗ ở ngày càng chật hẹp. Trong lúc hoảng sợ, nó thét lớn:
– Đừng tuôn cỏ tươi vào chỗ tôi nữa! Đừng tuôn cỏ tươi vào chỗ tôi nữa!
Cô hầu đang vắt sữa bò, cô không trông thấy một ai mà lại nghe thấy tiếng nói y hệt như tiếng đêm qua. Cô đang ngồi trên ghế, vì sợ quá mà ngã lăn ra làm đổ hết cả sữa.
Cô hầu vội vã chạy lên tìm cha xứ và mách:
– Trời ơi, con bò nó biết nói cha ạ.
Cha xứ nói:
– Cô có điên không đấy?
Rồi cha xuống chuồng bò xem thực hư như thế nào. Cha vừa mới bước xuống chuồng Tí Hon lại la:
– Đừng tuồn cỏ tươi vào chỗ tôi nữa! Đừng tuồn cỏ tươi vào chỗ tôi nữa!
Lúc đó, cha xứ cũng đâm hoảng. Cha cho là bò bị quỷ ám và sai giết bò. Mổ bò xong, người ta quẳng chiếc dạ dày ra đống phân, mà Tí Hon lại ở trong dạ dày. Loay hoay mãi, Tí Hon mới thò được đầu ra thì lại gặp ngay chuyện chẳng lành: một con chó sói đang đói bụng chạy ngay lại, nuốt chửng luôn cả chiếc dạ dày trong đó có Tí Hon. Nhưng Tí Hon vẫn không nản chí, nó nghĩ chắc mình có thể nói với sói được. Rồi từ trong bụng sói, Tí Hon nói vọng ra:
– Anh bạn Sói thân mến, tôi muốn mách cho bạn chỗ có mồi ngon tuyệt vời.
Sói hỏi:
– Ở đâu có thứ ấy hở?
Tí Hon tả thật cặn kẽ nơi cha mẹ mình đang ở.
– Cậu cứ chui qua cổng nhà thì vào được trong bếp, ở đó cậu sẽ tha hồ chén bánh ngọt, mỡ, xúc xích.
Chẳng đợi Tí Hon nói tới lần thứ hai, đêm đến, Sói chui qua cổng để vào bếp và đánh chén một bữa thỏa thuê. Khi đã no căng bụng rồi, Sói tính bài chuồn, nhưng giờ đây bụng Sói đã căng phồng lên, chui ra bằng đường cũ không lọt nữa. Tí Hon đã tính trước đến nước đó. Ở trong bụng Sói, Tí Hon vung tay vung chân la lối om sòm lên. Sói bảo:
– Mày có im đi không nào! Mày làm ầm, mọi người thức dậy bây giờ.
Tí Hon đáp:
– Ui chà, cậu đã ăn uống no nên rồi, giờ phải để cho tớ vui đùa một chút chứ!
Rồi Tí Hon lại lấy hết sức ra mà la hét. Cuối cùng, cha mẹ Tí Hon nghe tiếng la lối om sòm nên thức giấc, chạy xuống bếp, nhìn qua kẽ hở thì thấy Sói đang ở trong đó. Ông chạy đi lấy rìu, bà chạy đi lấy hái.
Lúc vào, chồng nói:
– Bà đứng sau tôi, nếu tôi choảng một cái mà nó chưa chết ngay thì bà bổ hái vào bụng nó mà rạch ra.Tí Hon nghe thấy giọng nói của cha, nó reo lên:
– Cha kính yêu, con đang ở trong này, con ở trong bụng Sói.
Mừng quýnh lên, người cha nói:
– Lạy Chúa! Đứa con cưng nhất của chúng tôi lại về.
Rồi bác bảo vợ vứt hái đi để Tí Hon khỏi bị thương. Đoạn bác lấy đà, giơ rìu lên giáng cho Sói một nhát trúng đầu, Sói lăn ra chết tươi. Hai vợ chồng bác lấy dao kéo mổ bụng Sói, lôi Tí Hon ra.
Bác trai nói:
– Trời, cha mẹ ở nhà lo cho con quá!
– Thưa cha, con đã đi nhiều nơi trên thế giới, lạy Chúa, giờ con lại được thở không khí trong lành!
– Thế con đã đi những đâu?
– Chà, cha ơi, con đã từng ở trong hang chuột, trong dạ dày bò, trong ruột sói, giờ con đang ở bên cha mẹ.
Cha mẹ ân cần ôm hôn đứa con cưng của mình, rồi nói:
– Từ nay, dù có được tất cả của cải trên thế gian này, cha mẹ cũng chẳng bán con nữa đâu.
Rồi cha mẹ cho Tí Hon ăn uống, đo quần áo mới, vì trong chuyến ngao du kia, quần áo của Tí Hon đã sờn rách hết cả.
Kén phò mã
Ngày xửa ngày xưa có một hoàng tử thích đi chu du thiên hạ. Hoàng tử đem theo một gia nhân trung thành. Một ngày kia họ lạc vào một khu rừng rậm. Trời đã chập choạng tối mà họ vẫn không nhìn thấy một ngôi nhà nào, họ lo tối không biết ngủ ở đâu. Đang đi thì thoáng thấy bóng một người con gái, nhìn theo thấy cô đang đi về hướng một căn nhà nhỏ, hoàng tử rảo bước theo sau. Tới gần thấy cô gái vừa trẻ vừa xinh, hoàng tử cất tiếng hỏi cô gái:
– Cô gái ơi, chúng tôi muốn ngủ nhờ đêm nay ở đây có được không?
Với giọng buồn buồn cô gái đáp:
– Vâng, chắc cũng được, nhưng tôi khuyên không nên bước vào nhà.
Hoàng tử tò mò hỏi:
– Tại sao không nên bước vào nhà.
Cô gái thở dài và nói:
– Mẹ ghẻ của tôi biết nhiều phép thuật và thường hại những khách lạ từ xa tới.
Hoàng tử biết ngay là mình đã bước tới cửa của phù thủy. Nhưng chàng cũng chẳng biết đi đâu khi trời ngày càng tối đen, vốn tính không biết sợ, chàng cứ bước vào trong nhà.
Một bà già đang ngồi trên ghế bành bên cạnh ngọn lửa đang cháy bập bùng, bà nhìn chăm chăm người khách lạ với cặp mắt đỏ như lửa.
Với giọng khàn khàn yếu ớt bà niềm nở chào khách:
– Xin mời hai bác vào nhà nghỉ.
Rồi bà ngồi thổi lửa cho cháy to hơn, trên bếp bà đang nấu một nồi gì đó. Cô gái nhắc hai người không nên ăn uống gì cả, vì bà đang nấu một loại thuốc độc.Hai người lên giường ngủ một mạch tới sáng. Khi hai người chuẩn bị lên đường, hoàng tử đã ngồi trên lưng ngựa, lúc ấy bà già chạy ra nói:
– Đợi ta một chút nhé, ta lấy tí rượu ra uống rồi hãy đi.
Trong lúc bà vào nhà lấy rượu thì hoàng tử phóng ngựa đi mất, chỉ còn lại người gia nhân còn đang buộc yên ngựa. Bà lão ra đưa chén rượu và nói:
– Hãy mang chén rượu cho chủ của ngươi.Lời nói của mụ vừa dứt thì chén rượu nổ tung, mảnh thủy tinh và rượu bắn tứ tung, thuốc độc ngấm ngay vào con ngựa, thuốc mạnh tới mức con ngựa lăn ra chết ngay tại chỗ.
Tên gia nhân vội chạy tháo thân theo chủ, nó kể lại cho chủ nghe những điều tai nghe mắt thấy. Không muốn mất chiếc yên ngựa quý nên tên gia nhân quay trở lại. Tới nơi thì nó thấy một con quạ đang rỉa xác ngựa, nó nói thầm:
– Chẳng biết hôm nay có kiếm được gì ăn không?
Nói rồi nó đập chết con quạ và mang theo. Hoàng tử và tên gia nhân đi cả ngày đường mà vẫn chưa ra được khỏi rừng. Chập tối mới thấy một quán trọ, hai người bước vào. Tên gia nhân đưa cho chủ quán con quạ để làm món ăn. Quán trọ này thực ra là nơi trú chân của bọn cướp. Đến giờ ăn chúng ra ngồi ở bàn, chúng tính sau khi ăn bữa tối sẽ trấn lột hai người khách lạ và thủ tiêu họ. Món đầu tiên chúng ăn là món súp – chính chủ quán đã đem thịt quạ bằm cho vào nồi súp. Thuốc độc của quạ đã ngấm vào nồi súp nên ăn chưa hết đĩa súp thì cả chủ quán lẫn mười hai tên cướp đều lăn ra chết. Cô con gái chủ quán là người duy nhất chưa ăn nên còn sống sót; cô mở tất cả các buồng, chỉ cho hoàng tử thấy những vàng bạc châu báu mà bọn cướp đã gom được.
Hoàng tử nói cô cứ giữ lấy những thứ ấy, nói rồi chàng cùng gia nhân thân tín lên đường.Đi hoài, đi mãi, cuối cùng họ tới một kinh thành kia, nơi ấy đang có cuộc kén phò mã. Công chúa vừa đẹp lại vừa thông minh, nhưng tính tình kiêu ngạo. Ai ra câu đố mà nàng không giải được thì nàng lấy người đó làm chồng, nếu nàng giải được câu đố thì người kia sẽ mất đầu. Công chúa được phép suy nghĩ ba ngày để giải câu đố. Nhưng vốn tính thông minh nên nàng luôn luôn giải được những câu đố đề ra. Chính vì vậy mà đã có chín người mất đầu.Thấy vẻ đẹp lộng lẫy của công chúa, hoàng tử đâm ra mê mẩn cả người, sẵn lòng vào hoàng cung để đánh đố.
Hoàng tử ra câu đố:
“Nó chẳng đánh ai,
mà chết mười hai,
Đố là cái gì?”
Công chúa không biết thế là thế nào. Nàng suốt ngày suy nghĩ mà đoán không ra, nàng lấy sách giải đố ra xem cũng không thấy. Nàng bắt đầu thấy mình bí. Nàng sai một thị tì lẻn vào buồng ngủ của hoàng tử, để nghe xem hoàng tử nói những gì khi mê ngủ, biết đâu những lời nói khi mê ngủ chính là những lời giải câu đố. Tối đầu tiên tên gia nhân ngủ trên giường của chủ. Khi thấy thị tì vừa lẻn vào trong buồng, nó liền túm lấy áo choàng, đánh cho mấy roi đuổi ra ngoài. Tối thứ hai công chúa sai thị tì hầu phòng mình tới, hy vọng nó khôn ngoan hơn đứa trước nên sẽ lẻn được vào buồng mà không ai hay biết. Nhưng đứa thứ hai thì cũng chẳng may mắn gì hơn. Nó bị túm áo khoác ngoài và bị đánh roi đuổi ra ngoài. Giờ thì đích thân công chúa lẻn vào buồng, nàng khoác ngoài chiếc áo măng tô màu tro. Tối thứ ba hoàng tử về giường mình ngủ. Giữa đêm, công chúa tin rằng kẻ ra câu đối kia đã ngủ say, nàng hy vọng chàng trai này cũng sẽ nói hết mọi điều khi mê ngủ. Nhưng thực ra chàng trai hãy còn thức. Công chúa cất giọng hỏi:
– Nó chẳng đánh ai nghĩa là gì nhỉ?
Chàng trai đáp:
– Một con quạ ăn thịt chết vì ngộ độc rồi lăn ra chết.
Nàng hỏi tiếp:
– Mà chết mười hai, nghĩa là gì nhỉ?
– Đó là mười hai tên cướp, chúng ăn súp nấu thịt quạ, ăn xong cả mười hai đứa đều chết vì ngộ độc.
Khi nghe xong lời giải đáp, công chúa liền tìm cách lẻn ra ngoài, nhưng chàng trai đã túm ngay được áo măng tô. Công chúa đành bỏ áo lại để chạy thoát thân.
Sáng hôm sau truyền cho gọi mười hai quan tòa tới để chứng kiến việc công chúa giải câu đố. Khi công chúa vừa nói xong lời giải đố thì chàng yêu cầu quan tòa xem xét lại anh ta nói:
– Đêm qua chính nàng lẻn vào buồng ngủ của tôi và gặng hỏi những điều đó. Nếu không thì tin chắc rằng công chúa không thể nào giải được đúng câu đố của tôi.
Các quan tòa hỏi chàng trai:
– Có gì để làm chứng cho việc đó?
Tên gia nhân trung thành của hoàng tử đem ba chiếc áo măng tô ra. Khi nhìn thấy chiếc áo măng tô màu tro mà công chúa thường hay mặc, các quan tòa hiểu ngay sự việc và nói:
– Hãy đem thêu kim tuyến vào chiếc áo măng tô màu tro, đó là chiếc áo cưới của công chúa đấy.
Ba người lùn trong rừng
Ngày xưa có một người đàn ông góa vợ và một người đàn bà góa chồng, người đàn bà có một con gái, và người đàn ông cũng có một con gái. Hai đứa bé chơi thân với nhau, thường rủ nhau chơi và sau đó về nhà người đàn bà góa. Có lần người đàn bà góa bảo đứa con gái của người đàn ông:
– Cháu nghe bác nói nhé, cháu về bảo bố là bác muốn sống cùng với bố cháu. Được vậy bác sẽ cưng cháu hơn là con của bác, cháu muốn gì cũng có.
Đứa bé về nhà kể lại cho bố nghe đầu đuôi câu chuyện. Người đàn ông lẩm nhẩm một mình:
– Không biết nên thế nào nhỉ? Lấy vợ cũng sướng đấy mà cũng khổ đấy.
Bác phân vân không biết nên quyết định như thế nào. Cuối cùng, bác tháo chiếc giày ủng đang đi ra, và bảo con:
– Con cầm chiếc giày ủng này, nó có một lỗ thủng ở đế. Con lên trên gác xép, treo giày lên chỗ cái đinh to ấy, rồi đổ nước vào giày, nếu giày giữ được nước thì bố lại cưới vợ, nếu nước chảy dò ra thì thôi.
Cô gái làm theo lời bố dặn. Nước thấm làn da nở ra, lấp kín lỗ thủng, đổ đầy nước vào giày mà không dò nước ra. Cô gái chạy xuống nói cho bố biết. Bố đích thân đi lên xem thấy đúng như lời con nói. Bác liền đến nhà người đàn bà góa và nói ý định của mình. Và lễ cưới được tổ chức. Sáng hôm sau, khi hai cô dậy thì trước mặt cô con riêng người đàn ông là sữa để rửa mặt và rượu vang để uống, trước mặt cô con riêng người đàn bà để rửa mặt cũng như để uống chỉ là nước lã. Sang ngày thứ hai, trước mặt cô con riêng người đàn ông cũng như cô con riêng người đàn bà chỉ là nước lã vừa để rửa mặt, vừa để uống.
Sang ngày thứ ba, trước mặt cô con riêng người đàn ông chỉ là nước lã, để rửa mặt cũng như là để uống, còn trước mặt cô con gái người đàn bà có sữa để rửa mặt, rượu vang để uống. Và sự việc cứ như thế tiếp diễn trong những ngày sau đó.Giờ đây dì ghẻ ghét cô con riêng của chồng ra mặt, mụ ghét cay ghét đắng cô ta, luôn vò đầu vắt trán tìm cách hành hạ cô ta. Mụ lại càng tức lồng lên khi thấy con mình thì xấu xí đến ghê tởm, con riêng chồng đã đẹp lại có duyên.
Vào một ngày mùa đông, tiết trời băng giá, tuyết phủ đầy khắp núi và thung lũng, mụ dì ghẻ làm một chiếc áo bằng giấy, gọi con chồng lại và bảo:
– Đây, mặc chiếc áo này vào, rồi vào rừng hái cho tao đầy một lẵng dâu tây, tao đang thèm dâu tây.
Cô gái than:
– Trời ơi, thật có khổ tôi không, làm gì có dâu tây mọc trong mùa đông. Khắp nơi tuyết phủ trắng xóa, đất cứng giá lạnh. Ngoài trời lạnh buốt đến nỗi hơi thở muốn đóng băng luôn, đã thế gió thổi lạnh như cắt da, buốt thấu vào từng khớp xương. Trời lạnh thế mà mặc áo giấy thì chịu sao nổi.
Dì ghẻ quát:
– Mày muốn cãi tao hả? Muốn sống thì đi ngay, có lấy được đầy lẵng dâu thì hãy vác mặt về nhà.
Mụ đưa cho cô một mẩu bánh mì đã khô cứng và nói:
– Bánh để ăn cả ngày đấy.
Mụ nghĩ bụng: “Nó thế nào cũng chết vì đói, vì rét cho mà coi, thôi thế thì rảnh mắt.”
Cô gái đành vâng lời, mặc áo giấy vào và cầm lẵng đi vào rừng. Ở ngoài tuyết phủ mênh mông, không đâu có lấy một ngọn cỏ xanh.
Tối giữa rừng cô thấy có một căn nhà nhỏ, có ba người lùn đứng nhìn ra. Cô chào họ và khẽ gõ cửa. Họ nói:
– Xin mời vào.
Cô bước vào trong nhà, ngồi trên chiếc ghế dài bên lò sưởi. Cô thoa tay sưởi cho ấm và định ăn sáng thì ba người lùn nói:
– Cô chia cho bọn tôi chút đi.
Cô nói:
– Vâng, xin mời.
Cô bẻ miếng bánh mì làm hai và đưa cho họ một nửa. Họ hỏi cô:
– Ăn mặc mong manh thế mà lại đi rừng giữa mùa đông gió lạnh để làm gì hở cô?
Cô đáp:
– Trời ơi, tôi phải đi hái cho được đầy một lẵng dâu tây, có lấy được thì mới dám về nhà.
Đợi cô ăn xong bánh, họ đưa cho cô một cái chổi và nói:
– Cô cầm chiếc chổi này ra quét cho sạch tuyết ở phía sau nhà.
Khi cô đang quét tuyết ở sau nhà, ba người lùn nói chuyện với nhau:
– Cô ấy hiền lành và tốt bụng quá, chia bánh cho chúng ta ăn, giờ ta nên cho cô ấy cái gì nhỉ?
Người thứ nhất nói:
– Ta ban cho cô ấy sắc đẹp mỗi ngày một hơn trước.
Người thứ hai nói:
– Ta ban cho cô ấy điều này: cứ nói xong một tiếng lại có một đồng tiền vàng ở miệng rơi ra.
Người thứ ba nói:
– Ta ban cho cô ấy điều này: Có một ông vua sẽ đến chọn cô làm hoàng hậu.
Các bạn có biết cô ấy tìm thấy gì không?
Dưới lớp tuyết cô quét đi toàn là dâu chín, dâu chín màu đỏ nâu trông thật ngon lành. Cô lượm đầy lẵng, lòng hết sức vui mừng và chạy vào nhà bắt tay từng người lùn và cảm ơn họ. Cô chạy về nhà, đưa cho dì ghẻ thứ mà bà hạch sách.
Cô bước vào và nói: “Con chào mẹ” thì có một đồng tiền vàng rơi từ trong mồm ra. Rồi cô liền kể lại những chuyện tai nghe mắt thấy ở trong rừng. Cô cứ nói mỗi tiếng lại có một đồng tiền vàng rơi từ trong mồm ra, chẳng mấy chốc mà phòng đầy tiền vàng.
Cô con dì ghẻ kêu:
– Người đâu mà làm cao vậy, vứt tiền văng ra khắp nền nhà.
Trong thâm tâm cô rất ganh ghét, cũng muốn vào rừng tìm dâu. Mẹ bảo:
-Không được đâu, con gái cưng của mẹ. Trời rét lắm, tới mức có thể chết cóng đấy.
Cô không để cho mẹ được yên, mẹ cũng đành cho đi, bà may cho cô một chiếc áo lông thật đẹp, đưa cho cô bánh mì bơ và bánh ngọt đem theo.
Cô cứ thẳng hướng ngôi nhà trong rừng mà đi. Tới nơi, cô thấy ba người lùn cũng đang đứng trông ra. Cô không thèm chào hỏi họ mà cũng chẳng ngó quanh, vội vã lật đật đẩy cửa bước vào, cô ngồi luôn xuống bên lò sưởi, thản nhiên lấy bánh mì bơ và bánh ngọt ra ăn.
Những người lùn nói:
– Cô chia cho chúng tôi tới.
Nhưng cô đáp:
– Mình tôi ăn mà vẫn còn thiếu, lấy đâu ra mà chia cho người khác.
Đợi cô ăn xong ba người lùn bảo:
– Chổi đây, nhờ cô quét tuyết ở sau nhà giùm chúng tôi.
Cô đáp:
– Úi cha, các người quét lấy chứ, tôi có là đầy tớ các người đâu.
Cô cảm thấy họ không muốn cho cô gì cả, cô liền đi ra cửa. Lúc đó ba người lùn thì thầm với nhau:
– Chúng ta nên tặng cô ta cái gì nhỉ? Cô này nghe chừng không nết na, ác khẩu và ganh ghét tính ấy ai mà chịu được.
Người thứ nhất nói:
– Tôi cho nó điều này: mỗi ngày một xấu thêm.
Người thứ hai nói:
– Tôi cho nó điều này: cứ nói một tiếng là một con cóc nhảy từ trong mồm nhảy ra.
Người thứ ba nói:
– Tôi cho nó điều này: nó chết trong bất hạnh.
Cô gái tìm dâu ở sau nhà nhưng chẳng tìm được một quả nào. Về nhà cô kể lại cho mẹ nghe chuyện kiếm dâu ở trong rừng của cô, cứ mỗi tiếng cô nói ra là lại có một con cóc nhảy từ trong mồm nhảy ra, khiến cho mọi người kinh tởm.
Trong lúc đó, đứa con riêng của chồng cứ mỗi ngày một xinh gái hơn, chuyện này làm dì ghẻ càng tức giận, lúc nào cũng tìm mọi cách để hành hạ cô.
Mụ lấy nồi bắc lên bếp lửa để luộc sợi. Luộc xong, mụ quàng sợi lên vai cô gái đáng thương, đưa cho cô một cái rìu, bắt cô phải ra sông đã đóng băng đào một cái lỗ để chuốt sợi. Cô lẳng lặng mang sợi ra sông, lấy rìu bổ đá. Cô đang mải làm thì có một chiếc xe đẹp lộng lẫy chạy tới, vua ngồi ở trong xe hỏi với ra:
– Cô gái ơi, cô con nhà ai và làm gì đấy?
– Tâu bệ hạ, tôi chỉ là một cô gái nghèo đang chuốt sợi.
Nhìn thấy cô gái có sắc đẹp, nhà vua chạnh lòng thương và hỏi:
– Thế cô có muốn đi cùng ta không?
Cô đáp:
– Tâu bệ hạ, tôi cũng thích.
Lòng cô mừng phen này có dịp đi cho rảnh mắt mẹ con mụ dì ghẻ.
Cô lên xe đi với nhà vua. Đến hoàng cung, lễ cưới được tổ chức linh đình, đúng như lời ban của những người lùn.
Năm sau hoàng hậu trẻ tuổi sanh con trai. Mẹ ghẻ được tin mừng lớn ấy, cùng con đến hoàng cung, giả vờ đến thăm hỏi. Đợi khi nhà vua đi, mụ dì ghẻ ác khẩu túm tóc hoàng hậu, con gái nhấc chân, chúng ném bà qua cửa sổ xuống dòng nước đang chảy.
Liền sau đó đứa con gái xấu xí của mụ trèo lên giường, mụ già chùm khăn kín đầu nó. Khi nhà vua quay trở lại, muốn nói gì đó thì mụ già kêu lên:
– Xin bệ hạ nhẹ chân, hoàng hậu đang mệt, người mồ hôi ra như tắm, bệ hạ cho hoàng hậu yên nghỉ ngày hôm nay.
Vua không hề nghĩ tới chuyện ác ý. Sáng hôm sau vua lại tới. Vua hỏi thăm sức khỏe hoàng hậu, cứ sau mỗi tiếng hoàng hậu nói ra khi trả lời có một con cóc nhảy ra từ mồm chứ không phải tiền vàng. Vua hỏi tại sao như vậy, mụ già bảo đó là tại mồ hôi ra nhiều quá, chắc cơn bệnh sẽ qua.
Giữa đêm người đầu bếp thấy một con thiên nga bơi theo rãnh nước và hỏi:
“Nhà vua đang làm gì?
Đang thức hay là ngủ?
“Người đầu bếp không trả lời, thiên nga lại hỏi:
– Khách của ta đang làm gì?”
Lúc ấy người đầu bếp mới trả lời:
“Họ ngủ say cả”
Thiên nga lại hỏi tiếp:
“Con nhỏ ta thức hay ngủ?”
Người kia đáp:
“Đang ngủ say trong nôi.”
Thiên nga liền hiện nguyên hình thành hoàng hậu, lại cho con bú, trải lại nệm, đắp chăn lên người đứa bé, rồi lại biến thành thiên nga, bơi theo rãnh nước ra ngoài.
Hai đêm đầu xảy ra như vậy. Đêm thứ ba bà bảo người đầu bếp:
– Ngươi đi tâu ngay vua để vua tới đây vung gươm ba lần trên đầu ta ở ngưỡng cửa này.
Người đầu bếp đi báo nhà vua. Vua mang gươm tới, vung ba lần trên đầu thiên nga. Sau lần thứ ba, hiện ra trước mặt vua chính là hoàng hậu khi xưa với dáng tươi cười khỏe mạnh.
Vua hết sức vui mừng, nhưng lại giấu hoàng hậu trong một phòng riêng cho tới ngày Chủ nhật, ngày mà đứa bé sẽ được làm phép rửa tội.
Lễ rửa tội, vua hỏi:
– Một kẻ khiêng người khác ra khỏi giường ném xuống nước thì đáng tội gì?
Mụ già đáp:
– Tốt nhất là bỏ kẻ ấy vào trong một cái thùng mà quanh thùng toàn chông nhọn, rồi đẩu cho thùng lăn từ ngọn núi xuống suối.
Lúc đó vua liền phán:
– Ngươi đã tự kết án mình đó.
Vua truyền cho lấy thùng lại, bỏ mẹ con mụ dì ghẻ ác khẩu vào trong đó, lấy đinh đóng nắp thùng lại, rồi cho thùng lăn từ trên ngọn núi xuống suối.
Có thể bạn thích: