Mỗi gia đình có một cách nuôi dạy trẻ khác nhau, dù cách này hay cách khác các bậc cha mẹ đều mong muốn con khôn lớn ngoan ngoãn, khỏe mạnh. Nhưng đôi lúc, vô tình chúng ta lại làm những điều không tốt cho trẻ, mà chính bản thân chúng ta cũng không nhận ra. Với bài viết này, tác giả sẽ giới thiệu cho các bậc phụ huynh 9 điều không làm khi nuôi dạy trẻ. Với hy vọng sẽ giúp cho các ông bố bà mẹ có thêm những kiến thức để nuôi dạy trẻ tốt hơn.
Không bắt trẻ tuân lệnh tuyệt đối và ngay lập tức
Khi con đang chơi, bạn muốn con đi tắm, hãy ra lệnh và cho trẻ một khoảng thời gian để trẻ có thể kết thúc trò chơi và đi tắm. Đừng bao giờ bắt con ngay lập tức phải làm theo mệnh lệnh. Hoặc đừng bắt trẻ phải tuân lệnh bạn một cách tuyệt đối, vì điều này hết sức khó khăn với trẻ. Thay vì, con bắt buộc phải làm xong bài mới được đi chơi, thì có thể cho bé xả hơi một chút sau đó lại tiếp tục làm bài. Hãy dạy trẻ theo cách trẻ muốn, đừng quá áp đặt nếu bạn không muốn trở thành những ông bố bà mẹ “phát xít”, độc đoán trong mắt con.
Không sỉ nhục
Khi sỉ nhục hay hạ thấp giá trị bản thân con cha mẹ đã vô tình phá hỏng hình ảnh tích cực của con, phủ nhận tất cả những gì bé đang cố gắng để có thể làm một điều gì đó tốt hơn. Thay vào đó cha mẹ hãy để trẻ tự giác nhận ra những thiếu sót của bản thân, động viên khuyến khích để bé tự nỗ lực, phấn đấu. Những lời nói động viên khi bé cần sẽ là động lực số một để bé tiến bộ thay vì những câu nói kiểu: con thật vô tích sự, con chẳng làm được việc gì ra hồn… Những lời nói này không có tác dụng ngược là khiến trẻ cố gắng hơn, mà vô tình sẽ làm con bị tổn thương đấy các bậc cha mẹ.
Không giảng đạo lý và không nói nhiều
Trong gia đình, thường là các bà mẹ hay mắc phải căn bệnh nói nhiều. Khi con làm sai điều gì, mẹ sẽ đưa ra rất nhiều lý lẽ tại sao con không được làm cái này, tại sao con phải làm thế kia. Và mẹ sẽ nhai đi nhai lại cái lỗi mà con trót phạm ấy trong suốt một thời gian dài. Điều này thật không tốt đối với trẻ, vì trẻ chỉ cảm thấy mệt mỏi, khó chịu chứ chẳng ngộ ra được những điều mà mẹ muốn dạy bảo đâu. Vì thế mẹ chỉ nên nhẹ nhàng nhắc nhở con, phân tích cho con hiểu đơn giản và ngắn gọn thôi thay vì cứ lải nhải suốt ngày.
Không lúc này lúc khác, hãy nhất quán
Khi bạn dạy con điều gì thì hãy kiên định với những điều mẹ đã dạy con, đừng lúc thì bắt con làm thế này, lúc thì nói con làm thế khác. Trẻ sẽ bối rối không hiểu mẹ thật sự muốn trẻ làm gì? Cha và mẹ hãy nhất quán trong quan điểm nuôi dạy con cái, nếu không trẻ ở giữa sẽ cảm thấy ấm ức, khó xử vì ba thì bảo một đường, còn mẹ thì bảo một nẻo nhé.
Không bắt trẻ hứa hẹn
Khi trẻ làm sai điều gì, sau một hồi dạy dỗ, cha mẹ hay nói trẻ: con hãy hứa từ nay không được làm như vậy nữa, hay con hứa lần sau sẽ không tái phạm. Sự thật thì chỉ có cha mẹ mới nhớ đến những lời hứa hẹn đó, chứ bản thân trẻ thì chẳng nhớ gì. Hoặc giả sử trẻ có nhớ, thì con cũng cho qua và làm điều con thích, mặc dù con đã hứa. Bởi đơn giản trẻ sẽ nghĩ là không sao hết, cứ hứa đi, đâu lại vào đấy thôi mà. Hứa hẹn nhiều, rồi không làm thì về lâu dài bạn sẽ biến trẻ trở thành người hứa cuội, hứa nhưng chẳng làm.
Không bao bọc quá mức
Không phủ nhận tình yêu thương mà các bậc cha mẹ dành cho con, nhưng một lời khuyên vô cùng giá trị ở đây là không bao bọc con quá mức nhé các ông bố bà mẹ. Nếu bất cứ việc lớn, việc nhỏ gì ba mẹ cũng làm hết cho con vì sợ con thế này, con thế kia… là điều tuyệt đối không nên. Con trẻ lớn lên sẽ ỷ lại, và thật sự không biết bản thân mình có thể làm được gì nếu không có ba mẹ. Và khi trưởng thành, trẻ gặp bất cứ rắc rối hay khó khăn gì trẻ cũng chỉ biết trông chờ vào bạn chứ không biết tự giải quyết. Trẻ cũng trở nên tự ti, chán nản mỗi khi thất bại.
Không buông lỏng trẻ
Với quan niệm xưa cũ là: “cha mẹ sanh con trời sanh tánh” nhiều bậc phụ huynh mặc con muốn làm gì thì làm. Nhiều gia đình thì lại quá bận rộn, mải mê mưu sinh, làm việc nên cha mẹ không quan tâm, dạy dỗ con. Đó là điều sai lầm, gia đình chính là cái nôi đầu tiên, là nền tảng để trẻ lớn lên, là nơi hình thành tính cách, nhân cách trẻ. Nếu không uốn nắn, dạy dỗ thì làm sao trẻ nên người? Không buông lỏng trẻ, không để trẻ trở nên hư hỏng, ăn chơi. Không để trẻ làm những việc vượt quá phạm vi cho phép, nếu không sau này bạn có hối cũng không kịp.
Không đánh đập và không đe dọa
Nhiều ông bố bà mẹ không biết làm cách nào để bé chịu nghe lời, và giải pháp hữu hiệu là đòn roi. Bởi các bé thường rất lì lợm, và bé chỉ nghe lời khi bị đánh đau. Với những bé còn nhỏ, thì cha me thường hay dọa nạt để bé ngoan ngoãn hơn. Nếu con không chịu ăn, mẹ sẽ gọi công an vào bắt, hay con không đi ngủ ông ba bị sẽ xuất hiện, hoặc mẹ sẽ nhốt con lại nếu con không nghe lời… Đồng ý là bạn sẽ trị được trẻ bằng đòn roi và những lời đe dọa đó. Nhưng bạn nên biết một điều là trẻ sống trong gia đình chịu nhiều cảnh bạo hành, đánh đập thì sẽ trở nên hung hăng, dữ tợn và hay có xu hướng giải quyêt mọi việc bằng bạo lực. Còn trẻ thường xuyên bị đe dọa sẽ hình thành tâm lý sợ hãi, nhút nhát, nặng hơn nữa là trẻ bị hoảng loạn, thần kinh bất ổn.
Không cấm đoán, hãy cho con quyền làm trẻ con
Cha mẹ đừng áp đặt suy nghĩ của bản thân mình lên trẻ, đừng cấm đoán con, cũng đừng kiểm soát con thái quá. Khi con muốn chơi, thay vì học bài, đơn giản bạn hãy nghĩ là trẻ con ai chẳng muốn chơi. Cho con một khoảng thời gian thoải mái, sau đó học cũng không sao. Khi con muốn chơi với bạn A, B, C… nào đó, đùng cấm đoán vì bạn nghĩ rằng những bạn đó sẽ ảnh hưởng không tốt đến con. Hãy hỏi trẻ, và bạn sẽ thật sự bất ngờ khi biết lý do tại sao con lại chơi với bạn đó. Hãy để trẻ tự do một chút, để trẻ được vui chơi, để trẻ có quyền lựa chọn, quyền quyết định những điều trẻ muốn và đương nhiên dưới sự tư vấn, giám sát và đồng hành của cha mẹ.
Có thể bạn thích: