Nhân cách là một khái niệm với nội hàm rộng, bao gồm nhiều mặt cùng tồn tại trong cùng một con người. Nhắc đến nhân cách chính là nhắc đến mặt tâm lý, đời sống tinh thần của một chủ thể nhất định. Từ xa xưa, những thứ liên quan đến nhân cách như “tâm hồn”, “trái tim” đã được nhắc đến rất nhiều và sau này được con người tìm hiểu kỹ lưỡng và giải thích khoa học hơn bằng những lý thuyết mang tính hiện đại, khoa học có thể giúp ta có một cái nhìn rõ ràng, không trừu tượng hay mô hồ về nhân cách. TopChuan.Com sẽ liệt kê một số các ý thuyết nhân cách thông dụng nhất, hữu ích nhất để giúp các bạn có thêm một góc nhìn mới.
Lý thuyết phân tâm học của Carl Jung
C. Jung là một người sinh ra ở Thụy Sĩ. Ông được xem như người kế thừa những lý thuyết của Freud. Tuy có khai thác, phân tích dựa trên những nền tảng phân tâm học của Freud nhưng lý thuyết mà Jung mở rộng, phát triển lại có những hướng đi khác so với lý thuyết của Freud.
C. Jung có sự giải thích về bản chất của Libido khác, và nêu ra một hệ thống các thành phần cơ bản của nhân cách.
Về bản chất Libido, Freud cho rằng đó là năng lượng tình dục, một loại năng lượng mạnh mẽ nhất, có ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của một con người. Jung cho rằng LIbido là một loại năng lượng cuộc sống rộng và không phân biệt được. Đó là một loại năng lượng huyền bí kích động tinh thần. Thông qua sức mạnh tinh thần mà những hoạt động ý thức được thực hiện.
Về các thành phần của nhân cách, Jung cho rằng bao gồm:
- Cái Tôi, trung tâm của ý thức, là nhận thức về chính mình và chịu trách nhiệm thực hiện những hoạt động bình thường trong cuộc sống. Ông nêu ra 8 loại nhân cách khác nhau
- Vô thức cá nhân, là nơi đã từng được ý thức nhưng bị quên lãng hay xóa bỏ vì nó ít quan trọng hoặc phiền toái. Mọi loại kinh nghiệm các nhân được tích lũy trong vô thức cá nhân, chỉ cần có sự nỗ lực về tinh thần là có thể lấy ra sử dụng và đặt nó về lại chỗ cũ.
- Vô thức tập thể, Jung cho rằng nếu như mỗi chúng ta tích lũy tất cả những kinh nghiệm trong vô thức cá nhân của mình thì nhân loại như tập hợp các loại tích lũy kinh nghiệm của loài người. Di sản này được truyền lại cho mỗi một thế hệ mới. Bất cứ những kinh nghiệm nào mang tính toàn cầu, những kinh nghiệm được lặp lại, và không thay đổi một cách tương đối sau mỗi thế hệ sẽ trở thành một phần trong nhân cách của chúng ta.
Vô thức tập thể được thể hiện qua các nguyên mẫu, những nguyên mẫu phổ biến, mang tính tượng trưng như Chúa, mẹ, anh hùng,…
Lý thuyết hành vi về nhân cách của B. F. Skinner
B. F. Skinner là một trong những đại diện tiêu biểu cho trường phái Tâm lý học hành vi. Ông là người đã mở rộng, phát triển hơn lý thuyết hành vi theo một chiều sâu hơn. Từ việc tiến hành thí nghiệm về lồng chuột rất nổi tiếng của mình, ông đã đưa ra các khái niệm quan trọng như hành vi tạo tác, củng cố, trừng phát và đặc biệt, ông cho rằng nhân cách là tổ hợp các hành vi tạo tác.
Hành vi tạo tác là hành vi được hiểu là loại hành vi được tạo ra bởi chính hiệu quả của nó. Và sự hình thành và phát triển nhân cách chính là sự hình thành, duy trì, thay đổi một hệ thống các hành vi tạo tác để tạo nên một nhân cách ổn định, riêng biệt.
Hành vi tạo tác đó cần phải có củng cố. Củng có bao gồ củng cố tích cực và tiêu cực. Và không thể thiếu một mặt trong lý thuyết hành vi của Skinner là khái niệm về sự trừng phạt. Sự trừng phạt hoàn toàn khác về mặt bản chất so với củng cố tiêu cực.
Lý thuyết của Alfred Adler
Alfred Adler là một người có những đóng góp lớn trong nội dung lý thuyết của mình cho ngành Tâm lý học nói chung và các ngành xã hội khác nói riêng. Trong lý thuyết của ông đề cập đến mặc cảm về sự thua kém và thứ tự ra đời của các con trong một gia đình có ảnh hưởng đến nhân cách của từng đứa trẻ.
Về mặc cảm về sự thua kém, Adler cho rằng mặc cảm về sự thua kém chính là tự thấy bản thân mình thua kém so với người khác. Thua kém này có thể xuất phát từ sự thua kém cơ thể, khả năng đối đầu với những khó khăn trong cuộc sống. Ông cho rằng mọi người đều có trạng thái chung này. Có 3 nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự mặc cảm về sự thua kém này bao gồm:
- Sự thua kém về cơ thể
- Sự nuông chiều
- Sự thờ ơ
Cách mà con người vượt qua được những mặc cảm này sẽ định hình và quy định chiều hướng phát triển nhân cách của con người đó.
Về thứ tự ra đời của các con trong gia đình, Adler cho rằng thứ tự ra đời này có ảnh hưởng không nhỏ đến sự hình thành và phát triển nhân cách của một con người. Ông bàn về 4 vị trí ra đời:
- Con đầu lòng
- Con thứ
- Con út
- Con một
Mỗi một vị trí khác nhau có thể đưa đến những mặc cảm, những nét tâm lý khác nhau giữa các con trong cùng một gia đình.
Lý thuyết phân tâm học của Freud
S. Freud là một nhà phân tâm học nổi tiếng người Áo. Hệ thống lý thuyết của ông là lý thuyết chính thống đầu tiên về nhân cách, có ảnh hưởng sâu rộng tới các học thuyết sau này.
Khi đề cập đến vấn đề nhân cách, ông đưa ra các khái niệm về vô thức, cấu trúc nhân cách và các giai đoạn để hình thành và phát triển nhân cách.
Về vô thức, Freud cho rằng hành vi vô thức không bắt nguồn từ hành vi ý thức đã bị lãng quên, chìm vào quá khứ, và ngủ im trong đời sống tinh thần. Chính hành vi có ý thức có nguồn gốc là hành vi vô thức. Trước khi hành vi trở nên có ý thức thì nó đã trải qua giai đoạn vô thức. Hành vi vô thức là nhân tố chủ yếu quyết định toàn bộ đời sống tâm lý của con người
Về cấu trúc nhân cách, Freud chia ra gồm 3 phần:
- Cái Nó, tượng trưng cho con người sinh học, hoạt động theo nguyên tắc thỏa mãn.
- Cái Tôi, tượng trưng cho con người hiện thực, hoạt động theo nguyên tắc thực tế.
- Cái Siêu tôi, tượng trưng cho con người xã hội, hoạt động theo nguyên tắc đạo đức.
3 khối này có sự liên hệ chặt chẽ với nhau, tác động qua lại lẫn nhau tạo nên cấu trúc nhân cách của một con người.
Về các giai đoạn hình thành và phát triển nhân cách, ông chia thành 5 giai đoạn:
- Giai đoạn môi miệng (0 – 1 tuổi)
- Giai đoạn hậu môn (1 – 3 tuổi)
- Giai đoạn dương vật ( 4 – 5 tuổi)
- Giai đoạn ẩn tàng (5 – tuổi dậy thì)
- Giai đoạn dậy thì (từ vị thành niên đến tuổi trưởng thành)
Ông khẳng định nhân cách con người được xây dựng và định hình lúc 5 tuổi, đây là thời kỳ quan trọng nhất quyết định toàn bộ sự phát triển của một đời người. Freud nhấn mạnh vào những giai đoạn thời thơ ấu, nhấn mạnh sự chi phối của yếu tố bản năng, sinh học.
Lý thuyết nhân cách về cách tiếp cận học tập xã hội của Bandura
Bandura sinh ra tại Canada, ông đã tiến hành một thực nghiệm rất nổi tiếng đó là thực nghiệm búp bê BoBo. Ông quán sát thực nghiệm của mình và đã rút ra được một số khái niệm cơ bản trong lý thuyết học tập xã hội của mình
Bandura cho rằng “hành vi chúng ta được tập nhiễm thông qua việc quan sát hành vi của người khác và hậu quả của hành vi đó. Do đó việc nghiên cứu về sự hình thành và phát triển nhân cách chính là việc nghiên cứ hành vi tập nhiễm. Ông khẳng định “ai kiểm soát được mẫu hình trong xã hội thì người đó sẽ kiểm soát được hành vi của người khác.
Quá trình tập nhiễm quan sát phải trải qua các giai đoạn sau:
- Quá trình chú ý
- Quá trình ghi nhớ
- Quá trình tái tạo
- Quá trình khích lệ và thúc đẩy
Quá trình tập nhiễm quan sát cũng chính là quá trình hình thành và phát triển nhân cách. Cái cốt lõi nhất trong nhân cách chúng ta là một hệ thống các cơ cấu nhận thức đã được tập nhiễm. Trong đó, bắt chước đóng vai trò quan trọng. Thông qua quá trình này, hành vi được hình thành, đó là sản phẩm của quá trình quan sát, bắt chước những mẫu hành vi của người khác. Tổ hợp những mẫu hành vi này tạo nên nhân cách chúng ta. Nhân cách là tổ hợp những mẫu hành vi mà cá nhân có được thông qua việc tập nhiễm quan sát
Lý thuyết về nét nhân cách của Gorldon Allport
Gorldon Allport là người đầu tiên đưa ra được một khái niệm rõ ràng, cụ thể về nhân cách. Đồng thời ông còn đưa ra khái niệm về nét nhân cách, động cơ và quá trình phát triển nhân cách.
Ông cho rằng nhân cách không đơn giản chỉ là sự cộng dồn của hệ thống tâm sinh lý mà nó là sự kết hợp, tác động qua lại một cách năng động của hệ thống tâm sinh lý được biểu hiện, xác định qua hành vi và suy nghĩ tiêu biểu. Nhân cách của 2 người là 2 nhân cách riêng biệt, mỗi người có một nhân cách của mình, không ai giống của ai.
Allport đưa ra khái niệm nét nhân cách, đó là những khuynh hướng thiên về việc cách ta phản ứng lại với các kích thích từ môi trường. Đó là những nét nhất quán, lâu dài về cách phản ứng lại với môi trường. nét nhân cách gồm:
- Nét nhân cách cốt yếu
- Nét nhân cách trung tâm
- Nét nhân cách phụ
Các nét nhân cách này tồn tại trong mỗi chúng ta, chúng xác định hoặc là nguyên nhân của hành vi. Chúng không chỉ bắt nguồn từ việc phản ứng lại một kích thích mà còn thúc đẩy ta tìm kiếm những cách thức phù hợp rồi tác động qua lại với môi trường để tạo ra hành vi. Chúng có liên quan lẫn nhau và đại diện cho những đặc tính khác nhau.
Lý thuyết 8 giai đoạn phát triển của Erikson
Nhắc đến Erikson nghĩa là nhắc đến lý thuyết 8 giai đoạn phát triển về tâm lý xã hội cũng như nhân cách của ông mà Freud gọi là các giai đoạn phát triển tâm lý – tính dục.
Theo ông, chúng ta phát triển nhân cách như thế nào chính là quá trình mỗi cá nhân đối phó với những mâu thuẫn gặp phải trong các giai đoạn đó.
8 giai đoạn bao gồm:
- Giai đoạn 1 (0 – 1 tuổi): tin tưởng hay nghi ngờ
- Giai đoạn 2 (2 – 3 tuổi): tự lập hay xấu hổ và nghi nghờ
- Giai đoạn 3 (3 – 5 tuổi): chủ động hay tội lỗi
- Giai đoạn 4 (6 – 11 tuổi): chăm chỉ hay tự ti
- Giai đoạn 5 (12 – 18 tuổi): khẳng định bản thân hay mơ hồ về chính mình
- Giai đoạn 6 ( 18 – 35 tuổi): thân mật, gần gũi hay tách biệt, cô lập
- Giai đoạn 7 (35 – 55 tuổi): sinh sản hay trì trệ
- Giai đoạn 8 (55 đến chết): cái tôi toàn vẹn hay sự thất vọng
Mỗi một giai đoạn phát triển có những khủng hoảng hay bước ngoặt đặc thù của nó đòi hỏi chúng ta cần có vài sự thay đổi trong hành vi và cả trong nhân cách của mình để thích ứng, phù hợp với mỗi giai đoạn.
Lý thuyết tâm lý học hoạt động về nhân cách của Vưgotxki
Vugotxki là người đặt nền móng cho tâm lý học hoạt động, một nền tâm lý học dựa trên quan điểm của chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử. Ông cho rằng “lịch sử phát triển văn hóa của trẻ đưa chúng ta đến lịch sử phát triển nhân cách” hay nói cách khác, sự phát triển nhân cách và thế giới quan của trẻ chính là sự phát triển văn hóa.
Sự phát triển văn hóa ở đây là quá trình hình thành các chức năng tâm lý cấp cao; quá trình làm giảm bớt tính chất trực tiếp của các chức năng tâm lý cấp cao. Quá trình hình thành này gắn liền với quá trình lĩnh hội, tiếp thu các tri thức, kinh nghiệm, kỹ năng từ bên ngoài. Gọi khái quát chính là những kinh nghiệm lịch sử văn hóa, là văn hóa của loài người và chuyển thành các kinh nghiệm của bản thân.
Khi đã trở thành kinh nghiệm của bản thân, nó tác động, chi phối hành vi của mỗi người, chi phối cách thức mà chúng ta phản ứng lại với môi trường, với những kích thích khác nhau. Chính điều đó tạo nên nhân cách riêng biệt của mỗi người.
Đánh giá nhân cách con người gắn liền với việc xem xét lịch sử phát triển văn hóa, môi trường mà đứa trẻ đó sinh sống. Thực chất đó chính là quá trình chuyển từ kinh nghiệm văn hóa xã hội của loài người vào thành kinh nghiệm cá nhân của đứa trẻ đó.
Lý thuyết nhu cầu về nhân cách của Maslow
Theo quan niệm của Maslow, sự phát triển của nhân cách chính là quá trình mỗi cá nhân tiến hành các hoạt động khác nhau để thỏa mãn các nhu cầu đa dạng của mình. Chính quá trình mỗi cá nhân tiến hành các hoạt động khác nhau của mình một cách đa dạng và phong phú để thỏa mãn các nhu cầu của mình quy định chiều hướng phát triển nhân cách của họ. Lý thuyết về sự phát triển nhân cách của ông chính là thang nhu cầu Maslow và cách thức thỏa mãn nhu cầu của mỗi người.
Maslow đưa ra thang nhu cầu gồm 5 loại nhu cầu bẩm sinh điều khiển hành vi con người:
- Nhu cầu sinh lý: ăn, uống, tình dục,…
- Nhu cầu an toàn: sự ổn định, trật tự, an toàn
- Nhu cầu được chấp nhận và yêu thương
- Nhu cầu tự trọng
- Nhu cầu tự thể hiện
Những bản năng này là những bản năng tự nhiên, chịu ảnh hưởng lớn của di truyền. Tuy nhiên các nhu cầu có thể bị thay đổi qua rèn luyện, tập nhiễm.
Nhu cầu có thể được chia thành :
Nhu cầu bậc thấp và nhu cầu bậc cao hay nhu cầu bị thiếu hụt và nhu cầu phát triển
Có thể bạn thích: