Cuối năm là lúc chúng ta trang trí nhà cửa lộng lẫy trang hoàng để đón Tết. Đồng thời cũng là dịp để mua hoa, mua cây cảnh chơi Tết. Chơi cây như thế nào để đẹp nhà vừa đưa lại tài lộc, may mắn cho gia chủ là điều không phải ai cũng biết. Sau đây TopChuan sẽ cung cấp cho các bạn danh sách những loài cây cảnh đưa lại may mắn vào dịp Tết.
Cây hoa thủy tiên
Thủy tiên là loài hoa thuộc họ hành, có lá dài, mọc lên từ củ như hành tây. Loài hoa này có cánh trắng muốt, nhị hoa màu vàng hình chuông, hoa mọc thành từng chùm và có mùi hương rất ngọt ngào.
Loài hoa này được người chơi khéo léo cắt tạo hình từ củ rồi sẽ ngâm nước và căn cho cây hoa này nở vào dịp Tết. Người ta yêu thích chơi hoa thủy tiên bởi ý nghĩa thanh tao, may mắn, trường thọ. Mùi của loài hoa này cũng thuần khiết dễ chịu và nếu căn nhà thoang thoảng mùi hoa sẽ cảm thấy tâm hồn thanh tịnh và tinh khiết diệu kì.
Cây sung
Sung là một loại cây cảnh thường có dáng bonsai rất đẹp, dễ trồng và dễ chăm sóc. Người Việt cũng thường chọn sung là loại cây trưng Tết mang nhiều ý nghĩa.
Cây sung tượng trưng cho sự sung mãn, tròn đầy, sung túc, viên mãn. Quả sung cũng là loài quả xuất hiện phổ biến trong mâm ngũ quả của người Việt vì nó tượng trưng cho sự sung sướng của con người. Năm mới mọi người đều muốn mình có một năm thành công và sung sướng nên cây sung được lựa chọn để chơi Tết trong nhiều gia đình.
Cây quất
Từ lâu chơi quất đã là một nét văn hóa đẹp trong văn hóa của người việt. Mọi người thường nói với nhau rằng: Nếu trong nhà chưa có cành đào và cây quất thì chưa có Tết. Cây quất vừa mang ý nghĩa là sự sum họp gia đình, vừa là biểu tượng của sức khỏe, bình an, may mắn và làm ăn thuận lợi.
Người ta chơi quất thường chọn quất rất kĩ theo phong thủy. Một cây quất đẹp phải hội tụ đủ 5 yếu tố, cây quất đó phải có dáng tròn, hoặc hình tháp, thân tròn, ngắn và chẻ nhiều nhánh nhỏ. Cây phải có quả vàng, quả xanh, nụ trắng và lá chồi. Khi chọn quất phải để ý những yếu tố đó và nếu hội tụ được cả 5 yếu tố đó thì có nghĩa là sinh khí luôn tràn đầy, sản sinh và mang lại may mắn cho gia chủ, thể hiện sự được mùa, hứa hẹn một vụ mùa bội thu, thu về nhiều tiền bạc.
Cây đào
Cứ mỗi độ Tết đến, xuân về hoa đào lại thi nhau khoe sắc, đặc biệt là ở miền Bắc thì vào ngày Tết gia đình nào cũng nhất định có cành đào để trưng Tết. Tại sao hoa đào lại được yêu thích nhiều đến vậy thì không phải ai cũng biết, nhiều người chơi đào mà không hiểu hết được ý nghĩa của loài hoa này. Thực ra sự tích gắn với hoa đào thì đây là loài hoa xua đuổi ma quỷ nên ngày Tết nhà nhà trưng hoa trong nhà nhằm xua đuổi ma quỷ, đưa đến niềm vui và hạnh phúc cho mọi người. Hoa đào tượng trưng cho sự sinh sôi nảy nở, loài hoa này nở rộ vào dịp Tết như lộc lá tràn đầy càng củng cố niềm tin của con người về điều đó. Không những vậy hoa đào còn làm không gian căn nhà trở nên ấm áp và có sức sống. Loài cây này vừa đẹp vừa ý nghĩa nên người ta thường lựa chọn nó là loài cây chơi Tết ý nghĩa.
Cây mai
Mai là loài hoa biểu trưng cho ngày Tết ở miền Nam Việt Nam. Cũng như cành đào ở miền Bắc, cành mai ở miền Nam mang hương vị tết đến mọi gia đình. Nếu nhà nào chưa có cành mai trưng trong nhà và bày biện trên bàn thờ là chưa có Tết đúng điệu. Cây mai có nhiều ý nghĩa đối với nhà nhà trong ngày Tết.
Hoa mai có màu vàng tượng trưng cho sự may mắn, tài lộc, giàu sang phú quý, may mắn cho một năm mới vừa tràn đầy hạnh phúc vừa cao quý.
Chọn hoa mai người ta thường chọn những cây có thế đẹp, nhiều hoa, nhiều lộc và đặc biệt hoa phải càng nhiều cánh càng tốt. Nếu bông hoa nào cũng có 7 cánh sẽ đưa lại tài lộc và may mắn cho gia chủ. Hơn nữa cây mai nở đúng vào những ngày đầu năm thì tài lộc, may mắn của gia đình đó sẽ càng tăng lên gấp bội.
Cây hoa cúc
Hoa cúc là loài hoa xuất hiện phổ biến trên bàn thờ vào các dịp giỗ chạp, lễ Tết và đặc biệt vào dịp Tết loài hoa này không chỉ được cắm trên bàn thờ mà người ta còn trồng trong chậu để trưng Tết rất đẹp và mang nhiều ý nghĩa.
Hoa cúc biểu tượng cho sự sống, khi trồng trong nhà sẽ tăng thêm phúc lộc và các phúc khí tốt trong gia đình. Cánh hoa nhiều và đan xen nhau tượng trưng cho sự sum họp, đủ đầy rất ý nghĩa.
Cây phát lộc
Phát lộc còn có tên gọi khác là cây phất dụ, cây tre cảnh. Ngay từ tên gọi của loài cây này đã thể hiện được ý nghĩa của chúng. Cây này tượng cho sự may mắn, phát lộc, sức khỏe tốt và đặc biệt loài cây này thu hút được dòng chảy tích cực của năng lượng vào nhà.
Cây phát lộc thường được kết cấu nhiều từng tượng trưng cho sự làm ăn tiến tới, thăng tiến trong công việc. Cây này có nhiều kiểu kết cấu và mỗi kiểu có ý nghĩa khác nhau, nhưng dịp Tết người ta thường chơi kiểu kết cấu nhiều tầng. Loài cây này bạn có thể dùng trưng Tết hoặc làm quà tặng đều rất ý nghĩa.
Cây ngũ quả
Trong những năm gần đây với sự phát triển của khoa học kĩ thuật và bàn tay khéo léo của người nông dân, họ đã tạo ra cây ghép với tên gọi cây ngũ quả. Loài cây này nguyên gốc là cây bưởi hoặc cam được người ta khéo léo ghép các nhành cây khác vào và cho ra các loại quả khác nhau trên cùng một loại cây. Trên cây có ít nhất là 5 loại quả hoặc nhiều hơn như mâm ngũ quả trong ngày Tết vậy. Các loài quả đó có thể là cam, quất, phật thủ, bưởi, quýt biểu tượng cho sự đầy đủ, tài lộc, no ấm. Những năm gần đây loài cây này càng được ưa chuộng bởi nét độc đáo, vẻ đẹp lạ và màu sắc bắt mắt của loài cây này.
Cây hoa trà (hoa hải đường)
Hải đường là loại hoa có màu hồng rực rỡ nhưng không chói mắt, xung quanh có nhiều cánh hoa bao quanh nhị vàng đầy e ấp. Người ta thường chơi hoa hải đường vào dịp Tết bởi ý nghĩa của loài hoa này mang lại.
Hải đường là loài hoa mang ý nghĩa vinh hoa phú quý, hơn nữa loài hoa này chỉ nở vào dịp Tết mang ý nghĩa sự may mắn, làm ăn tấn tới. Hơn nữa hoa hải đường còn tượng trưng cho tình cảm ấm áp, hòa hợp keo sơn.
Ngày Tết nếu có một chậu hoa hải đường trong nhà sẽ giúp căn nhà trở nên ấm áp.
Cây thanh long
Thăng long là loài cây lấy quả được trồng phổ biến ở nước ta, những năm gần đây người ta thường dùng cả cây thanh long để tặng nhau và trưng trong nhà vào dịp Tết. Thanh long có nghĩa là rồng xanh, khi tặng nhau mang ý nghĩa phú quý, sức khỏe, tài lộc trong dịp đầu năm. Một chậu thanh long được tạo từ nhiều cành ghép lại với nhau và có rất nhiều trái mọc san sát trên cành mang ý nghĩa sum họp đầy đủ.
Có thể bạn thích: