Đây là một đề tài không mới. Nhiều cá nhân, trang mạng đã đăng đàn phản biện nhưng hầu hết một là, đều nhắm vào tư cách cá nhân người đề xuất; hai là, cho rằng những người đề xuất “toàn lũ mất gốc, vong bản, chạy theo các giá trị phương Tây” hay “một đám người duy kinh tế, coi kinh tế là tất cả”… chứ chưa làm rõ được cơ sở lý luận của tết Ta, tết Tây và làm rõ căn cứ của các chứng lý liên quan mà người đề xuất nêu lên. Nhằm tiện cho khách tham quan đọc theo dõi, bài viết được tôi trình bày theo dạng câu hỏi, từ câu hỏi nêu cái khái quát đến cái cụ thể.
Ta nên bỏ tết Ta vì Nhật Bản nhờ ăn tết Dương lịch theo phương Tây mà trở thành quốc gia giàu có?
Ngày nay, nhiều người Nhật cảm thấy tiếc nuối với thứ lịch đã khiến họ mất dần bản sắc của mình, khiến họ lao vào một cuộc vật lộn không ngừng nghỉ cho đến lúc chết của guồng xoay công nghiệp. Ham muốn tình dục suy giảm, tỷ lệ tự tử gia tăng do áp lực của công việc, của sự thành công trong kinh tế.
Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là bản thân việc họ đổi từ Âm-dương lịch sang Dương lịch chưa đủ căn cứ để cho nó là nguyên nhân của sự thành công thần kỳ của nước Nhật. Sự thành công đó phải được xem xét trên nền tảng văn hóa cộng đồng, coi trọng chữ hòa và yếu tố coi trọng tính kỷ luật của văn hóa Nhật Bản. Cùng ăn tết theo Tây hàng trăm năm nay nhưng anh hàng xóm Philippin của chúng ta, 72 năm không có tiếng súng xâm lược từ bên ngoài, hãy xem họ đã đạt được thành tựu gì hay vẫn chỉ lẹt đẹt ngấp nghé mức sống Việt Nam – nước mới vừa ra khỏi chiến tranh 28 năm? Nếu coi việc đổi thói quen ăn tết từ tết Đông sang tết Tây là lý do của các thành công kinh tế thì Hồng Kông, Thượng Hải, Thâm Quyến, Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia… những quốc gia, lãnh thổ vẫn ăn tết Đông mà vẫn thành rồng thành hổ là do đâu? Họ vẫn ăn tết cổ truyền theo Âm-dương lịch phương Đông và họ vẫn giàu có, vẫn là những trung tâm kinh tế tài chính hàng đầu và có sức cạnh tranh toàn cầu.
Cho nên, việc lấy trường hợp Nhật Bản để cho rằng nên gộp tết ta và tết tây lại vì như vậy nước nhà sẽ mau chóng phát triển mạnh là nhận định không có cơ sở thực tế nào, cơ bản là ấu trĩ !
Nên bỏ tết Ta vì tết Ta kéo theo hệ lụy là “trong khi cả thế giới làm việc còn chúng ta ngồi chơi”, vô hình trung làm lỡ cơ hội kinh doanh, làm chứng khoán?
“Cả thế giới” theo cách hiểu của những người đề xuất ở đây là ai? Chỉ là khoảng hơn 1 tỷ người Kitô giáo ở châu Âu và các “cựu thuộc địa” của nó ở các châu lục khác.
1,5 tỷ người Ả rập và các quốc gia Hồi giáo ăn tết riêng theo Âm lịch (hoàn toàn tính bằng chu kỳ mặt trăng) của họ; 2/3 trong số 1,3 tỷ người Ấn Độ ăn tết theo lịch Hinđu, 1/3 số còn lại ăn hàng trăm kiểu tết khác nhau (do có hàng trăm dân tộc); gần 1,7 tỷ người Đông Á ăn tết theo Âm-dương lịch. Người Do Thái ăn tết Do Thái, họ còn nghỉ vào mỗi thứ sáu trong tuần khi mà các thị trường chứng khoán phương Tây hối hả chạy nước rút vào phiên cuối tuần, nhưng có vì vậy mà người Do Thái mất đi cơ hội cạnh tranh của họ hay không? Thực tế là ít nhất 2/3 các trùm tài phiệt phố Wall là người gốc Do Thái. Các nước giàu nhất thế giới như UAE, Kuwait, Qatar, hay các con rồng châu Á như Singapore, Đài Loan, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia,… hay các trung tâm tài chính, chứng khoán hàng đầu của Trung Quốc như Hồng Kông, Thâm Quyến, Thượng Hải… có vì họ ăn cái tết lệch đi với tết Kitô mà mất đi sức mạnh, khả năng cạnh tranh, cơ hội làm ăn của họ hay không? Hỏi cũng tức là đã trả lời rồi.
Tết Việt Nam là tết Trung Quốc chứ hay ho gì, bản sắc gì mà khư khư giữ lấy? (ý kiến của Giáo sư Võ Tòng Xuân, chuyên gia Phạm Chi Lan và một số người)
Thứ lịch mà dân gian ta hay gọi là “Âm lịch” hay “Lịch ta” để phân biệt với lịch Công giáo (Tây lịch hay Dương lịch) thực ra là một dạng Âm – dương lịch, có tính đến chu kỳ vận động của cả mặt trăng và mặt trời. Âm – dương lịch Đông Á ra đời dựa trên nhu cầu tính toán thời tiết, con nước thủy triều, thời điểm bắt đầu và kết thúc mùa mưa mà điều này là điều cực kỳ cần thiết của các cư dân nông nghiệp lúa nước. Các chứng cứ khảo cổ phát lộ từ nền văn hóa Hòa Bình ở Việt Nam cách đây 2 đến 3 vạn năm chứng minh rằng Việt Nam là một trong những cái nôi của nền văn minh lúa nước. Đến thời Hùng Vương cách đây, 2.000 – 3.000 năm, hoa văn trên các trống đồng (nhiều trống có 12 tia sáng trung tâm trên một vòng tròn, vòng tròn đôi khi được chia đều bằng 4 cung đại diện cho 4 mùa trong năm, 3 tia trên một cung đại diện cho 3 tháng mỗi mùa). Nó cho thấy cách tính lịch dựa trên chu kỳ mặt trăng – mặt trời đã hiện diện ở Việt Nam trước khi văn hóa Hán bắt đầu tràn xuống phương Nam theo chân các đoàn quân xâm lược.
Theo Lương Khải Siêu, triết gia, nhà cải cách lớn của Trung Quốc cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, thì tộc người Hán (Hoa) có gốc là các cư dân chăn nuôi du mục và làm nông nghiệp khô (trồng mạch, kê) ở vùng thượng – trung lưu Hoàng Hà. Họ chưa có nhu cầu cấp thiết phải có hệ thống Âm-dương lịch. Nhu cầu đó chỉ xuất hiện khi họ bắt đầu tiến về hạ lưu Hoàng Hà và tiến vào lưu vực Trường Giang – những địa điểm thuận lợi cho làm lúa nước. Do vậy, chính người Trung Quốc đã học cách tính lịch của các cư dân nông nghiệp lúa nước phía nam sông Dương Tử – địa bàn cư trú của các cư dân khối Bách Việt cổ – mà người Việt Nam (nhóm Tây Âu – Lạc Việt) là một bộ phận. Có lẽ người Hán đã phát triển và hoàn thiện cách tính lịch này lên đến đỉnh cao nhưng nó vẫn là thành tựu phát minh của các cư dân cổ làm lúa nước người Việt. Âm-dương lịch gắn với lịch sử các dân tộc Đông Á suốt hàng ngàn năm nên ngày nay nó đã trở thành một tài sản chung của cả khu vực. Cho nên không thể nói tết Việt là tết Trung Quốc mà phải nói ngược lại: TẾT TRUNG QUỐC CÓ NGUỒN GỐC TỪ TẾT VIỆT !
Cho nên, nói bỏ tết Việt vì đó là tết Trung Quốc là sự ngộ nhận tai hại về lịch sử. Đó là chưa nói đến đặc trưng văn hóa, phong tục trong tết Việt cũng có nhiều điểm khác biệt với các quốc gia Đông Á khác.
Nên gộp hai cái tết lại cho đỡ lãng phí thời gian, người nông dân có thời gian chăm lo cho vụ Đông Xuân – vụ lúa tiềm năng nhất trong năm? Gộp hai tết lại cho đỡ đi tình trạng nhậu nhẹt, bài bạc… đang làm tốn kém thời gian, lãng phí tiền của xã hội (Gs Võ Tòng Xuân)
Bản thân chữ TẾT là biến âm (đọc chệch đi) của chữ TIẾT trong “LỊCH TIẾT KHÍ”. Đó là một hệ thống gồm 24 tiết khí để tính toán thời vụ nông nghiệp (lịch làm nông) trong Âm-dương lịch Đông Á. Căn cứ để tính lịch này là 12 cung hoàng đạo (đường biểu kiến của mặt trời in lên nền trời nhìn từ mặt đất) và độ dài ngắn khác nhau của từng tháng tính theo chu kỳ tuần hoàn của mặt trăng. “Tết Nguyên đán” đọc đúng là “Tiết Nguyên đán”. “Nguyên” nghĩa là “cái gốc”, “đán” nghĩa là “buổi sáng sớm”, “nguyên đán” là “buổi sáng sớm đầu tiên” trong một năm. Cho nên việc bỏ tết Ta ăn tết Tây để làm nông nghiệp cho thuận lợi vừa là việc làm phi khoa học (vì nó vốn là lịch nông nghiệp) vừa không đúng với cái tên của nó (tết tức là tiết, dù tính kiểu gì ngày 1-1 dương lịch không bao giờ trùng vào tiết nguyên đán trong âm – dương lịch)
Một điều quan trọng nữa là chưa có đề tài nghiên cứu nào chứng minh thuyết phục rằng: nông dân Việt Nam góp phần làm giảm năng suất vụ Đông Xuân do ăn tết quá lâu. Một điểm cần nói thêm là do múi giờ để tính lịch của Việt Nam (GMT+7) khác Trung Quốc (GMT+8), Triều Tiên, Nhật, Hàn (GMT+9),… nên cách tính Âm-dương lịch (“Âm lịch”) của ta có phần khác với phần còn lại. Vào một số năm, ngày đầu năm (Tết Nguyên đán) của người Việt sẽ khác với các nước dùng chung Âm-dương lịch do năm nhuận, ngày nhuận vì lấy giờ gốc để tính khác nhau nên sẽ không trùng nhau.
Những vấn đề thuộc về tệ nạn, hủ tục trong dịp tết như cờ bạc, hay tình trạng quá chén trong các dịp liên hoan tất niên, đầu năm mới thuộc về trách nhiệm trong công tác quản lý của nhà nước, của sự tiến bộ trong nhận thức chung toàn xã hội. Không phải vì không quản lý được, một bộ phận nhỏ nhân dân chưa nhận thức đầy đủ tác hại của bia rượi, tệ bài bạc… mà thay đổi thói quen ăn Tết cổ truyền của cả một dân tộc – một dịp đoàn viên trong không khí hiếm có suốt một năm quần quật làm việc. Tết cổ truyền còn gần như là sợi dây lịch sử – văn hóa – tâm linh bền chặt nhất, liên kết những người con xa xứ với quê hương Việt Nam.
Nhà văn Tuệ Nghi: ‘Đã đến lúc chúng ta bỏ Tết cổ truyền’
Tết là sum họp, là tình thân và cũng có người cho rằng Tết cổ truyền là hồn của dân tộc, Tết còn thì dân tộc Việt mới còn. Hội nhập làm gì khi giá trị truyền thống chúng ta còn không giữ nổi.
Nhà văn cho rằng nếu đã sống có tình thì 365 ngày trong năm đều tình nghĩa với nhau, đều sum họp với nhau chứ cần gì nhân danh Tết để bày mâm cao cỗ đầy. Vậy nhưng người đi làm xa, xa gia đình, xa quê thì sao? Cả năm họ mới có một dịp nghỉ lễ dài ngày để gặp cha me, gia đình yêu thương của họ. Nhà văn có hiểu được không?
Có thể bạn thích: