Ngoại hạng Anh là giải đấu rất hấp dẫn nhưng cũng vô cùng khắc nghiệt. Rất nhiều ngôi sao đã tàn lụi khi chuyển đến chơi ở đây và không kịp thích nghi với môi trường bóng đá nơi đây. Dưới đây là top 10 ngôi sao tàn lụi ở xứ sương mù.
Mario Jardel (Bolton)
Trước khi đến Bolton, Mario Jardel từng 2 lần giành Chiếc giày vàng châu Âu vào các mùa 1998/99, 2001/02 và ghi 267 bàn sau 7 mùa chơi cho FC Porto, Galatasaray cùng Sporting Lisbon. Tuy nhiên, tất cả những gì mà anh làm được ở nước Anh là 3 bàn, đều ở Cúp Liên đoàn, sau 12 lần ra sân, trong khi cân nặng của tiền đạo này lại tăng lên liên tục. Hết mùa 2003/04, Jardel đã phải ra đi tự do tới Argentina, Brazil rồi Australia và cả Bulgaria trước khi giải nghệ năm 2011.
Juan Veron (MU và Chelsea)
MU và Chelsea đã mất tổng cộng 43,1 triệu bảng để sở hữu Juan Veron, nhưng thứ họ nhận lại là 97 trận ra sân, 12 bàn và một chuỗi các thất vọng. Tiền vệ người Argentina nổi tiếng với sự đa năng, nhãn quan chiến thuật, tầm nhìn sắc bén và kỹ thuật vượt trội, song tất cả những phẩm chất ưu việt từng được phô diễn ở Lazio đã không được tái hiện ở giải đấu khắc nghiệt như Ngoại hạng Anh. Hè 2004, Veron đã rời Chelsea quay lại Italia rồi quyết định hồi hương vào năm 2006.
Memphis Depay (MU)
Vua phá lưới giải vô địch quốc gia Hà Lan Eredivisie mùa giải 2014-2015, Memphis Depay đã quyết định chuyển sang thi đấu cho Manchester United với rất nhiều sự kỳ vọng của BLĐ Quỷ đỏ. Trẻ trung, xông xáo và chơi bóng rất kỹ thuật đó là những gì mà người ta chứng kiến tiền vệ này khi còn khoác áo PSV. Nhưng khi chuyển đến MU nhận chiếc áo số 7 huyền thoại, Depay đã không chứng tỏ được mình dù được trao khá nhiều cơ hội. Có lẽ trận đấu của MU với FC Midtjylland ở Europa League năm ngoái là trận đấu hay nhất của Depay trong màu áo Quỷ đỏ.
Andriy Shevchenko (Chelsea)
Những năm tháng đỉnh cao của Shevchenko lẽ ra đã kéo dài hơn nếu anh không đến Chelsea với mức giá 30,8 triệu bảng vào năm 2006 từ AC Milan. Quả bóng vàng 2004 chỉ “nổ súng” vỏn vẹn 9 lần trong 2 năm thi đấu tại Premier League, trước khi bị bán lại cho Dynamo Kiev và giải nghệ năm 2012. Sheva bị loại khỏi đội hình chính của Chelsea, thậm chí không có mặt ở ghế dự bị trong trận tranh Siêu Cúp Community Shield với MU đầu mùa giải 2009/10.
Robinho (Man City)
Mùa đầu tiên tại Premier League (2008/09) của bản hợp đồng đắt nhất lịch sử bóng đá Anh khi đó (32,5 triệu bảng) kết thúc không đến nỗi nào, với 14 bàn để đứng thứ 4 trong danh sách Vua phá lưới, mặc dù hiếm khi người ta thấy Robinho tỏa sáng ở các trận đấu lớn. Mùa kế tiếp, cựu ngôi sao Real Madrid tịt ngòi sau 541 phút, để rồi phải trở về quê nhà nhằm tìm lại cảm hứng, trước khi bị bán đứt cho AC Milan và tiếp tục chuỗi ngày thất vọng của mình.
Bastian Schweinsteiger (MU)
Bastian Schweinsteiger được biết đến là một trong những tiền vệ xuất sắc nhất ở thế hệ của mình đã không bao giờ tái hiện được hình ảnh đó ở Old Trafford. 18 tháng, anh chỉ ra sân 35 trận, ghi 2 bàn, kiến tạo 1 bàn và thiết lập 10 cơ hội. Riêng mùa này, Schweini còn không được ra sân phút nào ở Premier League và phải đợi đến ngày cuối cùng của tháng 11/2016 để chơi trận đấu đầu tiên, tại Cúp Liên đoàn với West Ham. Anh đã quyết định chuyển đến Chicago Fire như đúng lời hứa rằng MU là đội bóng châu Âu cuối cùng anh đầu quân.
Angel Di Maria (MU)
Chuyển đến Manchester United vào mùa Hè 2015 với mức giá kỷ lục khi đó 59,7 triệu bảng, HLV Van Gaal đã vô cùng tự tin khi mô tả Di Maria là “cầu thủ đẳng cấp thế giới” và được kỳ vọng sẽ đưa Quỷ đỏ trở lại thời hoàng kim. Sau 4 trận khởi đầu đầy hứa hẹn với 2 bàn cùng 2 pha kiến tạo, ngôi sao người Argentina bỗng sa sút không phanh và chỉ ghi thêm 1 bàn nữa trong phần còn lại của mùa 2014/15. Di Maria được các nhà báo bình chọn là bản hợp đồng tệ nhất của Premier League mùa giải đó.
Radamel Falcao (MU và Chelsea)
Chấn thương đầu gối của Falcao gặp phải và chưa có nhiều thời gian hồi phục khiến cho Falcao không có được cảm giác chơi bóng tốt nhất. Đây có lẽ là nguyên nhân dẫn đến thất bại thảm hại trong 2 năm chơi bóng ở Premier League. Con số nghèo nàn 5 bàn sau 41 lần ra sân ở Anh, trong khi anh trở lại là “Mãnh hổ” trong màu áo Monaco, với 24 bàn mùa này. Căn cứ vào mức lương và phí mượn lại, MU tiêu tốn 4 triệu bảng cho mỗi bàn thắng của Falcao, còn Chelsea mất 13,5 triệu bảng cho pha lập công duy nhất của cầu thủ này.
George Weah (Chelsea và Man City)
5 năm sau khi giành Quả bóng vàng (1995), George Weah quyết định từ bỏ AC Milan để đến xứ sương mù ở tuổi 34. Tiền đạo người Liberia chơi dưới dạng cho mượn ở Chelsea và thể hiện khá tốt với thành tích 11 trận ghi 7 bàn. Sau đó, Weah đầu quân cho Man City với mức lương cao nhất lịch sử đội bóng (30.000 bảng/tuần). Weah chỉ chơi bóng cho MC trong vòng 2 tháng rưỡi, bởi sự hắt hủi của HLV Joe Royle và anh chỉ 3 lần ít ỏi chơi trọn vẹn 90 phút trong tổng số 11 trận.
Fernando Morientes (Liverpool)
Sau 6 mùa giải với 82 bàn thắng ở Real Madrid và một mùa giải thành công ở Monaco, Morientes chuyển tới Liverpool với bản hợp đồng có giá trị 6,3 triệu bảng. “Tiền đạo xuất sắc nhất mùa 2003/04” của UEFA chơi 60 trận cho đội bóng của HLV Rafa Benitez nhưng chỉ “nổ súng” 12 lần và không có mặt ở trận chung kết Champions League lịch sử tại Istanbul. Thật may cho The Kop khi Valencia đồng ý chiêu mộ tiền đạo người Tây Ban Nha này với khoản chi phí 3 triệu bảng vào mùa Hè 2006.
Có thể bạn thích: