Tình yêu của cha mẹ dành cho con cái không nơi nào không hiện hữu. Tình yêu ấy bao la, không lẫn chút tạp chất, không đòi hỏi báo đáp, luôn được cho đi vô điều kiện. Còn chúng ta càng lớn, dường như trái tim càng nhỏ đi, mấy phần trong trái tim chúng ta hướng về mẹ cha nữa? Sau đây TopChuan.com sẽ giới thiệu đến bạn những cuốn sách gây xúc động mạnh nhất về tình yêu vô bờ bến của cha mẹ.
Cha và con – Tony Parsons
Cuốn sách là tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Tony Parsons, và đã được độc giả đánh giá là một trong những cuốn sách hay nhất về tình cha. Nhân vật Harry Silver có vợ đẹp, con khôn, sự nghiệp đang lên, gia đình êm ấm… chỉ vì một phút yếu lòng mà xảy ra tình một đêm với đồng nghiệp. Khi vợ anh phát hiện đã bỏ đi Nhật và đây cũng là nguyên nhân chính kéo theo mọi rắc rối về sau này của ông bố trẻ đơn thân bất đắc dĩ.
Cha và con, câu chuyện nói về mối quan hệ giữa Harry và con trai, giữa Harry và cha. Anh và cha rất khác nhau về quan niệm sống, tính cách và những điều đã trải qua. Harry Silver luôn cho rằng mình đã trưởng thành và cha anh phần nào không thể hiểu được cuộc sống của những người hiện đại. Với giọng văn hài hước, hóm hỉnh, sắc sảo mà không thiếu những sâu lắng trầm ngâm, Tony Parsons khiến độc giả được trải qua đầy đủ các cung bậc cảm xúc cùng anh hùng Harry với vô vàn tình huống éo le khi làm một ông bố đơn thân. Làm mẹ đơn thân đã khó nhưng làm ông bố đơn thân còn khó gấp nhiều lần. Chẳng hạn ngay cả những công việc nhỏ nhặt nhất như: tắm gội cho con, quản lý việc xem phim của con, đưa con đi nhà trẻ… đối với ông bố cũng đầy thử thách. Harry còn phải đối mặt với việc: nếu tìm việc thì không ai chăm con còn nếu chăm con thì không thể có tiền thanh toán những hóa đơn,….
Rồi cú sốc khi người cha mất đi đã dội thẳng vào Harry để từ đó anh trưởng thành hơn, có cái nhìn khác về tình phụ tử. Tình cảm gia đình mà ngày ngày cha và mẹ anh cùng chắt chiu vun đắp, cách cha anh trân trọng từng giây phút được ở bên con cháu… lại là bài học ý nghĩa nhất về cuộc sống mà cha dạy cho anh.
“Cha và con” không đề cao hay ủng hộ cuộc sống của thế hệ nào, nó đơn thuần lột tả những cảm xúc, những khó khăn thực để mọi người biết trân trọng hơn cuộc sống của mình. Con người khi đứng trước tình yêu, lý trí và bản năng sẽ phải lựa chọn điều gì?
Ngoài kia giông bão, lòng mẹ an ninh – Cheon Myeong Kwan
Nước biển mệnh mông không đong đầy tình mẹ
Mây trời lồng lộng không phủ kín công cha.
Cho dù là thời nào, xã hội nào thì tình yêu thương mà cha mẹ dành cho con cái không ai có thể phủ nhận và diễn tả được. Con cái dù lớn vẫn là con của cha mẹ, vẫn là nỗi bận tâm lớn nhất trong lòng cha mẹ. Người mẹ trong “Ngoài kia giông bão, lòng mẹ bình yên” cũng như vậy. Đây được coi là một trong những cuốn sách hay nhất về tình mẫu tử của nhà văn xứ sở kim chi Cheon Myeong Kwan. Câu chuyện xoay quanh người đàn ông In Mo đã gần 50 tuổi – một người đang gặp liên tiếp những trắc trở, công việc thì thất bại, vợ thì bỏ đi và sắp bị đuổi vì không có tiền trả tiền thuê nhà. Trong lúc tưởng chừng như chạm đến tận cùng của sự tuyệt vọng thì ông nhận được điện thoại của mẹ già gọi về ăn canh gà. Về nhà, được ăn món ăn yêu thích In Mo quyết định ở lại “ăn bám” mẹ. Câu chuyện đâu chỉ như vậy, người mẹ già ấy đang nuôi ông anh của In Mo từng ra tù vào tội nhiều lần, không làm ăn gì và sống dựa dẫm mẹ suốt nhiều năm qua. Được một thời gian, cô em gái bỏ chồng dẫn theo cô con gái ngỗ nghịch về và cũng ăn bám mẹ già. Ba đứa con lần lượt thất bại, bị xã hội gọi là “đồ bỏ đi” quay về sống dựa vào đồng lương ít ỏi của một bà già, nhưng người mẹ ấy không hề oán thán một câu, vẫn dang rộng cánh tay chở che những đứa con tội nghiệp.
Quyển sách không kêu gào chúng ta hãy yêu mẹ đi, cũng không hô hào những khẩu hiệu về gia đình, về tình thương giữa cha mẹ con cái anh em, nó giáo dục ta, đánh thức tình cảm thiêng liêng xuất phát từ trong con tim của mỗi người. Liệu rằng với tình thương yêu của người mẹ có giúp những người con đó làm lại cuộc đời?
Tôi bị bố bắt cóc – Mitsuyo Kakuta
“Tôi bị bố bắt cóc” là cuốn sách thích hợp với lứa tuổi thiếu niên nhưng không thể phủ nhận giá trị nhân văn mà tác giả Mitsuyo Kakuta đã truyền tải được đến bạn đọc trong đó có cả những người đang làm cha mẹ. Câu chuyện kể về cô bé Haru 11 tuổi sống cùng mẹ sau khi bố mẹ ly hôn. Từ đó tình cảm cha con không còn gần gũi và ngày càng xa cách. Một ngày nóng nực, cô bé bất ngờ gặp cha mình ngồi trên ô tô đang chìa tay ra “Xin mời tiểu thư” khi cô đang đứng mua kem ở cửa hàng. Chuyến “bắt cóc” chính thức bắt đầu từ giây phút đó. Suốt hành trình cùng với cha, nhiều lần Haru mệt mỏi và có ý nghĩ sẽ đến đồn cảnh sát trình bày việc mình bị bắt cóc. Nhưng chính sự yêu thương và kiên nhẫn của người cha đã giúp Haru nhận ra rằng cho dù xa cách nhau nhưng ông vẫn luôn quan tâm và dành rất nhiều tình cảm cho mình. Ông đã giúp cô con gái có những trải nghiệm ấn tượng ở vùng nông thôn mà khi sống ở thành phố cô bé chưa từng có được.
Cô bé Haru 11 tuổi đã khám phá được nhiều điều mới mẻ, nhiều bài học thấm thía từ cuộc sống. Qua đó, cô thêm yêu thương cha mình, cảm thấy cuộc sống còn nhiều điều thú vị đang chờ đợi. Cuốn sách “Tôi bị bố bắt cóc” không có gì kịch tính nhưng dường như làm cho người đọc bị cuốn hút bởi chính những điều nhỏ nhặt, đời thường. Tuy rằng không thể sống cùng cả cha và mẹ nhưng cô con gái vẫn luôn nhận được đầy đủ tình yêu của cha mẹ.
Mẹ, thơm một cái
Tiếng gọi mẹ thân thương có lẽ với chúng ta đã vô cùng quen thuộc. Nhưng đã có mấy người dám nói với mẹ rằng Con yêu mẹ hay bày tỏ hành động như là thơm mẹ một cái hay chưa? Chắc hẳn là không phải ai trong số chúng ta cũng làm được. Đọc sách “Mẹ, thơm một cái” để dành những điều ấn tượng nhất cho mẹ.
“Mẹ, thơm một cái” không hẳn là một câu chuyện mà chỉ là những ghi chép tản mạn của Cửu Bả Đao về quá trình cùng mẹ chống lại bệnh tật và những kí ức về người mẹ ấn tượng này. Đúng vậy, mẹ của Cửu Bả Đao là một người mẹ ấn tượng và đương nhiên mỗi người mẹ đều ấn tượng theo cách của riêng mình. Bà gần như cả đời không được nghỉ ngơi vì mải lo cho gia đình, đột nhiên cái cơ hội được nghỉ ấy lại đến trong một tình huống hết sức oái ăm và đau đớn – bà mắc phải căn bệnh máu trắng. Nhưng người phụ nữ cả đời vất vả ấy lại rất thành công: bà được mẹ chồng tin tưởng, coi trọng; được chồng yêu thương hết mực; và trên hết, bà đã nuôi dạy được ba người con trai thành đạt và chúng đều hết lòng kính trọng và yêu bà. Đọc đến đoạn cuối, mình thấy vui cho gia đình họ vì cuối cùng sóng gió cũng đã qua, một ngày mai tươi sáng hơn đang chờ họ ở phía trước.
Với lời văn giản dị , chân thực, không cần nhiều lời hoa mĩ, lòng yêu thương mẹ của Cửu Bả Đao đầy ắp những trang anh viết trong giai đoạn bên giường bệnh người mẹ. Mẹ một lòng hy sinh vì con cái, vì chồng, vì giữ cho gia đình ấm êm hòa thuận. Tình cảm thiêng liêng đó vốn chẳng riêng ai, thật dễ lan truyền tới mỗi chúng ta, nên mỗi khi mở cuốn sách này ra, tim ta lại rung lên những nhịp xốn xang về mẹ. Mỗi trang sách là lời gửi gắm tâm tình, tình yêu thương của con giành cho mẹ cũng như nỗi niềm của người mẹ giành cho con.
Theo chân tác giả, chúng ta cứ đi trọn vẹn hành trình chống chọi bệnh tật của mẹ anh Đao với căn bệnh ung thư máu, càng đọc càng xúc động, tình cảm không thể kiềm chế nỗi. Những câu chuyện đơn sơ, chân thật, những lời thủ thỉ tâm tình giữa ba người con trai trong nhà anh Đao với mẹ; những dòng tâm sự ngoài lề, những kỉ niệm ấm cúng như nắng mai… đã làm trái tim tôi rung lên những nhịp đập đầy thương nhớ, kí ức về mẹ cứ ăm ắp như dòng suối mát lành. Mẹ dạy ta đọc chữ, học toán, rèn ta viết chữ, dắt ta đi giữa trời mưa bằng chiếc áo khóa ngoài dày của mẹ khoác lên người ta còn mẹ lạnh run vì ngấm nước; mẹ thức đêm chăm ốm, đôi mắt thâm quầng chẳng thể giấu giếm đi.
“Mẹ, thơm một cái” cứ như lời khuyên răn nhỏ nhẹ của tác giả qua những câu chuyện đơn giản để thôi thúc tất cả những người đọc sách biết yêu mẹ nhiều hơn, biết quý trọng thứ tình cảm thiêng liêng nhất của một đời người, biết giữ chữ tình – tình mẫu tử cho tròn với tấm lòng khoan dung đầy bao la của mẹ.
Càng đọc chúng ta càng bị lôi cuốn đầu tiên đó chính là câu chuyện tinh nghịch rồi sau đó là những khoảng lặng, nốt trầm khi mẹ bị bệnh. Khi gấp cuốn sách lại chính là “Mẹ thơm một cái, thơm cái nữa rồi lại thơm cái nữa”.
Ba muốn nuôi con bằng sữa mẹ
Làm gà trống nuôi con khi đứa con đầu lòng chỉ hơn 10 ngày tuổi, Trình Tuấn, một người bố trẻ, đã quyết định bù đắp những thiệt thòi cho con bằng cách nuôi con bằng sữa mẹ. Nhưng làm sao có thể thực hiện được điều đó khi mẹ của con anh đã qua đời? Và thế là hành trình xin sữa mẹ cho con ra đời với bao cực khổ, gian nan. Với tình yêu thương của một người cha và niềm tin sắt đá của mình, Trình Tuấn đã làm được và kể lại hành trình ròng rã hơn 2 năm đó của mình qua cuốn tự truyện “Ba muốn nuôi con bằng sữa mẹ” của mình bằng những trang viết gây xúc động và đầy cảm xúc…
Tuy có hơi chút sa đà, lan man khi viết về những tháng ngày được sinh ra và lớn lên nơi vùng quê nghèo Ðô Lương, miền Trung nắng gió từ khi mình chỉ là một cậu bé nghịch ngợm, mày mò khám phá, hoặc những dấu yêu đầu đời với những mối tình vụng dại… câu chuyện chỉ thực sự bắt đầu khi Tuấn lập gia đình rồi vợ chồng có với nhau đứa con đầu lòng nhưng niềm vui chưa trọn thì người mẹ bị tai biến sau sinh dẫn đến tử vong.
Bàng hoàng, hụt hẫng, chới với, nhưng rồi trong khoảng thời gian đó, người cha ấy đã nhận ra được rằng mình không thể chìm đắm quá lâu trong những cảm xúc đó bởi “ba còn nhớ những ánh nhìn đổ dồn vào chiếc khăn trắng trên đầu khi ba đứng trong hàng dài người chờ đến lượt để được nhìn con qua cửa kính phòng NICU vài phút ngắn ngủi. Con nằm ngoan giữa những tiếng khóc của các bạn khác. Con không biết con có linh cảm được điều gì như là biết thân biết phận không, cũng không biết một ngày nào đó sẽ nói với con thế nào, chỉ biết bước vội để cho hàng nước mắt ứa ra. Ba dặn lòng nhất định phải sớm đón con về, phải làm tất cả những gì có thể để bù đắp cho con những ngày thiếu hơi ấm mẹ sắp tới. Và từ đó con thành lẽ sống cho ba, thay mẹ con dạy lại cho ba những bài học về yêu thương”.
Từ trong anh quyết tâm muốn nuôi con bằng sữa mẹ. Thái độ với cuộc sống đầy trách nhiệm, không yếu mềm, không bỏ cuộc, biết tri ân người quen và không quen.
Ba Ơi Mình Đi Đâu
Ba ơi, mình đi đâu? là một câu chuyện ảm đạm và hơn cả nỗi ảm đạm nhưng lại không thấm đẫm nước mắt. Cuốn sách khiến người đọc cảm thấy đau nhói mọi nơi song không vùi sâu trong ủy mị. Bởi đó là cách lựa chọn của Jean-Louis Fournier trong suốt cuộc đời làm cha của mình. Uất hận, than trách cuộc đời, nổi điên lên hay ảm đạm bã… cũng không thể làm khác đi sự hiện diện của hai cậu bé luôn uống thuốc an thần mỗi ngày để yên lặng. Những đứa trẻ mắt nhìn không rõ, tai điếc, chân khoèo, lưng gù, xương yếu. Một đứa chỉ biết nhắc đi nhắc lại một câu hỏi “Ba ơi, mình đi đâu?”. Một đứa suốt ngày nghĩ mình là một động cơ nên cứ kêu “brừm, brừm”… Sống trong thế giới ấy, người cha cần phải làm thế nào?
Ông, Jean-Louis Fournier không giấu giếm những phút quẫn trí mình đã từng nốc rượu rồi phóng xe như điên để mong một tai nạn sẽ ập đến, từng có ý định vứt những đứa con ra ngoài cửa sổ. Ông chưa bao giờ nhận mình là một thiên thần để chịu đựng từng ấy nỗi niềm tan nát. Song người cha ấy không gục ngã. Hay nói đúng hơn hai đứa trẻ tật nguyền thúc giục ông cần phải vượt qua. Đó là cách người cha nhìn vào những thử thách khắc nghiệt bằng một cặp mắt khác. Đó là sự hài hước trong những điều cay đắng. Ông thấy các con mình không phải đi học, không phải nghe giảng, không phải làm bài kiểm tra, không phải chịu phạt. Ông nhìn thấy mình nhờ con được phóng những chiếc xe lớn, tránh được việc nộp phạt, có tiền từ trợ cấp tật nguyền của con, không phải lo lắng về định hướng nghề nghiệp tương lai…
Mẹ điên
Cuốn sách Mẹ Điên – do Trang Hạ dịch là tập hợp những mẩu chuyện ngắn, dài từ văn học mạng được nhiều lượt đọc nhất. Những câu chuyện này đều lấy đi nước mắt của người đọc, gieo vào trong lòng độc giả một nỗi niềm khó tả, những suy nghĩ về quá khứ, hiện tại, tương lai… Cảm nhận được nỗi đau mà các anh hùng trong sách phải gánh chịu, nhẹ nhõm với trái ngọt của hạnh phúc mà họ được hưởng.
Ấn tượng nhất có lẽ là câu chuyện “Người mẹ điên“, một người phụ nữ không bình thường nhưng yêu thương con mình như bao người phụ nữ bình thường khác. Mẹ luôn sẵn sàng làm bất cứ việc gì cho con, chẳng màng gian nan cực khổ, bất chấp nguy hiểm hay phải hi sinh cả mạng sống của mình cho con, vì con chuyện gì mẹ cũng làm dù cho những hành động đó, có thể chỉ xuất phát trong vô thức. Danh dự, hủ tục nơi làng quê và sự nghèo khó có thể ngăn cản, nhưng chẳng thể nào ngăn cản mãi được, bởi dây yêu thương giữa mẹ và con là không thể nào đứt. Thế đấy, tình yêu của mẹ luôn tỉnh táo, một người mẹ điên có thể đi bộ hàng chục cây số, xuyên nắng, xuyên tuyết, xuyên cái rét thấu đến tận xương để mang thức ăn cho con mình suốt 3 năm trời ròng rã. Cho dù kết cục câu chuyện mọi đau đớn đến với mẹ …Mẹ sống mà không một ngày được hưởng sung sướng, chịu đựng mọi sự khổ cực, đến chết cũng vì con nhưng đã làm người con trai nhận ra tình yêu của mẹ dành cho mình trong muộn màng.
Mẹ điên – Cuốn truyện nên đọc qua một lần! Rất nhiều truyện ngắn khác nhau, tất cả đều thật tuyệt vời. Phải nói sao nhỉ? Mỗi truyện một chủ đề, mỗi truyện một giọng kể. Để từ đó con người ta nhận ra rằng trên đời này tình mẫu tử nơi đâu cũng giống nhau. Tình mẫu tử một tình cảm thân thuộc nhất của mỗi chúng ta, nhưng có mấy ai nhận ra điều đó, thứ tình cảm thiêng liêng nhất luôn được đề cao hơn bao giờ hết.
Có thể bạn thích: