Quận Bình Thủy là vùng đất được mệnh danh địa linh – nhân kiệt, nằm bên bờ sông Hậu, là một trong những quận trung tâm của thành phố Cần Thơ. Thay đổi theo xu hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa nên nơi đây đã từng ngày phát triển về kinh tế, văn hóa, xã hội…Tôi xin giới thiệu đến các bạn những di tích lịch sử – văn hóa trên địa bàn quận Bình Thủy.
Căn cứ Vườn Mận
Căn cứ Vườn Mận là di tích lịch sử – văn hóa căn cứ Ban Chỉ huy tổng tấn công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 ở Cần Thơ.
Đến vườn mận không thể quên gia đình ông Lê Văn Tiểu đã dành trọn căn nhà và mảnh vườn của mình cho Ban Chỉ huy tổng tấn công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 ở Cần Thơ và đội biệt động thành phố và các tỉnh lân cận làm căn cứ. Với nhiều hầm bí mật và công sự chiến đấu được xây dựng chắc chắn làm từ thân dừa kết hợp với đất, ván, trấu…tất cả các hầm đều có 2 cửa thoát ra ngoài và được che khuất bởi những cây mận hồng đào. Dọc theo mé vườn là những công sự chiến đấu hình chữ Z, chữ L…Vườn Mận là một trong những căn cứ lõm của lực lượng cách mạng suốt thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước trên tuyến lộ Vòng Cung dày đặc đồn bót giặc, được xem là vành đai đảm bảo nội ô Cần Thơ. Tại đây Ban chỉ huy đã chỉ đạo bất thần tấn công vào cơ quan đầu não của địch tại vùng IV chiến thuật, góp phần to lớn vào thắng lợi chung của cả nước.
Ngày 19/5/2011 công trình di tích lịch sử – văn hóa căn cứ Vườn Mận được khởi công xây dựng gồm nhiều hạng mục: nhà đa chức năng, bia di tích, các hầm bí mật, mô hình nhà mẹ Việt Nam anh hùng Tạ Thị Phi,…Việc đầu tư xây dựng khu di tích nhằm lưu giữ, tôn vinh quá khứ hào hùng trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và là sự tri ân đền ơn đáp nghĩa với những người đã cống hiến, hi sinh với quê hương đất nước.
Địa chỉ: khu vực Bình Thường B, phường Long Tuyền, quận Bình Thủy.
Mộ thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa
Bùi Hữu Nghĩa hiệu Nghi Chi (1807-1872), là người con ưu tú của quận Bình Thủy, Cần Thơ. Năm 1835 ông đỗ Giải Nguyên kỳ thi Hương trường thi Gia Định, ông vang danh khắp Nam kỳ lục tỉnh và thường được gọi là thủ khoa Nghĩa. Ông là một vị quan thanh liêm, cương trực, được nhân dân yêu mến, nổi tiếng qua vụ xử kiện rạch Láng Thé năm 1848. Ngoài ra ông còn là một nhà giáo mẫu mực, người thầy thuốc, nhà thơ, nhà văn, nhà soạn tuồng nổi tiếng của miền Nam vào cuối thế kỉ XIX, được mệnh danh là anh hùng tứ kiệt của Nam Bộ. Các tác phẩm của ông mang giá trị nhân văn sâu sắc về lòng yêu nước, yêu gia đình có vai trò và đóng góp to lớn cho nền văn học nước nhà (“Đồng Nai có bốn rồng vàng – Lộc họa, Lễ phú, Sang đàn, Nghĩa thi”). Ngưỡng mộ tài đức và phẩm chất đáng quý của ông, nhân dân đã lập bài vị tôn thờ ông ở đình Bình Thủy và chùa Nam Nhã.
Khu tưởng niệm thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa được xem là một trong những công trình kiến trúc mang ý nghĩa lịch sử có quy mô lớn của Cần Thơ được khánh thành vào 1/3/2013 nhân lễ giỗ thứ 141 của ông. Cổng chính vào khu tưởng niệm được xây dựng theo kiểu cổng tam quan mái cong, được trạm trổ tinh tế. Bên trong khu tưởng niệm là khuôn viên vườn có diện tích rộng, đầy cây xanh và hồ sen thoáng đãng, mát mẻ, có nhà bia tưởng niệm, nhà thờ, nhà khách, nhà trưng bày và một số công trình khác. Phía sau các công trình trên chính là ngôi mộ của hai vk chồng ông Bùi Hữu Nghĩa, được trùng tu trên nền ngôi mộ cũ được xây bằng đá ong vào năm 1872. Sâu dưới lòng đất khoảng 2m chính là ngôi mộ thật của ông và có lối hầm để đi xuống. Xung quanh mộ có nhiều tấm bia khắc những tác phẩm thơ tiêu biểu của ông. Hàng năm, lễ giỗ của Cụ vào ngày 21 tháng Giêng âm lịch, đông đảo các tầng lớp nhân dân đến dâng hương tưởng nhớ công đức to lớn của Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa.
Địa chỉ: đường Huỳnh Mẫn Đạt, phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy.
Nhà cổ Bình Thủy
Nhà cổ Bình Thủy là di tích kiến trúc nghệ thuật nhà thờ họ Dương được ông Dương Văn Vị xây dựng vào năm 1870 bằng gỗ lợp ngói theo kiến trúc Pháp để thờ cúng tổ tiên. Ngôi nhà hiện tại được xây dựng và trùng tu lại vào năm 1911. Trải qua 2 cuộc chiến tranh đầy khói lửa khốc liệt nhưng nhà thờ họ Dương vẫn tồn tại cho đến hôm nay và là ngôi nhà cổ hiếm hoi còn lại khá nguyên vẹn ở Bình Thủy.
Điểm nổi bật của ngôi nhà là lối kiến trúc độc đáo có sự giao thoa văn hóa Đông – Tây 1 cách hài hòa, chọn lọc nhưng vẫn giữ được hồn của dân tộc, tạo cho ngôi nhà một phong cách riêng, thể hiện lối kiến trúc giao thời giữ hai thế kỉ XIX-XX của tầng lớp cư dân giàu có ở đồng bằng sông Cửu Long nói chung và Cần Thơ nói riêng. Người dân nơi đây thường gọi ngôi nhà với tên gọi khác là vườn Lan Bình Thủy hay nhà cổ vườn Lan bởi hậu duệ đời thứ năm là ông Dương Văn Ngôn có thú chơi hoa kiểng tao nhã, ông đã sưu tầm nhiều giống lan kiểng quý rồi tổ chức các hội chơi lan, giao lưu chia sẻ kinh nghiệm với những người có cùng sở thích chơi hoa này.
Ngôi nhà được chia thành nhiều gian, trước sân là hòn non bộ với tỷ lệ đá nước được sắp xếp có quy luật, bên phải là vườn lan, bên trái có cây xương rồng trụ cao 8m,tuổi khoảng 40 năm và có một gian nhà nhỏ trưng bày các tác phẩm hội họa tự vẽ. Phía sau là vườn cây ăn trái và bên trong nhà được bày trí theo phong cách đặc trưng của Nam bộ nhưng có phần xa hoa bởi những vật dụng Pháp xa xỉ, được trạm khắc tinh tế, tỉ mỉ, đặc biệt toàn bộ khu thờ uy nghiêm với bàn thờ, khánh thờ son thếp vàng, giường thờ, tủ chè, sạp gụ, trường kỷ đều cẩn ốc xà cừ. Nơi đây đã thu hút rất nhiều khách du lịch từ phương xa, đặc biệt là du khách nước ngoài và các đoàn làm phim ghé thăm.
Địa chỉ: số 144, đường Bùi Hữu Nghĩa, phường Bình Thủy, quận Bình Thủy.
Long Quang cổ tự
Di tích nghệ thuật chùa Long Quang được xây dựng vào năm 1825 do nhà sư Võ Văn Quyền lập, thuở đầu chỉ là một cái am nhỏ. Trải qua nhiều lần trùng tu và đổi tên, năm 1966 chùa được xây mới và mang tên Long Quang Cổ Tự cho đến nay. Chùa là cơ sở nuôi chứa và liên lạc của nhiều cán bộ hoạt động nội thành và vùng ven thành phố Cần Thơ, nhiều tăng ni phật tử của chùa cũng trở thành chiến sĩ vệ quốc đoàn và cán bộ Việt Minh của làng Long Tuyền trong hai cuộc kháng chiến đảm bảo độc lập dân tộc.
Cổng tam quan bằng gạch có hai tầng mái ngói với đôi rồng trắng ngẩng cao đầu quay vào bánh xe pháp luân ở phía trên và hai bên cột chính có hai câu liễn đối bằng chữ Hán. Chánh điện được xây theo lối kiến trúc “Thượng lầu Hạ hiên” có 5 cửa ra vào, trung tâm là điện thờ chính, phía trên có treo bức hoành phi bằng gỗ được chạm trổ tinh xảo với bốn chữ Hán “Đại Hùng Bảo Điện”, hai bên cũng có hai câu liễn đối bằng chữ Hán. Bên trong điện có nhiều pho tượng của các vị đức phật và bàn thờ các vị thần linh được sắp xếp uy nghi. Đặc biệt chùa có nhiều pho tượng được làm bằng gỗ quý nguyên khối điêu khắc công phu, sắc sảo vẫn còn được giữ nguyên vẹn đến ngày nay, tiêu biểu là bộ tượng cổ 18 vị La Hán có giá trị cao về nghệ thuật và tôn giáo.
Địa chỉ: 155/6 khu vực Bình Chánh, phường Long Hòa, quận Bình Thủy.
Hội Linh cổ tự
Di tích lịch sử chùa Hội Linh được xây dựng đầu tiên bằng tre lá vào năm 1907, đến năm 1914 xây bằng vật liệu kiên cố và gỗ quý. Năm 1945 chùa thực hiện chủ trương “Tiêu thổ kháng chiến” không cho Pháp đóng đồn bót. Trong thời kỳ Đảng bộ Cần Thơ hoạt động bí mật, nơi đây vừa là Tam Bảo vừa nuôi chứa cán bộ chủ chốt, là nơi tỉnh và thị xã Cần Thơ tổ chức nhiều cuộc họp quan trọng.
Chùa Hội Linh có rất nhiều cây cảnh đẹp, có cổng tam quan, chánh điện, hậu đường, giảng đường,…Dãy tường rào hình cánh cung phủ quanh ngôi chùa, có một cổng chính và hai cổng phụ. Phía sau cổng chính có một ao sen hình bán nguyệt với những cây tràm liễu xung quanh, giữa ao có tượng đài Quan Thế Âm Bồ Tát lộ thiên cao 3m. Cổng phụ bên trái là lối đi chính vào chùa và có các Bảo tháp. Bên phải là khoảng sân rộng, có miếu Ngũ hành, Thổ thần và trồng rất nhiều loại hoa kiểng. Bên trong Chánh điện có rất nhiều tượng Phật được bố trí theo các cấp bật uy nghi cùng ba bức hoành phi khắc bằng chữ Hán, ở giữa là “Hội linh tự”, bên trái là “Tam vô tư địa” và bên phải là “Thưởng thiện phạt ác”. Tiếp nối chánh điện là hậu đường có đặt bàn thờ Tổ quốc và chủ tịch Hồ Chí Minh còn được dùng để tiếp khách, sau đó là giảng đường, nơi giảng kinh và thuyết pháp…Ngôi chùa có nhiều pho tượng cổ bằng chất liệu quý hiếm, trong đó có 17 pho tạc bằng gỗ quý mang giá trị nghệ thuật cao.
Địa chỉ: 314/36 đường CMT8, phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy.
Đặc Ủy Hậu Giang
Đặc ủy Hậu Giang là một tổ chức Đảng ở xứ Nam kỳ trong những năm kháng chiến chống Pháp. Vào tháng 9/1929, đồng chí Châu Văn Liêm đã chủ trì cuộc họp thành lập tổ chức Đặc ủy An Nam Cộng sản Đảng Hậu Giang gồm có đồng chí Ung Văn Khiêm, Ngô Gia Tự, Hà Huy Giáp,… do đồng chí Ung Văn Khiêm làm Bí thư, lãnh đạo phong trào cách mạng và xây dựng các tổ chức Đảng trong toàn miền Hậu Giang.
Cơ quan Đặc ủy nằm trong dãy nhà phố gồm có 6 căn, ngôi nhà lợp ngói âm dương, xây theo kiểu phố trệt cho thuê nên kiến trúc đơn giản không có gì đặc biệt. Năm 1995, Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ cùng với nhân dân phường Bình Thủy đã xây dựng công trình bia tưởng niệm Đặc ủy An Nam Cộng sản Đảng Hậu Giang. Hiện nay tuy kiến trúc không thay đổi gì so với trước kia nhưng căn nhà đã không còn giữ bất kì hiện vật nào.
Địa chỉ: 34/7 đường Bùi Hữu Nghĩa, phường Bình Thủy, quận Bình Thủy.
Long tuyền cổ miếu
Di tích kiến trúc nghệ thuật đình Bình Thủy hay còn gọi là Long Tuyền cổ miếu là ngôi đình cổ kính, độc đáo mang đậm dấu ấn văn hóa truyền thống dân tộc. Tương truyền rằng ngôi đình được xây dựng đầu tiên bằng lá tre vào năm 1844 và được vua Tự Đức phong sắc “Bổn Cảnh Thần Hoàng” vào 1952. Nhân dân vui mừng cho xây cất lại đình ở vàm rạch Bình Thủy và sau đó có trùng tu lại nhiều lần.
Ngôi đình có hai khu: khu đình chính và khu “lục ấp”. Khu đình chính có 5 ngôi nhà, trong đó có hai ngôi nhà vuông là tiền đình và chính điện, khu “lục ấp” gồm nhà hát và một ngôi nhà chuẩn bị đồ cúng lễ. Bên trong đình thờ Bổn Cảnh Thành Hoàng và thờ các vị có công với nước như: Bùi Hữu Nghĩa, Nguyễn Trung Trực, Đinh Công Tráng,…Bên ngoài đình có hai miếu lớn thờ thần Hổ và thần Nông, gần cổng là hai miếu thờ thần Rừng và thần Khai kênh dẫn nước.
Hàng năm có hai kỳ lễ hội lớn diễn ra tại đình đó là lễ Kỳ yên Thượng điền vào các ngày 12,13,14 /4 âm lịch và Hạ điền vào ngày 14/12 âm lịch. Đây là lễ hội cúng Bổn Cảnh Thành Hoàng, cầu an và rước thần thỉnh sắc. Với không khí náo nhiệt, vui tươi ngoài các nghi lễ tế thần, còn có hát bội, các trích đoạn tuồng cổ, trò chơi dân gian, các cuộc thi chưng mâm trái cây nghệ thuật. Hội đình Bình Thủy là một trong những hội đình lớn nhất miền Tây thu hút nhiều người tham gia và đông đảo khách thập phương về dự.
Địa chỉ: đường Lê Hồng Phong, phường Bình Thủy, quận Bình Thủy (dưới dốc cầu Bình Thủy).
Có thể bạn thích: