“Mọt sách” là một cụm từ được nhiều người sử dụng phổ biến để chỉ những người chăm học và hay đọc sách. Vậy nhưng, có nhiều thứ mọi người thường hiểu nhầm, hiểu sai về những người được gọi là “mọt sách”. Hãy cùng TopChuan.com đón xem 10 điều mọi người thường hiểu sai về “mọt sách” nhé.
“Mọt sách” giữ gìn sách hơn cả mạng sống của mình
Giữ gìn sách tất nhiên là một đức tính tốt của “mọt sách”. Có nhiều “mọt sách” giữ gìn sách vô cùng cẩn thận với nhiều quy tắc chặt chẽ, nghiêm ngặt để giữ sách như mới, ví dụ như khi ngừng đọc phải dùng đánh dấu sách (bookmark) thay vì gấp trang hay úp sách xuống, đọc không được giở sách quá 90 độ, không được để gãy gáy, quăn mép, không được để sách bám bụi, hoen ố… Tuy nhiên, nói “mọt sách” giữ gìn sách hơn cả mạng sống mình là không hoàn toàn đúng và chỉ là một cách nói quá lên mà thôi. Bởi lẽ, cũng còn có nhiều “mọt sách” không bảo quản, giữ gìn sách quá khó tính như vậy.
Họ cho rằng thứ quý giá của sách là ở kiến thức bên trong, không phải hình thức bên ngoài. Lại có nhiều “mọt sách” có sở thích đọc và sưu tầm sách cũ, bởi vậy họ sẽ để cho sách càng “cũ” càng tốt. Ngay cả những “mọt sách” có tính giữ gìn, bảo quản sách vô cùng cẩn thận, cũng đôi khi không may họ làm cho cuốn sách của mình hư hỏng. Dù rất tiếc nuối nhưng việc gì xảy ra cũng đã xảy ra rồi, chỉ còn biết chấp nhận mà thôi. Hay cũng có trường hợp “mọt sách” cho bạn bè mượn sách và bạn bè làm hư hỏng, hay thậm chí làm mất cuốn sách họ rất quý hay những cuốn sách hiếm, dù rất tiếc và rất buồn, họ cũng sẽ bỏ qua cho bạn bè bởi đâu thể vì một cuốn sách mà làm mất đi thứ quý giá như tình bạn được, đúng không?
“Mọt sách” là những người suốt ngày chỉ biết học và học
Nhắc đến “mọt sách”, chúng ta thường nghĩ “mọt sách” là những người suốt ngày chỉ biết học và học, những “con nhà người ta” học giỏi trong “truyền thuyết”. Điều này cũng không hoàn toàn đúng, bởi lẽ “mọt sách” đâu có nghĩa chỉ đọc sách giáo khoa và phải học giỏi. “Mọt sách” ám chỉ những người yêu sách và có sở thích, thói quen đọc sách. Sách ở đây bao gồm rất nhiều thể loại, có thể là sách kỹ năng, kinh doanh, tự lực (self-help), có thể là tiểu thuyết, truyện dài, có thể là tản văn, tùy bút, hồi ký, có thể là sách triết học, khoa học, lịch sử, văn hóa… Nếu sử dụng từ “học” theo nghĩa hẹp, nghĩa là học hành ở trường lớp, thì đọc những cuốn sách đa thể loại như bên trên không thể gọi là “học” được. Và bởi vậy, những “mọt sách” không nhất thiết phải học giỏi dù họ có thể có một độ am hiểu nhất định trong những lĩnh vực mà mình quan tâm.
“Mọt sách” toàn là học sinh, sinh viên
Cũng bắt nguồn từ suy nghĩ rằng “mọt sách” là phải học giỏi, đầu to mắt cận nên đa số mọi người cho rằng “mọt sách” toàn là học sinh, sinh viên. Điều này cũng hoàn toàn sai, bởi lẽ “mọt sách” có thể là bất cứ người trong độ tuổi nào đó, từ một cậu bé vừa mới biết đọc chữ đến một cụ già ngoài 70. Như đã nói ở trên, “mọt sách” là những người yêu đọc sách, với đủ thể loại sách khác nhau.
Bởi vậy, những “mọt sách” cũng có thể ở bất cứ độ tuổi nào chứ không riêng gì học sinh, sinh viên. Nghiên cứu chỉ ra rằng, “mọt sách” ở độ tuổi học sinh có xu hướng đọc tiểu thuyết tình cảm, phiêu lưu, kinh dị, khoa học viễn tưởng; “mọt sách” ở độ tuổi sinh viên có xu hướng đọc sách kinh doanh, tự lực (self-help), tiểu thuyết trinh thám, tình cảm… Những “mọt sách” ở độ tuổi trung niên thường đọc những cuốn sách về kinh doanh, chuyên môn, gia đình, sách về doanh nhân, hồi ký… Còn những “mọt sách” đã có tuổi, rơi vào khoảng 60, 70 tuổi thường đọc sách về lịch sử, văn hóa, sức khỏe. Có lẽ suy nghĩ sai lầm rằng “mọt sách” toàn là học sinh, sinh viên sinh ra là bởi cụm từ “mọt sách” thường được chúng ta sử dụng khi còn là học sinh, sinh viên. Điều này là không đúng đâu nhé.
“Mọt sách” là cái gì cũng biết, có thể tính một phép toán vô cùng phức tạp trong nháy mắt
Cũng bởi “mọt sách” là những người đọc nhiều, hiểu rộng, lại thường bị hiểu lầm là những người cần cù, học giỏi, thông minh nên mọi người thường cho rằng “mọt sách” là cái gì cũng biết, có thể tính một phép toán vô cùng phức tạp trong nháy mắt. Điều này là không đúng. Có những “mọt sách” rất thông minh và do đọc nhiều, nhớ nhiều nên kiến thức, tầm hiểu biết rất rộng. Tuy nhiên cũng có những “mọt sách” đọc đơn thuần là để giải trí, hoặc đọc quá nhiều mà quên cũng quá nhiều.
Hơn nữa, kiến thức vô cùng rộng, tựa như một đại dương bao la trong khi kiến thức, tầm hiểu biết của một con người là có giới hạn, tựa như giọt nước giữa đại dương ấy. Arthur Conan Doyle – tác giả của Sherlock Holmes từng trả lời rằng ông không biết Trái Đất quay quanh Mặt Trời (và ông cũng nói rằng mình không cần biết điều đó vì nó không ảnh hưởng đến đời sống và sáng tác của ông). Tương tự như kiến thức, công việc tính toán nằm trong sự phát triển của não trái – vùng não dành cho tính toán, logic, ngôn ngữ, lập trình… Không phải “mọt sách” nào cũng thiên về não trái và giỏi những môn học tự nhiên như toán, lý, hóa. Bởi vậy, bắt những “mọt sách” ấy tính một phép toán đơn giản còn khó chứ đừng nói rằng một phép toán vô cùng phức tạp trong nháy mắt. Có lẽ việc tính một phép toán vô cùng phức tạp trong nháy mắt là khả năng của “con nhà người ta”, của những thần đồng toán học, không phải của “mọt sách”.
“Mọt sách” chỉ kết bạn với những “mọt sách” khác
Đúng là những người có cùng sở thích thường chơi chung với nhau, và với việc phát triển của mạng xã hội và internet như bây giờ, có nhiều hội nhóm, cộng đồng, diễn đàn của những người có sở thích khác nhau như game, thể thao, vẽ vời, đánh đàn… đã được thành lập và thu hút nhiều người tham gia. “Mọt sách” cũng vậy, cũng thường tham gia và kết bạn với những người cùng chung sở thích nhưng “mọt sách” chỉ kết bạn với những “mọt sách” khác là điều không đúng.
Bởi lẽ dù rằng bạn bè là có thể chọn lựa, nhưng tình bạn là một thứ tình cảm hồn nhiên, trong sáng, không vụ lợi. Đặc biệt, những người đọc sách lại càng hiểu và trân trọng điều này hơn. Những “mọt sách” đâu thể không chơi với đứa bạn chơi cùng 12 năm từ nhỏ chỉ vì đứa bạn đó không có thói quen đọc sách. Thực tế rằng việc kết bạn mới cũng ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, không chỉ cùng chung sở thích không thôi. Một tình bạn mới có thể nảy sinh khi hai người đi cùng trên chuyến tàu, học cùng một lớp đại học, làm cùng một cơ quan, hay “khó tính” hơn là nảy sinh khi hai người cùng nhau vượt qua khó khăn trong chuyện gì đó (công việc, cuộc đua, chiến tranh…). Một “mọt sách” khi ra chiến trường đâu thể không kết bạn với những đồng đội vào sinh ra tử, chia sẻ từ bát cơm đến miếng lương khô với nhau, ở bên nhau trong cơn đau ốm, bị thương…chỉ bởi vì người đồng đội đó không thích đọc sách? Bởi vậy, suy nghĩ “mọt sách” chỉ kết bạn với những “mọt sách” khác là hết sức sai lầm.
“Mọt sách” là phải đầu to mắt cận
Từ trước đến nay, mọi người vẫn thường hình dung “mọt sách” là phải đầu to, mắt cận. Nghĩa là phải nhìn sao cho hiền hiền, học thức và đặc biệt là phải đeo một cái kính dày bằng đít chai. Dĩ nhiên, theo suy luận chung là đọc nhiều sách thì mắt sẽ cận, điều này đúng với số đông chứ không đúng với tất cả mọi người. Bởi lẽ “đầu to, mắt cận” thuộc về diện mạo, và diện mạo của mỗi người là khác nhau. Có người có khuôn mặt phúc hậu, có người lại có khuôn mặt dạn dày sương gió… Và đặc biệt, không phải những ai đọc nhiều sách thì mắt đều cận. Bởi lẽ cận thị là một tật khúc xạ của mắt, nguyên nhân do đọc sách, làm việc với laptop không đúng cách… Có rất nhiều “mọt sách” giữ gìn tốt đôi mắt của mình, nên vẫn không phải đeo kính. Bởi vậy, “mọt sách” là phải đầu to mắt cận là một suy nghĩ hoàn toàn sai lầm.
“Mọt sách” là những đứa hướng nội, ít nói
Nhìn chung thì đa số “mọt sách” là những đứa hướng nội, ít nói, nhưng đó không phải là tất cả. Theo tâm lý học, những người hướng nội (introvert) là những người có xu hướng “nạp năng lượng” bằng những hoạt động nội tâm, khi ở một mình như suy nghĩ, đọc sách, viết, âm nhạc, mày mò, chơi game… Chính vì những lẽ đó, đa số những người hướng nội đều thích đọc sách và ngược lại, đa số những “mọt sách” đều hướng nội. Tuy nhiên, cũng có những người hướng ngoại (extrovert) thích đọc sách.
Dù có xu hướng “nạp năng lượng” thông qua những hoạt động ngoài trời, xã hội, cộng đồng như giao lưu, giao tiếp, tiệc tùng, thể thao… thì họ cũng có thể có thói quen và sở thích đọc sách. Khác với những người hướng nội, đọc sách là sở thích, đa số những người hướng ngoại thực dụng hơn, họ đọc sách với một mục đích nào đó, ví dụ như tìm hiểu một người nổi tiếng, đọc một cuốn sách nổi tiếng đang được truyền thông nhắc đến, đọc để có được kiến thức, hiểu biết cho công việc, lĩnh vực mình quan tâm… Những người hướng ngoại có thể không thích nằm ở nhà đọc sách như những người hướng nội nhưng điều đó không có nghĩa họ dành ít thời gian cho việc đọc sách hơn những người hướng nội. Họ thường đọc sách tại những quán cafe, trên nhà ga hoặc xe bus, tàu điện, khi đi máy bay, khi đi du lịch, picnic hoặc khi tham gia các hoạt động ngoại khóa. Với đặc điểm tính cách thích giao lưu, giao tiếp, những “mọt sách” hướng ngoại chắc chắn sẽ không ít nói mà ngược lại, không ngừng kể, chia sẻ, thuyết giảng về những gì học đọc được.
Có thể bạn thích: