Mỗi một câu tục ngữ, ca dao, thành ngữ… đều ần chứa một lời dạy, một bài học về lối sống mà ông cha ta truyền lại cho con cháu. Để đề cập tới tầm quan trọng của giao tiếp ứng xử trong cuộc sống, ông cha ta đã sáng tạo nên câu tục ngữ “Lời nói gói vàng” thông qua đó nhắc nhở chúng ta về giá trị của lời nói. Mời các bạn tham khảo một số bài văn giải thích câu tục ngữ trên hay nhất mà TopChuan.com đã tổng hợp trong bài viết dưới đây.
Bài văn giải thích câu tục ngữ “Lời nói gói vàng” số 1
Trong xã hội loài người chúng ta, lời nói không chỉ đơn thuần là phương tiện để giao tiếp, trao đổi và truyền đạt lại thông tin cho nhau, mà hơn thế lời nói còn có ý nghĩa rất quan trọng đối với cuộc sống mỗi người. Câu tục ngữ “Lời nói gói vàng” mà ông cha ta từ xa xưa đã đúc kết ra nhằm mục đích nhắc nhở chúng ta về giá trị của lời nói, để ta biết trân quý lời nói, sử dụng lời nói sao cho hợp lý, hiệu quả, phát huy được hết giá trị ý nghĩa của lời nói.
Trong câu tục ngữ, có hai thứ được nhắc đến đó chính là “lời nói” và “vàng”. Lời nói chính là lời ăn tiếng nói hàng ngày của chúng ta, là phương tiện giao tiếp bằng ngôn ngữ nhằm thực hiện một mục đích giao tiếp nào đó, ngoài giá trị về mặt ngữ nghĩa lời nói còn mang trong mình thái độ, cảm xúc và hàm ý của người nói. Vàng là một thứ vật chất quý giá, đắt đỏ được nâng niu và gìn giữ, trân trọng, một chút vàng cũng có giá trị rất lớn. Việc so sánh lời nói như gói vàng nhằm khẳng định lời nói có giá trị quý như vàng, hơn giá trị của rất nhiều vàng, bởi vậy cần coi trọng và giữ gìn lời nói như một vật quý giá, sử dụng hợp lý và hiệu quả.
Vậy tại sao ông cha ta lại ví lời nói quý như vàng, lời nói có thực sự mang lại giá trị quý giá đến mức ấy hay không? Lời nói là ngôn ngữ riêng của mỗi người, mỗi người có vốn lời nói của riêng mình và việc sử dụng chúng cũng hoàn toàn mang tính cá nhân, không ai có thể nói thay lời của bạn. Lời nói sẽ phản ánh trình độ văn hóa, đạo đức và phẩm chất bên trong mỗi người, qua cách ăn nói người ta có thể đánh giá về con người bạn. Nếu không giao tiếp, không sử dụng lời nói của mình để khẳng định mình thì dù có dùng tiền hay vàng cũng không thể mua được những đánh giá của người khác dành cho mình, không thể khẳng định bản thân trước mọi người. Đôi khi lời nói giúp ta phân minh rạch ròi đúng sai, trả lại sự công bằng cho chính mình và lấy lại lòng tin từ mọi người, nếu không có lời nói ta đành phải chịu oan uổng, như vậy chẳng phải lời nói quý hơn vàng hay sao.
Lời nói được sử dụng đúng hoàn cảnh và phù hợp mục đích giao tiếp còn mang lại nhiều giá trị hơn thế, một lời động viên an ủi kịp thời có thể xoa dịu nỗi đau của người khác, tiếp thêm sức mạnh cho người ấy đứng dậy và bước tiếp. Một lời khuyên răn, ngăn cản hợp tình hợp lý có thể kéo người đi sai đường trở về đúng đường, tránh những bước đi sai lầm dẫn đến những hậu quả đáng tiếc. Quả thực, những lời nói như thế còn quý hơn ngàn vàng, có nhiều tiền nhưng không có người động viên an ủi rồi người thất bại cũng suy sụp tinh thần mà gục ngã, hay có nhiều tiền nhưng đi vào con đường sai trái thì sớm muộn cũng trở thành người tội lỗi. Trong những trường hợp ấy, tiền hay vàng bạc không giúp được chúng ta, chỉ có lời nói của con người dành cho nhau mới có sức mạnh cảm hóa ấy. Bởi thực sự, lời nói vừa là phương tiện giao tiếp vừa gắn kết mọi người lại với nhau, những lời nói tốt đẹp gây dựng nên những mối quan hệ tốt đẹp, nhiều người đến với nhau, trở thành tri kỉ hay bạn bè chí cốt chỉ vì hợp và hiểu nhau, mà để có thể biết mình hợp và hiểu người khác thì phải có lời nói bày tỏ quan điểm, cảm xúc và tâm tư tình cảm của mình cho người khác thấy.
Lời nói giúp con người chia sẻ mọi thứ với nhau, đồng cảm và thấu hiểu nhau, mang đến cho ta một người bạn tri kỉ gắn bó với mình còn quý giá hơn có trong tay nhiều vàng bạc mà không có lấy một người bầu bạn tâm sự. Tiêu biểu có những lời nói đã trở thành câu nói bất hủ, đi vào lịch sử và giá trị tồn tại theo năm tháng, giống như lời Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”, bản tuyên ngôn đã mở ra một kỉ nguyên mới cho đất nước, kỉ nguyên độc lập tự do và thống nhất mà chúng ta đang được hưởng.
Lời nói của Bác đã thức tỉnh hàng triệu đồng bào cùng đoàn kết đấu tranh, lời nói ấy còn vang lên ở những nơi xa xôi đấu tranh với những luận điệu xảo trá của kẻ thù, và cũng lời nói của Bác đã khích lệ động viên nhân dân lao động chiến đấu. Có thể nói, lời nói của Bác đã cứu vớt hàng triệu con người Việt Nam rơi vào cảnh nô lệ, mất nước, lời nói của Bác quý giá là vậy, làm sao có vàng bạc châu báu nào có thể so sánh được.
“Lời nói gói vàng” là câu tục ngữ mà công cha ta dùng cách gần gũi nhất khẳng định giá trị của lời nói, nói theo khách quan giá trị của lời nói khó có thể cân đo đong đếm một cách chính xác được. Tuy nhiên, muốn lời nói có giá trị không khó bởi chính chúng ta sẽ là người quyết định giá trị lời nói của mình, hãy sử dụng lời nói một cách có văn hóa, văn minh lịch sự và hơn hết là sử dụng hợp lý, hiệu quả, bởi “Lời nói chẳng mất tiền mua/ Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”.
Bài văn giải thích câu tục ngữ “Lời nói gói vàng” số 8
Một trong những phương tiện giao tiếp vô cùng quan trọng trong đời sống đó chính là lời nói. Ông cha ta đã có câu “Lời nói gói vàng”, như một sự khẳng định về giá trị của lời ăn tiếng nói đối với mỗi người.
Ở đây, “lời nói” có thể hiểu là sự thể hiện, biểu hiện suy nghĩ, tình cảm, thái độ thông qua hình thức ngôn từ. Còn “vàng” là một vật chất vô cùng có giá trị và quý giá. Khi so sánh “lời nói” với “gói vàng”, ông cha ta đã đề cao vai trò, nâng cao giá trị của lời nói trong cuộc sống của mỗi người. Tại sao lại vậy? Trước tiên, rõ ràng có thể thấy, lời nói giữ một vai trò rất quan trọng trong đời sống sinh hoạt hàng ngày của chúng ta. Khi bạn giao tiếp với người khác, bạn cần lời nói; khi bạn làm việc hay học tập, bạn cũng cần lời nói.
Lời nói là cách thức để con người ta gần gũi nhau hơn qua những câu chào hỏi xã giao hàng ngày, để con người ta tự tin vào bản thân mình . Nó là phương tiện để thể hiện những suy nghĩ, tâm tư, cảm xúc của chính bản thân bạn và đôi khi nó cũng phản ánh được con người bạn. Chính vì thế, phong cách lời nói của mỗi người sẽ là không giống nhau tùy vào nhiều yếu tố như tuổi tác, vai vế , địa vị, và hoàn cảnh khác nhau .
Chẳng hạn như người bé tuổi sẽ phải sử dụng ngôn từ, cách nói kính trọng, lễ phép với người bề trên, người có địa vị càng cao thì lời nói sẽ càng có sức nặng, khi ta vui vẻ, lời nói cũng theo đó mà tràn đầy niềm vui, ngược lại khi ta buồn bã, lời nói cũng sẽ theo đó mà phản ánh tâm trạng của . Từ việc hiểu được giá trị của lời nói, mỗi người cần ý thức được việc sử dụng lời ăn tiếng nói một cách hiệu quả và đúng đắn.
Các cụ đã có câu “Lời nói chẳng mất tiền mua/ Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Đôi khi, con người ta không để ý đến lời nói của mình, vô tư vô lo dẫn đến làm tổn thương người khác. Đối với người này lời nói này sẽ có ý nghĩa như vậy nhưng với người kia lại có ý nghĩa khác. Có lúc một câu đùa cợt vô cớ, một câu lỡ lời cũng có thể khiến người đối diện hiểu lầm.
Vậy nên, ai cũng cần phải suy nghĩ thật kĩ lưỡng trước khi chuẩn bị nói một điều gì đó, và thay vì nói những lời lẽ cay nghiệt, miệt thị người khác, hãy thử nói những lời hay , ý đẹp nhiều hơn để cuộc sống trở nên vui vẻ và giản đơn hơn. Sử dụng lời nói đúng lúc, đúng chỗ, đừng tự tiện xen ngang cuộc trò chuyện của người khác, tránh ăn nói suồng sã, sử dụng từ ngữ đúng đắn, tôn trọng người đối diện. Vì lời nói chính là một cách khác để thể hiện con người bạn.
Những lời hay ý đẹp sẽ để lại ấn tượng tốt trong mắt người khác. Dù là “gói vàng” nhưng vàng cũng có thể làm đẹp, có thể có nhiều công dụng khác nếu như ta biết tận dụng và giữ gìn nó mỗi ngày. Cũng như lời nói sẽ nở hoa nơi ngôn từ chỉ khi hạt mầm ấy được gieo giắt trong tâm hồn bạn.
Lời nói là vàng bạc còn ngôn từ là tinh hoa, câu tục ngữ của ông cha ta thật đúng đắn làm.
Bài văn giải thích câu tục ngữ “Lời nói gói vàng” số 10
Dân gian ta từ xưa có câu Lời nói gói vàng nhằm khuyên răn con cháu hiểu về giá trị và ý nghĩa của lời ăn tiếng nói trong cuộc sống con người. Là một câu tục ngữ dân gian nhưng đến nay nó vẫn còn nguyên giá trị, là bài học đạo đức hết sức đáng trân quý, đáng nên học tập theo.
Lời nói gói vàng mang hàm nghĩa thể hiện giá trị của lời nói trong sinh hoạt, giao tiếp, rộng ra là trong cuộc sống của con người. Lời hay, ý đẹp có thể tạo nên những giá trị lớn, đem lại giá trị thiết thực trong cuộc sống con người.
Lời nói là phương tiện giao tiếp giữa con người với con người giúp cho mọi người có thể biết về nhau, trao đổi thông tin của nhau, hiểu nhau hơn, giao tiếp với nhau để sinh hoạt, làm việc và cùng nhau phát triển. Nhờ lời nói và ngôn ngữ nói mà con người có thể bộc lộ cảm xúc, tư tưởng, tình cảm của mình. Lời nói, lời ăn tiếng nói và giao tiếp là một trong những quyền cơ bản của con người “quyền tự do ngôn luận” nhưng không vì thế mà con người dùng cái quyền đó một cách bừa bãi, không có tổ chức.
Lời nói không mất tiền mua là do cái quyền tự do ngôn luận của mỗi người, lời nói là một cách thể hiện tự do nhân quyền cho mỗi người. Nhưng con người ta sống trên đời, trong giao tiếp ứng xử, rất cần biết cư xử đúng mực. Để có môi trường giao tiếp hòa hảo, trước khi nói ra một vấn đề gì, nhất là nó lại có ảnh hưởng trực tiếp đến người khác, đến quyền lợi của người khác thì cần nên suy nghĩ thật thấu đáo trước khi quyết định nói ra.
Biết và hiểu về vấn đề đàm thoại, giao tiếp trong xã hội cũng là một phương điện để đánh giá trình độ văn hóa, thể hiện phẩm chất con người. Dù trong hoàn cảnh nào, dù có cảm thấy nóng giận hay ức chế đến đâu cũng nên bình tĩnh, từ lời nói đến hành động cũng nên giữ chuẩn mực xử sự, không sử dụng nhưng từ ngữ thô tục, hách dịch và cần luôn có thái độ chân thành với người cùng mình đối thoại.
Lời ăn tiếng nói là một trong những yếu tố làm nên các mối quan hệ xã hội. Và cũng tùy từng ngữ cảnh, ngôn ngữ giáo tiếp được thể hiện ra như thế nào có thể làm tăng hoặc giảm sự thân thiện và tốt đẹp của mối quan hệ đó. Nhất là trong kinh doanh và mở rộng hơn là lĩnh vực ngoại giao trong mỗi quốc gia thì lời ăn tiếng nói, phần giao tiếp đàm phán chiếm một vị trí rất quan trọng, có thể quyết định sự thành bại của phiên giao dịch.
Cần phải có thái độ hiểu sâu sắc và nghiêm túc vấn đề này để có ý thức rèn luyện lời ăn tiếng nói cho lịch sự, văn minh, tránh những cách nói thô tục, bất kính, không tôn trọng người khác. Tùy từng mối quan hệ xã hội, trong công việc, trong cuộc sống với những người thân, bạn bè mà có cách giao tiếp phù hợp. Biết nói lời hay ý đẹp, mối quan hệ xã hội của bạn sẽ tốt đẹp hơn và ngược lại, nếu chúng ta có những lời nói thiếu tôn trọng người khác, thô lỗ, cục cằn thì sẽ không bao giờ chiếm được cảm tình của người khác, dễ gây ra hiểu lầm, mất hòa khí, công việc và cuộc sống của bạn sẽ không được thuận lợi như mong muốn.
Tuy nhiên, một điều cốt cán cần phải được thấu hiểu hơn nữa, đó là trong giao tiếp cũng cần nhất sự chân thành, con người với con người từ lời nói đến hành động nên dành cho nhau sự chân thành. Đó cũng là cách thể hiện sự tôn trọng với đối phương.
Lời nói gói vàng – câu tục ngữ tuy ngắn gọn súc tích nhưng mang hàm nghĩa sâu sắc vô cùng. Thông qua lời nói, con người ta có thể khiến cho cuộc sống của bản thân tốt hơn nhưng cũng có thể là ngược lại.
Bài văn giải thích câu tục ngữ “Lời nói gói vàng” số 4
Sở dĩ con người khác với con vật ở chỗ con người biết sử dụng lời nói làm phương tiện giao tiếp với người khác, bộc lộ suy nghĩ, cảm xúc của mình. Đó là những ý nghĩa khái quát chung của câu nói: Lời nói gói vàng hay Lời nói chẳng mất tiền mua, Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau muốn gửi gắm cho ta. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu ý nghĩa thực tiễn của hai câu nói trên trong cuộc sống. Để hiểu hai câu nói trên, ta phải hiểu được những từ ngữ mà nó chứa đựng.
Thế lời nói là gì? Lời nói là một phương tiện giao tiếp bằng ngôn ngữ, một công cụ của loài người giúp cho ta có thể giao tiếp, bộc lộ cảm xúc, suy nghĩ, trao đổi kinh nghiệm, thông tin…Mỗi người chúng ta có thể nói ra điều mình muốn, không cần một yếu tố nào tác động, vì thế lời nói chẳng mất tiền mua. Nếu lời nói đã chẳng mất tiền mua thì ta nên lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau. Lựa lời là chọn lọc những từ ngữ diễn đạt thích hợp với vai vế của từng người, từng hoàn cảnh, từng sắc thái hoàn cảnh khác nhau. Chẳng những thế, ở câu nói: Lời nói gói vàng, lời nói được ví như vàng, một vật có giá trị về vật chất, được nâng niu, gìn giữ, nghĩa là lời nói cũng quý giá như thế, cũng cần có sự cẩn thận trong khi sử dụng nó. Như vậy, hai câu nói trên muốn khẳng định nếu biết chỉnh chu lời nói thì ta sẽ được mọi người tôn trọng, yêu mến, xây dựng được các mối quan hệ xã hội lành mạnh, tốt đẹp và đạt được tình cảm, mục đích giao tiếp khi nói, không làm tổn thương người khác, gắn kết tâm hồn con người lại với nhau, viết nên những cảm xúc, ấn tượng đẹp trong giao tiếp.
Sở dĩ ta phải ăn nói thật cẩn thận như thế là vì lời nói vừa có thể xây dựng các mối quan hệ xã hội và cũng có thể hủy hoại nó. Nhất là trong kinh doanh hay ngoại giao, lời nói còn quyết định sự thành bại của cuộc đời ta và có thể là của cả một quốc gia. Ngoài ra, về giá trị tinh thần, lời nói thể hiện tác phong đạo đức lẫn trình độ văn hóa của từng người. Nếu ta biết lựa chọn đúng những từ ngữ khéo léo, phù hợp với hoàn cảnh thì sẽ thu được sự đồng tình, tình cảm, sự tôn trọng của đối tượng giao tiếp. Ngược lại, nếu ta ăn nói quá thô lỗ thì có thể gây mất lòng người khác hay gây ra những hiểu lầm khiến cho quan hệ giữa người với người trở nên căng thẳng hay xảy ra thù hận, căm ghét, hậu quả tai hại khó lường!
Tuy thế, trong cuộc sống, có những lời nói có thể làm lắng đọng lòng người, tạo cảm xúc đẹp trong khi giao tiếp, xóa tan khoảng cách giữa hai con người xa lạ với nhau. Giống như ở Quảng trường Ba Đình ngày 02 tháng 09 năm 1945, Bác Hồ đã nói “Tôi nói đồng bào có nghe rõ không?” đã làm mọi người xúc động về ngôn từ gần gũi của vị lãnh tụ. Cùng với đó, âm nhạc là một nghệ thuật, sự thăng hoa tuyệt vời từ lời nói, nó tạo cho ta cảm giác tươi đẹp, lâng lâng theo từng nốt nhạc. Và ngược lại, chỉ vì những xích mích trong lời nói mà có thể dẫn tới chiến tranh, lòng thù ghét giữa con người với nhau hay những vụ ẩu đả giữa những đấng trí thức có học.
Mặt khác, ở đời có những lời nói khó nghe, làm mất lòng ta của những người thẳng tính nhưng họ chỉ có ý tốt là muốn ta sửa sai, thấy được lỗi lầm của mình, điều đó chân thành và đáng quý biết bao, đó là những lời thật mất lòng. Tuy thế, có những lời ngọt ngào, êm tai, rất được lòng ta, nhưng đó là những lời dối trá, xu nịnh, không hề tạo cho ta một điều tốt nào cả, đấy là những lời ngọt chết ruồi của những kẻ xảo quyệt, gian ngoa. Thế nên, trong lời nói cần có sự chân thành, không vị kỷ, không vụ lợi thì mới đạt được thành công trong giao tiếp.
Giả sử nếu thế giới không có lời nói, lại càng không có âm nhạc thì đời sống tinh thần của con người sẽ rất nghèo nàn, thế giới sẽ như chìm vào băng giá của sự lạnh lùng, sòng phẳng và khô khốc trong buồn tẻ. Vì thế, mỗi ngày được sống, ta hãy biết chọn những lời hay ý đẹp mà nói, phù hợp với những đạo lý làm người, hướng tới ý nghĩa cao đẹp của lời nói để làm phong phú thêm nét đẹp văn hóa của nhân loại.
Để đạt được những tình cảm trong lời ăn tiếng nói, ta cần phải biết kiềm chế những cảm xúc tiêu cực như nóng nảy, giận dữ, quát mắng, nhất là với những người thân yêu đối với ta. Và một điều rất quan trọng nữa là ta nên suy nghĩ thật cẩn thận trước khi nói ra điều mình nghĩ, xem điều đó có phù hợp với sắc thái hoàn cảnh lúc ấy hay không để tránh làm tổn thương người khác, điều đó có nghĩa là Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”.
Cần tránh lối nói thô kệch, cộc lốc, hớ hênh, vô phép bởi những điều đó tạo ra định kiến xấu về phẩm chất của ta. Cũng không nên dùng những từ ngữ quá bóng bẩy, kiêu kỳ bởi mục đích giao tiếp không phải là sự nể nang mà là sự đồng tình quan điểm, tình cảm của đối tượng giao tiếp. Như thế, ta cần phải luyện cho mình một kỹ năng nói đúng cách, giản dị, sáng suốt, bình tĩnh và phù hợp với những đạo đức xã hội. Điều này, ta nên học tập ở Chủ tịch Hồ Chí Minh, một người có tác phong sống giản dị trong lời nói, bài viết, đời sống thường ngày và đời sống chính trị. Và trên hết, cần tránh lối nói chen vào ngôn ngữ khác trong khi giao tiếp bằng tiếng Việt, đây là lối sống không tốt đang được giới trẻ phổ biến. Vì thế, nếu biết lựa lời mà nói thì ta sẽ giành được tình cảm của mọi người, khẳng định được giá trị của bản thân. Đồng thời, nói năng bằng tiếng Việt thuần túy cũng là cách giữ gìn những nét đẹp của ngôn ngữ dân tộc.
Nét đẹp ngôn ngữ của dân tộc Việt Nam là ở dân ca, ca dao, tục ngữ, thành ngữ. Trong câu nói: Lời nói gói vàng hay Lời nói chẳng mất tiền mua, Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau, dân gian muốn khuyên ta rằng: lời nói có giá trị quyết định phẩm chất, đạo đức của con người ta và nhờ thế ta có được những mối quan hệ xã hội lành mạnh, tốt đẹp.
Bài văn giải thích câu tục ngữ “Lời nói gói vàng” số 3
Hằng ngày, trong giao tiếp, ứng xử, ta phải lựa chọn lời nói, cách diễn đạt sao cho vừa đảm bảo mối quan hệ đoàn kết, thân ái vừa đạt được hiệu quả giao tiếp. Điều này được nhân dân ta từ xưa luôn nhắc nhở nhau: “Lời nói gói vàng” và “Lời nói không mất tiền mua, Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Hai câu trên thể hiện quan niệm của dân gian về giá trị và ý nghĩa của lời nói trong cuộc sống.
Câu đầu là một phép ẩn dụ: lời nói được ngầm so sánh với gói vàng. Điều này đủ cho thấy lời nói, cụ thể là Tiếng Việt, là một thứ của quý lâu đời của nhân dân ta (Bác Hồ). Câu hai mộc mạc đơn sơ nhưng bóng bẩy không kém câu đầu. Lời khuyên của dân gian ở đây thật nhẹ nhàng mà sâu sắc biết bao. Tuy quý giá, nhưng “lời nói không mất tiền mua”. Ai cũng có thể nói ra những điều mình nghĩ đâu cần phải có tiền bạc hay có “gói vàng” mới nói được. Có điều biết “lựa lời” biết chọn từ ngữ, câu chữ để diễn đạt những suy nghĩ và cảm xúc của mình cần nói ra thì sẽ khiến người đối thoại được vui lòng “cho vừa lòng nhau” là như vậy. Và cuộc giao tiếp nhờ đó có hiệu quả tốt đẹp.
Trong giao tiếp hằng ngày, chúng ta phải lựa lời mà nói. Vì sao? Bởi vì tuy không phải tốn kém không mất tiền mua, nhưng giá trị của lời nói thật to lớn. Lời nói phản ánh trình độ văn hóa, là thước đo phẩm chất của mỗi người. Vì thế ta phải tự rèn luyện cho mình cách ăn nói lịch sự thể hiện lối sống văn minh, văn hóa.
Thế nào là cách nói văn minh lịch sự? Cách ăn nói văn minh lịch sử được biểu hiện ở nhiều mặt từ cách sử dụng từ ngữ, giọng điệu, dáng vẻ, nội dung vấn đề. Dù hoàn cảnh thế nào ta cũng phải nói năng đúng mực: không sử dụng những từ ngữ thô tục, không có thái độ cáu gắt, hỗn láo, hách dịch và phải luôn tỏ ra tôn trọng người đối thoại.
Tuy nhiên, không phải chỉ vì “để vừa lòng nhau” mà ta không chân thành, thẳng thắn nói thật lời phê bình những sai lầm khuyết điểm của bạn bè, đồng chí. Bởi vì như thế là ta xuề xòa, chín bỏ làm mười, thủ tiêu đấu tranh. Có điều trong những trường hợp này, ta lại càng hơn lúc nào hết phải “lựa lời”, lựa lúc tạo được sự đồng tình nơi người nghe. Chọn được những lời nói thích hợp như thế chính là ta đã làm tốt việc lựa lời theo đúng lời dạy của người xưa. Cùng mang ý nghĩa tương tự còn có những câu tục ngữ ca dao khác: Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói; Học ăn, học nói, học gói, học mở; Chim khôn kêu tiếng rảnh rang – Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe.
Những câu ca dao trên rất hay, như một danh ngôn, một lời khuyên quý giá, một kinh nghiệm đặc sắc về nói năng. Hiểu được điều này, chúng ta phải có ý thức rèn luyện lời ăn tiếng nói ngay từ lúc còn nhỏ. Phải học cách ăn nói lịch sự văn minh, tránh cách ăn nói thô tục để làm vừa lòng bạn bè, ông bà, cha mẹ thầy cô và cả những người xung quanh mình.
Bài văn giải thích câu tục ngữ “Lời nói gói vàng” số 5
Tạo hóa luôn là điều kỳ diệu. Tạo hóa ban cho ta trái tim để biết yêu thương, bàn tay để nâng niu những gì đáng quý, đôi mắt nhìn đời thấu suốt và một trí não tỉnh táo. Và tạo hóa còn ban cho chúng ta phương thức để truyền đạt những tâm tư, tình cảm, gắn kết con người với con người thông qua lời nói. Lời nói tưởng chừng như vô hại, nhưng nếu không dùng đúng cách nó có thể tạo ra sức sát thương rất lớn trong lòng chúng ta. Vì thế mà tục ngữ có câu “Lời nói gói vàng”.
Vậy, có thể hiểu câu tục ngữ này như thế nào? “Lời nói” là thanh âm truyền qua miệng, là cách thức để bộc lộ suy nghĩ, cảm giác cho người đối diện nghe. Còn “gói vàng” là biểu trưng cho những vật quý báu, giá trị cao về vật chất trong đời sống con người. Người xưa quả thật rất tinh tế khi so sánh một thứ vô hình với một vật hữu hình để làm sang tỏ ý nghĩa của câu tục ngữ. Lời nói tuy chỉ là âm thanh nhưng nó giống như gói vàng, mỗi lời nói ra đều cần chuẩn xác và ý nghĩa, đáng giá. Không thể nào nói năng bừa bãi làm mất đi giá trị của lời nói.
Lời nói có giá trị như vậy cũng bởi lời nói có thể làm nên nhân cách của một người. Nếu như một người thường xuyên nói dối, nói sai sự thật, vu khống, đặt điều, ắt hẳn chẳng có một ai tin tưởng hay coi trọng người đó. Những người khi đã nói ra lời một là một, hai là hai, luôn giữ đúng lời hứa đương nhiên vị thế của họ trong lòng người khác sẽ được đề cao hơn. Lời nói cũng thể hiện sự văn minh của một người hay là người đó thô bỉ, vô duyên đều có thể hiện ra qua lời nói. “Lời nói gói vàng”, quả thực không sai. Nếu chúng ta không hiểu rõ được giá trị của lời nói mà nói bậy bạ, không suy nghĩ không chỉ khiến cho người khác đánh giá xấu về bản thân mà còn đánh mất cả giá trị cho lời nói sau đấy của chúng ta.
Từ khi sinh ra, chúng ta đã được học nói. Nhưng chúng ta lại cần cả một đời để học nói cái gì nên và không nên. Lời nói rất quan trọng trong cuộc sống, yêu, ghét, giận, hờn gì đều thông qua nó mà biểu đạt. Bạn bè với nhau, khi chúng ta nói lời thật lòng, ắt sẽ nhận được sự hồi đáp chân thành của người đối diện. Trong gia đình, những lời yêu thương cũng luôn là điều cần thiết để bày tỏ sự hiếu thuận, hòa hợp, lòng yêu thương với người thân trong gia đình. Ngoài xã hội cũng vậy, lời nói sẽ giúp chúng ta nắm bắt được những điều mình đang làm, nên học hỏi điều gì, ở đâu. Có những người chỉ cần dùng lời nói có thể có một mối quan hệ tốt, một công việc tốt, người bạn đời tốt. Lời nói có thể nói bất cứ đâu, bất cứ khi nào nhưng giá trị mà nó đem lại có hiệu quả hay không là điều mà câu tục ngữ hướng đến. Nói lời giá trị, không chỉ thể hiện trình độ học vấn của một người, mà còn là đạo đức của người đó rèn luyện đến đâu. Những người nói chuyện thô lỗ cộc cằn, dễ xảy đến những sự mất lòng, thậm chí ẩu đả, gây ra những tai nạn thương tâm. Trong cuộc sống rất nhiều trường hợp vì lời nói không suy nghĩ mà xảy ra những chuyện đáng tiếc.
Thế kỷ XXI, thời kỳ đỉnh cao tri thức, lời nói trở thành một vật báu giúp con người tiến đến đỉnh cao thành công và danh vọng. Một chính trị gia muốn trở thành tổng thống, phải có được lòng tin của người dân qua những bài diễn thuyết. Muốn có một bản hợp đồng thành công, lời nói phải có trọng lượng và thuyết phục. Muốn kinh doanh tốt, lời nói cũng là một cách thức dùng để thu hút khách.
Lời nói tuy không khó để thốt ra nhưng lời nói có giá trị lại mang một ý nghĩa khác. Để cho mối quan hệ trở nên tốt đẹp, không nên tiếc những lời nói hòa nhã, êm ái, những lời “có cánh” giành cho đối phương. Kiềm chế sự nóng nảy, cục cằn, tức giận không chỉ thể hiện bạn là một người có văn hóa mà còn giữ vững được mối quan hệ người thân, bạn bè, đồng nghiệp một cách bền chặt.
Câu tục ngữ “Lời nói gói vàng” là lời khuyên bổ ích, con người hãy rèn dũa lời nói cho đẹp đẽ, giá trị hẵng nói ra, cho phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện, cuộc sống hiện tại. Có thế, “gói vàng” mà lời nói đem lại sẽ là mối giao hảo đẹp đẽ, đáng quý, kinh tế và giữ gìn hòa khí người với người.
Bài văn giải thích câu tục ngữ “Lời nói gói vàng” số 2
Hằng ngày con người quan hệ giao tiếp với nhau bằng lời ăn tiếng nói. Vì vậy, lời nói đóng vai trò quan trọng trong việc khởi tạo những mối quan hệ tốt đẹp, xây dựng văn hóa giao tiếp của dân tộc. Sớm nhận thức được điều đó, ngay từ xưa ông bà ta đã có câu: “Lời nói gói vàng”, đồng thời cũng có câu: “Lời nói chẳng mất tiền mua – Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Đó cũng là lời nhắc nhở mọi người về giá trị của lời nói và cũng là lời khuyên về cách sử dụng lời nói làm sao cho ý nghĩa để đẹp lòng nhau.
Lời nói quả thật mang ý nghĩa cực kì to lớn trong cuộc sống. Người ta nói: “Lời nói gói vàng”, hiển nhiên không phải lời nói bọc vàng trong đó bởi lời nói là cái vô hình không phải vật thể rõ ràng mà có thể bọc chứa. Tuy nhiên lời nói ra có thể chứa những ý nghĩa quý báu, đáng quý hơn cả vàng bạc, vật chất. Lời nói ra đúng lúc, đúng nơi mang ý nghĩa to lớn. Một lời khuyên ngăn có lí, có tình có thể giúp một con người đang sa vào những con đường lầm lỡ quay đầu lại, giúp họ đi đúng con đường của mình, đưa cuộc đời họ ra ánh sáng mới. Một lời động viên an ủi cho những người không may, vấp phải khó khăn, bất hạnh trong cuộc sống giúp họ có thêm nghị lực để vươn lên, thấy mình được quan tâm và hạnh phúc. Chẳng phải như vậy không quý hơn vàng bạc sao? Lời nói cũng gắn kết con người với nhau, nó là biểu hiện của những tâm hồn đẹp. Có những người quý mến nhau, kết bạn chỉ đơn thuần vì lời nói là như thế. Những lời nói ra trở thành những câu nói bất hủ đi vào lịch sử bởi nó mang ý nghĩa sâu sắc, lớn lao tác động đến xã hội. Chẳng hạn như câu nói của Bác Hồ, Lê nin,…Chỉ cần một câu nói ý nghĩa có thể cứu vớt hàng triệu người lâm vào khủng hoảng, đường cùng. Từ đó ta thấy được giá trị to lớn của lời nói.
Lời nói quả thật ý nghĩa như vậy nhưng có phải nó tốn tiền gì để mua đâu. Lời nói xuất phát từ mỗi người, nó ảnh hưởng đến người đó và những người xung quanh họ. Nói sao để người khác nghe cảm thấy hài lòng, dễ chịu mới là cách nói của những người khéo léo. Cũng là lời nói, không phải dùng cái gì để mua nhưng tại sao lại quá nhiều người không biết dùng những từ ngữ đẹp, có giá trị để nói chuyện với nhau mà lại cứ nói chuyện lại làm cho người khác bực mình, khó chịu. Nhiều cuộc nói chuyện nhiều khi trở thành những cuộc đấu khẩu thậm chí là ẩu đả lẫn nhau cũng bởi lẽ đó. Do vậy, qua cách ăn nói với nhau hằng ngày người ta cũng đánh giá được mức độ tri thức văn hóa của con người. Vậy nên ông bà ta khuyên lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau. Hiển nhiên nói cho vừa lòng không phải những lời xu nịnh, sai sự thật để nghe cho sướng tai mà dễ chịu. Lời nói có giá trị mà làm vừa lòng nhau phải là những lời nói xuất phát từ tâm, mong muốn góp ý, xây dựng, kết hợp với cách nói năng phù hợp, gây được sự chú ý về tình cảm. Chỉ có những lời nói chân thành cùng nghệ thuật nói chuyện tốt mới đạt được hiệu quả giao tiếp.
Lời nói nằm trong tầm kiểm soát của mỗi người, muốn nói ra cho vừa lòng nhau thì phải “uốn lưỡi bảy lần trước khi nói” như ông bà đã dạy. Hãy suy nghĩ chín chắn trước mọi lời nói, bởi lời nói ra rồi không rút lại được. Nếu lỡ nói những câu không suy nghĩ có thể gây hại cho người khác hay chính bản thân ta. Phải rèn luyện cách nói chuyện, giao tiếp với mọi người thông qua học hỏi thêm nhiều từ mới, học cách nói chuyện hay của người khác, đồng thời giữ cho lời nói của mình luôn có giá trị. Tức là khi bạn nói ra câu gì người khác thường quan tâm lắng nghe, coi trọng nó. Để có được điều đó phải tạo được niềm tin với mọi người. Không thể nói những câu vô nghĩa, hời hợt suốt ngày, người ta sẽ đâm ra xem thường những gì bạn nói. Một điều quan trọng nữa là khi nói phải ở trong trạng thái tự tin và cảm thông chia sẻ với người khác. Có như vậy bạn mới lấy được lòng của người khác và được mọi người yêu quý.
Vậy nên, đúng như ông bà ta dạy “Lời nói gói vàng” và “Lời nói chẳng mất tiền mua – Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Hai câu tục ngữ này không hề mâu thuẫn mà ngược lại còn bổ sung ý nghĩa cho nhau. Đó là những kinh nghiệm ứng xử, giao tiếp của ông bà để lại. Chúng ta phải biết học hỏi để lời nói có giá trị và đẹp lòng mọi người.
Có thể bạn thích: