Hình ảnh người mẹ không chỉ là mạch nguồn cảm hứng bất tận trong dòng chảy thi ca nhân loại mà còn là một miền rung động sâu thẳm trong trái tim của mỗi người con có mẹ. Tình yêu của mẹ dành cho con là duy nhất và ấm áp như ánh mặt trời mỗi ngày sưởi ấm trái đất. Nhưng tình yêu của con đối với mẹ không phải lúc nào cũng dễ dàng thể hiện và có thể diễn đạt thành lời. Có những bài văn hay viết về mẹ, về tình mẫu tử rất xúc động, lay động trái tim của mẹ và những người đọc nó. Bạn đã có dịp đọc những bài đó chưa? Sau đây TopChuan.com sẽ giới thiệu tới bạn những bài văn như thế.
Mẹ yêu con bằng tình yêu thầm lặng như suối nguồn tươi mát
Tác giả: Đang cập nhật
Với rất nhiều người, tỏ tình với người con gái (con trai) mình yêu thì dễ, nhưng lại khó khăn khi thể hiện tình cảm đó với người đã sinh ra mình. Viết chính là cách thể hiện cảm xúc thay cho những lời nói trực tiếp. Bài viết dưới đây là tình cảm của người con dành cho mẹ của mình, yêu mẹ rất nhiều nhưng không thể đứng trước mặt mẹ, ôm mẹ thật chặt để nói: Con yêu mẹ vô cùng, con cảm ơn mẹ vì mẹ là mẹ của con. Chúng ta hãy cùng đọc và cảm nhận để đồng cảm với người con trong bài viết này và cũng để thấy rằng, bất kì người mẹ nào cũng giống nhau ở một điểm là yêu con hơn cả bản thân mình.
Con đã viết rất nhiều, viết rất rất nhiều, nhưng chưa một lần viết về mẹ, dù mẹ là người ở bên con nhiều nhất, lâu nhất và là người thật sự yêu thương con. Hôm nay con bỗng thấy rằng… Ánh mắt mẹ đem bình an đến cho con. Những lúc vô tình con nhìn thấy mẹ đang lặng lẽ ngắm ba bố con, con bỗng cảm thấy được ở nhà thật an toàn và ấm áp. Những khi con đi đâu về hoặc bắt đầu đi, mẹ luôn ra đến tận cửa nhìn con. Những nẻo đường con đi qua luôn cõng trên lưng một đôi mắt, như một mảnh bùa bình an.
Đôi tay mẹ trói tâm hồn con. Những món ăn, những góc nhà, những công việc thường nhật linh tinh… gắn vào từng rãnh nhỏ trong khối óc của con. Con phát hiện ra mình có một thói quen so sánh rất hay là “Xời ơi mẹ tao nấu món này ngon hơn nhiều”, “Tao chỉ thích ăn món abc của mẹ tao thôi, tao ghiền món đó” hoặc là ‘kệ tao mẹ tao dạy tao làm zậy đó, cho nó sạch nó gọn’ hoặc ‘ở nhà mẹ con cũng hay làm vậy cho chị em con lắm”, “mẹ con làm khác hơn, mẹ con…” Con phát hiện rằng bất kì người phụ nữ nào con gặp con đều liên tưởng đến mẹ, bất kì sống ở nơi đâu thì nếp sống ở đó đều làm con nhớ mẹ.
Bước chân mẹ khiến con an tâm. Đôi bàn chân mẹ bằng không có vết lõm, khi bước đi trên sàn gạch bông luôn phát ra những tiếng ‘chách chách’, hôm nào cả buổi không nghe được âm thanh đó là thể nào con cũng phải đi ra hỏi bố một tiếng ‘mẹ đi đâu mất rồi’, hoặc là ở nhà ngoại chỉ cần nghe âm thanh đó vang lên con biết ngay là mẹ. Âm thanh thuộc bản quyền của mẹ, rất bình thường nhưng khiến 3 bố con an tâm. Đôi khi lúc 11h trưa và 5h chiều thỉnh thoảng con rất nhớ âm thanh đó, vì giờ đó mẹ đi khắp nhà để dọn dẹp. Con nằm và nghe.
Tiếng nói mẹ đem sự trưởng thành đến cho con. Những lần mẹ dạy, những lần roi vụt lên kèm theo một câu ‘từ nay chừa nghe’, những trận tranh cãi nảy lửa kèm theo những cái tôi, sự bức tức kéo dài, cả những lần mẹ kể hoài hoặc nói hoài một chuyện nào đó từ sáng đến chiều (thỉnh thoảng vài tháng sau còn đem ra nói lại)… Tất cả như mưa dầm thấm đất, con chẳng bao giờ hiểu được tại sao mẹ lại nói nhiều như vậy cho đến khi con gặp phải những rắc rối từ bên ngoài. Mẹ không dạy con cách xử lý tất cả các tình huống, nhưng mẹ dạy được con chọn cách mà tất cả mọi người ít phải tổn thương lẫn nhau.
Nước mắt mẹ làm mềm tim con, nơi mà con nghĩ mẹ chẳng bao giờ hiểu nổi. Ừ thì mẹ chẳng bao giờ hiểu được tại sao con lại làm thế này, tại sao con lại làm thế kia. Bao nổ lực của mẹ cố gắng để thay đổi con đều vô ích, nhưng nước mắt mẹ làm con đau lòng, đau hơn tất cả trăm ngàn roi vọt và khiến con phải tự điều chỉnh hành vi lối sống của mình. Và mẹ, chỉ một từ giản đơn, người phụ nữ bình thường với những việc làm cũng rất bình thường, khiến con phải rơi nước mắt giữa biết bao người khi ngồi viết những dòng này trong một quán cafe. Khiến con thấy rằng con vừa hạnh phúc lại vừa thật tầm thường so với tình yêu của mẹ.
Từ lâu lắm con đã quên những cái hôn, những cái ôm ấm áp, những lời nói yêu thương của mẹ và con. Con nghĩ những điều đó dường như không cần thiết (hay là con không đủ can đảm để làm?), vì khi con nhớ mẹ con chẳng hề nhớ đến những lần mẹ nói thương con, con chẳng nhớ đến những lần mẹ mua sắm cho con những vật dụng đắt tiền. Khi con nhớ mẹ, con nhớ trước nhất là dáng người mẹ, những việc lặt vặt mẹ hay làm, rồi đến những lần mẹ vụt roi lên, nhớ những lần bị tổng sỉ vả. Nhưng con chẳng nhớ đến vì thù dai, mà là con bỗng thấy con thương mẹ ở những lúc đó hơn hết (vì sao thì con cũng chẳng biết).
Con không viết những dòng này vào ngày lễ Vu Lan, ngày 8-3 hay ngày gì gì khác. Con chỉ viết những dòng này vào ngày hôm nay, 1 ngày bình thường con cảm thấy thật sự nhớ mẹ, nghĩ về tình yêu của mẹ. Viết bằng tình cảm thật sự trong con. Lần đầu tiên con viết về mẹ, con tốn quá chừng là nước mắt (và mất luôn phong độ của một cá nhân giữa đám đông nữa). Điều tất nhiên là con sẽ giấu nhẹm cái bài viết này như bao đứa con khác, mãi mãi mẹ chẳng bao giờ xem được. Vì mẹ yêu con rất thầm lặng, nên con cũng sẽ lặng lẽ yêu mẹ. Và mẹ, và con, sẽ luôn tự hỏi tại sao chẳng bao giờ hiểu được nhau. Tại sao bày tỏ tình yêu với người xa lạ rất dễ dàng, nhưng lại quá khó khăn khi nói rằng con yêu mẹ?
2019-08-04 21:17:31
bài văn của chị hay lắm ạ
Hàng vạn lời cảm ơn cũng không bao giờ đủ cho những gì mẹ đã làm vì chúng con
Tác giả: Bùi Văn Ánh – sinh viên ngành xây dựng cầu đường – ĐH Xây dựng Hà Nội (năm thứ 3)
Trong số những bài văn viết về mẹ hay và cảm động nhất thì bài viết của Bùi Văn Ánh – một sinh viên nam khối kĩ thuật thật khiến cho độc giả xúc động nghẹn ngào. Với hoàn cảnh vô cùng éo le, chật vật, khó khăn nối tiếp khó khăn, hình ảnh người mẹ trong bài viết của Bùi Văn Ánh thật phi thường và vĩ đại. Bởi không phải người phụ nữ nào ở vào hoàn cảnh ấy cũng có thể kiên cường đến thế. Tác giả đã viết cho mẹ nhân “Ngày của mẹ” như một sự biết ơn sâu sắc nhất, một nỗi thấu hiểu đến tận cùng những đắng cay mà mẹ đã trải qua, động viên, khích lệ mẹ với tình yêu chưa một lần được cất thành lời.
Bạn đọc hãy đọc và cảm nhận để thấy sự trưởng thành trong suy nghĩ của một cậu trai tuy nhà nghèo nhưng vẫn cố gắng vươn lên, không đổ lỗi cho số phận, đồng cảm sâu sắc với gánh nặng của mẹ trong gia đình, lo toan nhiều bề chẳng có một phút thảnh thơi. Lời viết của tác giả thật gần gũi, dễ hiểu, mạch lạc như một lời tâm tình thủ thỉ của người con đối với mẹ khiến cho sợi dây tình cảm mẹ con thật bền chặt, có sứ mạnh vượt qua mọi sóng gió phía trước. Người mẹ cũng thật hạnh phúc khi con trai đã trưởng thành và hiểu biết.Thật cảm động và ý nghĩa biết bao.
Không biết ngoài mùng 8/3 và 20/10 ra còn một “Mother’s day” như thế này nữa đâu mẹ nhỉ? Mẹ vẫn làm việc vất vả, lo lắng cho gia đình bé nhỏ, cho thằng con trai đang học xa trên thành phố với bao khó khăn, cám dỗ nó. Dù trong những ngày quan trọng với mẹ, con có mua hoa, mua quà tặng thì mẹ cũng sẽ cười rồi bảo: “Cha bố anh, tiền đâu mà vẽ”. Mẹ là thế, không bao giờ nghĩ cho mình mà luôn dành những điều tốt đẹp nhất cho chúng con. Trong tâm trí con, mẹ luôn đẹp và hiền hậu. Mẹ không bao giờ đánh mắng các con, chỉ nói rất nhẹ nhàng. Ai cũng bảo mẹ giống như cô giáo. Thế nhưng cuộc sống quá vất vả khiến mẹ ngày càng tiều tụy…
Tuổi thơ con trôi qua êm đềm trong vòng tay yêu thương của mẹ. Bố đi làm xa, mẹ ở nhà chăm lo ba anh em con với quanh năm bộn bề việc đồng áng. Ngày ấy con còn bé, không giúp mẹ được gì, nhưng có lẽ chính vì thế mà con thấy thương mẹ nhiều hơn. Những vụ mùa, nhìn đôi vai mẹ còng xuống, nhìn dáng mẹ liêu xiêu gánh mạ, chở lúa mà con chỉ mong mình lớn thật nhanh để có thể đỡ đần mẹ. Mỗi khi đi làm về, mẹ chỉ ăn một chút cơm, chưa kịp ngả lưng mẹ đã tất bật đi làm giữa nắng hè oi ả. Vậy mà mẹ vẫn vui vẻ, cười đùa cùng ba anh em. Con lên lớp 5 cũng là lúc mẹ vào Nam để làm thuê cùng bố. Con nhớ, mình đã rất hụt hẫng. Con không muốn mẹ đi một chút nào, nhưng con hiểu mẹ vào đó cũng chỉ vì mong tương lai của chúng con tốt đẹp hơn mà thôi. Ở quê mình, quanh năm trông chờ vào cây lúa, củ khoai thì làm sao khấm khá lên được. Đêm trước ngày mẹ đi, con không sao ngủ được. Mẹ đã đi 1 thời gian dài mà con vẫn luôn thấy trống rỗng.
Nhưng là con trai, con đủ mạnh mẽ để vượt qua cảm giác đó. Con biết mẹ luôn muốn con là người anh cả có thể thay bố mẹ quan tâm, chăm sóc cho các em. Ngày bố mẹ về Bắc, những tưởng gia đình mình sẽ đoàn tụ, được sống đầm ấm, hạnh phúc bên nhau nhưng thực sự lúc này, khó khăn mới tiếp tục ập đến. 18 tuổi, niềm vui bất ngờ đến khi con cùng thi đỗ HV Quân y và ĐH Xây dựng Hà Nội với số điểm cao. Con lựa chọn trường HV Quân y với lý do sẽ được miễn giảm học phí, thuận lợi cho việc học tập cũng như xin việc sau này, phù hợp với hoàn cảnh gia đình của mình. Nhưng, thật khủng khiếp, con bị tai nạn giao thông đúng vào ngày lên thành phố nhập học. Bác sỹ kết luận, chân trái của con bị gãy đôi. Điều này đã tước đi ước mơ trở thành sinh viên HV Quân y của con, cũng là ngành mà bố mẹ luôn kỳ vọng. Bản thân con cũng biết từ đây chính mình đã trở thành gánh nặng cho gia đình. Trở thành tân sinh viên ĐH Xây dựng, con là người nhập học sau cùng.
Thương con, mẹ lên tận trường học để chăm nom, kiếm sống từ công việc lao công vất vả. Con nhớ lúc làm thủ tục nhập học trường mới cho con, mẹ phải đi đi về về giữa trời mùa hè nắng như đổ lửa, nhìn mẹ mồ hôi nhễ nhại mà vẫn nắn bóp chân cho con đỡ đau, nước mắt con như muốn trào ra, chưa bao giờ con cảm thấy mình bất lực và vô dụng đến thế. Con biết mẹ sẽ phải vất vả vì con rất nhiều nữa. Hai mẹ con ở trong nhà kho dành cho nhân viên lao động. Giữa lòng thành phố ồn ào xa lạ con vẫn hạnh phúc vì những phút giây bên mẹ. Hàng ngày, mẹ quét sân trường, con lên giảng đường. Những đồng lương còm cõi của mẹ không đủ chi phí thuốc thang, sinh hoạt nhưng mẹ vẫn cố gắng để được ở lại bên con, tiện cho việc đi lại của con. Nhưng thú thực với mẹ, thời gian đầu tiên con có nhiều mặc cảm về hoàn cảnh gia đình mình nhưng về sau cũng quen dần, con nhận được sự giúp đỡ của bạn bè.
Ở nhà chỉ còn lại bố và em trai, chăm lo công việc đồng áng. Nhưng chỉ 1 thời gian không lâu sau đó, bố lại bị tai nạn, dập xương gót chân, mất sức lao động. Những trận ốm liên miên khiến bố không chăm được đàn gà trong chuồng, đàn cá dưới ao, chúng chết hết. Gia tài trong gia đình không có gì đáng giá, khó khăn trăm bề. Cùng thời gian đó, người thầu lao động mới của trường ĐH Xây dựng đã không cho mẹ và con ở trong trường nữa. Con buộc phải ra ngoài ở với bạn, tự trang trải cuộc sống bằng việc đi dạy gia sư. Mẹ đi bán hàng thuê, tất bật quãng đường từ Hà Nội về Ninh Bình, từ Ninh Bình lên Hà Nội để vừa chăm chồng con vừa kiếm tiền nuôi cả gia đình. Thật không tưởng tượng nổi khi một lần nữa tai ương lại ập đến gia đình bé nhỏ của mình. Em trai bị tai nạn giao thông trong ngày ôn thi đại học cuối cùng. Vụ tai nạn khủng khiếp đã gây ra “hệ lụy” đau thương, em trai bị chấn thương sọ não, liệt nửa người, đồng nghĩa với việc ước mơ vào đại học cũng tan tành.
Như một tin sét đánh bên tai, con hoàn toàn suy sụp. Hơn ai hết, con hiểu mẹ là người đau đớn nhất khi chứng kiến cả chồng và những đứa con của mình đều lần lượt chịu tai ương. Không bao giờ con quên được những giọt nước mắt xối xả trên gương mặt gầy còm của mẹ ngày hôm đó. Đôi lúc con tự hỏi sao cuộc đời lại bất công như thế? Tại sao những người phụ nữ khác họ được toàn tâm toàn ý với gia đình, còn mẹ thì không bao giờ có lấy một phút nghỉ ngơi? Những câu hỏi đó nhiều lúc làm con thấy thật chán ghét và mệt mỏi với cuộc sống này. Lớn khôn hơn, con đã biết mình phải làm gì, đó là không được đổ lỗi cho số phận, cũng không được tự ti, thay vào đó hãy học tập thật tốt, để mẹ không phải vất vả bươn chải như bây giờ nữa.
Mẹ à, mẹ hãy yên tâm về con nhé, con sẽ không làm gì để mẹ phải buồn lòng đâu, vì những gì mẹ phải chịu đựng đã quá đủ rồi. Học kỳ này, con phải làm nhiều đồ án, rất vất vả nhưng chính nụ cười của mẹ đã giúp con vượt qua những lúc tưởng chừng muốn bỏ cuộc. Hàng nghìn, hàng vạn lời cảm ơn cũng không bao giờ đủ cho những gì mẹ đã làm vì chúng con. Chưa bao giờ con khát khao được sống như mỗi khi nghĩ về mẹ. Con chưa bao giờ đủ dũng cảm để nói ra “Con yêu mẹ” nhưng trong tim con mẹ luôn là người phụ nữ tuyệt vời nhất.
Mẹ như là tia sáng của đời con
Tác giả: Tăng Văn Bình – Lớp 6 năm 2003 – Trường THCS Lý Nhật Quang – Thị trấn Đô Lương – Nghệ An
Với đề bài: “Em hãy kể về người mẹ kính yêu”, cậu học sinh lớp 6 Tăng Văn Bình đã đạt điểm tối đa: 10 điểm với lời phê “Cô tin ở em. Tương lai tươi sáng đang chờ đón em. Cố lên Bình nhé!” Và lời phê của cô năm ấy đã trở thành hiện thực khi sau này em đã trở thành thủ khoa trường đại học Ngoại thương cũng với điểm tối đa 30/30 điểm. Thật đáng ngưỡng mộ. Chúng ta hãy cùng đọc lại bài văn để thấy tình cảm chân thành của cậu học trò nhỏ đối với mẹ của mình để hiểu vì sao cậu đạt được thành công như thế.
Bài văn ngắn gọn, không dài dòng, câu từ mạch lạc, trong sáng, diễn đạt ý hay, Tăng Văn Bình đã kể về mẹ của mình cũng như hoàn cảnh gia đình một cách tự nhiên. Sinh ra và lớn lên với sự thiếu thốn tình cảm của người cha, cậu bé Bình cùng mẹ phải bươn chải với cuộc sống nhiều khó khăn, vất vả. Song cũng chính trong hoàn cảnh đó cộng với tình thương yêu vô bờ bến của mẹ, cậu bé đã nhận ra sự lam lũ của mẹ là vì ai. Cậu chính là niềm hi vọng không bao giờ tắt của mẹ chính vì vậy mà cậu luôn cố gắng học tập để đền đáp công ơn đó.
“Mỗi người đều có một người mẹ. Đó là một chỗ dựa tinh thần rất lớn mà người nào cũng phải đáng quý trọng. Mẹ tôi cũng vậy, mẹ luôn luôn dành tình yêu thương lớn nhất cho chúng tôi để bù đắp nỗi mất mát về người cha.
Tôi sinh ra đã không thấy được mặt cha. Đó là sự tổn thương rất lớn. Tuy vậy, nhưng mỗi khi ở bên mẹ, tôi cảm thấy thật hạnh phúc. Năm tôi lên một tuổi, mẹ tôi phải đi làm thuê để kiếm tiền nuôi gia đình. Nào là đóng gạch, cuốc mướn… mẹ làm hết. Nghĩ đến đây mà tôi rưng rưng nước mắt. Số mẹ tôi thật khổ! Mẹ làm vất vả đến như vậy mà vẫn không đủ ăn nên mẹ phải đi làm nghề dạy trẻ. May mắn lắm mẹ mới xin được vào một nơi ổn định.
Bàn tay mẹ tần tảo, đầy những vết chai sần. Đôi mắt thì quầng đen vì làm việc vất vả. Nhưng tôi biết, vào những ngày Tết trong khi mọi người đang vui đùa chạy nhảy thì mẹ lại ra ngoài vườn lặng lẽ ngồi khóc. Những giọt nước mắt chứa đọng tâm hồn trong sáng, chung thủy của mẹ. Mẹ thật là cao cả! Mẹ vẫn luôn dõi theo từng bước đi của tôi như một động lực giúp tôi không ngừng học hỏi. Tôi còn nhớ có năm lúa thất (mất) mùa mẹ phải đi khuân vác gạch thuê cho người ta để kiếm tiền. Đôi vai mẹ bị chầy xước rất nhiều. Nhưng nó lại chưa đựng nhiều kỷ niệm đối với tôi. Đến bây giờ, mẹ vẫn không ngừng làm việc.
Có lẽ ông trời không cho mẹ nghỉ. Tuy vậy, mẹ có một tâm hồn vẫn lạc quan, yêu đời. Tôi thật cảm phục trước mẹ. Năm tháng qua đi, mẹ vẫn phải chịu đựng bao nỗi đắng cay, ngọt bùi. Mẹ như là một tia sáng của đời con. Tôi biết mẹ ấp ủ trong mình một nỗi hy vọng: “Không để cuộc đời con lại giống mình phải gây dựng cho con một sự nghiệp”. Tôi biết vì tôi, mẹ có thể hy sinh tất cả, kể cả niềm vui.
Vì thế mẹ rất nghiêm khắc khi tôi làm sai việc. Tôi thật khâm phục mẹ. Tôi phải phấn đấu để trở thành một người con ngoan để mẹ khỏi buồn lòng, để đền đáp công lao sinh dưỡng của mẹ. Mẹ là một người mẹ không giống với người mẹ nào. Trong mắt mẹ, tôi như là một hy vọng rực rỡ. Tôi vẫn luôn ghi nhớ câu nói: “Nếu mẹ là dòng sông, con là nước thì dòng sông không thể chảy được nếu thiếu nước”.
Mẹ không ở bên con nhưng con biết mẹ vẫn dõi theo con, con nhớ mẹ rất nhiều.
Tác giả: Nguyễn Thị Kiều Vân – Học sinh lớp 8
“Riêng mặt trời chỉ có một mà thôi, và mẹ em chỉ có một trên đời”, quả đúng như vậy, có mẹ là niềm hạnh phúc nhất trên đời và mất mẹ cũng đồng nghĩa với bất hạnh nhất. Bài văn của em học sinh lớp 8 Nguyễn Thị Kiều Vân thật khiến cho người đọc rơi nước mắt. Mới có 9 tuổi, mẹ của Vân đã ra đi mãi mãi vì căn bệnh hiểm nghèo. Thế nhưng công sinh thành và dưỡng dục trong suốt những năm tháng ấy khiến cô bé Vân khắc ghi suốt đời và không bao giờ quên. Trong bài văn viết về mẹ, Nguyễn Thị Kiều Vân đã viết bằng cả trái tim mình với những ngôn từ mộc mạc và dung dị nhưng chan chứa tình cảm và niềm thương nhớ mẹ.
Hình ảnh mẹ bé Vân hiện lên trong lời kể của em thật tuyệt vời, yêu thương con hết mực và luôn dạy cho con những đạo lý làm người. Cũng qua bài văn, chúng ta càng thêm yêu thêm quý một cô bé yêu mẹ vô vàn. Tình yêu ấy đã tiếp thêm cho em sức mạnh để em sống giàu nghị lực và bản lĩnh giữa cuộc đời. Cái cảm nhận của một cô bé mồ côi khi mất mẹ như gửi tới bạn đọc một thông điệp mà không phải người nào cũng dễ dàng nhận ra và trân quý những gì mình đang có: Hãy biết sống tốt để không phụ lòng mẹ, không làm mẹ khóc, dù chỉ một lần.
Tuổi thơ tôi không được may mắn như bao đứa trẻ khác. Từ khi sinh ra tôi đã mồ côi cha. Một mình mẹ nuôi tôi khôn lớn, mẹ là người cha, người mẹ tuyệt vời nhất trên đời này.
Nhưng khi tôi lên chín tuổi, thời gian quá ngắn giữa mẹ và tôi thế nhưng mẹ đã bỏ tôi một mình bơ vơ trên cõi đời này mà ra đi. Chỉ chín tuổi tôi còn quá nhỏ để hiểu được sâu sắc việc mãi mãi không có mẹ bên cạnh. Nhưng hình ảnh ngày nào của mẹ thì không bao giờ phai trong tôi, mỗi bước chân tôi đi như có bóng mẹ soi đường, chỉ tôi. Mẹ là người sống mãi mãi trong lòng tôi. Mẹ tôi là người phụ nữ mạnh mẽ, mẹ luôn sống vì tôi. Tuy cuộc sống vất vả và phải sống chung với căn bệnh hiểm nghèo nhưng mẹ sống rất lạc quan, yêu đời. Mẹ tôi cao, làn da xám đen vì nắng gió. Khuôn mặt phúc hậu, hiền từ. Mẹ luôn dạy bảo tôi những điều tốt nhất. Mẹ động viên tôi những khi tôi buồn, tôi thất bại. Mẹ luôn lo lắng, mang những điều tốt đẹp đến cho tôi còn tôi thì chỉ biết làm mẹ buồn, mẹ khóc.
Mẹ dạy tôi rất nhiều điều “Phải sống trung thực, ngay thẳng. Phải biết ơn nhưng không được nhớ oán. Phải biết tha thứ yêu thương người khác. Nhất định chị em phải đoàn kết với nhau mà sống, đừng để mọi người chê cười con không có dạy”. Đó là tất cả những gì mẹ để lại cho tôi trước lúc ra đi. Lúc đó, tôi chẳng hiểu gì cả, tôi sống vô tư có mẹ cũng như không có mẹ. Nhưng Mẹ ơi? Giờ con mới hiểu mồ côi mẹ là gì? Giờ con mới biết những lời nói đó là tài sản quý giá nhất mà mẹ đã dành cho con. Con nhớ mẹ nhiều lắm, nhất định con sẽ làm theo những gì mẹ dạy.
Mẹ tôi đã vượt qua khó khăn để sống và tôi cũng sẽ thế. Mẹ luôn là một vầng ánh sáng soi dẫn đường tôi. Những nụ cười của mẹ sao nó cứ hiện mãi trong đầu tôi cả lúc mẹ ra đi nữa. Giờ tôi muốn được nắm tay mẹ, muốn được ngồi vào mẹ nhưng tôi không thể! Mẹ tôi rất thương yêu tôi, mẹ đã hi sinh cuộc đời mình để tôi được sống tốt hơn. Ngày ấy, lúc mẹ đau đớn giữa đêm khuya, thấy mẹ đau tôi chẳng biết làm gì mà chỉ biết khóc. Mẹ nắm tay tôi và cười trong những giọt nước mắt “Mẹ không sao đâu con. Thế là tôi đã ngủ thiếp đi, sao tôi lại khờ dại đến ngu ngốc thế chứ? Tôi hiểu mẹ yêu tôi nhường nào và tôi cũng vậy. Tuy giờ không có mẹ bên cạnh nhưng mẹ vẫn sống trong tâm trí tôi. Tôi sẽ sống thật tốt để mẹ được vui lòng, giờ tôi chỉ có thể làm được thế thôi.
Mẹ tôi là người thế đó, tôi chỉ có thể nói là mẹ tôi rất tuyệt. Mẹ là người tôi yêu quý nhất trên đời và dù me đi xa nhưng mẹ vẫn như còn đó đứng bên cạnh tôi. Giá như, tôi được sống với mẹ dù chỉ là một ngày. tôi sẽ chăm sóc cho mẹ, việc mà tôi chưa từng làm, tôi sẽ làm mẹ vui, không làm mẹ phải khóc. Và điều tôi muốn nói với mẹ là “Mẹ ơi! Con yêu mẹ rất nhiều, con rất muốn được sống và lo cho mẹ. Mẹ ơi! Con rất muốn”. Hỡi những ai còn mẹ thì đừng làm mẹ mình phải khóc, dù chỉ là một lần!”
Mẹ
Tác giả: Phạm Thị Thu Hà – học sinh lớp 6
Với đề bài: “Em hãy tả lại một người thân trong gia đình”, em Phạm Thị Thu Hà – học sinh lớp 6 đã viết bài văn tả mẹ của mình thật hay và giàu hình ảnh. Dù mới được làm quen với văn tả người ở lớp 5 nhưng những gì mà em thể hiện trong bài văn của mình có thể thấy đây không những là một học sinh giỏi văn mà còn là một cô bé rất giàu cảm xúc. Bài văn của em viết về mẹ thu hút người đọc ngay từ cách mở bài gián tiếp rất ấn tượng từ những câu thơ trong một bài thơ của nhà thơ Trần Quốc Minh. Và cứ thế, em đã miêu tả mẹ của mình theo đúng trình tự miêu tả, từ những đặc điểm ngoại hình cho đến tính tình và hoạt động.
Nếu không yêu mẹ của mình thật nhiều, quan tâm tới mẹ thật nhiều, quan sát những việc mẹ làm trong đời sống hàng ngày thì Hà không thể tả mẹ của mình chân thực và gần gũi đến thế. Dù cuộc sống của mẹ còn nhiều khó khăn vất vả, do đặc thù công việc, người mẹ trong bài văn không kiều diễm, thướt tha mà đẹp một cách bình dị – nét đẹp của người phụ nữ trong lao động hiện lên thật kín đáo và duyên đến lạ.Tác giả rất khéo léo khi sử dụng những câu văn có các hình ảnh so sánh để làm nổi bật lên những nét đẹp của mẹ. Mẹ chịu thương chịu khó, chăm sóc gia đình, được mọi người quý mến và là niềm tự hào của tác giả, là động lực để tác giả cố gắng học hành trở thành con ngoan, trò giỏi, cháu ngoan Bác Hồ.
“Những ngôi sao thức ngoài kia
Chẳng bằng mẹ đang thức vì chúng con.
Đêm nay con ngủ giấc tròn
Mẹ là ngọn gió của con suốt đời”.
Cứ mỗi lần nghe những câu thơ này của nhà thơ Trần Quốc Minh vang lên, thì em lại chợt nghĩ đến người mẹ thân yêu của em. Em cảm thấy thật bất hạnh cho những ai không có mẹ, bởi vì mẹ là người dành trọn mọi sự thương yêu chăm sóc cho chúng ta. Và mẹ em chính là người như vậy đó.
Mẹ năm nay đã gần bốn mươi tuổi nhưng người nào cũng nói mẹ già hơn so với tuổi, có lẽ vì gánh nặng cuộc đời chăng? Công việc của mẹ rất giản dị đó chính là làm ruộng. Sở thích của mẹ rất khác với mọi người, đó chính là làm việc. Mẹ có dáng người dong dỏng cao, nước da ngăm đen đã bị rám nắng, mái tóc của mẹ dài ngang lưng đã bị cháy nắng ngoài đồng ruộng, nắng chói để đem lại cho em 1 cuộc sống ấm no. Khi đi làm mẹ thường búi tóc lên, để lộ ra mấy cộng tóc xoăn trông thật duyên dáng. Đi với mái tóc ấy chính là khuôn mặt hình trái xoan của mẹ. Vầng trán của mẹ cao rộng, có lúc nheo lại lộ vẻ suy tư. Năm tháng, thời gian đã hằn lên khuôn mặt mẹ những nếp nhăn nho nhỏ.
Nhưng thời gian cũng không thể xóa nhòa được nét dịu hiền, phúc hậu trên khuôn mặt ấy. Đôi mắt mẹ đen láy thấm đượm sự bao dung, trìu mến. Người ta thường nói “Đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn” quả là không sai. Nhìn vào đôi mắt mẹ, em có thể đoán được những suy nghĩ trong mẹ. Những lúc em làm được việc tốt đôi mắt ấy hạnh phúc như cười. Và cũng từng đỏ hoe khi mỗi lần em làm điều sai trái. Nhìn vào đôi mắt mẹ, em tự trách mình vì đã làm mẹ buồn. Cùng với đôi mắt mẹ là cặp lông mi dài và đôi chân mày lá liễu dày. Mũi mẹ cao cao, cái miệng nho nhỏ, khi cười để lộ hàm răng trắng, đều như hạt bắp.
“Bàn tay ta làm nên tất cả
Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”.
Đúng vậy! nhờ có bàn tay đầy nghị lực của mẹ đã nuôi em khôn lốn đến chừng này. Bàn tay ấy đã bị bao sậm, hằn những vết nứt nẻ. Bao nhiêu vết là bấy nhiêu vất vả gian lao của mẹ. Đôi bàn chân cũng vậy, nó cũng đã bị nứt nẻ. Những khi trời trở lạnh, đôi bàn chân ấy lại đau, nhức khiến mẹ phải ngâm vào nước muối. Đôi vai mẹ gầy gộc đã trở bao nhiêu là mưa nắng. Nhìn tất cả những thứ ấy em cảm thấy yêu mẹ thật nhiều, thật nhiều. Nhìn bàn tay mẹ chăm sóc từng đám lúa, luống rau, em cảm thấy mẹ yêu cây cỏ đến chừng nào. Mẹ là một người mà không thể thiếu trong gia đình. Hằng ngày, mẹ như một cô tấm với những công việc như nấu ăn, giặt giũ, dọn nhà… thật nhanh nhẹn, gọn gàng. Dù nhà cửa có bề bộn đến mấy, mà nếu được bàn tay siêng năng của mẹ thì sẽ trở nên gọn gàng. Vì lo cho cuộc sống của gia đình mà mẹ chẳng bao giờ rảnh rỗi cả, hết việc nhà rồi lại làm ruộng.
Mẹ là một người luôn dành trọn mọi sự yêu thương và lo toan cho em. Lúc em làm điều gì sai trái, mẹ không la mắng gì đâu mà mẹ dạy em những điều hay lẽ phải, khiến em luôn ghi nhớ trong lòng. Tuy mẹ bận rộn lắm nhưng mẹ vẫn luôn quan tâm tới công việc học hành của em. Lúc em đau ốm, mẹ là bàn tay ấm áp, che chở cho em vượt qua. Đối với mọi người trong làng xóm, mẹ rất hòa nhã, cởi mở với họ nên người nào cũng quý mến mẹ. Trong công việc, mẹ rất nhiệt tình nên mỗi lần đi dặm hay gặt lúa thì người nào cũng kêu mẹ đi.
Thế đấy! Người mẹ thân yêu của em là như vậy đó, mẹ là một người rất yêu thương đứa con của mình. Em yêu mẹ lắm! Yêu mẹ rất nhiều. Em tự nhủ rằng sẽ cố gắng học tập thật giỏi để trở thành con ngoan, trò giỏi, cháu ngoan Bác Hồ, mai sau đền đáp công ơn to lớn của mẹ đã bao năm chăm lo cho em từ miếng ăn đến giấc ngủ.
“Mẹ như biển cả mênh mông
Con luôn ghi nhớ công ơn của người”.
Tình mẫu tử của mẹ giúp con lớn khôn
Tác giả: Phạm Nguyễn Đông Hưng – Lớp 11 CA3 – THPT Trần Đại Nghĩa – TP Hồ Chí Minh
Cũng giống như bài viết của Bùi Như Mai, bài viết về tình mẫu tử của nam sinh Phạm Nguyễn Đông Hưng Lớp 11 CA3 – THPT Trần Đại Nghĩa – TP Hồ Chí Minh đạt 9 điểm và làm cô giáo rất hài lòng. Dù chỉ mới học lớp 11 thôi nhưng những cảm nhận về tình mẫu tử với cậu học trò này thật sâu sắc và ý nghĩa. Lấy câu chuyện về gia đình mình, cậu đã thể hiện những hiểu biết của mình về tình cảm của mẹ đối với con cụ thể nhất, gần gũi nhất và trong sáng nhất. Đó là tình thương yêu vô bờ bến, sự chăm sóc, quan tâm và dõi theo từng bước con đi của mẹ dành cho cậu. Cậu không ngần ngại nói lên những suy nghĩ của mình và gửi tới các bạn trẻ, đặc biệt những bạn còn ham chơi, còn làm mẹ buồn một thông điệp: Trái tim người mẹ luôn rộng mở và ấm áp vì con, đừng làm mẹ phải buồn, phải khóc.
“Tình mẫu tử – một chủ đề quen thuộc với những ai học văn trên khắp thế giới. Tình yêu thương là sự lo lắng của đấng sinh thành dành cho những đứa con của mình – đó có thể là tình cảm trong sáng nhất của con người. “Cha mẹ nuôi con chẳng mong ngày đền đáp”. Và trong cái khung cảnh lạnh lẽo, lầy lội của bức ảnh trước mắt khi mẹ dắt con đi trong mưa, tôi không hề cảm thấy sự cô đơn, lạc lõng. Bởi ở đây có hiện diện của tình mẫu tử trong hình dáng mộc mạc và đẹp nhất của nó. Người đời vẫn nói: “Hổ độc ác không ăn thịt con”. Làm mẹ là một thiên chức thiêng liêng của vạn vật, không riêng gì con người. Chính vì thế, dù trong hình thể của những con vật hiền lành hay tồn tại trong tâm của loài cường bạo thú thì bản năng làm mẹ vẫn luôn giành phần chiến thắng.
Bản thân tôi không biết định nghĩa tình mẫu tử như thế nào bởi một đứa con trai ham chơi như tôi không thể đủ kinh nghiệm để diễn tả điều đó. Nhưng tôi có thể diễn tả lại cho các bạn cảm nhận của tôi về tình mẫu tử. Không biết như thế nào và tại sao nhưng người đầu tiên mà ánh mắt tôi luôn tìm kiếm đó là má tôi. Cho đến bây giờ, tôi vẫn chưa hiểu tại sao mỗi khi nhìn thấy hình ảnh của má tôi trong bếp, lòng tôi lại được trấn tĩnh lại. Tôi sinh ra trong một gia đình “người Bắc điển hình” với người bố gia trưởng và khó tính. Cố nhiên một đứa con ương bướng và nghịch ngợm như tôi luôn phải chịu những trận đòn từ bố. Những lúc ấy, má tôi sẽ đóng vai một cô y tá để sơ cứu cho bệnh nhân là tôi. Bàn tay má nhẹ nhàng xoa lên những vết bỏng rát sao mà dễ chịu đến thế. Những trận đòn roi vì nghịch ngợm trải dài khắp tuổi thơ tôi cho đến ngày vào lớp 10.
Cũng có lẽ vì thế mà tôi thân với má hơn bố. Rồi tôi nhớ có lúc phải vào viện (do ngày bé tôi hay tắm mưa nên viêm phổi triền miên), sốt cả tháng liền chỉ được ăn cháo má mang đến. Cháo má nấu dở lắm, vừa loãng lại vừa mặn. Sau này tôi mới biết cháo mặn do má trộn thuốc vào nhưng chẳng hiểu sao tôi lại chịu ăn. Từ đó đến nay, cứ mỗi lần bị bệnh, tôi lại được ăn món cháo ấy. Hương vị của nó có lẽ đi theo suốt cả cuộc đời tôi. Nếu các bạn hỏi tình mẫu tử xuất phát từ đâu thì xin lỗi tôi cũng không thể giải nghĩa được. Có lẽ đó là nguồn sức mạnh tối thượng tồn tại trong mỗi người mẹ chăng?
Tình mẫu tử thiêng liêng là thế, cao quý là thế, ấy vậy mà vẫn có người dám vấy bẩn chỉ vì lợi ích cá nhân, chỉ vì đồng tiền? Những bà mẹ tuổi teen chẳng phải chỉ vì lỗi lầm mà đang tâm coi rẻ tình mẹ con, thậm chí vứt bỏ tình máu mủ ruột rà. Lại thêm những đứa con bất hiếu chỉ vì tranh nhau mảnh đất mà đẩy mẹ ra đường. Lại cả những người con giả dối, khi mẹ còn sống thì lạnh lùng, khinh khỉnh, lúc mẹ mất mới ma chay long trọng. Đó là chưa kể những người mẹ vì thương con mù quáng mà suốt đời o bế con cái, khiến chúng trở nên hư hỏng. Những chuyện như vậy vẫn đầy rẫy quanh cuộc sống chúng ta.
Nhưng may thay những điều trên chỉ là thiểu số, bởi đúng như bản chất tình mẫu tử là hướng về cái tốt. Những ông, bà, bố, mẹ thương con nhiều vô kể. Hành động luôn tốt hơn lời nói. Một cử chỉ bằng vạn lời “Mẹ yêu con”.Tôi không cần kể thêm ví dụ nữa, bởi ngoài kia có biết bao người mẹ tuyệt vời, hãy bước ra đi và tự cảm nhận, các bạn của tôi. Tôi không biết các bạn ra sao nhưng đối với tôi, tôi không dám nhận mình là một đứa con có hiếu. Bởi tôi chưa làm tròn được chữ hiếu với má tôi. Từ nhỏ đến giờ, tôi vẫn là gánh nặng mà cả cuộc đời má tôi phải gánh lấy. Lúc nhỏ thì má luôn phải lo lắng cho sức khỏe của tôi, lớn lên má lại lo lắng cho tính ngang ngạnh của tôi. Tôi và bố cãi nhau luôn. Những lúc ấy má lại là người giảng hòa.
Má là người nín nhịn nên nào có cãi lại bố. Sau những lần cãi vã như thế, má tôi khóc suốt. Những lúc ấy tôi chỉ muốn chạy xuống nhà ôm má nhưng cái tôi trong tâm trí lại cản tôi lại. Sao tôi lại hèn yếu như vậy, sao tôi lại để má khóc? Không, tôi vẫn chưa xứng đáng là người đàn ông trong nhà. Má ơi con biết má phải chịu nhiều áp lực khi sống trong mái nhà như thế này. Má ơi, giá mà con có thể hiểu được điều ấy sớm hơn. Con không cần phải chứng tỏ mình với bố nữa, xin hãy là con người vui vẻ như ngày nào má nhé.
Bức ảnh mẹ dắt con trên xe qua nơi nước ngập gợi cho tôi nhiều suy nghĩ mà có lẽ người vụng về như tôi không nói hết được bằng lời. Các bạn, đôi khi những người mẹ có thể cáu gắt và khó chịu. Xin hãy hiểu cho họ, đừng nhìn vào lời nói, hãy nhìn vào hành động của con người. Mẹ có thể cáu gắt nhưng trái tim mẹ luôn rộng mở ấm áp vì con. Lời nói của mẹ có thể khó nghe nhưng chúng ta luôn cảm nhận được những gì tốt đẹp nhất mẹ dành cho con. Tôi chẳng cần nói nữa có lẽ các bạn biết mình cần làm gì. Về phần tôi, có lẽ tôi vẫn là đứa con có lớn mà không có khôn. Má ơi đứa con bất hiếu này xin lỗi má”.
Có thể bạn thích: