Mô-li-e (1622-1673) là nhà viết hài kịch Pháp. Cuộc đời Mô-li-e là cuộc đời chiến đấu của một nghệ sĩ dũng cảm, luôn luôn đứng về phía nhân dân chống lại những lực lượng phản động, nhà thờ, quý tộc, tầng lớp tư sản lạc hậu muốn kìm hãm xã hội trong ngu dốt, nô lệ. Mô-li-e chiếm một vị trí lớn trong lịch sử văn học Pháp. Ông là cha đẻ của hài kịch Pháp. Ông đưa hài kịch của nước ông từ chỗ chỉ là những kịch hề hoặc những kịch vui nhộn ngoại lai kiểu hài kịch ý thế kỉ XVI lên một nền hài kịch mang tính tư tưởng sâu sắc dựa trên truyền thống dân tộc. Vở kịch “Trưởng giả học làm sang” là 1 trong các những vở kịch nổi tiếng của ông, trong đó lớp kịch “Ông Giuốc-đanh mặc lễ phục” là lớp kịch tiêu biểu. Mời các bạn tham khảo một số bài văn phân tích tác phẩm đã được TopChuan.com tổng hợp trong bài viết dưới đây.
Bài văn phân tích đoạn kịch “Ông Giuốc-đanh mặc lễ phục” số 8
Mô-li-e là một nhà viết kịch nổi tiếng người Pháp với nhiều tác phẩm nổi tiếng như Lão hà tiện, người bệnh tưởng… Trong đó “Trưởng giả học làm sang” là tác phẩm vô cùng tiêu biểu của ông và đoạn trích “Ông Giuốc-đanh mặc lễ phục” là một đoạn trích tiêu biểu của tác phẩm đó. Đoạn trích nói về câu chuyện của ông Giuốc-đanh khao khát sự quyền quý, sang trọng và ông thực hiện khao khát đó bằng việc khoác lên mình những bộ trang phục cao quý cùng với đó là sự ảo tưởng vô cùng hài hước về khao khát đó.
Đoạn trích xoay quanh hai cảnh chính, ở cảnh đầu tiên là cuộc đối thoại giữa ông Giuốc-đanh và bác phó may, câu chuyện trở nên hấp dẫn ngay từ phút đầu khi hình ảnh người đọc thấy được đầu tiên đó là sự vội vàng, quan trọng hóa vấn đề đến đỉnh điểm thông qua hình ảnh của ông Giuốc-đanh đang vô cùng nôn nóng chờ sự xuất hiện của ông thợ may chỉ để phàn nàn về chiếc bít tất của mình, rồi tiếp theo câu chuyện đó là chuyện bộ tóc giả, lông đính mũ và rồi cuối cùng vẫn là bộ lễ phục mới của ông với những bông hoa ngược. Và cũng chẳng biết những bông hoa đó được thiết kế như vậy dưới bàn tay người thợ may hay là sự cố trong quá trình thiết mà lại có như vậy, chỉ biết rằng ông Giuốc-đanh đã nhận ra điều đó, rồi chính sự hiểu biết nông cạn của ông cũng chẳng biết những bông hoa được thiết kế như vậy là đúng hay sai.
Nhưng với tính cách muốn học đòi làm sang, muốn bản thân mình theo hướng quý tộc nên chính ông đã bị người thợ may dẫn dắt theo ý của mình, “Mọi người quý phải đều mặc như thế cả”, chỉ với câu nói đó mà người thợ may đã thuyết phục ông Giuốc-đanh một cách toàn vẹn nhất, điểm hài hước ở đây đó là việc hoa bị may ngược thì sai rõ ràng như thế nhưng cái sự ngu muội đâu có giúp cho ông nhận ra điều đó, không chỉ dừng ở đó kịch tính của câu chuyện được đẩy lên khi bác phó may nắm bắt được tâm lí và đưa ra những lời lẽ vô cùng sắc sảo “Nếu ngài muốn thì tôi sẽ xin may hoa xuôi lại thôi mà”. Vì sợ mất đi sự quý phải mà mình muốn có, sợ mất đi cái nét quý tộc mà ông đã khao khát nên ông luôn miệng từ chối.
Chính giấc mộng muốn làm sang lại kèm theo sự dốt nát đó đã đưa phần đầu vở kịch ngày càng cao trào với các tình tiết hài hước, và rồi từ những thắc mắc của mình thì chính ông lại trở nên vô cùng hài lòng với tất cả những thứ mình đang có mà không hề hay biết đó chỉ là sự ngốc nghếch của bản thân ông. Sang cảnh sau của vở kịch sự hài hước lại được đẩy lên cao trào vẫn theo kịch bản cũ, vẫn là tính cách đó, tính cách học đòi làm sang theo phong cách quý tộc đó đã đưa người đọc tới những tình tiết hài hước tiếp theo, lần này lại là tay thợ phụ đưa ông vào kịch bản mà hắn đã tạo nên, ở đoạn đầu vở kịch là sự khéo léo của bác phó may khi dùng những lí lẽ dẫn chứng của mình để thuyết phục ông bào chữa cho những khuyết điểm mà mình đã gây ra thì sang tới đoạn này là hình ảnh những câu nịnh hót như rót mật vào tai một người đang ảo tưởng về sự quý phái.
Sẽ chẳng có gì để nói khi hai từ “Ông lớn” được thốt lên trước mặt ông Giuốc-đanh khi ông đang khoác trên mình bộ lễ phục mà ông cho là hoàn hảo nhất, câu nói như tôn lên sự quý phải của ông, câu nói như động đúng với những gì mà ông đang có, và chính câu nói đã làm ông bộc lột rõ nét hơn bản chất của mình, từ đó mà tay thợ phụ đã nhận ra điểm yếu từ một con người đang ảo tưởng kia, rồi những câu nói “Cụ lớn” “Đức ông” bắt đầu xuất hiện, chỉ như vậy đã đủ cho tay thợ phụ kiếm được số tiền thưởng đáng kể.
Đoạn trích đã xây dựng rất thành công tâm lí nhân vật, hoàn hảo trong khắc họa tính cách nhân vật, đối lập giữa sự ngờ nghệch, ảo tưởng, dốt nát, khao khát sự hào nhoáng bên ngoài của ông Giuốc-đanh là tính cách lanh lợi, khéo léo của tên thợ may, sự nịnh hót, tâng bốc của tay thợ phụ càng đẩy vở kịch trở nên cao trào và vô cùng hấp dẫn.
Bài văn phân tích đoạn kịch “Ông Giuốc-đanh mặc lễ phục” số 1
Mô-li-e được coi là nhà viết kịch có nhiều tác phẩm đạt đến mức cổ điển của thế giới. Vở kịch “Trưởng giả học làm sang” là một tác phẩm nổi tiếng của ông, trong đó trích đoạn “Ông Giuôc-đanh mặc lễ phục” là một trích đoạn tiêu biểu.
Lớp kịch này được chia làm hai cảnh, dấu hiệu nhận biết trên văn bản là đoạn chỉ dẫn sân khấu “Bốn tay thợ phụ bước vào…”. Cả hai cảnh này đều diễn ra trong không gian phòng khách nhà ông Giuốc-đanh – nhân vật chính. Không khí kịch càng về sau càng sôi động, cho đến cuối cảnh sau thì không khí hài kịch thực sự náo nhiệt. Trên văn bản, ta thấy ở cảnh trước gồm những lời thoại của hai nhân vật: ông Giuốc-đanh và bác phó may; cảnh sau là những lời đối thoại của ông Giuốc-đanh và tay thợ phụ. Cảnh trước, trên sân khấu xuất hiện bốn nhân vật (ông Giuốc-đanh và một gia nhân, bác phó may và tay thợ phụ mang bộ lễ phục).
Cảnh sau, xuất hiện thêm bốn tay thợ phụ nữa. Cảnh trước, ông Giuốc-đanh và bác phó may đối thoại với nhau. Cảnh sau, ông Giuốc-đanh nói với một cánh tay thợ phụ “mang lễ phục”, xuất hiện từ cảnh trước nhưng xung quanh ông là cả bốn tay thợ phụ đến sau đang xúm vào để giúp ông thử lễ phục mới nên như là nói với cả bọn. Thêm nữa, cảnh trước cử chỉ, động tác của các nhân vật ít hơn (chỉ là những cử chỉ, động tác kèm theo đối thoại của hai nhân vật), đến đoạn sau các thợ phụ nhộn nhịp cởi quần áo cũ, mặc lễ phục mới cho ông Giuôc-đanh… Thêm nữa, khi ông Giuốc-đanh mặc lễ phục còn có cả nhảy múa và âm nhạc!
Ở cảnh đầu của lớp kịch, tính cách của Giuốc-đanh thể hiện trong đối thoại với bác phó may. Nào là chuyện đôi bít tất, chuyện bộ tóc giả, lông đính mũ song chủ yếu là chuyện xoay quanh bộ lễ phục mới, với những bông hoa ngược! Làm sao mà biết được là do bác phó may đốt, do sơ suất hay cố ý may thành những bông hoa ngược? Chỉ biết rằng chính ông Giuôc-đanh phát hiện ra sự cố này. Khổ một cái, cái bác phó may với tay nghề khó hiểu này lại bảo rằng người quý tộc người ta vẫn mặc vậy. Mà ông Giuốc-đanh thì đang học đòi làm sang. Thế là ông hoàn toàn bị khuất phục bởi sự láu cá của bác phó may.
Kịch tính được đẩy lên khi bác phó may liên tiếp ra đòn: “Nếu ngài muốn thì tôi sẽ xin may hoa xuôi lại thôi mà”, “xin ngài cứ việc bảo”. Sợ cơ hội làm sang sẽ tuột mất, ông Giuốc-đanh cứ chối đây đẩy: “Không, không”, “tôi đã bảo không mà”. Rồi lại chính ông Giuô’c-đanh phát hiện ra bác phó may ăn bớt vải của mình. Song bác phó may đã nắm chắc điểm yếu của đối phương, chỉ cần bác lảng sang chuyện thử bộ lễ phục mới là ông Giuốc- đanh chẳng còn để ý đến chuyện ăn bớt vải nữa. Chẳng thế mà bác phó may lại quá tự tin khi mặc đúng cái áo may bằng vải ăn bớt của ông Giuốc-đanh đến nhà ông Giuốc-đanh.
Sang cảnh sau của lớp kịch, tính cách trưởng giả học đòi làm sang của ông Giuốc-đanh tiếp tục được bộc lộ. Lần này đến lượt tay thợ phụ lợi dụng ông ta. Nếu anh này cứ gọi ông Giuốc-đanh như thông thường (ông hoặc ngài) thì đã không có chuyện gì xảy ra (và chắc cũng không được tiền uống rượu). Đằng này lại xưng tôn là “ông lớn”, lại đúng vào lúc ông đang mặc lễ phục và say sưa với cảm giác trở thành quý phái. Thế là y được thưởng vì tiếng “ông lớn” sang trọng ấy. Tay thợ phụ ranh ma này nắm thóp được ông Giuốc-đanh thì liên tiếp tung ra những câu nịnh hót để moi tiền.
Và y đã rất thành công. Những tiếng “cụ lớn”, rồi “đức ông” đều đem lại cho y tiền thưởng. Không phải ông Giuốc-đanh không nghĩ gì đến túi tiền của mình (Nó như thế là phải chăng, nếu không ta không mất tong cả tiền cho nó thôi) mà là tại vì cái mộng quý phái còn lớn hơn cả sự tiếc tiền! Như vậy cũng đủ thấy tính cách học đòi làm sang của ông Giuốc-đanh mạnh đến mức nào.
Sự chênh lệch, mất cân xứng giữa nội dung và hình thức, giữa cái bên trong và bên ngoài là nguyên tác cơ bản để nhà văn tạo ra cái hài. Ở lớp kịch này cũng vậy, Mô-li-e đã xây dựng một nhân vật hài kịch bất hủ khi tạo ra sự khập khiễng, bất hoà giữa cái ngu dốt, ngớ ngẩn và cái sang trọng học đòi ở nhân vật ông Giuốc-đanh, với một loạt các tình tiết gây cười: bộ lễ phục với những bông hoa ngược, tiền thưởng cho những tiếng tôn xưng quý phái hão, vẻ vênh vác rởm hợm của ông Giuốc-đanh khi mặc lễ phục cũng như khi được tôn xưng… qua đó nhà văn chế giễu thói học đòi làm sang vẫn thường thấy trong xã hội.
Bài văn phân tích đoạn kịch “Ông Giuốc-đanh mặc lễ phục” số 6
Ở nước Pháp, ngày nay, người dân vẫn truyền nhau câu chuyện về một nhà văn vĩ đại : “Đức Chúa Trời muốn cho loài người được thưởng thức thú vui và khoái cảm của hài kịch, Đức Chúa Trời đã sáng tạo ra Mô-li-e ; và từ trên cao vời vợi, Chúa thả ông xuống, để ông muốn rơi vào nước nào thì tuỳ, Mô-li-e đã rơi xuống nước Pháp, tạo ra tiếng cười đặc trưng kiểu Pháp”. Mô-li-e không chỉ là nhà hài kịch vĩ đại của riêng nước Pháp mà của cả thế giới.
Tiếng cười châm biếm đả kích, trong hài kịch của ông đã có sức chiến đấu mạnh mẽ. Cả cuộc đời vinh quang, tủi nhục nhưng bất tử, Mô-li-e đã để lại cho đời nhiều kiệt tác bất hủ : Lão hà tiện, Người bệnh tưởng,., trong đó không thể không nhắc đến vở hài kịch Trưởng giả học làm sang. Thông qua đoạn trích Ông Giuốc-đanh mặc lễ phục người đọc phần nào thấy được tài năng của nhà hài kịch, thấy được sức mạnh của tiếng cười châm biếm, đả kích.Màn kịch gồm hai phần: Phần thứ nhất, ông Giuốc-đanh và bác phó may ; phần thứ hai, ông Giuốc-đanh và đám thợ phụ. Mô-li-e qua hình tượng Giuốc-đanh muốn đả kích, phê phán thói học đòi làm sang.
Tiếng cười chế giễu, hả hê liên tiếp được vang lên. Giuốc-đanh là một tư sản đang cố tìm cách để trở thành quý tộc. ở các màn kịch trước, Giuốc-đanh đã học múa, học nhảy, học hát, học kiếm. Giờ đây, để bổ sung vào “bộ sưu tập quý tộc”, lão học thêm cách ăn diện sao cho giống quý tộc. Mô-li-e đã khai thác triệt để sự tương phản đến lố bịch giữa một bên là ước muốn có những bộ đồ quý tộc kiêu hãnh và một bên là cái đầu rỗng tuếch, chỉ ưa nịnh nọt của lão tư sản Giuốc-đanh. Điểm thêm vào đó là sự “lõi gạo”, khôn ranh của tên phó may càng làm bộc lộ sự đua đòi đến lố bịch, kệch cỡm của tên trưởng giả học làm sang.Màn kịch mở đầu, Giuốc-đanh xuất hiện với nỗi bực tức “sắp phát khùng” vì đôi bít tất lụa phó may làm cho lão quá chật: “tôi khổ sở vô cùng mới xỏ chân vào được và đã đứt mất hai mắt rồi”.
Nhưng khi tên phó may lí luận : “Rồi nó dãn ra thì lại rộng quá ấy chứ” thì Giuốc-đanh hưởng ứng ngay: “Phải, nếu tôi cứ.làm đứt mãi các mắt thì sẽ rộng thật”. Người đọc mỉm cười bởi lẽ nếu các mắt cứ đứt ra thì đôi tất sẽ chẳng còn là đôi tất nữa. Gã Giuốc-đanh không chỉ kêu than về đôi tất chật mà còn vì “đôi giày bác bảo đóng cho tôi làm tôi đau chân ghê gớm”. Trước lời than thở, tên phó may đã rất thông minh chuyển ngay sang chuyện khác : “Thưa, đây là bộ lễ phục đẹp nhất triều đình và may vừa mắt nhất. Sáng chế ra được một bộ lễ phục trang nghiêm mà không phải màu đen thật là tuyệt tác. Tôi thách các thợ giỏi nhất mà làm nổi đấy”.
Với tên phó may thì đây là lời quảng cáo, lấy lòng tuyệt vời ; với Giuốc-đanh đây thực sự là những lời ca ngợi có cánh vì lão được sở hữu bộ lễ phục “đẹp nhất triều đình và may vừa mắt nhất”, nhưng với người đọc thì đây là lời nịnh hót đến nực cười. Những mâu thuẫn nối tiếp nhau : một bộ lễ phục trang nghiêm mà không phải màu đen, và lời thách đố của tên phó may cũng vậy : “Tôi thách các thợ giỏi nhất mà làm nổi đấy” điều này đồng nghĩa với việc trang phục không phải sản phẩm tuyệt tác của người thợ giỏi nhất mà có lẽ là của những kẻ tồi tệ nhất. Tiếng cười được vang lên khoái chí và mức độ của nó càng được nâng cấp khi Giuốc-đanh và tên phó may tranh luận với nhau về việc may hoa. Ông tư sản học đòi bất ngờ phát hiện ra chi tiết may hoa ngược “Thế này là thế nào? Bác may hoa ngược mất rồi!”. Tên phó may rất láu cá, trả lời “Nào ngài có bảo là ngài muốn may xuôi hoa đâu!” và vì nắm được ước muốn trở thành quý tộc của Giuốc-đanh, tên thợ may lí luận tiếp luôn : “Vì những người quý phái đều mặc như thế này cả”.
Lão trưởng giả bị “đánh trúng tim đen”, bộc lộ sự không hiểu biết của mình : “0 ! Thế thì bộ áo này may được đấy”. Từ chê chuyển sang khen ngợi nhanh chóng chỉ vì muốn A dua quý tộc. Màn kịch càng trở nên hấp dẫn, vui nhộn khi phó may “doạ” Giuốc-đanh : “Nếu ngài muốn thì tôi sẽ xin may hoa xuôi lại thôi mà”. Ngay lập tức trưởng giả giãy nảy “Không, không”. Người đọc cười ngả nghiêng khi hình dung ra dáng vẻ hoảng hốt của Giuốc-đanh, lão lo mình sẽ không có cơ hội trở thành quý tộc nếu không mặc áo hoa ngược. Hết lần này đến lần khác, Giuốc-đanh chẳng khác nào con rối bị tên phó may giật dây, cho , dù ngay khi biết rằng tên phó may đã ăn bớt vải của mình để may áo, lão cũng chỉ chẹp miệng mà rằng: “Đành là đẹp, nhưng đáng lẽ đừng gạn vào áo của tôi mới phải”, bởi lẽ tên phó may đã khoa trương ca ngợi lão lên tận mây xanh.Nhà hài kịch Mô-li-e đã xây dựng những đối thoại đầy hấp dẫn với một giọng điệu lạnh lùng mà chế giễu bỡn cợt. Nhà văn đã khai thác triệt để những tương phản đối lập trong những cái tưởng chừng bình thường nhất. Cái cười được bật ra rất tự nhiên.
Trong phần một, người đọc đã thấy được sự lố bịch, nực cười trong cách làm sang của Giuốc-đanh. Đến phần hai, sự lố bịch càng trở nên kệch cỡm hơn qua cách xưng tụng. Do nắm được ý muốn trở thành quý tộc của Giuốc-đanh, lão thợ phu láu cá đã thay đổi cách xưng hô để Giuốc-đanh thấy mình như đã trở thành quý tộc thực sự. Từ “ngài” tên thợ phụ chuyển sang cách gọi cung kính hơn “Bẩm ông lớn”, ngay lập tức tiếng gọi đó phát huy tác dụng. Lão trưởng giả bất ngờ, ngạc nhiên “Anh gọi ta là gì ?” và rồi sung sướng nhận ra rằng ““ăn mặc theo lối quý phái thì thế đấy! Còn cứ bo bo giữ kiểu áo quần trưởng giả thì đời nào được gọi là “ông lớn””. Tiếng cười cho sự rỗng tuếch, học đòi lại được vang lên sảng khoái.
Đối với Giuốc-đanh, bộ lễ phục lố lãng đó giờ đây trở thành “bảo bối” đưa lão lên địa vị cao sang. Không bỏ qua cơ hội kiếm tiền hiếm có, tên thợ phụ tiếp tục nâng cấp: “Bẩm cụ lớn” thế là lão trưởng giả đắc chí cười lớn “ồ ồ, cụ lớn !… cái tiếng cụ lớn đáng thưởng lắm. ““Cụ lớn” không phải là một tiếng tầm thường đâu nhé””. Tiền trong túi Giuốc-đanh lại được phân phát trong sự hả hê. Cấp độ xưng tụng cao nhất khiến Giuốc-đanh thấy mình trở thành “quý tộc thực sự” là khi thợ phụ gọi lão là “bẩm đức ông”, tiếng cười trở nên giòn giã, khoái chí hơn: “Hà hà ! Hà hà”. Dẫu biết bọn thợ phụ làm như thế là để kiếm tiền của mình nhưng lão vẫn sung sướng ““thưởng cho chú về tiếng “đức ông” đấy nhé Thói học đòi thô thiển đến kệch cỡm khiến người đọc không khỏi bật cười. Sự chế giễu mỉa mai càng thêm sâu sắc.
Chỉ với một màn kịch ngắn, bằng tài năng vĩ đại của mình, nhà hài kịch Mô-li-e đã đem lại những tiếng cười chế giễu, phê phán sâu sắc đầy giá trị nhân văn. Ông đã khắc hoạ rõ nét chân dung một loại người đáng lên án trong xã hội Pháp, thế kỉ XVII : Trưởng giả học đòi làm sang. Nhưng ý nghĩa phê phán đó đến nay vẫn còn nguyên giá trị với những ai chỉ biết học đòi phù phiếm xa hoạ. Đó là những tiếng cười có sức sống trường tồn vượt lên trên sự băng hoại của thời gian, sống mãi trong lòng các thế hệ bạn đọc.
Tôi hiểu rằng, vì sao nhà phê bình văn học Sainte-Beuve, thế kỉ XIX, khẳng định rằng: “Nếu tổ chức một đại hội các nhà văn lớn từ cổ, chí kim trên toàn thế giới thì người đại diện duy nhất cho văn đàn Pháp phải là Mô-li-e chứ không phải một ai khác”, cống hiến đến hơi thở cuối cùng cho nghệ thuật, nhà hài kịch Mô-li-e xứng đáng có được vị trí cao quý đó.
Bài văn phân tích đoạn kịch “Ông Giuốc-đanh mặc lễ phục” số 2
Mô-li-e là một nhà biên kịch lớn của Châu Âu thế kỉ XVII và là người sáng lập ra nền hài kịch cổ điển Pháp. Ông phản ánh những vấn đề xã hội, phê phán thứ văn hóa cầu kì của quý tộc, những lề sống giả dối, hèn hạ của bọn quý tộc lớn nhỏ. Bên cạnh đó là sự chế giễu những đầu óc hẹp hòi, gia trưởng, bảo thủ không chịu tiếp thu những tư tưởng tiến bộ của khoa học. Vở kịch ” Trưởng giả học làm sang” là một tác phẩm nổi tiếng, mang tính hiện thực sâu sắc. Mô-li-e đã xây dựng lên một nhân vật hài kịch bất hủ khi tạo ra sự khập khiễng, bất hòa giữa cái ngu dốt, ngớ ngẩn và cái sang trọng ở nhân vật ông Giuốc-đanh. Đoạn trích ” Ông Giuốc-đanh mặc lễ phục” đã miêu tả sinh động điều đó.
“Trưởng giả học làm sang” là môt vở hài kịch năm hồi, có xen màn ca múa phụ họa nên gọi là vũ khúc hài kịch. Đoạn trích ” Ông Giuốc- đanh mặc lễ phục” là lớp kịch kết thúc hồi II. Nhân vật trung tâm của vở kịch là ông Giuốc- đanh, tuổi ngoài bốn mươi, con một nhà buôn giàu có. Tuy dốt nát thô kệch, nhưng ông muốn học đòi làm sang. Nhiều kẻ lợi dụng tính cách đó, săn đón, nịnh hót ông để moi tiền. Cảnh Giuốc-đanh mặc lễ phục là một biểu hiện của thói học đòi lối ăn mặc sang trọng của quý tộc. Lão ta đã bị bọn thợ may lợi dụng. Tác giả đã khắc họa sinh động, tài tình, làm nổi bật tính cách lố lăng của một gã trọc phú thừa tiền rửng mỡ. Chân dung hài hước của Giuốc-đanh đã gây ra những trận cười sảng khoái cho khán giả. Màn kịch là sự châm biếm, đả kích và phê phán mạnh mẽ của Mô-li-e đối với giai cấp tư sản đương thời.
Màn kịch được chia làm hai cảnh. Cảnh thứ nhất là sự xuất hiện của ông Giuốc-đanh và bác phó may diễn ra tại một phòng trà. “A! Bác đã tới đấy à? Tôi sắp phát khùng lên vì bác đây”. Đó là lời reo lên vừa vui mừng vừa trách móc của ông Giuốc-đanh khi bác thợ may xuất hiện. Với thái độ ấy chắc hẳn ông Giuốc-đanh đã hào hứng biết nhường nào để thấy bộ lễ phục mình đặt may- bộ lễ phục ấy chính là niềm quan tâm của ông, có nó mọi người sẽ biết ông là người giàu có, là quý tộc.
Ông Giuốc-đanh ngờ nghệch bị phụ may lừa gạt. Những thứ ông mua chỉ toàn đồ dởm, nào là chiếc bít tất chật, “mới xỏ chân vào được và đã đứt mất hai mắt rồi”, hay đôi giày không vừa chân khiến ông đau chân ghê gớm.Tình huống gây cười cũng bắt đầu từ đấy. Bác phó may khéo léo qua mặt, lấp liếm, để tránh những trách móc, bác phó may đã chuyển chủ đề về bộ lễ phục. Ông Giuốc-đanh phát hiện ngay hoa bị may ngược:”Bác may hoa ngược mất rồi”. Mặc dù ông rất nóng lòng xem sản phẩm của phó may nhưng ông vẫn đủ tỉnh táo để nhận ra lỗi. Bác phó may đáp ngay lại rằng: “nào ngài có bảo là ngài muốn may xuôi hoa”.
Ông Giuốc-đanh giận lắm nhưng khi nghe bác phó may nói là quý tộc đều mặc như thế thì ông lại thôi, bởi cốt sao ông mặc giống với quý tộc là được. Chỉ cần như thế, bác phó may không cần phải may lại mà còn được khen là” bộ này may được đấy”. Rồi khi ông hỏi áo có vừa vặn không, bộ tóc giả và lông đính mũ có được chững chạc không? Kèm đó là câu trả lời đầy sự nịnh nọt của phó may:” còn phải hỏi, tôi đố họa sĩ nào lấy bút mà vẽ hầu ngài bộ áo vừa khít hơn được” rồi tiếp nữa “chững chạc tuốt”, những lời ấy như rót mật vào tai, càng khiến ông Giuốc-đanh đắc ý tột độ.
Ông Giuốc-đanh phát hiện ra bác phó may ăn bớt vải. Nhưng ông chỉ trách móc nhẹ nhàng: “đành là đẹp nhưng đáng lẽ đừng gạn vào áo của tôi mới phải”. Trước sự phát hiện ấy, bác phó may không lý luận, biện hộ mà lờ đi chuyển sang việc thử áo. Với sự khôn ngoan ấy,bác phó may khiến ông Giuốc-đanh không còn giận, tiếc xém nữa mà hào hứng mặc bộ lễ phục từ lâu. Một lần nữa, ông lại mù quáng trước những sai phạm về bộ trang phục và để bác phó may qua mặt.
Không chỉ bị lừa bịp, lão trưởng giả ấy lộ chân tướng là một kẻ lố bịch như một con rối khi phó may đem bốn tay thợ phụ để hầu ông mặc lễ phục theo thể thức, mặc theo nhịp điệu, theo cách mặc của cho các nhà quý phái. Khung cảnh trở lên nhộn nhịp hơn, thú vị hơn, một màn biểu diễn gây tiếng cười lớn cho khán giả về màn thay đồ lố lăng theo nhịp điệu của dàn nhạc. Phải chăng thói học đòi của một cánh tay trọc phú đã biến ông trở thành một kẻ ngờ nghệch, đầy sự lố bịch, như một thằng hề không hơn không kém.
Nếu như cảnh thứ nhất là sự tránh né thành công những sai sót của bác phó may thì cảnh thứ hai trở lên hấp dẫn, náo nhịp hơn với sự nịnh lọt của đám thợ phụ, bởi đánh trúng tâm lý mà đám thợ phụ đã được một khoản tiền hời hĩnh. Khi mặc xong bộ lễ phục, có lẽ tay thợ phụ buộc miệng hoặc cố tình gọi ngay ông là “ông lớn”. Khiến cho ông ngỡ mình ăn mặc theo lối quí phái đã trở thành bề trên, sang trọng vô cùng. Ông sung sướng với cách mà thợ phụ gọi lập tức thưởng tiền cho hai tiếng ông lớn ấy.
Kiếm tiền trở nên thật dễ dàng, đám thợ phụ dường như đã nắm thóp được lão, họ biến ông thành gã khờ khạo, tiếng “cụ lớn” thốt lên để cảm ơn khiến ông thích thú gấp nhiều lần: “ồ ồ, cụ lớn, không phải là một tiếng tầm thường” và tiền được ông vung ra thưởng một cách không đáng tiếc. Ông luôn nghĩ đến túi tiền của mình nhưng đến khi đám thợ phụ nâng ông lên tận tầng mây với hai tiếng ” đức ông” chắc nhẩm”đến mất tong cả tiền cho nó thôi” nhưng ông vẫn sẵn sàng thưởng tiền cho tên thợ phụ và có lẽ cả túi tiền cũng đáng nếu đám thợ phụ tôn ông lên bậc tướng công.
Cảnh đám thợ phụ tôn ông trưởng giả từ ông lớn lên cụ lớn rồi đức ông làm cao trào kịch được đẩy lên, mang đến những tiếng cười lớn cho khán giả. Mô-li-e đã làm cho màn kịch đậm sự trào phóng, nổ tung những tiếng cười châm biếm thói lố bịch, háo danh, ưa nịnh, thích được tâng bốc của bọn quý tộc phong kiến lỗi thời.
Mô-li-e đã xây dựng thành công nhân vật hết sức sinh động, khắc họa tài tình tính cách lố lăng của một cánh tay trưởng giả học đòi làm sang mang đến tiếng cười sảng khoái cho khán giả. Đồng thời, qua nhân vật ông Giuốc-đanh là sự phê phán, châm biếm những kẻ hoang tưởng về mình, ham thích những thứ không thể và không nên có. Trải qua nhiều thế kỉ, nhưng sức phê phán hiện thực của vở kịch để lại vẫn còn giá trị đến bây giờ.
Bài văn phân tích đoạn kịch “Ông Giuốc-đanh mặc lễ phục” số 9
Nhắc tới thể loại kịch, người ta nhắc tới nước Pháp với những vở kịch vô cùng nổi tiếng cùng những tác giả làm nên tên tuổi cho thể loại này. Nhắc tới thành công của kịch Pháp ta nhớ đến Mo-li-e, người viết thành công kịch 5 hồi, và thành công với hài kịch “Trưởng giả học làm sang” mà “Ông giuốc- đanh mặc lễ phục” là đoạn kịch cho thấy rõ chủ đề mà Mo-li-e truyền tải.
Vở kịch gồm 2 cảnh, cảnh thứ nhất là sự xuất hiện của ông Giuốc- đanh và bác phó may. Khi bác phó may mang đến bộ lễ phục theo nhu cầu của ông Giuốc- đanh – bộ lễ phục được coi là niềm quan tâm duy nhất của ông ta hiện nay, vì có nó mọi người sẽ biết ông là người giàu có, là quý tộc. Cuộc đối thoại của hai người được coi là chủ- tớ ấy chỉ xoay quanh bộ trang phục. Ông Giuốc- đanh đã phát hiện hoa trên bộ lễ phục bị may ngược, đó là lỗi mà bất cứ ai cũng có thể phát hiện điều đó có nghĩa mặc dù đang rất nóng lòng xem sản phẩm của bác phó may mang đến nhưng ông Giuốc- đanh vẫn đủ tỉnh táo để nhận ra lỗi.
Sự việc đã không xảy ra căng thẳng bởi có lẽ bác phó may đã hiểu tâm lý của ông Giuốc- đanh, bác lý luận rằng những nhà quý tộc đều mặc áo hoa may ngược như vậy, tưởng chừng ông Giuốc- đanh sẽ khắt khe, quát mắng, bắt may lại, nhưng không, hai tiếng “quý tộc” mà bác phó may “lý luận cùn” ấy đã làm đảo ngược tình thế. ông Giuốc- đanh không những không nóng giận mà rút ngay ý của mình lại, điều này chứng tỏ ông không những kém hiểu biết mà còn thích danh giá, sang trọng, học đòi theo lớp quý tộc nhưng thực chất không hiểu quý tộc ra sao. Chính vì muốn người ta gọi ông bằng hai tiếng “quý tộc” ấy mà ông vô tình bị bác phó may qua mặt, và coi đó là mốt.
Kịch tính chưa dừng lại ở đó. ông Giuốc- đanh phát hiện bác phó may ăn bớt vải, nhưng lần này ông chỉ trích nhẹ nhàng hơn: Đành là đẹp, nhưng đáng lẽ đừng gạn vải áo của tôi mới phải. Trước sự phát hiện ấy, lần này bác phó may không lý luận, biện bạch nữa, bác đánh trống lảng và lờ đi chuyển sang việc “thử áo”. Đấy là cách dụ làm cho ông Giuốc- đanh quên đi việc ăn bớt vải nhanh chóng, hẳn là ông đã nóng lòng muốn mặc nó từ rất lâu. Ông nhanh chóng nhận lời: “Ừ! Đưa đây”. Câu nói biến ông Giuốc- đanh trở thành một cánh tay mù quáng trước những sai phạm trên bộ trang phục và bác phó may lần nữa qua mặt rất nhẹ nhàng.
Cuộc đối thoại thứ hai là sự xuất hiện của bốn tay thợ phụ và ông Giuốc- đanh. Cảnh này, tính cách trưởng giả càng hiện rõ nét và tính hài kịch càng được đẩy lên cao. Bốn tay thợ phụ với những cách gọi khác nhau đã đem đến giá trị “siêu lợi nhuận” mà không cần dùng công sức lao động. hị kiếm lời đối kháng giản như chưa bao giờ đối kháng giản hơn. Khi ông Giuốc- đanh mặc xong lễ phục, tay thợ phụ có lẽ vừa buột miệng nhưng cũng vừa hiểu được tâm lý của bất cứ ai khoác trên mình bộ trang phục mới là thích khen, thợ phụ thứ nhất gọi ngay ông là “ông lớn”, điều này khiến ông ngỡ rằng mình đang mang một bộ đồ vô cùng sang trọng và nghiễm nhiên trở thành bề trên. Ông sung sướng, thỏa nguyện được tôn sưng nên đã lập tức thưởng tiền cho hai tiếng ông vừa nhận được.
Dường như cả bốn tay thợ phụ đã bắt được thóp của tên trưởng giả này, họ đã biến ông Giuốc- đanh thành một cánh tay khờ khạo, tiếng “cụ lớn” vừa thốt ra ông đã thấy mở mặt hơn gấp nhiều lần: “ ồ ồ, cụ lớn, không phải một tiếng tầm thường” và tiền thưởng được vung ra một cách không tiếc rẻ. Tên thợ phụ thứ ba gọi ông là “cụ lớn” và lần này hắn cũng nhận được “thù lao” không kém. ông Giuốc- đanh luôn nghĩ đến túi tiền của mình, nhưng khi tay thợ phụ thứ tư đã nâng lên tận mây xanh, gọi là “đức ông” mặc dù ông nói riêng: “Nó như thế này là phải chăng, nếu không ta đến mất tong cả tiền cho nó thôi”! nhưng ngày sau đó ông sẵn sàng thưởng tên thợ phụ và có lẽ sẽ mất cả túi tiền nếu nghe được hai tiếng “tướng công”. Màn kịch khép lại trong câu nói: “Của đáng tội, nếu nó tôn mình lên bậc tướng công, thì nó sẽ được cả túi tiền mất” lột tả tính chất trưởng giả, học đòi làm sang đến mê muội, mù quáng, không phân biệt được lời nói thực với lời nói đưa đẩy, nịnh nọt của ông Giuốc- đanh nhưng cũng là chi tiết đẩy vở kịch lên đến cao trào.
Mặc dù không được xem vở kịch công diễn nhưng đọc kịch, ta đã thấy rõ được bản chất lố bịch, xấu xa đáng bị tống tiễn ra xã hội của ông Giuốc- đanh và cũng thấy được tài năng của Mo-li-e, đã đưa “trưởng giả học làm sang” thành vở hài kịch cổ điển mẫu mực.
Bài văn phân tích đoạn kịch “Ông Giuốc-đanh mặc lễ phục” số 5
Đây là trích đoạn trong vở hài kịch nổi tiếng của Mô-li-e, Trưởng giả học làm sang (lớp 5, hồi II). Nói đến kịch phải nói đến xung đột kịch. Nhưng đi vào hài kịch thì cái mà người xem chú ý nhất lại là nghệ thuật gây cười. Trong những tình huống nhất định, nhân vật chính của hài kịch xuất hiện đem đến cho người xem những nụ cười sảng khoái. Đạt đến mức ấy, vở kịch đã thành công.
Cảnh thứ nhất: ông Giuốc-đanh và bác phó may. Đối thoại đầu tiên của hai nhân vật xung quanh chuyện bít tất với đôi giày. Ở đây, ông Giuốc-đanh là người có lí, bởi cả hai thứ ông ta đều đi chật. Còn vì sao ông ta phải “khổ sở vô cùng mới xỏ chân vào được” (đối với tất) hay nó “làm tôi đau chân ghê gớm” (đối với đôi giày) chẳng qua là ở thói láu cá ăn bớt tiền của bác phó may (số nhỏ thì thường ít tiền hơn số đo lớn hơn), cũng như ở đoạn sau : may một bộ lễ phục cho khách mà bác ta cố tinh gạn đủ một cái áo cho mình. Biết tỏng những mẹo vặt ấy, ông Giuốc-đanh dồn bác ta vào thế chân tường. Ăn vụng bị bắt quả tang, bác phó may là người đuối lí. Người xem hoàn toàn đồng cảm với ông Giuốc-đanh vì lúc này trí óc ông còn tỉnh táo. Vì tỉnh táo nên lí luận sắc sảo. Chẳng hạn khi bác phó may chống chế về đôi tất không xỏ vừa chân “Rồi nó dãn ra thì lại rộng quá ấy chứ”, ông Giuốc-đanh đốp vào mặt bác ngay “Phải, nếu tôi cứ làm đứt mãi các mắt thì sẽ rộng thật”. Còn với đôi giày đi chật, bác phó may không chịu, cho đó chí là tưởng tượng (“Ngài cứ tưởng tượng ra thế”), ông Giuốc-đanh có lẽ phải của ông : “Tôi tưởng tượng ra thế vì tôi thấy thế. Bác này lí luận hay nhỉ !” Cái đúng ở ông Giuốc-đanh có được là nhờ vào thực tế, lấy thực tế (là đôi chân của mình) làm thước đo, vì vậy mà phân biệt được phải trái rạch ròi.
Khi không còn chỗ dựa ấy, hoặc lấy tưởng tượng làm chỗ dựa cho mình, ví như hình mẫu một nhà quý tộc trong cách ăn mặc ra sao, ông ta không còn sáng suốt nữa. Bị mù quáng và mê hoặc, ông Giuốc-đanh chỉ còn là một thứ hình nộm, một thứ con rối do người khác điều khiển giật dây. Nghệ thuật gây cười bắt đầu từ đó. Câu giới thiệu về bộ lễ phục vừa may xong của bác phó may đối với ông Giuốc-đanh như một phép thử, thử xem ông ta đã mê muội đến đâu: “Thưa, đây là bộ lễ phục đẹp nhất triều đình và may vừa mắt nhất. Sáng chế ra được một bộ lễ phục trang nghiêm mà không phải màu đen thật là tuyệt tác…”. Nhưng, sự khoác lác của bác phó may không hoàn toàn làm cho ông Giuốc-đanh bị hoa mắt. Ông ta lại có lí luận của ông ta : “Thế này là thế nào ? Bác may hoa ngược mất rồi !” Lần này, ông ta vẫn có lí vì người thợ may nào chẳng phân biệt được cái điều sơ đẳng ấy.
Nhưng cái lí của ông ta (Giuốc-đanh) chỉ có đến như thế, rồi thôi. Câu chống chế của bác phó may làm cho lão nửa tin nửa ngờ : “Vâng, phải bảo chứ. Vì những người quý phái đều mặc như thế này cả”. Câu thứ nhất, lão chắc không tin, nhưng đến câu thứ hai thì lão đã có phần tin, vì tin mà lão chì cần hỏi lại bác phó may tinh khôn bằng một giọng của kẻ đáng thương đuối lí : “Những người quý phái mặc áo hoa ngược ư ?”. Với người xem, luận điệu của bác phó may rõ ràng là lừa bịp (lễ phục không may màu đen, lại còn may hoa ngược), còn với ông Giuốc-đanh, ông thay đổi rất nhanh như người vồ được của. Vồ được của rồi, ông hí hửng, ông ôm giữ khư khư. Lại một phép thử nữa xem cá cắn câu đến mức độ nào khi bác phó may nói rằng hoa ngược có thể đổi thành hoa xuôi ( ?) thì ông Giuốc-đanh chối đây đẩy: “Không, không” và lảng sang chuyện khác: “Bác cho rằng tôi mặc áo này có vừa vặn không ?”.
Sự đắc ý của ông Giuốc-đanh đã lên đến tột độ khi có được bộ lễ phục đúng mốt quý tộc. Điều đó làm cho lão lờ đi những chuyện vặt vãnh, rãu ria. Bộ tóc giả và lông đính mũ, lão chỉ hỏi lấy lệ, qua loa, cũng như biết bác phó may ăn bớt vải một cách tham lam, trắng trợn (dám mặc áo bằng vải của mình trước mặt mình), lão cũng chỉ. phàn nàn đôi chút mà thôi (“Đành là đẹp, nhưng đáng lẽ đừng gạn vào áo của tôi mới phải”). Xung đột kịch, diễn biến kịch không căng thảng (như bi kịch chẳng hạn) nhưng qua nhân vật hài (ông Giuốc-đanh), tác giả đã giúp ta hình dung : thói học đòi, A dua đã biến đổi con người sâu sắc biết chừng nào. Sự sáng suốt bỗng trở lên mù quáng. Đúng mà hoá thành sai và ngược lại. Rối tinh lên và lộn tùng phèo không còn biết đâu là chân lí nữa.
Cảnh thứ hai: ông Giuốc-đanh và những tay thợ phụ. Nếu ở cảnh thứ nhất, sự lừa bịp đã thành công vì cái sự học đòi biến con người (ông Giuốc-đanh) thành một thứ mồi ngon của nó thì ở cảnh thứ hai, sự tâng bốc đã thắng lợi vì những danh tiếng hão huyền mà con người thường ước mơ, khao khát. Đầu tiên, nghe chú thợ phụ xin tiền uống rượu, ông Giuốc-đanh giật mình, giật mình không phải vì sợ (sợ mất tiền, cái sợ cố hữu của những người giàu keo kiệt) mà vì sung sướng, mở mày mở mặt : lần đầu tiên, ông ta được gọi là ông lớn. Một cách gọi chưa quen nên chưa dám tin không biết mình có phải nghe nhầm hay không ? Ông ta phải hỏi lại cho chắc chắn. Khi biết đích xác là như thế qua lời nhắc lại của chú thợ phụ, nhất là khi tin vào lập luận của chính ồng ta (“Ấy đấy, ăn mặc theo lối quý phái thì thế đấy! Còn cứ bo bo giữ kiểu áo quần trưởng giả thì đời nào được gọi là ông lớn”), sự trả giá của ông Giuốc-đanh thật là hào phóng (“Đây, ta thưởng vể tiếng ông lớn đây này !”).
Thói láu cá ranh ma – thực chất là từ lòng tham của tay thợ phụ có cái mũi rất tinh. Nó đánh hơi được con mồi béo bở : kẻ thích tâng bốc có cả một túi tiển. Túi tiền ấy giúp cho chú thợ phụ tinh khôn leo thang từng nấc một, biết kiềm chế, cứ từ từ, không đi đâu mà vội. Hãy cứ để cho người có túi tiền kia có thời gian tận hưởng niềm vui. Vì cứ có niềm vui của lão là tiền sẽ được xì ra. Lão không tiếc tiền vì lão cần danh vọng hơn, dù sự tôn vinh ấy có là.giả tạo đi chăng nữa. Cứ thế, danh vọng hão nhưng tiền lại là có thật. Những chú thợ phụ chỉ cần có thế, cứ tha hồ đem đến cho lão những niềm vui. Song, nhân vật chính ở cảnh này không phải là các chú thợ phụ, dù họ có đến bốn năm người và dù họ có mưu ma chước quỷ đến đâu. Nhún vật ông Giuốc-đanh mới lẳ đối tượng mồi chài của họ, là nạn nhân mà cứ tưởng mình là ông lớn, mới là nhân vật trung tâm. Nhân vật ấy hiện trên sân khấu như cứ bằng xương thịt hẳn hoi vì ông ta là một người có tính cách : lòng hám danh kể cả cái danh nếu chỉ cần tỉnh táo một chút thôi sẽ biết là giả dối.
Lão Giuốc-đanh còn tỉnh táo làm sao được trước vòng hào quang đường mật ? Hệ thống đại từ nhân xưng: ông lớn, cụ lớn, đức ông thường dùng với những nhà quý tộc đã được lạm phát ở đây, với người xem nó dùng để lừa người, lừa những kẻ trưởng giả như ông Giuốc-đanh ngu dốt hám danh. Ấy là còn chưa kê đến trình tự từ thấp đến cao của nó. Dù có là quý tộc hẳn hoi đi nữa thì làm sao có sự thăng cấp liên tục và chỉ trong phút chốc thế kia ? Thế mà ông Giuốc-đanh có lần nào không vui, lần nào cũng như mở cờ trong bụng, và không lần nào giống lần nào. Hai lần trước ông ta say, say trước những từ ngữ đại ngôn hoa mĩ.
Niềm vui của nhân vật lớn bé tuy có khác nhau, nhưng là niềm vui trọn vẹn, ông ta thoả mãn và có thể ngủ yên trong vòng tay của giấc mơ hạnh phúc tràn đầy. Nhưng đến lần thứ ba, ông ta có phần hồi tỉnh. Sự sáng suốt trở lại chăng ? Quả thật là có thế. Nhưng dù có thế, có tự dặn mình đừng quên cái túi tiền mỗi lúc một vơi đi với những lần tôn vinh, xưng gọi (“Của đáng tội, nếu nó tôn ta lên bậc tướng công thì nó sẽ được cả túi tiền mất”), nhưng đâm lao phải theo lao, vả lại tội gì mà kìm nén niềm sung sướng mà đâu phải lúc nào cũng có?
Tóm lại, tình huống kịch và diễn biến kịch dù chí qua hai cảnh diễn nhưng rất sinh động, luôn luôn phát triển. Từ đó mà nhân vật kịch được khắc hoạ tài tình. Nổi bật lên một tính cách rất đáng bị phê phán : thói học đòi làm sang của hạng người trưởng giả. Tính cách ấy biến con người thành một thứ trò hể mà chính con người – hể kia không tự biết. Dĩ nhiên, nhân vật của Mô-li-e chỉ là sản phẩm của một thời (thế kỉ XVII), của một nền văn chương (văn chương Pháp). Nhưng là một hình tượng nghệ thuật được xây dựng rất thành công như thế, cho đến ngày hôm nay, nó vẫn là một cảnh báo. Con người sẽ không còn là con người nếu bị nhiễm dộc về tinh thần. Sự biến chất, sự thoái hoá sẽ diễn ra như một thứ nguy cơ không thể nào tránh được.
Bài văn phân tích đoạn kịch “Ông Giuốc-đanh mặc lễ phục” số 10
Tác giả Mô -li- e là một nhà văn nhà biên kịch lớn của nền văn chương Châu Âu thế kỷ 17. Ông chính là người tạo dựng, sáng lập ra nền hài kịch cổ điển Pháp. Trong các tác phẩm của mình ông đều phản ánh những thói hư tật xấu của lớp người quý tộc.
Tác phẩm “Trưởng giả học làm sang” là một vở hài kịch nổi tiếng thể hiện sự châm biếm những thói hư tật xấu của con người tuy có ít tiền nhưng thiếu học thức. Lúc nào cũng tỏ vẻ ta đây hiểu biết sành điệu, quý tộc. Trích đoạn “Ông Giuốc- đanh mặc lễ phục” nhân vật trung tâm là ông Giuốc đanh một người giàu có tuổi ngoại tứ tuần, dốt nát ít chữ nghĩa không được học hành nhiều, nhưng may mắn giàu có nên ông ta lúc nào cũng học đòi làm sang. Những kẻ xu nịnh bủa vây xung quanh ông, nịnh hót, để kiếm chác, moi tiền của ông Giuốc đanh nhưng ông không hề hay biết cứ tưởng mình quyền quý, cao sang khiến nhiều người nể trọng.
Ông Giuốc đanh đi may lễ phục lối phong cách ăn mặc của những gia tộc quyền quý, do không hiểu biết nên Giuốc đanh bị thợ may chơi đểu, moi tiền. Tác giả đã vô cùng tinh tế khi khắc họa nhân vật Giuốc đanh đúng tính cách của một tên trọc phú lắm tiền những ngu dốt, thích đua đòi theo người ta nhưng chỉ làm trò hề cho thiên hạ mà thôi. Thông qua tác phẩm của mình nhà văn Mô-li-e cũng vạch trần tội ác độc của chế độ cũ, khi phân biệt giai cấp giàu nghèo, phân biệt đối xử.
Vở kịch chia làm hai cảnh chính. Trong cảnh một ông Giuốc-đanh xuất hiện với bác phó may diễn ra tại một phòng trà cao cấp ” Bác đã tới đấy à? Tôi sắp phát khùng lên vì bác đây”. Những lời reo vui mừng, vừa nhắc nhở của ông Giuốc đanh khi người thợ may vừa bước ra . Thái độ mừng vui nay cho thấy ông Giuốc -đanh vô cùng vui mừng, hào hứng khi thấy bộ quần áo mình đặt may đã xong. Bộ lễ phục ấy không chỉ là một bộ quần áo thông thường mà nó thể hiện sự giàu sang, quyền lực của một người khi gia nhập tầng lớp quý tộc thời xưa.
Nhưng ông Giuốc-đanh ngây thơ đã bị người phụ tá thợ may lừa gạt. Những thứ ông mua chỉ toàn đồ dởm, đồ rẻ tiền, bít tất trật mới đi vào đã đứt mất hai mắt rồi, hay giày không vừa với bàn chân khiến ông sẽ bị đau chân khi mang nó. Tình huống hài hước châm biếm gây cười xuất hiện. Bác phó may đã khôn khéo qua mặt, lấp liếm để tránh những trách móc của Giuốc đanh khi chuyển chủ đề. Khi ông Giuốc- đanh phát hiện hoa bị may ngược.
Thì bác phó may đáp lại ngay rằng “nào ngài có bảo ngài muốn ay hoa xuôi”. Khiến ông Giuốc -đanh giận điên người nhưng khi nghe bác phó may nói là quý tộc nào cũng đều thích hoa ngược, thì ông Giuốc đanh đã thay đổi thái độ “Bộ này may được đấy” điều này cho thấy ông Giuôc đanh chỉ cần được làm quý tộc còn đẹp xấu, thẩm mỹ như thế nào ông không quan tâm. Có lẽ nếu ở trần mà thành quý tộc thì ông cũng thấy nó đẹp.
Rồi khi ông Giuốc đanh phát hiện ra người thợ may ăn bớt vải ông nói “đành là đẹp nhưng đáng lẽ đừng gạn vào áo của tôi mới phải”. Trước tình huống đó người thợ may vội vàng lờ đi chuyển sang việc thử áo cho Giuốc- đanh. Lão thợ may con mang thêm bốn nhân viên phục cho việc thử áo của Giuốc đanh trở nên hoành tráng, đúng quý tộc hơn. Bọn thợ phụ thi nhau nịnh hót, lừa phỉnh ông để kiếm tiền của Giuốc đanh, việc kiếm tiền trở nên quá dễ dàng khiến cho bọn chúng thi nhau đào mỏ.
Tác giả đã vô cùng sâu sắc, tinh tế khi xây dựng nhân vật Giuốc -đanh ngu dốt nhưng thích học đòi làm sang, thích trở thành quý tộc trong khi mình xuất thân hèn kém may mắn nhờ trúng quả mà trở nên giàu có . Nhưng ông ta lại muốn một bước lên trời gia nhập giới thượng lưu được vạn người nể trọng. Khiến cho ông trở thành mỏ vàng để đào cho những kẻ đào mỏ, nịnh hót, cơ hội.
Có thể bạn thích: