Đoạn trích “Mã Giám Sinh mua Kiều” là bức tranh hiện thực về xã hội đồng thời thể hiện tấm lòng nhân đạo của Nguyễn Du trên cả hai phương diện: phơi bày bản chất xấu xa, đê tiện của Mã Giám Sinh, vừa lên án các thế lực xấu xa, tàn bạo, lại vừa thương cảm xót xa trước sắc đẹp, tài năng nhân phẩm của người phụ nữ bị chà đạp. Mời các bạn tham khảo một số bài văn phân tích đoạn trích “Mã Giám Sinh mua Kiều” mà TopChuan.com tổng hợp trong bài viết dưới đây để thấy rõ hơn điều đó.
Bài văn phân tích đoạn trích “Mã Giám Sinh mua Kiều” của Nguyễn Du số 5
Đoạn trích “Mã Giám Sinh mua Kiều” nằm trong tác phẩm “Truyện Kiều” của đại thi hào dân tộc Nguyễn Du – một thiên truyện tiêu biểu và là kiệt tác của nền văn học Việt Nam. Truyện xoay quanh cuộc đời của nhân vật Thúy Kiều – một con người tài sắc vẹn toàn, giai nhân xuất chúng nhưng cuộc đời lại thăng trầm và nhiều bất hạnh đau thương.
Đoạn trích đã thuật lại biến cố lớn nhất trong cuộc đời của Thúy Kiều, ghi lại cảnh Mã Giám Sinh đến mua Kiều, cuộc đời Kiều rẽ ngang từ một tiểu thư cao quý đức hạnh thành một món đồ hàng không hơn không kém. `
Vì bi kịch của gia đình nên Kiều đành phải bán mình lấy tiền chuộc cha và cứu em trai, đoạn trích “Mã Giám Sinh mua Kiều” chính là cuộc ngã giá mua bán, trước cảnh tượng ấy, người đọc thấu hiểu tâm trạng đau khổ của Kiều đồng thời nhìn rõ bộ mặt xấu xa, bản chất giả dối của tên buôn người Mã Giám Sinh. Nguyễn Du thông qua đoạn trích này đã lên án tố cáo những kẻ dùng đồng tiền để bức ép con người ta đi tới bước đường cùng của đau khổ. Mở đầu đoạn trích là lời giới thiệu về tên buôn người Mã Giám Sinh:
“Hỏi tên, rằng: “Mã Giám Sinh”,
Hỏi quê, rằng: “Huyện Lâm Thanh cũng gần”
Quá niên trạc ngoại tứ tuần.
Mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao”
Lời giới thiệu có vẻ nhiệt tình và tha thiết của mụ mối gợi ra hình tượng Mã Giám Sinh là một người đàng hoàng, có gốc gác lại có học thức. Thế nhưng đó chỉ là cái hư danh hão huyền, bởi từ chính cái nhìn ngoại hình đã lộ rõ bản chất của kẻ lố lăng này.
Đây là một người đàn ông đã ở tuổi trung niên, sự trau chuốt diện mạo quá đà “mày râu nhẵn nhụi” kết hợp với trang phục “áo quần bảnh bao” đã gợi ra vẻ lố lăng, kệch cỡm của kẻ nhiều tuổi nhưng lại cố tỏ ra mình còn trẻ. Sự giả tạo đáng coi thường của nhân vật này còn được bộc lộ rõ qua hành động, cử chỉ:
“Trước thầy sau tớ lao xao,
Nhà băng đưa mối rước vào lầu trang.
Ghế trên ngồi tót sỗ sàng,
Buồng trong mối đã giục nàng kíp ra.”
Hành động của Mã Giám Sinh bộc lộ rõ vẻ trơ trẽn, vô học, vô giáo dục của hắn, giữa thầy và tớ không có sự tôn trọng, thiếu lễ nghĩa, đầy tớ của hắn như những kẻ đi thuê đi mượn, chính hắn cũng không nắm rõ những phép tắc cơ bản mà ngồi tót vào ghế trên. Tuy nhiên Mã Giám Sinh là người bỏ tiền ra mua Kiều, chính vì thế hắn tự cho mình cái quyền lộng hành, ra oai. Trái ngược với sự hống hách đầy ngỗ ngược của Mã Giám Sinh, Thúy Kiều bấy giờ đang trong cảnh vô cùng đau khổ:
“Nỗi mình thêm tức nỗi nhà,
Thềm hoa một bước lệ hoa mấy hàng!
Ngại ngùng dợn gió, e sương,
Ngừng hoa bóng thẹn trông gương mặt dày.”
Nỗi lòng đầy suy tư và đau khổ của Kiều bộc lộ rất rõ, nàng nhận thức rõ nỗi đắng cay tủi nhục khi phải bán thân mình cho cuộc hôn nhân không tình yêu này, nỗi buồn lại chồng chất thêm nỗi lo cho cha mẹ và gia đình. Bước chân đi nặng nề chứa chan nước mắt, nàng mang trên mình đau khổ và trách nhiệm cũng như bổn phận người làm con.
Kiều đã có những dự cảm chẳng lành về tương lai số phận của mình, nàng cảm thấy lo sợ, ngại ngùng nhưng đó vẫn là hiện thực không thể tránh khỏi. Thúy Kiều hiện lên trong tình cảnh đáng thương, bị coi như món hàng trao đổi, nâng lên đặt xuống, bắt nàng trổ tài đánh đàn, làm thơ rồi mới bắt đầu ngã giá.
Tài năng trời phú ban cho Kiều thật trớ trêu khi phải thể hiện ở một nơi ô uế như vậy, quả thực đau đớn và xót xa cho số phận Kiều. Sau khi cuộc ngã giá kết thúc, bản chất của kẻ buôn người bộc lộ rõ trong Mã Giám Sinh, sự sành sỏi, lọc lõi, cò kè “bớt một thêm hai” đã giúp hắn có một món hời.
Qua đoạn trích “Mã Giám Sinh mua Kiều”, người đọc không chỉ được cảm nhận về nỗi đau khổ, số phận đầy cay đắng của Thúy Kiều mà còn nhìn rõ bản chất của tên buôn người lố lăng giả tạo Mã Giám Sinh. Nguyễn Du đã vạch trần bản chất của một xã hội dơ bẩn, “ăn thịt người”, coi thường tính mạng và giá trị của con người, đồng tiền bị lợi dụng trở thành công cụ chèn ép và áp bức bất công.
Bài văn phân tích đoạn trích “Mã Giám Sinh mua Kiều” của Nguyễn Du số 9
Nửa đêm qua huyện Nghi Xuân
Bâng khuâng nhớ Cụ, thương thân nàng Kiều…
(Tố Hữu – Kính gửi cụ Nguyễn Du)
“Bâng khuâng” là trạng thái tinh thần của con người tuy đứng trước thực tại nhưng tâm hồn không đặt ở thực tại mà hướng về, thậm chí đắm chìm trong quá khứ, trong tương lai, hay trong mộng tưởng. Vì đắm chìm trong quá khứ, nên Tố Hữu cũng như chúng ta không thể nào quên được cụ Nguyễn Du, một đại thi hào đã để lại cho đời kiệt tác Truyện Kiều – một bài ca lớn về giá trị nhân bản; bản cáo trạng nghiêm khắc về cái ác; tập đại thành của nghệ thuật văn chương.
Và chúng ta cũng không thể không “thương thân nàng Kiều” đang đau đớn, tủi nhục ê chề khi phải bán mình chuộc cha, rơi vào tay một kẻ “buôn thịt bán người” trong trích đoạn Mã Giám Sinh mua Kiều.
Trích đoạn này gồm 34 câu thơ, từ câu 619 đến câu 652 trong Truyện Kiều, thuộc phần Gia biến và lưu lạc. Câu chuyện trước đoạn này như sau: Trên đường về của chuyến đi tảo mộ và du xuân, ba chị em Thuý Kiều gặp Kim Trọng – một chàng trai tài đức vẹn toàn, bạn đồng môn của Vương Quan. Trở về nhà, Thúy Kiều tơ tưởng đến bóng hình Kim Trọng mà “Ngổn ngang trăm mối bên lòng”.
Còn Kim Trọng, sau buổi gặp gỡ đầu tiên ấy cũng nặng lòng nhớ thương Kiều rồi tìm kiếm, dọn nhà đến kề cận vườn nhà Kiều. Nhờ vậy, đôi trai tài gái sắc có cơ hội làm quen, tìm hiểu và trao lời thề nguyền trọn đời bên nhau. Ngay sau đó, Kim Trọng phải cấp tốc trở về Liêu Dương thọ tang chú.Và cũng cùng thời điểm ấy, gia đình Kiều bị thằng bán tơ vu oan, tất cả tài sản bị bọn sai nha vơ vét sạch. Để cứu cha và em thoát khỏi cơn gia biến, Kiều tự nguyện bán mình:
Hạt mưa sá nghĩ phận hèn,
Liều đem tấc cỏ, quyết đền ba xuân.
Sự lòng ngỏ với băng nhân
Tin sương đồn đại, xa gần xôn xao.
Thúy Kiều buồn bã mang sự tình ngỏ với người mai mối. Lập tức, mụ mối dắt khách phương xa tới:
Gần miền có một mụ nào,
Đưa người viễn khách tìm vào vấn danh
“Viễn khách” là từ Hán Việt có sắc thái trân trọng, tao nhã. Phải chăng “viễn khách” ấy là con người tử tế, cao thượng, nho nhã đến để xin hỏi cưới Kiều về làm vợ theo đúng tục lệ hôn nhân ngày xưa? sắm vai là học sinh trường Quốc Tử Giám, trường lớn nhất ở kinh đô thời xưa, người khách phương xa bắt đầu xuất hiện:
Hỏi tên, rằng “Mã Giám Sinh”
Hỏi quê, rằng “Huyện Lâm Thanh cũng gần”
Cách ngắt nhịp thơ ở hai câu này rất trúc trắc, khác lạ. Câu lục nhịp: 2-1-3. Câu bát nhịp 2-1-3-2. Cách ngắt nhịp trùng với cách trả lời bất ổn của vị khách. “Mã” thì đúng là họ rồi. Nhưng “Giám Sinh” đâu có phải là tên người? Còn quê quán nghe rất mơ hồ: “Huyện Lâm Thanh cũng gần”.
Từ “cũng gần” được nhà thơ dùng rất đắt để biểu hiện một lí lịch, gốc gác không minh bạch của nhân vật. Nếu đúng là người tốt thì việc gì lại không dám giới thiệu cụ thể nơi ở của mình? Với cách trả lời cộc cằn ấy chứng tỏ Mã Giám Sinh là người vô văn hóa. Còn đây là tuổi tác và diện mạo của gã:
Quá niên trạc ngoại tứ tuần,
Mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao.
Ngoại tứ tuần có nghĩa là ngoài bốn mươi tuổi, đã qua rồi thời trai tráng. Từ “quá niên” càng tô đậm hơn điều đó. Thế nhưng hắn vẫn ăn mặc theo kiểu trai lơ “áo quần bảnh bao” và chuẩn bị “mày râu nhẵn nhụi” trông rất bảnh chọe. Nếu ở câu lục nhà thơ sử dụng toàn từ Hán Việt thì ở câu bát xuất hiện toàn từ thuần Việt để bày tỏ thái độ châm biếm.
Riêng hai từ láy “nhẵn nhụi” và “bảnh bao” có sức gợi tả thái độ sự dung tục và lố bịch rất cao vì hắn là người bất chính nên đám tôi tớ đi theo hắn cũng toàn là lũ xô bồ, lộn xộn:Trước thầy sau tớ lao xao, Có thể khẳng định rằng diện mạo và cách xuất hiện của Mã Giám Sinh hoàn toàn đối lập với Kim Trọng. Kim Trọng xuất hiện với một phong cách tao nhã, diện mạo khôi ngô tuấn tú, làm cho cả một vùng bừng sáng hơn:
Dùng dằng nửa ở nửa về,
Nhạc vàng đâu đã tiếng nghe gần gần.
Trông chừng thấy một văn nhân
Lỏng buông tay khấu, bước lần dặm băng
Đề huề lưng túi gió trăng,
Sau chân theo một vài thằng con con.
Tuyết in sắc ngựa câu giòn
Cỏ pha màu áo nhuộm non da trời,
Nẻo xa mới tỏ mặt người,
Khách đà xuống ngựa, tới nơi tự tình.
Hài văn lần bước dặm xanh,
Một vùng như thể cây quỳnh cành dao.
Thế nên, một con người bịp bợm như Mã Giám Sinh không thể nào xứng đáng với nàng Kiều tài sắc vẹn toàn. Và chúng ta hãy xem cử chỉ thô lỗ của hắn: Ghế trên ngồi tót sỗ sàng “Ghế trên” bao giờ cũng được đặt ở nơi trang trọng nhất của phòng khách, chỉ những thượng khách mới được mời an tọa, thường là người cao tuổi.
Vậy mà một tên trâng tráo như hắn chưa kịp mời đã vội “ngồi tót”, trông là biết vô học rồi. Chữ “ngồi tót” được nhà thơ dùng rất điêu luyện và đã giết chết Mã Giám Sinh ngay trong cõi sống. Liền sau đó là từ bồi bút “sỗ sàng”. Cùng là từ “tót” nhưng khác xa một trời một vực với cách tả Kim Trọng:
Phong tư tài mạo tót vời
Vào trong phong nhã, ra ngoài hào hoa
Trong Truyện Kiều nhiều lần Nguyễn Du đã giết chết nhân vật phản diện bằng nghệ thuật dùng từ. Nhà thơ giết chết tên Sở Khanh bằng một từ “lẻn” ở câu 1094:
Tường đông lay động bóng cành,
Rẽ song đã thấy Sở Khanh lẻn vào.
Và đại thi hào cũng đã giết chết Hồ Tôn Hiến bằng từ “mặt sắt” trong câu 2580:
Nghe càng đắm, ngắm càng say,
Lạ cho mặt sắt cũng ngây vì tình!
Nhìn chung, qua dụng công miêu tả của Nguyễn Du, chân tướng con buôn Mã Giám Sinh đã dần dần được phơi bày:
Đắn đo cân sắc cân tài,
Ép cung cầm nguyệt thử bài quạt thơ.
“Đắn đo” là trạng thái suy nghĩ, tính toán đến căng thẳng. Trạng thái này thường gặp ở những kẻ làm nghề buôn bán. Tuy được nghe mụ mối giới thiệu Kiều là người tài sắc vẹn toàn nhưng hắn vẫn chưa chắc chắn lắm. Bởi vậy hắn mới “cân sắc, cân tài” có nghĩa là xem đi, xem lại, kiểm tra một cách tỉ mỉ, cẩn thận như mua một món hàng giữa chợ trời. Thật đúng là một con buôn giàu kinh nghiệm, lõi đời. Sau khi thấy dáng dấp của nàng, tài năng của nàng, vẻ nào cũng mặn mà dễ thương, hắn bằng lòng về món hàng và lựa lời trao đổi về giá cả:
“Rằng: “Mua ngọc đến Lam Kiều,
Sính nghi xin dạy bao nhiêu cho tường?”
Chỉ với một từ “mua”, nhà thơ đã bóc trần bản chất đê tiện của gã họ Mã mặc dù hắn vẫn còn cố gắng trau chuốt lời ăn tiếng nói qua các từ: “Lam Kiều”, “xin dạy”. Và đây là cuộc “mặc cả” giữa con buôn sành sỏi và mụ mối:
Cò kè bớt một thêm hai,
Giờ lâu ngã giá vàng ngoài bốn trăm
“Cò kè” là từ luôn luôn được dùng ở bất cứ chợ nào thuộc lĩnh vực buôn bán đồ vật. Từ “cò kè” còn tạo ra một không khí mua bán hết sức thô lỗ, mụ mối càng nói thách để được lời về phần mình thì tên “buôn thịt bán người” Mã Giám Sinh càng trả cho thật rẻ để tích luỹ lợi nhuận cho lòng tham không đáy. Vì mãi “cò kè”, công cuộc “ngã giá” mất nhiều thời gian nên “giờ lâu” con buôn mới đi đến quyết định mua Kiều hơn bốn trăm lượng vàng. Công cuộc “cò kè” người thiệt hại. Thật phũ phàng và tàn nhẫn làm sao!
Tóm lại, bằng nghệ thuật dùng những hình thái ngôn ngữ nghệ thuật trực diện, thiên tài Nguyễn Du vừa vẽ được chân dung ghê tởm và đê tiện của Mã Giám Sinh, vừa thể hiện thái độ tố cáo bọn con buôn bất công phi nghĩa đã xô đẩy người phụ nữ vào bước đường cùng, đã chà đạp lên nhân phẩm, danh dự của phận “liễu yếu đào tơ” một cách không thương tiếc.
Đối lập với màn kịch “vấn danh” và chân tướng Mã Giám Sinh là tâm trạng buồn bã, khổ đau, nhục nhã của Thúy Kiều:
Nỗi mình thêm tức nỗi nhà,
Thềm hoa một bước, lệ hoa mấy hàng!
Ngại ngùng dín gió e sương,
Nhìn hoa bóng thẹn trông gương mặt dày.
Mối càng vén tóc, bắt tay,
Nét buồn như cúc, điệu gầy như mai.
Giờ đây, Kiều đang đau xót cho mối tình đầu tươi đẹp. Mới hôm nào, nàng và Kim Trọng thề nguyền cùng chung một lòng một dạ, có sự chứng giám của ánh trăng sáng vằng vặc nhưng xa xăm, lạnh lẽo, đơn côi:
Vầng trăng vằng vặc giữa trời,
Đinh ninh hai mặt một lời song song.
Tóc tơ căn vặn tấc lòng,
Trăm năm tạc một chữ đồng đến xương.
Vậy mà nay, đôi ngả nước mây cách vời, chỉ còn là kỉ niệm của một thời yêu nhau tha thiết. Ai? Ai đã gây ra bi kịch đắng cay này? Trong lòng nàng bỗng trào dâng một nỗi niềm oán hận. Lần đầu tiên trong đời nàng biết hận. Nàng hận thằng bán tơ đã vu oan cho gia đình nàng. Nàng hận bọn sai nha đã “sạch sành sanh vét cho đầy túi tham” và ra sức đánh đập, tra tấn cha và em trai nàng.
Cho nên, mỗi bước đi của nàng trên thềm hoa đều nặng nề và đong đầy nước mắt. Phép tăng cấp và đối ngữ tương hỗ trong câu “Thềm hoa một bước lệ hoa mấy hàng?” đã nhấn mạnh nỗi thống khổ cùng cực của nàng. Và cũng lần đầu tiên trong đời, nhìn bóng mình, nàng cảm thấy hổ thẹn, soi vào gương thấy mặt mình như dày ra vì xấu hổ, tủi nhục, vì phải mang thân lá ngọc cành vàng và nhan sắc “một hai nghiêng nước nghiêng thành” để cho một tên buôn người như Mã Giám Sinh đánh giá, bình phẩm. Có nỗi ê chề nào hơn thế nữa?
Nàng để mặc mụ mối hướng dẫn giới thiệu, khoe “hàng” mà cõi lòng tan nát như ai xé ai vò: Nét buồn như cúc, điệu gầy như mai. Phép so sánh tu từ, phép đối ngữ tương hỗ cùng nghệ thuật ước lệ, tượng trưng đã góp phần điểm tô thêm vẻ đẹp trong đau khổ của Kiều và hoàn toàn đối lập với nhân vật Thúy Kiều trong Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân (Trung Quốc).
Qua trích đoạn văn xuôi trên đây, chúng ta thấy nhân vật Thúy Kiều của nhà văn Tài Nhân trực tiếp tham gia việc “cò kè” giá cả trông rất dạn dĩ, và nhân cách của nàng thật không có gì đặc biệt. Còn nhân vật Thúy Kiều của thiên tài Nguyễn Du chỉ là người câm lặng suốt cuộc mua bán, nàng xấu hổ, tủi nhục. Và đó chính là vẻ đẹp nhân cách của nàng.
Nhìn chung, đoạn thơ miêu tả tâm trạng nàng Kiều đã cho chúng ta thấy tấm lòng nhân đạo mênh mông của đại thi hào dân tộc Nguyễn Du đối với nhân vật Thúy Kiều cũng như những kiếp người đau khổ, bất hạnh. Nhà thơ bao giờ cũng dành cho những nhân vật chính diện một thái độ yêu thương, hết sức cảm thông, rất mực trân trọng, thấu hiểu, chia sẻ. Đặc biệt, càng dấn sâu vào bi kịch, nhan sắc – tài năng – lòng thủy chung – lòng hiếu thảo – đức hi sinh của Thúy Kiều càng đẹp – càng vẹn toàn – càng sâu sắc – càng cao cả.
Tóm lại, bằng bút pháp thủy mặc, “điểm nhãn”, Nguyễn Du đã miêu tả thành công bức chân dung sống động, điển hình của nhân vật Mã Giám Sinh không còn ở trang thơ của đại thi hào mà đang hiện diện ở một nơi nhất định của cuộc đời thực. Bằng bút pháp đậm nét, nhân vật Thúy Kiều hiện lên với biết bao khổ nhục, đắng cay đồng thời Thúy Kiều cũng là điển hình của nhân vật người phụ nữ đẹp trong đau khổ.
Cùng với thiên tài ngôn ngữ và thiên tài khám phá, phân tích, miêu tả tâm lí con người trong mối quan hệ giữa tâmlí và hoàn cảnh sống của con người, qua trích đoạn Mã Giám Sinh mua Kiều, chúng ta thấy rằng Nguyễn Du đã đạt đến đỉnh cao chói lọi nhất của nghệ thuật tả người trong lịch sử tiểu thuyết bằng thơ.
Bài văn phân tích đoạn trích “Mã Giám Sinh mua Kiều” của Nguyễn Du số 8
Sau lần thề nguyền kết tóc se tơ, Kim Trọng phải về Liêu Dương để hộ tang chú. Gia đình gặp nạn, bị vu oan giá họa, Kiều phải cậy nhờ Thúy Vân thay mình giữ trọn tình chung thủy với Kim Trọng để bán mình cứu cha và em. Đoạn trích tả cảnh Mã Giám Sinh đến mua Kiều để đem về Lâm Tri.
Mã Giám Sinh – một “viễn khách” cùng với người mốì tìm đến để “vấn danh”, tức là xin cưới hỏi Kiều về làm vợ. Cách nói như vậy có vẻ lương thiện nhưng sự thật không phải thế. Ta hãy theo dõi thái độ và việc làm của họ Mã.
Nguyễn Du đã giới thiệu ông khách họ Mã này như thế nào? Khi được hỏi về tên họ, quê quán, y đã trả lời một cách cộc lốc. Y còn có ngụ ý khoe khoang mình là kẻ có học, danh giá, sinh viên trường Quốc tử giám. Nhưng ngòi bút của Nguyễn Du thật tài tình khi viết hai câu:
Hỏi tên, rằng: “Mã Giám Sinh”
Hỏi quê, rằng: “Huyện Lâm Thanh cũng gần”
Đây là cách nói năng của kẻ thiếu lịch sự, thiếu văn hóa và ngay khi mới xuất hiện người đọc đã mất hết cảm tình với hắn ta rồi. Hắn che dấu tung tích, quê quán, chỉ biết “cũng gần” Nguyễn Du tiếp tục giới thiệu diện mạo anh chàng giám sinh họ Mã này:
Quá niên trạc ngoại tứ tuần
Mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao
Trông vẻ bên ngoài, hẳn như một kẻ thanh lịch: mày râu được cạo kĩ, áo quần đẹp đẽ. Nhưng cách làm dáng, chải chuốt đó lại không phù hợp với con người đã “quá niên trạc ngoại tứ tuần”. Và đến nhà Kiều thì: “Trước thầy sau tớ xôn xao” gợi lên cảnh ồn ào bát nháo của tớ thầy Mã Giám Sinh. Rồi khi vào đến nhà, hắn vội “ghế trên ngồi tót sỗ sàng”, chỉ một cử chỉ “tót” đó, Nguyễn Du đã phơi bày tất cả bản chất của con người thô lỗ, vô học, lưu manh.
Chỉ một đoạn thơ ngắn 8 câu, tác giả đã khắc họa một cách sinh động về diện mạo, ngôn ngữ, hành vi của Mã Giám Sinh. Và bức chân dung ấy được hoàn chỉnh khi tác giả tả cảnh hắn, mặc cả mưa Kiều. Mã đánh tiếng đến cưới Kiều về làm vợ nhưng sự thật hắn mua Kiều về lầu xanh ở Lâm Tri để tiếp khách làng chơi, nơi hắn cùng với mụ Tú Bà chung vốn làm ăn.
Vì vậy trong việc mua bán này, y phải tính toán thiệt hơn. Trước hết đắn đo, cân nhắc kĩ càng về mặt hàng: Đắn đo cân sắc, cân tài Để nắm chắc giá trị của món hàng, hắn không ngại bắt “ép” Kiều phải thử tài: Ép cung cầm nguyệt thử bài quạt thơ. Sau một hồi xem xét tính toán hắn tỏ ý vừa lòng: “mặn nồng một vẻ một ưa”. Điều còn lại là giá cả bao nhiêu để kiếm được nhiều lời, hắn liền hỏi giá:
Rằng: “mua ngọc đến Lam Kiều
Sính nghi xin dạy bao nhiêu cho tường?”
Mã cũng biết học đòi cách nói năng văn hoa của người có học và tỏ vẻ lễ phép khiêm nhường (xin dạy) nhưng bản chất của tên con buôn không che dấu được. Hắn “cò kè bớt một thêm hai”. Tìm cách ép giá, dìm giá vì hắn biết rõ hoàn cảnh quẫn bách của Kiều. Vì thế Mã đã mua được Kiều với giá rất hời, từ “đáng giá ngàn vàng” hắn chỉ mua có “ngoài bốn trăm”. Mã không đánh lừa được ai, hắn khoác áo kẻ thanh lịch, giả dạng một giám sinh nhưng qua cảnh mua bán này đã lộ nguyên hình một tên buôn người đểu cáng.
Kiều phải bán mình để cứu gia đình qua cơn nguy biến, một hành động hi sinh rất cao cả. Bắt đầu từ đây nàng dấn thân vào con đường đau khổ, nhục nhã ê chề và cảnh mua bán này sẽ mở đầu cho chuỗi dài bi đát của đoạn trường 15 năm.
Người con gái tài sắc vẹn toàn ấy nếu được sống trong một xã hội công bằng chắc hẳn sẽ có cuộc đời hạnh phúc.
Nhưng trong xã hội phong kiến thối nát, tài sắc ấy trở thành món hàng đem ra mặc cả “cò kè”, trao từ tay người này qua tay kẻ khác. Trong 6 câu thơ tả tâm trạng Kiều, Nguyễn Du để nàng im lặng. Đúng vậy, lúc này làm sao nàng nói được nên lời. Nhưng qua một vài cử chỉ, dáng điệu ta thấu hiểu nỗi đau của nàng:
Nỗi mình thêm tức nỗi nhà,
Thềm hoa một bước, lệ hoa mấy hàng!
Kiều khóc, những giọt lệ chảy thành hàng, những giọt nước mắt đau xót, tủi nhục. Nàng, con gái nhà lành sống trong cảnh “trướng rủ màn che” nay trở thành món hàng để người mua “vén tóc bắt tay” “cân sức cân tài” làm sao nàng không cảm thấy thẹn thùng, nhục nhã:
Nhìn hoa bóng thẹn, trông gương mặt dày Nàng tự xỉ vả mình là kẻ mặt dạn mày dày, nhưng tội này không phải do nàng gây nên. Trong xã hội mà đồng tiền thống trị tất cả: “Tiền lưng đã sẵn việc gì chẳng xong” thì có biết bao số phận bi thảm như Kiều.
Đoạn trích “Mã Giám Sinh mua Kiều” như một màn kịch ngắn, trong đó sự việc cứ tiến triển dần và tính cách nhân vật bộc lộ rõ nét. Thái độ của Nguyễn Du thật rõ ràng: lên án, tố cáo những thế lực đen tối của xã hội, thông cảm sâu sắc với nỗi đau của con người. Ngày nay, đọc lại Truyện Kiều ta cảm thương cho số phận bi đát của Kiều và căm ghét xã hội bạo ác đã chà đạp lên quyền sống của những phụ nữ.
Bài văn phân tích đoạn trích “Mã Giám Sinh mua Kiều” của Nguyễn Du số 2
Lâu nay ngẫm ngợi Truyện Kiều, các cụ ta thường chưa chú ý đến đoạn Mã Giám Sinh mua Kiều bằng các đoạn khác, có phải thế không? Có lần, tôi đem cảm nhận này nói với một cụ giáo, và hỏi thêm: “Thưa cụ vì sao vậy?”. Cụ giáo không trả lời ngay mà đứng lên, nhẹ bước ra vườn. Tôi đi theo mà lòng băn khoăn: “Chẳng lẽ mình vừa nêu, vừa hỏi chuyện mà cụ không vừa ý?”
Dừng lại với khóm hoa ngâu, tay lựa và gỡ nhẹ từng chùm hoa, chiếc lá, cụ hỏi: “Văn thơ hay là văn thơ thế nào?”. Tôi lúng túng giây lát. Cụ bảo: “Đừng vội trả lời. Vài năm nữa, ba bốn mươi năm nữa trả lời cũng được, tôi chết rồi thì anh cứ viết ra, lúc nào tiện thắp cho tôi một nén hương rồi đọc câu trả lời cũng được”.
Đoạn, cụ nói: “Văn thơ hay là phải làm cho người thoát tục đi một ít, thanh sạch hơn lên một chút … phải không?. Chừng như để cho tôi lờ mờ vỡ vạc ra, cụ nói tiếp: “Cái đoạn thằng Mã Giám Sinh mà anh vừa nhắc tới đọc ghê ghê là, nó gớm lắm và tức lắm. Tôi thường lượt qua thôi”. Rồi cụ cười nhẹ không thành tiếng.
Vậy là không phải các cụ ta xưa chưa chú ý đoạn Mã Giám Sinh mua Kiều, mà thực ra, là đã có thành kiến về nó. Đọc lên, nhớ lại, thấy “ghê ghê” và “tức”, thì không bàn tới nữa. Thẩm thơ bình văn là khoa học và cũng là do cái tạng người, biết làm sao khác được?
Cái cảm giác “ghê ghê” khi đọc Mã Giám Sinh mua Kiều, phải chăng bắt nguồn từ ý nghĩ này: Thì ra, từ dăm trăm năm trước, cái chuyện bán người, mua người đã thành một nghề hẳn hoi. Nghề đó được thể hiện qua ngòi bút của Nguyễn Du. Mới đem “Sự lòng” – Một chuyện nhà éo le “ngỏ với băng nhân” (Tại sao không “ngỏ” với bà con, hàng xóm, mà với “băng nhân”?
Chắc là vì gia đình Kiều đã biết là trong xã hội bây giờ, đã có hẳn một loại người này, phải nhờ họ giả quyết mới được), mới thế thôi, mà đã “đồn đại, xa gần xôn xao”. Vì đã “xôn xao” nên mụ mối mới có cơ hội làm ăn, mới đưa được người từ nơi xa (viễn khách) đến. Là nghề bán mua người, nên giá trị của người, sắc đẹp và tài năng của người từng được coi là “nghiêng nước nghiêng thành”, may ra chỉ có một hai người như thế trông thiên hạ, đã bị đem ra cân nhắc, ép buộc thử thách … thật lạnh lùng.
Trong cuộc mua bán này không hề có sự cảm thông, nhân nhượng mà chỉ là một sự “Cò kè bớt một thêm hai” suốt buổi để rồi “Giờ lâu ngã giá vàng ngoài bốn trăm”. Trong cuộc mua bán đó, là hàng hóa, nên Thúy Kiều đâu có được nói năng chi Người nói (cười) lúc này chỉ là mụ mối và gã Giám Sinh họ Mã – Họ là người hành nghề thực thụ mà!
Thế nhưng cuộc mua bán ấy lại được ngụy trang bằng một cuộc “tìm hiểu” để cưới người ta về làm vợ, nên mới kết thúc bằng việc “Hãy đưa canh thiếp trước cầm làm nghi, rồi hẹn ngày nạp thái vu quy”!
Xã hội văn minh là xã hội có nhiều ngành nghề với hàng loạt người có chuyên môn ở từng lĩnh vực, từng công đoạn nghề nghiệp rõ ràng. Nhưng ở một xã hội tài năng và sắc đẹp đức hạnh và phẩm giá con người, như Thúy Kiều mà rơi vào tay bọn nghề buôn người kia, thì thật là ghê tởm! Xã hội đó đâu phải là xã hội văn minh.
Nhiều người đọc đoạn Mã Giám Sinh mua Kiều cũng có cảm giác tức. Tức vì thấy dung mạo ra vẻ chải chuốt nhẵn nhụi, bảnh bao rất khả nghi của Mã, sự đi lại ồn ào, xôn xao của thầy tớ nhà Mã, và nhất là cái kiểu “Ghế trên ngồi tót số sàng” của hắn. Ai cho phép hắn ngang nhiên như vậy? Tiền đấy. Hắn cậy có tiền. Còn dân chúng đôi khi cũng đã thấy kẻ có tiền “nói quấy, nói quá” thì “người nghe ầm ầm” rồi.
Ở đây, cách xử thế của Mã, không chỉ bộc lộ cái tư cách kém cỏi, hợm hĩnh của hắn, mà còn bộc lộ cả cái tình thế oái oăm đau đớn của gia đình Thúy Kiều, cả cái tâm thế để cho đồng tiền trong tay bọn bất lương được hoành hành của xã hội đang trên đà suy vi.
Có người đã trách Nguyễn Du sao lại dựng đoạn này tỉ mỉ đến thế. Càng tỉ mỉ càng đau tức thôi. Đã tỉ mỉ thế, sao không cho ai nói vài câu, không cho ai làm vài cử chỉ an ủi động viên Thúy Kiều? … Tôi nghĩ: ấy là chỉ chúng ta ghét Mã Giám Sinh, thương xót Thúy Kiều mà nghĩ ra thế. Đây là luật mua bán, lại là bán mua ở trong nhà lầu có lẽ cũng kín đáo, nghiêm cẩn( như đi dạm vợ cơ mà!), thì cụ Nguyễn viết thế, dựng thế cũng đã là hết nhẽ.
Mặt khác, cũng cần thấy rằng: Đằng sau cái vẻ im lặng, tưởng như lạnh lùng dửng dung của cụ Nguyễn Du khi kể và dựng lại đoạn này như thế, là cả một tấm lòng dào dạt thương cảm cho thân phận Thúy Kiều, khi Nguyễn Du viết:
Hạt mưa sá nghĩ phận hèn
Liều đem tấc cỏ, quyết đền ba xuân.
Là cụ đã không chỉ thương mà còn hiểu cho tình trạng của Thúy Kiều lắm (Thương đã là quý, trong thương có hiểu, vậy mới là tri ân, mới là thấu đạt, cả một tấm lòng dào dạt, người ta nói Nguyễn Du là nhà nhân đạo chủ nghĩa hẳn là vì thế). Chưa hết, đấy là đối với Thúy Kiều. Còn đối với cái sự mua bán kia, với cái gã hợm tiền kia, cụ đánh cho một câu:
Tiền lưng đã sẵn, việc gì chẳng xong!
Đó là kết lại đoạn đau đời tức tưởi này, đó cũng là lời cảnh báo trước cho những người như Mã và cho cả những xun xoe khiếp nhược tống tiền. Ta thấy hiện lên ở đây cái nhếch mép và cả tiếng cười gằn hiếm hoi của nhà thơ nhân đạo: Xin các người cứ tưởng thế đi, tiền lưng đã sẵn rồi mà …
Bài văn phân tích đoạn trích “Mã Giám Sinh mua Kiều” của Nguyễn Du số 7
Tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du là một bản cáo trạng bằng thơ, lên án xã hội phong kiến xấu xa, thể hiện nỗi đau khổ của những con người bị áp bức. Thúy Kiều là một hiện thân của những con người bị áp bức đó, nỗi đau đầu tiên của Kiều là phải bán thân, vùi dập dưới tay kẻ buôn bán người. Cụ thể nỗi đau khổ đầu tiên của Kiều được thể hiện trong đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều.
Phân tích tâm trạng Thúy Kiều trong đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều. Trước bi kịch gia đình, một tai họa bất ngờ khi thằng bán tơ đã vu oan cho gia đình nàng. Cha và em của nàng bị bắt và bị đánh đập dã man, tài sản của gia đình đã bị chúng vơ vét sạch. Vốn là người con hiếu thảo, Kiều phải bán mình để chuộc cha và em, chấp nhận hi sinh tình yêu của mình vì gia đình, chấp nhận làm vợ lẽ của Mã Giám Sinh để có tiền cứu cha và em.
Đoạn trích Mã Giám Sinh mua kiều đã bộc lộ được rõ ràng tâm trạng, nỗi đau khổ của nàng trong tình cảnh đó. Mở đầu đoạn thơ, tác giả đã ghi lại một cách cụ thể tâm trạng của Kiều: “Nỗi mình thêm tức nỗi nhà”, đó là nỗi đau cũng là nỗi uất hận đã lên đến cao độ bởi nàng bị ép vào cảnh đường cùng. Gia đình chia li tan tác, tình yêu mà nàng dành cho Kim Trọng nay lại đành dở dang, mối tình đầu trong sáng đang tỏa sắc lên hương lại đành phải chia li vì cảnh ngộ gia đình.
Hai nỗi niềm gia đình và tình yêu đang chồng chất và đè nặng lên đôi vai của nàng, khiến cho nàng rơi vào đau khổ, xót xa. Hình ảnh Kiểu từ trong phòng bước ra, giáp mặt với Mã Giám Sinh trong lễ vấn danh đã cho thấy vẻ đau khổ của nàng trong mỗi bước đi: “Thềm hoa một bước, lệ hoa mấy hàng”. Với cách miêu tả có tính chất ước lệ “thềm hoa”, “lệ hoa”, câu thơ trở nên rất gợi hình và gợi cảm.
Hiện lên trước mắt người đọc là một khuôn mặt với vẻ đẹp nghiêng nước nghiêng thành đang thấm đẫm nước mắt, đó là những giọt nước mắt của tủi hờn, xót xa và đau khổ. Kiều vừa thương cha, vừa thương em lại thương cho chính mình, căm tức và phẫn uất với cuộc đời ngang trái đã giáng tai họa xuống gia đình và cuộc đời nàng.
Là một thiếu nữ con nhà gia giáo, sống trong cảnh trướng rủ màn che, vậy mà giờ đây tài sắc của nàng phải chấp nhận phơi ra cho người ta xem xét, cân đo, thử, ép, nàng vô cùng tủi thân và e thẹn. Điều đó cho thấy nàng đã ý thức rất rõ về nhân phẩm và thân phận của mình nhưng vì cảnh ngộ gia đình và bổn phận người con nàng đành cam chịu.
Hình ảnh nàng Kiều lúc này giống như một chiếc bóng lặng câm và nhòe dần trước ánh sáng của đồng tiền, dù có là quốc sắc thiên hương nhưng vẫn chỉ là một món hàng không hơn không kém của bọn “buôn phấn bán hương”.
Thông qua việc miêu tả tâm trạng của nàng Kiều, đoạn thơ đã lên án tố cáo hiện thực của xã hội lúc bấy giờ, những người phụ nữ trong xã hội ấy đã trở thành một món hàng hóa. Sức mạnh của đồng tiền đã gây ra những bất hạnh cho họ, nhà thơ đã lên án và phê phán những kẻ tàn bạo đó, đồng thời thể hiện niềm xót thương đối với nàng Kiều.
Bài văn phân tích đoạn trích “Mã Giám Sinh mua Kiều” của Nguyễn Du số 10
Truyện Kiều là tác phẩm đặc sắc có những giá trị nội dung nhân văn sâu sắc và cho thấy nghệ thuật tài tình trong bút pháp của Nguyễn Du. Đoạn trích “Mã Giám Sinh mua Kiều” cho thấy nghệ thuật miêu tả nội tâm nhân vật độc đáo của đại thi hào, là sự cảm thông sâu sắc với số phận nàng Kiều nói riêng và những người phụ nữ trong xã hội phong kiến đầy bất công nói chung.
Đoạn trích nằm ở đầu phần hai (Gia biến và lưu lạc) trong Truyện Kiều. Trước tai biến của gia đình, Kiều không thể ngồi yên, trăn trở giữa tình và hiếu, Kiều quyết định “làm con trước phải đền ơn sinh thành”, Kiều đã quyết định bán mình chuộc cha. Qua màn kịch vấn danh, Nguyễn Du đã bóc trần bản chất xấu xa của tên buôn thịt bán người Mã Giám Sinh.
Một sự tài tình và cũng hết sức thâm thúy của Nguyễn Du khi ông để Mã Giám Sinh xuất hiện trong vai một chàng sinh viên trường Quốc Tử Giám đến hỏi mua Kiều về làm vợ lẽ. Ngay từ những giây phút đầu tiên hắn đã tạo ấn tượng chẳng mấy tốt đẹp. Cách giới thiệu có vẻ trang trọng là người “viễn khách” đến “vấn danh” nhưng cách trả lời lại cộc lốc:
“Hỏi tên, rằng: Mã Giám Sinh
Hỏi quê, rằng: Huyện Lâm Thanh cũng gần.”
Câu trả lời vô cùng khiếm nhã, cách giới thiệu tên tuổi quê quán không rõ ràng. Cách giới thiệu như thế chắc hẳn là con người không đàng hoàng. Chỉ là một tên buôn thịt bán người nhưng lại khoe hão là học trường Quốc Tử Giám. Nguyễn Du tiếp tục khắc họa hình dáng lố bịch của Mã Giám Sinh:
“Quá niên trạc ngoại tứ tuần
Mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao”
Một nét vẽ cực kì châm biếm của đại thi hào. Một tên đã ngoài bốn mươi tuổi mà vẫn tỉa tót, chưng diện như trai tân: “mày râu nhẵn nhụi”, áo quần thì lại rất “bảnh bao”, tưởng như lịch sự nhưng lại cực kì lố bịch. Cũng thầy tớ như ai, đi sau là bọn đầy tớ có vẻ trang trọng lắm nhưng lại “lao xao” chẳng có nề nếp, lễ giáo gì. Sự lố bịch ấy không chỉ biểu hiện ở ngoại hình mà còn ở cả hành động của tên họ Mã:
“Trước thầy sau tớ lao xao
…Buồng trong mối đã giục nàng kíp ra”
Hành động của hắn hết sức vô học, thiếu văn hóa. Cái “ngồi tót” thể hiện sự sỗ sàng lố bịch của Mã Giám Sinh. Nguyễn Du thật tài tình khi chỉ với một từ “tót” đã làm lộ rõ bản chất của tên buôn người. Trái ngược với sự ngỗ ngược của Mã Giám Sinh, nàng Kiều lại vô cùng đau khổ:
“Nỗi mình thêm tức nỗi nhà
Thềm hoa một bước lệ hoa mấy hàng.”
Kiều mang nặng tâm trạng suy tư, buồn bã, nàng đau khổ bởi nàng biết cuộc sống sắp tới đây là những đau khổ, tủi cực. Nàng thương thay cho thân phận mình và cũng chồng chất nỗi lo cho bố mẹ và các em. “Thềm hoa một bước lệ hoa mấy hàng”, những bước chân nặng nề dường như không muốn bước tiếp nhưng vì chữ hiếu nàng đành hi sinh thân mình. Những giọt nước mắt của nàng rơi lã chã khiến người đọc không khỏi xót xa, thương cảm.
“Ngại ngùng dợn gió e sương
…Nét buồn như cúc điệu gầy như mai”
Trước tương lai đầy bất định ấy, Kiều có những dự cảm về cuộc đời mình, Kiều lo sợ, ngại ngùng bởi vì nàng biết những khó khăn khổ cực của những tháng ngày trước mắt. Nét buồn bã, đau khổ ấy không thể giấu nổi trên gương mặt nàng. Trái ngược với sự đau khổ của Kiều, bà mối vẫn rất chuyên tâm, nhiệt tình với công việc mai mối của mình. Nỗi buồn của Kiều được Nguyễn Du so sánh với nét buồn của cúc, sự mỏng manh yếu gầy của những cánh hoa mai:
“Đắn đo cân sắc cân tài
…Bằng lòng khách mới tùy cơ dặt dìu”
Thúy Kiều thật đáng thương, nàng đúng như một món hàng không hơn không kém trong cuộc mua bán ấy. Nàng thật đáng thương. Cuối cùng bản chất con buôn của Mã Giám Sinh cũng được bộc lộ:
“Rằng: Mua ngọc đến Lam Kiều
…Giờ lâu ngã giá vàng ngoài bốn trăm”
Vậy là cuộc ngã giá đầy căng thẳng diễn ra giữa tên buôn Mã Giám Sinh và mụ mối. Dù vẫn cố tỏ ra lịch sự, khoác lên mình vẻ trí thức “mua ngọc đến Lam Kiều” nhưng ngay sau đó bản chất con buôn ti tiện, bỉ ổi của Mã Giám Sinh cũng bộc lộ rõ nét với hành động “cò kè” thêm bớt, nâng lên đặt xuống, Cuối cùng hắn được một món hời khi trả giá từ “ngàn vàng” xuống “bốn trăm”.
Một cuộc mua bán, kẻ cười vui người chết lặng. Đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều đã lột trần bản chất con buôn đê tiện, hèn hạ, của Mã Giám Sinh và tâm trạng đầy tủi nhục, đau khổ của Kiều. Trong cuộc mua bán ấy, Kiều là một món hàng không hơn không kém. Đoạn trích là bức tranh hiện thực phản ánh chế độ phong kiến thối nát đã đẩy người phụ nữ đến tận cùng của những bi kịch:
“Tiếc thay cây quế giữa rừng
Để cho thằng Mán thằng Mường nó leo”
Bài văn phân tích đoạn trích “Mã Giám Sinh mua Kiều” của Nguyễn Du số 3
Đang sống trong hạnh phúc của mối tình đầu say mê, trong trắng với Kim Trọng thì bất ngờ gia đình Kiều bị vu oan, giáng họa. Không đành lòng để cho gia đình tan nát, Thúy Kiều đau đớn trao duyên cho Thúy Vân, tự nguyện bán mình để lấy tiền cứu cha và em trai.
Lợi dụng tình cảnh đau đớn của Kiều, Mã Giám Sinh “vốn là một đứa phong tình đã quen” đánh tiếng cưới nàng về làm thiếp nhưng thực sự là hắn mua Kiều về cửa hàng thanh lâu của hắn với mụ Tú Bà ở Lâm Tri. Đoạn trích này miêu tả màn kịch mua bán, qua đó “lột mặt nạ” của Mã Giám Sinh và thể hiện nỗi đau đớn ê chề, mở đầu cho đoạn trường mười lăm năm lưu lạc đầy cay đắng của nàng Kiều.
Với ngòi bút sắc sảo trong miêu tả và nỗi căm ghét của nhà thơ, Nguyễn Du đã lột tả bộ mặt bỉ ổi, tàn ác, ghê tởm của bọn “buôn bán thịt người”. Trong màn kịch này, Mã Giám Sinh đóng vai chàng sinh viên Quốc Tử Giám đến để làm “lễ vấn danh”, xem mặt, dạm hỏi Thuý Kiều về làm vợ lẽ. Gã sinh viên giả hiệu “người viễn khách” mờ ám này, mù mờ từ tên họ đến tên quán. Và ngòi bút thần tình của Nguyễn Du cứ mỗi nét lại khắc hoạ rõ hơn chân dung của Mã Giám Sinh và cái bản chất con buôn ghê tởm của hắn:
“Quá niên trạc ngoại tứ tuần…
“Ghế trên ngồi tót sỗ sàng”
Mã Giám Sinh đã “ngoại tứ tuần” mà vẫn “áo quần bảnh bao”, “mày râu nhẵn nhụi”, rõ ra một gã trai lơ. Lũ thầy, tớ chúng kéo đến nhà Kiều thật là nhốn nháo, lố lăng … và cái cử chỉ “ghế trên ngồi tót sỗ sàng” đã làm rơi cái mặt nạ sinh viên, phơi bày chân tướng của một tên vô học, thô lỗ của hắn.
Nguyễn Du cứ “khách quan” miêu tả cảnh mua bán vậy mà cái bản chất thật của Mã Giám Sinh vẫn bị lột trần, phơi bày bằng hết. Dẫu được khéo léo che đậy bằng mọi thứ mánh lới xảo quyệt nhưng diện mạo, thái độ, cử chỉ, hành vi và ngôn ngữ của hắn vẫn tự tố cáo bản chất đích thực của một tên “buôn thịt bán người” đê tiện.
Trong con mắt của Mã Giám Sinh, nàng Kiều cùng với tài sắc của nàng chỉ là một món hàng rồi đây sẽ sinh lợi cho hắn. Hắn đắn đo khi “cân sắc, cân tài”, hắn “ép”, hắn “thử” tài nghệ của nàng; nhấc lên, đặt xuống, xoay vần đủ kiểu hệt như người ta mua bán một món hàng. Khi đã hoàn toàn vừa ý, bản chất con buôn của hắn vẫn còn lộ ra ở cái thái độ “tuỳ cơ dặt dìu” khi mặc cả. Bản chất đó còn được che đậy bằng những lời lẽ mĩ miều, sang trọng:
“ Rằng mua ngọc đến Lam Kiều
Sính nghi xin dạy bao nhiêu cho tường?”
Thì cuối cùng bộc lộ một cách trắng trợn và bỉ ổi nhất:
“Cò kè bớt một, thêm hai
Giờ lâu ngã giá vàng ngoài bốn trăm”.
Với sự mặc cả “cò kè” ti tiện, bẩn thỉu này, màn kịch “lễ vấn danh” lộ rõ thực chất là một cảnh “mua thịt bán người” một cách trắng trợn và Mã Giám Sinh hiện nguyên hình là một tên con buôn ghê tởm và đê tiện nhất.
Trong đoạn trích này, hình ảnh Thúy kiều hiện ra với tất cả những buồn khổ, xót xa, ê chề, tủi hổ. Là một cô gái tài sắc vẹn toàn, đang sống trong cảnh “êm đềm trướng rủ, màn che, tường đông ong bướm đi về mặc ai”, lại đang ngây ngất trong hạnh phúc của mối tình đầu trong trắng thì thình lình tai họa ập đến, Kiều trở thành một món hàng cho bọn “buôn thịt, bán người” trao tay mua bán, cò kè, mặc cả. Tâm hồn nhạy cảm của nàng đã cảm nhận sâu sắc cảnh ngộ éo le, vừa hổ thẹn, vừa dơ dáy, vừa đau đớn, nhục nhã của mình:
“Nỗi mình thêm tức nỗi nhà………….
Ngừng hoa bỗng thẹn, trông gương mặt dày”.
Kiều vừa xót xa cho mối tình của mình (nỗi mình), vừa xót xa cho gia đình (nỗi nhà), lệ rơi khôn cầm. Kiều ra với Mã Giám Sinh như cành hoa đem ra trước sương gió, cho nên “ dợn gió, e sương”, vì sương gió làm cho hoa tàn, hoa rụng. Và vì tự ví mình với hoa nên thẹn thùng khi nhìn thấy hoa, tự thấy không xứng với hoa. Đó là cái đạo đức thầm kín của Kiều. Trong khi đó mụ mối cứ giới thiệu Kiều như một món hàng, một đồ vật: “vén tóc, bắt tay” cho khách xem. Bắt nàng làm thơ, đánh đàn cho khách thấy. Còn Kiều thì “nét buồn như cúc, điệu gầy như mai”.
Trong màn kịch “lễ vấn danh” này, dưới sự “đạo diễn” của mụ mối và theo đòi hỏi, nài ép của Mã Giám Sinh, Kiều “nhất cử, nhất động” đánh đàn , làm thơ như một “cái máy”. Bán mình để chuộc cha, cứu em là hành động tự nguyện của nàng nên nàng chịu đựng và cam chịu tất cả.
Qua ngòi bút của Nguyễn Du, nàng Kiều hiện lên với sự im lặng tuyệt đối mà vẫn không sao dấu được sự đau đớn, xót xa, tủi nhục, ê chề bởi nàng là người luôn có ý thức về nhân phẩm mà lại bị chà đạp lên nhân phẩm một cách nhục nhã. Kiều đau uất trước cảnh đời ngang trái, đau khi nghĩ tới”nỗi mình” – tình duyên dang dở, uất bởi “nỗi nhà” bị “vu oan giáng họa”, Bao trùm lên tâm trạng của Kiều là sự đau đớn, tái tê “thềm hoa một bước, lệ hoa mấy hàng”!
Phải nói, trước sau, Nguyễn Du cũng đã miêu tả cảnh bán người như là cảnh “cành hoa đem bán cho thuyền lái buôn”. Bằng việc miêu tả ngoại hình, cử chỉ và ngôn ngữ đối thoại, Nguyễn du đã khắc họa được tính cách nhân vật, tác giả đã bóc trần bản chất xấu xa, đê tiện của Mã Giám Sinh, qua đó lên án những thế lực tàn bạo chà đạp lên tài sắc, nhân phẩm của người phụ nữ đồng thời bộc lộ sự thương cảm sâu sắc bởi nỗi đau oan trái của Thúy Kiều ngay từ buổi đầu của đoạn đời lưu lạc đầy bất hạnh của nàng.
Có thể bạn thích: