Thái Bình là một vùng đất mà ngay khi nghe tên đã cảm thấy hồn Việt đong đầy. Con người Thái Bình nổi tiếng giản dị nhưng vô cùng thông minh, sáng tạo. Bạn sẽ ngay lập tức cảm thấy yên bình khi đặt chân lên mảnh đất này. Có lẽ do đó mà những sản vật nơi đây cũng rất bình dị, thấm đượm hồn quê, đã thử thì rất khó quên, nhẹ nhàng nhưng rất thấm.
Nộm sứa Thái Thụy
Thái Thụy là một huyện ven biển nên không chỉ nổi tiếng với những khu du lịch, khu sinh thái, đây còn là nơi bắt nguồn của những món ăn từ biển cả lấy lòng rất nhiều du khách. Nộm sứa là có nguyên liệu chính là sứa tươi bắt từ biển về, được làm sạch và sơ chế và ngâm muối phèn để giảm bớt vị mặn chát của biển và tạo độ giòn dai. Sứa được thái thành miếng, bóp chua với chanh, dấm, đường, tỏi, ớt và gia vị, sau đó trộn với lạc rang, xoài xanh nạo, ăn kèm với rau húng. Nộm sứa khi ăn có vị thanh mát, giòn dai của sứa, vị bùi của lạc, chua chua ngọt ngọt của xoài xanh, chanh, đường, và thoang thoảng vị cay của ớt. Đây là món ăn cực kỳ gây nghiện vào mùa hè đó.
Giá: Khoảng 30.000đ/túi 300g.
Bánh cáy làng Nguyễn
Có lẽ chỉ nhìn miếng bánh dẻo thơm ấy du khách sẽ không thể tưởng tượng được sự cầu kỳ, tỉ mỉ của người nghệ nhân trong quá trình làm bánh. Nguyên liệu làm bánh phải được xử lý từng khâu, trộn theo tỷ lệ chuẩn để bánh đạt được hương vị đặc trưng của làng Nguyễn, Nguyên Xá, Đông Hưng, Thái Bình. Gạo nếp cái hoa vàng một phần được đồ xôi với nước quả gấc để có màu hồng, một phần đồ với nước quả dành dành để có màu vàng tươi, sau đó phải giã bằng chày cho đến khi nhuyễn mịn. Gạo nếp, lạc, vừng rang thơm, bỏng nổ, nước cà rốt, nước gừng tươi, tinh dầu hoa bưởi, mỡ phần, mứt bí, cùi dừa thái lát, đường mía, chỉ kể tên nguyên liệu mà đã thấy được tinh hoa đất trời kết tinh hết trong loại bánh nhìn không mảy may hào nhoáng ấy. Qua bàn tay khéo léo và tâm sức của người nghệ nhân làng Nguyễn, bánh cáy được tạo ra mang cả hồn đất hồn người. Trong tiết trời lạnh giá mà được nhâm nhi lát bánh cáy cùng một tách trà thì du khách sẽ cảm thấy yêu mùa đông hơn nhiều đấy.
Giá: Khoảng 20.000đ/250g.
Ổi bo
Giống như vải thiều Thanh Hà, nhãn lồng Hưng Yên, ổi bo Thái Bình là một loại quả đặc trưng của mảnh đất Thái Bình. Vải thiều chỉ ngon nhất khi trồng ở Thanh Hà, Hải Dương, nhãn lồng chỉ ngọt ngào nhất khi trồng ở Hưng Yên, và ổi bo cũng chỉ giòn ngon nhất khi trồng ở xã Hoàng Diệu, thành phố Thái Bình. Thời tiết và chất đất nơi đây phù hợp để tạo nên một giống ổi có vị ngọt mát, giòn, cùi dày và không cứng, ít hạt. Ổi bo có thể được trồng ở nhiều nơi và giá thành có thể rẻ hơn nhưng chắc chắn không vẹn nguyên hương vị đặc trưng của ổi bo xã Hoàng Diệu được.
Giá: Khoảng 35.000đ – 40.000đ/kg.
Bánh nghệ
Bánh nghệ là đặc sản sản của vùng Tiền Hải, Thái Bình. Bánh nghệ được làm từ gạo tẻ và củ nghệ nên ăn không bị ngán. Bánh nghệ cũng là loại bánh được làm khá cầu kỳ. Gạo tẻ ngâm khoảng 5 tiếng rồi vớt ra cho vào xay cùng củ nghệ. Sau khi xay thì cho vào hấp khoảng 40 phút để bột không chín hẳn mà chỉ dẻo mịn và cho vào máy đánh nhuyễn lần thứ 2. Nhân bánh được làm từ tóp mỡ xay nhuyễn, hành củ, hạt tiêu, bột quế, bột gạo… Vị béo ngậy của nhân bánh được cân bằng bởi vị thanh và hương thơm của nghệ. Bánh nghệ hay được làm vào dịp tết gia đình quây quần thưởng thức như một loại bánh truyền thống.
Giá: Chỉ khoảng 1.000đ/cái.
Kẹo lạc làng Nguyễn
Người dân làng Nguyễn thật sự tinh tế và tâm huyết với những thức quà quê hương. Ở Thái Bình, mở đầu câu chuyện khi đến nhà chơi người ta hay mời khách chén trà và thanh kẹo lạc, đặc biệt là vào dịp Tết. Đó là một nét văn hóa rất dung dị, gần gũi mà thanh tao. Cùng với bánh cáy, kẹo lạc cũng là một thức quà để biếu khi Tết đến xuân về. Kẹo lạc được làm từ lạc chắc mẩy, rang chín giòn và phải giữ nguyên vị bùi béo, vừng rang thơm rồi trộn với mạch nha đun chảy, dẻo quánh, đổ ra khuôn rồi cắt thành từng thanh kẹo vừa xinh. Kẹo lạc giòn tan, vị ngọt đằm của mạch nha, vị bùi béo của lạc, rất giản dị nhưng lại hòa quyện tạo nên một hương vị mà ăn mãi vẫn thèm.
Giá: Khoảng 40.000đ/500g.
Có thể bạn thích: