Bắc Ninh không chỉ nổi tiếng với những làn điệu quan họ mượt mà thể hiện nét đẹp ngàn đời của xứ Kinh Bắc mà tại đây còn có những món ăn đặc sản nức tiếng xa gần khiến ai lỡ ăn một lần cũng không thể quên.
Bún làng Tiền
Từ lâu, bún đã trở thành món ăn không thể thiếu trong đời sống của người dân Kinh Bắc nói riêng, cả nước nói chung. Mỗi khi thưởng thức món riêu cua, chả nướng… họ đều nhắc tới bún làng Tiền, xã Khắc Niệm, thành phố Bắc Ninh. Tất cả các công đoạn từ chọn gạo, xay bột, làm chín, ép qua khuôn tạo sợi đều rất tỉ mỉ và công phu mới có thể làm ra những sợi bún tươi ngon, dẻo dai như vậy.
Gà Hồ
Chẳng biết gà Hồ có từ bao giờ nhưng tên tuổi của nó gắn với dòng tranh Đông Hồ thì không ai phủ nhận. Giống gà này rất đẹp mã, thịt thơm ngon nên ăn một lần thì sẽ nhớ mãi chẳng thể quên.
Thịt chuột Đình Bảng
Nói đến thịt chuột nhiều người sẽ có cảm giác ghê sợ nhưng ở Đình Bảng đây lại được coi là đặc sản. Từ lâu lắm rồi, thiên hạ đồn thổi “cỗ Đình Bảng không có thịt chuột là không to”. Chỉ một câu nói ngắn gọn như này cũng đủ hiểu món thịt chuột “đặc biệt” với người dân tại đây ra sao. Và có thể nói cỗ thịt chuột ở Đình Bảng đã đạt tiêu chí nghệ thuật ẩm thực xứ Kinh Bắc ngàn năm văn hiến nên tiếng lành đồn xa là thế.
Bánh phu thê Đình Bảng
Đình Bảng là nơi gắn bó với phát tích của triều Lý và cũng là nơi đầu tiên làm ra loại bánh phu thê (hay được gọi là bánh xu xê hoặc bánh xu xuê). Bánh thường được gói thành từng cặp là một trong những lễ vật không thể thiếu trong đám cưới hỏi của người Kinh Bắc, như một biểu tượng chung thủy của lứa đôi. Bánh phu thê – thứ bánh ngon từ lúc ngắm bằng mắt cho đến khi tận hưởng hương vị đặc biệt không chỉ là thứ quà quê dân dã được lòng hành khách ghé chơi mà còn là đặc sản nổi tiếng của vùng Kinh Bắc. Loại bánh đặc biệt này chứa đựng biết bao hàm ý mà người dân muốn gửi gắm và mang những giá trị văn hóa vô cùng độc đáo.
Bánh tẻ làng Chờ
Ai đã từng ăn bánh tẻ (hay còn gọi là bánh răng bừa), một thứ quà quê nổi tiếng của huyện Yên Phong thì sẽ khó mà quên được vị ngọt từ thịt, mùi thơm của hành, cái giòn của mộc nhĩ và sự dẻo thơm của bột bánh.
Cỗ chay Đào Xá
Không chỉ được biết đến là làng quan họ gốc mà người Đào Xá còn có tài làm cỗ chay đãi khách vừa ngon vừa khéo. Cứ vào ngày hội chùa (mùng 7 tháng Giêng) hàng năm, người dân tại đây lại làm cỗ chay đãi khách. Đặc biệt, trong mâm cỗ chay mời khách của làng Đào Xá, món bánh cắp và chái cái là hai món đặc trưng không thể thiếu.
Có thể bạn thích: